Tập 1- d

Cái thân xác khô gầy ấy là tất cả nỗi buồn, niền vui của quá khứ hiện tại trong ta. Hữu Văn cay đắng hiểu ra. Dù ta có trốn chạy xa đến chừng nào. Anh châm điếu thuốc khác, một tay chọc túi quần, chậm rãi đi dọc hành lang khu hồi sức, đầu hơi cúi xuống như gánh nặng máu xương làm trĩu cả hai vai.
- Anh Hai.
Hữu Võ đứng trước anh, thân thể cao lớn, má phính lông tơ, chưa thoát qua trạng thái tuổi thiếu niên vô tư. Có thế nó mới chịu nổi hai người đàn bà ấy. Văn rít hơi thuốc, vỗ tay lên vai em, nói:
- Đi học về rồi à. Làm bài được không?
Hữu Võ ngáp "thả cửa" trước bàn dân thiên hạ:
- Cô thầy giờ " bá cháy " lắm. Biết em phải vô bệnh viện nuôi cha, không ai dò bài hết, còn kiểm tra thì em copy vô tư.
Hữu Văn lắc đầu. Thằng nhỏ hay thiệt. Hôm qua lúc xuống máy bay, đi taxi đến thẳng đây, anh thấy nó hoàn toàn khác bây giờ. Nó như đứa con gái ngoan hiền, đảm đang chăm sóc cha từng chút, lại già đi hàng chục tuổi khi trao đổi với bác sĩ về bệnh trạng của cha. Và ngổ ngáo, tai quái chọc "bà kế mẫu" tức điên lúc bà hỏi tiền mua thứ gì đó. Thấy anh về, nó lập tức thành gã thiếu niên chưa hề biết lo nghĩ, qua cái ôm chầm reo to:
- Anh Hai về! Ba chưa tỉnh, giao ba cho anh hai, em đi học nghe.
Thế là từ hôm qua đến nay, anh chẳng thấy mặt mũi nó đâu. Nó như không biết, anh cũng cần tắm rửa, ăn uống, và chợp mắt một tí. Hữu Văn vờ cau có:
- Về từ hôm qua đến giờ mà không học bài, lại copy la sao?
- Trời! anh đừng làm mặt ngầu vậy chứ? Em dọn dẹp nha cửa "oải" luôn đó. Nên ngủ thẳng, cốc ăn luôn tới sáng.
- Thế chú mày có biết anh cũng cần tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi một tí không?
Hai anh em cách nhau gần nửa số tuổi, nhưng như bạn bè qua cách nói chuyện. Họ dừng ở lan can gần khu hồi sức. Võ nhảy lên ngồi đu đưa chân:
- Phải anh không đó? Phóng viên gạo cội thì ba chuyện đó thuộc chuyện lẻ tẻ thôi mà. Này, anh xem. Trong này có thiếu thứ gì. Anh chỉ cần đá lông nheo với cô y tá là được tắm nước nóng, nước lạnh vòi sen miễn phí. Bỏ ra hai ngàn đồng là có ghế xếp êm êm nằm ngáy một đêm. Rẻ quá trời so với tiền thuê khách sạn, còn ăn uống hả? Từ hai ngàn đồng đến năm ngàn đồng là no ngất. Chẳng lẽ anh chưa biết?
Vân phì cười, trong chốc lát anh quên nỗi buồn, cung tay ký vào đầu Võ một cái.
- Rành quá ta. Bộ thường xuyên ăn cơm bụi sao?
Võ xịu mặt rồi cười ngay:
- Tại anh khong biết chứ ba tái phát lần này là lần thứ tư rồi đó. Nhưng ba không cho gọi anh, đành chịu. Em ra vô đây đến quen mặt hết trơn, từ người bán bánh chưng tới ông bác sĩ. Chuyến này ….
Võ mất vẻ hồn nhiên, qua ánh mắt vụt đỏ lên, Văn đau nhói lòng, ôm em vỗ về:
- Chưa hết hy vọng đâu em. Anh Hùng nhiệt tình lắm. Ảnh vừa nói chuyện với anh xong. À này, Hường có nhà không?
- Anh đừng hỏi bả. Hôm ba lập di chúc....
- Lập di chúc? - Văn sửng sốt.
- Dạ, có luật sư đến, có bên ủy ban và tổ dân phố, ba để toàn bộ tài sản cho anh. Hai mẹ con bả lồng lên - Võ vụt nghiến răng, nắm tay - Đây là lần đầu tiên ba dũng cảm đó anh hai. Ba nói, không cho họ một xu vì họ không xứng đáng được hưởng. Họ đã không tròn bổn phận làm vợ làm con, họ đã lén ăn cắp tài sản ba xây dựng tài chánh riêng, ba có đủ bằng cứ và.... và... vì họ đã... giết mẹ.
Võ vụt ồ ồ khóc. Văn nghe choáng váng cả người. Thì ra ba đã làm như ông từng hứa với ta. Ba đã chuộc được lỗi lầm không chung thủy. Ba yêu thương mẹ mới có thằng Võ, và ba biết rằng, tài sản ấy mẹ vì nghĩ đến ba, vì tương lai ta mà đổ bao mồ hôi, công lao, nước mắt xây dựng. Ba không hề muốn chiếm nó cho mẹ con bà ta, như mình nghĩ. Chính vì thế, hai hôm nay mụ không vào đây. Văn giấu kín cảm nghĩ, đặt hai tay lên vai Võ, nghiêm nghị nói:
- Đừng khóc. Nghe anh hỏi. Rồi sao nữa?
- Rồi ba đưa giấy tờ chứng minh số tài sản đang có là của mẹ để lại, hai mẹ con họ bỏ đi, hâm dọa kiện. Anh hai. Họ giết mẹ sao không bị bắt?
- Họ giết bằng tinh thần thôi - Văn đau đớn nhớ lại - Lúc đó sau ngày thống nhất đất ba về, mẹ là người vợ được ba yêu thương, được nội hỏi cưới.... Là tại ba không chịu được nỗi cô đơn, đã khai vợ chết. Thôi bỏ đi Võ. Anh không muốn nhắc đến quá khứ. Anh muốn quên. Anh....
- Anh bỏ ba, trốn chạy có hay ho gì? Anh và ba đều buồn làm em khổ chết được. Chỉ mẹ con mụ ta hí hửng.
- Vì anh thương mẹ quá - Hữu Văn đau khổ nói.
- Giờ anh bắt đầu thương ba đã muộn rồi - Võ vụt nói.
Chàng thiếu niên 17 tuổi nắm tay anh mìnhh, ái ngại thấy bàn tay anh run run:
- Anh hai! Thật ra em đã thay anh lo cho ba chu đáo, làm ba vui vẻ. Anh xem, anh lo cho em không thiếu thứ gì, chỉ để em làm một việc duy nhất, đem lại niềm vui cho ba, lẽ nào em không làm được? (good boy)
- Ba vui vẻ thật sao?
- Dĩ nhiên có lúc buồn nhớ anh. Hoặc nổi giận khi bà Hường chọc giận. Nhưng thường thì ba cười. Điều em ghét nhất, chẳng hiểu sao ba luôn sợ bà ta. Bà ta cất tiếng là ba im thin thít, thế là em "vùng lên" đúng lời anh dặn. Em đã từ bà ta từ ba năm nay lận. Oai chưa?
Câu chuyện giữa hai anh em tạm ngưng khi bác sĩ Hùng - phó khoa hồi sức đi lại gần. Người bác sĩ có đôi tay vàng, trái tim nhân hậu và dáng vẻ bình dân giản dị, nói ngay với Văn qua vẻ ái ngại:
- Đưa ông già về thôi Văn. Anh ghé lại chăm sóc cho. Để ông có gì cũng ấm cúng.
Văn nhợt nhạt một chút thôi, ánh mắt anh tối lại:
- Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi về hơn một ngày đêm mà ông không hề tỉnh.
- Cậu chuẩn bị tâm lý từ lâu lắm rồi mà. Thật ra ông sống vậy là lâu hơn sự suy đoán của tôi hai năm.
- Sự ra đi của tôi vô nghĩa. Tôi ngỡ ông sống được lâu hơn nếu lòng thanh thản.
- Buồn hay vui đều tác động đến bệnh tình, nhưng đây là lần thứ ba ông bị tai biến, với y học đã là hi hữu.
Bác sĩ Hùng vỗ vai Văn:
- Văn làm thủ tục đi, anh sẽ theo về với bác.
Ba Văn không tỉnh lại lần nào. Cho đến nửa đêm hôm ấy, đột nhiên mở mắt gọi "Nhân ơi". Ông gọi tên mẹ Văn, rồi đi luôn vào cõi vĩnh hằng, nơi mà ông luôn nghĩ bà đang ở đó chờ ông một cách can tâm tình nguyện. Như từng cam tâm tình nguyện sống tay ba trong chuyện vợ chồng để rồi âm thầm đau khổ, mòn mỏi theo năm tháng.