ầu hè, khi nắng ấm rực rỡ bắt đầu trải dài trên những con đường lát đá của thành phố cổ Aix-en-Provence, lũ sinh viên đến từ khắp nơi nôn nao chực bỏ rơi sách vở và những kỳ thi bộn bề. Ngoài phố đã có nhiều người vác chiếc chiếu nhỏ trên vai, tay cầm thêm khăn lông to xụ, quần lửng, áo lỗ. Họ thong thả tìm đường ra biển sưởi nắng sau bao nhiêu tháng ủ ẩm trong nhà. Vòng xoay La Rotonne đầy khách du lịch từ miền Bắc loay hoay tìm chỗ đậu xe. Đường Cour Mirabeau ngay trung tâm thành phố rợp bóng cây tấp nập khách bộ hành. Chị Thu sáng nào trước khi leo lên xe bus đến trường cũng ghé tai Chi thì thầm đầy háo hức “Rồi tụi mình sẽ đi Marseille tắm biển đã đời”. Chi cười vẻ hưởng ứng nhưng cô biết mình giỏi lắm xả hơi được một ngày. Long cứ phone nhắc thi xong về Avignon phụ anh ngay. Năm ngoái Chi làm ròng rã suốt ba tháng hè đủ trang trải các khoản trong năm học. Mấy ngày đầu ngượng, cô núp sau lưng Huỳnh cắm cúi chiên xào. Được vài hôm, cả chợ quen mặt nhỏ phụ bếp trong chiếc xe “Saigon dans mon cœur” [1] với hai lúm đồng tiền và giọng rao lanh lảnh “Bienvenue à la cuisine Vietnamienne!” [2]. Long thành công bất ngờ nên ưu ái cho thêm Chi bao nhiêu thứ: chén bát, nồi niêu và cả một chiếc T.V cũ coi đỡ ghiền.Chị Thu tìm không ra bạn đồng hành để rong chơi gặp ai cũng chê Chi không biết cách sống, sang đây du học không có nghĩa chỉ biết chúi đầu vô sách vở và đi làm thêm. Chi không hiểu một người bò gần đến chức Tiến sĩ lại chậm hiểu một vấn đề đơn giãn đến vậy. Chị có học bổng, xài phủ phê không hết tiền. Còn Chi, mang theo tất cả niềm hy vọng của gia đình với khoản trợ cấp ít ỏi đủ mua bánh mì gặm trong vài tháng. Khi đi, ba cô chỉ tiễn đứa con gái nhiều kỳ vọng của mình bằng câu “Ba biết con can đảm!”, đủ để Chi không thể khóc dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.Môn “kinh tế vĩ mô” đã thi xong, Yvon chờ Chi ở bồn hoa giữa trường. Đây là chỗ hẹn thường lệ của hai người.-Tối nay mình đi liền - Yvon hào hứng - Phải như thế mới đủ thời giờ cho em thấy hết những cảnh đẹp vùng Provence. Năm nay nắng đẹp quá...- Nhưng... - Chi không nỡ làm bạn thất vọng - Em còn công việc chỗ anh Long...Cô cảm nhận rõ rệt sự hụt hẩng trong ánh mắt Yvon. Đôi môi mọng hay trề và cặp má bầu bĩnh của anh hơn lúc nào hết làm Chi ý thức “trẻ con quá!”.- Thì đi với anh hai ngày thôi, em cũng cần xã hơi chứ - Yvon nài - Rồi sau đó anh chở em thẳng đến chỗ Long.Hồi mới nhập học, suốt mấy tháng đầu Chi không theo kịp bài vở. Thầy giảng nhanh theo phương pháp bắt sinh viên tự thân vận động. Cô lân la lên bàn đầu ngồi làm quen với mấy bạn Pháp nhưng ai cũng ngó lơ. Người phương Tây theo chủ nghĩa cá nhân, hay đề cao cái tôi. Họ không thích giúp đỡ ai tận tình. Thấy Chi có ý làm quen để hỏi han bài vở, họ khó chịu vì bị làm phiền. Tuy ngoài mặt vẫn lịch sự nhưng thái độ lạnh lùng khiến Chi tủi thân mấy phen ứa nước mắt. Hôm đó môn “xác suất thống kê” quá khó, cô đang ôm đầu cúi gầm xuống mớ bài tập trong thư viện thì một tên con trai mặc quần jean rách bươm gối đến hỏi “Hiểu bài không? Có cần tôi giảng lại không?”. Chi nhận ra anh chàng học chung lớp hay ngồi những dãy bàn cuối. “Tôi chắc cô không theo kịp bài. Người nước ngoài làm sao hiểu hết bài giảng. Môn này mà lơ mơ thì không ổn rồi. Tập tôi ghi lại đầy đủ, còn đây là sách đọc dễ hiểu lắm. Cho cô mượn tuần sau trả lại, nếu còn chưa hiểu tôi sẽ giảng cho”. Nói xong anh ta quay lưng đi mất. Chi ngỡ ngàng... Nếu biết trước được sẵn sàng giúp hẵn cô không khổ sở lân la với tụi bàn đầu suốt mấy tháng nay. Tối đó Chi sung sướng chong đèn nghiên cứu tài liệu của vị cứu tinh từ trên trời rơi xuống, gần ba giờ sáng cô lên giường.Đang lơ mơ chưa chìm hẳn vào giấc ngủ vì còn bị những con số ám ảnh, một biến cố đột ngột xẩy ra. Còi báo hỏa hoạn hụ từng tràng náo động đêm khuya. Chi kinh hãi mở cửa phòng thấy tụi sinh viên lố nhố hỗn loạn đầy hành lang. Người ta nói lửa cháy từ tầng bốn. Thang máy cấm sử dụng, sinh viên các tầng trên cuống cuồng đổ ào xuống nghẹt cầu thang. Chi hốt hoảng quay vào phòng kịp quơ cái ba lô đựng giấy tờ, khoác thêm áo lạnh và ngớ ngẩn túm khăn trải giường trùm lên người rồi mới chạy bước thấp bước cao ra cầu thang. Còi báo động vẫn hú từng hồi ghê người. Ở dưới nhà sinh viên đứng nghẹt sảnh tiếp khách. Ai cũng mặc áo ngủ, tóc tai bù xù dựng ngược, chân không giày dép lạnh nhấp nhổm. Đang tiết cuối thu trời khá rét, Chi hài lòng mình kịp quơ theo tấm trải giường, cô trùm kín tận từ đầu xuống chân. Đột nhiên trong không khí nghiêm trọng đó, từng tràng cười nho nhỏ cất lên. Chi e mọi người cười mình, cô quan sát theo ánh mắt bọn sinh viên và bắt gặp...Ân nhân của Chi, anh chàng mới sáng hôm qua đưa tập vở cho mượn rồi hào sảng bỏ đi chưa kịp cho cô cảm ơn đang đứng trong góc cầu thang. Anh ta nép thật sát vào tường, mặt đỏ bừng, hai tay đang khum khum che. Có lẽ anh ở tầng bốn, thấy khói ra mù mịt nên hoảng loạn bổ nhào xuống lầu trong tình trạng này. Bây giờ Chi mới tin người phương Tây thích ngủ thật... thiên nhiên. Mọi người đang phong phanh, có kẻ chỉ mặc cái quần nhỏ xíu nên chẳng ai chịu khó cho anh chàng khỏa thân một chút vải che tạm trong lúc nhiệt độ đang xuống thấp. Ai đó có sáng kiến lấy một tờ bướm quảng cáo để đầy trên bàn đưa anh. Cảnh tượng nhộn nhạo hơn, dường như bọn sinh viên không còn lo lắng đến trận họa hoạn nữa. Tờ bướm đó quảng cáo tiệm cắt tóc phụ nữ. Dòng chữ to “Nơi đây phục vụ quý cô rất tận tình và hiệu quả!” vô tình đặt trúng chỗ làm Chi phải giấu mặt vào tấm trải giường cười rung người. Đội cứu hỏa đến, mọi người bị lùa ra sân. Lúc này răng ai cũng va lập cập. Tờ bướm của ân nhân phấp phới trong gió sớm. Chi chợt nhớ mình là đứa ở đây mặc đồ kín nhất. Cô tháo khăn trải giường đưa ông Adam.Vụ hỏa hoạn chỉ kịp cháy bếp tập thể tầng bốn. Sau sự kiện này Chi học khá hẳn lên nhờ có bạn kèm cặp. Đến năm thứ hai, cô đã nằm trong top ten của lớp. Thỉnh thoảng theo Yvon lên tầng bốn, vào nhà bếp xem anh nấu món thỏ rô ti, cô bất giác đỏ mặt “Làm sao mình có thể kể với tụi bạn bên Việt Nam khởi đầu cho một tình yêu lại là cái màn...hổng giống ai này”.Long khá bất ngờ thấy Yvon đưa Chi đến bằng xe hơi. Anh thích Chi gọi điện cho mình, báo đang ở nhà ga Avignon để anh hấp tấp “Chờ anh mười phút thôi nhe!” rồi phóng xe đến rước. Yvon hồn nhiên khoe:- Tụi em đi chơi vùng Provence, tối ngủ trong lều dưới chân dãy núi Alpilles...Việc Chi có bồ Tây trong lúc nhiều anh Việt Nam theo đuổi là một cái tội. Người ta bóng gió xa gần Chi đã “sống thử” với Yvon như thanh niên bên đây. Mỗi lần cô dẫn Yvon đến chơi, không ai hoan nghênh “tên Pháp búng ra sữa, gốc quí tộc, giàu có sang trọng” này. Huỳnh có lần hỏi thẳng “Yêu nghiêm túc hay lợi dụng?”, còn Long chỉ đều giọng đầy mặc cảm “Em đâu cần phải làm phụ bếp với tụi này, ra trường rồi em sẽ chẳng còn nhớ đến anh chàng đầu tóc lúc nào cũng đầy mùi dầu mỡ!”. Đã có thời gian mọi người và chính bản thân Long tưởng rằng trái tim Chi đã đón nhận anh. Trước khi du học Chi tốt nghiệp khoa ngữ văn Pháp, tâm hồn cô dễ dàng hòa điệu với Long, cũng dân mê Victor Hugor, Standhal và Beaudelaire. Anh có bằng cử nhân văn chương nhưng sau một thời gian phụ giúp người chú làm nhà hàng, loay hoay thế nào cuối cùng chọn nghề chiên rán làm kế sinh nhai. Thấy Chi yêu văn học, nhiều lần Long hứa “Rảnh anh chở em đến những vùng được các nhà văn lấy bối cảnh viết thành sách”. Vùng Provence xinh đẹp anh cũng hứa lâu rồi...Lúc ngồi trên chiếc xe hơi thể thao mui trần chạy êm êm vào những con đường rợp bóng cây, nghe tiếng ve sầu râm ran hát, Chi thầm nghĩ đến Long. Yvon đang hồn nhiên huýt gió bên cạnh, tóc anh túm trong chiếc khăn vải theo kiểu hippie, mắt đeo kính đen cố làm ra vẻ ngầu. Yvon đưa Chi đến làng Saint Rémy có những ngôi nhà bằng đá, cửa gỗ xanh da trời. “Em có nhận ra khung cảnh trong truyện “Lâu đài của mẹ tôi”, “Vinh quang của cha tôi” không? - Yvon nheo mắt hỏi - nhà văn Marcel Pagnol quê vùng này đó!”. Hai người nắm tay nhau dạo bước giữa cánh đồng hoa diên vĩ. Những bông hoa to lớn hướng mặt lên bầu trời vàng rực rỡ. Yvon mua cho Chi mấy tấm bưu thiếp in lại những bức tranh Van Gogh vẽ làng quê Provence. “Còn một tác giả nổi tiếng nữa lấy bối cảnh Provence cho các truyện ngắn của mình - Yvon lấy tay dí dí vào trán Chi - Em đoán ra anh sẽ chở đến, nếu không thật hổ thẹn đã tự nhận yêu văn học Pháp!”. Rốt cuộc Chi đành nhăn nhó biện hộ hai năm nay bị mấy môn “kế toán” và “xác suất thống kê” hành tội quên hết văn chương, thế mà Yvon vẫn đánh xe đến cối xây gió của Alphone Daudet. “A, nhớ rồi! - Chi reo - Tập truyện “Thư từ cối xây gió”. Alphonse Daudet không dùng lối hành văn cao cấp, thích hợp cho người nước ngoài nên em đọc hầu hết tác phẩm của ông”. Và trên sân thượng lộng gió của tòa lâu đài Tarascon nằm bên dòng sông Rhône xanh mát, nghe Yvon thì thầm “Anh là Tartarin xứ Tarascon đây!” [3], Chi biết mình yêu anh thật rồi.Chị Thu vẫn hay cảnh cáo “Em không yêu nó đâu, tình yêu chỉ một mà những tình cảm na ná tình yêu thì nhiều”. Long cũng nghĩ vậy, làm sao Chi có thể yêu một người nhỏ hơn mình bốn tuổi, tính tình hồn nhiên và cuộc đời luôn yên bình. Yvon không đủ sức chia sẻ những khó khăn của cuộc đời này với Chi. Có chăng là những bài vở linh tinh trong trường Đại học. Nhiều lần Chi tự hỏi phải chăng Yvon như chiếc phao trong lúc cô đang bơi giữa dòng vất vả của kẻ xa nhà. Anh học cùng cô, bênh vực cô, làm ấm lên những lạnh lẽo trong một cộng đồng khác văn hóa. Hai ngày cuối tuần về Avignon phụ Long, nhận những chăm sóc của anh Chi bất giác thở dài. Long tế nhị, cư xữ ôn hòa và chỉ kín đáo bộc lộ tình cảm bằng những việc cụ thể. Con trai Việt Nam vốn không có thói quen phô bày cảm xúc. Mỗi sáng thứ hai cầm chéo khăn Long gói những hộp nhựa thức ăn quay về ký túc xá, cô bước đi nặng nề. Gặp lại Yvon sau bốn mươi tám tiếng xa cách, Chi hốt hoảng nhận ra mình không hề nhớ anh trong suốt khoảng thời gian bên Long. Nhưng chỉ cần Yvon chạy như bay đến, ôm ghì lấy cô vào lòng, nồng nhiệt hôn lên vầng trán bướng bỉnh và hét lên “Anh nhớ em quá!” giữa sân trường đầy bọn sinh viên, Chi chắc lưỡi “Còn là gì nữa nếu không phải tình yêu?”.Yvon cuối tuần cũng đi làm phục vụ phòng trong khách sạn ở Marseille. Khách sạn nằm ngay bãi biển nên mùa hè anh kiêm thêm việc cho thuê phao bơi và ghế bố. Đã nghỉ hè nên Chi ở lại quán Long suốt tháng. Khách du lịch đến Avignon rất đông, mỗi ngày đều đắc hàng. Khách sạn ở Marseille cũng quá tải, Yvon làm quần quật từ sáng đến khuya chưa hết việc. Chị Thu tìm không ra bạn đồng hành cuối cùng đành đi Marseille tắm biển một mình. Chị trọ ở khách sạn Yvon làm việc rồi gọi điện dụ khị thế nào mà khuya dọn hàng xong, Long vui vẻ nói với mọi người “Thôi, tiền nhiều quá rồi, mai tụi mình đi Marseille tắm biển xã hơi một ngày!”. Huỳnh trố mắt nhìn anh. Huỳnh theo phụ Long hơn ba năm nay, từ khi anh còn bán trong xe tải nhỏ chở ra chợ trời. Lúc Chi bắt đầu làm, Long vẫn còn kiếp bán rong ngoài chợ. Miệt mài ngày đêm cuối cùng anh cũng tích lũy được vốn mở nhà hàng khá sang. Huỳnh chưa bao giờ thấy Long dám bỏ một ngày kinh doanh để rong chơi. Chi không thích bọn Long đến chỗ Yvon. Lần đầu cô giới thiệu Yvon với anh em trong nhà hàng, mọi người nhìn “thằng Tây” khó chịu. Còn Yvon vừa nghe tên “Long” đã bật cười ngộ nghĩnh “Tên gì kỳ vậy? Anh dài hả? Chắc không?” [4]. Long thường bị dân bên đây chọc quê tên mình nên không mấy bất ngờ, Huỳnh nhún vai nói tiếng Việt “Nhóc con nghĩ bậy bạ!”. Chi lật đật bấu Yvon rồi mau mắn giải thích “Tiếng Việt có nghĩa là Rồng!”.Yvon trố mắt nhìn mọi người lần lượt chui ra khỏi xe. Anh trông rám nắng hơn, đẹp hơn và người lớn hơn. Chị Thu vỗ tay ầm ĩ đón phái đoàn Avignon xuống. Yvon mừng rỡ chạy đến ôm chầm lấy Chi và hôn vào má cô. Dù đã quen cách xã giao kiểu Tây, mọi người đều sượng sùng quay đi. Chi bực, gắt “Đã nói đừng có làm vậy khi có người Việt mà!”. Yvon bất ngờ, anh tiu nghĩu bỏ đi. Long cúi mặt không nói gì. Mọi người gọi bia và hải sãn. Huỳnh nằm lăn ra chiếc chiếu nilon Yvon vừa trải ra, nói tiếng Việt “Lâu nay phục vụ cho thiên hạ, giờ cũng có lúc được người ta hầu mình!”. Nghe mọi người cười lớn, Yvon bất giác hồ nghi. Chi đề nghị “Tụi mình nói tiếng Pháp đi, cho Yvon hiểu với!”. Lời yêu cầu của Chi không được đáp ứng, vả lại Yvon còn phải chạy đi chạy lại lo phục vụ khách. Chị Thu hỏi “Thằng Michel khoa Luật nói gia đình Yvon sỡ hữu một lâu đài nhỏ ở vùng Provence, đi làm thêm chi cho vất vả?”. Huỳnh thắc mắc “Chi chưa được Yvon dẫn về giới thiệu với gia đình lần nào sao? Kỳ trước đi Provence có về lâu đài nó không?”. Chi lắc đầu “Tụi em ngủ lều...”. Đột nhiên Long quay nhìn cô chăm chú, mắt anh tối sầm lại “Nó có thật lòng với em không? Sao em dại vậy! Dù sao nó cũng Tây, không chắc chắn đâu!”. Yvon quay lại, thấy mọi người nhìn mình khang khác, anh nửa đùa nửa thật “Nói xấu gì tôi à?”. Long bật dậy bất ngờ nắm cổ áo Yvon giật mạnh “Mày có yêu Chi thật không? Mày có định cưới cô ta không? Sao mày không dẫn Chi về lâu đài giới thiệu? Tao không để yên đâu...”. Không quen kiểu tra hỏi chuyện riêng tư, Yvon khó chịu xô Long ngã lăn xuống cát. Huỳnh cầm hai chai bia giơ lên, nhảy choi choi sẵn sàng choảng nhau thật sự “Vô luôn anh Long! Đồ...”. Chi bất lực nhìn hai con gà trống hăng máu. Khách du lịch xung quanh đã ngoái nhìn hiếu kỳ. Ai đó móc di động gọi cảnh sát...Chi lầm lũi đi giữa cánh đồng hoa diên vĩ. Lúc cô buồn bực chạy khỏi đám đánh nhau còn kịp nghe chị Thu hét “Ngưng ngay đi! Chiến lợi phẩm tụi bây biến mất rồi còn tranh giành nỗi gì?”. Mùa hè mặt trời đi ngủ trễ, mười giờ tối vẫn chiếu vàng cánh đồng hoa. Chi đi mãi miết đến trại nuôi cừu lần trước cô và Yvon ghé vào. Chi đã nhìn bầy cừu mũm mĩm dưới chân núi Alpilles, ước ao “Ngày nào chán bon chen, muốn trốn đời em sẽ làm mục đồng!”. Giờ sẽ chẳng còn ai tìm thấy cô ở đây.Trời vụt tối, Chi nằm xuống đồng cỏ ngước nhìn những vì sao lấp lánh. “Mục đồng chào cô chủ, cô có muốn tôi kể chuyện những vì sao...” [5]. Một dáng người nhẹ nhàng đến bên cô thì thầm.Chi ngủ, bên tai cô giọng anh vẫn dịu dàng “... Sao Mục đồng đi theo sao Saturne, và, họ cưới nhau...”Chú thích:[1] Sài Gòn trong tim tôi.[2] Xin mời đến với món ăn Việt Nam.[3] “Tartarin de Tarascon” (một tác phẩm nổi tiếng của Daudet).[4] Long: dài.[5] Truyện ngắn “Những vì sao” của Alphonse Daudet.