CHƯƠNG 16

     au lưng Garrett, một vốc đất bắn vọt lên không trung và gã đập bàn tay vào tai, nơi gã, cũng giống như Sachs, đã cảm thấy một viên đạn bay vèo qua.
Một tích tắc sau, tiếng nổ của súng dội khắp khoảng đất trống.
Sachs xoay một vòng. Qua việc viên đạn đến trước và qua tiếng súng nổ, cô biết phát bắn không phải là từ Lucy hay Jesse mà từ khoảng cách chừng một trăm thước phía sau lưng họ. Hai đồng nghiệp của cô cũng đang ngoảnh nhìn đằng sau, súng giơ lên, cố gắng nhận ra kẻ vừa siết cò.
Khom người lại, Sachs liếc qua bộ mặt Garrett và cô bắt gặp ánh mắt gã - ánh mắt đầy bối rối và kinh hoàng. Trong khoảnh khắc, chỉ một khoảnh khắc hết sức ngắn ngủi, gã không phải kẻ giết người đã đánh vỡ sọ cậu trai trẻ, không phải kẻ cưỡng dâm đã làm Mary Beth McConnell đổ máu rồi xâm phạm thân thể cô. Gã là một thằng bé đang hoảng sợ, rên rỉ: “Không, không!”
“Ai thế?”, Lucy Kerr hỏi to. “Culbeau à?” Họ núp vào mấy bụi rậm.
“Núp xuống đi, Amelia”, Jesse gọi. “Chúng ta không biết kẻ nào đó định bắn ai. Có thể là đồng đảng của Garrett, nhằm vào chúng ta.”
Tuy nhiên, Sachs không nghĩ thế. Viên đạn là nhằm và Garrett. Cô xem xét kỹ lưỡng mấy đỉnh đồi xung quanh, tìm kiếm bóng dáng tay bắn tỉa.
Một phát súng nữa nổ vang. Phát này còn cách xa mục tiêu hơn cả phát trước.
“Đức mẹ ơi”, Jesse Corn nói, nuốt xuống một lời báng bổ rõ ràng là không bình thường. “Nhìn kìa, trên kia kìa - đó là Mason!Và Nathan Groomer. Trên cái gò kia kìa.”
Germain à?”, Lucy hỏi giọng lạnh lẽo, nheo mắt nhìn. Cô giận dữ bấm nút truyền trên máy bộ đàm của mình và hét to: “Mason, anh đang làm cái quái quỷ gì ở đây vậy? Anh có đó chứ? Anh nghe thấy tôi chứ?... Trung tâm. Truyền đi, Trung tâm. Chết tiệt. Không có sóng.”
Sachs rút điện thoại di động ra và gọi cho Rhyme. Anh trả lời sau một lát. Cô nghe thấy giọng anh, vang vọng, qua loa ngoài. “Sachs, em đã…?”
“Bọn em đã bắt được hắn, Rhyme. Nhưng viên cảnh sát đó, Mason Germain, anh ta ở trên một quả đồi bên cạnh đấy, nhằm bắn hắn. Bọn em không thể nào liên lạc với anh ta qua bộ đàm.”
“Không, không, không, Sachs! Anh ta không thể giết chết hắn được. Anh đã kiểm tra độ thoái biến của máu trên tờ khăn giấy rồi - cho đến đêm hôm qua thì Mary Beth vẫn còn sống! Nếu Garrett chết, chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra cô gái đâu.”
Sachs hét to thông báo điều này cho Lucy, nhưng người nữ cảnh sát vẫn chẳng thể nào gọi được Mason qua bộ đàm.
Một phát súng nữa. Một tảng đá vỡ toác, hất bụi vào người họ.
“Dừng lại!”, Garrett nức nở. “Đừng, đừng... Tôi sợ. Bắt hắn dừng lại đi!”
Sachs nói với Rhyme: “Hỏi Bell xem Mason có điện thoại di động không, bảo Bell gọi cho anh ta, yêu cầu anh ta ngừng bắn.”
“Được rồi, Sachs...”
Rhyme cúp máy.
Nếu Garrett chết chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra cô gái đâu...
Amelia Sachs đi đến một quyết định gấp gáp, ném khẩu súng của cô xuống đất, phía sau lưng mình, rồi bước lên phía trước, đối diện với Garrett, cách gã chừng nửa bước, chắn giữa họng súng của Mason và gã trai. Cô nghĩ: Trong lúc ta thực hiện hành động này, Mason có thể đã siết cò và viên đạn, đi nhanh hơn tiếng súng nổ, có thể sẽ găm trúng vào lưng ta.
Cô nín thở. Hình dung rằng cô có thể cảm thấy được viên đạn xuyên thấu mình.
Một lát trôi qua. Không có phát súng nào cả.
“Garrett, cậu phải bỏ con dao xuống.”
“Các người đã cố giết tôi! Các người đã lừa tôi!”
Sachs tự hỏi liệu Garrett có đâm cho cô một nhát không - trong cơn giận dữ hay hoảng sợ. “Không. Chúng tôi không liên quan gì đến việc này. Nhìn đây, tôi đang đứng trước cậu. Tôi đang bảo vệ cậu. Anh ta sẽ không bắn nữa đâu.”
Garrett thận trọng săm soi mặt Sachs bằng cặp mắt giật giật.
Cô tự hỏi liệu Mason có đang đợi cô dịch sang bên chỉ vừa vặn đủ để anh ta đặt kính ngắm vào Garrett không. Anh ta hiển nhiên là một tay súng tồi và cô tưởng tượng thấy viên đạn làm xương sống cô vỡ toác.
A, Rhyme ơi, Sachs nghĩ, anh đến đây phẫu thuật để cố gắng được giống như em hơn, nhưng có thể chính ngày hôm nay em sẽ trở nên giống như anh hơn ấy chứ...
Jesse Corn đang guồng chân chạy bạt qua các bụi rậm lên đỉnh đồi, khoát khoát hai cánh tay và gọi: “Mason, ngừng bắn đi! Ngừng bắn!”
Garrett tiếp tục thận trọng nhìn Sachs. Rồi gã quẳng con dao sang bên và bắt đầu mê mải búng móng tay tanh tách.
Trong lúc Lucy chạy tới còng tay Garrett, Sachs quay về phía quả đồi nơi Mason đã kê súng bắn. Cô trông thấy anh ta đang đứng, nói chuyện điện thoại. Anh ta nhìn thẳng xuống cô, có vẻ vậy, rồi nhét điện thoại vào túi quần, bắt đầu đi xuống đồi.
“Anh đã nghĩ cái quái quỷ gì thế hả?”, Sachs nổi xung lên hỏi Mason. Cô đi thẳng tới trước anh ta. Họ đứng cách nhau không đầy nửa bước và cô cao hơn anh ta chừng một inch.
“Để bảo vệ mông cô đấy, thưa cô”, Mason đáp một cách ác nghiệt. “Cô không tình cờ trông thấy hắn có vũ khí à?”
“Mason”, Jesse Corn nỗ lực xoa dịu tình hình. “Cô ấy đã cố gắng làm cho hắn bình tĩnh mà. Cô ấy đã bảo được hắn vứt vũ khí đi.”
Nhưng Amelia Sachs không cần bất cứ ai phải tỏ ra che chở. Cô nói: “Tôi thực hiện công việc bắt giữ tội phạm nhiều năm nay rồi. Hắn chẳng định tấn công tôi. Mối đe dọa duy nhất là từ anh. Anh đã có thể bắn trúng một trong hai người chúng tôi.”
“Ồ, vớ vẩn.” Mason vươn đến sát Sachs và cô ngửi được mùi xạ hương của nước thơm sau khi cạo râu anh ta xức cứ như tưới đẫm lên mình.
Cô tránh khỏi đám mây mùi, nói: “Và nếu anh giết Garrett, Mary Beth có lẽ sẽ chết đói hoặc chết ngạt.”
“Cô ta chết rồi”, Mason quát. “Cô gái ấy đang nằm trong một cái mồ ở đâu đó và chúng ta sẽ chả bao giờ tìm thấy xác cô ta được đâu.”
“Lincoln đã có báo cáo xét nghiệm máu của cô ấy”, Sachs đáp trả. “Cho đến đêm hôm qua cô ấy vẫn còn sống.”
Thông tin này khiến Mason im lặng một lát. Rồi anh ta lầm bầm: “Đêm hôm qua đâu phải là bây giờ.”
“Thôi nào, Mason”, Jesse nói. “Vấn đề đã được giải quyết.”
Nhưng Mason chưa trấn tĩnh lại. Anh ta vung hai cánh tay lên vỗ đùi đen đét. Anh ta nhìn thẳng vào Sachs: “Tôi cóc biết chúng tôi cần cô xuống đây làm cái mẹ gì.”
“Mason”, Lucy Kerr xen vào. “Chấm dứt được rồi đấy. Không nhờ có ông Rhyme và Amelia ở đây thì chúng ta đã không tìm thấy Lydia. Chúng ta phải cảm ơn họ. Cho qua việc này đi.”
Cô ta mới là kẻ không cho qua.”
“Khi người nào đấy nhắm súng vào tôi người ấy nên có lý do thật xác đáng”, Sachs nói giọng đều đều. “Và hoàn toàn không có lý do gì để anh bắn gã trai đó vì anh không thể tự mình xét xử hắn được.”
“Tôi làm công việc của tôi như thế nào không mượn cô bàn luận. Tôi...”
“Được rồi, chúng ta chấm dứt việc này ở đây”, Lucy nói. “Và hãy quay lại văn phòng. Chúng ta vẫn sẽ giải quyết vụ án theo giả định rằng Mary Beth chưa chết và chúng ta phải tìm ra cô ấy.”
“Này”, Jesse Corn gọi. “Có cái cánh quạt tới.”
Một chiếc trực thăng từ trung tâm y khoa đỗ xuống khoảng đất trống gần cối xay, các nhân viên y tế cáng Lydia ra, cô bị say nắng nhẹ, còn mắt cá chân thì trật khớp nghiêm trọng. Thoạt đầu, cô gái ở trong tình trạng cuồng loạn - Garrett đã cầm con dao bước tới chỗ cô và mặc dù hóa ra gã sử dụng nó chỉ để cắt băng dính nhựa dán miệng cô lại, cô vẫn run như cầy sấy. Cô cố gắng trấn tĩnh đủ để nói với mọi người rằng Mary Beth không ở gần cối xay - Garrett đã giấu cô gái đâu đó gần biển, khu Bờ Ngoài. Cô không biết chính xác địa điểm. Lucy và Mason cố gắng bắt Garrett nói - nhưng gã cứ câm lặng, hai bàn tay bị còng đằng sau lưng, đăm đăm nhìn xuống đất vẻ ủ rũ.
Lucy bảo Mason: “Anh, Nathan và Jesse đi bộ đưa Garrett sang đường Easedale. Tôi sẽ đề nghị Jim cho một chiếc xe đến đấy. Chỗ lạch Possum phân nhánh. Amelia muốn khám xét cối xay. Tôi sẽ hỗ trợ cô ấy. Chừng nửa tiếng nữa cũng cho một chiếc xe đến Easedale đón chúng tôi.”
Nếu Mason muốn đọ mắt thì Sachs rất vui lòng. Nhưng anh ta đã chuyển sự chú ý sang Garrett, nhìn gã trai đang sợ sệt từ đầu tới chân như viên lính gác quan sát một kẻ tử tù. Mason hất đầu bảo Nathan: “Đi thôi. Còng khóa chặt chẽ rồi chứ, Jesse?”
“Chặt chẽ rồi, tất nhiên”, Jesse nói.
Sachs mừng vì có Jesse đi cùng để Mason phải xử sự cho đúng mực. Cô từng nghe những câu chuyện về tù nhân “trốn chạy” bị cảnh sát áp giải đánh. Đôi khi, rốt cuộc là họ thiệt mạng.
Mason thô bạo tóm cánh tay Garrett, kéo gã đi. Gã trai hướng ánh mắt tuyệt vọng sang Sachs. Rồi Mason dẫn gã đi xuôi theo lối mòn.
Sachs bảo Jesse Corn: “Hãy để mắt tới Mason. Các anh có lẽ sẽ cần đến sự hợp tác của Garrett để tìm ra Mary Beth. Và nếu hắn quá sợ hãi hay tức giận, đừng mong hắn khai điều gì.”
“Tôi xin đảm bảo việc này, Amelia.” Một cái nhìn dành cho cô. “Thật là dũng cảm, việc chị đã làm ấy. Bước tới trước hắn. Phải tôi thì tôi không dám đâu.”
“Chà”, Sachs đáp, chẳng có tâm trạng tiếp nhận thêm bất cứ sự hâm mộ nào. “Đôi khi, người ta cứ hành động mà không suy nghĩ gì.”
Jesse hồ hởi gật đầu y như thể muốn cộng cả cái gật đầu ấy vào lời nói. “Ồ, này, tôi đã định hỏi - chị có biệt hiệu không?”
“Không hẳn.”
“Tốt. Tôi thích chỉ là “Amelia” thôi.”
Trong một khoảnh khắc tức cười, cô nghĩ Jesse đã định hôn cô để chúc mừng cuộc bắt giữ. Rồi anh ta xuất phát, đuổi theo Mason, Nathan và Garrett.
Người anh em, Amelia Sachs đang trong tâm trạng bực bội vừa nhìn Jesse quay lại vui vẻ vẫy tay với cô vừa nghĩ thầm, các cảnh sát ở đây, một thì muốn bắn chết tôi, một thì rắp ranh đặt chỗ tại nhà thờ và khách sạn.
Sachs thận trọng đi theo đường bàn cờ bên trong cối xay - tập trung vào căn phòng Garrett đã giữ Lydia. Đi tới đi lui, từng bước một.
Cô biết ở đây sẽ có vài manh mối về nơi Mary Beth McConnell đang bị giam giữ. Nhưng đôi khi mối liên hệ giữa đối tượng và địa điểm mong manh tới nỗi ở mức độ mắt thường không trông thấy được và Sachs rà soát khắp căn phòng, chẳng phát hiện ra chứng cứ gì hữu ích cả - chỉ có đất, những mẩu kim loại, những mẩu gỗ cháy - dấu vết của các bức tường bị sập xuống trong vụ hỏa hoạn, thức ăn, nước, các giấy gói kẹo bánh và băng dính nhựa mà Garrett mang đến (tất cả đều không có nhãn cửa hiệu). Cô phát hiện ra tấm bản đồ Ed Schaeffer tội nghiệp đã xem. Nó chỉ đường Garrett đi tới cối xay nhưng sau đó thì không có cái đích nào được đánh dấu.
Tuy nhiên Sachs vẫn rà soát lại lần thứ hai. Rồi một lần nữa. Phần vì nhớ lời dạy của Rhyme, phần vì đây cũng chính là bản tính của cô. (Và phần vì, cô tự hỏi, một chiến thuật trì hoãn chăng? Làm cho cuộc hẹn của Rhyme với Tiến sĩ Weaver càng chậm càng tốt?)
Giọng Lucy gọi to: “Tôi tìm thấy cái này.”
Sachs đã đề nghị người nữ đồng nghiệp lục soát buồng nghiền bột. Theo như Lydia kể, thì đó là nơi cô cố gắng trốn chạy khỏi Garrett, và Sachs lập luận rằng nếu đã có vật lộn thì có thể đã có vật gì đó rơi ra từ túi quần túi áo của Garrett. Cô đã cho Lucy một bài giảng cấp tốc về phương pháp đi theo đường bàn cờ những thứ phải tìm kiếm, cách thu nhặt vật chứng.
“Xem đây”, Lucy nồng nhiệt nói, bê cái hộp các tông tới chỗ Sachs. “Phát hiện ra những thứ này giấu đằng sau thớt cối.”
Bên trong cái hộp là một đôi giày cũ, một áo khoác ngắn không thấm nước, một la bàn và một bản đồ bờ biển Bắc Carolina. Sachs cũng để ý thấy vết cát trắng bên trong đôi giày và ở nếp gấp tấm bản đồ.
Lucy định mở tấm bản đồ ra.
“Đừng”, Sachs nói. “Có thể sẽ có dấu vết gì đó bên trong. Để đến khi chúng ta quay lại chỗ Lincoln đã.”
“Nhưng biết đâu hắn đã đánh dấu nơi giam giữ cô gái.”
“Có thể. Dù sao thì chỗ đánh dấu vẫn còn đó khi chúng ta quay lại la-bô. Bây giờ mà chúng ta bị mất dấu vết, chúng ta sẽ bị mất vĩnh viễn luôn.” Rồi Sachs nói: “Chị tiếp tục lục soát bên trong nhé. Tôi muốn kiểm tra cái lối mòn mà hắn đang đi thì bị chúng ta chặn lại. Nó dẫn về phía con suối. Có thể hắn giấu thuyền đằng ấy. Có thể sẽ có một tấm bản đồ nữa hoặc vật nào đấy khác chăng.”
Sachs rời khỏi cối xay và vội vã bước về phía con suối. Khi đi ngang qua quả đồi nơi Mason đã bắn xuống, cô rẽ ngoặt và phát hiện ra hai gã đàn ông đang nhìn cô chằm chằm. Hai gã cầm hai khẩu súng trường.
Ôi, không. Không phải là họ chứ.
“Chà”, Rich Culbeau nói, gạt một con ruồi đậu trên cái trán sạm nắng. Gã hất đầu và đuôi tóc tết dày bóng loáng đung đưa như đuôi ngựa.
“Cảm ơn rất nhiều, thưa cô”, gã kia cất giọng thoáng vẻ châm chọc.
Sachs nhớ ra tên gã: Harris Tomel - cái gã trông giống một doanh nhân miền Nam cũng như Culbeau trông giống một tay tổ lái.
“Không có phần thưởng cho chúng tôi”, Tomel tiếp tục. “Mất một ngày trời dãi nắng.”
Culbeau nói: “Thằng nhãi nói với cô Mary Beth ở đâu chưa?”
“Việc ấy các anh phải hỏi Cảnh sát trưởng Bell”, Sachs trả lời.
“Chúng tôi cứ tưởng hắn đã nói.”
Rồi Sachs băn khoăn tự hỏi: Làm sao hai gã này phát hiện ra cái cối xay? Có thể hai gã đã bám theo đội tìm kiếm, nhưng cũng có thể hai gã đã có thông tin - có thể từ Mason Germain, với hy vọng có được sự ủng hộ nhỏ nhoi cho chiến dịch bắn tỉa vô kỷ luật.
“Tôi đã đoán đúng”, Culbeau tiếp tục.
“Cái gì?”, Sachs hỏi.
“Sue McConnell đã tăng phần thưởng lên hai nghìn”, gã nhún vai.
Tomel nói thêm: “Miếng ăn đến miệng rồi còn để rơi mất.”
“Xin lỗi các anh, tôi có việc phải làm.” Sachs bắt đầu đi qua hai gã, nghĩ bụng: Còn gã thứ ba của cái nhóm này đâu? Gã gầy giơ xương...
Một âm thanh lướt nhanh phía sau Sachs và cô cảm thấy khẩu súng lục được rút ra khỏi bao. Cô xoay lại, khom người trong lúc khẩu súng mất hút vào bàn tay của gã Sean O’Sarian đầy tàn nhang, gầy nhẳng. Gã nhún nhảy lùi ra xa cô, nhăn nhở cười.
Culbeau lắc đầu: “Sean, thôi nào”.
Sachs chìa bàn tay ra: “Cho tôi xin lại”.
“Nghía tí thôi mà. Đẹp đấy. Harris đây sưu tầm súng. Khẩu này đẹp đấy, phải không, Harris?”
Tomel chẳng nói gì, chỉ thở dài và lau mồ hôi trên trán.
“Anh đang tự chuốc lấy phiền phức đấy.”
Culbeau bảo: “Trả cho cô ta đi, Sean. Không phải trò nghịch ngợm của mày đâu.”
Gã giả vờ đưa cho Sachs, chìa báng súng ra trước, rồi nhăn nhở cười và rụt tay lại. “Này, cưng, chính xác thì cô em từ đâu đến? New York hả, anh nghe nói thế. Ở đó ra sao nhỉ? Một nơi hoang dã, anh cuộc là thế.”
“Đừng lãng phí thời gian với cái khẩu súng chết tiệt ấy nữa”, Culbeau lầm bầm. “Chúng ta bị tuột mất khoản tiền kia rồi. Hãy chấp nhận điều đó và quay lại thị trấn đi.”
“Trả vũ khí cho tôi”, Sachs lẩm bẩm.
Nhưng O’Sarian đang nhún nhẩy bước vòng quanh, nhăm súng lên các vòm cây y như thể một thằng nhóc mười tuổi chơi trò công an bắt kẻ cướp vậy. “Pằng, pằng...”
“Được rồi, bỏ qua chuyện này đi.” Sachs nhún vai. “Dù sao thì nó cũng chẳng phải của tôi. Khi nào anh chơi xong cứ việc đem trả cho văn phòng cảnh sát trưởng.” Cô quay người bước qua O’Sarian.
“Này”, gã nói, cau mày thất vọng vì Sachs bỏ dở trò chơi. “Cô không…”
Sachs né sang bên phải O’Sarian, chúi xuống và nhanh chóng đứng thẳng dậy đằng sau gã, vòng cánh tay khóa lấy cổ gã. Chỉ nửa giây, con dao bấm đã được rút khỏi túi quần cô, lưỡi dao mở ra và mũi dao đập đập vào những cái nốt đỏ phía dưới cằm gã.
“Ôi, lạy Chúa, cô đang làm cái quái quỷ gì thế?”, O’Sarian thốt lên, rồi nhận ra rằng khi nói cổ họng gã bị ấn thêm vào mũi dao. Gã câm miệng.
“Được rồi, được rồi.” Culbeau giơ hai tay lên. “Chúng ta đừng...”
“Hãy thả vũ khí xuống đất”, Sachs nói. “Tất cả các anh.”
“Tôi chẳng làm gì cả”, Culbeau phản đối.
“Thưa cô, cô nghe này”, Tomel nói, cố gắng lấy giọng biết điều. “Chúng tôi không định gây rắc rối. Ông bạn chúng tôi đây...”
Mũi dao chọc vào cái cằm lởm chởm râu của O’Sarian.
“Á á, làm đi, làm đi!”, O’Sarian tuyệt vọng nói, hai hàm răng nghiến lại. “Vứt mấy khẩu súng chết giẫm xuống.”
Culbeau thả khẩu súng trường của gã xuống đất. Tomel cũng vậy.
Trong lúc bị cái mùi không tắm gội bốc ra từ cơ thể O’Sarian tấn công, Sachs trượt bàn tay dọc theo cánh tay gã, tịch thu khẩu súng. Gã đành buông tay. Cô bước lùi lại, đẩy O’Sarian một cái, vẫn chĩa khẩu súng ngắn vào gã.
“Tôi chỉ đùa thôi”, O’Sarian nói. “Tôi chỉ đùa. Tôi chẳng làm gì cả. Tôi chẳng có ý gì cả. Hãy bảo cô ta là tao chẳng làm gì cả...”
“Chuyện gì xảy ra thế này?”, Lucy Kerr hỏi, bước xuôi theo lối mòn, bàn tay đặt trên báng khẩu súng ngắn.
Culbeau lắc đầu. “Sean giở trò ngu ngốc.”
“Những cái trò sẽ khiến anh ta mất mạng có ngày”, Lucy nói
Sachs đóng con dao bấm bằng một tay và lại đút nó vào túi quần.
“Xem này, tôi bị cứa đứt da. Xem này, máu!” O’Sarian giơ lên một ngón tay dây máu.
“Chết tiệt”, Tomel nói vẻ sợ sệt, tuy Sachs chẳng biết gã định ám chỉ điều gì.
Lucy nhìn Sachs. “Cô muốn xử lý việc này như thế nào đây?”
“Tắm một cái”, Sachs trả lời.
Culbeau bật cười.
Sachs nói thêm: “Chúng ta không có thời gian mà lãng phí với họ.”
Người nữ cảnh sát hất đầu bảo mấy gã đàn ông: “Đây là hiện trường vụ án. Các anh không có cơ hội giành phần thưởng đâu.” Cô hất đầu chỉ mấy khẩu súng trường. “Nếu các anh muốn săn bắn gì, hãy đi chỗ khác.”
“Ồ, giống như đang mùa săn bắn ấy nhỉ”, O’Sarian nói giọng châm chọc, coi câu bình luận của Lucy thật ngớ ngẩn. “Ý tôi là, rõ khỉ.”
“Rồi quay lại thị trấn đi - trước khi các anh rước thêm rắc rối cho cuộc đời mình.”
Mấy gã đàn ông nhặt súng lên. Culbeau cúi đầu nói vào tai O’Sarian những lời thì thầm, tức tối. O’Sarian nhún vai, nhăn nhở cười. Trong khoảnh khắc, Sachs nghĩ Culbeau sắp sửa đánh gã.
Nhưng rồi gã đàn ông to lớn đó đã bình tĩnh lại và quay sang Lucy: “Các cô tìm thấy Mary Beth chưa?”
“Chưa. Nhưng chúng tôi đã bắt được Garrett và hắn sẽ cho chúng tôi biết cô ấy đang ở đâu.”
Culbeau nói: “Giá mà chúng tôi có cơ hội lĩnh phần thưởng, nhưng tôi cũng mừng vì hắn đã bị bắt. Thằng nhãi ấy là cái họa.”
Khi bọn họ đi rồi, Sachs hỏi: “Chị phát hiện được gì ở cối xay không?”
“Không. Nên nghĩ tôi sẽ xuống đây hỗ trợ cô tìm kiếm con thuyền.”
Trong lúc tiếp tục đi xuôi theo lối mòn, Sachs nói: “Có một việc tôi quên mất. Chúng ta phải cử người quay lại chỗ cái bẫy kia - cái tổ ong bắp cày ấy mà. Giết chết chúng đi và lấp cái hố.”
“Ồ, Jim đã cử Trey Williams, một trong số các cảnh sát của chúng tôi, tới đó, mang theo hộp xịt ong bắp cày và xẻng. Nhưng chẳng có con ong nào. Nó là một cái tổ cũ.”
“Bỏ không à?”
“Phải.”
Vậy nó hoàn toàn chẳng phải một cái bẫy, chỉ là một mánh khóe để ghìm chân họ. Sachs cũng nhớ lại rằng chai ammonia không được bố trí để làm hại ai cả. Garrett đã có thể bố trí để nó đổ xuống những người đuổi theo gã, làm họ bị mù. Tuy nhiên, gã đã đặt nó trên một vách đá nhỏ. Nếu họ không phát hiện ra sợi dây câu và vướng vào nó, cái chai cũng sẽ đổ xuống những tảng đá - phía dưới mười feet so với lối mòn, cảnh báo Garrett bằng mùi ammonia, nhưng không làm hại ai.
Sachs lại hình dung ra cặp mắt mở to, hốt hoảng của Garrett.
Tôi sợ. Bắt hắn ngừng bắn đi.
Sachs nhận ra Lucy đang nói chuyện với cô.
“Xin lỗi, chị bảo gì cơ?”
Người nữ cảnh sát hỏi: “Cô học được ở đâu cách sử dụng con dao ấy?”
“Sự hoang dã đã dạy tôi đấy.”
“Sự hoang dã ư? Ở đâu?”
“Một nơi được gọi là Brooklyn”, Sachs đáp.
Chờ đợi.
Mary Beth McConnell đứng bên cạnh khung cửa sổ bụi bặm. Cô bức bối và xây xẩm mặt mày - vì hơi nóng ngột ngạt trong cái nơi đang giam giữ cô và vì cơn khát cháy cổ. Khắp ngôi nhà này, cô không tìm được một giọt chất lỏng nào để uống. Liếc nhìn qua ô cửa sổ phía sau, ánh mắt vượt qua tổ ong bắp cày, cô có thể thấy các vỏ chai nước nằm trên một đống rác. Chúng khiêu khích cô và làm cô khát thêm. Cô biết mình không sống được quá một hay hai ngày trong cái nóng như thế này mà không có nước uống.
Ông ở đâu? Ở đâu? Cô thầm nói với nhà truyền giáo.
Nếu quả thực đã xuất hiện một người đàn ông ở đằng kia - và ông ta chẳng phải là do trí tưởng tượng tuyệt vọng, bị cơn khát hành hạ của cô sáng tạo ra.
Mary Beth dựa người vào bức tường nóng bỏng. Tự hỏi liệu cô có xỉu đi không. Cố gắng nuốt nhưng trong miệng chẳng còn chút nước bọt nào. Không khí bao phủ mặt cô, ngột ngạt tựa như len nóng sực.
Rồi Mary Beth giận dữ nghĩ: Ôi, Garrett... Tao đã biết mày sẽ gây ra tai họa. Cô nhớ có câu tục ngữ xưa: Làm ơn mắc oán.
Mình đáng lẽ không nên cứu hắn… Nhưng sao mình lại có thểkhông được? Sao mà mình lại có thể không cứu hắn thoát khỏi đám nam sinh trung học đó được? Cô nhớ hôm trông thấy bốn cậu nam sinh đứng nhìn Garrett nằm ngất trên phố Cây Thích dạo năm ngoái. Một cậu cao lớn, có điệu cười nhếch mép khinh bỉ, bạn cùng đội bóng bầu dục với Billy Stail, kéo khóa chiếc quần bò Guess!, lôi cái của cậu ta ra và sắp sửa đái vào Garrett. Cô đã lao tới quát mắng cả bọn, giật lấy điện thoại di động của một cậu khác để gọi xe cấp cứu đưa Garrett đi.
Tất nhiên, mình phải làm thế.
Nhưng một khi mình cứu hắn rồi, mình lại thuộc về hắn…
Thoạt đầu, sau vụ tai nạn, Mary Beth thích thú thấy Garrett cứ bám theo cô như một kẻ hâm mộ bẽn lẽn. Gọi tới nhà để kể cho cô những tin tức gã nghe được, tặng cô những món quà (cơ mà quà gì chứ, con bọ cánh cứng màu xanh lá cây bóng loáng đựng trong cái chuồng bé tí, các bức vẽ vụng về những con nhện và những con nhiều chân, con chuồn chuồn buộc vào sợi dây - vẫn còn sống!).
Nhưng rồi cô bắt đầu nhận ra có gã ở gần quá thường xuyên. Cô nghe được tiếng bước chân đằng sau lưng mỗi khi đi bộ từ xe vào nhà, lúc đêm khuya. Trông thấy một dáng người trên những vòm cây xung quanh nhà cô ở Bến tàu kênh Nước đen. Nghe thấy cái giọng cao, kỳ dị lẩm bẩm những lời cô không thể luận ra là gì, tự nói hay hát với chính gã. Gã nhận ra cô giữa phố Chính và đi thẳng tới, chuyện trò lan ma lan man, lấy mất thời gian quý báu của cô, khiến cô càng ngày càng khó chịu. Liếc nhìn - cả ngượng ngùng lẫn thèm muốn - ngực cô, chân cô, tóc cô.
“Mary Beth, Mary Beth... chị có biết nếu một cái mạng nhện mà giả dụ như, chăng khắp thế giới, trọng lượng của nó cũng chưa đầy một ounce không... Này, Mary Beth, chị có biết mạng nhện là vật liệu bền hơn thép gấp năm lần không? Và nó đàn hồi hơn nilon? Có một số mạng nhện rất hay - chúng giống như những chiếc võng. Lũ ruồi ngả lưng xuống đó và không bao giờ tỉnh dậy.”
(Cô đáng lẽ đã phải nhận ra, giờ đây cô nhớ lại, rằng phần lớn những chuyện tầm phào của Garrett là về nhện và các côn trùng bẫy mồi.)
Và bởi vậy cô đã sắp xếp lại cuộc sống hàng ngày để tránh đụng phải gã, đi mua sắm tại các cửa hiệu mới, về nhà theo các tuyến đường khác với trước đây, lựa chọn các lối mòn khác để đạp xe, leo núi.
Nhưng rồi xảy ra một việc làm hỏng mọi nỗ lực của Mary Beth nhằm giữ khoảng cách với Garrett Hanlon: cô có một khám phá. Và tình cờ là khám phá này lại ở trên bờ sông Paquenoke ngay tại trung tâm Bến tàu kênh Nước đen - nơi gã trai đã xí làm lãnh địa riêng của mình. Tuy nhiên, khám phá này quan trọng tới nỗi thậm chí ngay một băng rượu lậu, chứ kể gì một gã trai gầy giơ xương bị ám ảnh bởi lũ côn trùng, cũng không thể khiến cô sợ không đến đó.
Mary Beth chẳng biết vì sao môn lịch sử lại gây cho cô nhiều hứng thú thế. Nhưng luôn luôn là như vậy. Cô nhớ những lần tới khu di tích thuộc địa Williamsburg thuở nhỏ. Nó chỉ cách Tanner’s Corner hai tiếng đồng hồ đi ô tô và gia đình cô hay tới đó. Mary Beth thuộc các con đường gần thị trấn ấy tới mức cô biết lúc nào họ sắp sửa đến nơi. Rồi cô nhắm mắt và sau khi cha cô phanh chiếc Buick lại cô bảo mẹ dắt tay cô vào công viên để trong đó cô có thể mở mắt, giả vờ như mình đang thực sự quay trở về nước Mỹ thời thuộc địa.
Mary Beth cảm thấy chính niềm phấn chấn này - chỉ có điều nó lớn lao hơn gấp trăm lần - khi cô bước dọc theo hai bờ sông Paquenoke ở khu vực Bến tàu kênh Nước đen tuần trước, nhìn xuống đất và nhận ra cái gì đó bị vùi lấp một nửa trong bùn lầy. Cô quỳ thụp xuống, bắt đầu gạt bùn lầy sang bên với sự thận trọng của người bác sĩ phẫu thuật đang mổ quả tim bệnh tật. Và, phải, chúng đấy: các di vật cổ - các chứng cứ mà Mary Beth McConnell đã tuyệt vọng tìm kiếm và giờ đây khiến cô gái hai mươi ba tuổi phải sững sờ. Các chứng cứ có thể chứng minh cho giả thuyết cô đưa ra - nó sẽ viết lại lịch sử nước Mỹ.
Giống như tất cả mọi người dân Bắc Carolina - và giống như hầu hết trẻ em Mỹ - Mary Beth McConnell từng học về Thuộc địa Roanoke Biến mất trong các giờ học lịch sử: Vào cuối thế kỷ XV, thực dân Anh đặt chân lên đảo Roanoke, nằm giữa vùng nội địa Bắc Carolina và khu Bờ Ngoài. Sau một thời gian tiếp xúc hầu như hòa hợp giữa người Anh đến định cư và người Mỹ bản xứ, các mối quan hệ trở nên xấu đi. Mùa đông đến gần và những người thực dân thiếu thức ăn cũng như các đồ dự trữ khác, Thống đốc John White, người sáng lập thuộc địa này, dong buồm trở về Anh xin cứu trợ. Nhưng khi ông quay lại Roanoke, những người thực dân - hơn một trăm người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em - đã biến mất.
Manh mối duy nhất về sự việc xảy ra là từ “Croatoan” được khắc trên vỏ cây gần nơi họ định cư. Đây là tên tiếng Anh điêng của Hatteras, cách Roanoke chừng năm mươi dặm về phía nam. Phần lớn các sử gia tin tưởng rằng những người thực dân đã thiệt mạng ngoài khơi trên đường đến Hatteras hoặc đã bị giết chết khi đến nơi, tuy không có ghi chép nào cho thấy họ từng cập bờ vào đây.
Mary Beth đã đến thăm đảo Roanoke mấy lần, đã xem buổi trình diễn tái hiện tấn thảm kịch tại một nhà hát nhỏ ở đảo. Vở kịch khiến cô xúc động và lạnh toát người. Nhưng cô chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về câu chuyện ấy mãi cho tới khi cô lớn hơn và vào trường Tổng hợp Bắc Carolina, phân hiệu Avery, nơi cô đã đọc rất sâu về Thuộc địa Biến mất. Một khía cạnh của câu chuyện gợi lên các câu hỏi chưa có câu trả lời về số phận những người thực dân liên quan đến một cô gái tên là Virginia Dare cùng truyền thuyết Con Nai Cái Lông Trắng.
Đó là một câu chuyện mà Mary Beth McConnell - cô gái con một mang chút đầu óc nổi loạn và độc lập suy nghĩ - có thể hiểu được. Virginia Dare là đứa trẻ người Anh đầu tiên chào đời ở Mỹ. Cô là cháu gái Thống đốc White và là một trong số những người thực dân bị biến mất. Theo các sách lịch sử, cô được cho là đã thiệt mạng cùng họ ở Hatteras hoặc trên đường đến Hatteras. Nhưng khi Mary Beth tiếp tục tiến hành nghiên cứu, cô phát hiện ra rằng chẳng bao lâu sau sự kiện những Người Thực Dân Biến Mất, lúc người Anh bắt đầu định cư đông hơn ở vùng Duyên hải miền Đông, nhiều truyền thuyết địa phương về Thuộc địa Biến mất bắt đầu xuất hiện.
Một truyền thuyết cho rằng những người thực dân không bị giết chết ngay mà vẫn sống sót và tiếp tục sống lẫn giữa những bộ lạc người bản xứ. Viginia Dare lớn lên thành cô thiếu nữ xinh đẹp - da trắng, tóc vàng, ý chí mạnh mẽ và độc lập. Một thầy lang đem lòng yêu cô nhưng cô cự tuyệt và chẳng bao lâu sau thì cô biến mất. Thầy lang kia khẳng định ông ta không hãm hại cô, tuy nhiên, vì cô cự tuyệt tình yêu của ông ta, ông ta đã phù phép cho cô trở thành con nai cái lông trắng.
Tất nhiên, chẳng ai tin lời ông ta, nhung chẳng bao lâu sau người ta bắt đầu trông thấy trong vùng một con nai cái lông trắng dường như là thủ lĩnh của tất cả các loài vật trong rừng. Bộ lạc ấy, khiếp hãi trước sức mạnh rõ ràng của con nai cái, đã tổ chức một cuộc thi xem tay thợ săn nào bắn được nó.
Một tay thợ săn trẻ dũng cảm đã lần theo được dấu vết của con nai và đã bắn đi mũi tên đầu bịt bạc ở khoảng cách xa đến mức khó tin. Mũi tên xuyên vào ngực con nai và khi nằm xuống trút hơi thở cuối cùng, nó ngước nhìn tay thợ săn bằng cặp mắt người thật đáng sợ.
Anh ta lắp bắp hỏi: “Mi là ai?”
“Virginia Dare”, Con nai cái thì thầm trả lời, rồi tắt thở.
Mary Beth quyết định xem xét câu chuyện Con Nai Cái Lông Trắng một cách nghiêm túc. Miệt mài nhiều ngày đêm trong phòng tài liệu lưu trữ ở Đại học Tổng hợp Bắc Carolina, phân hiệu Chapel Hill, và ở Đại học Tổng hợp Duke, đọc các cuốn nhật ký cũ từ thế kỷ XVI, XVII, cô phát hiện ra hàng loạt những tài liệu tham khảo về “con nai cái lông trắng” và “những con quái vật lông trắng” bí ẩn ở vùng đông bắc Bắc Carolina. Nhưng những trường hợp người ta trông thấy chúng không phải là ở Roanoke hay ở Hatteras. Mà những sinh vật này được trông thấy dọc theo “hai bờ kênh Nước đen nơi sông Uốn Khúc bắt nguồn từ đầm lầy Sầu Thảm chảy về phía tây.”
Mary Beth biết sức mạnh của truyền thuyết và bao giờ cũng có sự thực trong thậm chí là các câu chuyện huyền hoặc nhất. Cô lập luận rằng có thể Những Người Thực Dân Biến Mất, sợ hãi vì bị những bộ lạc địa phương tấn công, đã để lại chữ “Croatoan” nhằm đánh lạc hướng họ, và chạy trốn không phải về phía nam mà là về phía tây, nơi họ định cư dọc theo hai bờ của, phải, của sông Paquenoke uốn khúc - gần Tanner’s Corner, ở khu vực bây giờ được gọi là Bến tàu kênh Nước đen. Ở đó, Những Người Thực Dân Biến Mất càng ngày càng mạnh lên khiến những người Anh điêng, sợ hãi trước mối đe dọa này, đã tấn công và giết chết họ. Virginia Dare - Mary Beth cho phép mình tự phỏng đoán, diễn giải truyền thuyết về Con Nai Cái Lông Trắng - hẳn là người định cư cuối cùng sống sót, đã chiến đấu cho tới lúc chết.
Chà, đây là giả thuyết của cô, nhưng Mary Beth chưa bao giờ tìm thấy bất cứ bằng chứng nào ủng hộ nó. Cô dành cả ngày trời lang thang xung quanh Bến tàu kênh Nước đen với những tấm bản đồ cổ, cố gắng suy luận chính xác địa điểm những người thực dân hẳn đã cập bờ và nơi họ định cư. Rồi cuối cùng, tuần trước, đang bước đi dọc bờ sông Paquo, cô phát hiện ra những chứng cứ thuộc về Thuộc Địa Biến Mất.
Mary Beth nhớ nỗi khiếp sợ của mẹ khi cô bảo bà rằng cô sẽ tiến hành công việc khảo cổ tại Bến tàu kênh Nưóc đen.
“Không phải ở đó”, người phụ nữ có nước da trắng bệch nói gay gắt, y như thể chính mình gặp nguy hiểm. “Đó là nơi Thằng Bọ chuyên giết người. Nó sẽ phát hiện ra mày, nó sẽ hãm hại mày.”
“‘Mẹ”, Mary Beth gay gắt đáp trả. “Mẹ cũng giống như lũ khốn nạn ở trường suốt ngày trêu chọc hắn.”
“Mày lại nói cái từ ấy. Tao đã bảo mày đừng nói cơ mà. Cái từ ‘khốn nạn’ ấy.”
“Mẹ, thôi nào - mẹ nói nghe như một tín đồ phái Baptist không khoan nhượng, ngồi trên băng ghế lo âu.” Ý cô là hàng ghế phía trước trong nhà thờ, nơi an tọa của những người xứ đạo đặc biệt hay bàn khoăn về phẩm hạnh của chính mình, hoặc - nhiều khả năng hơn - về phẩm hạnh của những người khác.
“Ngay cái tên cũng đáng sợ rồi”, Sue McConnell lẩm bẩm. “Nước đen.”
Và Mary Beth giải thích rằng có đến hàng chục kênh Nước đen ở Bắc Carolina. Bất cứ con sông nào bắt nguồn từ những vùng đầm lầy đều được gọi là sông nước đen vì nước sông thẫm màu do thực vật mục nát lắng xuống. Sông Paquenoke nhận nước từ đầm lầy Sầu Thảm và các bãi lầy xung quanh.
Nhưng thông tin này không khiến cho bà mẹ bớt lo lắng. “Mẹ xin con, con yêu, đừng đi.” Rồi người phụ nữ sử dụng đến biện pháp gợi mặc cảm tội lỗi. “Bây giờ bố mất rồi, nếu có chuyện gì xảy ra với con thì mẹ chẳng còn ai nữa... Mẹ sẽ cô độc một mình. Mẹ sẽ phải làm gì? Con không muốn như thế chứ, hả con?”
Nhưng Mary Beth, bị kích thích bởi chất adrenaline vốn vẫn luôn luôn kích thích các nhà thám hiểm và các khoa học gia, đã gói ghém những cái chổi, những cái lọ và túi đựng các thứ thu thập được, cùng với xẻng làm vườn, rồi buổi sáng hôm qua, trong bầu không khí nóng nực, vàng vọt, ẩm ướt, đã xuất phát để tiếp tục thực hiện công việc khảo cổ.
Và đã xảy ra chuyện gì? Mary Beth đã bị Thằng Bọ tấn công, bắt cóc. Mẹ cô đã dự đoán đúng.
Bây giờ, ngồi trong ngôi nhà gỗ gớm ghiếc, nóng nực này, phải chịu đựng cảm giác đau đớn, nôn nao, nửa như mê sảng, cô nghĩ về mẹ. Chồng chết vì bị ung thư sau một thời gian ốm yếu hao mòn, cuộc sống của người phụ nữ này đang tan vỡ. Bà đã từ bỏ bạn bè, công việc tình nguyện tại bệnh viện, mọi vẻ bề ngoài của lề thói và trạng thái bình thường. Mary Beth thấy mình bắt đầu đảm nhiệm vai trò cha mẹ, trong khi mẹ cô thì trượt vào thế giới xem ti vi ban ngày và ăn vặt. Béo lùn, không cảm xúc, lúc nào cũng thèm thuồng, bà chẳng khác nào một đứa trẻ đáng thương.
Nhưng một trong những điều người cha từng dạy Mary Beth - bằng cả cuộc đời ông lẫn cái chết khó nhọc - là người ta luôn luôn làm cái mà người ta đã được định hướng và không thay đổi con đường đi vì bất cứ ai. Mary Beth không bỏ học để nhận một công việc gần nhà như mẹ cô nài nỉ. Cô cân bằng nhu cầu được nương tựa của mẹ với các nhu cầu của chính bản thân cô - lấy bằng cử nhân và sang năm, khi học xong, sẽ tìm kiếm một công việc để có thể thực hiện những nghiên cứu điền dã về nhân chủng học Mỹ. Nếu được gần nhà thì tốt. Nhưng nếu phải tiến hành khai quật về người da đỏ ở Santa Fe, về người Eskimo ở Alaska, hay về người Mỹ gốc Phi ở Manhattan, cô cũng sẽ đi mà không ngần ngại. Cô sẽ luôn luôn ở bên cạnh mẹ khi cần thiết, nhưng cô còn có cả cuộc đời của chính bản thân cô trước mắt.
Trừ lúc này đây, đáng lẽ cô đang phải đào bới và thu thập thêm chứng cứ tại Bến tàu kênh Nước đen, tham khảo ý kiến của giáo viên hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, viết đề xuất, kiểm tra vật đã phát hiện được, thì cô lại mắc kẹt trong cái ổ yêu đương - một gã trai mới lớn mắc chứng tâm thần.
Một cơn tuyệt vọng lan khắp ngưòi cô.
Cô cảm thấy nước mắt ứa ra.
Nhưng rồi cô chặn đứng nó lại.
Thôi nào!... Hãy mạnh mẽ lên. Hãy là con gái của bố, chiến đấu với bệnh tật từng giây từng phút mỗi ngày, không ngơi nghỉ. Đừng là con gái của mẹ.
Hãy là Virginia Dare, người làm sống lại Thuộc Địa Biến Mất.
Hãy là Con Nai Cái Lông Trắng, nữ chúa của tất cả các loài vật trong rừng.
Và rồi, đúng lúc Mary Beth đang nghĩ tới bức tranh minh họa con nai cái đường bệ trong một cuốn sách tập hợp những truyền thuyết vùng Bắc Carolina, một sự chuyển động nữa vụt xuất hiện ở bìa rừng. Nhà truyền giáo bước ra khỏi cây cối rậm rạp, vai đeo chiếc ba lô lớn.
Ông ta có thực!
Mary Beth vớ lấy chiếc lọ mà Garrett đựng con bọ cánh cứng trông giống một con khủng long, ném mạnh vào kính cửa sổ. Chiếc lọ bay qua kính và vỡ tan trước những chấn song sắt lắp phía ngoài.
“Cứu tôi với!”, Mary Beth hét lên, giọng hầu như không nghe thấy được vì cổ họng cô đã khô rang rồi. “Cứu với!”
Cách đây gần một trăm thước, người đàn ông dừng bước. Ông ta nhìn xung quanh.
“Làm ơn! Cứu tôi với!” Một câu rền rĩ kéo dài.
Ông ta ngoái nhìn đằng sau. Rồi bước đi vào rừng.
Mary Beth hít sâu một hơi và cố gắng gọi lần nữa, nhưng cổ họng cô nghẹn lại. Cô cảm thấy nghẹt thở, nhổ ra ít máu.
Và ở phía bên kia cánh đồng cỏ, nhà truyền giáo tiếp tục bước vào rừng. Một lát sau, bóng ông ta khuất hẳn.
Mary Beth nặng nề buông người xuống chiếc đi văng mốc meo và tuyệt vọng dựa đầu vào tường. Cô đột ngột ngước nhìn, cô lại bắt gặp sự di động nào đấy. Nó ở gần thôi - trong ngôi nhà gỗ này. Con bọ cánh cứng trong chiếc lọ - con khủng long ba sừng tí hon - vẫn sống sót sau cú chấn động vì mất nhà. Mary Beth quan sát nó ngoan cường bò lên mép miếng thủy tinh vỡ, xòe một đôi cánh, rồi xòe một đôi cánh nữa, đôi cánh này rung mờ đi và nhấc nó rời khỏi bậu cửa sổ, bay ra bầu trời tự do.