uốt một ngày mệt nhọc vì đủ thứ chuyện, Tư Cầu đặt lưng lại xuống giường, nằm trằn trọc một hồi rồi ngủ quên lúc nào cũng chẳng biết. Trong lúc ngủ say mệt ấy, anh ta nằm chiêm bao lung tung. Trong những cơn mơ lộn xộn ấy, những hình ảnh quái dị, không đầu không đuôi chồng chất, xen lẫn vào nhau rồi quay cuồng cuồng... ... Tư Cầu thấy mình đang chạy trốn trong một cái hang tối om om, dài thăm thẳm, và lúc ấy, tiếng hơi thở hồng hộc của anh ta chen lẫn với cả ngàn, cả muôn tiếng giày đinh rầm rập kéo tới náo động như bước dồn của thiên binh vạn mã... những tiếng động ấy cứ mỗi lúc mỗi to dần như được khuếch đại đến cực độ. ... Rồi Tư Cầu lại thấy anh ta bị vấp chân té sấp nằm lên trên giường... rồi hàng chục chiếc lưỡi lê cắm trên đầu súng nhắm ngay anh ta đâm phập xuống như ghim luôn thân người vào ván gỗ... ... Bỗng nhiên, những chiếc lưỡi lê kia mềm nhũn và từ từ chảy tan như là những que sáp bị hơ nóng... Rồi Phấn hiện ra đứng sừng sững trên đầu anh ta... Phấn mặc một thứ áo choàng rộng lớn, hai tay giương ra và một luồng gió bốc mạnh thổi xoáy vào làm cho các mảnh áo từ từ tách ra như bị sút chỉ may, đoạn bay mất theo hướng gió, rồi lần lượt những mảnh y phục khác còn che đậy trên người Phấn cũng rã rời để nối nhau bay tuôn đi mất... ... Rồi bóng con Ba hiện ra trên khuôn cửa sổ lầu cao, thật cao như ở tận chín tầng mây, cánh màn cửa sổ ở trước mặt con Ba kéo vô mở ra liên hồi như là tự động bằng một thứ máy gì vậy. ... Rồi những tràng tiểu liên nổ thật dòn, trong lúc ấy bác Tám quay mòng mòng như một hình nhơn bằng cây đặt trên một trụ cốt... Rồi những hột bông ngải đen ngời - không biết cơ man nào kể - đua nhau rơi lốp bốp trên mái ngói để đổ dồn về ống máng xối, và chảy xuống thành một suối máu đỏ tươi linh láng dưới sân nhà. ... Rồi từng đoàn xe nhà binh mười bánh chạy rầm rầm, rồi thắng keen-keéc... rồi chạy, rồi thắng... đinh tai nhức óc... ... Rồi Tư Cầu bỗng bị nhắc bổng lên để bỏ tuột vô một thứ thùng sắt kín bưng... để rồi ở bên ngoài không biết ai dùng cây, gậy, hay bá súng nện thình thình vào khắp ba bề của chiếc thùng sắt ấy... Tiếng nện mỗi lúc mỗi to, Tư Cầu chịu hết nổi ú ớ kêu lên... Vừa lúc đó anh ta mơ mơ màng màng nghe có tiếng người quát tháo đâu đây: - Mở cửa mau lên! Tư Cầu trở mình, đưa tay dụi mắt. Lại có tiếng đập cửa nghe rầm rầm: - Ai ở trỏng mở cửa ra cho mau, bộ tính ngủ luôn sao chớ! Tư Cầu hốt hoảng mở choàng mắt ra và bò rột ngồi dậy. Bên hàng xóm cũng có tiếng dộng cửa kêu mở nghe rõ mồn một. Tư Cầu càng thêm sợ quýnh. Cái điệu này, họ đã bao vây khắp xóm thì anh ta làm sao tông ra để thoát thân được. Ý chừng nổi nóng thêm lên, những người ở ngoài lấy chân đạp cửa nghe ầm ầm và chửi thề om xòm: - Không mở cửa cho mau tao bắn nát nhà hết đa nghen! Đ.m chắc tụi ở trỏng là V.M mà! Tư Cầu vội lấp bấp lên tiếng: - Y khoan... mấy ông ơi! Dân mần ăn, mấy ông ơi!... Dạ để tui ra mở cửa liền... Tư Cầu vừa rút chốt cửa là ở bên ngoài ba bốn người mặc thường phục cầm súng lục lăm lăm nơi tay ùa cả vô nhà. Một người lấy mũi súng chọt vào sau lưng Tư Cầu đẩy tới: - A-lê, đi ra cho mau mầy! Tư Cầu ráng làm tỉnh: - Dạ... đi đâu mấy ông? Người kia xô anh ta nhủi tới: - Thằng này giả mù sa mưa hoài! Thì ra ngoải theo dân trong xóm đi lại chỗ khoảng đất trống ngồi xếp hàng sẵn đó để chờ “bao bố” trên Ca-ti-na xuống nhìn mặt. Chớ bộ mầy nói tụi này kêu cửa bốn năm giờ sáng để mời đi uống cà-phê sao chớ! Một người khác vừa lục soát trong nhà vừa nói chen vô: - Ối, anh hơi sức đâu mà cắt nghĩa cho nó hổng biết! Cái thứ này, ban ngày ban mặt thì làm bộ như gà mở cửa mả, chớ ban đêm hôm, tụi nó đi liệng lựu đạn, mụ nội ai rượt theo cũng hổng kịp nó nữa! Tư Cầu nghe có bấy nhiêu đó cũng đủ toát mồ hôi, và vội quay qua nói với người đứng gần bên cửa: - Xin mấy ông cho tôi vô xỏ cái áo và lấy giấy tờ luôn thể... - Ừ... Mà đừng có bày đặt lủi trốn nghen tụi! - Dạ... Tư Cầu bước lại phía sau lấy quần áo mặc vào rồi riu ríu đi theo mấy công- an viên Ca-ti-na. Ra đến khoảng đất trống nhà máy xay lúa, Tư Cầu thấy dân trong xóm đã ngồi xếp hàng đầy nghẹt, và toàn là đàn ông thanh niên không thôi. Anh ta rề lại ngồi chồm hổm, khoanh hai tay lên đầu gối kế bên một người đứng tuổi. Tư Cầu liếc nhìn qua một vòng: ai nấy có vẻ đăm chiêu, sợ sệt và có người lại cúi gục đầu xuống như muốn để cho mấy ông lính thấy chắc rằng mình không dòm ngửa dòm nghiêng gì hết. Trong lúc ấy, lính tráng đứng bao vây vòng trong vòng ngoài và Tư Cầu thầm nghĩ rằng: “Cái điệu này đến con kiến chui qua cũng hổng lọt nữa là người ta! Và phải chi ở vườn còn tông nhảy vô lùm vô bụi hay nhào đại xuống ao đìa trốn, chớ còn ở đây...’ Không khí lặng trang kỳ lạ của đám đông người đặc biệt này làm cho Tư Cầu thấy khó chịu vô cùng. Một lát sau, anh ta đánh bạo lấy ngón tay khều người ngồi bên cạnh và nghiêng đầu hỏi nhỏ. - Nè bác, họ đem tụi mình vào đây làm chi vậy? Bác kia trừng mắt nhìn quanh về phía anh ta rồi cúi gầm mặt xuống: - Lính kín dưới Ca-ti-na làm ráp để chút nữa chở “bao bố” lên nhìn mặt chớ làm gì nữa! - Bao bố gì mà nhìn mặt? Và nhìn mặt ai? Bác kia trừng mắt nhìn nhanh về phía anh ta rồi lại cúi mặt xuống như cũ: - Lát nữa rồi biết! Đừng hỏi lào xào nữa hỏng nên đa chú! Nhưng rồi bác ta nhíu mày nhìn xéo Tư Cầu một vài giây như có vẻ nghi ngờ một điều gì: - Bộ chú... là người ở đâu mới tới đây hay sao mà hổng rành mấy chuyện đó? Tư Cầu tái mặt, luống cuống tìm lời che giấu, nhưng cũng may bác kia như không có ý đợi câu đáp và lại xoay mình ngồi đưa lưng về phía anh ta. Vừa lúc ấy một chiếc xe “bít bùng” chạy đậu lại trước đám đông. Hai thầy lính kín áp giải từ trên xe xuống một người hai tay bị còng chặt và... trên đầu phủ chùm một cái bao bố lụng thụng xuống quá bụng, phía trên bao bố có khoét hai lỗ ngay chỗ cặp mắt. Tư Cầu nghển cổ lên và lẩm bẩm: - Hèn chi... Đám người ngồi xếp hàng trên bãi đất trống đều cúi mặt xuống như... không dám nhìn ai, cũng như không muốn... ai nhìn mình hết. Tư Cầu bắt sợ lây theo và vừa ngó xuống đất vừa co ro người cho thêm bé nhỏ lại và anh ta rối ruột lên: nếu người trong bao bố là một anh em trên căng thì phen này kể như... mạng vong. - Ngước mặt lên hết để bao bố làm việc! Tư Cầu giật mình khi nghe tiếng “lịnh” đột ngột ấy. Anh ta vội đảo mắt nhìn qua một vòng để canh chừng thiên hạ rục rịch ra sao hầu bắt chước làm theo... Tất cả mọi người ngồi dưới đều nhứt loạt ngó hơi xéo xéo lên trời như là đã quen thuộc với “động tác” ấy lắm vậy. Tư Cầu để ý nhận thấy tất cả những gương mặt sợ hãi ấy ngẩng lên trong một dáng điệu cứng đờ như là bị... chỏi dưới hàm hạ bằng một thứ cọc cây vô hình nào. Bao bố bắt đầu chậm rãi đi nhìn mặt từng người một và vì Tư Cầu đến sau ngồi vào hàng chót nên... còn lâu mới đến lượt anh ta. Đó là một điều càng làm cho Tư Cầu thêm nghẹt thở... ... Bao bố đã đi đến hàng có Tư Cầu ngồi trong ấy. ... Một người, hai người, ba người... Có lẽ hàng này không có ai khả nghi hết, nên bao bố chỉ liếc sơ qua rồi bước tới. Thấy tự nãy giờ bao bố chưa “gật đầu” một ai hết, một thầy lính kín có vẻ sốt ruột chụp vai bao bố lại: - Ê mầy! Bộ tụi này chở mầy đi chơi mát sao chớ! Coi chừng nghen mậy: mầy hổng chịu chỉ cho ra mấy thằng đồng bọn với mầy thì về đây rồi biết! Bao bố ú ớ trả lời cái gì mà Tư Cầu không rõ, và thấy liền theo đó, thầy lính kín “lên” cho hắn ta “một gối” khiến hắn té chúi nhủi. Như ý thức được “phận sự”, bao bố bèn lồm cồm ngồi dậy, rồi xăng xái đi tới chăm chỉ tiếp tục công việc nhận diện. ... Đến trước bác đứng tuổi ngồi cạnh Tư Cầu, bao bố có lẽ không mấy chú trọng đến những người có tuổi nên đi lướt qua mau và Tư Cầu kịp nghe bác ấy thở ra một hơi như là trút gánh nặng tự nãy giờ đè trĩu trên ngực... Điều ấy cũng làm cho Tư Cầu thêm khó chịu. Anh ta ngó trân trân vào hai cái lỗ khoét trên chiếc bao bố như đợi chờ một lời phán quyết của Định Mạng. Anh ta nín thở, mình mẫy toát mồ hôi khi chợt thấy bao bố chùng chình không chịu bước đi qua cho mau. Thầy lính kín theo sát bên bao bố vội lách mình lên chụp hắn ta lại hỏi sẵng: - Sao mậy? Bộ thằng này hả? Thầy lính kín vừa hỏi vừa lấy tay chỉ chỉ thẳng về phía Tư Cầu. Người trong bao bố chưa kịp trả lời, hay nói cho đúng hơn chưa biết phải trả lời ra làm sao, thì Tư Cầu rướn cổ lên đáp xía vô: - Dạ hổng phải tui đâu ông ơi! Thầy lính kín quay lại đạp mạnh anh ta một cái: - Tao hỏi nó chớ có hỏi mầy đâu hả! Tư Cầu hoảng kinh cúi gầm mặt xuống. Thầy lính kín lại lấy mũi giày đá vào đầu gối anh ta. - Ngước mặt lên cho nó nhìn mầy! (và day qua tên bao bố) Phải thằng này hông mậy? Tao cho mầy nửa phút để nhận cho kỹ đó nghen! Tư Cầu run lẩy bẩy hai tay khoanh chặt trên đầu gối há hốc miệng nhìn chòng chọc vào đôi con mắt sâu thẳm đầy bí mật của người bao bố. Đó là một cái nhìn nửa như cầu khẩn van nài, nửa như kinh hồn khiếp đảm. Người bao bố vẫn không nhúc nhích. Thật ra khi thấy bộ vó của Tư Cầu, hắn ta cũng muốn gật đầu bừa một cái để yên thân đi về cho rồi, nhưng lại không đành tâm khi nhận ra dáng điệu thảm thiết một cách quá... tuyệt vọng của Tư Cầu. Thầy lính kín lại hối: - Sao lâu quá vậy mầy? Có phải thằng này không thì mầy nói! Người bao bố bước nhích lại gần chỗ Tư Cầu ngồi thêm một chút nữa... Tư Cầu chết điếng trong bụng, tứ chi như cứng cồng và như bị hai cái lỗ khoét trên đầu bao bố kia hớp hết hồn. Người bao bố bước lùi trở lại và hướng về phía thầy lính kín, hắn ta chậm rãi lắc đầu. Thầy lính kín nổi giận đấm như mưa bấc vào người bao bố và chửi thề vang rân: - Đ.m nếu hổng phải thì mầy đi liền để nhìn thằng khác chớ làm gì đứng dây dưa ở một chỗ? Bộ tính ở lại để nhận bà con với nó hả? A-lê đi tới cho mau mầy! Chuyến này mầy về dưới bót rồi mầy coi tao! Đ.m tự hổm nay nó dắt đi mấy buổi trời cho phơi nắng thấy con đĩ mẹ, mà rồi không chịu gục gặc gì ai hết và để cho mình xách xe không về hoài! Bộ mầy là cha người ta hả? Người bao bố, có lẽ quá quen thuộc với tình cảnh ấy lủi thủi đi và không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ hắn ta muốn trả lời lại hết. ... Người bao bố lại bắt đầu đi nhìn mặt những người kế tiếp. Tư Cầu nhắm nghiền mắt lại buông mình ngồi phịch xuống đất, thở hắt một hơi dài... Đoạn anh ta mở choàng mắt ra liếng thoắng ngó qua bác ngồi bên cạnh. Bác này cũng nhìn sang anh ta và tự nhiên cả hai cùng nhoẻn miệng cười... Bao bố đã bị đưa lên xe chở đi, và suốt một buổi sáng hắn ta không nhận diện được một ai hết. Đám người bị bố ráp rần rộ kéo nhau về nhà để còn lo đi làm kẻo muộn. Vì trong xóm không có ai bị bắt nên người nào người nấy cũng thấy như vui thêm lên, họ đua nhau vừa đi vừa cười nói ồn ào như nhóm chợ. Trong lúc ấy, bác đứng tuổi ngồi kế Tư Cầu ban nãy bước lại gần anh ta bắt chuyện: - Thế là được tai qua nạn khỏi thêm một lần nữa! Nè chú em, bây giờ chú em có muốn nói chuyện gì đó thì cứ nói thả ga đi, chớ hồi nãy chú em cứ xầm xì hoài... qua ngán trân! Tư Cầu xẻn lẻn đáp: - Dạ mới lần đầu nên tui hổng biết... Bác kia chận ngang: - Thì qua cũng đoán như vậy... bây giờ đã biết rõ cái chuyện bố ráp chưa? Ối nếu chú em còn ở đây lâu thì bị... bố ráp lu bù thét rồi cũng quen! Mà hồi nãy qua tưởng nó “lượm” chú em rồi chớ? Thiệt hú hồn hú vía? Và không đợi cho Tư Cầu trả lời, bác ta bước nhanh lại kề sát bên tai Tư Cầu nói luôn: - Bộ chú em là người... ở đâu mới lại đây hả? Ráng mà “xi-kên” bộ vó lại đi, chớ như vầy thì dễ làm cho người ta để ý lắm đó nghen! Nói xong bác bươn bả đi thẳng không quay đầu nhìn lại. Tư Cầu ngơ ngác theo bác một hồi rồi hấp tấp đi về gian nhà của mình. - Anh Tư đâu mất tiêu rồi! Phấn vừa xô cửa vừa hí hửng hỏi liền... Tư Cầu đang lúc thúc ở phía sau vội bước ra: - Cha sao lợi hoài hoài vậy bà cố! Xóm này bị bố ráp liền liền trong suốt tuần nay, vậy mà cứ thậm thọt vô ra cả ngày lẫn đêm thì đố khỏi có người dòm ngó! Phấn không buồn trả lời, liệng mạnh cái khăn đội và cái bóp lên trên giường, rồi thản nhiên cởi áo dài ra... Nhưng cô bỗng ngừng tay lại lên tiếng réo Tư Cầu: - Ê anh Tư, lại mở giùm cái nút áo này coi! Tư Cầu đứng yên một chỗ: - Trời đất quỷ thần ơi, có chút vậy mà cũng bày đặt chuyện để sai người ta nữa sao? Phấn buông thõng hai tay xuống: - Vậy mà hổng được hén? (rồi cô lấy ngón tay chỉ chỉ một cái nút áo nơi kẹt nách) Người ta mở hổng ra nên mới nhờ tới mình chút xíu đó mà cũng làm bộ hoài! Bây giờ anh có chịu lại đây hông nè! Phấn vừa nói vừa đưa cánh tay lên cao và nheo nheo mắt nhìn Tư Cầu... Thấy Tư Cầu nhăn nhó đi lại, Phấn mỉm cười nói: - Thiệt anh làm như sắp sửa đi lên gươm máy vậy! Tư Cầu cười lạt: - Lên gươm máy còn chết mau, chớ với mấy bà thì chết lần chết mòn! Tư Cầu lom khom đưa tay cố mở cái nút áo ra khỏi khuy nhưng vẫn không được. Thấy thế, Phấn chắc lưỡi: - Làm cái gì mà ba trật ba vuột hoài vậy anh? Tư Cầu bực mình đứng xổng lưng lên: - Thì bà có giỏi mở ên một mình coi! Phấn níu Tư Cầu khom xuống: - Bị người ta trái tay chớ hông thôi ai thèm nhờ anh làm khỉ gì cho mất công! Tư Cầu lại ráng mở cho được cái nút áo ấy. Xong anh ta đứng thẳng lại thở ra một hơi dài như vừa trút bỏ một gánh nặng: - Thiệt đồ mắc toi gì đâu! Phấn lại nắm chặt lấy tay anh ta: - Ủa, bộ tính hổng cổi luôn cái áo cho người ta hả? Tư Cầu giựt mạnh tay ra và hỏi lại: - Bộ cùi rồi hả? Phấn háy xéo anh ta: - Xí, cái bản mặt thấy ghét quá hà! Đoạn cô cổi phăng cái áo dài ra liệng vắt trên đầu giường rồi nhảy lại ôm ngang eo ếch Tư Cầu và đeo dính cứng. Tư Cầu lúng túng gỡ tay Phấn ra: - Ý trời, lo thấy mồ thấy tổ chớ vui sướng gì đâu mà em làm như vậy hổng biết! Phấn vẫn giữ chặt lấy anh ta: - Lo cái gì mà hễ gặp mặt anh là anh kêu lo! Lo thì cũng có khi có lúc, chớ lo hà rầm như vậy ai chịu nổi! Tư Cầu cười mũi: - Ai bắt em chịu hồi nào đâu thử nói coi. Phấn xô mạnh anh ta ra và nói một hơi: - Hứ anh làm như anh quý lắm vậy! Em hỏi anh: chớ em lao tâm tổn trí đem anh ra đây làm chi? Để làm mắm chắc?... Mà anh lo cái khỉ mốc gì vậy hả? Tư Cầu xuống nước phân trần: - Thiệt ra anh cũng mang ơn em nhiều lắm chớ hổng phải không... - Ai khiến anh mang ơn cà! Mà anh mang ơn theo cái điệu... đuổi xua đó hả? Tư Cầu nhăn nhó chắc lưỡi: - Em cứ nói vậy hoài... Anh lo là lo hổng biết cái chuyện anh trốn đây có êm luôn hông... Phấn chận ngang: - Nếu hổng êm thì tây nó chộp cổ anh lại rồi! - Em nói sao nghe dễ quá... Phấn bước lại kéo cái gối dựng lên đầu giường rồi ngồi xuống dựa lưng vào: - Em biết rõ cái gì thì em mới nói cái nấy. Mới rồi chị Hai ở trỏng có ra kiếm em để cho hay là tốp tù bị đưa ra Côn đảo đã xuống tàu chở đi hết rồi. Tư Cầu vội ngồi xuống một bên Phấn: - Vậy hả? Cha tội nghiệp mấy anh em đó quá há! Phấn lừ mắt nhìn anh ta: - Anh hổng lo chuyện của anh mà cứ lo tội nghiệp cho người khác hoài hè! Tư Cầu biết dầu có phân giải gì nữa cũng vô ích nên ra bộ ân cần hỏi lại Phấn: - Ờ mà cái chuyện của anh ra làm sao hả em? Cô... Ba có cho biết gì lạ không? - Dữ hông!... Thì như vậy kể như cái vụ của anh êm luôn rồi và chắc không ai còn để ý tìm kiếm “nguội lạnh” nữa làm chi. - Cô Ba cổ nói như vậy hả? - Phải... Mà em cũng nghĩ: tù cả ngàn, cả vạn người thì dầu cho có thiếu mất đi một vài người cũng chẳng sao! Tư Cầu bật cười: - Nói như em vậy thì... khỏe quá! (rồi anh ta ngập ngừng hỏi thêm) Mà cô Ba cổ có... nói thêm cái gì nữa không hả em? Phấn đăm đăm nhìn vào mặt anh ta: - Hừ, anh khôn quá tổ mẹ người ta há! Thì hỏi đại coi con mẹ Hai hỏi thăm hỏi nom anh gì nữa có được không? Vậy mà còn làm bộ hỏi ngoắt ngoéo... tính qua mặt con này nữa! Bỗng cô đập mạnh tay xuống sập giường nghe một cái rầm và làm cho Tư Cầu giựt mình nhích lui ra sau: - Hèn chi anh nói anh lo! Lo vậy đó phải không? Tư Cầu thấp giọng năn nỉ: - Coi em la lối om xòm... hàng xóm láng giềng họ tưởng mình đánh lộn đánh lạo bu lại coi thì... hổng tốt đa em! Em hổng biết, chớ đứng vào tình cảnh của anh hổng lo sao được: trước thì lo bị bắt lại, còn bây giờ nếu êm hết rồi thì... phải lo kiếm đường dìa thăm dưới nhà coi bình an thể nào, chờ lâu ớn rồi... Phấn nghe nói vậy chồm tới níu tay anh ta hỏi liền: - Bộ anh về dưới sao? Mà cái gì gấp dữ vậy? Bây giờ êm rồi thì anh cứ ở nán trên này chơi một ít lâu nữa hổng được sao? Mấy thuở anh lên được trên Sài Gòn... Tư Cầu cười khan: - Ý trời ơi, tới nước này mà em còn biểu ở trên này chơi nữa chớ! Em làm như không có chuyện gì xảy ra hết! Phấn còn ráng thuyết phục anh ta: - Sao em không biết như vậy, nhưng bây giờ mọi việc kể như êm ru hết rồi... Anh nghĩ coi: thời buổi này, biết bao lâu nữa anh mới có dịp lên trên này? Lần lên lần khó thôi thì anh nán ở lại năm mười bữa nữa. Anh cứ kể như anh... còn bị kẹt trong căng vậy! Tư Cầu lắc đầu quầy quậy: - Kể gì vậy mà kể! Anh nói hổng được là hổng được... Thiệt tình thì không phải anh vô tâm vô tính gì mà chẳng quyến luyến... trên này, nhưng ngặt nổi nhà nhà cửa mê mê ở dưới vườn và bà con cô bác chắc ai cũng nóng ruột trông tin anh. Đó em coi... Phấn gạt ngang: - Thì em biết rồi... Nhưng thôi, em cũng không dám nài ép anh làm gì để nữa rồi anh đổ thừa kia nọ ghét lắm! Đoạn Phấn bò rột lại, kê đầu nằm lên trên bắp vế anh ta rồi ngước mặt lên nhoẻn miệng cười. Tư Cầu vói tay lấy cái gối định để kê đầu cho Phấn, nhưng cô ta đã lẹ chân hất cái gối văng ra xa, và rướn người lên nằm đè luôn hai đùi của Tư Cầu... Phấn níu lấy áo anh ta giật mạnh và lên giọng nạt nộ: - Ngồi yên đa! Anh mà rục rịch nữa em véo bắp vế non cho anh coi. Tư Cầu bắt cười xòa: - Bị gặp thứ... quỷ vương như em vầy nè rồi làm sao mà yên được... Nghe câu ấy, Phấn như được mợi nằm lăn ra giường và lôi Tư Cầu ngả người nằm kế một bên. Thấy Tư Cầu quay mặt ngó vô vách, Phấn vừa đưa tay níu lấy vành tai, vừa gác chân lên người anh ta để lôi kéo trở ra. - Anh bây giờ sao tệ hơn hồi đó nhiều! - Hừ... - Anh so em bây giờ với em hồi đó coi thế nào? Có hơn nhiều hông? - Hơn và ngán hơn nhiều. - Cái anh mắc dịch này! Được rồi anh muốn ngán, em cho anh ngán luôn! Tư Cầu chưa kịp nói thêm một lời nào nữa thì Phấn đã choàng một tay qua đỡ đầu anh ta lên, và một tay kia thì luồn đặt dưới cổ. Một mùi dầu thơm nồng xông lên làm cho Tư Cầu hơi ngây ngất... và đây, cũng người này ngày nào trong chòi vắng mà anh ta quá quen thuộc, quen thuộc từng sợi tóc dính bết mồ hôi trên trán, từng hơi thở dồn ấm bên tai... cũng người ấy, nhưng sao Tư Cầu cảm thấy quá mới lạ. Và lòng anh ta vẫn bồi hồi xúc động như thường, tay anh ta vẫn run rẩy, vẫn ngập ngừng... như trong một đêm xa lắc xa lơ nào giữa đồng trống gió lùa trên mái rạ, khi cây rọi mù-u ngã lăn và tắt ngóm trên nền đất.... Bỗng nhiên, Tư Cầu thấy bực mình: với con Ba, anh ta đâu có đến nỗi vụng về luống cuống như thế. Còn còn Phấn... thì tự hổm nay anh ta chẳng đã ôm ấp trong lòng rồi đó sao? Nhưng lần nào cũng như lần nào, Tư Cầu vẫn thấy rộn ràng làm sao... Rộn ràng vì sắp nâng niu một người tình cũ, người tình đầu tiên hơn là vì nằm kề một người đàn bà mà da thịt, mắt, môi, tay chân... cho đến một hơi thở nữa cũng đều ngùn ngụt... “chuyện” yêu đương. ... Như tự trách sự ngượng ngập vô lý của mình, Tư Cầu chắc lưỡi liền mấy cái... Phấn vội ngước mặt lên nửa lo ngại, nửa bực mình hỏi: - Gì vậy anh? Tư Cầu mỉm cười lắc đầu nhè nhẹ: - Không... Rồi anh ta choàng tay qua ôm siết mạnh lấy vai của người yêu... Phấn ngạc nhiên cố nhoai ra mở to mắt nhìn anh ta, cô định hỏi thêm nữa nhưng rồi lại ú ớ kêu lên: - Vậy mà làm người ta hết hồn! Dữ hông... Mới có hơn một giờ khuya mà Tư Cầu đã rọ rạy thức dậy rồi, mặc dầu mãi đến ba giờ sáng chuyến xe đò Sài Gòn - Cần Thơ mới khởi hành. Sau khi xúc miệng rửa mặt, bận quần áo đàng hoàng, và thu xếp đồ đạc lặt vặt mang theo vô một chiếc cặp da mà anh ta mới mua hồi chiều, Tư Cầu ngồi hút thuốc để giết bớt thì giờ... Tiếng xe thổ mộ lốc-cốc leng-keeng chạy ngoài lộ làm cho anh ta thấy nao nao trong lòng. Tuy sốt ruột mong cho chóng về tới nhà, nhưng Tư Cầu vẫn cảm thấy bâng khuâng khi sắp lìa xa gian nhà bé nhỏ mà anh ta nương náu bấy lâu nay, lìa xa Phấn, con Ba... hai người đàn bà đã yêu mến, giúp đỡ anh ta rất nhiều, (mà cũng làm phiền rộn anh ta không ít) lìa xa Sài Gòn, một nơi đã riêng dành cho anh ta bao cuộc xáo trộn... Có tiếng chân người bước hối hả ngoài ngõ và Tư Cầu kịp ngó ngoái ra thì Phấn đã xô cửa ló vào: - Thiệt em đi muốn hụt hơi vì sợ anh đã ra huốt ngoài bến xe rồi! - Ra đâu mà ra, còn sớm bửng... - Em cũng biết vậy, nhưng em còn lạ gì tánh của anh quá... lo xa. Tư Cầu thẫn thờ nhìn quanh gian nhà: - Ừ... - Anh sửa soạn xong chưa? (rồi như nhận thấy câu hỏi ấy quá thừa, Phấn lại tiếp) Thôi mình thả lần ra bến xe lục tỉnh đi, chớ ngồi nán lại đây làm khỉ gì! Ra ngoải mình vô tiệm ngồi uống cà phê ăn lót dạ rồi đợi giờ xe chạy cũng được đó anh! - Ừ. Tư Cầu uể oải đứng dậy xách cặp da lên rồi chậm rãi ngó chung quanh gian nhà một lần nữa. Thấy vậy Phấn hỏi liền; - Anh kiếm cái gì mà em thấy anh ngó đảo qua đảo lại năm lần bảy lượt vậy? Tư Cầu lắc đầu đáp: - Không... anh coi có còn bỏ quên lại món gì không mà! Phấn thở dài đứng lặng thinh chờ anh ta một hồi rồi hỏi: - Sao? Có bỏ sót cái gì không? Tư Cầu vẫn đứng sững ở giữa nhà: - Không... À nè em, căn nhà này khi anh dìa dưới rồi em tính sao đây? - Ối, vậy mà cũng lo! Em tính sao thây kệ em... hay là em cứ khóa cửa để đó chờ coi anh về xứ không yên thì quay lên ở luôn trên này nghe anh! Tư Cầu lắc đầu quầy quậy: - Ý thôi, em trả lại cho chủ nhà đi chớ hơi sức đâu mà đợi anh! Với lại anh dìa chuyến này thì ở luôn dưới xứ, may ra chừng nào hết giặc giã mới có thể lần mò lên trên này được... hay là bây giờ cho tới chết cũng chưa chắc anh gặp mặt lại cái đất Sàigòn này! Phấn nguýt háy anh ta: - Hễ động mở miệng ra là nói bậy hoài! (đoạn cô xuống giọng tha thiết nói tiếp) Em nghe nói lóng rày ở dưới miệt quê động lắm: Tây nó bố ráp, càn quét lu bù, và còn cái nạn máy bay liệng bom, nã súng liên miên nữa... Như vậy, theo em nghĩ: anh về quê thăm qua nhà cửa cho bà con cô bác ở dưới yên lòng rồi vọt gấp lên trên này... Tư Cầu nhìn Phấn mỉm cười: - Lên trên này cho hai bà hùa vô... xé xác phanh thây hả! Tây nó có bố thì dầu cho ngặt nghèo thế mấy cũng có đường trốn, chớ hai bà mà ráp vô thì có nước tui độn thổ mới toàn mạng được! Phấn có vẻ mắc cở, nhưng như để khỏa lấp, lại gân cổ nói bừa đi: - Anh sao cứ giỡn bông lơn hoài! Bộ em... ganh tỵ gì với con mẹ hai đó sau? Đấm đách đi! Em dầu hèn cũng thể chớ bộ thèm so đo với cái thứ con mẻ sao! Tư Cầu cau mày hỏi sẵng: - Cái thứ gì hả? Phấn hơi ấp úng nhưng rồi cũng ráng đáp bừa tới: - Cái thứ... đụng đâu xâu đó vậy mà anh cũng hỏi! Cái thứ đó nập nợn ở miệt đường A-mi-ran Cuộc-bê (con đường dập dìu gái điếm hồi quân đội viễn chinh mới sang) thiếu gì! Tư Cầu lên tiếng cự nự liền: - Em hổng biết khỉ gì hết mà cũng nói ẩu cho người ta hoài! Em mà còn ọ ọe nữa thì khỏi chuyện đưa đón gì nữa hết nghen! Nói xong anh ta vùng vằng xách cặp đi thẳng ra ngoài cửa. Phấn te te chạy theo sau: - Đợi em đi với anh Tư! Anh không muốn em nói thì thôi. Tại anh hỏi vô chớ bộ em... Tư Cầu mải miết đi tới: - Thôi biết rồi, dẹp cái chuyện đó qua một bên cho rảnh! Phấn dịu giọng hỏi anh ta: - Bây giờ mình đi ra bến xe bằng gì đây? - Bằng cái gì cũng được hết miễn cho tui leo lên tới xe dông luôn tuốt dìa xứ là quý rồi! Phấn cũng phát bực: - Cái anh này thiệt... Rồi sợ Tư Cầu kiếm chuyện nói “phong ngang bửa củi” nữa, Phấn xông lên đi trước để giơ tay chận đón một chiếc xích lô máy đang chạy trờ tới... Sau khi cùng Phấn vô tiệm cà phê ăn lót lòng xong xuôi, Tư Cầu xách cặp da leo lên xe ngồi sẵn vì cũng sắp tới giờ khởi hành rồi. Tư Cầu mua giấy trước hồi chiều nên chọn được chỗ ngồi ngoài bìa, và nhờ vậy mà Phấn đứng dưới đất có thể dễ dàng chuyện trò với anh ta trong lúc xe chưa chuyển bánh. Tư Cầu thò đầu ra ngoài và giục Phấn: - Thôi em đi dìa đi chớ hơi sức nào đứng ở đây nữa cho mỏi chưn! Dựa người vào thùng xe, Phấn âu sầu ngước mắt lên nhìn anh ta: - Dầu cho có rã đầu gối bây giờ em cũng phải đợi cho xe chạy rồi về mới được. Anh không nghĩ đến chỗ: chỉ còn năm mười phút, hay nửa giờ nữa là em với anh... mỗi người mỗi ngả và chẳng biết đến bao giờ mới gặp mặt nhau lại được như vầy! Tư Cầu cũng thở dài: - Thì đúng như thế đó... Nhưng coi vậy chớ nếu ở đời hễ xa nhau là... chết rũ, thì có lẽ hai đứa mình đã... ngủm hồi từ thuở cố lũy nào rồi! Rốt cuộc rồi ai cũng yên phận nấy, ai cũng sống nhăn hết... Phấn gượng cười cắt ngang: - Nói như anh vậy là hết chuyện! Đã đành rằng không ai chết được, nhưng bộ anh chẳng thấy héo ruột héo gan hay sao? Tư Cầu cũng cười theo: - Nếu có thì để bụng chớ chẳng lẽ... la làng lên hay sao? Phấn vói tay véo nhẹ vào vai anh ta: - Anh thiệt hổng bỏ cái tật nói ngang nói ngạnh đó! Tư Cầu làm nghiêm trở lại: - Ý quên nữa: em nhớ nói lợi với chú Ba rằng anh có gởi lời thăm chú được mạnh giỏi, buôn bán mần ăn tấn phát hoài hoài... Thiệt ra thì chuyến này, anh mang ơn chú nhiều lắm... và cũng làm phiền chú không ít! - Coi, anh có làm phiền thằng chả cái gì đâu? Có em chạy tới chạy lui lo cho anh này nọ, chớ thằng chả cứ ở miết trong tiệm và có chịu nhúc nhích cục cựa gì đâu! Vậy mà thằng chả lại còn cằn nhằn em nhức xương nhức cốt nữa! Tư Cầu lắc đầu: - Thì làm phiền chú Ba là ở chỗ ấy đó em ơi! Đã đành rằng hai đứa mình là... tình xưa nghĩa cũ, nhưng bây giờ, bề nào chú cũng là chồng của em... Anh nói có phải như vậy hông? - Thì phải... nhưng ai biểu hồi đó... - Biểu khỉ gì! Cũng có em... can dự vô chớ bộ một mình chú mà... mà xảy ra chuyện đó sao? Kể ra chú Ba cũng hiền lắm chớ đứng vào địa vị anh mà lại có con vợ bạt mạng như em, thì nhứt định là anh vặn họng bẻ hầu nó liền chớ đâu đó để luồng tuôn vậy được! - Xí, anh hổng biết mốc gì hết mà cũng nói! Thằng chả mà hiền! Em vì thương anh nên em mới bất kể như vậy, chớ bộ anh nói dễ chịu đựng với thằng chả lắm hả? Có điều là thằng chả khôn cãi trời cho nên không dám làm tới vì sợ em liều bỏ đi luôn, và nhứt là sợ lùm tum lên, rủi ro anh có bề gì thì cũng kẹt luôn thằng chả vô trỏng nữa. - Cái gì mà lại dính dáng đến chú Ba? - Hứ, em mà non tay ấn như anh vậy thì chỉ có nước ngồi ngó cho anh chết tiệt ở trong căng hay ở ngoài đảo. Mới đầu em đã nói thẳng cho thằng chả biết: nếu thằng chả làm bậy bạ để cho anh bị bắt lại thì trời cản em cũng cho thằng chả... chìm chung một xuồng... (nói đến đây Phấn thở dài) Thiệt bây giờ nghĩ lại em mới biết mang ơn chị Hai vợ của ông quan hai, vì cũng nhờ chỉ bày mưu đặt kế để em đón anh ra ngoài này tự hổm rày... - Dữ hông! Lâu lâu mới nghe em nói một câu nghe không nghịch lỗ nhĩ! Vậy mà cứ làm hùm làm hổ với người ta hoài! - Thôi nghen, hổng phải nghe em nói vậy mà được mợi làm tới... có chuyện nữa đa! (rồi như sợ phật ý Tư Cầu trong lúc này, cô dịu giọng nói tiếp) Bởi vậy, sau khi anh về xứ rồi, em tính để bữa nào rảnh vô tìm chị Hai một chuyến để nói vài lời phải quấy với chỉ kẻo chị phiền... Tư Cầu hăng hái tán thành: - Ừ phải đa! Mà em có vô trỏng nhớ nói... Phấn xớt lời ngang: - Nhớ nói anh hỏi thăm chỉ nhiều lắm phải hông? - Ừ... thì em nghĩ coi: bề gì thì cổ cũng xăng văng xéo véo cho cho anh chớ bộ không sao?... Mà thôi, nói chuyện khác đi bà nội, xe đã bắt đầu rồ máy, bóp kèn om xòm đó! Phấn đưa mắt nhìn chung quanh: - Ối, mấy cha lơ làm bộ vậy để hối khách, chớ có chạy thiệt đâu anh ơi! (rồi cô trở lại nhìn Tư Cầu) Anh coi lại giấy tờ, tiền bạc gì còn đủ hông, hay là bị chúng móc túi chọt hầu bao mất hết rồi? Tư Cầu vỗ túi quần sau: - Còn đây nè! Mà hồi chiều em nhét trong bóp anh chi tới ba ngàn đồng lận? Anh tưởng em chỉ đưa thêm một vài trăm đủ anh xây xài dìa tới dưới... Thôi để sẵn dịp này anh trả bớt lại em... (anh ta vừa nói vừa rút bóp ra) Phấn nhóng người lên chụp tay Tư Cầu bắt phải đút cái bóp trở vô túi quần và lên giọng hăm he anh ta: - Anh mà lộn xộn nữa là có chuyện liền bây giờ đó nghen! Biết không thể cưỡng được ý của Phấn, Tư Cầu đành chịu phép và đáp xụi lơ: - Cha, em ép anh nhiều cái ngặt quá! Tiền bạc này em... bòn rút của chú Ba rồi trao cho anh xài thì cũng hơi... kỳ kỳ... - Ê, tiền của em để dành riêng chớ hổng phải tiền móc hầu bao của thằng chả mà anh phải áy náy! - Em có tiền riêng thì cũng nên để dành đó cho thằng bé... Kỳ. - Cái đó anh khỏi phải nói, bây giờ em lo cho... tía ruột thằng Kỳ trước đã! Nói xong Phấn nhìn Tư Cầu cười mủm mỉm làm cho anh ta cũng đâm ra xẻn lẻn vội ngó về phía khác. Vừa lúc ấy có một chị bán bánh mì tay cầm mấy ổ bánh dài thòn, vàng ửng đi tới và mời mua: - Hai chú thiếm mua giùm em vài ổ bánh mì giòn nóng hổi mới ra lò. Phấn liền cầm lấy một đầu ổ bánh mì để nắm xem có quả thật là thứ mới không, xong cô gật đầu ra vẻ vừa ý: - Chị cho tôi ba ổ đi làm ơn gói buộc lại kỹ lưỡng đó nghen! Tư Cầu vội cản nói: - Mua chi dữ vậy em? Nếu có đói anh mua bánh bán ở dọc đường cũng được mà! Phấn đỡ lấy ba ổ bánh mì mà chị bán hàng trao cho, rồi đưa luôn cho Tư Cầu: - Ậy, anh cứ xách đem về dưới đi. Thứ bánh mì này làm bằng toàn là bột thiệt ngon lắm mà! Tư Cầu bắt buộc phải cầm lấy mấy ổ bánh mì mà mặt mày thì nhăn nhó. Anh ta nhìn trân trân vào gói bánh, đoạn thở dài. Thấy thế, Phấn bực mình hỏi anh ta: - Thì anh xách thêm một chút xíu đó có nặng nhọc gì dữ lắm sao mà mặt mày anh chầm dầm vậy? Tư Cầu thở ra: - Hổng phải nặng nhọc gì, nhưng anh thấy mấy ổ bánh mì này anh... bắt ngán quá! - Ngán cái gì? Tư Cầu do dự một hồi rồi đáp: - Em hổng nhớ sao: tại bến cầu tàu lục tỉnh ở Cần Thơ hồi em với anh... tính lên trên này đó mà! Phấn cau mày: - Đọ, lại sắp kiếm chuyện nữa rồi đa! (nhưng rồi cô lại tò mò hỏi thêm) Mà hồi đó rồi làm sao? Mấy ổ bánh mì này có ăn nhập gì vô trỏng hả? Tư Cầu nhìn cô như trách móc: - Em... cái gì cũng mau quên hết, nên... cái gì cũng dễ ợt! Thì hồi đó em biểu anh lên cầu tàu đi mua bánh mì và thịt xá xíu đó! Rồi ở dưới này... Cũng tại ba cái bánh mì mắc dịch này nè! Mà thôi nhắc nữa làm gì! Nghe giọng nói của Tư Cầu, Phấn bắt phì cười: - Sướng quá há! Thì cũng anh nhắc lại, rồi cũng anh biểu thôi! Thiệt thằng cha này nhớ dai quá tổ mẹ người ta! Tư Cầu có vẻ phật ý: - Hứ, cái chuyện thấu trời, động đất mà không nhớ thì nhớ cái gì nữa cà? Phấn mỉm cười vói tay nắm lấy tay Tư Cầu: - Thì tại anh thương em gắt nên mới nhớ dai như vậy chớ gì? Tư Cầu cảm động vội quay mặt đi, nhưng lại nói buông thõng: - Chưa chắc! Cái đó để... hỏi lợi coi! Vừa lúc ấy tài xế rồ máy xe, bóp kèn inh ỏi và anh lơ luôn miệng hối khách còn đứng dưới đất mau mau lên ngồi vào chỗ của mình... Phấn vội nắm chặt lấy bàn tay của Tư Cầu và lặng thinh ngước mắt đăm đăm nhìn anh ta. ... Chiếc xe từ từ chuyển bánh và bàn tay của Phấn cũng từ từ tuột nhẹ ra khỏi bàn tay của Tư Cầu. Phấn vẫn lúp xúp chạy theo xe. Tư Cầu vội hối cô ta: - Thôi em dìa đi! - Anh đi mạnh giỏi nghen anh Tư! Nhớ nếu ở dưới không yên thì lên trên này liền nghen! Tư Cầu ló đầu ra, ngó ngoái lại: - Ừ... Em ở lại mạnh giỏi nghen! Phấn đã đứng lại vì chiếc xe bắt trớn nên chạy mau thêm. Tư Cầu ráng ló đầu ra ngoài để ngoái nhìn cho rõ thêm được chút nào hay chút nấy hình dáng Phấn đứng chơ vơ bên vệ đường. Trời hãy còn tối nên hình dáng yêu mến ấy đã nhỏ dần và như... bé bỏng, đơn độc hơn thêm nữa dưới ánh sáng vàng khè vẩn đục sương sớm của ngọn đèn điện trên cột trụ bên đường... Bỗng có tiếng đập thùng xe và liền theo đó là tiếng quát tháo của anh lơ: - Anh Hai ngồi đằng trước đó, làm ơn thụt đầu vô hông thôi xe khác qua mặt quẹt lọi cổ đa! Tư Cầu giựt mình vội rút đầu vô và vừa lúc ấy chiếc xe đò cũng đã quẹo qua một con đường khác. ... Chiếc xe đã chạy ra vùng ngoại ô và anh tài xế đã tắt ngọn đèn trong mui. Trong xe, hành khách đều giữ lặng trang vì ai nấy đã bắt đầu ngủ gà ngủ gật. Gió ngoài đồng trống như được thể thổi vù vù vào trong mui xe và làm cho Tư Cầu co ro người lại. Anh ta ôm ghịt cái cặp da cùng mấy ổ bánh mì vào lòng và hơi nóng âm ấm của mấy ổ bánh ấy càng làm cho anh ta cảm thấy gió đang lùa vào xe kia như lạnh buốt thêm trong buổi sáng biệt ly... ... Rồi chiếc xe chạy ngang qua căng Phú Lâm... Tư Cầu quay đầu sững sờ nhìn lớp hàng rào dây kẽm gai, những cột điện cách khoảng rọi sáng trưng mấy dãy trại mà bề ngoài xem thật vắng tanh như một khu xóm không có bóng người cư trú... Chiếc xe chạy vụt qua và hình ảnh của nơi quá quen thuộc ấy lùi dần lùi dần... Lòng Tư Cầu thấy thê lương lạ thường khi nghĩ tới rằng: giờ này trong những căn trại đó, còn có biết bao nhiêu người đang nằm chen chúc trên sân xi măng... có người ngủ mê ú ớ mớ gọi vợ kêu con, có kẻ thao thức lắng nghe tiếng kiểng đổ gọi chuyền nhau qua mấy điếm canh trên lô cốt... Rồi một trạm kiểm soát xuất hiện trước mặt. Chiếc xe từ từ đậu lại, và lính tráng trong bót ùa ra kẻ xét giấy tờ, người khám hành lý. Tư Cầu tái mặt. Mới đầu anh ta tưởng chừng như là tất cả những sự kiểm soát ấy riêng nhắm vào... anh ta. Mấy lần anh ta muốn vọt chạy xuống ruộng để lủi trốn nhưng kịp nghĩ lại nơi đó là một vùng lạ hoắc và như vậy anh ta biết xoay trở làm sao. Đành là liều ở lại vậy... Nhưng rồi mọi việc đều êm thấm: sau khi được kiểm soát qua loa, chiếc xe lại tiếp tục cuộc hành trình... Đi được một đỗi xa chiếc xe ngừng trước trạm gác khác, rồi đến một trạm khác nữa... Tuy biết rằng không có gì đến nỗi, nhưng Tư Cầu vẫn thấy... lên ruột mỗi lần phải xuống trình giấy tờ, rồi giơ thẳng hai tay lên trời để cho người ta lục soát trong người... Có qua những phút ấy, Tư Cầu mới biết rằng sự tự do mà anh ta được hưởng đó không phải là dễ dàng và khỏe ru gì cho lắm... Đây là lần thứ hai Tư Cầu quay trở về nhà sau một chuyến đi xa. Nhưng nếu lần trước, cái lần mà anh ta từ trên Nam Vang về, anh ta vừa hồi hộp vừa hân hoan bao nhiêu thì lần này anh ta vừa bồn chồn vừa lo lắng bấy nhiêu. Ngồi ở phía trước chiếc tam bản đò chèo cọt kẹt lướt trên mặt sông để về Rạch Chiếc, Tư Cầu buồn bã ngắm nhìn cảnh vật trên bờ lần lượt phơi bầy trước mắt anh ta: mấy cây cầu gãy gục đôi, xóm nhà cháy tiêu và chỉ còn lại mấy hàng cột đen xì, mấy cái lu nước bể nằm trơ vơ trên nền đất đã bắt đầu xanh um cỏ dại... Và dưới sông, thỉnh thoảng chiếc đò tam bản lại chèo ngang qua một xác chết sình chương và đen nám nổi lình bình trên mặt nước... Mấy con quạ đen bực mình vì bị khuấy phá bay vụt lên, kêu oang oác để rồi hấp tấp đáp sà xuống rỉa nốt mấy miếng thịt mềm rã... Đến nơi, Tư Cầu vội vã bước lên đến để bươn bả đi thẳng về nhà. Đâu đâu cũng có vẻ đìu hiu hoang phế và cả những người quen mà Tư Cầu gặp dọc đường cũng có vẻ dè dặt khi bắt buộc phải đáp lại lời chào hỏi vồn vã của anh ta. Tư Cầu sững sờ đứng trước hàng rào me keo của nhà mình: ngôi nhà cũ biến đâu mất và nay chỉ còn một túp lều con lụp xụp như thu hình ở phía trong cùng. Anh ta nghẹn ngào cất tiếng gọi: - Năm ơi Năm! Bộ mầy hổng có ở nhà sao Năm? Không có tiếng thằng Năm trả lời mà chỉ có tiếng con chó vện già xổ ra vừa sủa vừa tru ư ử đón mừng người thân cũ. Tư Cầu đặt cái cặp da và gói bánh mì xuống để vuốt ve con vật. Vừa lúc ấy, Ba Kiên ở trong nhà chạy ra, mình trần trùi trụi với một khẩu ru-lô nhét trước bụng sau cái lưng quần vận đen của anh ta: - Mầy hả Tư! Vậy mà tao tưởng ai chớ? Sao tao nghe đồn mầy bị Tây bắn chết rồi? Tư Cầu có vẻ không bằng lòng những lời “chào đón” ấy, anh ta không trả lời câu hỏi của Ba Kiên mà nhìn quanh một vòng rồi hỏi lại: - Sao... như vầy nè? Tía má và thằng Năm đâu mà nhà cửa vắng hoe vậy hả anh? Ba Kiên bước lại ngắm nghía Tư Cầu từ đầu đến chân rồi cười hỏi luôn: - Ủa, tao nghe nói Tây bắt mầy dẫn đi rõ ràng, sao bây giờ mầy trở dìa bảnh tỏn như vầy hả? Tư Cầu cằn nhằn: - Chuyện đó còn dài lòng lắm, để thủng thẳng tui sẽ kể lại cho anh nghe, còn tui hỏi về cái chuyện nhà cửa, tía má, thằng Năm... mà anh nói trớt đi hoài. Ba Kiên nhún vai: - Nhà cửa như vậy là tốt lắm rồi. Thời buổi giặc giã này mầy còn đòi voi đòi tiên gì nữa! Còn tía má và thằng Năm thì dông theo anh Hai làm Việt gian hết rồi! Tư Cầu chưng hửng trợn mắt: - Làm Việt gian? Bộ anh nói giỡn sao chớ? Ba Kiên có vẻ trầm ngâm một giây rồi đáp: - Thiệt... chớ giỡn khỉ gì mậy! Tư Cầu nói một cách quả quyết: - Thiệt cái gì đi nữa thì tui tin hổng vô! Tía má già cả như vậy còn ham muốn cái gì nữa để ra làm Việt gian chớ? Mà Việt gian là Việt gian... cách nào chớ? Ba Kiên gật đầu: - Mầy nghĩ như vậy cũng hơi phải - phải: tía má, thằng Năm không làm Việt gian, cái đó tao cũng hổng dám nói cái gì khác, nhưng ngặt một nỗi là anh Hai bây giờ ảnh đi lính cho Tây... Tư Cầu rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: - Anh làm ơn nói lợi tui nghe coi! Anh Hai làm đi lính cho Tây? Bộ ảnh điên sao hả! Chắc mấy cha nghe đồn vậy thôi, rồi đề án tử cho người ta... Anh Hai ảnh hiền khô mà! Ba Kiên có vẻ bực bội: - Mầy đi mới dìa hổng biết cái đám đế gì hết thì để người ta nói cho mà nghe... Nghe đồn khỉ gì: anh Hai ảnh ra làm lính đầu đỏ bạt-ti-dăng, ngày nào mà hổng có gác ở cái “cốt” kế bên cầu dưới chợ La-Ghì. Mầy hổng tin bữa nào mầy lội xuống đó coi, mà mầy làng chàng ra đó, thằng chả dám cắc bùm mầy đổ ruột lắm đa! Tư Cầu thở dài, nhưng còn ráng hỏi: - Anh nói làm sao á!... Mà cái gì giục ảnh để ra vác súng cho tây vậy cà? Mọi khi nói chuyện đi lính đi tráng ảnh ghét lắm mà? Đến lượt Ba Kiên thở dài: - Thiệt ảnh làm cho tao thiếu điều xấc bất xang bang... Nói nào ngay thì cũng tại ảnh... tức anh em ở trong này nên ảnh mới dông ra ngoài đồn Tây. - Sao mà tức? Ba Kiên nhún vai có vẻ hơi ngao ngán, rồi chậm rãi kể lại đầu đuôi câu chuyện: - Mầy hổng biết chớ hồi mầy biệt tăm biệt tích rồi, ở dưới này Tây vô ruồng bố liên miên... (rồi như nhớ trực lại là tự nãy giờ cả hai đứng khá lâu ở giữa sân, nên Ba Kiên vội kéo Tư Cầu lôi đi) Thôi vô trong nhà rồi hãy tiếp tục câu chuyện. Tư Cầu cúi xuống xách cái cặp da và gói bánh mì lên, rồi nhìn quanh và thắc mắc hỏi: - Sao bà con cô bác ở lối xóm lại vắng hoe hết vậy anh? Thế nào họ cũng nghe tin tui dìa đây, nhưng sao không thấy ai chạy qua hỏi thăm hỏi lom gì ráo! Ba Kiên cười đáp: - Thằng này khờ tổ mẹ! Mầy quên rằng bây giờ là thời kháng chiến, đồng bào phải phòng kẻ gian... Tư Cầu cự nự: - Bộ tui đây mà gian sao? Bị Tây bắt thấy mồ thấy tổ! Ba Kiên lắc đầu: - Trừ ra cái việc tây nó bắn mầy chết rồi chở xác dìa đây chôn thì không kể, chớ nếu mầy bị Tây bắt mà sau đó, mầy lại lò mò dìa đây thì... thiên hạ ngán không dám ráp lại gần mầy là phải lắm! Với lại bị tao bây giờ làm công an nên bà con chòm xóm họ cũng... ngán luôn! Tư Cầu ngó xuống khẩu ru-lô dắt trước bụng Ba Kiên: - Anh mà làm công an? - Tao làm tới cái gì nữa cũng được, nhưng tao... mến cái chỗ này hơn! (rồi nhận thấy cái gói Tư Cầu cầm trên tay, anh hỏi tiếp) Mầy mua bánh trái gì đó hả? Cha thằng này bây giờ coi bộ giàu quá mậy? Tư Cầu trề môi: - Giàu khỉ gì! Cái chuyện của tui cũng rắc rối lắm để huỡn đãi rồi tui kể lại cho anh nghe. Còn gói này... có mấy ổ bánh mì mua ở bến xe lục tỉnh trên Sài gòn đó mà! - Ủa, bộ mầy lên tới trển lận sao? - Ừa... mà thôi, anh vô nhà kể cho tui nghe chuyện của anh Hai coi ra thể nào! ... Vào trong nhà, Tư Cầu ngó quanh ngó quẩn rồi hỏi Ba Kiên: - Bàn ghế, tủ thờ, ván ngựa ở đâu mà sao trống trơn vầy nè? Ba Kiên cười xòa: - Thiệt thằng này đi xa dìa nên coi bộ bơ bơ! Tủ thờ và mấy bộ ngựa để ở đây cho tụi nó vô chở đem đi hết hả? Hồi còn ở nhà, tía đem chuồi mấy món đó xuống mương ở đằng sau hè rồi. Tư Cầu gật gù rồi hỏi luôn: - Sao anh, còn cái chuyện Việt gian, Việt ngay đầu đuôi thể nào? Ba Kiên ngồi phịch xuống sạp chõng: - Thì có gì đâu, hồi mầy đi rồiTây nó vô ruồng bố liên miên nên mấy “anh lớn” cho rằng vùng này có Việt gian nên tụi nó mới làm dữ như vậy... - Sao bộ đội đâu không đánh tụi nó cà? Ba Kiên cau mày: - Tao hỏi mầy đánh khỉ gì được một khi có Việt gian nó chỉ không còn sót một con đỏ? Tư Cầu cười lạt: - Thôi đi anh, mấy cha nội ở đây suốt ngày đêm cứ lo đập chó, vật gà ăn nhậu lu bù hoài chớ mấy chả mà đánh giặc cái mốc xì họ! Mà chỗ mình ở lại nhằm con đường đổ bộ thuận tiện của Tây để đi ruồng các miệt trong, nên mấy cha nội ở đây quýnh đít rồi đổ thừa bậy bạ là tại Việt gian này, Việt gian nọ chớ gì! Mấy cha khôn quá tổ mẹ người ta! Còn anh... Ba Kiên vội ngắt lời em: - Ê Tư, bây giờ khác chớ hổng phải như hồi xưa, mà mầy “phê bình” tưới hột sen đó nghen mậy! Tư Cầu nói lẫy: - Cha, gắt quá há! Ba Kiên cũng đâm ra lúng túng: - Thì mầy nghĩ cái gì cũng phải có... kỷ luật hết mới được! Nhưng thôi, dẹp chuyện đó qua đi để tao thuật cho mầy nghe về vụ... anh Hai ở nhà. - Ờ vụ đó sao anh? Ba Kiên cúi đầu xuống và chậm rãi kể: - Như tao đã nói hồi nãy: mấy “ảnh” nghi trong vùng mình có Việt gian, mà tao thì làm công an nên mấy ảnh cạo tao sát da... Mầy nghĩ coi như vậy cũng kẹt cho tao quá: bà con lối xóm gì tao cũng quen mặt khắp cả và tao nói đây là Bà Cậu làm chứng, tao không thấy ai có... bộ vó Việt gian hết? - Ừa, anh nói vậy tui nghe hạp ý lắm đa! (nhưng rồi anh ta nhìn sững Ba Kiên hỏi liền) Bộ anh thấy hổng có ai là Việt gian rồi nhè anh Hai mà chỉ cho mấy chả hả? Ba Kiên cự nự: - Đừng nói bậy mầy! Tao dầu tệ thế nào đi nữa cũng đâu đến cái mức đó! Mà mầy hổng biết thì ngậm mỏ lại để tao kể hết cho nghe chớ đừng làm bộ tài khôn hỏi xía vô hoài nghen! Tư Cầu vội xuống nước: - Thì thôi... anh nói tiếp đi. Ba Kiên lừ mắt nhìn em một hồi mới chịu kể tiếp: - Mày nghĩ coi, mỗi lần Tây đổ bộ nó bắn tứ tung ngũ hoành tao có điên khùng gì ẩn núp lại đó rình rập ai để ăn đạn hả? - Vậy sao mấy chả... thấy anh Hai mình làm Việt gian? - Ối thì ba thằng cô hồn du kích thấy rồi dìa báo cáo lại. - Tụi nó thấy gì hả? - Hôm đó bị có chiếc máy bay chuồn chuồn của Tây nó bay rà rà trên xóm hoài, rồi tụi nó thấy anh Hai ảnh leo lên nóc nhà ra dấu hiệu gì cho Tây đó hổng biết... Tư Cầu bực tức níu vai Ba Kiên: - Anh Hai ảnh biết đách gì mà lại nói như vậy chớ? Ba Kiên hất tay anh ta xuống: - Bộ tao hả? Cái thằng này kỳ cục quá! Tư Cầu nổi nóng hỏi tới: - Rồi anh Hai ảnh cũng chịu để cho mấy thằng chết dầm ấy bắt sao? Bộ ảnh không có miệng hả? - Ra trước Ủy ban, ảnh nói là hôm đó tại vì thiên hạ nhốn nháo, phần thì binh của Tây ở ngoài vàm nã cà-nông liên hồi vô xóm nên... con gà điều nòi của anh hoảng sợ bay tuốt lên nóc nhà, ảnh sợ con gà chạy mất hoặc bị Tây lên bắt vặn cổ, nên ảnh mới leo lên bắt nó, rồi mấy cha nội cho rằng ảnh ra dấu cho máy bay chuồn chuồn... Tư Cầu quắc mắc hỏi liền: - Vậy mà mấy anh lớn cũng tin nữa sao? Ba Kiên ấp úng đáp: - Thì mầy nghĩ coi... mấy chả đang kiếm Việt gian mà anh Hai ảnh làm như vậy mấy chả hổng nghi hổng tin sao được! Tư Cầu bắt chửi thề lên một tiếng, rồi hỏi: - Mấy ảnh làm việc như vậy thì nữa rồi con chó nó theo mấy ảnh chớ ai mà theo nữa! - Thì mầy giỏi mầy ra nói với mấy chả đi! Tư Cầu bị người anh dồn vô chỗ... bí, nên lúng túng hỏi lảng đi: - Nhưng anh Hai ảnh tiếc gì thứ con gà mắc toi đó để sanh chuyện rắc rối như vậy cà? Ba Kiên nhìn Tư Cầu trề môi: - Mầy hỏi câu nào câu nấy cũng lãng xẹt hết á! Đó là con gà nòi xung của ảnh chớ bộ gà thường sao? Mấy tháng trường nay, ảnh chắt chiu o bế cho con gà cưng của ảnh ngày đêm để ra giêng đem đi ra trường gà đá độ với người ta... nên ảnh mới dám liều mạng bò lên nóc nhà bắt nó trong lúc súng đạn nổ ầm ầm đó mầy! Tư Cầu thở dài: - Hèn chi... thiệt tình ngay mà lý gian! Ba Kiên chụp nói liền: - Thì đó, mầy cũng nghĩ như vậy! - Nhưng bộ anh không đi xin giùm hay là đứng ra bảo lãnh cho anh sao? Ba Kiên trợn mắt: - Ý trời, bộ mầy nói chuyện chơi sao chớ! Từ đầu mùa cho chí cuối, tao lãnh công tác ở đây mà chỉ có chuyên môn đi bắt rượu lậu, với cờ bạc thôi chớ chưa có rớ được món nào Việt gian Việt ngay hết... rồi bây giờ mầy biểu tao nhảy vào bảo lãnh cho một vụ Việt gian thì có nước tao đi “mò tôm” chung một xuồng luôn. - Nhưng anh quên rằng anh Hai là... anh ruột của mình, mà ảnh lại vô tội nữa sao? Ba Kiên không đáp thẳng mà tìm cách hỏi lại anh ta: - Sao mầy hổng giỏi ở đây mầy lãnh cho ảnh? (rồi anh ta nghiêm giọng nói tiếp) Mà tao cho mầy hay: chuyến này mầy dìa đây mà ăn nói làng chàng, mấy chả dám cho mầy... đi luôn lắm! Lúc này là lúc quyết liệt rồi chứ không phải lơ mơ như hồi đó được nghen mậy! Tư Cầu chán nản hỏi thêm: - Nhưng sau đó mấy anh lớn xử làm sao, và anh Hai ảnh ra đầu Tây hồi nào hả anh? Ba Kiên trầm ngâm một hồi như để nhớ lại chuyện cũ rồi đáp: - Thì... xử tử chớ còn... xử cách gì nữa mậy! - Trời! Nhưng sao ảnh không chết mà còn bò ra đi lính cho Tây? - Thằng này sao nóng quá! Mầy cứ ngậm câm miệng lại để tao nó cho hết đã! Mầy hổng biết chớ tao cũng bị kẹt ghê lắm: mấy chả xử anh Hai cho đã đời rồi lại nhè tao giao cho “sứ mạng” thi hành bản án... - Rồi anh cũng nhắm mắt mà giết anh Hai hả? Ba Kiên cười mũi: - Bây giờ mầy nói cho sướng cái miệng mầy thôi, chớ không biết suy xét đách gì hết. Tao ở nhà thì là anh em của anh Hai, nhưng một khi ra trước “nhân dân” tao cũng là người của “chính phủ”. (đến đây, anh ta lại hạ thấp giọng) Mà ví dầu tao có... nghĩ cái gì khác, mụ nội tao cũng hổng dám cản mấy cha nữa! - Hứ! Tui biết anh nhát hít mà! - Mầy giỏi nữa! Tao biết mầy gan mà! Nhưng tao là người của “chính phủ” và hễ “quân pháp bất vị thân” tao cứ y lệnh mà mần. Nói nào ngay cũng... nhờ tao mà anh Hai ảnh thoát chết! Tư Cầu hân hoan hỏi Ba Kiên liền: - Bộ anh nghĩ lại rồi thả ảnh dông luôn hả? Ba Kiên lúng túng đáp: - Thằng này nó nói nghe... dễ ợt! Tao thả ảnh để nhào vô thế mạng hả? Nhờ tao mà ảnh thoát chết là như vầy nè: mấy chả kêu tao chở anh Hai ra giữa sông cái rồi buộc đá vô cho đi “mò tôm”, tao nghĩ lại... như vậy cũng ngặt cho tao quá! Phần thì tía má ở nhà cứ nhè tao mà chửi nát không chừa một sợi tóc, nên tao mới đề nghị với mấy chả nên đem xử anh Hai một cách... đàng hoàng hơn để làm gương cho thiên hạ... - Tưởng gì khác chớ anh cũng chỉ giỏi trong việc nói với người ta giết anh Hai thôi! Ba Kiên không buồn đáp câu trách móc của Tư Cầu và kể tiếp: - Nhờ tao đề nghị như vậy mà mấy chả mới đem anh Hai ra xử bắn đàng hoàng, và cũng thời may, vừa lúc bịt con mắt ảnh xong thì có máy bayTây đến bắn loạn xà ngầu, cả thiên hạ và mấy cha nội trong ủy ban, mấy cha du kích mạnh ai nấy lủi... Trong lúc ấy, Tây nó cũng đổ bộ lên ngoài vàm ì ì... Mấy chả bèn lôi anh Hai đi theo, rồi sau đó không biết ảnh làm sao mà xút ra được để vọt theo ba thằng Tây luôn! - Còn tía má và thằng Năm? - Lối một tháng sau, anh Hai ảnh chơi nghiệt quá, ảnh dắt Tây dìa bố nát nước trong này, rồi ảnh lôi tía má và thằng Năm theo ra chợ, ảnh vô tao cũng lủi trốn thấy mồ thấy tổ! Thằng chả đi lùng kiếm mấy cha nội trong này còn hơn Tây nữa! Thiệt hễ ra làm Việt gian rồi thì bất kể quân thần. Tư Cầu hỏi lại Ba Kiên: - Chớ còn anh thì sao? Ba Kiên lúng túng đáp: - Tao thì khác..., tao “kháng chiến” mà mậy! Tư Cầu cười mũi: - Hứ, khác cái mốc xì họ! Anh theo mấy chả riết rồi... bất kể cái gì hết! Mấy cha làm bậy rồi cứ nhè người khác mà đổ thừa càn mạng, rồi lại xưng là này, là nọ nữa! Hổng phải tui ưa gì Tây, tui oán tụi nó thâm xương, nhưng có nhiều cái tui chịu mấy cha cũng hổng vô! Ba Kiên nhìn em rồi cười lạt: - Thằng này... tao coi bộ mầy đi Sàigòn ăn ba cái bánh mì tây nó liệng cho thét rồi mầy đâm ra nghĩ bậy nghĩ bạ quá lẽ! Tao cảnh cáo mầy một lần chót, mầy mà ăn nói cái điệu dộng đầu dộng cẳng đó nữa thì có ngày mầy chết không kịp ngáp đa em! Thiệt mà, mấy anh lớn thường nói cái thứ lừng khừng rồi ra thành, “bơ sữa” một vài lần là dễ biến thành phản động lắm! Tư Cầu cũng không nhịn thua: - Thôi đi anh, anh đừng có xài ba cái danh từ học mót đó với tui! Ba Kiên giận đỏ mặt tía tai, vừa lấy tay mân mê cái báng súng ru-lô, vừa gườm gườm nhìn Tư Cầu: - Mầy chớ phải thằng nào khác mà ăn nói móc họng móc hầu cái điệu đó, trời cản tao cũng “nổ” nữa đa mầy! - Thì có ngày anh cũng kể tui như thằng khác! Đó, cái chuyện của anh Hai còn sờ sờ trước mắt chớ bộ xa lắc xa lơ gì sao! Ba Kiên không muốn trở lại vấn đề ấy nữa nên lên tiếng hối Tư Cầu: - Thôi dẹp chuyện đó qua một bên đi! Bây giờ mầy lo tắm rửa cho khỏe để rồi còn ăn ba hột cơm chiều chớ... À, mà sẵn có mấy ổ bánh mì đây. (Ba Kiên thò tay nắn nót mấy ổ bánh) Cha tao coi bộ ngon đa mầy! Tư Cầu sẵn dịp đó cũng muốn làm lành với anh: - Bánh mì này làm bằng bột mì ròng mà anh, bây giờ nó mềm đi chớ hồi sáng còn mới dòn ghê lắm! (Tư Cầu ngập ngừng đôi giây rồi nói thêm)... Của con Phấn nó mua cho tui đó mà! Ba Kiên chưng hửng hỏi lại: - Con Phấn nào? Phải con Phấn con của bác Bảy hông? À, tao nhớ rồi... cái con nhỏ mà hồi nẳm mầy lằng nhằng với nó rồi sau đó nó có chồng các-chú đó phải không? Tư Cầu xẻn lẻn gật đầu: - Ừa... Ba Kiên cười rộ lên rồi nói lớn: - Cha thằng này coi lơ mơ vậy mà tốt phước ớn! Mà làm sao mầy bị Tây bắt rồi lại gặp được nó hả? - Thì... cũng do sự tình cờ. Ba Kiên mỉm cười có vẻ hoài nghi: - Thôi đi mầy! Chắc mầy mãn tù rồi lọ mọ đi kiếm nó chớ gì! Tư Cầu bực mình cự nự: - Anh nói như thầy bói! Bộ anh tưởng tụi nó thả êm tôi sao? Rồi không đợi cho Ba Kiên hỏi tới, Tư Cầu bèn thuật lại việc vượt căng của mình. Kể xong, anh rụt rè hỏi Ba Kiên: - Vậy chớ gia đình con Phấn bây giờ ra sao anh? Ba Kiên nhún vai: - Thì hồi bác Bảy gái chết rồi, gia đình bên ấy bắt đầu suy sụp may mà nhờ có con Phấn ở Sàigòn, Chợ-lớn gì đó gởi tiền bạc dìa hoài hoài... Cái chuyện này chắc mầy rành hơn tao rồi! - Anh kể tiếp đi! Khúc sau tôi cũng mù tịt chớ có ở dưới này đâu mà rành! - Mấy lúc lộn xộn sau này, ở bển còn nguy gắt nữa: lúa ruộng thì không góp được hột nào, con Phấn thì đường sá cách trở... - Còn thằng Tư em của con Phấn? - Hồi mầy đi rồi thằng Tư gia nhập bộ đội, rồi sau đó đi “lưu động” đâu về miệt dưới... Nhưng mới hôm qua hôm kia gì đây tao có nghe tin là nó tử trận rồi. Tư Cầu nhăn nhó chắc lưỡi: - Tội nghiệp quá há! Thằng đó nó hiền khô mà trời lại không cho sống đời, còn cái thứ ôn hoàng dịch lệ thì cứ trơ trơ đó hoài! Sợ Tư Cầu kiếm chuyện nói xiên nói xéo nữa, Ba Kiên bèn tìm cách nói lảng đi: - Thôi đi tắm đi mầy! Phần tao tao chạy lại đằng này kiếm coi có gà qué gì chăng để dìa còn tính với ba ổ bánh mì này chớ! (anh ta ngừng lại nuốt nước miếng rồi gật gù nói tiếp) Thứ này mà có gì khìa lên thì ăn ngon hết nổi! Tư Cầu nhìn anh, cười mủm mỉm rồi nói: - Anh ăn bánh mì rồi không sợ lây... thực dân đế quốc hay sao? Ba Kiên trề môi, nhún vai rồi cũng cười đáp: - Ối, lâu lâu xực chút đỉnh mà có sao mậy! (rồi như nhớ lại điều gì, anh ta hấp tấp nói thêm) Mà kể ra mầy cũng hên lắm nên mới đem trót lọt mấy thứ đồ ở thành đô dìa đây, chớ nếu rủi gặp mấy cha nội công an chận xét dọc đường thì thế nào mấy chả cũng tịch thâu liền và hổng chừng còn bắt luôn chú mầy nữa! Tư Cầu làm bộ mặt ngáo rồi hỏi: - Coi mấy chả tịch thâu để chi vậy? Mấy chả lấy vụt xuống sông hổng được sao? - Thôi đi mầy! Mầy đừng kiếm chuyện hỏi mắc hỏi mỏ tao! Rồi Ba Kiên hấp tấp đứng vậy bước ra cửa: - Ở nhà nếu mầy có rảnh thì nhúm lửa bắc nước sẵn đó giùm tao, tao chạy đi... vận lương nghen mậy! Căn dặn xong, anh ta dong thẳng một mạch. Tư Cầu đứng tần ngần nhìn theo rồi lắc đầu thở dài...