hi trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử (HĐXX) tại phiên tòa, mỗi khi nhắc tới N.T.Q.A. - là vợ, là bị cáo thứ 2 trong cùng vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và cũng là người đã chết - bị cáo N.T.V. đều gọi đủ nguyên tên họ N.T.Q.A., N.T.Q.A... nghe khó chịu đến nỗi chủ tọa HĐXX phải nhắc: “Thì anh cứ kêu là cô A đi. Vợ anh chớ ai mà anh làm như người xa lạ vậy?”. Chi tiết đó, làm cho phiên tòa dù kết thúc đã lâu, nhưng tôi vẫn cứ nhớ hoài.“Cáo trạng Viện Kiểm sát (VKS) truy tố anh như vậy có đúng không?”. Im lặng. “Tòa lặp lại. Hai tội VKS truy tố anh có đúng không?”. “Không!”. “Không đúng? Như vậy anh có tội gì không?”. Im lặng. “Bao nhiêu ngày tạm giam anh không suy nghĩ gì hết sao giờ này ra đây đứng hoài? Kéo dài phiên tòa làm mất thời gian, làm sao kết thúc được? Tòa nói lớn anh nghe, anh cũng phải nói lớn. Nghĩ gì thì mạnh dạn nói đi. Tòa nhắc lại lần nữa, lần này là lần thứ ba rồi. Anh có tội gì không?”. “Không!”. “9 tháng nay, anh bị giam vậy có oan không?”. Im lặng. “Sao câu nào cũng phải hỏi ba, bốn lần vậy? Nãy giờ tòa hỏi rất đơn giản mà anh cũng không trả lời được. Tòa hỏi anh oan hay không?”. “Dạ, bị cáo không biết!”. “Không biết là oan hay không à?” Nghe tới đây, một phụ nữ đứng tuổi ngồi kế bên tôi trong phòng xử án có lẽ chịu hết nổi, buột miệng nói: “Làm như con nít vậy. Cái gì cũng không biết hết!”Khó khăn lắm, tôi mới nghe được hết những câu trả lời của N.T.V., vì anh nói rất nhỏ. Những câu hỏi tiếp theo, HĐXX hỏi chung quanh việc bể hụi của hai vợ chồng N.T.V. - N.T.Q.A. V khai Q.A. làm hụi ở nhà mẹ ruột trước khi hai người cưới nhau... Cho nên bao nhiêu người chơi hụi? Bao nhiêu dây? Khui hụi ở đâu? số tiền nợ hụi của Q.A. là bao nhiêu? v.v... Bị cáo đều khai không biết. Bị cáo chì nhận có vài lần chở vợ đi thu tiền hụi hoặc đi thu giùm vợ. Những người chơi hụi đã khai tại tòa và đưa ra bằng chứng rằng N.T.V. có tham gia vào việc làm hụi của vợ. Tổng số nợ khi bể hụi - theo cáo trạng, lên tới trên 400 triệu đồng. Mặc dù bị cáo không nhận là có liên can đến việc làm hụi nhưng cuối cùng HĐXX đã kết luận và tuyên bố bị cáo can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, phải chịu mức án 8 năm tù và phải bồi thường số tiền trên 300 triệu đồng.Nếu như vụ án chỉ có vậy thì dù số tiền chiếm đoạt của yợ chồng N.T.V. - Q.A. có là 400 triệu hay nhiều hơn nữa, cũng chỉ là một vụ bể hụi thường tình. Song, bên cạnh chuyện “hụi” còn có một cái chết. Theo cáo trạng, ngoài tội “lạm dụng tín nhiệm...”, N.T.V. còn bị VKS truy tố tội “Cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đây không phải ai khác mà chính là Q.A. - vợ của bị cáo. Sau khi vỡ nợ, Q.A. được bốn người của gia đinh chồng đưa đi trốn ở Sông Bé nhưng khoảng tháng sau, cô đã trở lại thành phố. Ngày 12/11, cô về nhà và 2 giờ khuya hôm sau, theo lời khai của N.T.V., Q.A. kêu anh đi mua bánh mì. Anh đi khoảng 20 phút và khi về tới nơi thì Q.A. đã uống thuốc rầy tự tử. Sau đó, mặc dù không xác định Q.A. chết hay chưa, nhưng N.T.V. đã không đưa vợ đi cấp cứu mà để tới 4 giờ sáng mới đi báo công an đến. Lúc ấy thì Q.A. đã chết.Tôi hình dung những người đã phạm vào loại tội “cố ý không cứu giúp...” nếu không phải vì hoàn cảnh buộc họ vào thế không thể có hành động nào khác thì đấy phải là một kẻ rất ích kỷ, hèn nhát hoặc khá lắm thì cũng là một con người bàng quan tột độ, một kẻ có trái tim bằng đá. Trong trường hợp người chồng hành xử như thế với một người vợ - nhất là một người vợ trẻ, đẹp, chỉ mới sống chung có 11 tháng như N.T.V. và Q.A., thì tính bi kịch lại càng được nhân lên. Người nghe không thể không thắc mắc tại sao Q.A. đã không được đưa đi cấp cứu kịp thời, trong khi nhà họ ở nội thành chứ không phải một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào đó?Gia đình Q.A. đã có nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi để kêu oan về cái chết đột ngột của Q.A. (Gần 2 năm sau ngày Q.A. chết, khi gặp tôi, mẹ Q.A. vẫn không cho rằng Q.A. tự tử, vì theo bà thì trước đó Q.A. không có dấu hiệu gì bi quan, bế tắc và mấy hôm trước - qua sự giới thiệu của người quen, Q.A. còn đi tìm luật sư D, trình bày sự việc của mình để nhờ luật sư hướng dẫn cách giải quyết). Vị luật sư bảo vệ cho quyền lợi của gia đình Q.A. đã nói tại phiên tòa nghi vấn cái chết của Q.A. là không bình thường. Mẹ ruột của Q.A. đã mang nộp cho cơ quan điều tra một quyển sổ ghi chép của Q.A., trong đó có ghi Q.A. cho cha chồng và chị chồng mượn 600 triệu đồng, có chữ ký xác nhận của N.T.V. - để lý giải nguyên nhân bể hụi của Q.A. Nhưng vì kết quả giám định những chữ viết dưới tên N.T.V. không phải là chữ viết của N.T.V. và chữ ký khác dạng chữ ký của N.T.V., hơn nữa Q.A. đã chết cho nên quyển sổ đã được xem là một “tài liệu thiếu chính xác”. Do đó, tòa đã không có cơ sở để xác định.Sau suốt phần thẩm vấn, không ai đặt câu hỏi gì về sự việc tại sao N.T.V. không đưa đi cấp cứu Q.A., bước sang phần tranh luận, vị đại diện VKS đã rút lại không truy tố N.T.V. tội “cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, với nhận định rằng “trong thực tế, tình cảm vợ chồng giữa hai người chưa có gì mâu thuẫn, bị cáo không muốn vợ chết, chỉ vì đêm khuya, đi lại khó khăn...”. Bị cáo N.T.V. chỉ còn phải chịu trách nhiệm về số tiền nợ hụi.Mặc dù khi tuyên án, vị thẩm phán chủ tọa HĐXX có nói “... hồ sơ có nhiều nghi vấn, cho nên thắc mẳc của gia đình về cái chết của Q.A. là đúng, nhưng không đủ chứng cứ, cần phải xác minh thêm...” nhưng vụ án dường như đã khép lại. Không chứng cứ. Tòa án đã phán quyết. Thú thật, tôi đã tự thuyết phục mình không được quyền nghi vấn nữa về chuyện một người chồng giết vợ, hoặc cố ý để cho vợ chết, và tôi đã thuyết phục được mình. Nhưng... tôi vẫn không sao xóa đi được cảnh mà tôi đã tưởng tượng nhiều lần ở trong đầu. Giữa đêm khuya, một người vợ đang trong cơn hấp hối, một người chồng ngồi yên.