Phần II

- Ừ, đi thì đi...
Tư Cầu lại lủi thủi ôm gói quần áo đi theo Phấn
Hai đứa nó vừa ngồi yên trên băng xe, thì có thêm một người hành khách nữa bước lên ngồi khít bên Phấn.
Đó là một anh khách trú trạc hai mươi lăm tuổi, mặc áo sơ-mi, quần tây dài, tay xách cặp da căng phồng.
Thấy có người chen bên cạnh, Phấn nhíu mày nhích vô sát bên cạnh Tư Cầu. Cô ta càng bực mình hơn nữa khi thấy anh khách này lại còn ló ra ngoài cửa xí xô xí xào một hồi với một người đứng dưới đất, có lẽ là bà con ra tiễn chân.
Sau khi người nhà đi về rồi, anh khách mới quay nhìn sang Phấn và có vẻ muốn bắt chuyện làm quen.
Anh ta cầm cái nón cối vừa quạt quạt vừa nói bâng quơ:
- Cha, nóng nực quá! Không biết chừng nào xe mới chịu chạy cho!
Phấn ngạc nhiên vì sao anh khách này nói tiếng ta sao sõi quá. Mới hồi nãy đây, ảnh còn tía lia như... chìm tàu kia mà.
Anh khách thấy Phấn có vẻ bớt cau có như lúc đầu nên làm gan ướm thử một câu:
- Dạ, cô Hai đi Cần Thơ?
Phấn làm mặt nghiêm chỉ khẽ gật đầu.
Anh khách như được trớn tươi cười xoay hẳn người về phía Phấn và một tay choàng gác lên đầu băng dựa:
- Nếu như vậy tôi cũng chung đường với cô Hai...
Thấy Phấn vẫn không hé môi, anh ta lại châm thêm một câu nữa:
- Cô Hai đi một mình hay đi với ai?
Phấn bắt buộc phải trả lời, giọng cộc lốc:
- Đi với anh tui đây...
Vừa đáp, Phấn vừa nắm lấy tay Tư Cầu và làm ra vẻ hết sức thân mật hỏi luôn:
- Anh có buồn ngủ hông anh Tư? Nếu anh muốn ngủ, anh dựa lên vai em đây nè...
Đằng này, anh khách nghe thấy cái “cảnh” đó, nhíu mày cỏ vẻ hơi bực, rút cánh tay để trên băng dựa xuống và ngồi lại ngay ngắn...
Còn Tư Cầu nãy giờ ngồi thừ mặt nhớ... đủ thứ hết ở dưới nhà, bỗng nhiên thấy Phấn níu tay và ăn nói... mùi mẫn quá nên anh ta đâm ra mắc cở. Anh ta liếc mau qua hai bên hành khách như để dò xem có ai để ý không, rồi hạ giọng nói:
- Ban ngày ban mặt, thiên hạ tứ giăng như vậy mà em làm gì kỳ quá...
Anh khách nghe lọt được câu ấy (vì tuy ngồi ngay lại chớ anh ta vẫn lóng tai, liếc mắt canh chừng bên phía cô gái) gục gặc đầu mỉm cười... Và anh ta mới soi mói nhìn kỹ Tư Cầu... Anh ta có vẻ suy nghĩ trong vài giây rồi như khám phá ra điều gì anh ta lại cười suýt bật thành tiếng và xoay người trở lại bên phía Phấn, cánh tay lại được gác vào chỗ cũ...
Phấn thấy Tư Cầu ăn nói tréo ngoe như vậy, tức đỏ mặt, nhưng vẫn giữ một giọng ngọt ngào nói tiếp thêm liền để khỏa lấp câu trả lời của Tư Cầu:
- Bộ anh mệt hả anh Tư? Hay là anh chóng mặt? Đây nè, anh cầm lấy chai dầu Nhị-thiên-đường này mà xức cho nó đỡ.
Tư Cầu toan gạt đi nhưng quay lại thấy mặt Phấn hầm hầm, nó ngơ ngác chẳng hiểu gì ráo. Anh vừa định lên tiếng thì thấy Phấn mím chặt môi, quắc mắt nhìn như xoáy vào mắt anh ta và khẽ hất hàm chỉ về phía chai dầu.
Tư Cầu vội cầm lấy chai dầu mở nút ra lấy ngón tay trỏ bịt miệng chai chấm lấy dầu đoạn xoa xoa lên mũi và hai bên màng tang, rồi trả chai dầu lại cho Phấn.
- Sao, anh thấy có đỡ bớt chút nào hông anh Tư?
Suýt chút nữa thì Tư Cầu trả lời lại rằng: “Đau ốm gì đâu mà đỡ với bớt” nhưng tốp lại kịp thời và lại nói xụi lơ:
- Ờ... coi bộ cũng đỡ bộn...
Bên này, sau khi chứng kiến một cách kín đáo cái cảnh đó từ đầu đến cuối, anh khách cũng định mở miệng nói châm chích hai đứa nó một vài câu, nhưng anh lại thôi và tươi cười đưa tay trái móc túi áo sơ-mi lấy ra cặp kiếng mát, đon đả chìa ra cho Tư Cầu vòng qua trước mình Phấn.
Cô này tò mò liếc xuống nhìn cặp mắt kiếng tròng màu xanh đậm và thấy luôn chiếc đồng hồ đeo tay mạ vàng lấp lánh trên cườm tay của anh khách.
- Đây anh Hai, anh lấy kiếng này mà đeo cho nó khỏi chói mắt. Như vậy cũng đỡ chóng mặt nhức đầu lắm anh à...
Tư Cầu đưa mắt nhìn Phấn để xem ý tứ như thế nào, thì thấy cô này lắc đầu nhưng nét mặt đã hết cau có. Anh ta đánh bạo trả lời:
- Cám ơn chú, tui thấy trong mình cũng dễ chịu rồi...
- Vậy hả? Nhưng khi nào anh Hai có cần nói với tôi nghen!
Tư Cầu mỉm cười gật đầu. Anh khách lại cầm lấy nón quạt lia lịa và nói như than một mình:
- Cha! Xe đầy hết mà sao mấy chả không chịu chạy cà! Cái điệu này lên Cần Thơ chắc trễ chuyến xe Saigon chiều rồi!
Bên này, Phấn nghe như vậy, quay phắt lại hỏi liền:
- Hổng dám nào chú cho tui hỏi thăm một chút...
Anh khách thấy Phấn chịu “mở miệng” mừng rơn và sốt sắng đáp:
- Dạ được mà cô Hai! Cô Hai muốn hỏi thăm chuyện chi?
Phấn ngập ngừng:
- Hồi nãy chú nói trên Cần Thơ còn có chuyến xe chiều lên Sàigòn nữa phải hông chú?
Anh khách không trả lời mà hấp tấp hỏi lại:
- Bộ cô Hai cũng tính đi Saigon nữa phải không?
- Dạ phải.
- May quá... nếu vậy thì tôi cũng đi cùng đường rồi. Đi có bạn cũng vui hén cô Hai!
Phấn không biết trả lời sao nên lúng túng “dà” một tiếng rồi nín thinh.
Anh khách nhớ trực lại câu hỏi của Phấn nên vội nói tiếp:
- Chút nữa tôi quên phứt rồi: thường thường trên Cần Thơ còn có chuyến đi Saigon nữa cô Hai à! Nhưng chiếc xe mình đi đây nó cứ nằm ì chưa chịu chạy thì tới chừng lên trển chắc trễ hết.
Thấy Phấn có dáng suy nghĩ, anh khách lại hỏi thêm:
- Chắc cô Hai cũng bị lỡ chuyến xe đi Sàigòn dưới này như tôi nên mới tính lên Cần Thơ chớ gì!... Thiệt nhà ai ác ôn, nhè cái ngày mình đi Sàigòn mà ra bao xe đi rước dâu mới ngặt chớ!
Phấn mỉm cười:
- Tui cũng bị lỡ xe như... chú vậy.
Anh khách do dự một lát rồi lại lên tiếng:
- Tôi hỏi câu này cũng hơi... kỳ một chút, chẳng hay cô Hai và anh Hai đây đi lên trển có việc chi?
Phấn hơi luống cuống:
- Dạ, tui với anh Tư đây lên trển... thăm bà con.
- Người bà con đó ở đường nào vậy cô? Tôi hỏi vậy để nếu phải đường tôi biết, tôi chỉ sơ trước cho cô Hai lên trển kiếm dễ hơn.
- Dạ tui nghe nói dì Tám tui bán trái cây trong chợ Cầu Ông Lãnh.
- Ý trời ơi! Nhà cửa ở trên Saigon mà cô chỉ biết lơ mơ như vậy rủi tìm không ra, bơ vơ không nơi nương tựa... kẹt lắm đó cô Hai! Ở trển, người ta đâu có ăn ở thiệt thà như dưới mình!
Phấn cúi đầu có vẻ suy nghĩ, còn Tư Cầu lo âu khi nghe câu chuyện trao đổi giữa hai người.
Thấy thế, anh khách tìm lời an ủi:
- Tôi nói là nói phòng xa vậy chớ không đến nỗi nào đâu. Nếu cô Hai nói có dì... dì Tám phải không cô... bán trái cây trong chợ Cầu Ông Lãnh thì tìm chắc phải ra. Mà đến nước cùng đi nữa, cái nước tứ cố vô thân thì còn có tôi đây chi! Tôi nói như vậy là nói thiệt tình chứ không phải khoe khoang hay có ý gì khác đâu...
Phấn không biết trả lời làm sao nên nín thinh nhưng cũng thấy an tâm rất nhiều về việc lên Saigon.
Vừa lúc đó xe bắt đầu chạy. Anh khách vớ được dịp này để bắt chuyện lại với Phấn:
- Dữ hông! Bây giờ nó mới chịu chạy cho!
Phấn thấy xe chạy cũng hớn hở nên trả lời câu nói của anh khách bằng một nụ cười mỉm.
Anh khách cười đáp lại, rồi lim dim đôi mắt ranh mãnh nhìn lại Phấn và buông thõng hai tiếng nho nhỏ:
- Dữ hông...
Phấn hiểu ý, mắc cở đỏ mặt và cúi gầm xuống nhìn vào gói quần áo để trên đùi..
Đường xấu, máy cũ, chiếc xe đò chạy vừa dằn vừa kêu điếc tai.
Một hồi lâu, Phấn làm gan quay mặt qua bên anh khách hỏi:
- Hổng biết chừng mình lên tới nơi có còn kịp chuyến xe nào đi Sàigòn nữa hông hả chú?
Anh khách nghe không rõ vì tiếng máy xe, thùng xe kêu ầm ầm, nên nhích lại gần Phấn chút nữa và vừa nghiêng đầu xuống kề bên mặt Phấn vừa hỏi lại:
- Cô nói gì đó cô Hai?
- Mình lên trên Cần Thơ có kịp chuyến xe Sàigòn hông chú?
Anh khách đưa tay lên xem đồng hồ rồi đáp:
- Cha, cái điệu này cũng một may một rủi cô Hai à! Nhưng tôi sợ trễ quá!
Phấn lo ngại hỏi thêm:
- Nếu rủi trễ rồi còn có cách nào khác để lên Sàigòn hông chú?
- Thiếu gì, hoặc mình đón tàu đi hay là mình kiếm chỗ ngủ lại một đêm rồi đi chuyến xe khuya lên Saigon...
Phấn thật thà hỏi tiếp:
- Nhưng tui hổng có ai quen ở trển hết...
Anh khách cười:
- Ối, cô hơi sức đâu mà lo chuyện đó. Ở trển nhà ngủ lền khên mình mướn phòng ngủ đỡ một đêm rồi đến khuya hay sáng gì cũng có chuyến xe lên Sàigòn hết. Được rồi, để lên tới Cần Thơ, có gì tôi sẽ sắp đặt cho... Tôi cũng đi cùng đường với cô Hai mà!
- Cám ơn chú lắm! Thiệt tôi cũng hên lắm nên mới gặp chú...
Anh khách thích thú cười thành tiếng và nhích lại sát gần Phấn thêm một chút nữa và nói:
- Phần tôi, tôi cũng hên lắm nên mới gặp cô Hai... Ai dè đâu lỡ chuyến với cô Hai như vầy...
Phấn nghe anh khách nói nín thinh nhưng không thấy bực mình chút nào. Một hồi lâu như nhớ trực lại, cô quay mặt qua hỏi anh khách:
- À, tui hỏi câu này chú đừng giận nghen!
- Sao cô Hai nghĩ vậy! Tôi đời nào dám giận cô Hai...
- Hồi xe chưa chạy sao tui thấy chú nói chuyện với người bà con châm rặt là tiếng Tàu, mà tự nãy giờ chú lại sõi tiếng Việt quá vậy?
Anh khách chờ cho Phấn hỏi hết câu, cười lớn:
- Tưởng cô Hai hỏi cái gì chớ! Nói thiệt với cô Hai tôi là người Tàu rặt ròng nhưng ông già tôi ổng lại cho tôi đi học ở trường Việt từ lớp Năm cho đến khi thi Tiểu-học, tôi đậu bằng Tiểu-học rồi đó cô Hai! Vì vậy hiện nay tôi đọc viết chữ Việt cũng xuôi rót chớ đừng nói gì đến việc “nói” không thôi!
Phấn gật đầu:
- Hèn chi chú ăn nói thạo quá!
Anh khách cười càng thêm tươi và cánh tay anh gác lên chỗ dựa sau lưng Phấn lại được hạ lần xuống thêm một chút.
Trong lúc đó, tiếng xe chạy êm tai và gió thổi mát mặt làm cho Tư Cầu thấy bắt đầu buồn ngủ. Anh ta lấy gói quần áo đặt lên băng dựa rồi kê đầu gối lên cho đỡ đau cổ mỗi khi xe xóc dằn. Xong anh ta khoanh tay lên trước ngực và bắt đầu lim dim...
Phấn để ý thấy, định kêu anh ta dậy nhưng không biết nghĩ sao lại thôi và bỗng dưng cô ta lại mỉm cười một mình.
Một hồi lâu sau, anh khách lại lên tiếng:
- Anh ngồi bên cô Hai đó chắc là bà con trong nhà phải không cô Hai?
Phấn không biết trả lời sao cho xuôi nên nói mập mờ:
- Hổng phải bà con thiệt, nhưng... cũng như bà con...
Anh khách có vẻ không vừa ý về câu trả lời lơ lửng đó, nên soi mói nhìn hai gói quần áo của Phấn và Tư Cầu như dò xét:
- Cô Hai lên Saigon rồi lâu mau mới về?
- Dạ... chắc hơi lâu lâu...
- Ủa, bộ cô Hai không tiùnh trước chừng nào về sao?
Phấn do dự một hồi rồi đáp:
- Hổng nói giấu gì chú, hai đứa tôi tính lên kiếm chuyện mần ăn...
- Mà cô Hai với anh... anh Tư đây tính lên trển làm ăn gì đây? Ở trển của khó người đông, cái gì một chút cũng phải mua, phải sắm hết chớ bộ dễ dãi như dưới mình sao!
Rồi như khám phá điều gì, anh ta hỏi vặn lại Phấn:
- Cô Hai ở Trà Ôn ở nhằm xóm nào vậy cô?
- Tui hổng có ở tại chợ. Tui ở dưới Rạch Chiếc mà!
- Ủa, lóng rày lúa sắp chín đông ken rồi mà cô Hai với anh Tư đây lại bỏ đi lên Saigon kiếm việc làm ăn... Sao không đợi qua Tết rảnh rang rồi đi có tiện hơn không cô Hai?
Phấn bị anh khách hỏi dồn như vậy, nổi dóa:
- Chú này kỳ hông! Tui muốn đi chừng nào thây kệ tui, mắc mớ gì mà chú hỏi tới chớ!
Anh khách xuống nước:
- Ậy, cô Hai nghĩ bậy cho tôi rồi! Tôi hỏi đây không phải là tôi muốn xía vô chuyện riêng của cô Hai, nhưng tôi có lên xuống Sàigòn bổ hàng cho ông già tôi hoài nên tôi biết rành lắm cô Hai à. Ông già tôi là chủ tiệm chạp phô, tiệm chú Ựng nên hông nhà lồng chợ đó cô Hai! Tôi đi Saigon chuyến này là lên ở luôn, tôi lên làm tài phú cho một tiệm bán sắt vụn trong Chợlớn.
Phấn tò mò hỏi chận:
- Vậy chú đây là con của chú Ựng? Mà sao chủ hổng ở nhà coi sóc cái tiệm lại lên Chợlớn, Saigon đi mần công cho người ta vậy?
Anh khách thấy Phấn để ý đến việc riêng của mình nên phấn khởi kể luôn:
- Không nói giấu gì cô Hai, ở dưới này thì đã có hai vợ chồng anh Hai tôi lo phụ giúp ông già rồi. Như vậy nữa rồi ảnh cũng kế vị làm chủ luôn cái tiệm đó. Phần tôi, chưa vợ chưa con lổng chổng một mình, chẳng lẽ già đời ở đó để làm công trong tiệm của ông già? Tôi nghĩ xa nghĩ gần hoài, rốt cuộc rồi phải tính đến việc bay nhảy với người ta chớ! Năm nay tôi hai mươi ba tuổi đầu rồi chớ phải nhỏ nhít gì sao? Thời may, tôi có ông chú buôn sắt trên Chợlớn mới gởi thơ xuống kêu tôi lên làm tài-phú cho ổng. Tôi không do dự gì hết, đi liền. Lên trển rồi mới lập nghiệp với người ta được chớ ở dưới này chạy hiệu hoài cũng buồn trong bụng lắm cô Hai à!
Phấn tán thành:
- Vậy là phải lắm! Tui cũng ở trong cảnh như chú vậy...
- Hèn chi!... Nhưng phần tôi thì đã có sẵn chỗ ăn chỗ làm, chớ cô Hai với anh Tư đây... đi lên trển đại như vậy kể ra cũng... gan lắm! Tôi nghĩ tới chỗ đó nên mới... xía vô công việc riêng của cô Hai như hồi nãy cô Hai cự nự tôi đó!
Nói đến đó, anh khách mỉm cười nhìn thẳng vào mắt Phấn rồi tiếp:
- Chắc bây giờ cô Hai hiểu rõ bụng tôi, hết giận tôi rồi chớ? Tôi thấy hoàn cảnh của cô Hai và anh Tư đây tôi ái ngại nên tôi lo bá vơ vậy... Tánh tôi kỳ vậy cô Hai à!
Phấn lắc đầu:
- Không đâu, như vậy là chú tốt lắm!
- Cô Hai nói thiệt hay là nói xâm nói xéo tôi đó?
Phấn cười đáp:
- Thiệt mà! Tôi nói xâm chú té vàng té bạc gì chớ!
Anh khách ngập ngừng một hồi rồi nói một hơi:
- Thiệt tình tôi thấy hoàn cảnh của cô Hai và anh Tư tôi không sao yên tâm được. Tôi tuy không lõi đời gì cho lắm nhưng đi lại đó đây cũng đã nhiều, nhìn sơ qua cảnh của cô Hai, tôi cũng đoán được một vài phần... Bởi vậy từ đây cho tới Cần Thơ rồi lên Sàigòn, nếu cô Hai thấy có bỡ ngỡ chuyện gì thì xin cô Hai đừng ngại, cô Hai cứ nói thẳng với tôi. tôi sẽ xin hết lòng lo liệu...
Thấy Phấn lặng thinh anh khách hạ thấp giọng hỏi nhỏ bên tai con Phấn:
- Tôi nói như vậy có điều gì không phải sao cô Hai? Bộ cô Hai còn giận tôi sao hả cô Hai?
Phấn mỉm cười lắc đầu, rồi khẽ thở dài cúi đầu ngó xuống gói quần áo và lấy tay vân vê mối dây buộc phía trên gói...
Một hồi lâu, cô ta liếc mắt nhìn qua Tư Cầu. Tư Cầu vẫn ngủ ngon lành, thỉnh thoảng đầu của anh ta từ từ gục xuống trước ngực rồi lại giựt dội trở lại ngả lên trên như cũ.
Phấn thấy gói quần áo của Tư Cầu kê sau cổ đã tuột xuống chèn sau lưng nó nên vói tay kéo ra. Tư Cầu giựt mình ngồi ngay lại, lấy tay dụi mắt rồi hỏi Phấn:
- Bộ gần tới rồi hả?
Phấn tức cành hông định mở miệng cự anh ta nhưng rồi lại ngao ngán thở dài và lắc đầu buông thõng một câu:
- Chưa tới đâu...
Chiếc xe chạy tới khoảng đường xấu nên dằn dữ... và bỗng nhiên Phấn nhận thấy một bên vai của mình được dựa êm vào một bên ngực của anh khách, không biết từ hồi nào!
Chiếc xe càng xóc, cô càng có một cảm giác dễ chịu và sao thấy được an tâm thêm rất nhiều.
Và cũng thật kỳ lạ chưa bao giờ Phấn thấy Tư Cầu xa cách mình như vây.......
- Tới Cần Thơ rồi, bà con cô bác ai có đồ đạc gì để trên mui không, tôi lấy xuống cho!
Anh lơ xe vừa la vừa leo tót lên mui để chuyền đồ đạc xuống cho hành khách...
- Cô Hai có gởi cái gì trên mui xe không cô Hai? (Anh khách sốt sắng hỏi Phấn)
- Tui và anh Tư, mỗi đứa chỉ ôm theo một gói quần áo thôi, chớ hổng có gì khác hết chú à.
- Ờ, như vậy cũng tiện. Tôi đi đâu cũng xách cái cặp da này thôi.
Phấn ngó quanh quất một hồi rồi hỏi anh khách:
- Ủa bộ xe không qua tới chợ Cần Thơ sao chú?
- Đâu có cô Hai! Xe nó chạy tới đây thôi, bây giờ mình phải qua bắc để xuống chợ Cần Thơ.
- Vậy mà tui tưởng xe nó chạy thẳng tới bển chớ! Rồi bây giờ mình làm sao đi đây?
- Cô Hai để tôi lo cho!
Rồi anh khách căn dặn Phấn:
- Cô Hai với anh Tư đứng đợi tôi ở đây nghen! Tôi đi mua giấy bắc và luôn tiện tôi đi hỏi thăm coi chuyến xe Sàigòn chót chiều nay chạy chưa để rồi mình còn liệu.
Phấn vội mở cây kim tây gài túi áo, móc cái bóp nhỏ ra:
- Chú cầm tiền theo để mua dùm hai cái giấy bắc cho tui chớ!
Anh khách vừa quay lưng đi vừa khoát tay:
- Được mà cô Hai, tôi mua luôn cho ba người mà! Chút đỉnh chớ có bao nhiêu mà cô Hai phải đưa tiền.
Nói xong anh khách rảo bước đi thẳng. Phấn tần ngần nhìn theo rồi cúi xuống cất cái bóp vô túi, gài kim tây lại.
Thấy vậy, Tư Cầu lên tiếng:
- Cha, chú đó coi bộ tốt quá...
Phấn nghe Tư Cầu khen như vậy, quay lại nhìn anh ta rồi bỗng dưng bực mình nạt ngang:
- Hứ, tốt! Anh hổng biết khỉ khô gì hết mà cũng nói tốt!
Tư Cầu ngạc nhiên cãi lại:
- Coi kìa, người ta mắc công lo cho mình như vậy là tốt chớ còn gì nữa!
Phấn nhìn nó, chắc lưỡi, lắc đầu rồi dịu dàng nói:
- Đâu phải vậy là tốt... Anh hổng biết đâu... Chỉ có anh là tốt thiệt tình mà... anh cũng hổng biết tới nữa!
Tư Cầu lẩm bẩm:
- Sao kỳ vậy, anh có làm cái gì đâu mà tốt cà!
Phấn gượng cười đáp:
- Không, em nói thiệt mà! Anh hổng có nhúc nhích, cục cựa gì hết mà anh vẫn tốt như thường...
Rồi bằng một giọng tha thiết, cô nói tiếp:
- Em còn nhớ có bận anh cho rằng anh hổng bằng em, anh hổng bao giờ theo kịp em... nhưng đến bây giờ em mới biết rõ là em còn thua xa anh rất nhiều! Hổng có bao giờ em bì kịp với anh hết!
Tư Cầu ngơ ngác rồi gượng cười:
- Thôi đi, bộ em tính bơm ngọt hay nói móc lò anh hả?
Phấn nghiêm mặt đáp:
- Em nói thiệt mà! Bây giờ em nói như vậy mà cho chừng mười hay hai chục năm về sau nữa, em cũng vẫn nói y như vậy. Anh hơn em nhiều...
Tư Cầu chặn ngang:
- Đừng nói giỡn chớ! Hồi má em còn sống, bác hay nói anh sánh hổng tới mắt cá của em kia mà!
Phấn lắc đầu và buồn rầu nói tiếp:
- Thôi anh nhắc làm chi chuyện cũ mèm đó! Ngay đến em đây mà tới bây giờ em mới biết là em thua anh xa... Em hổng xứng đáng chút nào đối với tấm tình yêu thương của anh. Cái gì em cũng so đo hết, chớ còn anh, anh thương em mà hổng suy tính thiệt hơn gì hết....
Nghe Phấn kể lể một hồi như vậy, Tư Cầu nhăn nhó nói:
- Thiệt đối với em, anh hổng biết đâu mà rờ... Hồi trước em cự nự anh thì cũng rắc rối, mà bây giờ em lại khen lao anh, thì cũng vẫn... rắc rối như thường! Hèn chi anh nói hoài: đàn bà con gái là hay rắc rối tổ mẹ... Thôi, chú gì đó, chú đi lợi kìa! Em hỏi chú coi còn xe cộ gì hông, hay là huốt luôn nữa đi thì tụi mình xui xẻo tận mạng rồi!
Vừa lúc ấy, anh khách đi xăm xăm tới, tay xách cặp, tay cầm mấy cái giấy bắc vừa kêu:
- Mau đi xuống bắc, cô Hai ơi!
Phấn vội khều Tư Cầu và hai đứa rảo bước đi theo anh khách xuống bắc...
Chiếc bắc từ từ tách bến, đâm thẳng ra giữa dòng sông Bassac.
Phấn đứng dựa vào thành lan can sắt thẫn thờ nhìn giề lục bình lững lờ trôi trên mặt nước mênh mông...
Tư Cầu nghe chiếc bắc chạy kêu xình xịch tò mò rề lại bên hầm máy đứng xem.
Anh khách thấy Phấn đứng một mình nên đi xích lại gần gợi chuyện:
- Chà, ra giữa sông cái gió mát quá cô Hai há!
Phấn khẽ gật đầu.
- Năm nay nước rong lớn quá không khéo mấy miếng ruộng ở bìa sông ngập ướt lúa hết và lại còn có cái nạn ba con cá rô lên rỉa lúa nữa...
Phấn cười hỏi lại:
- Sao chú ở chợ mà rành chuyện ruộng quá vậy!
- Ý, cô Hai đừng chê tôi! Mấy năm trước tôi theo ghe đi lúa nên ruộng đồng, kinh rạch nào mà tôi không lội vô!
- Vậy hèn chi cái gì chú cũng biết hết!
Anh khách vừa sung sướng vừa mắc cở cúi đầu, cười nói:
- Cô Hai khen như vậy... chết tôi! À, tự nãy giờ tôi quên hỏi thăm coi ở dưới nhà cô Hai có làm ruộng vườn gì không cô Hai?
- Hổng nói giấu gì chú, má tui cũng có chút đỉnh đất điền, nhưng cửa nhà đơn chiếc, anh Hai tui mắc lo làm vườn, thằng em tui thì còn đương đi học nên cho họ muớn lợi hết chú à... Bà già tui cũng mới mãn phần đây nên ở nhà, trước sau chỉ có ba anh em với chị Hai, vợ của anh Hai tui nữa thôi...
Anh khách vội sốt sắng hỏi thăm:
- Ủa, nếu vậy hai bác đều qua đời hết hả cô Hai? Thiệt tội nghiệp quá!
Phấn lặng thinh, mặt dàu dàu. Anh khách vô tình nói thêm:
- Vậy sao cô Hai không ở nhà phụ coi sóc ba cái đất điền vườn tược đó cũng đủ ăn thong dong rồi chớ lên Sàigòn...
Rồi như chợt thấy mình lỡ lời, anh khách lại nói trở lại:
-... Ờ mà phải, ở nhà còn có hai vợ chồng người anh của cô Hai nữa mà lo gì! Coi vậy chớ nhiều người lên Sàigòn mua bán làm ăn mau phát lên lắm cô Hai à!
Thấy Phấn vẫn đứng nín thinh, anh ta tìm cách hỏi lảng:
- À, cô Hai, tôi còn tính hỏi cô Hai cái này nữa: cô Hai ở dưới ruộng mà sao trắng tươi như con gái ở chợ vậy? Tôi để ý lấy làm lạ nên hỏi... cho biết vậy mà!
Nghe anh khách rào trước đón sau như vậy, Phấn cũng bật cười:
- Chú cứ ngạo tui hoài. Mấy tháng trước, hồi tui còn lo nuôi vịt (nói tới đây, Phấn ngước mặt nhìn về phía Tư Cầu) tui cũng đen thùi vậy, nhưng tới khi má tui đau nặng, tui dìa ở cấm cung riết trong nhà nên nước da cũng nhả nắng được chút đỉnh...
- Ý, cô Hai cũng nuôi vịt hãng nữa hả cô Hai?
- Tui nuôi một bầy khá bộn để làm vốn riêng nhưng bây giờ đi bỏ lại hết cho thằng em tui coi... nhiều lúc nghĩ tới thiệt tiếc hùi hụi...
Anh khách nghe vậy không dám hỏi rõ thêm và tìm cách nói lảng ra:
- Thiệt tôi không dè cô Hai khéo chịu khó làm cho sanh lợi thêm như vậy... cái điệu này lên Sàigòn cô Hai mua bán làm ăn nổi lên mấy hồi!
Phấn thật thà hỏi lại:
- Chú thì quen rành ở trển, vậy chú thử coi tui lên trên đó có mần ăn gì được không?
- Ối, với cô Hai thì tôi biết dư sức mà! Cô Hai cứ tin tôi đi, để lên trển tôi liệu dọ hỏi rồi chỉ vẽ cho cô Hai cách làm ăn, thì khỏi sợ thất bát gì ráo trọi! Tôi nói thiệt chớ không phải thấy cô Hai mới lên Sàigòn rồi kiếm cách nói bông lông cho vui bụng cô Hai đâu.
Phấn vội nói:
- Tui biết mà chú! Để lên trển rồi thế nào tui cũng nhờ chú chỉ học cho cách thức buôn bán... Ờ, tự nãy giờ mắc lo nói chuyện tui quên hỏi chú coi còn chuyến xe chiều nào lên Sàigòn nữa không chú?
Anh khách vỗ đầu, chắc lưỡi:
- Ý, tôi cũng quên khuấy đi! Trễ hết rồi cô Hai à!
Phấn lo ngại kêu lên:
- Trời ơi, nếu vậy rồi tối đêm nay lóng nhóng chờ suốt một đêm cho đến sáng mới có xe sao?
Anh khách ôn tồn đáp:
- Cô Hai đừng có lo, mình mướn nhà ngủ ở tạm thời ba, bốn giờ sáng thì có xe “đề ba” rồi, hay là mình muốn đi tàu thì xuống mướn ghế bố nằm nghỉ cũng được, nhưng đường tàu thì vòng vo và chậm chạp hơn.
Phấn làm thinh lấy chân chà chà lên sàn bắc và cúi đầu suy nghĩ...
Một lát, như đã quyết định điều gì, Phấn ngước mặt lên nhìn thẳng vào mắt anh khách và chậm rãi nói:
- Thiệt tui mới gặp chú đây chớ tui... trọng chú lắm! Thôi thì nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt, hổng nói giấu gì chú, tui với anh Tư đây chưa cưới hỏi gì hết... và cũng vì vậy mà hai đứa tui... đi như vậy!
Anh khách nghe nói như vậy nở một nụ cười thích chí:
- Tôi đoán không sai mà...
- Bộ chú biết hả?
- Thì sờ sờ ra đó làm sao hổng biết được! Tôi nói thiệt với cô Hai, dầu tôi có đứng cách xa một cây số, tôi cũng nhận ra liền..
Phấn lo lắng hỏi:
- Chèng ơi, lộ quá như vậy sao chú! Mà tui chắc chú cũng... giữ kín việc này cho tui. Tui tin chú lắm nên mới nói rõ sự tình như vậy...
Anh khách dợm đặt tay lên vai của Phấn nhưng lại rút về kịp và nói:
- Cô Hai yên tâm! Đó là việc riêng của cô Hai với anh Tư, tôi xen vô làm gì. Tôi mà có ý gì khác xin Trời đừng để mạng tôi...
Phấn vội khoát tay:
- Thôi... thôi, ai nghi ngờ gì đâu mà chú phải thề chớ! Bộ tui đui sao hổng thấy chú hết sức lo lắng giúp đỡ từng ly, từng chút cho hai đứa tui.
Anh khách hỉ hả đáp:
- Nếu cô Hai đây biết rõ lòng dạ tôi như vậy thì còn gì bằng!
Thấy chiếc bắc sắp cập bến, Tư Cầu rời chỗ hầm máy để đi lại đứng gần bên Phấn:
- Cha, con sông cái lớn minh mông như vậy, chiếc bắc lại chở khẳm đừ mà nó cũng chạy mau quá!
Anh khách góp lời với anh ta:
- Nếu mình đi lên Sàigòn bằng đường xe thì còn qua lại cái bắc này và còn thêm cái bắc ở Mỹ Thuận nữa.
- Vậy hả chú!
Vừa lúc đó, Phấn chen vô hỏi anh khách:
- Còn chút nữa tui quên khuấy mất! Hổng dám nào chú cho hai đứa tui biết chú thứ mấy, để tụi tui kêu nó phải phép một chút, chớ cứ kêu “chú” trống không hoài cũng kỳ quá!
Anh khách vui vẻ đáp:
- Ối cái đó có sao mà cô Hai phải để ý! Nhưng nếu cô Hai muốn biết thì tôi cũng không dám giấu và thật ra thì tôi cũng muốn y như ý của cô Hai để cho nó được... thân mật hơn. Tôi thứ ba, cô Hai à!
- Ủa, chú cũng thứ ba nữa hả?
- Ờ, tôi thứ ba, mà sao hả cô Hai?
Phấn hơi xẻn lẻn cúi mặt đáp:
- Tui cũng thứ ba nữa chú à!
Anh khách bật cười lấy tay vỗ mạnh vào cái cặp đang xách:
- À... tôi nhớ rồi! Hồi nãy, trong lúc tôi hỏi thăm về ở dưới nhà, cô Hai đã có cho tôi biết là cô còn có một người anh và một người em. Vậy mà tôi quên mất tiêu chớ! Vậy ra tôi với cô Hai cũng đồng một thứ với nhau à!
Phấn mỉm cười sửa lại:
- Cô Ba chớ cô Hai hoài!
Anh khách cười nghiêng ngả:
- À, quên nữa cô Ba!
Rồi anh ta vừa ngó Phấn vừa gật gù nói nhỏ:
- Ừ phải... tiếng “cô Ba” hay hơn nhiều!
Khi chiếc xe lôi từ cầu bắc chạy đến nhà đèn để qua chợ Cần Thơ, anh phu xe lên tiếng hỏi:
- Mấy cô cậu xuống ở đâu đây?
Anh khách vọt miệng nói:
- Chú đạp xuống dưới nhà ngủ Tây Hồ cũng được.
Phấn nghe anh khách bảo anh xe lôi như vậy, ái ngại hỏi:
- Bộ chú Ba tính mướn phòng ngủ ở thiệt sao chú?
Anh khách gật đầu:
- Thì bây giờ mình chỉ có nước đó thôi... hay là cô Ba có nhà bà con hay quen biết gì ở trên này không?
Phấn lắc đầu lia lịa:
- Không, không có đâu! Mà dầu có nữa thì... (nó mỉm cười nhìn người khách) ông nội tui cũng hổng dám chui đầu vô nữa!
Anh khách cũng cười:
- Ừ phải...
Rồi như nhớ trực lại điều gì, anh khách nhổm người lên nghiêm mặt nói nhỏ với Phấn:
- Tôi nghĩ lại rồi cô Ba à, mình có mướn phòng cũng không êm nữa mới chết chớ!
Phấn lo lắng hỏi:
- Sao! Cái gì nữa hả chú Ba?
- Mình mướn phòng thì lại kẹt gắt chớ không phải chơi, vì thế nào họ cũng hỏi giấy tờ để biên tên họ mình vô sổ.
Tư Cầu nghe lỏm được nói chen vô:
- Tui biết mà! Cái điệu đó mình đút đầu vô ở thì bị lòi chành ra liền.
Phấn bực mình chặn ngang:
- Hứ, biết vuốt đuôi vậy mà cũng nói biết! Anh mà nói ầm ầm lên thiên hạ hay ráo trọi hết bây giờ.
Tư Cầu bực mình:
- Thì cũng phải để anh nói cái đã chớ! Đó, em tài khôn tài khéo lôi đi ẩu, hổng biết tính trước đường đi nước bước ở dọc đường, nên bây giờ sượng hết đó!
Phấn ngó nó chăm bẳm và hỏi gằn:
- Bây giờ tính đổ thừa hay sao đây?
Tư Cầu cười mũi:
- Đổ thừa khỉ gì! Đều nói cho biết vậy thôi!
Phấn gục gặc đầu:
- Bây giờ tui coi bộ anh giỏi đa!
- Hổng giỏi gì mà... vừa xài vậy thôi.
- Ê, anh Tư! Hổng phải tui nói vậy rồi anh được mợi làm tới nghen! Tui cho anh hay con này chưa chắc cần đứa nào nghen!
Tư Cầu thủng thẳng đáp:
- Thì thằng này cũng chưa chắc cần đến đứa nào...
Nhưng rồi không biết nghĩ sao, anh thở dài dịu giọng nói với Phấn:
- Thôi, tui lạy bà nội! Thôi, anh xin em vuốt giận. Chẳng lẽ tụi mình dắt nhau lên đây để nói chanh nói chua với nhau sao? Em dư biết rằng nếu anh hổng thương em thì anh đâu có nhắm mắt mà đi theo bừa lên đây.
Anh khách nãy giờ lẳng lặng chứng kiến cảnh đó, nên tìm cách nói xen vô để tỏ ra mình là người sỏi đời hơn hết:
- Thôi, tôi xin can hai đàng. Tôi xía vô đây, thiệt ra thì không phải, nhưng dầu sao tôi cũng đựơc quen biết với anh Tư và cô Ba trên xe, dầu mới quen nhưng cũng đã là quen rồi! Vậy mình nên bàn tính chuyện ăn ở cho qua đêm nay trước đã, rồi có việc gì thì để phân giải sau. Tôi nói vậy cô Ba và anh Tư nghe có phải hông?
Tư Cầu thở dài:
- Chú nói vậy thì phải rồi...
Phấn mặt hầm hầm ngồi lặng thinh. Anh khách ngó Phấn hỏi:
- Sao cô Ba, cô tính thế nào?
Phấn nói lẫy:
- Tui bây giờ hổng tính gì hết!
Anh khách mỉm cười:
- Coi bộ cô Ba tính buông xụi hết sao? Bây giờ thì mình phải gạt hết cái chuyện mướn phòng qua một bên rồi. Điệu này chỉ có nước đón tàu đi thôi.
Phấn hỏi lại:
- A, bộ đi xe hổng được nữa sao?
- Được thì cũng được rồi, nhưng kẹt vấn đề nghỉ lưng đêm nay. Mình đi tàu được cái tiện là xuống mướn ghế bố ở dưới nghỉ luôn, rồi chừng nào nó chạy thì chạy. Như vậy khỏe ru, nhưng hơi chậm chạp một chút.
Phấn nhún vai:
- Được rồi, chú tính sao đó thì tính chớ thiệt tui hết biết rồi!
Anh khách tươi cười đáp:
- Cô Ba để tôi lo hết cho, miễn sao cô Ba... và anh Tư đến Saigon bình an vô sự thì thôi!
Vừa lúc đó anh xe lôi hỏi:
- Sao mấy cô cậu xuống nhà ngủ Tây Hồ phải hông?
Anh khách mau miệng đáp:
- Chú cho tụi tôi xuống cầu tàu Lục Tỉnh cũng được!
... Khi xuống xe lôi rồi, anh khách lẹ tay móc bóp trả tiền cuốc xe rồi ngó ngoái xuống bến tàu:
- Ối, tàu hai ba chiếc thiếu gì! Thế nào cũng có chiếc khuya nay chạy lên Sàigòn... Ờ phải rồi, có chiếc “Nguyễn văn Kiệu” kìa!
Rồi anh ta dặn Phấn và Tư Cầu:
- Cô Ba và anh Tư đứng đây để tôi xuống dặn chỗ mướn ghế bố trước nghen!
Nói xong anh ta xăng xái xách cặp đi xuống bến tàu...
Tư Cầu ôm gói quần áo rề lại đứng dựa vào lan can cầu tàu lơ đãng nhìn xuống mặt nước sông... Bầy cá lòng tong và cá he con nhởn nhơ lượn đi lượn lại gần sát bên mé bực thạch để kiếm mồi, như không đếm xỉa cái không khí chuyển động của bến sông Cần Thơ...
Tư Cầu cảm thấy nhớ tiếc đến đến cái chòi con trên giồng cheo leo giữa đồng trống. Anh ta đã sống bao nhiêu năm ở đó mà không biết trên đời này còn có một con Phấn, một chuyến xe đò, một chú khách và... một con đường lên Sàigòn.
Phấn đến sau lưng anh ta lúc nào mà anh ta cũng không hay:
- Coi cái gì đó anh Tư?
Tư Cầu giựt mình quay lại hỏi:
- Mua giấy tàu rồi hả?
Phấn chau mày:
- Bộ anh mớ hả? Người ta hỏi coi cái gì đó mà anh nhè nói lại ăn trét hết!
Tư Cầu xẻn lẻn:
- Vậy hả? Thì anh có coi cái gì đâu... Buồn buồn ngó bậy ba con cá lòng tong chơi vậy mà!
- Mẹ ơi, cái chuyện quính bên đít mà coi cá lội chơi chớ!
Tư Cầu chậm rãi hỏi lại:
- Vậy em làm ơn nói cho anh biết coi anh phải lo cái gì bây giờ?
Rồi không đợi cho Phấn trả lời, anh ta nói tiếp:
- Mua giấy tàu thì đã có chú gì đó chú lo rồi, bây giờ mình chỉ có nước là đứng đây chờ chú trở lên coi ra sao, chớ lo cái khỉ mốc gì nữa!
Phấn không biết nói sao nên tìm cách bắt bẻ:
- Người ta là chú Ba, mà anh cứ kêu chú gì, chú gì hoài!
Tư Cầu trề môi, nhún vai:
- Ừ thì chú Ba, chú Ba!... Rồi sao nữa?
Phấn quay mặt đi:
- Thì sao anh biết đó! Tui biệt thèm nói tới nữa đâu!
Tư Cầu cười mũi:
- Cha, phải hồi đó hổng nói tới... sớm sớm cho người ta nhờ một chút!
Phấn lỏ mắt nhìn nó:
- Đừng có nói cái giọng đánh đầu đó nghen! Nói thiệt với anh: tui đâu phải cá tôm gì mà sợ ế, sợ sình, sợ thúi!... Cha, mới đây mà coi anh lên mặt dữ đa!
Tư Cầu gục gặc đầu nói trỏng:
- Phải mới đây mà coi bộ khác đa!
Nghe Tư Cầu nói vậy, Phấn khựng lại một hồi thở dài:
- Em nói đây có Bà Cậu làm chứng: thiệt tình thì em thương anh lắm... nhưng có lẽ tuổi của hai đứa mình hổng hạp. Hễ xa nhau thì nhớ mà lợi gần thì cắn đắng nhau hoài...
Tư Cầu chép miệng:
- Đến nước này, hổng hạp cũng phải cho nó... hạp, chớ để... chặt dây, bứt đỏi với nhau sao?
Liếc thấy anh khách lơn tơn đi lên, Tư Cầu nói tiếp:
- Thôi chú... chú Ba chú đi lên kìa! Mình dẹp cái chuyện ạch đụi này qua một bên đi, rồi em hỏi chú cái việc tàu bè ra làm sao...
... Vừa đi gần tới, anh khách đã tươi cười nói lớn:
- Xong hết rồi! Khuya nay lối bốn giờ tàu chạy, tôi có đặt cọc trước ba cái ghế bố cho đám mình rồi đó!
Phấn tươi tỉnh lên tiếng:
- Vậy hả? Mà chú dặn trước chi tới ba cái ghế lận?
- Thì ba người ba cái chớ sao?
- Phải rồi, nhưng sao chú không mướn phòng ở để sáng đi xe lên Sàigòn cho sớm hông thôi trễ nãi công việc mần ăn của chú hết! Chú để hai đứa tui đi tàu cho cũng được mà!
Anh khách lắc đầu, chắc lưỡi liên hồi:
- Coi, làm vậy sao được! Tôi đã hứa lo cho cô Ba thì phải lo cho... trót chớ! Đã đành rằng đi tàu nó hơi vòng vo tam quốc một chút, nhưng thây kệ... công việc của tôi có trễ một ngày hay hai ba bữa nữa thì cũng hổng ăn nhằm gì hết mà cô Ba! Thôi bây giờ tôi xin mời cô Ba và anh Tư đi ăn cơm với tôi, mình cũng phải kiếm ba hột cơm chiều lót dạ cái đã rồi tới đâu thì tới chớ... phải hông cô Ba?
Phấn mỉm cười lắc đầu:
- Thôi, chú Ba đi ăn cơm một mình đi! Tụi tui xuống dưới tàu trước, rồi kiếm bánh mì hay bánh dừa, bánh ú gì ăn qua loa cũng được mà!
Anh khách liền lôi Tư Cầu đi:
- Đi anh Tư! Đi cô Ba! Tôi đã nói tôi bao trọn hết mà! Bây giờ cô Ba muốn ăn cơm dĩa hay cơm thố đây?
Phấn lúng túng không biết trả lời làm sao vì lên Trà Ôn thì cô ta còn rành đôi chút, chớ tới Cần Thơ thì cũng... chịu phép luôn như Tư Cầu. Sau cùng cô đành trả lời... nước đôi:
- Thì chú Ba liệu coi ăn cái gì tiện đó thì ăn...
- Được rồi, để tôi dắt cô Ba và anh Tư đi “tiên lầu” ăn cơm thố một bữa cho nó lạ miệng và chắc bụng.
... Bước chân ra khỏi tiệm cơm, Tư Cầu lên tiếng hỏi anh khách:
- Bây giờ mình đi đâu chú Ba?
Phấn hớt trả lời:
- Thì còn đi đâu nữa! Bây giờ chỉ còn nước xuống tàu để nằm nghỉ cho khỏe.
Anh khách cũng nói theo:
- Mình đi xuống tàu, anh Tư à!
Tư Cầu buông thõng một câu rất là yên phận:
- Ừ đi thì đi!
... Xuống dưới tàu, anh khách dẫn hai đứa nó đi thẳng ra phía sau lái, chỗ riêng dành cho các hành khách mướn ghế bố nghỉ lưng. Anh khách chỉ một hàng ba cái ghế bố ở ngoài bìa:
- Đây, chỗ của mình đây! Cô Ba với anh Tư nằm ở cái bên trong đi và để tôi trấn cái ngoài bìa này cho.
Tư Cầu kéo anh khách vô phía trong:
- Chú... chú Ba vô trong đi, để tôi ở mé ngoài này hút thuốc cho tiện.
Phấn lên tiếng hỏi:-
- Vậy tui nằm đâu đây?
Anh khách mau miệng đáp:
- Cô Ba nằm giữa chớ nằm đâu nữa? Để tôi với anh Tư thủ hai bên cho ăn chắc, chớ đi tàu đi bè ban đêm này cũng phải phòng xa cái nạn móc túi hay bối nữa cô Ba à!
Phấn ôm gói quần áo đến ngồi bên chiếc ghế giữa rồi tươi cười nói:
- Được rồi, để tui làm... cục nhưn cho!
Thừa lúc Tư Cầu quay lưng đi để lui cui kéo sửa chiếc ghế bố của anh ta lại cho ngay ngắn, anh khách kề bên tai Phấn nói nhỏ:
- Cục nhưn này coi bộ ngon lắm đa!
Phấn vội dang đầu ra và chau mày háy anh ta một cái. Anh khách liếc sơ qua thấy bộ tịch làm ra bộ màu mè của Phấn như vậy, nên yên tâm và lại còn nói lớn:
- Thiệt là ngon đa!
Tư Cầu quay vội lại hỏi:
- Cái gì mà chú la ngon rùm trời đó hả chú Ba?
Phấn vội đáp thế:
- Người ta nói bữa cơm chiều vừa rồi ngon chớ cái gì mà hỏi hổng biết!
Tư Cầu nhìn anh khách gật gù:
- Ừ, cơm ngon gắt đa chú Ba!
Anh khách vừa ngả lưng lên ghế bố vừa tươi cười đáp:
- Tôi dắt đi thì phải ngon rồi!
Rồi anh ta quay đầu qua phía Phấn:
- Sao cô Ba hổng nằm nghỉ lưng đi! Trời tối rồi...
Phấn ngồi lên một bên mép ghế, chân bỏ thõng dưới đất, xẻn lẻn trả lời:
- Cái ghế bố này giống ghế xích đu, nằm ngửa chê hê ra coi kỳ cục quá!
Anh khách nhổm đầu lên:
- Coi, cái gì đâu mà kỳ! Thiên hạ cũng nằm loạn xạ ra đó chớ phải một mình mình sao mà cô Ba mắc cở! Hay cô Ba muốn nằm nghiêng cũng được, nhưng thế nào rồi cái mình cô cũng dồn cục xuống và bị cấn chơn. Thì nằm dài ra gác chơn lên chỗ sạp cây phải sướng hông!
Phấn lấy chiếc khăn bàn lông đội lên đầu rồi nằm xuống, bỏ hai đầu khăn phủ lên ngực. Cô đặt gói quần áo lên bụng, hai tay ôm giữ lấy và đôi chân cô gác chéo lên nhau. Chiếc quần lãnh trơn đen muớt rượt hơi kéo vén lên trên để lộ ra chót bắp chuối và những nếp hàng lãnh mềm mại rủ xuống chiếc bắp vế tròn lẳn gác đè lên nhau...
Ở bên này, Tư Cầu nằm duỗi chân, vuôn vai làm chiếc ghế bố kêu răng rắc. Anh ta ngáp dài rồi than:
- Cha, mỏi chưn quá!
Nghe vậy, Phấn lên tiếng nói:
- Hứ, ở duới anh lội suốt ngày ngoài đồng hổng sao, bữa nay ngồi xe từ sáng tới chiều, đi bộ có mấy bước mà anh lại kêu trời như bộng!
Tư Cầu vừa vói tay đưa bàn chân lên bóp nắn, vừa đáp:
- Ai hổng biết sao mà giỏi cằn nhằn quá vậy! Ở dưới lội ruộng cả ngày hổng sao là vì lội chưn không, còn hôm nay bị kéo lê hai chiếc... tam bản này theo (vừa nói Tư Cầu vừa hất hàm chỉ xuống đôi guốc) nên phồng chưn, phồng cẳng thấy mồ thấy tổ đây, chớ bộ sướng ích gì sao!
Phấn nghe Tư Cầu nói vậy bắt tức cười:
- Hèn chi!... Ai biểu anh hổng nói nên ai mà biết được!
Tư Cầu buông phịch chân xuống chỗ gác:
- Hứ, nói ra để cho bà nội bà chụp lấy cự nự nữa hả?
- Ai mà cự nự hồi nào hổng biết!
Tư Cầu lấy tay xua xua trước mặt:
- Thôi, thằng này dư biết mà!
- Ừ, dư biết vậy thì tốt!
Nói xong, Phấn vùng vằng trở mình quay lưng đưa về phía Tư Cầu. Thấy vậy, Tư Cầu còn nói ráng một câu:
- Hổng nói nữa thì ngủ cho khỏe cái thân chớ có gì mà lo!
Ở phía bên này, anh khách thấy Phấn quay qua nên lên tiếng gợi chuyện:
- Cha, cô Ba nằm theo điệu tôm kho tàu như vậy mỏi chết đa!
Phấn nhắm mắt lại làm như muốn ngủ.
... Trời đã sụp tối. Đèn điện dọc theo con đường mé sông đã bật cháy.
Ở dưới tàu, người ta cũng đã lên đèn. Vài ngọn đèn bão mắc đó đây lờ mờ soi đám hành khách, kẻ nằm ngủ, người tụm năm tụm ba bắt đầu làm quen trò chuyện...
Tư Cầu ngồi xổm dậy móc túi thuốc ra vấn hút.
Anh ta tò mò nhìn lên cái khung cảnh rộn rịp của bến tàu, lên con đường mé sông sáng trưng và nghĩ thầm: “Chắc trên Sàigòn đèn điển còn sáng hơn nhiều nữa!”
...Tư Cầu quay mặt ra phía ngoài sông để liệng tàn thuốc.
Anh ta hơi ngạc nhiên khi nhận thấy: mé sông bên chợ sáng sủa, ồn ào bao nhiêu thì mé sông phía Xóm Chài tối om và tĩnh mịch bấy nhiêu. Đó đây vài chấm đèn nhỏ nhấp nháy qua màn đêm làm Tư Cầu thấy nhớ dưới Rạch Chiếc lạ!
Ờ, nó mới xa nhà có một ngày chớ bao nhiêu!
Anh ta khẽ thở dài rồi nằm phịch xuống ghế bố.
Tiếng rao lanh lảnh của mấy chị bán hàng trên mấy chiếc xuồng chè đậu, cháo gà cặp theo tàu làm Tư Cầu chú ý lắng tai nghe. Nhưng rồi tiếng phì phì đều đều của cái ống xả hơi nước dưới tàu làm anh ta êm tai ngủ khò hồi nào không hay...
Bên này, anh khách nhổm đầu lên thấy bên Phấn và Tư Cầu lặng trang nên tằng hắng một tiếng rồi bảo:
- Bộ anh Tư ngủ rồi hả anh Tư?
Không nghe Tư Cầu trả lời, anh khách ngồi hẳn dậy kê đầu sát vào mặt Phấn hỏi nhỏ:
- Cô Ba cũng ngủ rồi nữa sao cô Ba?
Phấn cũng làm thinh, nhưng anh khách nhìn kỹ thấy đôi lông mi của Phấn nhấp nháy nên tức cười nói tiếp:
- Thôi, người ta thấy rõ hết, còn làm bộ ngủ làm chi nữa hổng biết!
Phấn vẫn không trả lời. Thấy vậy, anh khách đưa tay khều nhẹ vào vai cô ta:
- Bộ tính ngủ luôn thiệt sao chớ!
Phấn hắt tay anh khách ra và làm bộ phủi phủi trên vai. Anh khách mỉm cuời mừng rơn vì biết rằng... không đến đỗi gì và đánh bạo cầm lấy đầu khăn lông của Phấn đấp lên vai cô ta:
- Bộ lạnh hay sao mà cô Ba co ro vậy cô Ba?
Phấn vói níu lấy đầu khăn ghịt chặt sát vô ngực và lẩm bẩm cằn nhằn:
- Lạnh hay không thì thây kệ người ta, ai khiến mình lo hổng biết!
Anh khách được trớn nói luôn:
- Ý không lo sao được! Nói thiệt với cô Ba, hồi mới bước chơn lên xe dưới Trà Ôn, gặp mặt cô Ba là tôi bắt đầu... lo liền, chứ không phải để đến bây giờ mới... săn sóc đâu!
Phấn chỉ “hứ” một tiếng, chớ không trả lời.
Là một người sỏi đời, anh khách nghe tiếng “hứ” ngọt xớt đó của Phấn (chớ không phải thứ tiếng “hứ” cộc lốc) dư biết rằng cô ta không có ác cảm chút xíu nào với mình và trái lại là khác!
Làm ra vẻ rất tự nhiên, anh đặt tay lên vai Phấn và lay lay gọi:
- Ngủ làm chi cô Ba! Mình thức nói chuyện chơi, để chừng nào tàu chạy rồi mặc sức ngủ thả cửa...
Anh khách cảm thấy rõ rệt dưới lòng bàn tay một bên vai tròn lẳn, âm ấm và chắc nịch của Phấn, và giọng anh trở nên run run:
- Bộ ngủ thiệt... sao cô Ba?
Để trả lời, Phấn rùn vai, nửa như muốn co rút người lại, nửa như muốn hất nhẹ bàn tay của anh khách xuống, và bàn tay này từ từ tuột xuống ghế bố để rồi nằm yên trên chéo khăn bàn lông mà Phấn vẫn còn giữ chặt hai đầu khăn ấp trên ngực.
Anh khách muốn rút tay ra nhưng rồi lại để yên.
Đây đâu phải lần đầu tiên anh gần một cô gái trong một trường hợp tương tự như thế này, nhưng anh vẫn thấy hồi hộp như thường.
Anh khách nhích tay vào gần thêm một chút, và thêm một chút nữa...
Phấn đã buông nới hai đầu khăn lông từ hồi nào...
Anh khách chắc lưỡi nho nhỏ: thứ da thịt tròn vun, xăn cón...
Phấn hơi ngạc nhiên khi nhận thấy anh khách không có vẻ gì bộp chộp hết!
Cô vặn vẹo mình để né tránh nhưng bề ngang của chiếc ghế bố quá hẹp chỉ đủ nằm vừa khít một thân người. Cô chép miệng rút so thêm hai đôi vai lại và nằm yên nhắm nghiền mắt lại...
Một hồi lâu, thấy sao quá bứt rứt trong mình và sợ người chung quanh để ý, Phấn xoay lưng nằm ngửa ra.
Anh khách bắt buộc phải rút tay về. Anh ta nằm phịch xuống ghế bố, nhưng rồi lại quay mặt liền qua bên phía Phấn và nhăn nhó nói:
- Em Ba làm cái gì kỳ quá! Đang yên...
Phấn đỏng đảnh chận ngang:
- Cha, mới có chút đó mà kêu “em” liền!
Rồi đưa mắt liếc qua một vòng không thấy ai để ý, cô ta lấy ngón tay xỉa một cái vào trán anh khách:
- Xí!... Vậy mà còn nói người ta kỳ nữa chớ! Còn mình ẩu tả đó chắc hổng có gì “kỳ” hết phải hông?
Anh khách vừa cười nho nhỏ vừa vói tay qua định nắm lấy tay Phấn nhưng bị cô hất mạnh ra:
- Thôi nghen! Hổng phải được mợi rồi làm tới hoài đa!
Anh khách vẫn cười mơn:
- Cha, làm bộ mại hơi hoài... Người ta thấy người ta biết hết...
Phấn nhổm đầu lên sẵng giọng hỏi khẽ:
- Biết hết là biết cái gì hả?
Anh khách gật gù:
- Được rồi, muốn biết thì người ta khai hết ra đây mà biết. Nội cái chuyện mới đụng tới...
Phấn vội khoát tay chận lại:
- Thôi đi anh! Anh kiếm chuyện nói tầm bậy hoài...
- Tầm phải chớ tầm bậy gì!
Rồi anh ta vỗ đùi như muốn reo lên:
-... Mà được rồi! Nội cái tiếng “anh” ngọt như mía lùi đó cũng đủ... “phẻ” rồi!
Phấn vói tay véo anh ta một cái:
- Cái anh mắc dịch này!... Chớ chẳng lẽ tui kêu bằng chú hoài coi cũng kỳ...
- Thì cũng như tôi vậy! Tôi kêu bằng cô Ba hoài... nghe sao chỏi tai quá mà!
Phấn làm bộ nghiêm:
- Thôi đi anh! Anh kêu ầm ầm lên thiên hạ ngó lợi hết bây giờ!
Rồi nhớ trực lại còn có Tư Cầu nằm ngủ bên cạnh, Phấn sa sầm một lát, liếc qua phía anh ta. Tư Cầu vẫn ngủ yên, nhưng có lẽ vì gió lạnh bên co quắp người lại, hai bắp đùi kẹp chặt hai bàn tay.
Phấn thở dài, nhẹ tay rút cái chăn tắm quấn lỏng lẻo nơi cổ Tư Cầu xuống, rồi đem đắp phủ lên mình anh ta.
Thấy động, Tư Cầu cựa quậy, ú ớ vài tiếng trong miệng, nhưng rồi lại ngủ luôn như cũ.
Anh khách thấy thế cũng đâm ra ái ngại và nỗi vui của anh ta ban nãy bỗng nhiên như thấy vơi đi đôi ba phần. Phấn day qua bắt gặp anh khách đang nhìn mình và Tư Cầu. Cô xẻn lẻn cúi gầm mặt xuống và rồi như không biết làm gì khác hơn nữa, cô ngã phịch người xuống ghế bố. Nằm gối đầu lên cánh tay khoanh lại sau gáy, Phấn nhìn trân trân lên phía cây đèn bão treo tòn ten trên trần tàu gần chỗ ống khói.
Vài con bướm cánh lông nhỏ lòe xòe bay chung quanh ngọn đèn, và vài con thằn lằn xun xoe bò đi bò lại để chực mồi...
Phấn khẽ thở dài. Cô thầm biết ơn anh khách đã nhìn mình với Tư Cầu lúc ban nãy bằng cặp mắt đầy vẻ ái ngại, chớ nếu không, cô sẽ bực tức và buồn tủi hơn biết bao nhiêu!
Một hồi lâu, anh khách rụt rè gọi nho nhỏ:
- Em Ba, em Ba...
Thấy Phấn làm thinh, anh khách ngồi nhổm dậy:
- Em Ba, bộ em ngủ rồi sao hả?
Phấn cựa mình rồi khẽ lắc đầu:
- Ngủ gì được mà ngủ...
Anh khách do dự một hồi rồi nói:
- Tôi có câu chuyện này muốn nói với em Ba không biết em có ưng nghe không...
- Thì anh cứ nói phứt ra đi. Mà chuyện gì anh phải rào đón như vậy chớ? Lúc nãy anh lanh lợi lắm mà!
Anh khách chắc lưỡi:
- Thôi mà em Ba! Lúc nãy khác, lúc này khác! Em Ba đừng thấy tôi vậy rồi đổ riết cho tôi là... này nọ nghen!
Phấn mỉm cười
- Chớ sao bây giờ?
- Tôi thấy em Ba cũng không phải khù khờ gì, chắc em cũng dư biết xét người xét của... Em Ba đừng thấy tôi... lăng nhăng hồi nãy rồi cho tôi là thuộc hạng... mèo chuột bậy bạ đó nghen!
- Cha, anh tốt quá há!
Anh khách xua tay, lắc đầu:
- Cái đó thì tôi không dám nhận rồi! Thật ra, tôi không tốt lắm và cũng không xấu lắm... Tôi... vừa vừa vậy thôi và đủ để xài với đời.
- “Xài” theo điệu của anh cũng đủ chết thiên hạ rồi!
Anh khách nhăn nhó:
- Thôi mà em Ba! Em cứ nói dần lân hoài thì... chết tôi. Tôi có câu chuyện này muốn bàn với em Ba, chớ không phải giỡn đâu!
- Chớ bộ tui giỡn với anh hả?
Anh khách ngồi bẻ ngón tay rôm rốp một hồi rồi nhìn thẳng vào mặt Phấn chậm rãi nói:
- Em Ba, tôi nói đây em Ba đừng giận, tôi suy xét thấy cái tình cảnh của em Ba và anh Tư đây, tôi ái ngại quá em Ba à!
Phấn chau mày:
- Đó là việc riêng của tụi tui mà anh ái ngại cái khỉ mốc gì! Đáng lẽ anh mừng mới phải!
- Ậy, em Ba nghĩ vậy là sai bét hết rồi! Phải, đáng lẽ ra tôi mừng mới phải nhưng chắc em Ba cũng dư biết: tôi đâu phải thuộc hạng chơi qua đường, hạng mèo đàng chó điếm, thấy đâu thì xâu tới mà không kể gì đến ai hết! Tôi gặp em Ba đây, đâu phải chỉ gặp nội có một chuyến xe, một chuyến tàu, rồi ngoảnh mặt làm lơ mỗi người mỗi ngả!
Phấn cười hỏi lại:
- Vậy chớ sao nữa?
Nghe Phấn hỏi vậy, anh khách có vẻ không vừa lòng:
- Em Ba cứ nói cà rỡn hoài!... Tôi gặp em Ba đây còn có thể gặp nhau cả đời nữa chứ không phải chỉ nội có một chuyến xe, chuyến tàu này đâu!
- Cha, chưa gì mà anh nói coi bộ chắc ăn quá vậy?
Anh khách lắc đầu:
- Em Ba lại muốn nói đánh đầu tôi rồi! Thiệt tình ra, thì không có cái gì là chắc ăn hay không chắc ăn hết... Rồi đây, nếu không phải với nhau thì phần tôi vẫn lên Chợ-lớn lãnh cái chưn tài-phú trong tiệm sắt của ông chú tôi, còn em và anh Tư vẫn lên Sàigòn kiếm công ăn việc làm... như không có việc gì xảy ra hết. Em Ba nghĩ tôi nói như vậy có đúng không?
Phấn gật đầu thở dài:
- Thì đúng rồi!
- Đó, em Ba coi: giữa em Ba và tôi... và cả anh Tư nữa, không có ai ép buộc ai cái gì được ráo... Nhưng riêng phần tôi... thôi tôi cũng nói thiệt ra đây chớ không giấu diếm làm gì nữa, phần tôi... tôi thương em Ba. Phải, em Ba đừng cười, tôi thương em Ba thiệt tình, thương một cách bất ngờ, mà ngay chính tôi cũng không dè nó mau chóng như thế được!
Phấn cúi đầu làm thinh, tay vân vê chót khăn bàn lông. Anh khách sốt ruột chờ đợi câu trả lời của cô rồi hỏi tiếp luôn:
- Em Ba, bộ tôi nói vậy em Ba không tin chút xíu nào hết sao?
Phấn mỉm cười lắc đầu:
- Thiệt anh hỏi tui một câu khó trả lời quá! Tui biết bụng dạ anh làm sao mà tin hay hổng tin... Anh nói vậy thì tui hay vậy...
Anh khách lộ vẻ bực tức, nhổm hẳn người lên, nhích chiếc ghế bố lại gần ghế Phấn thêm chút nữa:
- Coi, chẳng lẽ tôi thề em Ba mới tin sao? Mà tôi tội tình gì phải thề thốt chớ? Đây tôi nói câu này để em Ba nghĩ lại coi: nếu tôi không thiệt tình thương em Ba, không muốn tính chuyện lâu dài mà chỉ muốn chơi qua đường thôi thì... thú thiệt với em Ba, tôi có thiếu gì cách..
Bên này, Phấn nghe nói như vậy “xì” một tiếng. Anh khách vội dơ bàn tay ra đập đập vào khoảng không như để chận trước những lời chanh chua của Phấn sắp sửa thốt ra:
- Em Ba không tin hả? Tôi nói đây không phải tốt lành gì mà khoe, chớ nếu muốn chơi qua đường thôi thì... thiếu gì cách!... Chắc em Ba cũng biết sơ sơ được rằng tôi đâu phải vụng về gì lắm trong việc... o bế một cô gái, nhứt là cô gái ấy tứ cố vô thân bơ vơ một mình...
Phấn chận ngang:
- Thì anh muốn nói tui nói đại đi, chớ bày đặt bày điều nói vòng vo làm gì cho mất công hổng biết!
Anh khách cười:
- Tôi xin lỗi em Ba, nghen em!
Rồi nghiêm giọng, anh nói tiếp:
- Tôi nói câu này chắc em Ba cũng dư biết: hoàn cảnh hiện nay của em Ba... kẹt lắm chớ hổng phải chơi đâu... Và nếu gặp người khác thấy em Ba ngộ như vậy sanh tâm bậy bạ thì... dễ ợt chớ không khó khăn gì!... Ậy, em Ba khoan nóng để tôi nói hết đã... Thiệt à em Ba, không chóng thì chầy, em Ba cũng phải xiêu lòng... hay vì hoàn cảnh bắt buộc mà phải làm khác ý mình...
Phấn cười khẩy:
- Chắc anh thấy tui hơi... dễ dãi buông thùa hồi nãy nên bây giờ anh mới dám nói càn nói mạng như vậy chớ gì phải hông?
Anh khách nhăn nhó:
- Em Ba nói vậy chết tôi rồi! Em Ba nghĩ lại coi: nếu tôi là một thằng bậy bạ tính làm chuyện đóng cửa rút cầu thì đời nào tôi khai thiệt hết ra như vậy để em Ba sanh nghi thêm hay sao? Như vậy lộ tẩy hết còn gì hả em Ba?
Thấy Phấn làm thinh, anh khách hăng hái nói tiếp:
- Sở dĩ tôi nói vậy là vì tôi đã từng mắt thấy tai nghe rất nhiều cảnh ấy. Nội con đường dưới mình lên Sàigòn này, tháng nào mà tôi không có lên xuống để bổ hàng cho tiệm của ông già tôi...
Phấn chen vô một câu:
- Hèn chi anh rành về chuyện... móc ngoéo người ta quá!
Anh khách vừa cười, vừa chắc lưỡi:
- Thôi mà em Ba! Em Ba cứ cản mũi, cản lái hoài làm sao tôi nói hết được! Tôi đã có dịp thấy biết bao cô gái từ miệt đồng bỏ nhà bỏ cửa tuôn lên trên này để rồi bơ vơ lỡ đường lỡ xá; muốn đi nữa thì không còn một xu ten dính túi, mà muốn quay lộn trở về nhà thì không dám, rốt cuộc rồi sa vào xóm điếm hết ráo! Đó em Ba coi, mấy cô chơi bời ở trên mấy cái nhà ngủ mà hồi chiều em Ba nói là ngán đó, mấy cổ cũng ở trong cái đám ấy ra chớ đâu!
Phấn nghe anh khách nói vậy, cũng hơi lo ngại, nhưng còn làm bộ hỏi cứng lại:
- Anh nói vậy mà có thiệt hông? Hay là anh tính dọa tui đó hả? Tui cũng nói thiệt với anh Ba, tui đâu có ngán chuyện đó: tui đi đây đâu phải nhắm mắt đi càn, mà đã có cụ bị sẵn đâu đó hết rồi. Mà theo như anh nói, bộ ai bỏ nhà ra đi cũng bị... như vậy hết sao chớ?
- Em Ba cứ nghĩ bậy hoài! Tôi dọa em Ba thì có ăn chung gì không chớ? Nếu tôi mà không đàng hoàng như người khác đời nào tôi khai ra như vậy! Đời bây giờ tinh ma quỷ quái lắm em Ba à; kẻ thương mình thì hổng có bao nhiêu, chớ kẻ muốn hại mình thì, ôi thôi, thiếu gì! Bây giờ sắp lên, nếu em Ba không gặp tôi thì chắc chắn cũng sẽ gặp những thằng sát nhơn ác đức khác. Tôi nói đây không phải để khoe mình “song tàn”, hay là Thánh Thần Tiên Phật gì mà... hổng bậy bạ được, nhưng chẳng qua vì tôi thương em Ba. Phải, tôi thương em Ba thiệt tình... tôi nói đây có thiên địa quỷ thần hai vai làm chứng.
Phấn cười bảo:
- Ai mà dám chứng ẩu cho anh!
- Tôi nói vậy mà em Ba không tin sao! Đây, tôi thề độc một câu: Tôi Lâm Sanh, năm nay 25 tuổi, tôi mà có gian dối một điều gì thì xin Ông Bổn vật tôi hộc máu chết liền đi.
Phấn vội níu tay áo anh ta giựt giựt:
- Thôi, thôi, anh Ba! Tui nói chơi mà anh làm gì thề bán mạng như vậy?
Rồi cô dịu giọng hỏi thêm:
- Bộ anh 25 tuổi hả? Cha, cái điệu này anh lớn hơn tui gần chục tuổi lận! Tui mới 16 à!
Anh khách hớn hở hỏi lại:
- Vậy hả? (rồi anh ta chép miệng than) Em còn nhỏ tuổi quá mà sao dám tính chuyện động trời động đất vậy hổng biết! Không phải tôi khi dễ em Ba cái gì đâu, tôi biết em Ba lanh lợi lắm nhưng – không phải tôi nói đây để chê bai gì – như vậy cũng chưa đủ để đối chọi với đời đâu, em Ba à! Tôi thấy chỗ đó, tôi càng thương em Ba. Tôi nói đây cũng kỳ một chút: tôi thấy sao bứt rứt trong lòng nếu tôi không lo bao bọc trọn vẹn cho cuộc đời của em Ba, kể từ giờ phút này trở đi...
Nghe anh khách nói dài dòng như vậy, Phấn cũng cảm động. Cô đặt một tay lên đầu gối của anh ta và ngập ngừng nói:
- Thiệt tui cảm ơn anh lắm... Tui hiểu rõ bụng của anh lắm. Tự nãy giờ tui nói xóc hông, đó là để chọc anh Ba chơi, chớ bộ tui mù hay sao mà không thấy hả anh Ba?
Nói đến đây, Phấn thở dài nhìn qua Tư Cầu rồi quay lại nói tiếp:
- Nhưng chắc anh Ba quên rằng tui đây đâu phải chỉ có một thân một mình! Anh Ba thấy còn có anh Tư nữa đó! Hai đứa tui thương nhau nên mới dẫn đi như vậy chớ nếu không tui lên Sàigòn làm tế gì? Tui...
Không để cho Phấn dứt lời, anh khách chận ngang nói luôn:
- Đó, cũng vì chỗ đó mà tôi dám nói thương em Ba gắt tình đa! Chớ nếu có một mình em Ba trơn thì... kể số gì.! Đáng lẽ tôi thương em Ba một, mà có thêm anh Tư nữa thì tôi thương em Ba tới mười lần!
Phấn xô đầu gối anh ta ra:
- Cái anh quỷ này! Thôi đi anh, để nói chuyện đàng hoàng, chớ anh cứ đâm chịa hoài...
Anh khách nghiêm nghị đáp:
- Coi bộ em Ba nói tôi giỡn sao chớ! Tôi nói thiệt mà! Tôi thương em Ba một phần vì em Ba... hạp nhãn tôi, một phần vì hoàn cảnh tứ cố vô thân của em Ba và một phần nữa vì em Ba còn có anh Tư... Tôi xót xa cho em Ba và cho anh Tư về cái hoàn cảnh ngang trái của hai người lắm...
- Tụi tui thương nhau thì dắt lên Sàigòn kiếm công ăn việc mần chớ có cái gì đâu mà anh cho là ngang trái... anh Ba nói thương tui thì tui biết vậy. Mà nếu anh có thiệt tình thương tui thì tui cản cũng hổng được. Nhưng cái chuyện anh Ba nói thương tui một phần vì tui có anh Tư thì sao... nghe khó thông quá!
Anh khách mỉm cười, chậm rãi đáp:
- Tôi nói nghe sao trái cựa quá phải không em Ba? Nhưng sự thật là đúng như vậy. Tôi thương em Ba mà tôi lại thương cả anh Tư nữa! Tôi có kể cho em Ba nghe là mùa lúa năm nào cũng vậy, tôi lội khắp miệt vườn để mua lúa cho ông già; đời sống duới ruộng rẫy ra sao tôi dư biết hết, vì vậy khi thấy anh Tư đây, tôi nghĩ ngay rằng ảnh khó mà chịu đựng nổi cái lối sống chộn rộn ở thị thành.
Phấn chống chế:
- Anh Ba nói vậy, rồi cái gì cũng phải quen hết chớ!
- Đành rằng như vậy rồi, nhưng nhiều khi nó mất vui và còn sanh ra lục đục với nhau là đằng khác. Tôi thấy anh Tư đây là người hiền hậu thiệt thà, như vậy lên trển ảnh còn khổ nhiều, và chắc em Ba cũng không được sung sướng gì! Ban đầu thì cái gì cũng được, cũng êm cũng ráng với nhau hết, nhưng lâu ngày chầy tháng, tránh sao cho khỏi cái chuyện vấp váp, và tới chừng ấy sanh ra cắn đắn nhau! Lúc đó, dầu có tính khôn tính dại, tính thiệt tính hơn gì nữa thì cũng đã lỡ ra rồi... Đến nước này chỉ còn cách ráng chịu đựng nhau được chút nào hay chút nấy...
Phấn rầu rầu nói:
- Anh Ba nói vậy nghe cũng phải nhưng tui với anh Tư thương nhau...
Anh khách chận ngang:
- Ai mà không biết em Ba với ảnh thương nhau! Nhưng thương nhau cái điệu đó để mà chết chùm với nhau hả em Ba? Em Ba à, ở đời thương nhau thì dễ nhưng thương nhau cho trót, thương nhau cho êm thắm cả đôi bề mới thật là khó! Em Ba là người biết suy nghĩ chắc em Ba cũng dư biết rằng: đâu phải hễ nói thương nhau là nhảy a thần phù lại ôm xà nẹo với nhau mà sống đời được!
Ngừng một giây, anh ta cười nhẹ, nói tiếp:
- Mình thương nhau mà cha mẹ, làng xóm, tiền bạc...và cả tánh tình nữa cũng không... thương nhau được nữa với mình, thì dầu tài giỏi cách mấy cũng chết nhăn răng ra nữa, em Ba à!
Phấn chớp mắt liền mấy cái rồi ngập ngừng thú nhận:
- Hổng phải tui ngu dại gì mà không biết những điều anh Ba nói đó... Nhưng cái chuyện của tui với anh Tư đây... khó lắm chớ không phải dễ dàng gì đâu!
- Sao mà em Ba nói khó với dễ?
- Thôi, đến nước này tui cũng không giấu anh Ba làm chi nữa; thiệt ra vì có tui rủ rê nên anh Tư ảnh mới dám bỏ nhà đi như vầy.
Anh khách cười bảo:
- Em Ba không nói tôi cũng biết!
Phấn chau mày nhưng rồi lại nói tiếp:
- Bởi vậy, dầu sao tui cũng hổng đành tâm... có ý nọ kia gì khác với anh Tư. Tui lôi kéo ảnh đi như vầy cũng quá quắt lắm rồi!
Anh khách gật gù như có vẻ tán thành:
- Em Ba nói như vậy kể ra cũng phải lắm nhưng... (đến đây anh khách nói tiếp với một giọng quả quyết) nếu nghĩ kỹ lại khó lắm em Ba ơi! Đó là tôi không muốn nói là nó còn tai hại biết cơ man nào mà kể...
Phấn trố mắt hỏi:
- Sao? Tai hại cái gì, anh làm ơn nói thử cho tui nghe coi?
Anh khách vỗ nhè nhẹ vào vai Phấn:
- Khoan, em Ba đừng nóng! Việc đâu còn có đó mà! Tôi nói tai hại là ở chỗ về sau này. Tôi không dám cho rằng em Ba và anh Tư không ở bền được với nhau, nhưng điều mà tôi có thể nhứt quyết nói được là hai người sẽ chỉ làm khổ cho nhau thôi!
- Hứ, nếu có khổ tui cũng cắn răng mà chịu!
Anh khách vẫn ôn tồn:
- Thì đành như vậy rồi! Bộ em Ba nói tôi hổng biết em Ba là một người... gan lì hay sao? Nhưng tôi thử hỏi em Ba: em Ba với anh Tư dắt nhau đi như vầy để làm gì, nếu không là để được thong dong sống có cặp sung sướng hú hí với nhau, mà khỏi phải để cho ai cản trở dòm ngó... có phải vậy không em Ba?
Phấn gật đầu. Anh khách lại tiếp:
- Cái chuyện mình tính là như vậy đó. Nhưng ở đời có nhiều chuyện mình tính một đàng thì nó lại đi một nẻo! (Rồi bằng một giọng tha thiết, anh khách chậm rãi nói thêm) Em Ba, tôi thiệt tình thương em Ba và... anh Tư nên tôi mới nói ra điều này: cái chuyện của em Ba và anh Tư khó ăn đời ở kiếp được với nhau đâu!
- Sao vậy?
- Em Ba, tôi nói đây không phải để dìm ai, nhưng chắc em Ba đã có lần suy nghĩ đến: rồi đây vì hoàn cảnh đẩy đưa, chưa chắc gì em Ba và anh Tư lên Sàigòn sẽ sống... dễ chịu liền, thêm vào đó, tánh tình hai người như mặt trời, mặt trăng... như vậy hai người càng sống với nhau càng làm khổ cho nhau thôi!
Phấn thở dài:
- Chắc anh Ba biết: tui hổng có cách gì khác vì chuyện đã dĩ lỡ ra rồi, và dầu sao thì tui với anh Tư cũng thương yêu nhau...
- Thương yêu nhau phải để làm hại đời nhau. Tôi dám nói chắc điều này với em Ba: dắt anh Tư đi lang bang như vậy là em hại đời ảnh. Tôi biết chắc rằng anh Tư không thể nào sống sung sướng trên Sàigòn. Như vậy có phải em Ba hại đời ảnh hay không? Mà em hại luôn đời của em Ba... Tôi biết em Ba là một người chung tình, em Ba không nỡ lòng nào buông rơi anh Tư, và cũng vì vậy mà rồi đây hai người sẽ khổ lây với nhau, bỏ thì thương, vuơng thì tội...
Phấn đáp buông thõng:
- Tui cũng biết như vậy nhưng đầu dây mối nhợ gì cũng tại tui hết, tui thương anh Tư và tui phải ráng lo làm sao cho vuông tròn...
- Đúng như vậy rồi! Em Ba phải lo cho ảnh và em Ba nên để cho ảnh... trở về dưới nhà...
Phấn dẫy nẩy:
- Ý, vậy hổng được đâu!
- Ậy, mà được! Ảnh trở về thì được, còn em Ba trở về hết được nữa rồi. Bất quá thì ảnh bị ở nhà rầy la năm bảy ngày hay nhiều lắm một tháng là cùng chớ gì, rồi đâu cũng vô đó... Ảnh có thương nhớ em thì rồi cũng khuây khỏa, hay có lậm lắm thì cũng chỉ buồn buồn vậy thôi, chớ ảnh mà theo dính luôn em Ba, ảnh sẽ khổ sở và không chừng ảnh sẽ còn cảm thấy ân hận một đời nữa là khác!
Không nghe Phấn nói gì hết, anh khách chêm thêm:
- Phải, em Ba à, anh Tư có theo em lên Sàigòn thì thế nào rồi ảnh cũng khổ tâm mà em cũng chẳng sung sướng gì!
Phấn nói xụi lơ:
- Tui cũng biết như vậy, nhưng...
Anh khách chận ngang:
- Nhưng em Ba còn nặng tình với ảnh phải không? Như vậy, em Ba cần phải... hy sanh cái tình của mình để tránh trước cho đời anh Tư qua khỏi một cơn sóng gió ê chề. Tôi đây cũng vậy, em Ba à, tôi thấy anh Tư thiệt thà chơn chất mà dám liều mạng ra đi như thế này, lòng tôi đâm ra bất nhẫn. Em Ba à, tôi nghĩ sao nói vậy chớ không phải vì thương yêu em Ba rồi đặt điều xía vô để xúi biểu này nọ đâu, xin em Ba đừng ngờ oan tôi tội nghiệp! Cha, phải chi anh Tư lanh lợi xảo trá và chính ảnh dụ dỗ em Ba đi thì dễ xử cho tôi biết mấy!
- Sao lại dễ xử?
Anh khách cười:
- Vì tôi chỉ cần... lôi tuột em Ba đi chớ khỏi phải phân trần dài dòng gì ráo!
- Anh thiệt là thứ quỷ! Chưa gì mà tui thấy ớn anh quá!
- Em lại nghi bậy cho tôi rồi!
Rồi anh khách nghiêm giọng lại:
- Sao em Ba? Em tính thể nào? Mà em có tính gì thì tính gấp gấp bây giờ đi chớ để sáng mai thì... hết xoay xở nổi đa em?
Phấn nhăn nhó đáp:
- Thiệt khó cho tui quá! Anh Ba hỏng biết tui kẹt như thế nào...
- Sao lại không! Em Ba kẹt nên phải gỡ liền bây giờ chớ nếu để dây dưa riết rồi thì chỉ có nước chịu trận đa! Em Ba thương anh Tư, nhưng cái việc “thương” đó không thuận cho hai đàng, còn nếu em Ba bằng lòng đi với tôi, tuy bây giờ em Ba chưa có thương tôi đi nữa cái việc ấy lại thuận cho cả ba người.
- Sao lại kỳ cục vậy?
- Đây nè, anh Tư trở về sống thong dong như cũ, còn em Ba quay về hết được thì đã có tôi, dầu ở chỗ lạ nước lạ cái có tôi cũng... đỡ lắm em Ba à! Em Ba biết tại sao tôi dám nói chắc như vậy không?
Phấn ngước mặt lên hỏi:
- Tại sao hả anh Ba?
- Thì có gì đâu, tôi đã có sẵn chỗ làm ăn trên Chợ-lớn. Như vậy, trong lúc đầu, dầu hèn cũng thể mình đã có nơi ăn chịu rồi phải không em Ba?
- Được như vậy cũng hay rồi! Thiệt tình tui nhắm mắt đi liều, chớ càng gần lên tới trển chừng nào tui càng lo quýnh thêm... Anh Tư ảnh lại thiệt thà quá! Bây giờ tui nghĩ lại mới thấy giựt mình: nếu sau này ảnh có bề gì thì cũng tại tui hết (và nó ngó qua Tư Cầu lắc đầu chép mệng than)... Thiệt tội nghiệp cho anh Tư quá!
Anh khách vói nắm lấy tay Phấn:
- Thôi em Ba à, mình thương ảnh thì mình phải tính cho ảnh... Rồi đây, tôi dám nói chắc với em Ba rằng: mình sẽ có ngày trở về thăm ảnh và lo gầy dựng cho ảnh làm ăn khá giả với người ta...
Phấn vội hỏi:
- Anh tính ra sao mới dìa ngó mặt bà con xóm giềng được, chớ bộ vác thây dìa khơi như vậy được sao?
Anh khách cười đắc ý:
- Vậy chớ sao? Ít ra mình cũng phải bằng năm bằng mười lúc ra đi thì mới dám ló mặt về dưới chớ! Như em Ba đây thì tệ lắm cũng phải là một bà chủ nho nhỏ để dẫn tôi về ra mắt họ hàng...
Phấn thò tay véo anh ta một cái:
- Anh nói cho quá rồi nữa hổng có cái mốc xì gì hết, chết với tui đa nghe!
Anh khách hí hửng xiết mạnh lấy bàn tay của Phấn:
- Vậy em Ba bằng lòng rồi phải không?
Phấn rút nhẹ tay và ngập ngừng nói:
- Có cái gì đâu mà... bằng lòng hay hổng bằng lòng. Bây giờ mình cần lo cho anh Tư trước nên phải tính với nhau vậy thôi...
Anh khách hiểu ý Phấn nên không làm bức quá, liền nói xuôi theo:
- Em Ba nghĩ như vậy cũng phải, mình nên lo cho anh Tư trước cái đã.
Phấn vội hỏi:
- Anh Ba có nghĩ cách nào cho êm thắm hông? Chớ chẳng lẽ tui nói thẳng với anh Tư thì... ngặt lắm! Tui hổng đành tâm làm như vậy đâu! Bề gì ảnh cũng thương tui...
- Thì ai mà làm như vậy được! Cũng may là mình ở đây còn gần dưới nhà ảnh, chớ nếu để đi tuốt lên Sàigòn thì khó xử dữ đa!
Anh khách nghĩ ngợi một hồi rồi nói tiếp:
- Cố nhiên là mình không thể để cho ảnh biết trước được rồi! Vậy thì chỉ còn cách là làm sao em trao êm cho ảnh một số tiền, rồi tụi mình... tách ra đi riêng. Như vậy thế nào ảnh cũng quay trở về chớ không dám đi tới nữa đâu. Mình tính như vầy kể ra cũng kỳ lắùm nhưng không có cách gì khác hay hơn em Ba à! Đó là một việc dầu cho tôi thương em Ba hết sức, tôi cũng vẫn áy náy vô cùng... Thôi mình đành ráng chịu như vậy miễn làm sao cho anh Tư được trọn vẹn thì thôi, phải không em Ba?
Phấn ủ rũ gật đầu:
- Thì chỉ còn cách đó! May mà tui chỉ làm phiềân ảnh có bấy nhiêu thôi, chớ nếu còn đeo đẳng nữa tui hại trọn đời ảnh...
Rồi cô thở hắt ra một hơi và nói tiếp một cách gọn lỏn:
- Thôi được rồi, để tui lo phần này sao cho xong thì thôi!