SẢN PHẨM LỊCH SỬ

Nói tóm lại, tên gọi của anh Rác và của thằng cu Cỏ là sản phẩm cách mạng.
Còn vì sao ông Ruông vốn tên Ruộng lại thành Ruông là trường hợp đặc biệt, phải kể ra dài dòng một chút mới rõ được. Có nghĩa phải lùi lại tận thuở ông Ruông mới chào đời thì mới hiểu được chuyện này.
Ông Ruông sinh đúng vào năm vua Bảo Đại lên ngôi. Khi có mưu toan trở nên vĩ đại với con cháu, ông mới nghiệm ra là mình với vua có cùng một ngôi sao chiếu mệnh. Có điều chiếu vào vua thì vua gặp chuyện òi ọp. Cụ thề là vua bị truất ngôi. Còn chiếu vào ông thì ông lại hiển hách. Có thể người ta đặt vấn đề về cái ghế ngồi dạy học của ông, cho rằng đó cũng là chuyện òi ọp. Nhưng xin nhắc lại việc rời khỏi ghế dạy học là do ông tự quyết định, chứ không phải bị truất, nên không thể nói là òi ọp. Trong việc khai sinh cho ông, cha của ông là ông Hai Hượt có gặp chút khó khăn ở đình làng. Song, đó là do thằng con trai ông hương bộ Quứt muốn bắt bí ông hương bộ chơi, nên cũng không thể nói là òi ọp.
-Đứa đầu là Bò, đứa tiếp theo là Ruộng, ông đặt tên con vậy là hợp với việc nông tang.
Ông hương bộ Quứt nói.
Ông Hai Hượt cho đó là lời của kẻ có chữ nghĩa nói với kẻ không có chữ nghĩa, chứ không phải khen.
-Thưa thầy hương bộ, do nghĩ không ra tên gì khác, nên cứ dựa vào chuyện ruộng nương cày bừa mà đặt, vậy thôi.
-Được rồi. Giờ ta mắc lên phủ, mai ông ra đây, ta vào sổ bộ cho
Sự thật ông hương bộ Quứt không lên phủ, mà do sáng đó viên thư ký của ông không thèm ra đình làng làm việc. Cha ông Ruông về thì có mấy người nữa đến. Kẻ xin chứng giấy mua đất, người xin chứng phân thơ chia ruộng cho con. Ông hương bộ đều hẹn mọi người qua sáng mai, rồi tuốt về nhà.
-Mẹ nó có biết thằng Út đi đâu không, sao sáng nay không ra đình?
Bà hương bộ cũng xẳng lại chồng:
-Sổ bộ giấy tờ thì bắt con trai làm. Còn lương tiền có đồng nào thì đem dưng cho mấy con mẹ góa chồng với sòng cờ bạc.
Có, ông hương bộ Quứt có cờ bạc trai gái, song đấy không phải là chỗ sở trường của ông. Sở trường của ông là biết cách xoay trở để giữ chỗ ở chính trường. Cảnh quan trường ở làng coi vậy mà cũng đủ các khía cạnh của cảnh quan trường ở tỉnh hay ở phủ huyện, thậm chí cũng quyết liệt như ở triều đình. Phải nói ở làng Dầu bấy giờ ông Quứt là kẻ duy nhất có thể làm hương bộ, chức việc làng lo về các thứ giấy tờ sổ bộ của làng. Nhưng vốn liếng chữ Hán của ông, nhờ nó ông mới được bầu vào chức ấy, lại là thứ sắp bị bãi bỏ. Như thế khi chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh được thay hẳn chữ Hán trong tất cả các giấy tờ sổ bộ thì chắc hẳn ông không thể ngồi ở ghế hương bộ. Để đối phó với cái tương lai quá gần và quá trắc trở này, ông đã đem thế chấp một khoảnh ruộng tư, lấy tiền thuê hẳn một thầy dạy học ở phủ đến nhà dạy cho ông chữ quốc ngữ. Chí thì lớn đấy, nhưng đám chữ nghĩa ấy chẳng thể nằm lại nơi đầu óc một người vốn quen nghĩ ngợi về mấy bà góa còn trẻ với cảnh thắng bạc ở các sòng bài. Có nghĩa đọc theo thầy giáo thì được, song, đọc xong thì đám chữ nghĩa ấy tuột khỏi đầu óc ông. Lập tức ông chuyển chỗ học cho đứa con trai út (những anh chị của nó đều bám lấy việc ruộng nương) Bà Quứt mừng, vì thấy chồng biết lo cho tương lai của con. Nhưng thằng Út vừa biết đọc biết viết thì ông Quứt cho ông thầy nghỉ dạy.
-Bắt đầu từ hôm nay con ra đình làng với cha
Nghe ông Quứt bảo, thằng Út không hiểu:
-Ra đình làng chi?
-Làm việc làng chứ chi
Tất nhiên là thằng con trai út tám tuổi của ông hương bộ Quứt thích làm việc làng
hơn là ngồi học chữ.
Ông Quứt bắt đầu làm lại các sổ bộ đinh điền thuế má của làng. Ông đọc cho thằng út sao chép lại. Với trình độ của nó thì công việc ấy có khó khăn. Nhưng rồi hai cha con cũng mày mò làm được. Lúc có lệnh bỏ hẳn chữ Hán thì ông hương bộ Quứt đã hoàn tất bộ hồ sơ giấy tờ lưu của làng bằng chữ quốc ngữ. Và những sự kiện mới về hộ tịch thì được vô sổ bộ mới cũng bằng chữ quốc ngữ.
Quan thư lại ở phủ về xem xét việc thực thi văn tự mới, thấy làng Dầu đã đi trước một bước thế, đã ban lời khen tặng:
-Đây là công lớn của các hương chức của làng. Song phải nói một câu là nhờ có sự tận tụy của vị hương bộ biết quí trọng văn tự của nước nhà.
Lời khen này đã khiến cho các hương chức của làng phải nghĩ ngợi. Làm được việc ở làng, mà có uy tín trên phủ thế, không khéo ông Quứt sẽ đắc cử vào chức lý trưởng của làng vào khóa tới. Các vị toa rập nhau để hất chân ông Quứt khỏi chính trường, song chẳng tìm ra cách. Hai cha con cùng làm việc cho dân mà chỉ hưởng một suất lương thì sai ở chỗ nào? Ông Quứt nhìn thấy chức hương bộ đương kiêm của ông vững như bàn thạch. Và ông cũng quyềt định trong khóa tới chỉ ra tranh cử chức hương bộ, vì biết chắc ở làng Dầu ngoài cha con ông chẳng còn ai biết chữ quốc ngữ. Ở trong làng mọi người đều biết cha con ông đã học thứ văn tự mới ấy với một ông thầy rước tự trên phủ về. Nhưng chẳng ai biết là ông chẳng học được chữ nào. Và cũng chẳng ai biết thằng út của ông đã học tới đâu. Ông hương bộ Quứt giờ đâu kém quan trên phủ, vì ra đình làng ngồi làm việc có thư ký ghi chép sổ sách. Điều ông lo không phải là sự tranh ghế của các đồng liêu. Cái ghế hương bộ của ông có vững hay không là do thằng Út của ông quyết định. Mới đầu thằng Út rất khoái khi nghe người ta gọi mình là ông chức việc làng con ( người ta cũng bắt đầu gọi ông Quứt là ông chức việc làng cha) Nhưng rồi ngày nào cũng chúi mắt chúi mũi vô mấy thứ giấy tờ sổ bộ, nó đâm chán, bỏ đi chơi với lũ nhỏ trong xóm. Ông Quứt đòi đánh đòn, thằng Ut vẫn tiếp tục bỏ việc ở đình làng. Cuối cùng ông phải nhờ bà Quứt dỗ ngon dỗ ngọt, nó mới chịu đi làm việc trở lại. Có nghĩa cha ông Ruông phải ra đình làng đến bảy lượt mới gặp được viên thư ký của thầy hương bộ.
-Ông ngồi xuống đây, khai ra tên họ với ngày sinh tháng đẻ của thằng con ông, để thằng con ta nó vào sổ bộ.
Ông hương bộ Quứt bảo.
Ông Hai Hượt có thấy nể trong lòng khi thấy đứa con trai út có chữ nghĩa của thầy hương bộ ngồi chễm chệ trên chiếc ghế chức việc làng. Song chớ lầm tưởng rằng vì quí chữ nghĩa, mà về sau ông đã cho ông Ruông đi học chữ. Chuyện ông Ruông học chữ là cũng do cái tên khai sinh của ông, chuyện mười tám năm sau. Còn lúc ấy thì ông Hai Hượt cầm chắc đến kỳ cấp phát công điền nhà ông được thêm một suất vì cái tên Lê Ruộng đã được thằng con út ông hương bộ Quứt ghi vào sổ bộ. Suốt mười tám năm cái tên khai sinh ấy nằm ngủ yên trong sổ bộ, vì các hương chức của làng chưa một lần gọi đến (khi có đợt cấp phát công điền, người ta chỉ đếm số đầu người chứ không cần đến tên họ những người ở trong hộ) Nếu như không có chuyện thập bát thành đinh ( mười tám tuổi thì thành công dân của nước) chắc cái tên ấy vẫn chưa được đụng đến.
Quan lục lộ ở phủ về lấy dân đinh mới ở làng Dầu để đi làm đường ở phủ. Bấy giờ thì con trai út ông Quứt đã trúng cử vào ghế hương bộ của làng (sau mười tám năm tiếp tục làm thư ký cho cha, vì ông Quứt đã đắc cử ghế hương bộ ba khóa liền)
-Lê Ruông không có mặt hay sao?
Viên lục lộ gọi tên ông Ruông đến năm lượt vẫn không thấy ai ra trình diện, nên có vẻ tức.
-Lê Ruông có cha tên là Lê Hượt có mặt đấy không?
Đến lúc ấy ông Ruông mới bước ra khỏi đám thanh niên mới tới tuổi đinh ở trong làng
-Tôi là con ông Hượt đây. Nhưng tên tôi không phải là Ruông.
Viên lục lộ trừng mắt đám thanh niên làng đang ồ lên cười, rồi nhìn vào mặt ông Ruông:
-Mày bảo không phải tên Ruông, vậy mày tên gì?
-Thưa, tên Ruộng.
Viên lục lộ liền quay qua thầy hương bộ tuổi trẻ:
-Anh coi lại sổ bộ thử có lầm lẫn hay không?
Bấy giờ ở làng Dầu ai lại chẳng biết ông Hai Hượt chỉ còn mỗi một người con trai duy nhất có tên là Ruộng. Và thầy hương bộ trẻ tuổi bấy giờ mới vỡ lẽ ra là mười tám năm trước, lúc làm thư ký cho cha mình, chính tay thầy đã ghi vào sổ bộ như thế. Thầy đã ghi là Lê Ruông, chứ không phải là Lê Ruộng. Nhưng đây là tại cha thầy đã bắt thầy đi làm thư ký trong lúc thầy chưa thông thạo cái thứ chữ quốc ngữ rắc rối ấy. Anh con trai út của thầy cựu hương bộ nghĩ vậy, rồi dõng dạc tuyên bố:
-Cứ chiếu theo sổ bộ của làng thì mày là Lê Ruông, còn ở nhà mày là thằng Ruộng hay thằng gì, đấy là chuyện ở nhà mày. Nay đúng mười tám tuổi, thành đinh, phải đi phu dịch, thế thôi.
-Nhưng đấy không phải tên của tôi, thì thằng Ruộng này không đi.
Thấy ông Ruông nói cứng, thầy hương bộ tuổi trẻ cũng nói cứng:
-Mày đã thành dân đinh mà không đi phu dịch là chống lại triều đình, nhà nước sẽ trị tội mày.
Tất nhiên là ông Ruông chẳng dại chi để người ta làm mất đi uy thế của một chàng trai vốn rất kiêu hãnh ở trong làng (kiêu hãnh cả với đám con trai cùng lứa trong lĩnh vực cày bừa, kiêu hãnh cả với đám con gái choai choai đương tuổi dậy thì trong lãnh vực tình ái)
Ông Hai Hượt rất tức cha con ông hương bộ Quứt, nhưng chẳng biết làm cách nào hơn là chửi bóng chửi gió. Đến lúc nghe ông Ruông nói sẽ đi học chữ quốc ngữ thì ông đổ hết sự tức giận lên đầu con trai:
-Mày đi học chữ để thay tên đổi họ người khác, để biến sống thành chết có phải không?
Nhưng lòng kiêu hãnh của ông Ruông đã khiến ông đi đến quyết định là phải trở thành một chàng trai có chữ nghĩa. Cái tên Ruộng, thôi, cứ dành riêng cho cha ông gọi. Giờ ông là Lê Ruông, cái tên Ruông đã được ghi vào sổ bộ của nước nhà, thì Lê Ruông phải là một kẻ có chữ nghĩa. Mới đầu là đi học lỏm ở nhà ông giáo Lựu ở làng Gàu, bấy giờ đang mở lớp dạy tư để dạy chữ quốc ngữ cho lũ trẻ con các nhà khá giả ở miền núi Tương sông Tượng. Nhớ được mặt mấy chục chữ cái thì ông bán nhín lúa nộp cho ông giáo Lựu để làm học trò chính thức của ông ta.Việc cày bừa không bỏ mà học được chữ thì cha ông hết đường cản. Còn ông giáo Lựu thì không làm cách nào để cản đám học trò nhỏ của ông không ồ lên cười mỗi lần nhìn thấy ông Ruông uốn môi uốn lưỡi để ráp vần quốc ngữ. Nhưng phải thừa nhận ông là kẻ tài hoa. Lúc làng Dầu của ông cùng với cả nước cùng lúc tiến hành ba cuộc chiến chống giặc xâm lược Pháp, chống giặc đói và chống giặc dốt, thì ông vừa là chiến sĩ trên mặt trận chống giặc đói, tức tiếp tục cày bừa, vừa là chiến sĩ trên mặt trận chống giặc dốt, tức làm thầy giáo dạy chữ quốc ngữ cho bà con trong làng. Danh xưng ông giáo Ruông tồn tại cho đến khi triều ông Diệm đổ. Ông Ruông xem đi xem lại trong tiếng Việt thì thấy từ Ruông không có nghĩa nào cả. Nhưng nếu không có giai đoạn lịch sử ông Quứt làm hương bộ, thằng con trai út tám tuổi của ông làm thư ký cho ông, thì không có tên Lê Ruông. Nói tóm, tên Ruông của ông là do lịch sử mà có. Ruông tuy vô nghĩa, nhưng là con đẻ của lịch sử nên cũng hiển hách chẳng kém Ruộng là một trong những yếu tố của văn minh Lạc Việt.