Phần III

    
ô Năm thở dài:
- Thiệt cô đã nói với cháu hết lời mà cháu hổng chịu nghe! Nhưng nếu cháu muốn về xứ thì cô cũng hổng dám cản gì. Có điều theo cô nghĩ: sao cháu hổng đợi làm ăn kha khá rồi hãy tính cái việc đó, như vậy nó... êm đẹp hơn! Và cũng vì chỗ ấy mà cô nghĩ đến chuyện gầy dựng cho cháu đó cháu à!
- Cô Năm nói như vậy càng làm cho cháu khó nghĩ. Nhưng cháu bỏ nhà ra đi thiệt có lỗi với tía má cháu ở nhà, bởi vậy cháu rất nóng lòng...
Cô Năm chận ngang:
- Thì cháu dìa thăm hai anh chị ở dưới năm mười bữa rồi trở lên vậy!
Tư Cầu nói gượng:
- Dạ, như vậy cũng kẹt lắm cô Năm à, phần đường xa cách trở, phần thì... lần này cháu có dìa nhà thì thế nào ông già cháu ổng cũng giữ riết ở dưới chớ đâu để xổng ra nữa...
Cô Năm nhíu mày nhìn Tư Cầu:
- Đâu có dữ vậy cháu! Thiệt cô hổng biết cháu nghĩ sao mà cứ nằng nặc đòi dìa như vậy. Cháu tính kỹ lại đi cháu, cái gì cũng vậy nếu mình hốp tốp thì sau hối lại không kịp đa!
Tư Cầu quả quyết đáp:
- Dạ cháu cũng đã suy nghĩ tới lui nát nước hết rồi... Và cháu định xin cô cho cháu lãnh lợi số tiền mà cháu nhờ cô cất giùm tự bấy lâu nay. Cháu muốn đi cho kịp cái Tết sắp tới đây để đem chút ít tiền đó dìa cho tía má cháu mừng... Hổng nói giấu gì cô, ở dưới nhà cũng túng thiếu lắm.
- Như vậy cháu càng nên ở nán lợi đây ráng mần thêm cho được mớ nhấm nữa mới phải!... Hay là cháu ra nhà dây thép mua măng-đa gởi tiền dìa lần lần đi!
- Dạ chỗ cháu ở nhằm nơi trong gọn cùng, trẹo đường đi hết nên thơ từ hổng dễ gì vô tới được cô Năm à... Dầu sao cháu cũng phải dìa dưới cho kịp cái Tết này, chớ nếu không, cháu ở trên này cứ khoắc khoải hoài thì rồi cũng hổng mần ăn cái gì cho nên thân nên hình được. Cháu biết cháu tính như vậy là phụ tấm lòng tốt của cô Năm lắm. Cô Năm có giận thì cháu cũng xin chịu chớ hổng biết nói sao...
Cô Năm thở dài đưa tay kéo lấy ô trầu lại gần để thêm một miếng khác và nói:
- Thôi được, cô đã nói hết lời mà cháu hổng chịu nghe thì biết làm sao! Vậy chừng nào cháu định chắc ngày dìa, cháu cho cô biết để cô tính tiền trả lợi cho.
Tư Cầu mau miệng đáp:
- Dạ, cháu tính mần hết nửa tháng này...
- Cha, cái gì mà nôn quá vậy? Mà thôi để gần tới đó cháu nhắc chừng cho cô nghen cháu!
Tư Cầu mừng rỡ nói:
- Xin cám ơn cô Năm! Cô Năm đi nghỉ kẻo khuya rồi.
- Ờ, cháu cũng đi ngủ đi. Cô còn ăn miếng trầu này đã! (rồi cô buồn bã than tiếp) Thiệt cô có tuổi rồi, đêm nào cũng vậy, cứ thức trỏm lơ đến hai ba giờ sáng chớ có ngủ nghê gì mấy đâu?
Tư Cầu ái ngại nhìn cô Năm một hồi rồi lặng lẽ đi ra hàng ba ngoài lật ghế bố ra ngủ.
Nói là “đi ngủ” chớ thật tình Tư Cầu nằm thao thức gần hết đêm để... suy tính quanh quẩn nội cái chuyện trở về xứ.
° ° ° ° °
... Tư Cầu vừa đi tới ngạch cửa của nhà con Ba là lên tiếng kêu vọng vô:
- Ba ơi, em có ở nhà hông em?
Con Ba đang nằm dài trên sạp ván xem tiểu thuyết nghe tiếng Tư Cầu gọi, liền liệng cuốn sách xuống và ngoái vội đầu ra phía ngoài:
- Vô đây cưng! Sao tự hổm nay mất biệt hổng thấy mặt mày đâu hết vậy?
Tư Cầu tươi cười bước vô:
- Thì người ta đây nè!
Con Ba ngồi nhổm dậy vừa đưa hai tay lên bới lại tóc vừa hỏi:
- Sao, bộ hôm nay đến để từ biệt hả? Nghe anh nói anh sắp dìa xứ mà!
Tư Cầu không trả lời vội mà đứng lặng nhìn hai cánh tay trắng xanh, dịu nhiễu, nhìn cái ức quá quen thuộc kia...
Con Ba lại hỏi thêm:
- Bộ câm hả? Ai hớp hồn anh mà anh đứng như trời trồng đó? Em hỏi mà anh hổng nghe sao?
Tư Cầu bỗng nhiên như nghĩ ra một điều gì quan trọng lắm, vội nắm chặt lấy tay con Ba lấp bấp nói:
- Hay là... hay là em theo anh dìa ở dưới luôn! Phải đa em, em nên nghĩ đến mai sau này... đời em đâu có thể... lăng nhăng như vầy hoài được! Tụi mình kéo nhau dìa dưới đi, rồi tính chuyện mần ăn thế nào cũng khá em à!
Con Ba cảm động rưng rưng nước mắt và nghẹn lời. Tư Cầu thấy vậy tưởng nó thuận chịu nên hăng hái chêm vô thêm:
- Tụi mình đi một lượt nghen em! Em khôn ngoan lanh lợi, anh thì chịu khó, chịu cực được, như vậy tụi mình phát lên mấy hồi.
Con Ba khẽ lắc đầu, rồi mỉm cười thương hại đáp:
- Hổng được đâu anh à!
Tư Cầu trợn mắt hỏi lại:
- Coi, sao lại hổng được? Bộ có cái gì cản trở hả?
Con Ba đưa tay vỗ nhẹ nhẹ vào vai anh ta:
- Hổng phải đâu!... Nhưng tụi mình hổng có hợp nhau anh à, mặc dầu em rất thương yêu anh, quý mến anh.
Tư Cầu chắc lưỡi than:
- Thiệt em nói cái gì mà trặc trẹo quá! Thương nhau mà hổng chịu sống với nhau? Cha, cái này mới thiệt là... kỳ đời đa!
Con Ba chậm rãi nói:
- Có cái gì rắc rối đâu mà anh kêu là kỳ chớ! Đó anh coi: em quen sống như... con ngựa sút xiềng ở giữa chốn thị thành, rồi dìa dưới làm sao xoay trở được? Đây nè: đi cấy, đi gặt gì em cũng... bù trất, xuống ruộng thì sợ đỉa, còn nấu cơm, nấu nước gì cũng không ngơ, ăn nói thì lụp chụp, tánh tình lông bông... như vậy làm sao em có thể làm dâu, làm con hai bác ở dưới được! Em nói thiệt tình như vậy chớ hổng phải em dám chê bai gì đâu... chắc anh dư rõ bụng em!
Tư Cầu thất vọng lặng thinh. Thấy vậy, con Ba xề lại ôm ghịt lấy cổ anh ta và nói giỡn:
- Mà thân phận anh mê mê ra đó, anh lo chưa xong lại còn tính đèo bồng thêm em dìa dưới nữa cho chết dính chùm với nhau hả? Anh dìa chuyến này hổng đủ cho ông già ổng mần thịt anh, vậy mà anh còn tính dẫn xác em theo nữa để cho ổng... cạo đầu luôn một lượt phải hông!
Nghe con Ba nói có lý, Tư Cầu cụt hứng, không biết nói năng ra sao chỉ ngồi thừ mặt ra đó thở dài...
° ° ° ° °
Tư Cầu cùng với con Ba, Sáu Cẩu và thằng Năm kéo nhau ra bến tàu. Hôm nay là ngày Tư Cầu rời Nam Vang về xứ, nhưng nét mặt anh ta có vẻ đăm chiêu chớ không hớn hở vì sắp tái hợp với gia đình sau một thời gian xa cách khá lâu và sau một khoảng đường đời biến đổi khá nhiều...
Bốn đứa nó cứ lặng thinh bước đi đều đều. Một hồi lâu sau, để phá tan cái không khí nặng nề ấy, con Ba lên tiếng hỏi Tư Cầu:
- Bộ cô Năm cổ hổng ra đưa anh xuống tàu sao anh Tư?
Tư Cầu như sực tỉnh vội đáp:
- Cô Năm hả? Cổ mắc lo trông coi mua bán đâu có rảnh mà đi! Anh đi rồi thế nào cô cũng mệt lắm đa! Tội nghiệp, hồi nãy thấy cổ sụt sịt khóc căn dặn anh dìa rồi nhớ lên mau, làm anh cũng cầm lòng không đậu...
Con Ba nói theo:
- Cha, tội nghiệp cô quá há!
Nghe con Ba than phiền cho cô Năm, Tư Cầu buồn bã nói:
- Thiệt anh chỉ gây phiền lụy cho những người thương mến anh..
Con Ba tiếp liền theo:
- Thì cũng như... người mà anh thương mến đã để phiền lụy cho anh vậy!
Tư Cầu cười đáp:
-... Cũng đâu đó!
Thấy Tư Cầu hơi vui trở lại, con Ba nheo mắt ngắm nghía anh ta từ đầu đến chân, rồi day qua nói với Sáu Cẩu và thằng Năm:
- Cha, bữa nay tao coi bộ anh Tư “xi-kên” lại bảnh tỏn quá tụi bây!
Cả Sáu Cẩu cùng thằng Năm quay đầu lại nhìn: hôm nay Tư Cầu mặc quần tây xanh dài, áo-sơ mi trắng dài tay, trên đầu đội một chiếc nón tây lợp vải ka-ki, tay xách chiếc va-li nhỏ và chân thì đi dép da. Tư Cầu nghe con Ba trầm trồ và bị hai đứa kia nhìn soi mói nên đâm ra mắc cở. Anh ta quơ quơ chiếc va-li như để khỏa lấp vẻ ngượng nghịu rồi cười nói:
- Sao mấy người coi tui có... được hông?
Sáu Cẩu lanh miệng đáp:
- Ý, bảnh giàn trời chớ “được” khỉ gì! Cha, chuyến này anh dìa dưới thiếu gì cô đâm đầu vô chết mệt nghen!
Tư Cầu nghe nói vậy lắc đầu lia lịa:
- Thôi, cái gì thì được chớ chuyện đó thì tui tởn luôn rồi!
Con Ba cười rộ lên rồi hỏi lại:
- Có chắc hông?
- Hổng chắc gì nhưng bây giờ thì tui... cứng bóng vía lắm rồi. Có vậy thôi!
Thằng Năm cũng nói chen vô:
- Ờ, tui coi bây giờ anh Tư ảnh khác xa với hồi tui gặp ảnh ở bến sông. Cái hồi tui đến xin me với mắm ruốc của anh đó, anh Tư!
Tư Cầu trìu mến nhìn thằng Năm:
- Mầy nhớ dai quá há! Thiệt mới đây mà mau quá... Tao nhớ hồi nào tao lơn tơn ôm gói quần áo lên trên này. (anh ta nhìn xuống chiếc va-li rồi nói thêm) Ừ gói quần áo bọc trong tờ giấy dầu cũ mèm, chưn thì mang đôi guốc vông lẹp kẹp, mình mặc bộ bi-ra-ma sọc bèo nhèo, tóc tai chôm bôm, cổ thì quấn chiếc khăn tắm lên nước hôi rình...
Con Ba lại lên tiếng:
- Đó anh thấy hông, hồi nãy em nói với tụi nó là anh mới “xi-kên” lại mà! Như vậy chuyến này anh có dìa dưới thì thiên hạ cũng có phần... ngán đa!
Tư Cầu mỉm cười đáp:
- Ngán khỉ gì! Lo ông già ổng quánh tuột xác đây nè! Nhưng cũng được cái là chuyến này anh dìa cũng hổng đến nỗi như... con chó đói cụp đuôi xụ tai! Em hổng biết chớ hồi anh ra đi chỉ có một bộ đồ bà ba đen phèn và hổng có một xu teng dính túi! Bây giờ thì... cũng đỡ rồi.
- Em đã nói, bảnh tỏn và ngon lành chớ “đỡ” khỉ gì! Để anh coi, anh dìa chuyến này êm ru hổng ai động tới cái lông chưn anh nữa!
- Em nói sao quá lố!
Tuy nói thế nhưng Tư Cầu vẫn thấy khoan khoái trong lòng...
... Xuống tới dưới tàu, Tư Cầu lo đi mướn sẵn một chiếc ghế bố để nghỉ lưng cho khỏe trong suốt chuyến đi.
Xong xuôi đâu đó, anh ta cùng với con Ba, Sáu Cẩu và thằng Năm kéo nhau đứng dựa vào lan can sắt tàu nói chuyện để chờ giờ tàu mở đỏi...
Con Ba tháo chiếc vòng bạc chạm đeo nơi tay trao cho Tư Cầu:
- Nè anh Tư, anh cầm lấy chút vật mọn này để... làm kỷ niệm.
Tư Cầu giữ lấy bàn tay của nó, xô nhẹ trở lại:
- Coi, em đừng mần như vậy... kỳ lắm. Anh mang ơn em nhiều lắm rồi, em đưa cho anh rồi lấy gì mà đeo?
- Ối, thì kiếm cái khác thiếu gì! Anh cầm đi, hông thôi em giận đa!... Mà nếu anh hổng chịu lấy, chút nữa tàu chạy, em cũng quăng đại xuống dưới này.
Tư Cầu nhăn nhó:
- Mà anh lấy cái vòng này tế mồ anh hay để mần chi? Nhè đàn ông con trai mà em đưa cái thứ đó rồi biểu lấy, thì lấy sao được?
Con Ba mỉm cười đáp:
- Anh sao thiệt thà quá cỡ! Em muốn trao cho anh chiếc vòng đó là để mai mốt gì đây anh có cưới vợ, anh sẽ tặng lại cho vợ anh... và như vậy mỗi lần anh thấy chiếc vòng bạc này trên cườm tay của chỉ, thế nào anh chẳng nhớ... chút đỉnh tới em!
Tư Cầu không ngờ con Ba nghĩ tới việc xa xôi như vậy. Anh ta cảm động nắm chặt lấy chiếc vòng trong bàn tay, nghẹn ngào nhìn sững con Ba...
Một hồi lâu sau, Tư Cầu mới thốt ra được hai tiếng “cám ơn” cụt ngủn, rồi vội vã rút chiếc bóp da trong túi quần sau ra, thận trọng đặt chiếc vòng bạc của con Ba tặng vào một ngăn còn trống. Con Ba mỉm cười đứng yên nhìn những cử chỉ của Tư Cầu và có vẻ hài lòng. Nó đưa tay vuốt nhẹ má của Tư Cầu, một người đàn ông mà nó yêu thương một cách đặc biệt hơn ai hết mặc dầu nó vẫn dư biết không thể nào sống chung với nhau được như một cặp vợ chồng...
Sáu Cẩu tự nãy giờ đứng lặng thinh chứng kiến cảnh tượng cảm động đó, bỗng tằng hắng lấy giọng rồi lên tiếng:
- Phần của Ba rồi, bây giờ tới phiên tui chớ!
Tư Cầu lẫn con Ba đều quay đầu nhìn lại. Sáu Cẩu móc trong túi quần ra một gói nhỏ có buộc dây đàng hoàng và trao cho Tư Cầu:
- Đây, phần của tui đây, anh cầm lấy... thảo anh Tư!
Tư Cầu làm bộ cự nự:
- Gì nữa đó cha nội? Cha, bữa nay anh này cũng bày đặt quá ta!
Sáu Cẩu hơi phật ý:
- Coi, anh nói vậy mích lòng lắm đa nghen! Tui với anh, tụi mình coi vậy chớ cũng có nhiều tình nghĩa với nhau mà... Anh hổng nhớ có lần tụi mình tính giết nhau đó sao?
Tư Cầu vội siết chặt lấy tay Sáu Cẩu và cười đáp:
- Sao hổng nhớ! Vậy chớ anh tính cho tôi gói gì đó?
Sáu Cẩu có vẻ vừa ý nên hấp tấp nói:
- Thì có gì đâu... anh dìa xứ, Ba nó tặng anh chiếc vòng bạc đeo tay để anh dành cho chỉ sau này, còn phần tui, tui xin gởi anh đem một chiếc xà-rông tơ này (vừa nói Sáu Cẩu vừa nhét gói đồ vào tay Tư Cầu) để đem dìa cho bác trai ở dưới nhà... Xà-rông tơ Nam Vang xài bền lắm đó anh, chắc ở dưới cũng hiếm lắm!
Tư Cầu tay cầm lấy gói đồ, tay đặt lên vai Tư Cầu, tha thiết nhìn người... bạn Nam Vang và nói:
- Tui không dè anh có lòng nghĩ đến tía tui như vậy. Thiệt tình, nếu anh có cho tui bạc muôn tui cũng hổng quý bằng chiếc xà-rông tơ này. Cha, chắc ông già tui ổng khoái chí tử đa!
Con Ba cũng cười và chen vô nói:
- Thôi như vậy là đủ hết rồi đó hén! Với chiếc vòng của tui gởi anh và chiếc xà-rông của thằng Sáu tặng, bên tình bên hiếu bên nào cũng có hết phải hông anh Tư?
Tư Cầu lườm nó:
- Em sao nói bậy hoài! “Hiếu” thì được chớ “tình” có cái con khỉ gì đâu mà em nói hổng biết!
- Ối, cái chuyện đó... mấy hồi anh?
Nhưng vừa lúc ấy, thằng Năm ở phía ngoài chen vô đứng gần một bên Tư Cầu và nói to lên:
- Thôi chớ, mấy người ai cũng có phần nấy xong xuôi hết rồi, bây giờ đến phiên tui!
Tư Cầu níu lấy tay nó kéo lại gần thêm một chút nữa và vui vẻ nói:
- Phải rồi, bây giờ tới phiên thằng em nuôi của tui! Sao, trước khi tụi minh chia tay, mầy có cái gì cho tao phải hông Năm?
Thằng Năm xăng xái đáp:
- Thì lẽ dĩ nhiên rồi! Bộ anh khi thằng này... không ngơ đối với anh hả? Ê, coi vậy của tui cũng bảnh hổng chịu thua mấy người kia đâu nghen!
Con Ba thấy nó dài dòng như vậy nên nạt ngang:
- Thôi đi mầy! Mầy có cho ảnh cái gì thì đưa phứt mẹ nó đi, chớ cứ đứng đó nói năm trên năm dưới hoài, tàu chạy mất đất bây giờ!
Thằng Năm bị chị nó xía vô phá đám như vậy đâm ra bực mình:
- Cha, chị nói chuyện với ảnh ỉ ôi cả giờ đồng hồ thì được hén, còn tui mới thọc mỏ vô là chị dẹp qua một bên liền! Chị khôn quá há? Thử hỏi chị: nếu hông có tui quen với anh Tư đây trước thì chị khỏi có biết đi!
Con Ba bật cười:
- Thì thôi, anh Tư của mầy đó, mầy làm gì đó thì làm đi!
Tư Cầu cũng hỏi lại nó:
- Sao Năm, mầy tính cho tao cái gì đây hả?
Thằng Năm móc trong túi ra một cái ống điếu cối trịnh trọng cầm nơi tay và nói:
- Tự nãy giờ, chị Ba thì cho vợ... hổng biết chừng nào cưới của anh một chiếc vòng đeo tay, còn anh Sáu thì cho bác dưới nhà chiếc xà-rông tơ... quanh đi quẩn lại anh chưa được hưởng món gì ráo vậy thì thằng em anh xin tặng anh cái ống vố này...
Tư Cầu cầm lấy cái ống điếu mân mê trong tay rồi vỗ vai thằng Năn:
- Cha, cái ống điếu lên nước mun ngời tốt quá! Tao ưng ý lắm đa Năm. Rồi đây, khi dìa dưới mỗi khi tao ngậm cái ống vố này... tao chắc nhớ mầy ghê lắm đó Năm à!
Thằng Năm nghe nói vậy cũng mát ruột. Nó lấy ngón tay chỉ vào khoảng giữa cán ống điếu và bảo Tư Cầu:
- Anh coi kỹ nè anh Tư: ống điếu này thứ thiệt ở bên tây chớ hổng phải thứ rẻ tiền, tiện ở bên này đâu... có cái hiệu sáng chói đó anh!
Tư Cầu nhìn kỹ một hồi rồi trợn mắt hỏi nó:
- Cái này mầy “thổi” của ai chớ làm gì mầy có tiền mua nổi?
Thằng Năm lúng túng đáp:
- Thì phải rồi... tui xí được của một ông Tây ngồi đánh giày đó mà...
Con Ba cũng nói chen vô:
- Ối thôi anh Tư ơi, anh hơi sức đâu mà thắc mắc mấy chuyện đó hổng biết! Anh cứ cầm lấy đi cho thằng Năm nó... vừa bụng!
Tư Cầu nhìn thằng Năm lắc đầu rồi cười nói:
- Cha rồi đây có bận tao đang ngậm cái ống vố này có ông Tây nào đến nhìn ra của ổng, ổng đập tao bể họng thì nguy quá!
Thằng Năm thiệt thà đáp liền:
- Ối, anh đừng lo chuyện đó: anh dìa ở tít mù đâu đâu, còn thằng Tây này tui biết nó ở biệt trên Xiêm-rệp lận mà!
Một hồi lâu sau, thằng Năm níu tay Tư Cầu và ngước mắt lên hỏi nó:
- Anh Tư à, anh dìa dưới rồi bao giờ nữa anh mới trở lên anh Tư?
Câu hỏi bất ngờ của thằng Năm làm cho Tư Cầu vừa cảm động vừa lúng túng. Anh ta vịn lấy vai của thằng Năm rồi lập cập đáp:
- Tao dìa chuyến này... chắc cũng hơi lâu đa Năm! Nhưng thế nào tao cũng trở lên...
Nói đến đây, Tư Cầu chợt bắt gặp cái nhìn đau xót của con Ba và vẻ mặt ủ rủ của Sáu Cẩu nên nín bặt.
... Mấy hồi còi tàu vang lên làm cho Tư Cầu thêm xót trong lòng. Con Ba, Sáu Cẩu và thằng Năm đứng lặng thinh nhìn anh ta như để cố thâu vào tâm khảm một hình bóng sắp ra đi, rồi chẳng mấy chốc sẽ phai mờ trong cách biệt và trong những biến đổi của cuộc đời.
Tư Cầu nghẹn ngào nói:
- Thôi em Ba, anh Sáu và thằng Năm đi lên trên bến đi, tàu sắp chạy rồi đa!
Nhìn thấy kẻ lên người xuống nườm nượp chỗ cửa tàu, Sáu Cẩu cũng day qua nói với con Ba:
- Mình lên đi Ba, chớ để chút nữa mất công chen lấn lắm.
Con Ba thở dài:
- Ừ lên thì lên... (rồi nó nói với Tư Cầu) Thôi, để tụi tui lên trên cầu tàu đứng nghen anh Tư?
Tư Cầu khẽ gật đầu.
... Tiếng xúp-lê tàu lại vang lên nôn nả. Những tiếng xúp-lê tàu quen thuộc cũ, mà khi ra đi cũng như lúc trở về, Tư Cầu vẫn cảm thấy sao nặng trĩu u hoài...
Mấy người phu tàu bắt đầu mở đỏi. Máy tàu đã chuyển động xình xịch làm át cả những tiếng nói chuyện ồn ào của hành khách.
Tư Cầu ển người ra khỏi lan can sắt, đưa tay ngoắc ngắc bọn con Ba:
- Thôi, tui dìa nghen em Ba, anh Sáu! Tao dìa nghe Năm!
Ba đứa nó đứng trên cầu tàu cũng bước xích lại gần mé cầu thêm chút nữa và cùng đáp lại:
- Anh Tư dìa mạnh giỏi!
Và thằng Năm còn chêm thêm một câu:
- Nhớ lên mau nghen anh Tư! Tụi này mong anh dữ lắm đa!
Tàu đã bắt đầu tách bến...
Tư Cầu lần lượt vói nắm lấy tay của thằng Năm, của Sáu Cẩu và của con Ba...
Anh ta giữ rất lâu bàn tay nhỏ nhắn và âm ấm của con Ba. Hai đứa nó yên lặng nhìn nhau: con Ba hơi mỉm cười còn Tư Cầu thì như sắp khóc đến nơi được.
Thấy tàu đã tách khỏi bến non một thước, con Ba chớp mắt liền mấy cái như để dồn nén những xúc động rồi gượng cười bảo Tư Cầu:
- Thôi... anh đi mạnh giỏi nghen anh Tư! Khi nào tiện anh nhớ viết thơ lên em nghen! Anh gởi thơ chỗ cô Năm rồi em đến hỏi thăm chừng chừng cũng được...
- Ừ anh nhớ mà!
Con tàu chậm rãi rời khỏi bến và bàn tay của con Ba cũng theo đó mà từ từ tuột nhẹ ra khỏi bàn tay của Tư Cầu.
Chợt nhìn thấy Sáu Cẩu ái ngại đứng nhìn mình với con Ba, Tư Cầu vội đưa tay quẹt mũi rồi ráng nói giỡn với Sáu Cẩu một câu:
- Ê anh Sáu! Bây giờ tui giao em Ba đây cho anh đó.
Sáu Cẩu đang buồn xo cũng bắt tức cười:
- Được rồi! Mà sao... giao trễ quá vậy cha!
Con Ba nghe nói vậy cũng cười xòa.
... Chiếc tàu đã chạy ra giữa sông và mỗi lúc mỗi cách xa thêm bến sông Nam Vang. Tư Cầu vẫn tựa người vào thành lan can nhìn trân trối lên phía cầu tàu.
Bọn con Ba, Sáu Cẩu và thằng Nam vẫn đứng yên trên ấy...
Tư Cầu vẫn không rời mắt khỏi hình dáng mảnh khảnh của con Ba, một hình dáng mà nó quá quen thuộc qua biết bao giờ phút mặn nồng... Hình dáng ấy, nó dư biết, rồi đây nó không bao giờ gặp lại được, không bao giờ còn ôm ấp lại được nữa, nhưng đó lại là một hình dáng không dễ gì quên...
Tư Cầu về đến Trà Ôn bình yên vô sự...
Đáng lẽ ra nó theo tàu Phước Châu đi thẳng một mạch cũng được, nhưng vì chuyến đi về của nó ở dưới nhà không có ai hay biết, mà tàu thì chỉ có thể ngừng tạm ngoài giữa sông cái. Hành khách muốn xuống phải dặn trước người nhà chực sẵn tam bản hay xuồng gì đó để xông ra rước vào khi tàu tới.
Tư Cầu xuống tàu đi một vòng chợ Trà Ôn. Đối với một người từng sống trên chợ Nam Vang thì chợ Trà Ôn bây giờ nhỏ xíu, đâu có những cái gì hấp dẫn đủ để cho Tư Cầu phải đi ngắm nhìn. Nhưng Tư Cầu vẫn muốn xem qua cảnh cũ, qua những nơi mà Phấn đưa anh ta đi tới để bắt đầu cho một cuộc phiêu lưu quá bất ngờ...
Anh ta trầm tĩnh xách va-li đi trong một vài đường phố như... một du khách muốn đi chiêm ngưỡng một vài di tích cổ thời: kìa là tiệm hớt tóc, nọ là quán cơm khách trú và xa đằng kia là bực thạch ở mé sông... bao nhiêu kỷ niệm cũ bỗng dưng sống dậy.
Tư Cầu thấy lòng buồn vô cùng và hơi ngạc nhiên khi tự nhận thấy: nó không nôn nao hay lo âu chút xíu nào khi trở về gần tới nhà.
Vừa đi, Tư Cầu vừa thẫn thờ nghĩ đến con Ba, đến Sáu Cẩu, thằng Năm: không biết giờ này bọn chúng làm gì ở trên Nam-Vang... và nhớ đến con Phấn nữa! Ờ không biết số phận của Phấn bây giờ ra sao... bề gì thì Tư Cầu cũng yên thân trở về nhà và trở về một cách khá... đàng hoàng nữa, nhưng còn Phấn? Tư Cầu lo ngại không biết Phấn gặp may gặp rủi thể nào trên bước phiêu lưu...
... Tư Cầu ghé vô nhà lồng chợ mua một cân thịt heo quay, mấy ổ bánh mì. Khi nghĩ tới tía anh ta hay nhậu nhẹt, anh ta trở lại mua thêm một cái giò heo quay con vàng lườm, rồi tiện đường bước qua tiệm trà hỏi mua thêm mấy gói Nghi Bồi Nhâm, Trung quốc kỳ chưởng, một cân vừa thèo lèo vừa bánh tai heo rồi xách tòn ten đi xuống mé sông kiếm mướn đò về nhà dưới Rạch Chiếc...
Khi chiếc đò chèo từ ngoài vàm sông cái vô tới trong rạch, Tư Cầu bò ra đứng trước mũi ngắm nhìn lên hai bên bờ.
Đến giờ phút này anh ta mới thấy hồi hộp trong lòng và nghĩ lung tung về cái phải ăn nói khi tới nhà, nhứt là khi đụng đầu với tía mình... Tuy vậy anh ta cũng thấy vững bụng một phần nào khi nhìn đến... bộ vó của mình, đến chiếc va-li, đến mấy gói bánh... và bỗng nhiên anh ta đưa tay sờ nhẹ qua túi quần sau, nơi có cái bóp căng phòng lên.
Trẻ con hai bên bờ rạch thấy có chiếc đò chèo trên chợ chở một người khách lạ nên rủ nhau chạy dọc theo trên mé để xem khách ghé nhà ai, vì ngọn rạch cũng gần mút rồi.
Tư Cầu quay ra sau bảo người lái đò:
- Thôi tới nơi rồi chú! Chú ghé chỗ cây cầu dừa đó cho tui.
Bọn trẻ con trên bờ thấy chiếc đò tấp vô nên reo ầm lên:
- Nhà của thằng Năm Kiều có khách trên chợ xuống tụi bây ơi!