Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 1 (2)
ĐI LÍNH

Kể từ cuối những năm 50, khi ông Diệm chính thức được người Mỹ công nhận trên cương vị tổng thống, người Việt tự hiểu rằng việc đổ máu là không thể tránh khỏi, ông vốn là một người cứng rắn, khó thương lượng. Những ngâm khúc chinh phụ(17) sẽ lại râm ri, không biết đến bao giờ. Đi lính hay trốn lính, là hai hành vi mang tính chính trị rõ ràng, nổi cộm của cả một thời, kéo dài suốt mấy chục năm trên toàn cõi Việt Nam.
 
Mấy năm trước người ta đã đến nhà gọi đi lính nhiều lần nhưng không được, ba Thường rất ngang tàng, tội nghiệp cho những ai là học trò của ông. Người ta đến động viên, có đầy đủ quân quyền, vũ khí, thế mà ông chửi như chửi con mình rồi mời đi, chỉ vì ông là người thân cộng, luôn phản đối chiến tranh, lại là sư phụ của bọn họ.
 
Nhưng việc quân luôn luôn là việc công, tình thầy trò chỉ là chuyện nhà. Động viên được Thường là thành tích của chính quyền địa phương, nên cấp trên hỗ trợ bằng cách gửi đến một đại úy tâm lý chiến. Dù không phải là võ sinh của ba Thường nhưng hắn cố tình gọi ông là thầy xưng con rất ngọt:
- Con thừa nhận thầy không cho em nó đi lính là có lý, con rất hiểu ý thầy. Đã từ rất lâu con không hề ủng hộ cuộc chiến tranh này-hắn nhỏ nhẹ tâm tình.
- Ông đại úy cứ dậy, tôi đang nghe-Ba Thường tỏ ra phòng thủ.
- Dạ không dám-hắn tiếp bằng giọng Bắc rặt(18) ­như thầy thấy đấy, có rất nhiều người gốc Bắc như con đang là lính ở bên này. Còn bên kia nghe nói họ nhà con đều là lính cả, ấy nhầm, bộ đội chứ, thế nào chả có ngày đối đầu nhau, thầy nghĩ thế không phải là nồi da xáo thịt là gì?! Kể ra Việt cộng họ có phần đúng.
Ba Thường rất khó chịu về cách nói chuyện không đâu vào đâu của hắn, hình như hắn tán gẫu với mình, ông ngồi ngả hẳn ra so-fa rồi bắt đầu tranh luận.
- Ông đại úy không nói quá lên đấy chứ? À mà Việt cộng họ nói về chuyện này thế nào cà(19)?
- À, chuyện ở hội nghị Paris(20) ấy mà, bà Bình thì chỉ cần người Mỹ rút quân và hứa không can thiệp chuyện nội bộ của người Việt nam. Nhưng người Mỹ thì chưa muốn vì sợ ông Thiệu không đấu lại bà Bình.
- Thế sao? Mà bà Bình là người ở đâu, làm sao ông biết bà ấy?
 
Ông tỏ ra quan tâm hơn, về chính trị mặc dù ông không hiểu sâu lắm, nhưng theo dõi hàng ngày nên nghe nói đến chuyện này ông cảm thấy phấn chấn.
- Bà ấy là người...đâu ở Bến tre thì phải. Xin thầy, bài này con chưa thuộc ạ -Hắn muốn làm cho ông cười và bớt căng thẳng, nhưng chỉ có đám lính đi theo cười to nên hắn quắc mắt bảo chúng yên.
- Thế bà ấy là Việt cộng à?-Ông vẫn lạnh lùng chất vấn hắn.
- Vâng thưa thầy-hắn cũng tỏ ra hăng hơn-bà ấy là một Việt cộng rất xuất sắc, nên con tin là sẽ chấm dứt chiến tranh sớm thôi-Hắn vẫn dùng chiêu cũ.
- Vậy sao? Thế các ông bắt lính thêm để làm quái gì?
Ông tính hạ đo ván hắn, nhưng quả không dễ.
- Thưa thầy, nếu thầy cho phép, con xin nói những điều có thể thầy chưa nghe bao giờ-Hắn đổi chiêu thức.
- Ông đại úy cứ dậy-Ông vẫn tự tin và gai góc như cũ.
- Thưa thầy, cuộc chiến nào cũng có tổn thất, tất nhiên ở cả hai phía. Nhưng trong các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn(21), tổn thất nghiêm trọng hơn cả là..., đó là mất nước.
Hắn dở chiêu ruột ra, ông giật mình, chăm chú hơn. Hắn tiếp:
- Bọn ngoại xâm chỉ chờ cơ hội hai bên tàn sát nhau đến kiệt quệ là nhẩy vào.
Hắn chờ đợi, ba Thường phản ứng:
- Ông đại úy dậy phải, nhưng “thằng kia” không phải thằng Mỹ thì là thằng quái nào.
 
Ba Thường quyết liệt, ông tính hạ hắn và toan đứng dậy. Cả nhà Thường ồ lên, nghĩ là kết thúc cuộc thương thuyết ngay, nhưng hắn không phải người dễ từ bỏ mục đích chính của mình.
- Thưa thầy thằng Mỹ thì ai cũng thấy, nhưng thằng khác thì đang núp rất kín, đáng sợ đấy. Thưa thầy, về lý thuyết là nếu cứ nước đến chân mới nhẩy thì thầy trò mình chết hết, gay lắm.
- Lý thuyết của ông hay đấy, nghe như sáu câu(22). Còn thực ra thì sao ông đại úy?
Thường ngây thơ, thấy hắn dai như đỉa lại học rộng, cứ tưởng phen này ba mình thua hắn, ông giỏi thật, vẫn còn tiếp. Thường thán phục ông thực sự.
- Dạ, thực ra là thế này ạ. Hiện nay Trung Hoa đang có quan hệ mật thiết với Việt cộng, trước đây họ đã từng có ý đồ mang quân sang miền Nam Việt nam, thời ông Hồ Chí Minh còn sống, mưu đồ của họ không qua được mắt ông Hồ nên lại thôi. Họ tạm ngưng nhưng âm mưu thì vẫn còn đấy, thầy nghĩ nguy cơ mất nước chẳng cao là gì?.
- Thôi được, lý thuyết của ông nhiều quá. Tôi tạm thua, nhưng không muốn thằng Út nhà tôi cầm súng, ông tính sao đại úy?
 
Mặc dù bỏ dở trung học nhưng khi nghe hắn nói đến ông Hồ Chí Minh, nhìn nét mặt ba mình giãn ra, Thường cũng thấy mình phải đi lính trong đợt này.
 
Ông ít được nghe về lý luận chiến tranh, nay thấy hắn hoa môi múa mép một lúc kể cũng có lý, hắn lại còn biết cả chuyện cụ Hồ nữa, ông dịu dần rồi thỏa hiệp. Hắn hứa là cho Thường đi nước ngoài học về kỹ thuật tàu thủy, không hề đụng chạm đến vũ khí, không bao giờ giết người, hắn cũng thừa nhận rằng cuộc chiến nồi da xáo thịt này quả là không có tính người.
 
Ba Thường đồng ý cho con đi lính trên cơ sở lời hứa danh dự của hắn, hy vọng con mình có một cái nghề để kiếm sống sau này.
 
Bọn lính đi theo đại úy hôm ấy cũng được nghe những bài học rất chí lý về nhân văn, và cả về chiến tranh nữa, chúng phục lăn. Từ khi đại úy Kiên về nhận công tác dân vận vùng này, đây là lần đầu tiên chúng được chứng kiến sự xuất sắc trong nghề tâm lý chiến, thảo nào hắn chưa học đã tốt nghiệp, lại lên chức nhanh đến như vậy.
______________________
Chú thích:
(17) Chinh phụ ngâm: là một tác phẩm thơ, nói về thân phận của người vợ trong thời loạn, lòng nặng đau khi tiễn chồng ra biên ải.
(18) Rặt, là thuần khiết, không pha tạp.
(19) “Thế nào hả” - theo tiếng địa phương.
(20) The Paris Peace Accord, ký ngày 27 tháng Giêng năm 1973 tại Paris, thủ đô nước cộng hòa Pháp. Hiệp định ký kết giữa các bên Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Hà nội), Việt Nam Cộng Hòa ( Sài gòn). Bà Nguyễn Thị Bình thay mặt cho chính phủ lâm thời Miền Nam VN, nguyên là phó chủ tịch nước Việt Nam.
(21) Huynh đệ tương tàn: anh em trong nhà tàn sát lẫn nhau.
(22) Sáu câu vọng cổ Nam Bộ, nghe rất mùi mẫn.