Thằng cu Cỏ là cực kỳ khoái chuyện làm vua cỏ. Khi nghe ông Ruông nói phải bỏ ra một năm luyện hai ngón tay để thắng toàn bộ lũ trẻ trong làng để làm vua cỏ, thằng cu Cỏ đã đi đến quyết định: -Cháu cũng phải làm vua cỏ thôi. Ông Ruông bảo đó là thú chơi hồi nhỏ, nhưng giờ thì ông cũng còn rất thích. -Nhưng cháu thì không cò con như ông đâu. Đã làm vua thì không thèm làm vua ở trong làng. -Thế cháu định làm vua ở đâu? -Đã vua thì phải là vua của hết thảy lũ nhỏ. Tức đứa nào chơi chọi cỏ là phải tôn cháu làm vua. -Như thế là cháu phải đánh thắng lũ nhỏ ở bất cú xứ nào biết chơi trò chọi cỏ? -Thì cháu đã nói phải là vua của hết thảy lũ chọi cỏ kia mà. -Có phải cháu muốn nói hết thảy lũ nhỏ biết chọi cỏ trên thế gian này? -Ông nói đúng đấy. -Nhưng giả sử bên Tây bên Tàu cũng có lũ chọi cỏ thì làm sao cháu đi tới đó để đánh nhau với chúng? -Cháu biết ông nghĩ không ra mà. Là cháu sẽ làm thế này. Cứ đứng ở gò Tháp ở làng mình mà khiêu chiến. Đứa nào đến thì bị cháu đánh gục. Tất nhiên là bọn ở bên Tàu bên Tây là không thể sang tới làng mình. Nhưng đã không đến thì coi như thua. Ông Ruông cho là trong chuyện làm vua cỏ thì cháu ông là đứa có chí lớn. Ngay việc tập luyện ra trận nó cũng có phát kiến mới hơn ông. Ông thì ông luyện hai ngón tay bằng cách gõ lên cỏ. Nhưng đến thằng Cỏ thì nó gõ lên vật cứng. Suốt ngày cháu ông cứ ngay hai ngón tay ấy ra mà gõ lên bàn lên ghế. Đến bữa, ngồi trong mâm ăn, nó còn gõ lên cả chén đũa. Chuyện ruộng bò heo qué choán hết trí não vợ chồng anh Rác, nên anh chị ấy chẳng thể nhìn thấy được mưu đồ của con. Cho đến hôm phát hiện ra hai ngón tay của con trai bị sưng vù, chị Rác mới la toáng lên. Thằng Cỏ vội ra hiệu cho mẹ im, vì sợ lũ nhỏ trong làng biết được. -Nhưng mày chơi trò gì để dập cả tay? Anh Rác có vẻ giận lắm. Thằng cu Cỏ đáp như chẳng có chi xảy ra: -Thì hồi nhỏ cha cũng bị dập tay như con chứ khác gì. Mà cũng đúng vậy thôi. Anh ấy đi tìm dầu nóng xoa chỗ sưng cho con, sau đấy thì lại chúi đầu vào công việc ruộng nương, coi như chẳng có chi xảy ra. Vấn đề ở đây là có sự chao đảo trong mưu đồ của thằng cu Cỏ. Bấy giờ là đang giữa mùa hạ. Còn lâu mới đến mùa cỏ mồng gà trỗ bông. Có nghĩa thằng cu Cỏ còn khối thời gian để luyện hai ngón tay ra trận. Có điều là càng luyện, hai ngón tay càng sưng to, và nghe nhức nhối. -Hồi ông luyện tập thì tay có sưng như cháu không? Nghe thằng cu Cỏ hỏi, ông Ruông biết là cái chí làm vua của cháu không còn nguyên như trước, ông nói: -Ông luyện thì tay không sưng. Nhưng chủ yếu là làm cho hai ngón tay ấy dẻo dai, để ra trận, chứ sưng hay không sưng thì đâu có quan trọng gì. -Nghe nhức thế này, cháu sợ không luyện được nữa. -Có nghĩa cháu không còn muốn là vua của hết thảy lũ nhỏ trên thế gian? -Nhưng có vua nào khỏe hơn vua cỏ không ông? -Không vua nào khỏe hết. Để ông kể vài ông vua nữa cho cháu nghe. Vua ở triều đình lo việc trị dân trị nước này.Vua ở trong tuồng hát để diễn tuồng này. Nhưng đấy là chuyện của người lớn. -Đấy là những trò chơi của người lớn? -Cứ cho là vậy. -Thế thì ông phải chỉ cho cháu trò chơi nào không làm vua mà cháu cũng sai khiến được hết thảy lủ nhỏ. Rốt cuộc ông Ruông đã phải dạy cho thằng cu Cỏ cách làm giàu trong trò chơi đổ bồ. Sự thật thì ông không có ý định làm cho cháu ông tiêm nhiễm tư tưởng làm giàu. Mà cốt để xiển dương trí tuệ của ông Hai Bò, anh ông. Binh pháp chọi cỏ với Phương thức làm giàu là hai thứ di sản trí tuệ ông Hai Bò để lại cho ông tự thời ông còn thơ ấu. Thằng Cỏ là cháu đích tôn, lẽ đương nhiên nó phải thừa hưởng những thứ đó.Theo ông Ruông, trò chơi này phải xuất hiện khi văn minh nông nghiệp đã đạt đến đỉnh cao. Có nghĩa khi lúa thóc làm ra ăn không hết, con người phải nghĩ đến cách cất giữ. Bồ, lẫm, bịch là những kiểu kho chứa thóc dư ở miền núi Tượng sông Tượng (bồ đương bằng tre, lẫm ghép bằng ván, còn bịch trét bằng đất) Thoạt nhìn, người ta dễ nghĩ trò chơi này là phỏng theo việc cất giữ lúa thóc của những cư dân nông nghiệp. Đây là trò chơi tay đôi. Mỗi bên có năm chiếc bồ con và một chiếc bồ cái. Bồ của hai bên được xếp trên một vòng tròn khép kín, theo thứ tự năm bồ con –bồ cái, rồi năm bồ con-bồ cái. (bồ được tượng trưng bằng những vòng tròn nhỏ vẽ trên mặt đất, hoặc là những hầm nhỏ khoét sâu xuống đất ) Mở đầu cuộc chơi thì hai đối thủ là đang sống trong chế độ công xã nguyên thủy. Có nghĩa của cải làm ra thì được chia đều: số thóc đựng trong tất cả các bồ là bằng nhau. Và đây là luật chơi: Người đổ bồ đầu tiên hốt hết thóc trong bất cứ bồ con nào của mình cầm trên tay, rồi theo thứ tự trên vòng tròn, rải số thóc đó vào tất cả các bồ, mỗi lần rải là một hạt. Rải đến hạt thóc cuối cùng thì hốt hết thóc ở bồ kế cận để rải tiếp, nếu bồ kế cận là bồ cái thì chỉ có quyền nhặt mỗi một hạt rải lên bồ kế cận, rồi lại hốt hết thóc ở bồ kế cận bồ đó, để rải tiếp. Luật chơi qui định rằng, khi rải hạt thóc cuối cùng mà gặp bồ kế cận là bồ trống, thì thóc ở bồ kế cận bồ trống đó là thuộc tài sản của người đổ bồ. Còn như gặp hai bồ trống liên tiếp thì coi như hỏng, chẳng thu được gì. Người đổ bồ thứ hai cũng thao tác y như người đổ bồ thứ nhất. Cứ luân phiên nhau mà hành động như thế cho đến khi thóc trong tất cả các bồ đã thành tài sản riêng của hai người, những chiếc bồ lúc ấy chỉ còn là bồ không, hoặc chỉ còn vài hạt thóc. Cuối cuộc chơi là một cảnh đời có người giàu kẻ nghèo. Đôi khi, tất cả thóc trong các bồ chỉ thuộc về một người, còn người kia thì trắng tay. Nhưng đấy là theo đúng luật chơi, giàu nghèo là không đoán trước được. Còn muốn chắc chắn trở thành giàu có trong cuộc chơi thì lại theo phương cách của ông Hai Bò. Cũng là do bàn tay mà làm nên sự nghiệp thôi. Thay vì rải xuống mỗi bồ đựng thóc một hạt thóc theo luật định, ta có thể không rải hạt nào, hoặc rải nhiều hơn một hạt, để làm sao khi rải hạt cuối cùng thì gặp một bồ trống. Sự giàu có là tùy thuộc vào bàn tay tài hoa của ta trong quá trình làm ra của cải. Có nghĩa là làm sao cho đối phương của ta tin rằng mỗi lần rải thóc ta chỉ rải mỗi một hạt. -Như thế là ăn gian Vừa nghe xong cách thức làm giàu, thằng cu Cỏ đã kêu lên. Ông Ruông phải giải thích với cháu: -Đấy cũng là luật chơi. Trên đời này có nhiều luật chơi lắm. Theo luật nào, là tùy thích của cháu thôi Tất nhiên là thằng cu Cỏ theo luật của ông Hai Bò. Bấy giờ đương giữa mùa hạ, nên các loại hạt cây ( cò ke, bồ lời, thầu đâu …) rất hiếm. Ông cháu phải dùng sỏi sạn để thay cho thóc ( thường thì đám trẻ ở miền núi Tượng sông Tượng hay dùng các hạt cây để tượng trưng cho thóc) Cuộc chơi giữa hai ông cháu xảy ra nơi nhà bếp, từ lúc vợ chồng anh Rác đi làm ruộng buổi chiều. Thằng cu Cỏ luôn là kẻ phát tài. Còn ông Ruông ván nào cũng trở thành kẻ khánh kiệt. Theo luật chơi, cứ kết thúc một ván, thằng cu Cỏ lại sai ông đi tìm sạn sỏi về rải đều lại các bồ chứa thóc. Cho đến lúc vợ chồng anh Rác đi làm ruộng về thì thằng Cỏ giàu nứt đố đổ vách. Sỏi sạn nó thu được thành một đống to. -Thôi, mai chơi tiếp. Giờ trả nhà bếp cho mẹ cháu nấu cơm chiều. Ông Ruông nói, rồi lên võng nằm. -Mày hết chuyện chơi rồi hay sao, Cỏ? Đi làm về đã mệt, lại thấy sỏi sạn vung vãi đầy nhà, chị Rác tức quá, đòi đánh thằng Cỏ. Chẳng dám nói dám rằng, thằng Cỏ lặng lẽ dọn hốt mớ của cải thu được trong cuộc chơi, rồi đến nói nhỏ vào tai ông Ruông: -Mai có chơi đổ bồ, ông cũng phải ăn gian như cháu, không thì cháu chẳng thèm chơi đâu. Nhưng đến lúc ngồi vào bữa ăn tối, nó lại rỉ tai ông: -Để cháu coi lại đã Ông Ruông hỏi coi lại cái gì. Thằng Cỏ nói là nó sẽ tiếp tục luyện hai ngón tay để làm vua cỏ, chứ không thèm chơi trò giàu nghèo nữa. Ông Ruông cho là có sự lưu chảy mạnh mẽ trong suy nghĩ của thằng cu Cỏ. Chấp nhận đó, rồi phủ nhận đó. Tình hình đó ông gọi là nhịp điệu vui.