ghe tiếng động dưới văn phòng, tôi tưởng là kẻ trộm nên rón rén xuống cầu thang. Nhưng rồi tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy Riesenfield đang ngồi trên ghế. Năm giờ sáng, lại là Chúa Nhật sao hắn lại có mặt ở đây? Tôi mở giọng ỡm ờ:- Ông có lầm không? Hôm nay là ngày của Chúa. Ngay cả thị trường chứng khoán cũng không làm việc. Bọn vô thần chúng tôi lại càng phải nghỉ ngơi. Vậy thì tới với do gì? Đòi nợ để đi Moulin Rouge chăng?Riesenfield lắc đầu:- Chỉ viếng thăm thân hữu không có gì lạ. Mới tới trên đường đi công việc. Vào giờ này tìm đâu cho ra khách sạn? Nhưng tới đây thì chắc phải có cà phê. Người đẹp bên kia đường thế nào? Có thức sớm không?- Hoan hô sức tráng kiện! Rất tiếc là Chúa Nhật, chồng người ta có mặt ở nhà. Một lực sĩ biết chơi dao.Riesenfield lạnh lùng:- Tôi cũng vô địch về dao búa. Nhứt là khi nào được uống cà phê với một ít bơ và vài giọt rượu mạnh.- Được lắm. Xin theo tôi về trên này. Nếu muốn, ông có thể chơi dương cầm lúc chờ đợi tôi pha cà phê.Riesenfield lắc đầu:- Ở đây được rồi. Cảnh sắc bình minh của mùa Hè và những hòn đá láng góc này cũng thú vị lắm. Vả lại sẵn có rượu mạnh ở đây mà.- Trên phòng tôi còn có thứ ngon hơn.- Tôi thích ngồi ở văn phòng.- Được, tùy ý ông, ông Riesenfield.- Coi kia, sao la to chi vậy? Tôi có điếc đâu.Tôi lại nói to hơn, vừa nói vừa cười:- Gặp lại ông vui quá.Vui thế nào được khi một người chủ nợ vào nhà lúc trời chưa sáng tỏ. Tôi cố nói thật to và cố gọi tên Riesenfield không ngoài mục đích báo động tình thế cho Georges ở phòng bên. Theo tôi biết thì đêm qua, anh chàng Watzek đã đi dự phiên họp Quốc Xã tại một nơi nào đó và Lisa đã thừa cơ hội chuồn sang bên này ngủ với Georges. Nếu Riesenfield cứ ngồi lì ở đây, làm thế nào Lisa có thể về nhà.- Được rồi. Tôi sẽ mang cà phê xuống.Tôi lên gác, lấy một quyển sách buộc ở đầu dây rồi thả cho đong đưa qua trước cửa sổ. Kèm theo bìa quyển sách là một mảnh giấy có ghi “Báo động, Riesenfield đang ở trong văn phòng”. Quyển sách của Kant đưa qua đưa lại vài lần thì cái đầu sói của Georges thò ra cửa sổ. Tôi dùng cả hai bàn tay cố giải thích cho y hiểu là không có cách nào để dẫn dụ Riesenfield ra khỏi văn phòng.Kéo dây lên, tôi cột vào một chai rượu manh, thòng xuống. Một cánh tay trắng ngà, mũm mĩm lấy thay cho Georges. Làm thế nào biết được Riesenfield sẽ còn ngồi ở đó bao lâu? Trong thời gian chờ đợi cặp uyên ương có thể cần tới ăn uống sau một đêm mệt mỏi. Nghĩ vậy nên tôi lần lượt thả bánh mì và dồi chả xuống. Tôi nghe Georges cố gắng mở chút chai cho khỏi kêu. Thế là Roméo Kroll và Juliette Watzek thoát nạn tạm thời.Giữa lúc tôi và Riesenfield dùng cà phê, Henri đi qua sân. Ngoài những thói xấu, ông ta còn được thói quen dậy sớm và gọi đó là dâng hiến buồng phổi cho thiên nhiên của Thượng đế. Đối với ông ta Thượng đế chắc phải là một ông Thống chế.Ông ta trịnh trọng bắt tay Riesenfield nhưng tay tài phiệt đá hoa cương vẫn lạnh lùng:- Xin cho tôi được tự nhiên, uống cà phê xong tôi sẽ ngồi đợi sáng, chẳng có việc gì cả.- Không dám. Một quý khách như ông phải được tiếp đón đàng hoàng.Và Henri quay sang tôi:- Chú không còn một ít bánh nóng nào để đãi ông Riesenfield sao?Tôi bực mình:- Thì cứ hỏi bà Niebuhr hay mẹ ông xem. Nên nhớ là chúng ta đang sống trong chế độ Cộng Hòa chớ không phải là thời vua chúa nữa. Chúa Nhật, các lò bánh mì đều có quyền nghỉ.Ông ta quắc mắt:- Còn Georges đâu?Tôi lại phải nói lớn tiếng cho Georges nghe:- Georges đâu có cần người theo giữ, thưa ông Kroll.- Chú nên nhớ chú là nhân viên, phải ăn nói nhã nhặn- Bữa nay là Chúa Nhậtt, không có chuyện nhân viên và chủ nhân. Tôi phải thức sớm là vì yêu nghề mà cũng vì trọng nể bực thầy của đá hoa cương đang ngồi đây.Henri phân bua với Riesenfield:- Ông thấy chưa! Chính vì những người mất tư cách này mà chúng ta thua trận. Lại thêm bọn trí thức chậm tiến và quân Do Thái.Riesenfield phớt tỉnh thêm vào:- Và những người đi xe đạp nữa.Henrl kinh ngạc:- Sao? Những người đi xe đạp à?Riesenfield vặn lại:- Và sao lại kể những người Do Thái.Henri chưng hửng rồi cười gượng:- Ông Riesenfield lại khôi hài! Thôi để tôi gọi Georges.Ông Riesenfield ngăn lại:- Để ông ấy ngủ. Sáng sớm tôi không thích chuyện trò.Henri đứng lại. Tôi đề nghị:- Hay là mời ông Riesenfield đi thưởng ngoạn cảnh vật thiên nhiên của Thượng đế một vòng? Lúc hai người trở về là có đủ cả trứng chiên, bánh mì nóng và một bó hoa...Riesenfield chối mau:- Xin cám ơn. Tôi chỉ muốn ngồi ngủ ở đây.Chẳng còn cách nào hơn, đành để cho Geoges tự xoay xở. Riêng phần Henri... Riesenfield cố nhiên đã có cách rứt ra.Thành phố ướt đẫm sương. Còn hai giờ nữa mới tới phiên lễ ở Viện Tâm Trí. Tôi bước chậm. Lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp đi vơ vẩn thế này. Gió mát rượi và dìu dịu tưởng như hôm qua đồng đô-la đã sụt xuống từ hai trăm năm chục ngàn Đức kim thay vì lên nữa. Tôi nhìn xuống mặt sông êm đềm một lúc và quay đầu đi chợt bắt gặp cửa hiệu Bock chuyên làm tương hột cải.Có người chạm mạnh vào vai, tôi giựt mình quay lại. Một mụ già cao lớn nhưng gầy nhom, mắt đỏ ngầu có lẽ vì thiếu ngủ đang nhìn tôi: anh chàng Herbert Scherz. Tôi lườm hắn:- Chào cụ! Nên nói là chào buổi sáng hay buổi tối. Mới ngủ thức dậy hay sắp lên giường?Herbert hắng giọng nhiều lần mới nói ra.- À, vậy là suốt đêm cụ chưa hề ngủ. Chắc phải có lý do đặc biệt?- Mới nhập hội. Họ đãi đằng dữ quá!Rồi nhìn tôi một chút, ông ta làm ra vẻ tiết lộ điều bí mật.- Hội ái hữu cựu chiến binh hiểu chưa?Tôi quá hiểu. Herbert Scherz là mẫu người thích sưu tập các hội ái hữu cũng như người ta sưu tập tem. Lão đã là hội viên của trên một chục hội ái hữu, không phải vì muốn giải khuây, mà là nghĩ tới một ngày chết với đám tang linh đình nhứt thành phố. Lão biết rằng một khi có một hội viên nằm xuống là mỗi hội ái hữu đều tiễn đưa với một vòng hoa và một biểu ngữ. Ngoài ra lại còn có một toán đặc biệt mang hội kỳ theo sát quan tài. Theo ước tính của lão thì khi lão chết, phải có cả hai chiếc xe chở đầy vòng hoa. Lão gia nhập lung tung, lão xin vào hội ái hữu đồng ca Bodo Ledderhose mà không hề biết một âm hiệu, tóm lại, lão bất cần nghề nghiệp của hội mà chỉ cần được là hội viên thôi. Chính vì vậy mà lão có chân cả trong các hội ái hữu thể thao, đánh cờ... và bây giờ lại vào hội ái hữu cựu chiến binh.- Cụ có từng là lính chưa?- Cần cóc gì. Là hội viên cũng đủ rồi. Thằng cha Schwartzkopf chắc phải ngẩn người ra.Schwartzkopf là người tranh đua với Herbert, cả hai ông già ban đầu khích bác nhau vì tự ái nhưng lần lần cả hai đều say mê gia nhập các hội ái hữu và coi đó như là một trò thể thao. Tôi khích bác:- Không chắc đâu. Ông Schwartzkopf cũng là tay cừ.- Để rồi coi. Lần này không phải chỉ có vòng hoa và hội kỳ thôi đâu... còn có cả một tiểu đội mặc quân phục.- Quân phục bị cấm rồi. Bộ cụ quên là mình bại trận sao? Sao cụ không vào hội ái hữu cảnh binh? Những người này còn được phép mặt đồng phục.Tôi nhận thấy ông ta đang ghi chú ý kiến đó vào đầu. Nhưng ngay lúc này, ông ta cần phải đánh tan sự nghi ngờ của tôi để tự trấn an:- Tôi chưa chết sớm quá đâu, mới sáu mươi tuổi, ăn nhằm gì. Biết chừng đâu từ đây tới đó sẽ chẳng có ngày quân phục được cho mặc lại. Phải phục vụ quyền lợi xứ sở chớ. Không thể làm nô lệ mãi.Tôi tiếp tục tấn công:- Một thường dân chết, dù có được nhũng người mặc quân phục tiễn đưa cũng không cô chuyện tuốt gươm trần.- Hồi hôm, họ hứa chắc chắn mà. Chính ông Chủ tịch nói ra.- Hứa là đủ sao? Xin cụ đừng tin lời hứa những người say.Herbert dường như chẳng nghe tôi nói. Ông ta lẩm bẩm:- Lại còn bắn một loạt súng danh dự lúc hạ huyệt nữa.Tôi vẫn không buông tha:- Ai cho bắn súng. Hiệp ước Versailles, cụ nhớ không?Tuy nhiên tất cả các mũi dùi của tôi đều không lay chuyển nổi bức tường thép của ông ta. Mặt trời đã lên cao. Lão Herbert hắt hơi:- Lần này Schwartzkopf thua đứt rồi.- Không chắc đâu, coi chừng ông ta sẽ gia nhập hội ái hữu pháo binh. Tới chừng chết, họ sẽ tiễn đưa linh hồn bằng một loại đại bác.Lão Herbert ngửng đầu lên, mi mắt phải giựt giựt. Thình lình ông ta khoác tay như bác bỏ một điều gì.- Nhảm. Cả thành phố này chỉ có một hội cựu chiến binh. Thằng già đó thua đứt. Mai, tôi sẽ tới hãng của mấy người coi qua mấy cái tháp tưởng niệm. Phải quyết định cho xong. Ở hãng có cái nào coi được chưa?- Chẳng có gì đáng kể, ngoại trừ... nhưng kể như đã bán rồi.Lão ta cắn câu ngay:- Sao?- Cái này đồ sộ lắm. Nhưng thật sự là kể như đã bán rồi.- Nhưng là cái gì mới được chớ?- Một cái mộ phần. Tuyệt hảo. Ông Schwartzkopf đã...Lão Herbert cười lớn:- Thôi, chắc bạn nhỏ định dùng thủ đoạn để tống khứ một món gì bậy bạ đây.Tôi làm nghiêm:- Không đâu. Đây là một vật đồ sộ dùng làm nơi hội họp gia quyến sau ngày chôn người thân. Ông Schwartzkopf dự định cứ mỗi năm đúng vào húy nhựt của ông ta thì gia đình tụ họp ở đó để làm lễ. Cái này giống như một tiểu giáo đường, có cửa kính, có băng đá. Sau lễ tưởng niệm, gia đình có thể ở lại đó ăn uống đồ nhẹ, nói chuyện về người quá cố.Lão ta vẫn còn cười nhưng tôi biết thâm tâm lão đã hơi lo.Một lúc sau, lão lẩm bẩm:- Chắc là ý kiến mới.- Nhưng rất tiếc là chúng tôi đã nhận tiền cọc rồi. Kìa mấy con vịt màu đẹp quá.- Vịt mà đẹp quái gì, thịt ăn hôi bùn. Này, có thể cho xem qua một chút được không?- Cụ đừng gấp. Chừng nào ông Schwartzkopf cho dựng xong, đến coi có lẽ thích hợp hơn.Lão Herbert lại cười gượng gạo. Phần tôi, tôi ghi nhận một điều: cái phần mộ mà mụ Niebuhr không chịu lấy có thể đem bán lại cho lão Herbert.Buổi lễ kết thúc. Bà Viện trưởng trả tiền thù lao đánh phong cầm và bảo:- Me có bảo đem cho con một chai rượu chát trong bữa điểm tâm. Ở đây chẳng có gì khác hơn, mẹ chỉ biết cầu nguyện cho con thôi.- Cám ơn mẹ bề trên. Làm sao mẹ có được loại rượu quá ngon như vậy?Khuôn mặt vàng màu ngà nhăn lại với nụ cười:- Của người ta tặng. Ở thị xã có một thương gia về rượu. Vợ ông ấy đang chữa bệnh ở đây và được đối xử rất tử tế. Thỉnh thoảng ông ta cho người mang tới vài két.Tôi sực nhớ là giáo sư Bodendick cũng dùng điểm tâm ở đây nên vội vàng đi mau về phòng ăn để khỏi mất hết phần rượu của mình.Bác sĩ Wernicke cũng có mặt nhưng ông ta chỉ dùng cà phê. Nửa chai rượu của tôi đã cạn một nửa. Tôi bất mãn:- Thưa giáo sư, đó là chai rượu của tôi do mẹ bề trên cho để bù vào món tiền đệm đàn quá ít ỏi.- Tôi biết. Và tôi cũng biết rằng những người vô thường hay khoe mình về sư khoan dung. Do đó, tôi biết là cậu không bao giờ từ chối tôi vài giọt rượu. Vả lại, dùng điểm tâm với trọn một chai rượu sẽ làm hại dạ dày.Tôi nhận thấy không nên đối đáp.Ông ta đứng lên:- Các vị ở lại dùng bữa.Tôi quay sang bác sĩ Wernicke:- Bác sĩ có nhận thấy rằng các nhà tu và những ông tướng đều giống nhau về cốt cách không? Họ không một chút nghi ngại, không bao giờ buồn phiền, sống thoải mái, tương lai vững chắc, không cần lo nghĩ. Nhờ đó mà họ trẻ lâu. Lại thêm điều đáng kể: người này lúc nào cũng hòa hợp với Thượng đế và người kia thì luôn luôn thuận thảo với vua.Wernicke thở một hơi khói xì gà về phía tôi:- Ông ta làm cậu tức giận phải không? Còn cậu thì làm ông ta thích thú.- Đúng vậy. Bởi thế mà tôi càng tức giận thêm.Tôi rót hết chai ra, gần được một ly rưỡi.- Còn bác sĩ thì sao? Không nóng cũng không lạnh?- Tôi à? Những chuyện đó chẳng liên quan gì tới tôi. Tôi chỉ là một thứ nhân viên lưu thông trong phạm vi tâm trí. Tối cố gắng là một viên cảnh sát ở giao điểm của các con đường, làm hết phận sự và không chịu trách nhiệm về tai nạn.- Phần tôi thì lúc nào cũng thấy như có trách nhiệm đối với mọi việc xảy ra trên thế giới. Như vậy là có phải đã mắc bịnh tâm trí chưa?Wernicke cười như chửi vào mặt tôi:- Chưa đâu. Không dễ đàng đâu! Cậu chỉ là trường hợp của tuổi trưởng thành. Nhưng không phải vì thế mà không dễ mến.Tôi vừa ra tới đường lớn thì đụng ngay một đoàn biểu tình. Như những con hải âu sắp tới giờ có bão, những người du ngoạn Chúa Nhật bỗng run sợ. Áo quần chải chuốt, họ đi lại với vợ con, với tất cả nhưng gì làm được tiện nghi cho một bữa ăn ngoài trời. Bây giờ, họ nép mình ngơ ngác ở lề đường.Nhưng đoàn quân bộ hành không có vẻ gì gấp rút. Đó là những phế binh đang đòi hỏi được đủ ăn để sống. Đi đầu trên một chiẽc xe lăn tay là một thân mình và một cái đầu. Tay chân đều mất biến, khó mà biết được con người đó lúc trước cao hay thấp. Ngay cả đôi vai cũng không để cho người ta nhận định dễ đàng vì cả hai cánh tay đã bị cưa sát nách. Đầu tròn lẵn, mắt nâu và sáng, người phế binh này còn giữ được một bộ râu khá đẹp, và được hớt tỉa cẩn thận. Cái xe của anh ta được một anh chàng cụt tay khác lôi đi. Cái thân mình trên xe ngồi thẳng cứng. Phía sau chiếc xe là một đoàn người què xếp hàng ba tự dùng tay để lăn lấy xe mình.Kế đến là những người còn lại một chân, khập khểnh chống nạng. Sau nữa là những người mù và chột. Tiêng gậy khua vang trên đường. Hầu hết những người biểu tình đêu mang biểu ngữ, ngay cả người mù.“Chúng tôi đang đói”“Hãy biết công ơn của những người đã hy sinh thân thể cho đất nước”.Người ngồi trên xe đi đầu có một cây gậy cắm vào túi áo, bên trên là một tấm bảng “Tiền sống hàng tháng của tôi là một Đức kim vàng”. Giữa hai chiếc xe đi kế một biểu ngữ căng dài “Con cái chúng tôi không có sửa, không thịt, không bơ. Chúng tôi chiến đấu để được đối xử như này sao?”Đó là những nạn nhân bi thảm nhứt của lạm phát tiền tệ. Tiền cấp dưỡng cho họ mất giá đến nỗi chỉ còn biết đi xin. Thỉnh thoảng Nhà nước có gia tăng nhưng đồng tiền không chạy kịp vật giá. Đồng Mỹ kim đã mang hia bảy dặm, nó không còn lên theo nhịp độ từng ngàn hay từng vạn Đức kim, mà nhảy vọt một ngày mỗi hàng trăm ngàn đồng Đức. Hôm kia, trị giá của Mỹ kim là một triệu hai trăm ngàn đồng Đức, hôm qua nó đã lên tới một bốn trăm ngàn. Ngày mai có thể là hai triệu và rất có thể là mười triệu vào cuối tháng. Hiện thời, thợ thuyền lãnh lương mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, mỗi lần được cho nghỉ nửa giờ để đi mua thực phẩm vì giá cả hàng hóa gia tăng mỗi giờ.Phía sau đoàn biểu tình là những chiếc xe hơi bị kẹt. Một sự tương phản kỳ lạ: khối đông xám xịt của những nạn nhân gần như vô danh lẳng lặng lê bước với những quả phụ đi sau cùng dẫn theo những đứa bé gầy nhom vì thiếu ăn và hình ảnh đoàn xe bóng loáng, bên trong là những cặp vợ chồng con cái ăn mặc se sua, mặt mày tươi mát.Mặt trời đã lên cao và đoàn biểu tình ướt mồ hôi. Những giọt nước đùng đục lăn dài trên những gò má hom hem, trên những vầng trán nhăn sạm. Thình lình, có tiếng còi xe. Người lái chiếc xe này định lấn đường để vượt qua. Tất cả các phế binh quay nhìn lại. Rồi không nói một lời, họ tản ra đứng chắn đường. Ở tay lái xe là một thanh niên mặc y phục mùa Hè, bên cạnh hắn là một thiếu nữ. Hắn làm vài cử chỉ chán nản rồi lấy xì-gà ra hút. Mỗi người tàn lật đi qua đều nhìn hắn. Kỳ lạ là chẳng một ai lộ vẻ bực tức, họ không nhìn bộ mặt xấc láo của gã chủ xe mà chỉ nhìn thấy điếu xì-gà đang thả khói thơm mùi mật. Một điếu xì-gà thượng hảo hạng. Đố với những kẻ tàn phế ghiền thuốc lá thì khói thuốc mà họ vừa hít đi qua gần như là một ân huệ.Tôi theo sau đoàn biểu tình tới nhà thờ Thăng Thiên. Trên bậc thềm, hai đảng viên Quốc Xã mặc đồng phục với một biểu ngữ to tướng “Chiến hữu, hãy đến với chúng tôi. Adolf Hiller sẽ giúp các bạn”.Đoàn người đi vòng qua nhà thờ.Chúng tôi đang ở tại ca vũ trường Moulin Rouge. Một chai sâm banh thô cổ ra từ một “xô” nước đá. Giá tiền: hai triệu Đức kim! Đó cũng là tiền lương hai tháng của một phế binh. Chính Riesenfield gọi chai sâm banh này.Hắn ngồi một chỗ cho mọi người nhìn rõ. Hắn bảo tôi:- Đừng chơi trò đánh lận con đen với tay tổ Riesenfield này nghe không? Mới thấy là biết ngay. Không phải ông không biết ngay từ lúc đầu nhưng ông cứ làm như không biết để coi mấy chú em đi tới đâu. Bé con ơi, những mệnh phụ phu nhân không bao giờ lại ở những căn nhà đối diện với những tên bán mộ bia, nhứt là trong một hẻm tồi tàn.Tôi nhứt định không chịu thua:- Vậy là ông lầm rồi. Ông nên biết là dân trưởng giả quý phái bây giờ đã xa lánh các khu vực giàu sang để tới ẩn cư những hẻm tồi tàn. Thưa ông Riesenfield hết rồi cái thời dinh thự! Người nào may mắn lắm còn giữ nổi dinh thự của ông cha thì cũng biến thành khách sạn ngay. Gia tài của họ đã chảy loãng vào lỗ lạm phát. Những bà nam tước đi ở nhà mướn, mấy ông đại tá đi làm nhân viên bảo hiểm, và các nữ bá tước...- Thôi, đủ rồi. Đừng nói quá làm tôi khóc! Nhưng trường hợp bà Watzek thì không phải vậy. Thấy là biết ngay. Láu cá vừa thôi!Hắn ngắm bờ lưng của Lisa đang nhảy cùng Georges. Tôi không dám nhắc là hôm đầu tiên, hắn đã bảo Lisa có dáng dấp phụ nữ Pháp vì nói như thế là vĩnh biệt kho tiếp liệu đá hoa cương, vĩnh biệt sinh tố T của hãng chúng tôi. [1]Riesenfield dịu giọng:- Dẫu sao cũng tốt. Kia coi nàng nhảy. Trông như một...- Một con beo cái.Riesenfield liếc sang tôi:- Khá lắm. Coi bộ chú em cũng bắt đầu hiểu chút ít về đàn bà.- Đó là nhờ... sự soi sáng của ông.Hắn nâng ly với vẻ mát dạ. Tôi bạo dạn hơn:- Có một điều thắc mắc mà tôi định hỏi ông. Theo tôi thì tại nơi ông ở, ông là một công dân hiền hòa, một ngưoi cha gương mẫu. Ông đã cho tôi xem ảnh ba người con và một ngôi nhà giữa một vườn hồng, tôi xin ca tụng ông. Nhưng ngay khi ra ngoài thì không hiểu tại sao ông lại trở thành một tay tứ chiếng ngay?Hắn thản nhiên:- Để khi trở về nhà mình lại càng thích thú hơn với cuộc sống trưởng giả trong vai trò một người cha gương mẫu.- Rất hay. Nhưng tại sao lại phải rắc rối như vậy?- Đó là do con quỷ trong người! Hình trạng thứ hai của mỗi cá nhân. Có nghe nói bao giờ về chuyện thiên thần và thú vật ở chung không?- Tôi à? Tôi phải được kể là trường hợp điển hình.Hắn cười như chửi vào mặt tôi:- Chú bé à?- Chứ sao, nhưng với tôi tất cả đều ở một trình độ cao hơn.Georges và Lisa rời sàn nhảy trở lại bàn. Riesenfield làm một cử chỉ lịch sự với Lisa:- Một bản tango, thưa bà... nếu bà vui lòng.Lisa cao hơn hắn một cái đầu. Chúng tôi định lấy đó làm cớ để cười. Nhưng, tôi và Georges không khòi sửng sốt khi thấy hắn đi nhịp tango argentine quá đẹp lại còn sáng chế những bước lạ mắt. Phải nhìn nhận, tài nghệ của hắn không thua mấy giáo sư khiêu vũ.Tôi quay nhìn Georges:- Anh nghĩ sao? Tôi bắt đầu lo ngại thật sự rồi đó. Không chừng con bồ của anh mê hắn sau màn nhảy này. À, hồi sáng, làm thế nào Lisa thoát được về nhà?- Cũng gian khổ lắm. Riesenfield quyết định chiếm gian phòng làm đài quan sát cửa sổ nhà Lisa. Tôi nghĩ là phải cho hắn biết nàng ta là vợ ai để cho hắn ngán rồi đi. Vậy mà hắn vẫn cứ lì ra coi chuyện đó như không. Cuối cùng tôi phải lôi hắn xuống bếp uống cà phê lúc hắn trở lên thì bà Watzek đã từ cửa sổ bên kia đường cười điệu.- Mặc áo gì? Kimono có thêu chim cò?- Không, thêu quạt xay gió.Tôi nhìn Georges với ánh mắt nghi ngờ. Hắn thú nhận:- Phải tốn hết một tấm bia thứ tốt. Cũng không sao. Biết đâu không phải vì cái áo mới đó mà Riesenfield ra hiệu mời nàng ta tới đây đêm nay.Hai người trở về bàn. Riesenfield đổ mồ hôi hột. Lisa vẫn tươi cười như bông huệ trong tu viện.Một lúc sau, cặp Riesenfield - Lisa lại trở ra sàn nhảy. Tôi vỗ vai Georges:- Sao đây? Không khéo thì tay thầu đá hoa cương đó cuỗm mất bồ anh chớ chẳng chơi đâu.- Vợ của người khác bao giờ cũng hấp dẫn gấp năm mười lần vợ nhà. Nhưng không sao đâu. Chỉ trong vài phút nữa là Lisa sẽ nhức đầu, nàng ta sẽ vào phòng gởi tìm aspirine và sẽ có một gã hầu bàn tới cho hay nàng phải về nhà nghỉ và chúc cả bọn mình một đêm vui từ đầu đến cuối.- Vậy là xỏ hắn. Và ngày mai hắn từ chối cung cấp đá hoa cương.- Trái lại, hắn sẽ cung cấp gấp đôi. Sao không thấy, Gerda?- Còn ba hôm nữa mới làm việc. Chắc đang ở khách sạn Con Nai, nhưng cũng có thể đang ngồi ở quán của Edouard. Con bé bảo làm như thế để tiết kiệm, khỏi tốn tiền bữa ăn tối. Biết làm sao bây giờ? Ít lắm phải thêm ba mươi tuổi nữa, tôi mới có đủ bản lãnh để trị nó. Nhưng, hãy lo cho Lisa của anh đi. Coi chừng nàng ta không chịu nhức đầu.Bản nhạc kết thúc. Lisa và Riesenfield về chỗ. Lisa vỗ nhẹ vào trán:- Lạ quá, sao lại nhức đầu kỳ dị thế này! Xin lỗi, tôi đi tìm một viên aspirine đã. Ồ, lại nhức đầu giữa lúc này...Riesenfield chưa kịp đứng lên thì Lisa đã quay đi. Georges liếc mau sang tôi với vẻ tự hào, và rút lấy một điếu xì-gà trong túi. Chú thích:[1] Sinh tố A trong bản Pháp văn có nghĩa Argent là Tiền, xin đổi là sinh tố T cho phù hợp với Việt ngữ.