Dịch giả:Vũ Kim Thư
- 2 -

     ứng trên ngưỡng cửa, chúng tôi có cảm giác được nàng Xuân ve vuốt. Gió nhẹ tháng Tư thì thầm như tiếng thụ cầm trên tàng lá những cây bạch dương và cây tử đinh hương vừa mới trổ hoa. Tôi nắm tay Georges:
- Lạm phát rồi. Nụ hoa đầu tiên của tử đinh hương của mình chỉ là một đồng Roupie so với tất cả những thứ kia. Nhìn xem những cây uất kim hương. Màu trắng đằng kia, màu đỏ và màu vàng khắp cả. Hãy hít lấy một chút hương hoa. A! Thưa Đại tướng, xin nở mũi ra!
Georges hít một hơi không khí và tiếp theo ngay một hơi xì-gà. Đối với y, vạn vật chỉ có thể đẹp ra khi được nhìn ngắm qua khói thuốc xì-gà Ba Tây. Khu vườn ngoạn cảnh phía sau nhà cũng là nơi triển lãm của thương cuộc chúng tôi. Ở đó, các tưởng niệm tháp được dựng lên ngay hàng thẳng lối như một đại đội đứng nghiêm, và phía trước chúng tôi là viên Trung úy oai nghiêm: cái Tiêm-bi Ai Cập vừa là tổ phu vừa là huy hiệu của thương cuộc. Kế đó là một lò mộ bia rẻ tiền bằng sỏi đúc xi-măng dành cho những người nghèo đã từng là những kẻ dũng cảm, ngã chết vì nghèo khổ. Tiếp theo là những món thông dụng đá bình thường cô bệ, không đắt lắm, dành cho những người chết khiêm nhường. Rồi tới các loại bia bằng sa thạch có bảng tên lồng vào khuôn, bia cẩm thạch hoặc bia đá hoa cương Thụy Sĩ. Toàn là những thứ mà bàn tay lao động không với tới, chỉ dành cho các tiểu thương gia, đốc công, tiểu công nghệ gia. Suýt nữa là tôi quên mất những con sâu nhỏ của xã hội tân tiến chúng ta. Đó là người công chức tằn tiện lúc nào cũng muốn vươn cao quá sức mình, tuy nhiên đó cũng là hạng vô sản can đảm đã khiến người ta tự hỏi chẳng biết vì sao họ vẫn tồn tại mặc dầu tiền lương luôn luôn tới sau vật giá.
Tất cả những thứ đó không đáng kể. Bây giờ tới phiên cẩm thạch và đá hoa cương. Trước hết là loại đá được mài láng một mặt hai bên cạnh và phía sau lởm chởm. Đây là những thứ dành cho giới trung lưu: chủ nhân, doanh gia, điền chủ và những công chức lớn luôn luôn muốn cho cái chết của mình mang sắc thái của loài động vật hữu nhũ to lớn.
Cuối cùng là phần dành riêng cho giai cấp quý tộc: cẩm thạch mài bóng tất cả các mặt, đá hoa cương đen Thụy Điển. Không còn được một chỗ nhám, tất cả đều phải sáng chói ngay cả cái bệ. Những công trình nghệ thuật này chỉ dành cho các phú nông, tỷ phú, những tay quỷ quyệt của ngành kinh tài sống nhờ vào ngân hàng Reichs.
Chúng tôi tới nhìn món hàng duy nhứt mà mười lăm phút trước vẫn thuộc quyền sở hữu của thương cuộc. Đen và ngời chiếu như một chiếc xe hơi mới toanh, nằm giữa hương sắc mùa Xuân, cái tháp quý giá sang trọng ấy trông như một thiếu nữ tươi mát, thuần khiết và trinh trắng... trong một tiềng đồng hồ. Bởi vì trong một tiếng đồng hồ nữa, người ta sẽ khắc vào cái bụng thon của nó những chữ La Tinh mạ vàng - giá tám trăm đồng một chữ - tên của người chủ một nông trại to lớn: Henri Fleddersen. “Thượng lộ bình an! Công chúa hoa cương. Vĩnh biệt!” Và tôi dở nón ra. Hỡi ơi! Sắc dẹp cũng chào thua đinh mệnh. “Vĩnh biệt! Công chúa sẽ trở thành một khối đá dùng để quảng cảo cho tên tuổi của con người ti tiện ấy, con người đã bóc lột những góa phụ cho tới tờ giấy bạc cuối cùng bằng cách bán chất béo trái cây mà bảo là bơ. Đó là chưa kể tới những vụ bán buôn bỉ ổi thịt bê, sườn heo và thịt bò chiên. Thượng lộ bình an, người đẹp”.
Georges sờ bụng:
- Chú nhắc chuyện heo bò làm tôi đâm đói bụng rồi. Nào, tiến tới mục tiêu: Walhalla. Có cần đi mua cà vạt chưa?
- Chưa, còn đủ thì giờ. Thời giá Mỹ kim chỉ thay đổi sáng thứ Hai. Tại sao kia? Tại sao đồng Mark không tiẽp tục sụt giá vào cuối tuần. Phải chăng có bàn tay Thượng đế?
- Không. Rất giản dị là chỉ tại thị trường chứng khoán ngưng hoạt động, cỏn hỏi gì nữa không, bé con?
- Còn. Người ta sống từ trong ra ngoài hay từ ngoài vào trong.
- Con người sống, chỉ vậy thôi. Có món goulasch ở nhà hàng Walhalla với khoai tây, dưa chuột và xà lách. Tôi nhìn thấy thực đơn khi từ ngân hàng trở về.
- Vậy thì đi ăn goulasch!
Tôi ngắt một cánh hoa cài vào áo:
- Anh có lý, con người sống và chỉ có thế thôi. Đừng tìm, những cái không thể có. Thôi mình đi để làm cho Edouard Knobloch điên đầu.
Edouard Knobloch, một ga khổng lồ toàn mỡ, mang tóc giả màu nâu, vừa thấy chúng tôi vào phòng ăn đã nhăn mặt như mới bị gãy răng.
Georges cất cao giọng:
- Chào ông Knobloch! Trời hôm nay đẹp. Càng thêm đói cồn cào.
Vai Edouard rung rung:
- Ăn nhiều có hại cho gan và mật. Hại đủ thứ.
Georges ra điều thân thiết:
- Vậy mà ăn ở quán bạn thì trái lại. Từ ngày điểm tâm ở đây, tôi thấy mắt sáng ra và đùi tròn lại.
- Hừm! Nhưng quá khỏe mạnh cũng không được bình thường. Theo các tài liệu khoa học mới đây, ăn quá nhiều thịt...
Tôi ngắt lời Edouard bằng một cái vỗ nhẹ vào dạ dầy của hắn. Hắn lùi lại như bị điện giựt.
- Phải bình tĩnh chớ, và ứng phó tùy theo hoài cảnh. Không ai dọn sạch tủ ăn đâu mà. Mấy lúc sau này có còn học làm thơ không?
- Thơ cái quái gì! Thì giờ đâu mà làm.
Phải nhìn nhận rằng Edouard vừa là chủ quán ăn vừa là nhà thơ tuy chẳng ra hồn gì về cái tài nghệ phần sau. Tôi hỏi:
- Còn bàn không?
Knobloch nhìn quanh quất và mắt hắn chợt sáng lên:
- Rất tiếc không sao còn chỗ trống.
- Cũng không sao, bọn này chờ.
Edouard cố cười thật tươi:
- Tôi sợ là lâu lắm mới có chỗ. Hầu hết thực khách đều mới bắt đầu ăn xúp. Nếu các bạn qua nhà hàng Grand Cerf hay ra quán nhà ga, chắc con kịp. Ở đó cũng không tệ lắm.
Trò đùa hôm nay quả kéo dài. Sau Henri đến lượt Edouard. Nhưng chúng tôi cương quyết ăn cho được
món goulasch dầu phải đợi một tiếng đồng hồ. Đó là món ăn xuất sắc của thực đơn.
Edouard không những là nhà thơ, hắn còn biết đo mức độ chịu đựng của thận và tim:
- Chờ cũng vô ích. Bây giờ thì hét goulasch rồi. Nếu các bạn chịu món bò chiên kiểu Đức, tôi có thể dọn ngay lên quầy.
Tôi lắc đầu:
- Thà chết đói còn hơn! Bọn này sẽ cắt bạn ra từng mảnh để làm goulasch.
- Giỡn hoài!
Tôi vô thêm một cái vào bụng hắn:
- Coi chứng! À này, Georges, theo tôi, có chỗ rồi.
Edouard dáo dác:
- Đâu?
- Đằng kia, bàn của người ăn mặc chải chuốt, tóc nâu. Gần một người đàn bà sang trọng. Bạn không thấy họ ra hiệu với bọn này. Bạn của tôi đó. Bảo gã hầu bàn tới mau.
Edouard thở phì ra như bong bóng xì hơi ở phía sau chúng tôi.
Cứ mỗi lần bọn tôi tới quán này là trò cũ tái diễn. Nguyên do là trước đây nhà hãng có bán một quyển sổ gồm mười phiếu cho những khách hàng nào muốn được ăn rẻ tiền. Edouard cho đó là một sáng kiến hay để câu khách. Rủi cho hắn là những tuần lễ sau này, mức độ lạm phát tuôn như suối làm ngập lụt cả mức độ tính toán của hắn đi. Nếu mỗi phần ăn vào tháng trước còn đúng với giá ghi trong sổ thì mỗi phần sau này cứ ngày một tăng lên. Edouard ngưng bán phiếu. Nhưng chúng tôi tinh mũi hơn hắn nên với tất cả số tiến bán được một cái tháp cách nay sáu tuần, chúng tôi đã dùng cả để mua những tập phiếu ăn ấy. Để Edouard khỏi nghi ngờ, chúng tôi đã nhờ các người quen, mỗi người mua vài tập. Khi Edouard ngưng bán hắn tưởng là có thể thanh toán được tất cả trong mười hôm. Nhưng tôi và Georges, mỗi đứa còn giữ được tới ba chục tập tức là trên ba trăm bữa ăn. Mười lăm ngày sau khi ngưng bán phiếu, Edouard bắt đầu lo ngại khi thấy bọn này cứ tiếp tục trả bằng phiếu. Và cho tới đúng một tháng, hắn cuống lên. Vào lúc đó mỗi bữa ăn của bọn tôi chỉ bằng một nửa giá. Sáu tuần sau đồng giá với mười điếu thuốc. Mỗi ngay, bọn tôi tới nhà hàng với phiếu dùng bữa trên tay. Edouard hỏi dò xem còn được bao nhiêu. Chúng tôi ậm ừ cho qua. Hắn định yết bảng không nhận phiếu nữa. Hôm sau bọn tôi mời một luật sư cùng đến áăn thịt bê. Tới lúc điểm tâm, ông thầy cãi giảng cho Edouard biết thế nào là vi phạm những giao ước và trả phần ăn của ông ta bằng một lá phiếu của tôi đưa.
Cảm hứng thơ phú của Edouard đi vào ảm đạm. Hắn đề nghị một thỏa ước nhưng chúng tôi từ chối. Hắn làm một bài thơ kiểu giáo khoa với tựa đề “Của phi nghĩa có giàu đâu” và gởi đến nhà báo. Người chủ bút cho chúng tôi hay là bài thơ ám chỉ đến bọn đào huyệt, đúc bia, xây tháp trong đó có nói đến một cái tên mà lời lẽ trong thơ gọi là Kroll Cá Xà. Chúng tôi lại mời ông thầy cãi tới nhà hàng Walhall dùng món sườn heo. Nhân có sự hiện diện của Edouard gần bàn, nhà cố vấn luật của bọn tôi định nghĩa về tội công khai nhục mạ cũng những hậu quả pháp lý. Và ông ta lại trả phần ăn bằng một tấm phiếu của chúng tôi.
Thế là, nhà thơ Edouard chỉ thích dệt những vần thơ sầu muộn bỗng sáng tác toàn những dòng thơ nặng hận thù trong hy vọng nguồn phiếu ăn của chúng tôi sớm cạn. Hắn đã lầm, bọn tôi còn đủ phiếu để tiếp tục ăn hơn sáu tháng.
Willy đứng đây tiếp bọn tôi. Hắn mặc một bộ com-plet xanh đậm, loại hàng đắt giá, trông hắn giống con cóc tía. Cà vạt của hắn có gắn một viên trân châu và ngón trỏ tay phải đeo một cái nhẫn tổ bố. Năm năm trước hắn là một hạ sĩ quan quân lương cũng một đơn vị với chúng tôi. Hắn và tôi cũng một tuổi: hai mươi lăm.
WilIy giới thiệu:
- Các bạn tôi: Georges Kroll và Louis Bodmer và đây là cô Renée de la Tourterelle của Moulin Rouge ở Ba Lê.
Renée de la Tuorterelle nghiêng mình chào. Chúng tôi nhìn Willy. Hắn nhìn lai không che giấu hãnh diện:
- Mời quý vị ngồi. Nếu tôi không lầm thì dường như chủ nhà hàng muốn mời quý vị đi nơi khác. Món goulash còn thiếu chút xíu hành nhưng tuyệt hảo. Nào, ngồi đi, mình chịu chật một chút.
Chúng tôi ngồi vào chỗ. Willy đã quá biết trò đùa dai dẳng của chúng tôi với Edouard, và hắn theo dõi cuộc hành quân quấy rối này với tất cả sự yêu nghề của một phóng viên chiến trận.
Tôi vỗ vào tay gọi:
- Hầu bàn!
Một gã hầu bàn đang ưỡn ẹo cách bàn chúng tôi không quá ba thước bỗng điếc đặc. Tôi dằn giọng:
- Hầu bàn đâu?
Georges giọng khôi hài:
- Chú đửng hỗn láo với người ta. Đừng quên là người ta đã từng tham dự cuộc cách mạng 1918! Phải gọi là Quản bếp!
Tôi bật cười. Thật vậy, cuộc cách mạng ớ Đức năm 1918 được coi là ly kỳ nhất trong lịch sử cách mạng. Chính những người làm cách mạng bỗng đâm ra hoảng sợ trước sự can đảm của mình nên phải gọi tới sự viện trợ của nhà tù già cỗi và những ông tướng của chế độ cũ để che chở cho họ chống lại sự liều lĩnh của chính họ. Trong mỗi thành phần xã hội, các vụ tăng chức mọc lên như nấm. Giáo viên trở thành giáo sư thanh tra Tiểu học biến thành thanh tra Đại học, hầu bàn được cất lên Quản bếp, các cựu thơ ký đảng bỗng được gọi là ngài. Và ông Bộ trưởng Quốc phòng - đảng Dân Chủ Xã Hội - vô cùng hân hoan khi thấy trong Bộ của mình toàn là những người mang cấp Tướng. Thế rồi cuộc cách mạng chìm vào áo lông, lòng tốt, bọt bia và nỗi nhớ nhung các bộ quân phục cùng những tiếng hô “Bồng súng, chào!”
Georges lặp lại:
- Quản bếp!
Gã hầu bàn vẫn cố làm ra điếc, theo lời dặn của Edouard.
- Quản bếp! Tên khốn khiếp!
Thình lình, một giọng rền như sấm cất lên, đúng y như giọng một hạ sĩ quan Phổ trong trại lính. Dư âm vang rền khắp phòng như tiếng kèn xung trận. Gã hầu bàn dừng sững và quay phắt lại. hai gã khác từ trong bếp chạy ra. Có tiếng gót chân chạm nhau trong một góc phòng. Một thực khách có dáng vẻ nhà binh kêu lớn “Hoan hô”. Ngay cả Edouard cũng chạy tới chạy lui để tìm xem cái giọng sấm ầm ầm đó từ đâu phát ra. Hắn biết rõ không phải của tôi cũng không phải của Georges.
Chúng tôi quan sát Renée de la Tourterelle. Cô ta vẫn bình thản như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì chỉ có cô ta là có thể làm như thế bởi vì chúng tôi cũng biết rõ giọng của Willy.
Gã hầu bàn tới:
- Ông bà cần gì?
Georges nói một hơi:
- Mì nước, goulasch và bánh mì pudding có trái phúc bồn tử ướp lạnh cho hai người ăn. Và phải làm đúng nếu không, tao vặn tai ra.
Edouard từ từ đi tới. Hắn liếc nhìn xuống gầm bàn. Chẳng có ai. Vậy thì kẻ nào đã có thể kêu rền như vậy được?
Hoàn toàn im lặng. Chúng tôi nhìn Edouard với vẻ sửng sốt, Renée de la Tourterelle chậm phấn. Edouard bỏ đi:
- Chủ quán! Lại đây! Mau!
Giọng sấm rền lại ngân vang.
Edouard quay phắt lại, nhìn đăm đăm vào bàn chúng tôi. Chúng tôi vẫn giữ cái cười đần độn. Edouard nhìn thẳng vào Renée.
- Có phải cô...
Renée đậy hộp phấn lại:
- Ông chủ hàng muốn hỏi gì?
Giọng kim cao vút như thủy ngân của cô ta khiến Edouard ngây người ra. Georges không bỏ lỡ cơ hội:
- Dường như ông Knobloch hôm nay không được khỏe?
- Nhưng mà...
Tôi chận ngang:
- Bạn quẫn trí rồi. Edouard! Sao lại mang bộ mặt kỳ dị vậy? Chắc lại làm việc quá sức rồi. Nên nghỉ một ít lâu. Dầu bạn có chết bọn này cũng chẳng lợi lộc gì với một tấm mộ bia cẩm thạch khiêm nhường.
Mắt của Edouard nhấp nháy như cú mèo. René xẵng giọng:
- Trông giống như một người cổ quái. Đã vậy mấy người của ông lại nhét cao su vào tai còn buôn bán cái gì nữa.
Và cô ta cười, tiếng cười trong như tiếng suối thủy tinh.
Edouard đưa tay lên trán. Một giọng cười như thế không thể nào biến thành cái giọng ồm ồm của viên thượng sĩ ngoài mặt trận. Georges bảo:
- Bạn có thể trở về chỗ, Knobloch, trừ phi bạn thấy thích thú nghe bọn này nói chuyện.
Tôi nói thêm:
- Và nhớ đừng ăn nhiều thịt. Chắc tại ăn nhiều nên mới nảy sanh ảo giác. Hồi nãy bạn nói gì? Theo những khám phá mới của khoa học ăn quá nhiều...
Edouard quay người nửa vòng rồi bỏ đi mau. Hắn vừa đi khuất, Willy cười rung cả hai vai. Renée chỉ cười nhẹ nhưng mắt cô ta sáng chói.
Tôi bắt tay Willy:
- Lâu quá tao chưa được cười lần nào như bữa nay. Đâu nói cho bọn tao nghe về hiện tượng âm hưởng đó đi.
Willy vừa cười vừa chỉ vào Renée. Tôi ra điều lịch sự:
- Xin cô vui lòng cho chúng tôi...
Tiêng Pháp theo sách vở nhà trường của tôi khiến cho Willy phì cười.
- Nói cho nó nghe đi, cưng!
- Cái gì?
Renée vừa hỏi vừa hơi nhíu mày ra vẻ khiêm nhường. Rồi cô ta bật cười... tiếng cười cao vút, và thình lình giọng cười trong trẻo bỗng ầm ầm như tiếng trống.
Chúng tôi nhìn sững cô ta. Willy giải thích với những cơn cười nghẹn:
- Renée là ca sĩ! Hát hai giọng... Hai giọng, chỉ hát một mình. Một đoạn giọng cao một đoạn giọng thấp. Giọng kim và giọng thổ.
Chúng tôi thầm cám ơn Renée và Willy. Món goulasch được dọn ra. Edouard từ xa không ngớt theo dõi vào bàn của chúng tôi. Thói xấu của hắn là luôn luôn muốn biết. Thái độ tò mò đó làm hại cho hồn thơ của hắn và biến hắn thành kẻ đa nghi. Georges Kroll, người của nền giáo huấn xưa, yêu cầu Willy và Renée để cho y được trả tiền bữa ăn chung đánh dấu một chiến thắng. Sau đó, y chìa cho Willy bốn tấm phiếu trị giá chỉ bằng một vài khúc xương còn dính sót một chút thịt.
Trời sẫm tối. Tôi ngồi trên bàn viết nhìn ra cửa sổ. Ngôi nhà thấp cũ, đầy xó xỉnh là của gia đình Kroll đã mua cách đây sáu mươi năm để lập nghiêp. Nó gồm ba phần được ngăn cách bằng một cổng chánh và một lối đi. Phần thứ hai là nơi cư ngụ của lão thượng sĩ hồi hưu Knopf cùng vợ và ba cô con gái. Bên trái, sau khu vườn triển lãm các mộ bia và tưởng niệm tháp, là một nhà hai từng trông giống như trại lính. Từng dưới được dành làm tiểu xưởng cho Kurt Bach tạc đá thành những con sư tử sầu thảm và những con chim ưng xòe cánh để gắn trên các đài tưởng niệm. Những giờ nhàn rỗi, Kurt quào lục huyền cầm hoặc thơ thẩn với giấc mơ một ngày nào đó sẽ chiếm được huy chương vàng. Hắn ba mươi hai tuổi.
Từng trên của trại là gác trọ của anh chàng đóng hòm Wilke, một thanh niên cao lớn nhưng khẳng khiu, dường như chẳng có gia đình. Bọn tôi giao dịch với hắn trên tinh bằng hữu có lợi cho cả đôi bên. Khi tìm ra một người chết còn tươi chưa có hòm, chúng tôi giới thiệu hắn với tang quyến hoặc bán ngay lập tức cho hắn. Phần hắn, khi đánh mũi ở đâu có xác chết, hắn báo động lập tức với chúng tôi trước khi bọn cạnh tranh chó sói khác đến nơi giựt mối. Công việc làm ăn càng khó nên phải tranh nhau như chó giành giẻ rách. Tên Oscar Fuchs của hãng cạnh tranh trực tiếp với chúng tôi đã không ngần ngại dùng tới củ hành. Trước khi vào một nhà có tang, hắn lấy vài khoanh hành củ ra hít thật nhiều hơi để cho nước mắt chảy ra. Chúng tôi đặt cho hắn cái tên “Oscar mắt treo cờ rũ”.
Sương mù từ từ xâm chiếm con đường. Lisa đã đốt đèn nhưng lần này các cửa màn đã kéo kín chứng tỏ là anh chàng giết ngựa đang có ở nhà. Những chùm tử đinh hương lủng lẳng trên tường của khu vườn bên cạnh thuộc về nhà buôn rượu chát Holzmann. Mùi rượu nho hắt tới bên này đường. Bóng dáng lão thượng sĩ Knopf hiện ra giữa khung cửa chánh. Người lão khô đét như xác chết treo với một cây gậy và một cái mũ có vành. Dầu chỉ sống gần như suốt đời trong quân ngũ và trí thông minh không vượt quá quyển “Khái niệm của Bộ binh” lão ta trong giống Nietzche một cách lạ lùng. Knopf đi dài theo hẻm Arquebusiers và quẹo trái ra đường Assomption. Lão sẽ trở về lúc nửa đêm sau khi đã đánh một vòng qua các quán rượu trong thị xã. Knopf chỉ uống toàn rượu mạnh, loại rượu cất bằng mễ cốc. Trong lãnh vực này, lão là người sành sỏi hơn bất kỳ ai. Ở Wenderbruck có hai hoặc ba nhà sản xuất rượu bằng mễ cốc. Knopf chỉ cần để mũi tới là phân biệt được ngay. Bốn mươi năm tận tụy trong binh nghiệp, mũi và lưỡi lão ta đã quá quen với mùi vị nên có thể nói ngay đó là rượu nấu với cốc loại nào hoặc là do lò nào sản xuất. Cố nhiên là lão ta nói về loại rượu trong thùng chớ không phải đã vào chai. Cái năng khiếu đặc biệt đã giúp lão thắng vô số cuộc đánh cá.
Tôi đứng lên nhìn lại cái ổ chuột của mình. Đây là một căn buồng sát mái nhà, trần thấp lè tè. Tất cả duyên dáng của nó bao gồm với một cái giường, một kệ sách lèo tèo vài quyển sách, một cái bàn, vài cái ghế và một chiếc dương cầm già nua. Năm năm trước, sống trong vùng Flanders, tôi không dám mơ sẽ có được một thiên đường thế này. Đó là thời gian xảy ra cuộc tấn công vào đồi Kemmel mà đại đội chúng tôi đã để mất đến ba phần tư. Hôm sau cuộc tấn công, Georges Kroll vào quân y viện với một vết thương ở bụng. Phần tôi phải đợi đến ba tuần lễ sau, định mệnh mới chịu ném cho một mảnh đại bác vào đầu gối. Tiếp theo đó là sự tan rã hoàn toàn. Cuối cùng, để giữ trọn lời hứa với người mẹ đang bệnh tôi trở thành thầy giáo. Mẹ tôi nghĩ rằng với mảnh bằng giáo chức tôi đã có thể an nhàn sống tới ngày vào mộ. Bà qua đời trong những tháng năm sau cùng của chiến tranh trước khi tôi được phái tới một vùng hoang dã. Quá chán công việc nhồi vào óc trẻ con với những điều mà mình không còn tin tưởng nữa, một sáng mùa Đông, tôi đào nhiệm.
Tôi lật lật một vài quyển sách nhưng không có tinh thần để đọc. Thời tiết Xuân cứ quấy rầy tôi và trời chiều đang ngã màu sầu muộn. Tôi mở đèn lên để xua đuổi những tư tưởng xấu trong đêm. Trên bàn, một tập giấy bìa màu vàng đang nằm lạnh. Trong đó có những bài thơ mà tôi đã đánh máy thành ba bản. Thỉnh thoảng, tôi gởi một vài bài tới các nhật báo và cho tới nay chỉ mới được đăng có ba lần trên một tờ báo địa phương. May là nhờ có Georges quen biết với người chủ bút. Nhưng dầu sao qua sự kiện có thơ đăng trên báo, tôi cũng đã nhận được vào thi đoàn thị xã mỗi tuần một lần tại nhà của Edouard Knobloch, trong gian phòng kiểu Gô-tích. Gần đây, Edouard tìm cách khai trừ tôi bảo là kém tinh thần đạo đức - vì mấy tấm phiếu ăn - nhưng toàn thể hội viên đều cho rằng tôi đã xử sự hoàn toàn chính đáng theo các nguyên tắc được nhìn nhận từ lâu bởi nền kỹ nghệ nặng và nền tài chánh cao cả của đất nước yêu quý chúng ta. Vả lại, nghệ thuật chẳng có gì bị ràng buộc bởi tinh thần đạo đức.
Tôi đậy tập thơ vào góc bàn. Tự nhiên tôi thấy nó trẻ con và tầm thường quá. Nằm trong hầm núp, làm thơ còn có được ý nghĩa bởi vì đó là một hòn đảo nhỏ của sức kháng cự và lòng tin vào một tương lai trên sự điêu tàn, chết chóc. Nhưng tôi sẽ trở thành gì nếu bỏ cuộc? Chính vì vậy mà tôi tiếp tục viết và rồi những vần thơ của tôi đôi khi dường như bỗng thoát ra trước cảnh nắng chiều ngã mình trên mái ngói, vào giờ mà hoàng hôn phủ lên con đường những vũng màu tím thẫm.
Tôi xuống lầu và ra vườn, cửa nhà lão Knopf còn mở, từ đó thoát ra tiếng rào rào không ngừng của những chiếc máy may. Ba cô con gái của lão ta còn làm việc. Tôi nhìn về phía văn phòng. Không có ánh đèn. Vậy là Georges đã chuồn đi đâu đó. Phần Henri thì có lẽ ông ta đang ngồi ở một quán cóc. Tôi đi quanh quẩn. Có ngưởi đã tưới nước nên đất ẩm xông lên nặc mũi. Xương đóng hòm của Wilke trống rỗng, và căn buồng của Kurt Bach im lìm. Cửa sổ mở toang, một con sư tử đá tạc nửa chừng nằm dưới đất, thiểu não như đang bị đau răng, bên cạnh nó là hai chai bia không chĩa miệng lên trời. Một con sơn ca bắt đầu hót, và đột nhiên, không một lý do chính xác, tôi chợt buồn thấm thía với những nỗi buồn quen thuộc. Tôi trở lên phòng mở nắp dương cầm, đánh một bài hòa âm. Cũng như con chim ngoài vườn, tôi muốn gởi ra gió nỗi buồn và niềm vui của lòng mình. Nhưng, cuối cùng những đầu ngón tay tôi chỉ bấm được những bản nhạc bình dân và những điệp khúc tình cảm của “Tristan” và “Chevalier à la Rose”. Một người qua đường hét vọng lên:
- Học đàn lại đi, đồ ngốc!
Tôi đậy nắp đàn và phóng tới cửa sổ. Một bóng người vừa khuất mình trong tối. Hắn có lý. Tôi chơi nhạc quá tồi cũng như đã quá tồi trong cuộc sống không bao giờ tiến bộ. Nếu có người nào đó giải thích được là tôi ở trái đất này để làm gì, tôi sẵn sàng nhường lại tất cả những tấm phiếu ăn ở nhà hàng Edouard Knobloch.