UỐN GẶP ÔNG BÀ GLEGG TẠI NHÀ, CHÚNG TA phải vào St Ogg’s - một thị trấn cổ kính với những ngôi nhà mái đỏ và những kho hàng mênh mông, nơi các thương thuyền cất lên hàng hóa của miền cực Bắc và đem đi những sản phẩm quí giá như phó mát thượng hạng và bầy cừu ống mượt của địa phương. Đây là một cổ đô thị thể hiện cho định luật tiến hóa, một cổ đô thị cho tới nay vẫn còn dung chứa nhiều dấu tính, sắc thái của các thời kỳ phát triển lâu dài trong quá khứ. St Ogg’s vẫn tiếp tục vương lên từ vị trí giữa dòng sông Floss và một ngọn đồi thấp kể từ ngày quân viễn chinh La Mã rút khỏi các doanh trại trên sườn đồi, và các ông hoàng Viking của biển cả ngược dòng sông, nhìn những cánh đồng bát ngát với đôi mắt hăm hở. Đây là một thị trấn của những năm quên lãng. Bóng ma của nhà vua oanh liệt Saxon vẫn còn đi lại trên đường phố, hồi tưởng những khung cảnh huy hoàng của thời quá khứ để gặp gỡ bóng ma sâu thẳm của bạo chúa Đan Mạch, kẻ đã bị đâm chết ngay giữa đoàn quân mình bởi thanh gươm của một kẻ địch vô hình, để rồi sau đó, cứ mỗi chiều lại rời khỏi phần mộ trên đồi, đi lang thang trong sân tòa lâu dài cổ trên bờ sông – nơi ông đã bị giết chết một cách huyền bí trước ngày tòa lâu đài đuoc dựng lên – Chính người Normandie đã khởi công xây cất tòa lâu đài này và cũng như thị trấn, tòa lâu đài đã nói lên tư tưởng và công trình của nhiều thế hệ khác nhau, nhưng dầu sao nó cũng khá già nua để chúng ta có thể tha thứ được những lối kiến trúc tương phản của chính nó. Nhưng lâu đời hơn cả tòa lâu đài này có lẽ là một bức vách hiện nằm trong phạm vi tháp chuông của giáo đường thành phố. Tương truyền rằng bức vách này là một phần của ngôi giáo đường được xây cất để dâng tặng cho Thánh Ogg, vị thánh bổn mạng của thành phố. «Ogg, con trai của Beorl», theo lời người tham khảo Thành Tích Thơ «là một người lái đò sống độ nhựt bằng cách đưa khách qua sông Floss. Một chiều kia, trời bỗng nổi giông, có một người đàn bà dáng dấp tiều tụy, rách rưới, ấm một đứa bé trên tay, than vãn và năn nỉ được đưa qua sông. Người ở bến đò hỏi bà: «Giờ này làm sao qua được? Bà nên nghĩ lại đây qua đêm, chờ tới sáng hãy qua, như vậy mới là người khôn ngoan». Nhưng người đàn bà không bằng lòng, cứ than vãn mãi. Lúc đó, Ogg, con trai của Beorl, bước tới: «Tôi sẽ đưa bà qua sông, con người chỉ cần có tấm lòng là đủ». Và khi đã tới bờ bên kia, bộ quần áo rách rưới của người đàn bà bỗng biến thành bộ y phục tươm tất, trắng muốt, gương mặt bà bỗng đẹp rạng rỡ và hào quang từ người tỏa ra soi loáng mặt nước dưới ánh trăng rầm. Bà phán: «Hỡi Ogg, con trai của Beorl, người sẽ được phép lành vì đã không tỏ ra ngần ngại trước việc thiện. Từ nay về sau, bất cứ ai bước lên thuyền này sẽ được qua khỏi mọi tai ương, giông tố, và người và vật nào được chiếc thuyền này cứu, sẽ nhứt định thoát chết». Rồi nạn lụt xảy ra, đã có rất nhiều sanh mạng được chiếc thuyền đó cứu. Nhưng khi Ogg, con trai của Beorl, chết đi và được lên thiên đàng thì chiếc thuyền tự bứt đứt chiếc dây buộc, xuôi thủy triều ra biển cả, và từ đó không còn ai thấy nó. Tuy nhiên, trong một trận lụt xảy ra sau đó, Ogg, con trai của Beorl, xuất hiện với con thuyền của Ngài trên sóng nước, và Đức Thánh Mẫu ngồi ở mũi thuyền, tỏa hào quang». Huyền thoại này có lẽ đã bắt đầu từ một trận lụt xa xưa, dầu không làm thiệt hại sanh mạng con người, nhưng đã tàn sát tất cả gia súc và cuốn đi tất cả những sinh vật nhỏ nhoi. Nhưng thị trấn còn gặp phải nhiều điều nguy hai hơn cả thủy tai - thị trấn đã từng là đấu trường của nhiều cuộc nội chiến, tín đồ Thánh giáo tàn sát đảng viên Bảo Thủ, đảng viên Bảo Thủ tiêu diệt tín đồ Thánh giáo. Nhiều danh giá vọng tộc vì thế mà tàn lụn, nhiều người giàu sang, thế lực vì thế mà phải tha phương cầu thực. Ngày nay vẫn còn sót lại khá nhiều ngôi nhà của những kẻ không may đó: những ngôi nhà cổ kính quay mặt ra sông chen chúc cùng những kho tàng lớn vừa mới cất với những ngõ hẻm ngang dọc dẫn ra cho tới bờ đất bùn của dòng sông. Đó là quang cảnh ở bến tàu, còn trong phố chợ thì hầu hết các ngôi nhà đều mang sắc thái giản dị như nhau. Vào thời bà Glegg, nhà cửa không còn mang kiểu kiến trúc tương phản nhau như các tòa lâu đài cũ, không còn những thương hiệu gắn kiếng, không còn những ngôi nhà tô hồ ngoài mặt tiền. Cửa các thương hiệu đã nhỏ lại và giản dị hơn, vì vợ con các điền chủ, trong những ngày ra chợ mua sắm, chỉ tới các cửa hiệu nổi tiếng và quen thuộc với họ thôi. Đó là những nét chính của thị trấn St Ogg’s vào thời bà Glegg, và có thể nói đúng hơn nữa là vào thời kỳ bà Glegg có chuyện bất hòa với ông Tulliver – thời mà sự dốt nát còn rất được ưa chuộng, thời mà các bà mặc áo dài lụa túi rộng, chứa một miếng xương cừu để ngừa chứng co giựt. Bà Glegg cũng mang một miếng xương cừu thừa hưởng của ngoại tổ mẫu và một chiếc áo dài thêu có thể đặt đứng được như một áo giáp. Bà cũng có một cây gậy đi đường, đầu bịt bạc, vì Dodson là một giòng khả kính từ nhiều thế hệ qua. Nhà bà Glegg có hai phòng khách, một ở trước và một sau, vì vậy cũng có hai quan điểm khác nhau để nhận xét những tật xấu của người ngoài. Từ cửa sổ phòng khách trước, bà có thể nhìn được đường Tofton, con đường dọn ra ngoại ô thị trấn và ghi nhận được khuynh hướng ăn mặc của các bà con từ cửa sổ phòng khách sau, bà có thể nhìn được toàn vẹn khu vườn hoa và cây ăn trái của ông Glegg trải dài tới bờ sông, và quan sát chồng bà cặm cụi suốt ngày bên những bụi hoa, luống cải. Ông Glegg sau một thời gian hoạt động trong ngành buôn len, đã chấm dứt công việc để hưởng nhàn và rồi ông chợt nhận ra việc làm vườn quyến rũ hơn việc buôn bán len ngày trước, và kể từ đó ông bắt đầu làm việc gấp hai lần khả năng của một nhà vườn bình thường. Có lẽ nhờ vào hoa lợi khả quan của khu vườn mà bà Glegg đã nhắm mắt bỏ qua cho hành động «điên rồ» đó. Sáng nào bà Glegg cũng ngồi vào bàn điểm tâm với bộ mặt cau có: vì hà tiện nên bà phải tự tay sửa soạn đồ điểm tâm, và sáng nay bà cũng mang bộ mặt đó. Thấy vậy, ông Glegg – ngồi xuống ghế với món cháo bắp nấu sửa, món điểm tâm thanh đạm thường ngày của ông – đã khôn ngoan quyết định nhường cho vợ mình nói trước bởi vì một khi người đàn bà đó nổi giận thì chỉ cần đụng chạm một chút cũng có thể gây chuyện lớn. Những người hay nổi giận như bà Glegg thì cũng rất hay hờn, vì thế sáng nay bà pha trà cho mình loãng hơn thường lệ và không thèm đá động gì tới dĩa bơ. Bà cứ rình mò tìm cơ hội để gây gổ với chồng, nhưng trước sự im lặng của ông, cơ hội đã không tới được. Dần dần, bà Glegg nhận thấy rằng sự im lặng của chồng cũng là một cơ hội để mình đạt được mục đích: - Ông Glegg! Đó có phải là phần thưởng dành cho tôi sau bao nhiêu năm làm vợ ông không? Nếu quả thật ông cố tính đối đãi với tôi như vậy thì tôi sẽ rời khỏi căn nhà này ngay. Ông Glegg ngừng ăn, ngẫng lên, chẳng có vẻ gì ngạc nhiên cho lắm: - Ủa! Bà Glegg, tôi có làm gì đâu? - Ông không làm gì hả? Không làm gi?... Buồn cho ông quá. Ông Glegg bình thản tiếp tục với món cháo sửa. Bà Glegg tiếp: - Tôi không hiểu tại sao lại có những người chồng cứ ngồi trơ ra đó nhìn người khác nhục mạ vợ mình. Có lẽ tôi sai lầm, ông có thể chỉ dạy cho tôi thêm. Nhưng tôi thường nghe nói bổn phận làm chồng là phải bênh vực cho vợ, chứ không phải vui mừng như đắc thắng khi thấy vợ mình bị người ta sỉ nhục. Ông Glegg vẫn dịu dàng và kiên nhẫn như thánh Môi Se: - Tại sao bà nói vậy? Tôi vui mừng, đắc thắng hồi nào đâu? - Thái độ của ông còn tệ bạc hơn cả lúc ông nói ra miệng nữa, ông Glegg. Ông cứ tìm đủ mọi lý lẽ để binh vực cho mọi người, trừ tôi ra, và sáng nay ông lại điềm nhiên ngồi ăn, còn tôi thì suốt đêm qua chẳng hề nhắm mắt. Ông coi tôi như bụi bặm dưới chân ông chớ gì. Ông Glegg khôi hài: - Tôi mà coi bà như bụi bặm? Bà cứ y như một người say, lúc nào cũng cho mình là nhứt. - Này ông Glegg, ông đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách đem những lời nói hạ cấp đó ra với tôi. Nó chỉ càng làm cho ông nhỏ nhoi thôi, ông chẳng biết tự trọng chút nào hết. Một người như ông đáng lý phải ăn nói đứng đắn hơn. Ông Glegg không nhịn được lâu: - Phải, nhưng bà có chịu nghe lý lẽ của người ta đâu. Tối qua tôi đã nói cạn lẽ với bà rồi – tôi nói bà không nên đòi tiền lại chỉ vì một chuyện cãi lẫy nhỏ nhoi, hơn nữa, cho ông ấy mượn có lợi hơn là bà để không ở nhà. Tôi tưởng là bà đã thấy chỗ thiệt hơn rồi chớ. Nhưng nếu bà có muốn đòi thì cũng đừng đòi gấp quá, như vậy sẽ gây ác cảm trong gia đình, mà hãy chờ cho tới khi nào có một chỗ cho vay thuận lợi khác. Bà Glegg nhận thấy chồng mình có lý, nhưng bà vẫn lắc đầu quầy quậy và hắng giọng vài tiếng để cho ông biết là sự im lặng của bà chỉ có ý nghĩ của một cuộc đình chiến chớ không phải là dấu hiệu của hòa bình. Và thật vậy, cuộc đấu khẩu lại bùng nổ. Sau khi ăn xong món cháo và nhìn vào tách trà lợt, ông Glegg cười khẩy: - Cám ơn bà về tách trà sáng nay, bà Glegg. Bà Glegg nhấc bình trà lên, khẽ lắc đầu: - Rất hân hạnh được nghe lời cám ơn của ông. Ít khi tôi nhận được lời cám ơn của người ta khi tôi làm việc gì giúp họ. Bà con họ hàng của ông cũng vậy. Ông Glegg chua chát: - Khi nào gây gổ xong với chị em, bà con của mình rồi, bà quay sang họ hàng của tôi chẳng muộn. Phiền bà cho tôi chút sữa. - Chưa bao giờ tôi nghe ông nói một câu hàm hồ như vậy cả. Và chắc là ông cũng thừa hiểu như thế. Tôi đâu phải là người hay gây gổ với chị em, bà con của mình. - Ủa! Như vậy thì chuyện gì xảy ra chiều hôm qua là chuyện gì? - Ông Glegg, tôi không cãi lộn với em tôi, ông nói vậy là lầm. Ông Tulliver đâu phải là bà con với tôi, và chính ông ấy đã gây gổ với tôi và tống cổ tôi ra khỏi nhà. Hay ông muốn tôi ở lại để nghe người ta nguyền rủa, hay là ông tiếc không được nghe thêm những lời nhục mạ đổ lên đầu vợ ông. Tôi nói cho ông biết, đó mới chính là mối nhục của ông. Ông Glegg nổi nóng: - Chưa bao giờ tôi nghe nói như vậy cả. Được cung phụng đầy đủ, được quyền giữ tiền riêng, có quần áo đẹp, được hưởng một gia tài lớn lao sau khi chồng mình chết - bao nhiêu đó bà cũng chưa chịu, bà cứ cắn, cứ sủa càn như một con chó điên! Thiệt không thể nào tưởng tượng nổi (ông Glegg chấm dứt câu nói bằng cách đập mạnh hai tay lên bàn). Bà Glegg tháo khăn ăn và xếp lại một cách nóng nảy: - Được, ông Glegg, ông nghĩ vậy cũng được. Nhưng tôi sợ là ông sẽ bị cả xứ này chê cười vì đã cư xử với tôi như vậy - thật là quá sức chịu đựng rồi... Bà Glegg vụt ngừng nói và rung chuông dữ dội: - Sally, chị thắp đèn trong phòng tôi và kéo màn xuống: ông Glegg, ông muốn ăn gì buổi trưa thì bảo bà bếp làm. Còn tôi thì tôi ăn cháo sửa trên lầu. Bà bước tới kệ sách, lấy xuống cuốn «Sự Yên Nghỉ Vĩnh Cửu của Các Thánh» của Baxter, đem lên lầu. Đây là quyển mà bà vẫn thường lật ra trong những trường hợp đặc biệt; những sáng Chúa nhật mưa dầm, những khi gia đình có tang, hay những lúc có chuyện cãi vả với ông Glegg như hôm nay. Nhưng dần dà bà Glegg cũng thấy nguôi ngoai và bình tỉnh lại, có lẽ nhờ cuốn sách của Baxter, hay có lẽ nhờ cháo sửa, hoặc có lẽ tại đề nghị của ông Glegg là cứ để cho ông Tulliver tiếp tục vay món nợ năm trăm bảng có lợi hơn, hoặc có lẽ tại lời tiết lộ của ông Glegg về di sản lớn lao mà ông sẽ để lại sau này cho bà – từ trước tới nay ông vẫn rất kín đáo về hậu sự của mình. Và dĩ nhiên, khi ông Glegg đã bày tỏ thiện chí của mình qua lời chúc thư, thì bà phải nghĩ về ông với nhiều thiện cảm hơn. Vì vậy khi ông Glegg - sau một lúc cuốc đất, giẫy cỏ, đã lấy lại được bản tính vui vẻ, hiền hòa thường lệ – tìm đến lầu cho vợ hay là nhà thờ vừa đổ chuông cáo phó cho ông Morton, thì được vợ đáp lại bằng một giọng thật đại lượng «Ồ, tội nghiệp cho ông ấy!». Lần này, những trang sách của Baxter đã được lật tới lật lui khoản tám tiếng đồng hồ, vì lúc ông Glegg lên lâu là đã năm giờ chiều. Và đêm đó ông bà Glegg lại ngồi nói chuyện với nhau thân mật như chẳng có gì xảy ra. Cuối cùng, ông Glegg đi tới kết luận rằng ông Tulliver chỉ là một người quá nóng nảy, hay dự vào những chuyện lôi thôi và cứ cái đà này thì chẳng bao lâu là sạt nghiệp. Bà Glegg, cũng đồng ý với chồng vài điểm, tuyên bố rằng bà không chấp những kẻ như vậy và vì thương em gái bà sẽ để cho ông Tulliver giữ món nợ năm trăm bảng thêm một thời gian nữa vì bây giờ nếu lấy lại cho người khác vay, bà chỉ hưởng lời có bốn phần trăm thôi.