Tập 2- B

Hoán Vân đứng lên khi buổi họp kết thúc. Đột nhiên Vĩnh thay đổi. Oanh, sau chuyến công tác Đà Nẵng, được Văn giới thiệu đến làm nơi khác và Vĩnh tốt hẳn lên trong quan hệ với Vân khiến vài ánh mắt liếc theo xầm xì.
- Giám đốc có chuyện gì?
- Đợt này đi cao nguyên, cắt người khác thay được không?
- Tại sao?
- Cô đi Hàn Quốc với tôi.
Cô thản nhiên lắc đầu:
- Tôi không thích đi. Và có đi cũng chẳng làm gì. Giám đốc nên đưa một cô thư ký và một kỹ sư kiểm định viên đi theo.
Vĩnh giấu tiếng thở dài:
- Thôi được. Cô định chuyến công tác này bao lâu?
- Sớm một tháng, muộn hai tháng. Chào giám đốc.
Vân nhẹ nhõm lúc về lại phòng làm việc của mình. "Lão này lại muốn lạng quạng đây ". Kệ xác lão. Vân nhún vai một mình. Chỉ cần Nam Thái Hàn đi đúng kế hoạch đến năm 2000 thì mình sẽ còn làm.
Đông bước vô mặt tươi tỉnh, huýt sáo. Tay cầm phong thư. Thấy Vân, anh chàng đùn vội thư báo vào túi, cười lúng túng:
- Chị Vân. Mai đi hả?
Hoán Vân liếc đông, tia măt' sắc lạnh:
- Đó có phải là thư tình thứ tư, cậu định gởi cho Ngà không?
Đông như trời trồng. Chẳng lẽ nhỏ Ngà méc hết? Một tháng trước, Đông tìm nhà Hoán Vân, đúng theo tinh thần "buổi họp" bốn người. Cần biết rõ hơn về thủ trưởng mình để tạo quan hệ chặt chẽ trong công việc. Người Đông gặp là nhỏ Ngà và mới chỉ một tháng, chú chàng viết đến bốn lá thư tỏ tình.
Hoán Vân nhìn vào bảng kế hoạch, lơ đãng nói:
- Tôi là người bảo trợ Ngà, chắc cậu biết rồi, nêu nếu muốn gì cậu cần suy nghĩ cho kỹ.
Đông lấm lét dạ một tiếng rồi chuồn mất. Hoán Vân ký xong tập hồ sơ, nhìn quanh không thấy ai, cô bực tức. Vậy đó, mới 11 giờ đã vắng tanh, phải qui định giờ làm việc rõ ràng mới được.
Khóa trái cửa phòng, Hoán Vân ra xe lấy xe chạy thẳng về nhà. Hôm nay Ngà, Anh CHiêu ở lại trường. Có một mình. Vân không buồn ăn trưa, cô đi tắm xong, lại bàn mở tấm bản đồ chăm chú xem. Trên bảng đồ nhiều tỉnh thành bị đánh dấu chéo hoặc trong vòng tròn, hoặc chưa có vòng tròn và số lượng chưa bị đánh chéo rất nhiều ở hai đầu Nam-Bắc.
Hoán Vân thở dài, gục đầu xuống bàn. Chợt câu nói Văn hiện ra trong trí cô "Như người ta tìm kim đáy biển, nhưng anh ủng hộ em, hãy làm hết sức mình cho một mục đích".
Văn. Hoán Vân phừng mặt. Mới đó đã bốn hôm rồi. Và đêm ấy với Vân là niềm hạnh phúc thiêng liêng nhất. Anh biến cô thành người khác trong giọng nói, nụ cười, ánh mắt long lanh. Anh với bàn tay lùa vào mái tóc cô, với cái cụng đầu cho đôi ánh mắt gặp nhau, vơi nụ cười tinh quái tràn vui sướng đã khiến cô tin cậy rời vỏ bọc mình, làm cô gái dễ thương như vậy đó. và khi Võ về đến nhà, chú chàng như không nhìn ra chị Vân nữa. Người con gái ngồi tựa vào vai anh Hai, mặc cái áo to đùng của anh hai, ngước nhìn vầng trăng treo trên trời, đang đọc bài thơ tuổi mẫu giáo:
Sân nhà em sáng quá,
Nhờ ánh trăng sáng ngời...
Là chị Vân đó sao? Đâu mà bé nhỏ, mong manh đến thế. Đâu mà hồn nhiên, vô tư đến thế?
Nhưng đúng là chị Vân, và Võ phục anh sát đất. Mới ba tiếng đồng hồ từ lúc mình đi học chớ bao nhiêu. Thế là Võ đề nghị làm cái gì đó đãi anh Hai và bà chị kết nghĩa. Vân nức nở khen thằng em "biết điều".
Vậy là bên trong Võ xăn tay áo, mở tủ lạnh, vặn bếp gaz, bên ngoài dưới cội mai chiếu thủy sát thềm, Văn thủ thỉ hỏi Hoán Vân về chuyện tìm mẹ.
- Sao anh biết? - Cô xốn xang hỏi. Người cứng lên trong tay Văn, khiến anh vội nói thật:
- Anh Giám bị anh tra hỏi, khai hết. Thật ra anh biết quá nửa, chỉ chờ cái gật đầu xác nhận của em.
Cô rùng mình, vụt đờ đẫn nói:
- Vậy mà anh.... còn yêu được em sao?
Văn lúc ấy đặt tay lên vai cô. Nhìn thẳng vào mắt cô,nói:
- Đời người ai cũng có lỗi lầm. Miễn là biết sửa đổi. Thật ra lỗi lầm em đối với mẹ như thế nào anh chưa biết, nhưng bảy năm rưỡi rồi, em miệt mài tìm kiếm mẹ quên cả bản thân mình, đã đủ cho anh biết rằng anh yêu không lầm. Và anh tin rằng trời cao không phụ kẻ có lòng đâu. Hoán Vân! Đừng tự đày đoạ mình nữa. Em đã trả giá xong cho mọi sai lầm. Anh nghĩ, nếu mẹ biết được, bảy năm qua em sống thế nào, chắc mẹ sẵn lòng tha thứ cho em.
Mắt cô tràn bóng nước, cô gục đầu vào vai anh kể lể.....
- Mẹ em sinh ra trong một gia đình nghèo, có giáo dục tốt. Mẹ được ăn học và ảnh hưởng ông ngoại, một người tài hoa, thích lãng du hơn sự nghiệp, bặt thiệp, phóng túng.
Mẹ ra đời có nhiều bạn bè, sống không câu nệ hình thức và làm ra tiền. Bạn bè của mẹ thuộc giới thượng lưu, trí thức lẫn dân chơi lắm tiền. Mẹ được nhiều người yêu, và yêu một người phong nhã có tiếng tăm. Truớc lúc người ấy đi du học mẹ đã trao thân cho y và y không trở lại.
Mẹ thất vọng, đổi cách sống, trở nên khép kín, từ bỏ mọi quan hệ và thề không yêu ai. Rồi ông ngoại qua đời, bà ngoại sợ mẹ sống cô độc, ảnh hưởng hạnh phúc mai sau của cô con gái, nên khuyên mẹ tìm người bạn đời. Ba mẹ ngày ấy rất giàu, nhờ tiền vay của nội để lại, ông giàu, nhưng ít bạn vì nghề làm giàu của ông theo như người ta nói là "thất đức". Ba yêu mẹ từ lâu, và kiên nhẫn theo mãi. Mẹ vì chán nản, vì sợ ngoại buồn nên nhận lời ba cầu hôn với lời hứa chắc chắn cùng ngoại:
- Khi con làm vợ người, con sẽ quên hết quá khứ, làm vợ hiền, mẹ tốt.
Ba cưới mẹ về, ngay đêm tân hôn đã nẩy sinh xích mích, vì mẹ không còn trinh tiết. Từ đó ba luôn cạnh khóe, chì chiết mẹ mỗi khi có dịp, kể cả khi con đã không lớn. Rồi ngoại mất, dì lấy chồng xa đi biệt. Thế rồi em ra đời, miền Nam giải phóng, ba đòi đi, mẹ cương quyết ở lại, lại càng mâu thuẫn nhau. Suốt tuổi ấu thơ, khi em vui nhất đòi chơi thoải mái bất cứ trò nào là khi ở bên mẹ. Em gắn bó với mẹ và rất sợ ba, điều ấy làm ba thêm ganh tỵ và ghét mẹ. Dù ông rất yêu bà. (mâu thuẫn quá)
Khi nhà nước mở rộng kinh tế, ba thành lập công ty, công ty trở nên phát triển là nhờ mẹ, bà quen biết rộng, giỏi ngoại giao, nắm bắt thị trường nhạy bén. Ba vì làm ăn phải đưa mẹ đi nơi này chỗ nọ, giao thiệp dù luôn ghen tương, nghi ngờ. Ra đường, ba mẹ là kiểu mẫu về một gia đình doanh nghiệp hạnh phúc, thành đạt. Về nhà,thì ba luôn dằn vặt, ghen tuông, nói mẹ lẳng lơ vơi người này, liếc tình người nọ, khiến mẹ đau khổ.
Lúc đó em 17 tuổi, đang học 12, em thương mẹ và biếc ba rất thương em, đến độ không trái ý em bất cứ điều gì, trong khi mẹ lại nghiêm khắc, hay dạy dỗ, la mắng mỗi khi em lầm lỗi. Và tuổi 17, em đã bị cha đầu độc bằng lòng yêu thương ích kỷ, bằng dòng nước mắt luôn chảy khi kể, mẹ đã làm ô nhục ba và em bằng sự lang chạ kín đáo và ba không nỡ ly dị vì sợ em đau khổ, em không tin. Nhưng lòng ray rứt, chớm gnhi ngờ vì em thấy rõ ràng ba rất yêu mẹ, thương em.
Thế rồi em vào đại học, mẹ vẫn thế, chu cấp cho em ăn học trong chừng mực và luôn răn dạy. Còn ba... em làm sao ngờ được, có những thứ tình thương ích kỷ, mù quáng đến vậy.
Hoán Vân ôm đầu đau khổ, Văn nhẹ kéo cô vào lòng đặt đầu cô lên vai mình, nhẹ nhàng khuyên:
- Đừng tự dằn vặt mình nữa Hoán Vân. Em nói đi, anh mong chia sẻ gánh nặng này giúp em.
Năm ấy, Hoán Vân nghỉ hè muộn vì cô phải thi chuyển giai đoạn. Bà Huyền Vi nghe con báo tin thi tốt, bèn thưởng cho con gái đi máy bay về nhà. Với những gia đình khá giả, dùng phương tiệng hàn không là chuyện bình thường, nhưng đây là lần đầu tiên Hoán Vân được đi máy bay. Mẹ cô thường nói với con về cách làm ra tiền và tiêu tiền. Những khi bà về Sài Gòn ký một hợp đồng làm ăn nào đó, thường ở lại một ngày, cúng Hoán Vân đi chợ, nấu ăn và dạo phố, chuyện trò.
Trong mắt Hoán Vân, mẹ thật toàn vẹn, những chớm nghi ngờ ở tuổi mới lớn biến mất, nhường lại cho sự yêu thương kính trọng lẫn tự hào về một người mẹ nề nếp mà không quá cố hủ, khắt khe, nghiêm khắc nhưng biết thông cảm, bao dung cho tuổi trẻ.
Lúc Hoán Vân xuống máy bay, người đón cô là Bảo, anh là cháu dì Út, vừa học xong, được mẹ đưa và làm trong công ty. Mẹ rất quí Bảo, thường nhờ anh làm tài xế đưa mẹ đi công việc. Và anh không chút nề hà - Hoán Vân thấy anh, hỏi ngay:
- Mẹ đâu?
Bảo ngập ngừng rồi nói:
- Cô Vi bận công chuyện, nhờ anh đón Vân.
Không nghi ngờ gì, Hoán Vân lên xe về nhà. Từ hôm đó, đến hết kỳ nghỉ hè, không khí gia đình vẫn êm ấm. Hoán Vân ở nhà có ba mẹ, ra phố có bạn bè. Cô mải rong chơi, không hay biết gì đến giông tố sắp nổi lên trong mái gia đình bởi một âm mưu bắt nguồn từ tình thương ích kỷ, mù quáng....
Lúc ấy khoảng mười bảy giờ chiều, Hoán Vân nhận điện thoại, người bạn hẹn đi chơi, nhưng vì bận đột xuất nên dời cuộc hẹn sang ngày mai, hỏi cô có giận không.
Hoán Vân buồn lắm, cô chuẩn bị cho một tối vui vẻ với nhiều tưởng tượng, vậy mà... nhưng cô vẫn nói:
- Không sao. Vậy mai gặp chỗ cũ.
Độ mười lăm phút sau, ông Thịnh cha cô về tới, Vân nũng nịu ôm cổ cha hỏi:
- Mẹ đâu ba?
Ông Thịnh cười gượng, nói kiểu né tránh:
- À. Mẹ con nói... ba về trước, bả với.... thằng Bảo đi công chuyện.
- Sao ba không cùng đi?
- Ba có nói để ba đi, nhưng mẹ nói một mình mẹ con với thằng Bảo được rồi.
Lối nói lấp lửng, pha chút chua chát, chán chường của ông Thịnh khiến Hoán Vân dậy lên sự khó chịu. Bữa cơm chỉ ba người, hai cha con và bà Út, càng trở nên nặng nề khi cả ba cùng im lặng.
Ăn xong, Hoán Vân lên lầu, ra sân thượng dạo quanh, một lúc, cô thấy buồn chán, bèn thay đồ định ra phố, ngang qua phòng ông Thịnh, nghe ông to tiếng với ai trong điện thoại, cô tò mò nép mình lắng nghe.
- Sao? Cuộc họp dời lại rồi. Bà Huyền Vi về ngay sau đó à?
-....
- Thế anh có biết nhà tôi bận đi đâu nữa không?
-.....
- Về lại công ty à? Cám ơn anh.
Ông Thịnh đập máy xuống thật mạnh, hầm hầm đi ra, lầm bầm:
- Thật quá lắm, thật đê tiện, bỉ ổi, không thể tha thứ được nữa.
Hoán Vân nép sau cửa, nín thở khi cha chạy ra, cô hoang mang đầu óc. Mẹ! Là mẹ ư? Không lý nào. Mẹ làm chuyện gì? Có Bảo đi bên mẹ luôn luôn mà.
Ông Thịnh đã lên taxi, Hoán Vân hối hả dắt xe máy rượt theo. Xe dừng trước công ty, ông Thịnh chạy vụt lên lầu, Hoán Vân lên theo. Cô thấy cha mở cửa phòng làm việc, đi thẳng vào cánh cửa nửa khép kín. Đó là căn phòng nhỏ, để ông Thịnh hoặc bà Vi nghỉ ngơi khi ở lại công ty buổi trưa.
Cảnh tượng bên trong khiến Hoán Vân chết lặng. Người mẹ cô yêu quí, kính trọng, tôn thờ như thần tượng, đang nằm trong tay Bảo ngủ say....
Hoán Vân khóc lặng lẽ, đôi tay luồn vào tóc ghìm chặt như muốm ghìm tiếng gào thét trong lòng. Văn thở dài châm thuốc hút đợi cô bình tĩnh lại, anh nhìn thấy Võ ra ngoài bên thềm tự bao giờ.
Một lúc, Văn đặt nhẹ tay lên vai cô nói:
- Anh hiểu rồi. Em không cần kể tiếp nữa đâu.
- Anh hiểu gì? - Hoán Vân ngước nhìn Văn.
Văn thoáng nụ cười nửa âu yếm, nửa bao dung:
- Anh nghĩ ngay ra một diễn biến. Sự ghen tuông bệnh hoạn của ba em đã khiến mẹ em không chịu đựng nổi, và bà để lộ ra ý định ly dị. Ba em vừa ghen, vừa sợ mất em, ông ấy biết chắc, em sẽ đứng về phía mẹ em nếu biết rõ, bèn "tiên hạ thủ vi cường ".
- Là sao anh Hai? - Võ hỏi. (anh hai này nhiều chuyện tới độ nghe lén mà còn hỏi )
- Ông dựng ra màn kịch bỉ ổi, đem anh chàng Bảo làm vật hy sinh để giữ Hoán Vân về mình và nếu có thể có miệng mà không nói được, bà Huyền Vi vì con sẽ chấp nhận ở lại dù mãi mãi trong lòng Hoán Vân, bà là người mẹ tồi bại. (Nhà báo thám tử!!!!)
Hoán Vân gục đầu xuống chậu mai chiếu thủy, lòng cô đau đớn như dao cắt,nhớ lại gương mặt mẹ lúc đó đầy kinh hoàng, đau khổ, bất lực.
Thật khó nhọc, cô nói:
- Không hề có cuộc họp nào cả, ba em chi bịa ra và nói với mẹ, ba đau đầu không thể dự cuộc gặp thân mật với các doanh nhân thàn phố tổ chức tại Non Nước Hotel lúc mười tám giờ, nên mẹ đi thay và Bảo làm tài xế. Ba em biết tính mẹ đợi đúng giờ mới đến, nên thế nào cũng ở lại công ty xem giấy tờ, vậy là ông vạch một âm mưu chu đáo. Ông cho thuốc ngủ vào loại nước uống mẹ thích dùng vào mùa nắng. Đó là nước mơ, mẹ pha chế sẵn bỏ vào tủ lạnh. Ông biết mẹ thường uống một ly nước mơ trước khi đi đâu dù ở nhà hay ở công ty và bà sẽ pha luôn cho Bảo một ly. Thế là giả đò về, rồi ba em quay lại, nép mình vào cửa chờ đợi. Ông đợi mẹ em và Bảo mê man, xông vào phòng đặt hai người nằm chung nhau, về nhà diễn kịch với em.
Hoán Vân ngửa mặt nhìn bầu trời đêm, cô lại quay về trạng thái vô hồn, lạnh lẽo.
- Chị... Phong Linh. Không phải lỗi của chị - Võ bồn chồn buột miệng, thúc tay Văn.
Văn châm điếu thuốc khác, lơ đãng hỏi:
- Nhờ đâu em biết sự thật?
Cô vụt cười chua chát:
- Em sẽ không bao giờ biết sự thật nếu người bảo vệ đánh mất lương tâm. Ông ta chứng kiến tất cả, nhưng không nói được với em vì ngay hôm sau ông bị ba đe dọa sẽ làm mất việc và công ty nào cũng sẽ không nhận anh ta. Lúc đó, em đang mạt sát... mẹ em bằng những từ tệ hại nhất mà em biết đuợc, em không cho bà nói được lời nào. Em mất lý trí vì.... quá đau khổ.
Giọng Hoán Vân nhỏ dần:
- Sáng hôm sau mẹ bỏ đi, không một lời để lại, ngoài mấy câu trên vách tường mẹ viết ây son môi đỏ:
Một kiếp làm vợ
Chưa ngày ấm êm
Một đời làm mẹ
Giấu kín ưu phiền
Nay con khôn lớn
Dao cắt ruột mềm
Mẹ nuốt nước mắt
Con rơi triền miên
Đêm trở nên lặng lẽ khi Hoán Vân ngừng kể, gió thoảng nhẹ ngàn hương hoa mà lòng ai nấy đều nặng nề. Võ ứa nước mắt khi Vân đọc hết bài thơ mẹ cô để lại. Võ nhớ về một hình bóng xa mờ. Mẹ. Mẹ Võ cũng là một người vợ, người mẹ bạc mệnh.
Hoán Vân uể oải ngẩng lên nhìn hai anh em Văn:
- Đến một nửa năm sau em mới biết sự thật, người bảo vệ thấy em sống thác loạn bên ngoài, thấy Bảo mất việc làm, không tiền nuôi gia đình và biết mẹ em không trở lại, liền kể rõ cho em nghe. Em không tin, không thể nào tin đó là sự thật, nhưng ông ấy đã khiến em phải tin.
Ông viết một lá thư gởi ba em, thấy lá đơn thôi việc, trong thư ông nói, ông thấy lương tâm cắn rứt vì làm ngơ trước tội ác của ông. Và giờ đây ông nói ra chỉ vì ông không thể để Bảo và em trở thành như vậy. Đầu xanh tuổi trẻ có tội gì.
Lá thư em đích thân đưa cho ba, ông đọc, em nhìn và hiểu. Đó là sự thật. Từ đó, bé Cái Chuông - Phong Linh của mẹ đã chết, chỉ còn áng mây rực rỡ sắc màu tội lỗi mà thôi.
Cô chầm chậm đứng lên, nhìn quanh khu vườn nhỏ trong đêm tỏa hương theo lời tỏ tình của lá. Đến lúc phải rời nơi đây rời, bởi là chứng nhân nên cô không còn dịp quay về. Cô cúi đầu bước đi, Văn giữ tay cô lại, nghiêm mặt nói:
- Em đi đâu?
- Em phải về thôi - Cô rời rã nói, chợt thèm men rượu để lãng quên.
Anh như thấu hiểu mọi suy nghĩ trong cô.
- Tại sao không nghĩ đến anh mà nghĩ đến rượu? Hoán Vân, em chưa tin anh sao lại kể với anh?
Cô thì thầm:
- Đó là lời xưng tội đầu tiên, và em không muốn được giải thoát bởi bất cứ ai. Em phải tự mình giải thoát tội lỗi gây ra. Mẹ em, giờ này đang ở một nơi nào đó, đang đau khổ héo mòn nghĩ đến người chồng bất nhân, đứa con bất hiếu, nước mắt chan cơm hay bà đã chết trong lạnh lẽo cô đơn.
Mặt cô tái xanh nhợt nhạt, cô vùng mạnh khỏi tay Văn chạy đến chiếc xe cô dựng, nói quyết liệt:
- Đừng cản em. Em không xứng đáng, em không thể vui trong hạnh phúc khi mẹ đang mòn mỏi ở một nơi nào đó. Văn. Em van anh. Đừng cản em.
Văn buông thõng tay, bối rối nhìn cô lên xe, biến mất.
Rời dòng hồi tưởng, Hoán Vân đến góc phòng lấy chiếc áo Văn mặc cho cô đêm đó. Chiếc áo cô đã giặt ủi cẩn thận,chỉ còn việc đi trả cho chủ nhân nhưng cô lại không nỡ rời.
Đưa chiếc áo lên, cô hôn nhẹ và đỏ bừng mặt, nhớ hình dáng Văn, lẫn tiếng nói cười, nhớ môi anh lẫn hàm râu lún phún làm cô ngây ngất. Văn ơi, em nhớ anh, và em lại muốn lẩn tránh anh. Bốn hôm rồi, anh quay quắt tìm em. Em nhớ anh quay quắt mà đành phải trốn. Tình yêu sẽ làm em mềm yếu, làm em đắm chìm trong vòng tay anh, em sẽ quên lời nguyền, sẽ để mẹ hết dần mòn vì sầu hận ở một nơi nào đó. Ôi Văn! Không thể nào đâu. Em không xứng đáng đâu. Văn ơi!
- Anh đây.
Văn bình thản đứng trưóc cô. Tay khóa chốt cửa. Hoán Vân ngẩn ra. Cô đã khóa cửa ngoài, thả khóa ra ngoài, làm như đi vắng, sao anh đoán ra. Anh vô nhà bằng cách nào?
- Anh trèo tường vô - Hiểu hết mọi ý nghĩ trong đầu cô, anh nói. Mắt vẫn nhìn chằm, tia nhìn cháy bóng:
- Tại sao trốn anh? - Anh chụp tay cô bóp chặt.
Cô có thể dễ dàng "quăng" anh một cú ngoạn mục, nhưng cô như hết hơi sức. Chỉ nhìn anh đầy van lơn, lắc đầu khó nhọc và không nói được gì.
Văn cắn môi bực tức, vụt gầm lên:
- Anh yêu em. Yêu hết nỗi đau em phải chịu. Em yêu anh, đồng ý cho anh gánh chung niềm bất hạnh. Vậy rồi, em trốn anh, tại sao trốn anh? Liệu có trốn được cả đời chuyện trái tim mình không?
Cô quay mặt lấy lại vẻ khinh bạc, lạnh lùng:
- Chẳng có gì không được, nếu muốn.....
- Được. Nghĩa là em muốn quên anh để làm lại một Hoán Vân đắm chìm trong men rượu, tự đọa đày mình cho hết một đời. Đúng không?
- Mục đích của tôi là tìm kiếm.
- Còn mục đích của anh là em.
Anh lầm lì dữ dội, giật mạnh tay, cô ngã chúi vào anh, khép chặt vòng tay, anh tìm môi cô quyết liệt, háo hức. Cô chống cự, mím môi, ngoảnh mặt, anh lì lợm theo mãi, vẫn hàm râu lún phún, chà xát khắp cổ, mặt cô. Hoán Vân mềm nhũn, không kìm nổi lửa yêu, đành đón nhận môi anh.... lời anh dịu dàng như mật ngọt:
- Anh yêu em. Đừng trốn tránh con người thực của mình, đừng trốn tránh chuyện trái tim. Anh hứa sẽ cùng em đi tìm mẹ, tìm được mẹ rồi ta cưới nhau nhé. Chuông nhỏ của anh.
Cô ứa nước mắt. Đầu hàng anh trong niềm hạnh phúc. Anh rà môi uống cạn nước mắt cô. Bây giờ đến anh, tha hồ rền rẫm, qua từng nụ hôn trao nhau:
- Duyên phận thế nào để anh gặp em, một cô gái thật....khó ưa, rồi gặp mãi ở nhiều tình huống thật khó quên. Để rồi làm đảo lộn hết hình tượng người yêu, người vợ tương lai trong lòng anh. Anh muốn quên em lắm, Cái Chuông bé nhỏ ạ. Thế nhưng về Bến Tre gặp mẹ Ngà, người đàn bà không chồng, cơ cực, ngày hai buổi bán khoai, bắp nuôi con, kể rằng "Cái cô Linh đó, đã lột đến đồng bạc cuối cùng, đưa dì vô bệnh viện mổ bướu tử cung, lúc cổ xuống đây làm việc. Khi về cho thêm chiếc nhẫn vàng, biểu bán đi để bồi dưỡng nghỉ ngơi. Còn dư gởi lên cho Ngà để nó yên tâm ăn học. Anh lại nhớ em..... khờ người. Chưa hết, mới đây đi Long Khánh, anh gặp Anh Chiêu và cả nhà cổ chín người với hai đứa lớn dị tật vì chất độc màu da cam, anh được bà mẹ kể, em ngồi trong hốc tối căn nhà, nhìn bà chăm sóc hai đứa con tội nghiệp, khóc thật lặng lẽ. Em ngoài việc giúp Anh Chiêu ăn học, còn một tháng gởi cho năm trăm ngàn đồng để giúp bà nuôi hai đứa kia.
Ôi! Cái Chuông bé nhỏ xấu xí, mà tiếng vang như khánh ngọc trong veo. Anh tạ ơn trời đất, đã bịt mắt đàn ông khắp thế gian này để dành em lại cho anh. Cho nên anh thề với.... vong hồn má anh, sẽ không để em tuột khỏi tay anh biến mất thêm lần nào nữa cả. Em là của anh và anh... sung sướng... tặng anh... lại cho em. (Câu này nghe hay thiệt á, Ông này khôn đáo để)
- Xí! - Cô ngoảnh mặt để môi anh trượt dài sau tai. - Anh là người hư đốn, làm như quí lắm, toàn là.... lợi dụng người ta.
Anh nhâm nhi dái tai cô (đúng là dân nhậu), khiến cô tê dại cả người:
- Hình như em nói lộn, là em quyến rũ anh trong nhiều tình huống chết người. Lúc thì nằm dưới nước ướt nhẹp, bắt anh bồng chạy, khiến "vòng một" "vòng hai" chọc anh.....gai người, lúc thì làm Eva trong vườn Địa Đàng, mời anh... vô ngắm. Ái da! Đau anh! Trời ơi! Em chẳng những biết đấm, biết đá, còn biết ngắt, biết nhéo nữa sao?
- Ai biểu anh...
- Em biểu chớ ai (đúng là miệng lưỡi nhà báo)
Theo câu nói là môi anh, và đôi môi táo tợn kiếm tìm. Hoán Vân buông thả, để mặc xác thân cảm nhận mọi khoái cảm. Mai ta đi rồi, tiếp tục tìm kiếm mẹ, lần này hành trang mang theo là nỗi nhớ anh khắc khoải từng giờ. Văn ơi! Em chưa nói hết với anh những gì muốn nói nhưng em hứa sẽ giải quyết chu toàn. Có điều chẳng biết trời cao có xót thương, cho em tìm được mẹ không?
Cơ thể Hoán Vân cứng lại dưới bàn tay Văn, anh biết ngay tạ i sao, đỡ cô ngồi dậy anh hỏi:
- Em nghĩ đến mẹ phải không?
Cô khẽ gật đầu:
- Nhưng không thấy đau khổ bất lực nữa, tình yêu anh giúp em niềm tin sẽ tìm được mẹ. Văn. Mai em đi rồi.
- Đi đến đâu?
Văn dằn cơn sôi nổi trong lòng bằng cách châm điếu thuốc. Quái quỉ gì khiến anh từ ngày ấy đến giờ luôn khao khát, nhớ nhung cô.
- Em đi cao nguyên, sớm nhất tháng sau mới về.
Tim Văn nhức nhối, không thể cản cô, đó là công việc. Anh nhớ đến Wong-Quân gọi về làm phó cho lão, em không chịu. Thế là bỏ.
Văn định nói rồi lại thôi. Anh đang nhờ nhiều bạn bè ở ủy ban dân số, bộ công an, tìm kiếm một người tên Huyền Vi, hy vọng chỉ thị từ trên xuống sẽ khiến từng địa phương hết lòng truy tìm. Nhưng anh linh cảm, mẹ Hoán Vân đã từ bỏ tên tuổi mình, như đã từ bỏ quá khứ buồn đau.
- Mẹ có gì đặc biệt giúp ta nhận dạng dễ không?
- Không có, ngoại trừ mẹ rất thích nghe tiếng reo chuông gió.
Hoán Vân mở valy lấy ra cái chuông gió đưa cho Văn:
- Cái chuông này mẹ mua ở Đài Loan tặng em năm thi đậu đại học. Hôm mẹ bỏ đi, không mang theo gì ngoài cái chuông gió rất lớn của mẹ, treo ngay cửa phòng, từ hồi lấy ba.
- Mẹ thích chuông gió nên đặt tên em là Phong Linh?
Hoán Vân đưa luôn cho Văn tấm hình mẹ cô được lồng trong khung kính cẩn thận. Mắt cô đăm đắm nỗi buồn:
- Mẹ nói, lúc em còn bé tẹo thường cười rất to, và cười hoài cả ngày như tiếng chuông gió reo nên đặt tên Phong Linh. Nhưng ba không chịu, ba nói con gái họ Ông Quảng Nam phải là áng mây lành rực rỡ nên đặt tên Hoán Vân. Hôm mẹ đi, mang theo tất cả hình, bóng, may mà hồi em đi học mang theo vài tấm mới còn.
Văn chăm chú nhìn ảnh bà Huyền Vi, Hoán Vân giống mẹ, kể cả vầng trán cao thông minh, bướng bỉnh, kể cả gương mặt che giấu nỗi buồn, không có nụ cười.
Bất giác Văn buột miệng:
- Mẹ em không có hạnh phúc.
Nét mặt Hoán Vân co rúm nỗi đau. Văn siết chặt tay cô, nghiêm trang nói:
- Anh hứa đem hạnh phúc về cho em.
Cô thì thầm như thốt lời nguyền:
- Nếu không tìm được mẹ, em không xứng đáng có được bất cứ niềm hạnh phúc nào.
Văn lạnh người khi thấy nét mặt người yêu. Nét mặt nàng mới nồng nàn lửa yêu thương, mới buồn đau giận ghét, gờ trở nên trơ trơ lạnh lẽo, xám xịt, đầy góc cạnh xấu xí như tượng đá trăm tuổi.