Trong cuộc cách mạng kinh tế gia đình, anh Rác đã không phân việc cho ông Ruông. Ai đời con lại đi sai bảo cha, nên anh xử sự thế là phải. Nhưng thằng Cỏ hứng lên là bỏ em một mình, chạy chơi hàng xóm.Thành thử ông Ruông mặc nhiên trở thành người chuyên giữ trẻ. Anh Rác muốn cho con trai mình một trận đòn để nó biết là phải có làm mới có ăn. Nhưng ông Ruông không cho đánh cháu, ông nói: -Cuộc cách mạng nào cũng xảy những sự việc ngoài dự định. Với lại, cha nói cho con nghe, không phải trời sinh thằng Cỏ để giữ em. Hồi bằng tuổi nó, con cũng ham chơi như nó. Có điều này thì con phải biết: Ảnh hưởng của cách mạng là khủng khiếp lắm. Đã ở vào nơi xảy ra cách mạng thì không cách nào thoát khỏi ảnh hưởng của nó. Tỉ như khi làm cuộc cách mạng kinh tế cho nhà mình, con đã loại cha ra ngoài. Nhưng giờ con thấy đấy, guồng máy cách mạng do con tạo ra đã cuốn hút cha vào vị trí cũng then chốt chẳng kém vị trí của con. Quả tình ông Ruông bị cuốn hút vào việc trông coi thằng Cỏ em. Đúng hơn là bị cuốn vào cái thế giới của đứa cháu đang bắt đầu học tiếng người (Thì chẳng phải ông cũng đã bị cuốn vào thế giới của thằng Cỏ anh đấy sao) Câu hỏi đầu tiên ông hỏi thằng Cỏ em: -Cháu của ông tên là gì? -Cỏ. Nó đáp. Lập tức ông hiểu ra đứa cháu nội thứ hai của ông đang thừa hưởng thứ thành quả tinh thần vô cùng to lớn do ông để lại. Cháu ông đã gọi đúng âm vang của cuộc cách mạng thi ca của ông. Cứ mỗi sáng, khi vợ chồng anh Rác giao thằng Cỏ em cho ông để đi làm, thì câu đầu tiên ông hỏi nó: Cháu của ông tên gì? Và âm vang cuộc cách mạng ấy lại vang lên: Cỏ. Thằng Cỏ em quả đã mang lại cho ông Ruông niềm vui không gì sánh nổi. Nhưng khi nó mà hợp lại chơi với thằng anh nó, thì lũ chúng quần ông đến bã mình. Một thằng thì tiếng người tương đối thông thuộc. Một thằng thì mới bập bõm đâu vài ba tiếng. Thằng Cỏ anh là thằng nói dai. Khi muốn thay đổi chỗ chơi, nó rót vô tai ông cả trăm bận: Đi chỗ khác chơi đi ông. Thằng Cỏ em không muốn di chuyển, mà không biết nói, thì cứ ôm riết cả hai chân ông. Đến lúc thằng Cỏ em muốn di chuyển thì thằng Cỏ anh lại không muốn. Phải nói, ngày ngày bị hai thằng cháu trì kéo, hai cánh tay ông có vẻ như dài ra. Nhưng sau đây mới là chuyện đại sự. Thằng Cỏ anh bắt ông làm trọng tài cho anh em nó chơi trò Một Hai Ba (còn gọi là đánh tù tì). Một hai ba… cái gì dơ ra. Dơ bàn tay xòe ra, là cái bao. Dơ hai ngón tay trỏ và giữa ra, là cái kéo. Dơ nắm tay ra, là cái búa. Thằng Cỏ anh là quá thành thạo với những thứ vật dụng tượng trưng ấy. Nhưng thằng Cỏ em thì như từ trong buội rậm nhảy ra. Trước khi làm trọng tài, ông còn phải làm huấn luyện viên. Con cháu nhà họ Lê của ông quả là rất sáng trí. Một hai ba, ông hô, và lúc dơ ra cái bao, lúc cái kéo, lúc cái búa, thằng Cỏ em làm theo, trúng hết. Trước khi vào cuộc, thằng Cỏ anh hỏi em mình: -Mày thắng, thì tao cõng mày. Còn tao thắng, mày có cõng tao được không? Ông Ruông nói: -Phạt cách khác đi cháu. Vì em con còn nhỏ, cõng con không nổi đâu. Thằng Cỏ em nhe bốn cái răng chó ra cười. -Cười là nó đồng ý. Chơi là phải sòng phẳng đó nghe. Thằng Cỏ anh nói. Và hô một hai ba. Tất nhiên là thằng Cỏ em phải thể hiện tài làm theo của nó. Tức, thằng anh nó dơ ra cái gì, nó dơ ra cái nấy. Theo luật, cái bao thắng cái búa, cái búa thắng cái kéo, và cái kéo thắng cái bao. Nhưng ở đây hai đứa cùng đưa ra những thứ giống nhau. -Huề. Ông Ruông tuyên bố. Thằng Cỏ anh lập tức phản đối: -Không phải huề. Ông Ruông hỏi: -Thế, theo cháu thì đứa nào thắng? -Cháu thắng. Vì lần nào cháu cũng dơ ra trước, còn nó thì chỉ bắt chước. -Không phải bắt chước đâu. Đấy là do em cháu muốn tỏ ra mình cao thượng đấy thôi. -Nhưng cao thượng là sao? -Tức là nó không muốn thắng cháu, để cháu khỏi phải cõng nó. -Không phải. Nó là đồ chưa biết chơi một hai ba. -Nhưng ông là trọng tài, ông cứ chiếu theo luật chơi mà xử. -Giờ cháu chẳng cần luật nào hết. Lần nào cháu cũng dơ ra trước, còn nó chỉ làm theo, tức là cháu thắng nó. Không biết thằng Cỏ em có hiểu chút nào không, nó lại nhe bốn cái răng chó ra cười. -Cười là nó thừa nhận nó thua. Ông cứ hỏi lại nó coi. Thằng Cỏ anh nói. Ông Ruông hỏi: -Anh cháu nói thế có đúng không, hỡ cháu của ông? Thằng Cỏ em liền đáp: -Cỏ. Ông Ruông cảm động đến rơi nước mắt. Thật ông không ngờ tinh hoa của dòng họ Lê nhà ông lại sớm phát tiết ở thằng Cỏ em như thế.