Phần IV (2)

    
uộc kháng chiến chống thực dân ở Nam bộ đã bắt đầu...
Tư Cầu cũng như bao nhiêu trai tráng khác trong làng đều hăng hái gia nhập vào hàng ngũ chiến đấu. Và nói là hàng ngũ chiến đấu cho oai chơi chớ thực ra cũng chẳng có gì khác hơn là vác tầm vông canh tuần trong làng, trèo lên mấy ngọn dừa sát bờ sông cái để canh chừng tàu tuần của tây xuống...
Tàu Tây có đi ngang đó mấy lần nhưng lần nào cũng đi tuốt, báo hại trong xóm đánh mõ hồi một, đánh ván ngựa, khua thùng thiếc vang rân... Và khi nào rảnh rang, mấy tay du kích trong làng đi lùng kiếm nhíp xe cũ để có thứ thép tốt mang về rèn kiếm, ba nha, phi tiêu...
Riêng Ba Kiên, anh của Tư Cầu thì có vẻ lăng xăng hơn hết, khi chạy theo Nhựt-bổn, lúc nhảy qua Thanh niên Tiền Phong, rồi nhào sang Việt Minh... vào lúc nào và dầu ở đâu, anh ta cũng làm coi xôm tụ hết.
Ngày này qua ngày khác, anh ta chạy lên chạy xuống Trà Ôn để lãnh... chỉ thị. (vì nhờ đi vận động trước trên quận nên anh ta đã chốp luôn chức vị “chỉ huy” đội du kích xã) Bên hông anh ta lúc nào cũng đeo lủng lẳng một cây dao găm thật đẹp và hai trái lựu đạn nội hóa mà anh ta đã xin được của mấy “anh lớn” trên quận.... Tây chưa thấy đâu, nhưng suốt mấy hôm nay vài làng lân cận đã nhiều lần bị nạn Thổ dậy. Và kỳ dậy này rất khủng khiếp hơn trước nhiều, vì lẽ giản dị là ba ông đi “cáp duồng” có thêm thế dựa nơi mấy “quan lớn” đã bắt đầu tấn công trấn đóng ở một vài nơi trong tỉnh.
Dân trong làng nhốn nháo cả lên, và ai ai cũng nơm nớp lo sợ không biết bữa nào đây đến lượt làng mình bị đại nạn. Có người muốn tản cư nhưng rốt cuộc rồi cũng chẳng biết đi về đâu cho yên: miệt trên Tây đã tới đóng, còn miệt dưới toàn là những vùng có nhiều sóc ở rải rác khắp nơi.
Ban chỉ huy trên quận bị làng xã thúc hối phải giúp giải quyết về mối hăm dọa nặng nề ấy, bèn hạ lệnh cho các làng phải họp nhau lại để ngăn ngừa nạn Thổ dậy. Và cách ngăn ngừa hiệu quả nhứt là... kiếm ngay mấy cái sóc “đầu não” để tấn công trả đũa một vài lần cho “họ” tởn không dám lộng hành như trước nữa.
Thế là làng của Tư Cầu ở, và một vài làng nữa bên cạnh liên kết nhau lại để bàn cách ra tay. Mấy “anh lớn” cấp phát thêm cho một số lựu đạn nội hóa và một mớ súng hai lòng, súng hơi tịch thâu của những tay điền chủ trước đây.
Tất cả đều đồng ý sẽ “xuất quân” trong một buổi tối nọ có trăng non nhá nhem và cái sóc được chọn lựa lại là cái sóc bên miệt Thơm ở.
Vì vậy, Tư Cầu là một trong những người hăng hái nhứt, anh ta mong từng ngày, đếm từng giờ cho mau đến lúc ra tay. Anh ta hăng hái nhưng rất trầm tĩnh, một thứ trầm tĩnh gần như lạnh lùng, chứ không phải thứ hăng hái lao xao, bộp chộp của mấy chàng trai khác chưa gì đã muốn khoe rân đảm lược của mình.
Chiều tối hôm ấy, sau khi chuẩn bị đâu đó xong xuôi, cả bọn lối ba mươi mấy người lặng lẽ kéo nhau lên đường...
Họ lội băng qua đồng rồi lên con lộ đá dò dẫm đi xuống miệt La Ghì...
Tư Cầu đặt chân lên con lộ này như đặt chân lên một con đường báo oán chờ đợi từ mấy mươi đời. Anh ta mím môi nhìn về phía gò mả.
Dưới ánh trăng lu của đêm mồng sáu, hàng cây còng trên gò mả trước mắt Tư Cầu chỉ là một dẫy bóng đen kịt như những hồn ma bóng quế ôm lấy nhau trong ấy để nhìn ra đoàn người đi ngoài này... khoắc khoải chờ giờ siêu tán.
Tư Cầu nắm chặt lấy cái cán cây trường kiếm, và bàn tay trái của anh mân mê lên hai trái lựu đạn buộc bên hông. Vỏ gang lạnh của lựu đạn làm cho Tư Cầu có một khoái cảm gần như man rợ.
Đoàn người lặng lẽ tiến lần về phía sóc.
Tiếng chim cú kêu cách khoảng rời rạc trên chót vót cành cây bàng mọc sừng sững trước một ngôi miễu hoang phế như những tiếng điểm lần lần của giờ phút báo oán, và tiếng oang oác của mấy con chim heo kia mới thật đúng là tiếng báo tử của một thứ sứ giả thần chết.
Một phát súng nổ.
Một mồi lửa ném tung lên
Rồi những phát súng, những mồi lửa liên tiếp.
Bị tấn công bất ngờ dân trong sóc cứ túa ra chạy. Lửa cháy phừng phừng trên các mái nhà tranh, tiếng chó sủa vang rân, tiếng bò rống inh ỏi, tiếng đàn bà trẻ con kêu khóc om sòm, tiếng người rú kinh khủng... ánh lửa lóe ra nơi đầu súng, ánh thép ngời lên bên xác người...
Dân làng sau khi phóng hỏa sóc bèn bao vây xung quanh nấp vào trong bóng tối để chờ người ở trong chạy túa ra.
Tư Cầu núp sau một cái bồ đập lúa hươi kiếm liền tay và ánh lửa phừng phực cháy bên trong, tiếng ống tre nổ lốp bốp, tiếng súng đệm rầm rầm, tiếng người kêu thét lên từng chập càng làm cho anh ta như say máu.
Bỗng giữa khoảng khói tỏa mịt mù có một bóng đen thấp thoáng. Tư Cầu dơ cao tay kiếm lên và chỉ chờ cho người trong ấy dớn dác chạy ra là chém phập xuống.
Nhưng... Tư Cầu buông thõng tay xuống: từ trong đám khói quờ quạng đi ra, không phải là một người lớn mà là một đứa trẻ độ năm sáu tuổi trần truồng, vừa đưa tay dụi mắt lia lịa vừa mếu máu kêu khóc.
Tư Cầu đứng lặng người không nhúc nhích rồi như có cái gì nghẹn nơi ngực, anh ta đưa tay mở vội mấy nút cổ áo, và không nghĩ suy gì nữa, anh ta chạy ra níu tay đứa bé kéo tuột vào, ngó quanh ngó quẩn tìm một chỗ giấu nó cho chắc. Sau cùng như nhớ trực lại chiếc bồ đập lúa, Tư Cầu bèn ôm xốc đứa bé lên bỏ tuốt vô trong ấy dơ tay ấn mạnh đầu nó xuống. Thằng bé khiếp đảm ngồi co ro và nín khe.
Lửa vẫn phừng phừng bốc cháy trên dãy nhà, tiếng người khóc vẫn nổi lên từng chập. Tư Cầu như xây xẩm mặt mày và bỏ trốn ra ngoài bìa vườn.
Chạy ngang qua một căn nhà sàn mà lửa bắt đầu táp cháy một bên mái, Tư Cầu bỗng thấy Ba Kiên từ trên cầu thang hấp tấp bước xuống, hai tay ôm cứng một thiếu nữ Miên nằm rũ rượi như đã kiệt sức vì giẫy giụa la hét tự bao giờ...
Ánh lửa của đám hỏa hoạn ở hai bên rọi chờn vờn lên trên thân thể người thiếu nữ đang bị Ba Kiên ôm nâng lên cao để tiện bước mau xuống; tóc cô gái xõa xuống, ngực nàng trống trơn và ánh lửa phản chiếu như rọi lên một pho tượng bán thân bằng đồng đen tạc khéo nét, chiếc váy của nàng còn mắc một bên chân và kéo rũ lê thê trên mấy bực thang tre...
Một đội viên du kích nữa từ trên nhà sàn vác mã tấu chạy ùa xuống sau lưng Ba Kiên và giục anh ta:
- Anh bê nó lại phía cây rơm ở góc chuồng trâu kia kìa!
Ba Kiên không trả lời mà cứ hối hả bước xuống...
Tư Cầu chạy lên chực sẵn dưới chân cầu thang.
Ba Kiên ngẩng đầu lên hỏi:
- Ủa mầy đứng đây làm gì đó hả?
Tư Cầu chưa kịp trả lời thì anh ta cười và hất hàm hỏi thêm:
- Ê muốn theo ké với tao hông? Muốn thì đi. Ngon lành lắm nghen!
Vừa nói anh ta vừa lấn Tư Cầu qua một bên bước sấn tới.
Tư Cầu giơ tay cản lại:
- Khoan! Anh để tui nói cái này đã!
Ba Kiên xẵng giọng:
- Mầy có theo tao thì theo, chớ khoan cái gì nữa đó mậy?
Tư Cầu chỉ người thiếu nữ Miên nằm trên tay anh mình:
- Anh làm cái gì kỳ vậy...
Ba Kiên bực mình:
- Bộ mầy khùng hả?
Rồi anh ta thản nhiên ôm cô gái đi thẳng tới, tên bạn đồng đội hối hả bước sát sau lưng theo hộ tống.
Tư Cầu chạy vọt lên chận đường. Ba Kiên đứng phắt lại hỏi gằn:
- Mầy muốn cái gì thì nói phứt đi thằng ông nội! Hay có muốn hưởng trước tao thì cũng nói luôn đi!
Tư Cầu chậm rãi đáp:
- Anh đừng nói giỡn anh Ba! Anh thả người ta xuống chớ làm như vậy coi hổng có được đâu!
Ba Kiên ngó tên đồng đội cười rộ lên:
- Ê, nó nói vậy mà mầy nghe coi được không? (đoạn anh ta day qua Tư Cầu) Nè Tư, tao có lòng... tốt kêu mầy theo, mầy hổng chịu thì thôi, chớ đừng nhảy vô cản mũi cản lái tao hổng được đâu nghen em bậu!
Tư Cầu lạnh lùng nói:
- Mà tui kêu anh thả cô gái này ra!
Ba Kiên cười khan rồi kề vô sát mặt Tư Cầu hỏi:
- Bộ mầy chứng rồi sao hả Tư? Thôi dang ra cho tao đi... tao còn nghĩ tới tình nghĩa anh em lắm hông thôi nãy giờ mầy.... khổ rồi đa!
Tư Cầu nhìn thẳng vào mắt Ba Kiên và lập lại:
- Anh thả cô gái này ra đi! Anh đừng để tui nói nhiều!
Ba Kiên lại phá lên cười rồi hỏi gằn:
- Ê Tư, tao chỉ huy mầy hay mầy chỉ huy tao mà bây giờ mầy ra lịnh cho tao đó mậy!
Tư Cầu cười lạt:
- Thì ai dành cái chức chỉ huy của anh đâu, và cũng vì vậy nếu anh làng chàng hổng nghe theo tui, tui dìa báo cáo lên mấy anh lớn thì anh thắt họng.
- Tính “làm hộp” với tao hả mậy?
- Tui nói thiệt đa.
Ba Kiên dịu giọng:
- Ê Tư, bộ mầy đành tâm làm vậy hả?
- Tui hổng làm cũng có thằng khác báo cáo thì cũng vậy.
- Thấy khỉ gì được Tư! Tụi nó đang rần rần như vầy ai đâu hơi sức để ý đến ai mậy?
- Thì tui để ý vậy. Mà tui nói thêm anh nghe: anh làm bậy bạ như vậy tụi Thổ nó chạy ngang qua nó thấy được thì Bà cứu đa!
Tên đội viên đứng bên cạnh Ba Kiên nói chen vô:
- Có tui canh chừng chứ bộ không sao?
Tư Cầu cương quyết lắc đầu:
- Tui nói hổng được là hổng được! Nếu mấy anh làm tới tui phá đa!... Cô gái Miên ở trên tay Ba Kiên ngơ ngác hết ngó Ba Kiên đến nhìn Tư Cầu, hai tay cô ôm chặt lấy ngực và mấy lần cô ta muốn vùng ra, rồi hất hất bàn chân để kéo cái váy lên nhưng đều vô ích... Ba Kiên càng ôm siết cứng thêm.
Anh ta chắc lưỡi rồi dịu giọng nói:
- Ê Tư, vậy tao hỏi mầy: tại sao mầy muốn làm kỳ đà cản mũi tao hoài hả? Vậy chớ hồi đó tụi nó hiếp, nó đâm con vợ của mầy đó thì được hén? Bộ mầy quên rồi sao hả?
Tên đội viên lại nói vuốt theo:
- Ừa, bộ anh hổng nhớ hai ba thằng Thổ nó đè vợ anh đó sao? Bây giờ tội gì mình tha con Thổ cái này...
Tư Cầu thở dài, lắc đầu rồi ấp úng nói:
- Tui quên sao được... nhưng.... (anh ta chỉ vào cô gái) đâu phải cô này làm như vậy đâu! Cô ta cũng chỉ là một cô gái, một người đàn bà... y như vợ tui vậy. Kẻ ăn mắm người khát nước, mình không nên làm như thế mấy anh à!
Ba Kiên “xì” một tiếng:
- Ý trời ơi, sao mầy hổng kiếm cái chùa nào, hay là chạy mẹ nó vô cái chùa Miên ngay trong sóc này mầy cạo đầu tu phứt cho rồi. Thời buổi cao trào “đấu tranh” lên ào ào như vầy mà mầy ăn nói sao tao nghe ẹ quá!
Tên đội viên chêm vào:
- Anh Tư ơi, bộ anh tưởng ba con này nó hiền lắm sao? Trời ơi, mỗi lần tụi đàn ông đi “cáp duồng”, thứ bọn này nó theo rần rần để “hôi” đồ đạc của bà con mình. Tui nói cho anh nghe: ổ gà nó cũng hốt, áo quần rách nó cũng không từ... nhiều khi tới mấy cái rế nó cũng xách luôn nữa!
Tư Cầu xua tay:
- Tui biết rồi, bộ người ta như vậy mình cũng... như vậy luôn sao! Thôi anh Ba, anh thả cho cổ đi cho rồi, anh là người lớn, anh làm chuyện đó mang tai tiếng lắm! Hay là tui chỉ anh món này: anh qua cái nhà sàn bên cạnh đây, tui coi bộ nhà giàu đa... anh qua đó kiếm quơ mớ bạc dìa mua bậy một con bò tơ khao thưởng anh em chơi, tui coi còn được hơn; mà nếu còn dư nữa thì mình... đóng vô quỹ kháng chiến để xây xài lần hồi.... bộ anh quên cái chuyện đó rồi sao!
Ba Kiên ngẫm nghĩ một vài giây, rồi buông tay quăng cô gái Miên ngã chúi về phía Tư Cầu. Tư Cầu vội đưa tay đỡ. Cô gái khiếp sợ vừa đưa tay kéo vội chiếc váy lên vừa ngước mắt nhìn anh ta... Tư Cầu xô nhẹ cô ta ra, cô gái chẳng nói chẳng rằng phát chạy mất vào bóng đêm.
Ba Kiên chống nạnh đứng nhìn rồi hất hàm hỏi Tư Cầu:
- Như vậy mầy vừa lòng lắm hén! (rồi anh ta chắc lưỡi) Cha, con nhỏ thiệt ngon, chắc nịch! Đ.m. hổng có hưởng gì hết mà hồi nãy vô bắt nó bị mấy con mẹ già ở trỏng đập tao thiếu điều gần chết...
Nói xong anh ta quày quả bước lại lên cầu thang tre... Lửa đã bắt đầu cháy mạnh nơi mái nhà dưới, mấy người đàn bà, trẻ con còn bị kẹt trong ấy lấp ló ở ngưỡng cửa muốn chạy tông ra mà ngán sợ vì thấy có ba người võ trang còn đứng chận ở cầu thang.
Mấy người đàn bà thấy Ba Kiên hầm hừ xông lên, họ kêu rú lên rồi chạy tót vô trong nhà. Ba Kiên đứng lại ở lưng chừng cầu thang tre, lúi húi tháo trái lựu đạn buộc bên hông ra, mở chốt rồi dơ thẳng cánh tay định quăng vô phía trong cửa...
Thấy vậy, Tư Cầu vội chạy tuốt lên một mạch nắm bàn tay anh ta lại.
Ba Kiên quay phắt đầu nhìn xuống:
- Cũng mầy nữa hả? Sao cái gì mầy cũng cản tao hết vậy?
Tư Cầu níu hạ cánh tay Ba Kiên xuống và dịu giọng năn nỉ:
- Thôi mà anh Ba! Tụi này toàn là đàn bà con nít mình giết làm chi cho sanh tội.... Hơn nữa, nó uổng mất một trái lựu đạn đi, mình phải để dành để có việc xài lớn sau này chớ anh!
Ba Kiên chửi thề vang rân rồi chắc lưỡi nói:
- Ý trời ơi, thời buổi đánh giặc đánh giã lung tung mà mầy cứ sợ tội hoài thì còn làm ăn khỉ mốc gì được nữa! Và chuyến này tao xin mầy “giải nghệ” luôn đi chớ đừng có theo tụi tao làm chi nữa nghen mậy!
- Thôi anh qua lục soát nhà bên cạnh coi có tiền nong gì không, như vậy còn có lợi hơn là đứng cà rà ở đây.
Ba Kiên vùng vằng nhét cây chốt vào khóa kíp lựu đạn lại rồi quát lên:
- Thôi mầy dang ra cho tao đi! Mà tao cấm mầy theo tao nữa đó nghen!
Tư Cầu đứng nép qua một bên nhường cho anh ta bước xuống rồi lủi thủi theo sau...
° ° ° ° °
Tuy trời đã sáng bửng mà sương mù ngoài sông cái vẫn chưa tan. Hàng bần quen thuộc bên cồn vẫn chưa thấy ló dạng để khoe sắc xanh mướt dưới ánh sáng mai như mọi khi.
Tư Cầu dựng khẩu súng hai lòng tựa vào thân một cây dừa lão, rồi vừa quơ tay vung vai, vừa ngáp dài một cách khoái trá.
Phiên gác khuya của anh ta thế là xong. Cái khoảng gác gần sáng này vốn là một cái khoảng đáng ngại nhứt vì nếu có Tây đi ruồng bố thì họ cũng chọn giờ đó. Tư Cầu tháo chiếc khăn tắm quấn cổ xuống lau mặt rồi thung dung ngồi xuống dưới gốc dừa móc túi nhái ra vấn thuốc hút.
Bỗng có tiếng xình xịch nho nhỏ. Tư Cầu ngừng tay vấn thuốc ngó mông ra ngoài sông cái. Sương mù vẫn còn dầy đặc, anh ta bèn kê tai xuống sát mặt đất lắng nghe như một ông thầy thuốc áp tai nghe ngực một bịnh nhơn: nhờ nước nổi nên Tư Cầu nghe rõ mồn một tiếng xình xịch đều đều, mỗi lúc mỗi to dần...
Đúng là tiếng máy tàu, và đúng là tàu tuần của Tây.
Tư Cầu vội quăng thuốc, chụp lấy khẩu súng hai lòng, chạy thẳng lại một gốc bưởi rút cái mõ tre ra đánh liên hồi...
Một chiếc máy bay chuồn chuồn bay rè rè trên không; có lúc nó sà sát ngọn dừa, đảo tới đảo lui mấy vòng rồi bay đi mất.
Đồng bào trong xóm túa ra, mạnh ai nấy quơ những món đồ quý giá nhứt để mang theo chạy trốn, có người còn cẩn thận thả trâu, thả bò, đuổi heo cúi, gà vịt cho chạy tán loạn hết ra vườn. Mấy anh du kích xăng xái vác mấy khẩu súng săn, mấy cây lá lãi chạy đi tìm chỗ “kích”.
Tư Cầu cẩn thận chọn hai cái “túc” mới nhất tra vào lòng súng rồi nằm phục vị bên bờ mương vườn, mắt ngó lom lom ra ngoài sông cái. Tuy đinh ninh thế nào Tây cũng đến, mà khi thấy cái mũi tàu sắt đen xì lù lù hiện ra giữa khoảng sương mù gần kế sát bên bờ, Tư Cầu cũng đâm ra khớp.
Anh ta lập cập kêu anh bạn đồng đội nằm gần đó:
- Ê Tư, tụi nó tới rồi kìa!
Anh này nhốm người lên nhìn kỹ ra phía sông rồi vội đi tìm một chỗ trú ẩn khác vì có lẽ anh ta không tin tưởng mấy chỗ nấp cũ...
Bọn lính Tây lịch kịch đổ bộ dưới mé sông.
Tư Cầu tháo trái lựu đạn nội hóa buộc nơi lưng ra. Đó là trái lựu đạn duy nhứt của anh ta. Anh ta cẩn thận tháo cái chốt rồi cầm lâm lẩm nơi tay món khí giới mà thưở bấy giờ, anh ta cũng như bao chàng trai khác trong làng đều coi như là “ghê gớm” lắm.
Tư Cầu chờ cho địch đứng lại hơi đông đông để ra tay nhưng mấy lần họ vừa lên tới bờ là tản ra ngay. Cuối cùng không đợi được nữa, anh ta bèn bậm môi tung mạnh quả lựu đạn vào một nhóm năm sáu tên lính vừa mới đặt chân lên mí đất. Trái lựu đạn rớt bịch xuống một đám cỏ. Một tên lính Tây trông thấy la hoảng lên và cả bọn nhào nằm rạp xuống đất...
Tư Cầu nhướng mắt vảnh tai chờ đợi một ánh lửa lóe lên cùng một tiếng nổ vang trời đất.
Nhưng tất cả đều im bặt. Lúc nãy còn có mấy tên lính Tây xì xào thì bây giờ cũng nín thinh luôn.
Sự im lặng nặng nề làm Tư Cầu mướt mồ hôi trán.
Bỗng một tên lính Tây cười rộ lên rồi những tiếng xì xồ tiếp theo đó. Tư Cầu luống cuống chụp lấy khẩu súng hai lòng... Anh ta vừa mới dơ đầu súng lên thì hàng loạt súng máy ở dưới mé sông quạt lên tới tấp.
Tư Cầu bóp cò liền hai lần...
Tiếng nổ của khẩu súng hai lòng như bị những tiếng nổ dòn tan của súng máy địch... nuốt đâu mất, và cố nhiên là không ăn nhằm vào đâu cả.
Tư Cầu hốt hoảng moi hai bì đạn khác tra vào, bóp cò.... súng chỉ nổ có một phát, còn cái bì đạn sau lép luôn. Tư Cầu liếc nhìn sang mấy bạn đồng đội núp gần quanh đó thì thấy bốn bề... vắng tanh.
Khói thuốc súng khét nghẹt lan tràn lấn cả sương mù buổi sáng đã bắt đầu tan dần theo ánh mặt trời lên...
Có lẽ am hiểu tường tận về tình hình địa phương nên sau khi dè dặt ban đầu và nhận thấy không có phản ứng gì đáng kể, địch quân mỗi lúc mỗi túa ra thêm đông và tiến bừa tới như không ngán sợ gì nữa.
Tư Cầu vội nắm chặt khẩu súng nhảy xuống một xẻo nước gần đó, nương theo mấy dề lục binh để lần đi về phía trong ruộng. Nước dưới xẻo chỉ ngập đến ngực anh ta. Bỗng anh ta nhớ trực đến mấy bì súng còn trong túi con dắt ngang lưng và cố nhiên là bị ngâm sâu dưới nước. Nhận thấy không còn xài gì nữa được vì vỏ giấy của bì súng đã nở phồng ra, anh ta vội tháo cả túi đạn đem giấu luôn vào một bụi cốc kèn sát bên bờ, và nhét luôn cả khẩu súng vào trong ấy rồi lấy lục bình phủ lên.
Anh ta lội trở xuống dưới nước, lần mò đi được một đỗi rồi dừng lại nghe ngóng. Thấy bốn bề yên tĩnh, anh ta vội vói tay níu một cành cây de ra để trèo lên bờ.
Tư Cầu vừa nhoi đầu lên thì một mũi súng đen ngòm từ một góc cây trên bờ chĩa ra và chong ngay đầu anh ta. Tự nhiên Tư Cầu muốn phát chạy. Anh ta không biết rằng mũi súng kia có thể nhả đạn bất kỳ lúc nào.
Anh ta mới vừa quay lưng thì nghe một tiếng quát kinh hồn, rồi một bàn tay to lớn chụp lấy cổ mình quật ngã xuống...
Tên lính Tây quơ quơ họng súng trước mặt anh ta và hất hàm hỏi, tiếng lơ lớ:
- Việt Minh? Thanh Niên?
Tư Cầu lắc đầu lia lịa và ngó lom lom họng súng. Anh ta chắc thế nào rồi đây những tràng đạn sẽ đua nhau túa ra từ cái miệng đen ngòm ấy để ghim, để xoáy vào ngực, vào bụng mình.
Một viên thông ngôn tiến đến bên cạnh anh ta và lấy mũi giày khều khều vai anh ta:
- Ê tụi, súng ống đâu lấy mang ra không thôi ổng bắn nát óc đa!
Tư Cầu nhăn nhó đáp:
- Ý trời ông đừng nói vậy hổng nên! Tui dân mần ruộng mà súng ống đâu có! Ông làm ơn nói với Tây mau mau hông thôi ổng lẫy cò bậy chết tui!
Tư Cầu hơi ngạc nhiên vì nhận thấy sao mình... nói dối một cách lưu loát và y như thật vậy.
Tên thông ngôn ngắm nghía một hồi như muốn xem tướng, rồi hắn ta quay sang tên lính Tây nhún vai lắc đầu. Đoạn hắn hỏi thêm:
- Việt Minh ở đây có đông hông mầy? Tụi nó đâu mất hết rồi hả?
- Đông lắm ông ơi! Mà người ta đi hết rồi!
Tên thông ngôn day qua nói lại với người lính tây rồi ra hiệu cho Tư Cầu đứng dậy.
- Thôi, đờ-bu tụi! Ừ, đứng lên, quan lớn biết mầy là V.M. nhưng... tha cho mầy...
Tư Cầu giật mình đánh thót... rồi luýnh quýnh đứng dậy hỏi:
- Vậy... tui đi dìa nhà được hả ông?
Tên thông ngôn đưa tay níu áo anh ta lại:
- Khoan đã! Làm gì mà gấp dữ vậy! Đây nè, mầy lại chỗ gốc cây kia mang dùm cái túi chứa bình điện ra-dô của ông lớn. Đừng có chạy bất tử nghen mậy! Mầy chạy là tao “phơ” liền! Ráng đi về rồi ổng thưởng bánh mì đồ hộp cho mà ăn!
Tư Cầu nhăn nhó chỉ chỉ cái túi đựng vật liệu truyền tin:
- Trời ơi, tui mang cái này rủi mấy ông bên kia tưởng lầm tui là phe mấy ông rồi nổ bất tử làm sao đây!
Tên thông ngôn cười xòa:
- Nếu mầy cãi lý không đi thì tao... nổ mầy trước cũng vậy!
Tên lính Tây lại la lối như có vẻ hối lên đường cho mau.
Tư Cầu đành đi rề lại gốc cây mang túi dụng cụ lên vai và lủi thủi đi theo tốp lính lội băng qua đồng tiến về hướng Cầu Kè.
Tư Cầu thầm nghĩ: “Chắc Tây nó đổ bộ lên đây để đánh bọc hậu bên ấy! Không biết có ai chạy rút cho mấy chả hay hông?”
Và mỗi lần tốp lính nổ súng vu vơ, hoặc thận trọng dò bước là mỗi lần Tư Cầu lên ruột. Anh ta cứ thắc mắc nhứt về cái điểm “Rủi bị bên mình bắn lầm! Cha, ở bên Cầu Kè mấy chả có súng mút và lựu đạn Ăng-lê rủi mấy chả mần mình, chết dính chùm với mấy ông tây thì bậy quá! Chết như vậy chẳng mát ruột chút nào!”.
Tuy thế, Tư Cầu và cả bọn lính Tây đều được bình yên vô sự đi đến lộ cái.
Vừa trông thấy hàng còng xanh um chạy dài theo hai bên lề lộ Tư Cầu bỗng thấy như chồn chân.
Lại con lộ đã hướng lên Trà Ôn hướng xuống La Ghì, Cầu Kè. Tư Cầu vẫn giữ một ấn tượng nặng nề về con lộ Định Mạng ấy. Đó là một thứ ranh giới mà mỗi lần Tư Cầu đặt chân bước lên là mỗi lần cuộc đời anh ta phải hứng chịu bao sự đổi thay, bao chuyện thử thách.... Mặt trời đã lên cao.
Tư Cầu khom lưng đeo túi vật liệu lủi thủi lê bước giữa hàng lính Tây, như đi sâu vào chỗ hẹn của Định Mạng...
° ° ° ° °
Hai đơn vị của Pháp đã nối liền nhau tại quận Cầu Kè. Thế là quận này đã bị chiếm đóng.
Toán lính dẫn Tư Cầu đi (đó là một toán lê dương) túa ra đi tắm cho mát hoặc đi kiếm dừa uống cho đỡ khát, sau một lúc đi bộ vất vả. Tư Cầu có cảm tưởng như không ai thèm để ý đến mình hết. Anh ta ngồi cú rũ dưới gốc me bên cạnh mấy thùng đạn với một vài anh nông phu khác mà Tây cũng bắt khuân vác đồ đạc đi theo như trường hợp của mình vậy.
Tư Cầu bỗng nảy ra ý định trốn thoát. Anh ta lấm lét nhìn tới nhìn lui, rồi khều mấy người bạn cùng trong cảnh ngộ nói nhỏ:
- Ê, tui coi cái vèo này tụi mình có thể trốn được đa mấy anh! Có gì tui dông trước nghen!
Một bác nông phu đứng tuổi cự liền:
- Hổng được đâu! Mấy cha rục rịch tụi nó bắn gãy giò đa! Mà chú em xổng đi trước, tụi tui rủi kẹt ở lợi, Tây nó “mần” hết thì sao!
Trong lúc Tư Cầu và bác nông phu ấy cùng mấy người bạn đồng cảnh còn đang thì thầm bàn tán về vấn đề trốn đi thì đã thấy bọn lính nhốn nháo tập hợp lại.
Chỉ có một tốp còn ở lại chiếm đóng còn bọn lính lê dương đều lịch kịch mang đồ đạc lên xe và tất cả đều có vẻ hối hả lắm. Rồi năm sáu tên súng ống cầm tay tiến xâm xâm ngay lại chỗ bọn Tư Cầu đang ngồi, tên thông ngôn cũng xăng xái đi bên cạnh, nét mặt có vẻ nghiêm trọng. Đến nơi bọn lính dùng mũi súng hất hất ra hiệu cho cả bọn Tư Cầu đứng dậy và đi tới...
Tư Cầu lo lắng hỏi tên thông ngôn:
- Ông ơi, bây giờ mấy ổng dẫn bọn tui đi đâu đây? Ông làm ơn nói với mấy ổng thả tụi này dìa chớ đi hồi sáng sớm tới giờ chưa có hột cơm...
Tên thông ngôn hơi nhếch mép cười nhưng rồi nghiêm mặt ngắt ngang lời Tư Cầu:
- Thả mấy cha hả? Thả xuống chầu bà thủy thì có!
Câu nói đó như thắng đứng một lượt những bước chân của bọn Tư Cầu. Ai nấy đều há hốc miệng không nói nên được một lời nào để rồi cùng quay nhìn về phía trước: thì đúng rồi, lính lê dương đang dẫn họ đi về hướng cầu tàu ngoài bờ sông chợ...
Bọn lính lại quát tháo giục họ cất bước, một vài tên nóng nảy đã dùng mũi súng chĩa vào sau lưng đẩy tới hoặc lấy bá súng xua đuổi bắt họ phải tiếp tục đi.
Bác nông phu đứng tuổi xụt xịt khóc, kêu vợ kêu con, réo trời réo đất làm mấy tay thanh niên khác cũng đâm ra mủi lòng...
Vừa mới đặt chân lên thanh ván đầu tiên của cầu tàu, bác nông phu khóc rống lên và không chịu đi tới nữa. Hai tên lính quát tháo xô đẩy đánh đập thế nào bác ta cũng nhứt định ghì lại. Còn bọn Tư Cầu thì đã ra trước đứng xếp hàng một bên cầu, kẻ nhìn xuống dòng nước đang chảy xiết dưới dạ cầu, người ngẩng đầu nhìn lên một đám mây trắng đang hững hờ trôi chầm chậm trên nền trời xanh biếc, và cũng có người bạn đồng hành còn muốn trì hoãn cuộc... đăng trình kia.
Riêng phần Tư Cầu, anh ta đứng ngẩn ngơ một hồi, lòng vừa lo sợ vừa rối bời. Cuối cùng, như có một ánh sáng lóe lên trong trí não, anh ta vội nhìn xuống mặt nước, ước lượng từ chỗ mình đứng ra tới mép cầu, liếc mắt canh chừng mấy tên lính lê dương và định bụng sẽ phóng ra nhào đại xuống sông rồi muốn... còn mất gì đó thì phú cho sự rủi may.
Bỗng có tiếng bác nông phu la rống lên như một con heo sắp bị chọc huyết làm Tư Cầu quay lại nhìn. Hai tên lính nổi nóng nhảy vào ôm xốc nách bác ta lôi đi xềnh xệch ra phía cầu tàu. Gần tới nơi, họ xô bác ta ra trước. Bác thoáng nhìn xuống mé nước rồi chới với chạy ngược trở vô.
Hai tên lính như đã quen thuộc với cảnh đó, thản nhiên lên cò súng tiểu liên và không buồn nâng súng lên, họ cứ tiện tay ria liền hai loạt hơi đủ chéo vào nhau. Bác nông phu chỉ kịp rú lên một tiếng, hơi gập người ra đằng trước, loạng choạng trong một đôi giây rồi té lật nghiêng qua một bên, một tay bác còn quờ quạng như cố níu lấy thanh ván cầu nhưng rồi cả toàn thân lại rơi tõm xuống sông. Hai tên lính không bảo nhau mà cùng bước ra phía đầu cầu trông xuống.
Từng loạt súng nổ chát chúa, từng tiếng kêu thét vang lên... Tư Cầu nhăn mặt ngó đi chỗ khác... Anh ta cuống cuồng vừa khiếp sợ vừa lo lắng; người thứ ba, thứ tư, thứ năm... Thế là đến lượt anh ta. Không thể chần chờ gì nữa, anh ta nhốm chân định phóng đại xuống sông... nhưng một bàn tay lông lá vàng hoe, như chực sẵn từ bao giờ thộp ngay ngực anh ta lại. Tư Cầu đổ mồ hôi hột từ từ quay đầu nhìn: đúng là tên lính đã bắt anh ta lúc ban sáng, tên lính có hàm râu quai nón như râu bắp.
Anh ta thầm nghĩ: Chắc thằng này muốn dành phần “hạ” mình đây.... Mà quả đúng như vậy, đến lượt Tư Cầu, kẻ cuối cùng bị đem đi bắn, có một tên lính khác nhảy xô lại kéo anh ta đi thì bị tên râu quai nón cự nự hất ra. Tên kia bực tức nói láp giáp một hồi rồi hầm hừ đứng chống nạnh một bên đó, vì tên râu quai nón là viên đội lê dương chỉ huy cả bọn của hắn ta.
Sợ Tư Cầu phát nhảy xuống sông nên tên đội xô mạnh anh ta vô phía trong cầu, rồi từ từ móc khẩu “côn” đeo xệ ở một bên đùi lên, mắt vẫn lom lom canh chừng anh ta.
Tiếng “rắc” lên cò súng của tên đội làm Tư Cầu giựt mình đánh thót và thấy cái gì như đau nhói trong lồng ngực. Qua một giây bối rối, anh ta bình tĩnh đi ra phía đầu cầu tàu như là sẵn sàng đi vào chỗ hẹn của tử thần.
Nhưng tên đội râu quai nón mỉm cười tinh nghịch nhìn anh ta rồi bước mau ra dơ tay chận anh ta lại, nói một câu gì đó, có lẽ là một câu chế giễu, rồi xô mạnh anh ta lùi về chỗ cũ.
Tư Cầu bỗng cảm thấy như trời đất tối sầm lại, anh ta định bước ra đầu cầu tàu như ngoan ngoãn chịu chết nhưng để rồi phóng đại xuống sông trước khi tên đội hạ thủ... nhưng tên đội ấy quá tinh khôn. Hắn bước lại gần Tư Cầu nắm lấy vai anh ta ấn mạnh bắt ngồi xuống rồi lạnh lùng dơ mũi cây “côn” lên ngang màng tang anh ta bóp cò...
Tư Cầu nhắm hít mắt lại... nhưng anh ta chỉ nghe có tiếng “cắc” trên đầu, rồi tiếng chửi thề om sòm của tên đội...
Tư Cầu mở mắt ra nhìn lên: đúng là khẩu súng không nổ vì đạn lép. Anh ta mừng quýnh, mừng đến chảy nước mắt nhưng bỗng anh ta há hốc miệng ra kêu lên một tiếng vừa ai oán vừa khiếp sợ...
Tên đội đang lấy viên đạn lép ra và lên cò đẩy một viên khác lên. Tên đội đưa mũi súng lên. Tư Cầu rất kinh hoảng nhưng cũng ngó lom lom vào miệng súng ác nghiệt kia.
Tên đội vẫn chưa bóp cò và vẫn ghìm khẩu súng ngay màng tang Tư Cầu. Hắn có vẻ suy nghĩ vì hắn vừa thoáng thấy vẻ mặt tuyệt vọng quá đỗi của con người trai trẻ vừa mới thoát khỏi một lần bàn tay của tử thần. Bỗng hắn hạ khẩu “côn” xuống, cười phá lên rồi đưa chân đá mạnh vào đít Tư Cầu làm anh ta té chúi nhủi đoạn khoát tay ra hiệu bảo đi.
Tư Cầu đứng dậy, ngơ ngác nhìn tên đội như có vẻ không hiểu. Hắn lại cười và vừa chỉ vào khẩu súng vừa hỏi bỡn cợt một câu. Tên thông ngôn liền chạy lại:
- Ông lớn tha cho mầy đó!
Tư Cầu chỉ vừa nghe kịp câu đó là co giò phát chạy ra phía đầu cầu để lên đường lộ. Nhưng cũng vừa lúc đó, tên lính giành phần “hạ” anh ta lúc nãy đã xách tiểu liên nhảy ra níu anh ta lại và xô anh ta ra phía đầu cầu tàu. Tên đội râu quai nón tức giận xông vào đứng chen vào giữa hai người, rồi hắn ta và tên lính định không buông tha Tư Cầu to tiếng với nhau một hồi...
Tư Cầu hồi hộp theo dõi cuộc cãi vã mà anh ta dư biết là một cuộc giằng co giữa cái Sống và cái Chết của mình.
Cuối cùng tên đội gạt tên lính kia qua một bên kêu tên thông ngôn lại truyền một lịnh gì đó. Tên thông ngôn vội chạy lại Tư Cầu:
- Ê tụi ổng tha mầy đó!
Tư Cầu mừng rỡ hỏi liền:
- Vậy tui dìa được chớ ông?
Tên thông ngôn lắc đầu:
- Khoan đã! Ổng tha là tha chết cho mầy chớ ổng phải giữ mầy lại giải lên trên Cần Thơ để ở trển người ta muốn làm thịt làm cá gì mầy đó thì làm!
Tư Cầu hấp tấp năn nỉ:
- Ý trời ơi, ông nói để ổng bỏ tù tui ở dưới này...
Tên thông ngôn lắc đầu:
- Đâu được mậy! Ở dưới này... mấy ổng mới xuống đây, nhà cửa ở đâu chứa mầy. Nếu mầy muốn ở lại thì mấy ổng có gởi mầy xuống ở dưới bà thủy thì ráng chịu nghen!
Tư Cầu van nài:
- Vậy ông nói với ổng tha tui làm phước!
Tên thông ngôn cười đáp:
- Ối phước đức gì mấy ổng mầy ơi! Bị thằng kia nó cản mũi cản lái không thôi ông xếp ổng tha mầy mất đất rồi! Thôi mầy chịu khó đi còn có đường hơn chớ ở đây, mai chiều gì đây mấy ổng buồn buồn xách đầu mầy ra cắc bùm thì mệt!
Tư Cầu cúi đầu thở dài.
Tên thông ngôn lại hối:
- Bây giờ đi theo tao tụi!
Đoạn hắn níu áo Tư Cầu kéo lôi đi về phía một chiếc xe vận tải đậu ở gần chợ. Đến nơi tên thông ngôn tìm khúc dây điện thoại nhà binh buộc hai cườm tay Tư Cầu lại, rồi đẩy anh ta leo lên xe.
Tư Cầu ngồi bệt xuống sàn xe tựa lưng vào những bao bị, thùng đạn chất ngổn ngang trên ấy. Ở hai hàng băng cây hai bên, bọn lính ngồi cầm súng thản nhiên như không, có tên đưa mắt nhìn anh ta một hồi rồi không thèm chú ý đến nữa. Có lẽ họ cho anh ta cũng giống như một bao đồ xếp đống dưới sàn xe kia, với lại tên nào tên nấy cũng có vẻ bơ phờ uể oải sau một cuộc hành quân tuy không có gì cam go nhưng mệt nhọc và tẻ ngắt.
Hơn nữa, trên đường chinh chiến của những binh sĩ lê dương ấy, từ Âu châu, Phi châu cho đến mảnh đất của Á châu này, một xác chết, một tù binh... đối với họ quen nhàm và không có nghĩa lý gì nữa hết.... Sau khi tập hợp xong xuôi, đoàn xe tức tốc lên đường. Bọn lính tâu có vẻ vội vã lắm. Hình như bọn chúng bị gấp rút gọi về để đi tiếp viện ở một vùng nào đó.
Tư Cầu có lúc nghe thấy mấy tên lính xì xồ nói chuyện với nhau có vẻ cằn nhằn cử nhử lắm. Anh ta định hỏi tên thông ngôn ngồi gần đó nhưng phần tiếng xe chạy kêu rền, phần... ngán vì thấy tên này đang lim dim ngủ gà ngủ gật nên đành nín thinh luôn.... Hàng xe nối đuôi nhau chạy nhanh như nuốt trọng con đường dài. Tư Cầu chỉ còn nghe tiếng gió vù vù, tiếng máy xe đều đều, và thỉnh thoảng tiếng đồ đạc xóc nghe ầm ầm trên khoảng đường nào quá xấu.
Mấy tên lính cũng lặng trang, có nhiều tên đã ngoẻo cổ ngủ một cách ngon lành.
Tư Cầu ngoái cổ ra nhìn hai bên đồng ruộng.
Đoàn xe đã chạy quá xa những nơi quen thuộc cũ, mé ruộng phía hướng đi về nhà anh ta đã khuất mất từ đời “cố lũy” nào.
Tư Cầu ngồi
dưới sàn xe suy nghĩ, lo lắng đủ thứ chuyện: không biết ở nhà có sao không, có ai hay biết gì chuyện anh ta bị bắt chăng, và không chừng đến giờ phút này ở nhà tưởng anh ta đã chết rồi cũng nên.
Cảnh vật hai bên đường mỗi lúc mỗi đổi thay, mỗi thêm xa lạ, càng làm cho Tư Cầu thêm chết điếng trong lòng.
Đoàn xe vượt qua mấy cái ụ đất “chướng ngại vật” mà Tây đã san bằng, rồi lịch bịch “bò” qua một đoạn đường bị đào phá và được lấp sơ lại. Một vài câu khẩu hiệu nguệch ngoạc nằm bơ vơ trên tấm vách đất của một điểm canh trống rỗng bên vệ đường... Tất cả những thứ đó làm cho Tư Cầu thêm rầu lòng và có một cái gì bỗng nhiên làm cho anh ta nghẹn ngào rồi... như chán chường một cái gì ở đâu đâu...
Đoàn xe đến ngã ba, lối quẹo về Cần Thơ, lối thẳng lên Sàigòn, thì ngừng lại. Một vài tên lính nhảy xuống nói chuyện với tốp lính đóng bót ở đó... rồi lại leo lên và đoàn xe tiếp tục chạy thẳng về hướng Sàigòn chứ không qua Cần Thơ.
Tư Cầu lóng ngóng nhìn kỹ hai bên lộ một hồi rồi sanh nghi làm gan hỏi đại tên thông ngôn:
- Ông ơi, bộ xe hổng qua Cần Thơ sao ông?
Tên này lơ đãng lắc đầu.
Tư Cầu hốt hoảng hỏi dồn:
- Trời ơi, sao hồi sáng ông nói đưa tui lên Cần Thơ? Ông làm ơn nói lại với mấy ổng coi hay gởi tui lại ở cái bót nào gần đây cũng được.... Ông làm ơn giùm đi ông, ông kêu xe tốp lại...
- Mầy làng chàng mấy ổng “thẩy” mầy vài phát quăng xuống mương ruộng bây giờ! Xe người ta đang chạy rút về Sàigòn mà mầy biểu tốp chớ? Thôi chịu khó lên Sàigòn chơi đi tụi.... mấy thuở dân ở miệt vườn mà có dịp lên “Thầy Gòn” chơi đó mậy!
Tư Cầu nói gần như mếu:
- Thôi ông ơi, cái chuyện lên Sàigòn đó... tui tởn tới già rồi mà mấy ổng còn chở tui lên trển làm chi hổng biết!
- Thì đành vậy! Mấy cái bót dọc đường không có ai chịu lãnh mầy hết thì làm sao? Thôi mầy chịu khó lên trển một chuyến cho biết với người ta, ở tù thì... ở đâu mà chẳng được mậy! Bị xe của mấy ổng gấp về Sàigòn để đi “trăng pho” ở chỗ khác trên miền Đông gì đó.... nên không thể ghé qua Cần Thơ được.
Tư Cầu chán ngán ngả lưng vào bao đồ đưa mắt nhìn khoảng đường đá chạy như không bao giờ dứt ở phía sau, nhìn đầu xe sau lù lù xông tới như muốn xua đuổi anh ta đi sâu vào một tương lai vô định...
Đoàn xe nhà binh lên tới Sài Gòn gần chạng vạng.
Tư Cầu tuy trong bụng lo ghê lắm nhưng cũng ráng nghển cổ nhìn ra phía ngoài xe để cho biết thành phố Sàigòn ra sao. Anh ta còn nhớ cách mấy năm về trước anh ta đã... lên hụt Sàigòn một lần rồi.
Tư Cầu bị đưa luôn vô thành lê dương trên Hòa Hưng và giam tạm ở đó.
Tên thông ngôn dẫân anh ta đến tận cửa khám âm u. Khi anh ta vừa đặt chân vào gian phòng tối tăm hắn ta bèn vỗ vai anh ta cười nói:
- Thôi mầy chịu khó ở đây nhiều lắm là một vài bữa rồi người ta sẽ làm giấy tờ đưa mầy đi chỗ khác.
Tư Cầu lo lắng hỏi lại:
- Trời ơi bộ còn dời chỗ nữa hả ông? Ông làm ơn nói giùm để tui ở luôn với ông tại đây cũng được...
Tên thông ngôn thấy Tư Cầu “quyến luyến” như vậy càng đâm ra ái ngại và dịu giọng bảo:
- Không được đâu chú em ơi. Chỗ này là khám nhà binh, vì vậy đâu có giữ chú em được. Phần qua, qua đi rèn rẹt với tụi nó hoài đâu có rảnh. Chú em đừng lo sợ gì nữa hết, bất quá ở năm bảy tháng tù, hay cùng lắm là một vài năm rồi cũng về. Kể ra chú em cũng hên dữ lắm nên mới còn toàn mạng mà lên tới đây đó chú em à!
Tư Cầu không biết nói sao chỉ đứng thở dài.
Thấy vậy, tên thông ngôn vừa kéo cánh cửa khám khép lại vừa ân cần nói với anh ta:
- Thôi nằm nghỉ đi. Chắc chú em cũng đói rồi phải không? Để qua đi kiếm cho một khúc bánh mì gậm đỡ... à chú em mầy có ghiền thuốc không hả?
Tư Cầu vội đưa tay lần túi nhái đựng thuốc của mình thì mới hay là đã rớt mất từ bao giờ. Anh ta vội đáp liền:
- Dạ cũng ghiền... mà tui quen hút thuốc vấn không ông à!
Tên thông ngôn vừa đẩy chốt khóa cửa, vừa mau mắn đáp:
- Được rồi, để qua đi kiếm thuốc đem cho chú em.... Một lát sau, tên thông ngôn trở lại mở khóa cửa nghe lạch cạch. Tư Cầu mừng quýnh chạy lại vì từ nãy giờ ngồi thui thủi có một mình trong gian buồng tối nên rất khó chịu và nóng ruột. Tên thông ngôn chìa ra một nửa ổ bánh mì to tướng và ba gói thuốc điếu “Gaulois” cùng một cái hộp quẹt:
- Đây nè, chú em chịu khó dùng tạm mấy thứ này. Qua thấy tình cảm của chú em qua cũng... ái ngại lắm, nhưng qua cũng đành... để bụng vậy thôi chớ không làm gì hơn nữa được... Chú em có vợ con cha mẹ gì ở nhà không vậy?
Tư Cầu cảm động đưa tay đỡ lấy mấy món đồ và kể sơ qua tình cảnh của mình. Nghe xong, tên thông ngôn chỉ biết lắc đầu rồi dơ tay nắm lấy chốt cửa:
- Thôi qua... rút lui nghen! Đừng lo buồn gì quá chú em à! Thây kệ mẹ nó... Để qua ráng lo giấy tờ gấp để giải chú em qua chỗ khác, một là cho được dễ chịu hơn, hai là để họ tính coi bắt thả như thế nào, chớ chú em mày nằm ở đây ngày nào thì thêm kẹt ngày nấy chớ không ích lợi gì ráo...
Tư Cầu nghẹn ngào nói:
- Ông ráng lo giùm được phần nào đỡ phần nấy chớ biết sao bây giờ.... Cánh cửa khám từ từ khép lại, kêu ken két trên mấy chiếc bàn lề sét rỉ, rồi đóng sập lại nghe một cái rầm...
Trong gian buồng tối om, Tư Cầu chỉ thấy có một vệt ánh sáng vàng khè của ngọn đèn điện bên ngoài lọt qua lỗ hổng dưới cánh cửa.
Trời đã tối hẳn. Bầy muỗi bắt đầu vo ve. Vì phòng giam ở biệt lập hẳn trong một khu riêng nên tiếng người nói chuyện từ mấy dãy trại ngoài không lọt vào tới đây được.
Thỉnh thoảng Tư Cầu chỉ nghe xa xa có tiếng máy xe hơi chạy vụt qua ở đâu phía ngoài thành lính và trên đầu anh ta, có tiếng mấy con dơi bắt muỗi bay xớt qua.... Bỗng nhiên, Tư Cầu có cảm giác kỳ lạ vì sự thay đổi chỗ ở quá mau chóng quá bất ngờ của mình: thì mới hồi sáng sớm hôm nay anh ta còn đứng ngáp dài bên cạnh gốc dừa ở mé sông dưới làng mà bây giờ đây anh ta lại ngồi cú xụ một mình trong một chỗ cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, và ở tận mãi Sàigòn này lận.
Và Tư Cầu lại rùng mình khi nghĩ tới thêm rằng nếu anh ta không lên tới trên Sàigòn thì giờ này đây rất có thể anh ta chỉ còn là cái xác chết cứng còng trôi ngầm dưới một khúc sông nào đó, để rồi vài ba bữa nữa sẽ nổi phình lên vật vờ theo con nước lớn ròng, mặc cho bầy lòng tong, cá chốt, tôm, tép bu quanh rút rỉa từng thẻo, từng miếng da đã bong ra, từng miếng thịt đã sình mục... Nghĩ tới đó Tư Cầu thấy lợm giọng và phun nhả vội miếng bánh mì đã nở rã ra trong miệng mình...... Đêm đó Tư Cầu ngồi dựa lưng vào vách khám thao thức chớ không tài nào chợp mắt được. Anh ta châm thuốc hút liên miên và như vậy làm cho anh ta thêm tỉnh, mắt mở trao tráo mặc dầu anh ta nghe mệt đừ vì mấy bận xê dịch suốt một ngày qua.
Mấy con dán cứ bò luồn lên ống chân làm cho anh ta vừa nhột nhạt vừa kinh tởm. Anh ta ước mong nghe tiếng người nói hay tiếng chân đi để cho thấy bớt cô độc. Nhưng không có một tên lính nào buồn bén mảng đến chỗ giam anh ta cả.
Anh ta nhìn chòng chọc vào vệt ánh sáng dưới cánh cửa và khoắc khoải mong cho mau đến sáng...
Tư Cầu bị kẹt ở khám nhà binh đó gần một tuần lễ.
Cứ mỗi ngày qua anh ta lấy một miếng miểng sành đánh dấu lên vách tường bằng một cái gạch nhỏ, và số gạch ấy lên đến sáu nét. Mới có sáu nét mà anh ta xem bằng cả sáu tháng.
Đến sáng ngày thứ bảy, anh ta vừa cầm miếng miểng sành lên định o bế gạch thêm một nét nữa (và lần này sẽ thêm một gạch chéo để đánh dấu trọn tuần lễ) thì nghe có tiếng mở cửa lạch cạch bên ngoài. Tư Cầu vội buông tay xuống chạy a lại cửa.
Tên thông ngôn tay cầm tờ giấy đánh máy tươi cười bảo anh ta:
- Ê tụi, có đồ đạc gì lấy đem ra hết...
Tư Cầu hỏi liền:
- Bộ đi hả ông?
- Ừ, có quần áo gì thì mang ra hết nghen chú em!
Tư Cầu xăng xái bước ra khỏi cửa:
- Tui chỉ có mình trơn vầy nè chớ có gì nữa đâu! Sáng hôm đó mấy ổng xách cổ đi tuốt lên trên này nên có lấy áo quần gì đem theo để thay đổi đâu!
Tên thông ngôn gật gù:
- Ừ phải, qua quên khuấy đi mất... Để qua kiếm bậy một cái áo trây-di cũ để chú em mầy đem theo phòng hờ khi lạnh lẽo...
- Cám ơn ông nhiều lắm. Mà ông biết mấy ổng tính đưa tui đi đâu vậy hả ông?
Tên thông ngôn có vẻ do dự một hồi rồi đáp:
- Chắc chú em qua bót Ca-ti-na trước để coi ở bển họ tính sao, nếu họ không nhận thì đem đi chỗ khác.
Tư Cầu lo lắng hỏi ngay:
- Ủa, bộ ở trên này có nhiều chỗ giam lắm sao ông?
- Ối thiếu gì... Mà chú em đừng lo không ở được chỗ này thì ở chỗ khác... hổng ngủ bờ ngủ bụi đâu mà sợ!
Tư Cầu gượng cười:
- Mấy ổng giữ kè kè như vầy còn ngủ lang ngủ chạ đâu được! Tui mong được ở một chỗ nào yên yên, để mấy ổng xét mau mau cho tui được dìa dưới sớm.
Tên thông ngôn muốn tìm lời an ủi anh ta nhưng rồi cũng chỉ nói được một câu:
- Thế nào chú em cũng ra sớm... chú em cứ tin như vậy đi?
Tư Cầu thở dài:
- Thì tôi cũng ráng tin như vậy chớ biết sao!
Rồi anh ta lủi thủi đi theo tên thông ngôn ra phía trước sân trại binh leo lên một chiếc xe đã có mấy tên lính cầm súng ngồi chực sẵn. Tên thông ngôn vội chạy đi để rồi mang lại một chiếc áo nhà binh trao cho Tư Cầu với mấy gói thuốc lá nữa.
Thấy tên thông ngôn đứng nguyên ở dưới đất Tư Cầu lo lắng hỏi:
- Ủa, bộ ông hổng đi theo xe sao?
Tên thông ngôn chỉ mấy tên lính Tây:
- Có mấy ổng đi thôi, còn qua ở lại.
Vừa lúc đó một viên đội từ trong văn phòng bước ra xe leo thẳng lên xe ngồi phía trước bên cạnh người tài xế, và chiếc xe rồ máy chuyển bánh.
Tên thông ngôn giơ tay vỗ nhẹ vào lưng Tư Cầu:
- Thôi đi mạnh giỏi nghe chú em, rồi về cho sớm!
Tư Cầu ngó ngoái lại và cúi đầu chào:
- Ông ở lợi mạnh giỏi... thiệt hổng biết chừng nào tui mới trả ơn ông được!
Tên thông ngôn nhún vai rồi đứng yên nhìn chiếc xe từ từ chạy ra cổng chánh của thành lính.
Tư Cầu bỗng nhiên cảm thấy lo lắng nên lại y như hồi mới lên xe dưới Cầu Kè. Mấy ngày rày, anh mong cho sớm đổi chỗ để xem số phận sẽ được định đoạt như thế nào, nhưng đến khi ngồi trên xe đi, anh ta lại đâm ra bồn chồn lo sợ...
Viên đội trên xe đưa Tư Cầu xuống hết hai sở rồi mà nơi nào cũng không chịu nhận anh ta hết. Chiếc xe cứ chạy lòng vòng trong thành phố và làm cho Tư Cầu sốt ruột thêm lên. Cuối cùng, chiếc xe trực chỉ về hướng Chợ-lớn và viên đội chở Tư Cầu gởi tuốt vô căng Phú Lâm. Tư Cầu thấy có nơi chịu nhận mình nên cũng hơi yên tâm, chớ anh ta có ngờ đâu cái căng này là nơi giam chứa những kẻ thuộc hạng “ăn dầm nằm dề” không có tội gì cho nặng lắm nhưng cũng không biết đến bao giờ mới được thả ra.... Lúc mới bước chân vào trại giam, Tư Cầu cũng vững bụng đôi chút vì thấy đông nghẹt người đồng cảnh ngộ. Anh ta liền được giới thiệu với anh đại diện cùng những nhân viên phụ trách về trật tự trại. Anh em trong trại thấy có người mới đến nên bu lại hỏi thăm hỏi nom anh ta tíu tít. Và các câu hỏi thăm cũng không ngoài vấn đề: tại sao bị bắt, bị bắt ở đâu, bị bắt lâu mau cùng gia đình vợ con như thế nào...
Một bác tuổi cũng “sồn sồn” nghe Tư Cầu nói là mình ở tỉnh Cần Thơ liền chen vô níu vai anh ta hỏi:
- Ủa, bộ chú em ở Cần Thơ hả?
- Dạ phải... chắc bác cũng ở miệt đó?
Bác kia vồn vã đáp:
- Ừ, qua cũng ở chung một “xứ” với chú em, qua ở Ngãi Tứ chắc chú em mầy biết chớ?
Tư Cầu mừng rỡ nói:
- Tui ở dưới Rạch Chiếc đó bác! Cha, không dè lên đây mà còn gặp bà con mình ở dưới. Mà sao bác lại... ở đây vậy?
Bác kia cười ngất rồi nói:
- Thì cũng giống na ná như chú em mầy vậy, nhưng qua đi một chuyến ghe heo bị tàu tuần Tây nó bắt thẩy luôn lên trên này ở riết cho tới bây giờ...
Thấy có người cùng xứ sở trong trại giam, Tư Cầu như thêm vững lòng. Anh ta sốt sắng hỏi thêm:
- Vậy chớ ở nhà bác có ai hay biết gì không? À, bác thứ mấy để tui kêu cho tiện?
- Ờ, qua thứ tám. Ở... dưới nhà của qua hay lâu rồi, nhờ có người trên này được thả dìa, qua nhắn tin theo.
Tư Cầu mừng rỡ hỏi luôn:
- Bộ ở đây cũng thả dìa được nữa sao bác? Mà họ có thả... hoài hoài hông bác?
Bác Tám cười đáp:
- Thì có bắt thì phải có thả chớ chú em! Nhưng thả... lai rai vậy. À, chú em bị bắt lâu mau rồi?
Tư Cầu trả lời liền:
- Dạ, tui bị bắt có cả tuần lễ rồi bác Tám à.
Bác kia bắt cười xòa. Thấy vậy, Tư Cầu ngơ ngác nhìn bác rồi ấp úng hỏi lại:
- Còn bác, bác bị kẹt bao lâu rồi vậy?
- Ối, qua mới bị giam có gần một năm...
- Ý trời mới có gần một năm?
Bác Tám gật đầu:
- Ở đây, cái “cỡ” đó là thường... có người bị kẹt hồi Tây mới qua đây nữa.
Tư Cầu như mất hứng ngồi bí xị. Một hồi lâu anh ta móc gói thuốc ra mời bác Tám và mấy người ngồi chung quanh đó. Ai nấy đều sốt sắng đưa tay rút lấy điếu thuốc một cách rất trịnh trọng và đầy vẻ nâng niu.
Tư Cầu vừa phà ra một hơi thuốc vừa thở dài:
- Cái điệu này, phần tui chưa có ăn nhằm gì hết. Tui bị bắt cả tuần nay tưởng đã lâu dữ lắm ai dè so lại thì không bằng ngày lẻ của mấy bác.
Bác Tám vỗ vai an ủi anh ta:
- Ối, coi vậy mà mấy hồi chú em ơi! Cũng có khi mấy ổng thả bất tử lắm chớ đâu phải chỉ do ở lâu hay mới. Hơi sức nào chú em lo buồn, thây kệ bà nó mình cứ nhắm mắt đánh liều rồi muốn tới đâu thì tới...
Tư Cầu nhăn nhó hỏi thêm:
- Thì đã đành như vậy rồi, nhưng sao mấy bác... ở hoài trong này mà chịu nổi?
Bác Tám cười xòa:
- Chớ mình chịu hổng nổi thì ai vô đó mà “chịu” thế cho mình? Để qua nói đây rồi chú em mầy nghiệm coi có đúng không: ở riết rồi cũng quen chú em à!
Tư Cầu cười gượng:
- Cha, chắc cái điệu này tui... quen hổng nổi đâu!
Vừa lúc ấy có tiếng kiểng đổ một hồi dài, những người ở trong trại vội vã đứng dậy đi ra ngoài cửa. Tư Cầu còn đang ngơ ngác chưa hiểu gì thì bác Tám đã níu tay anh ta lôi dậy:
- Thôi đi ăn cơm chú em! Chắc mấy hôm nay thèm gạo lắm phải không?
Tư Cầu thẫn thờ đáp:
- Cũng không thấy thèm gì lắm, nhưng nhai ba cái bánh mì nhà binh thét rồi trẹo hàm hết.
Bác Tám vui vẻ nói:
- Đó, ai mới vô thì cũng muốn... bỏ ăn hết, nhưng ở quen quen đôi ba tháng, cha nào cha nấy cũng ních tới năm sáu tô cơm gạo đỏ, và buổi chiều còn vắt cơm vô trại để... dằn bụng ba hột nữa chớ!
Tư Cầu có vẻ không tin nhưng cũng đẩy đưa cho qua:
- Vậy hả!
Bác Tám vừa cặp tay anh ta đi ra ngoài ăn cơm, vừa tươi cười nói:
- Thôi gượng vui lên chớ chú em! Chú em còn trẻ quá mà! À, tự nãy giờ qua quên hỏi chú em tên gì, thứ mấy để kêu cho tiện chớ cứ gọi trống không hoài coi cũng... kỳ!
Tư Cầu ân cần đáp:
- Ối, tui cũng như con cháu của bác vậy! Tui tên Cầu thứ tư, bác kêu đại tên tui cho nó... dễ.
Bác Tám cặp chặt thêm tay anh ta:
- Vậy thì... chú Tư, xin mời chú em ra dùng cơm với qua... lấy thảo! Mau chú em, không thôi tụi nó “lùa” hết đa!
Cả hai ngó nhau cười xòa rồi rảo bước đi gấp lại chỗ dọn cơm.
Tư Cầu đã hơi quen với cuộc sống mới tại trại Phú Lâm. Mới ban đầu anh ta còn lóng ngóng từng ngày, từng tuần... riết rồi hết biết chờ đợi tới bao giờ nữa, nên cũng đâm lì ra bỏ lún việc mong đợi ấy.
Một buổi chiều, trong lúc mọi người trong căng đều vui vẻ: kẻ họp nhau đánh cờ, người tụ lại kể chuyện tiếu lâm hay chuyện ly kỳ gì khác, và ở cuối trại, một nhóm anh em đang thưởng thức mấy câu vọng cổ rất mùi của một anh bạn tốt tiếng, có cả một cây kìm và ghi-ta phụ họa... trong lúc ấy Tư Cầu ngồi dựa lưng vào vách nhìn một đám mây trôi qua mấy lỗ mắt cáo của tấm lưới sắt bao quanh phía trên tường trại.
Bác Tám lẳng lặng đến ngồi một bên anh ta lúc nào mà anh ta cũng chẳng hay. Một hồi lâu sau, bác nhẹ nhàng đặt bàn tay lên vai anh ta.
Tư Cầu giựt mình quay đầu lại:
- A, bác! Vậy mà tui tưởng ai chớ! Sao bác hổng vui chơi môn gì với mấy anh em kia hết vậy bác?
Bác Tám nghển cổ lên:
- Coi, chú Tư mầy sao lẹ miệng quá vậy? Câu đó đáng lẽ để qua hỏi chú em mới phải, bây giờ chú em hỏi ngược lại qua!
Tư Cầu chỉ biết cười trừ...Thấy vậy, bác Tám ngồi xích lại móc thuốc ra mời nó, rồi chỉ đám anh em đang vui chơi trong trại:
- Đó chú em coi, phải ai cũng ngồi một đống như chú em hết thì cái trại này chẳng khác gì nhà mồ!
Tư Cầu trả lời cầm chừng:
- Thì cũng có người vầy người khác chớ bác!
- Qua thấy chú em ngồi riết ở trong trại buồn, nên qua tính rủ chú em ra làm cỏ-vê ở ngoài cho nó giãn gân, giãn cốt một chút, chớ cứ sống bó rọ hoài... phát thủng chết lần chết mòn đa chú Tư nó!
- Ở trong trại, tui cũng có làm... công tác vệ sinh chớ bác!
- Ối, như vậy mà ăn nhậu gì! Chú em cứ ở trong rợp hoài da thịt bủng xì hết. Qua muốn kêu chú em theo qua đi “lao công” ở bên ngoài... có nắng có gió coi vậy mà cũng đỡ lắm chú em à! Hơn nữa, có đi ra ngoài mình nhìn thiên hạ đi qua đi lại... cũng đỡ khổ nhiều lắm!
- Thì ở đây, anh em mình trong trại đi qua đi lại chen chưn không lọt chớ bộ thiếu sao?
- Trời ơi, sao chú em mầy thiệt thà quá vậy! Qua nói thiên hạ là thiên hạ... ở ngoài đời chớ đâu phải thứ tù như tụi mình! Nhứt là giát sáng nhìn qua hàng rào dây kẽm, thấy các bà các cô đi chợ rần rần... coi cũng nôn quá chú em ơi! (rồi bác cười hấp tấp nói tiếp liền theo) Qua nói đây là nói cho... chú em, chớ phần qua thì già cả rồi, mấy thứ đó qua đâu có ham nữa!
Tư Cầu cũng cười đáp:
- À cái đó thì tui cũng... bái luôn.
Bác Tám nghiêm mặt lại nói tiếp:
- Thôi dẹp cái chuyện tầm xàm đó qua một bên đi! Bây giờ qua trở lại chuyện hồi nãy: vậy chú em có ưng theo qua ra ngoài làm cỏ-vê không? Nếu chú em chịu thì qua nói với anh đại diện sắp đặt để bắt đầu sớm ngày mơi này tụi mình đi làm luôn.
Tư Cầu gật đầu nhưng không có vẻ gì hăng hái cho lắm:
- Được rồi, bác nói giùm đi để mơi tui tháp tùng theo...
Nghe giọng nói của Tư Cầu xụi lơ như vậy, bác Tám khều nó bảo thêm:
- Ê tụi, chỗ làm đó ngon lắm nghen! Thiếu gì đứa ở trong trại muốn nhảy vô “sở” đó, nhưng nhờ qua có... “ngoại giao” nhiều, nên tụi mình muốn đi làm chỗ ấy lúc nào cũng được hết!
Tư Cầu vội nắm lấy cánh tay của bác Tám:
- Thì tui biết vậy rồi mà! Tui cám ơn bác nhiều lắm... thiệt vô đây tui gặp được bác kể như nhờ phước đức ông bà gì để lợi nhiều lắm vậy.
- Ối, ơn với nghĩa gì đó chú Tư! Mình là người cùng xứ sở với nhau ai giúp nhau được cái gì thì cứ giúp. Qua thấy chú em hiền lành qua thương lắm, để chuyến này dìa dưới, thế nào qua cũng kiếm một chỗ làm ăn đàng hoàng và lịch sự người để qua làm mối cho chú em!
Tư Cầu xô nhẹ vai bác Tám ra:
- Cái đó thì tui xin... can bác! Thời buổi này, một thân một mình đây mà còn chẳng biết sống chết vào lúc nào; đèo bồng thêm vợ con lùm đùm lề đề nữa chỉ thêm lo chớ sướng ích gì!
Sáng hôm sau, Tư Cầu theo bác Tám và một số anh em nữa xếp hàng ra khỏi trại để đi “lao công”.
Tốp của hai người này được chỉ định vào làm cỏ và săn sóc mấy bồn bông ở khoảng đất chung quanh nhà viên Trung úy Pháp cai quản trại giam.
Vừa tới chỗ làm, bác Tám đã vội khoe với Tư Cầu:
- Ê chú Tư, “chỗ” của tụi mình coi bộ dễ thở đa chú. Nè, chú ngó ra ngoài đường coi: xe cộ thiên hạ dập dìu vui vẻ quá há! Mà chú đừng rề lại gần hàng rào dây kẽm đó nghen, ba thằng gạch mặt ở trên chòi canh nó thấy nó “ria” liền đa!
Tư Cầu trề môi nhún vai:
- Tưởng cái gì khác chớ cái đó... tui biệt có thèm!
Bác Tám gật gù:
- Nếu vậy thì chú em mầy bảnh!
Công việc của bác Tám và Tư Cầu có việc săn sóc và tưới nước mấy bồn bông. Riêng trong ngày đầu tiên, hai người lo cắt xén mấy hàng rau dừa kiểng “chạy chỉ” xung quanh mấy bồn bông. Họ tỉ mỉ cắt từng cái lá, từng cọng cây sao cho thật bằng đầu và thẳng đứng ở hai bên.
Tư Cầu cầm cây kéo nhấp nhấp liền tay, anh ta chăm chú tỉa từng cái lá một và có vẻ như mải mê với công việc. Bác Tám liếc mắt trông thấy như vậy cũng hả hê một phần nào. Đoạn bác tươi cười kêu Tư Cầu:
- Ê, chú Tư nó! tụi mình làm như vầy thiệt chẳng khác ba anh thợ hớt tóc tỉa ngọn tóc... và còn kỹ hơn họ nữa là khác! Thiệt chỉ có mấy cha nội tù mới dư thì giờ mà làm chuyện lắc rắc kỹ lưỡng như vầy thôi!
Tư Cầu ngừng tay kéo, ngước lên vui vẻ đáp:
- Bác nói đúng đa! Tui dám chắc ở ngoài đời làm gì có thứ bồn bông liếp kiểng khéo léo như trong này phải hông bác? (rồi anh ta chép miệng than) Hồi còn ở dưới vườn, bắt tui phát mấy công đất tui cũng chịu, chớ ai thử thời bắt tui ngồi tỉa từng cái lá chút bíu như vầy, tụi... chạy tét luôn!
Bác Tám chận lời anh ta lại liền:
- Đọ, đi ba đồng bảy đổi gì rồi chú em cũng... chặt cua về dưới vườn hoài hè! Qua nói dẹp luôn cái chuyện đó qua một bên đi, càng nhắc tới càng rầu thúi ruột chớ ích gì!
Tư Cầu xẻn lẻn đáp:
- Thì tui vui miệng nói chơi vậy chớ bộ ai... Mà thôi trời nắng nóng dữ rồi đa! Tui thấy khát nước rồi bác!
Bác Tám phủi tay đứng dậy:
- Khát nước thì đi uống và nghỉ xả hơi một hồi.
Tư Cầu do dự hỏi:
- Nhưng chưa gì mình nghỉ ngơi, mấy ổng có la rầy hông bác?
Bác Tám lôi anh ta đi:
- Rầy khỉ khô họ! Ở đây tụi nó cũng dễ chịu ở cái chỗ đó: tụi nó không hối thúc gì hết miễn là mình chịu khó... ở tù một chút! Ờ, qua quên dặn chú Tư nó điều này nữa: ở đây, trừ ra công tác vệ sinh ở trại thì không kể, mọi công việc lao công hay cỏ-vê gì khác, mình cứ cà rịch cà tang làm tới đâu hay tới đó... Ngày rộng tháng dài mà! Thủng thỉnh mà làm, chớ làm săng lên quá hết công việc... thất nghiệp đa chú!
Khi đi đến sân sau trước nhà bếp, Tư Cầu thấy trên mấy hàng dây kẽm phơi quần áo có mấy cái áo dài màu và quần áo đàn bà, anh ta lấy làm ngạc nhiên day qua hỏi nhỏ bác Tám:
- Nè bác Tám, sao có quần áo đàn bà phơi đầy ở đây hết vậy?
Nghe Tư Cầu hỏi về mấy cái áo dài và quần áo đàn bà phơi trên dây kẽm, bác Tám mỉm cười:
- Cha chú em tinh mắt quá há!
Tư Cầu hơi mắc cở nên tìm cách nói cho qua:
- Thì... thấy nó phất phơ trước mắt nên hỏi vậy thôi... vì tui lấy làm lạ sao lại có những thứ đó ở đây...
Bác Tám hớp một ngụm trà Huế rồi đáp:
- Bởi vậy qua mới nói chú mầy tinh mắt! Quần áo ấy là của vợ ông quan hai cai quản căng của tụi mình đó chú Tư!
Tư Cầu nhìn lại phía sào phơi quần áo, rồi nhìn bác Tám:
- Ủa, quần áo của vợ ông hai? Bộ ổng hổng có vợ đầm hay sao hả bác?
Bác Tám cười xòa:
- Dữ hông, có bấy nhiêu đó mà tự nãy giờ qua coi bộ chú Tư nó thắc mắc ghê quá! Thì có gì lạ đâu, mấy ổng qua bên này coi vậy cũng buồn nên có vợ lền khên... Mấy cô chơi bời đó thiếu gì chú Tư!
Tư Cầu gật gù:
- Hèn chi tự nãy giờ tui cứ lấy làm lạ hoài tại sao nhà ông hai tây mà lại phơi áo dài đàn bà mình... Té ra là áo của vợ ổng. (rồi anh ta thắc mắc hỏi thêm bác Tám) Nè bác, nhưng sao mấy ổng là quan quyền bự như vậy mà lại chịu cặp với mấy cô chơi bời hả bác? Bộ mấy ổng hổng sợ tai tiếng gì sao?
Bác Tám vỗ vai anh ta, cười đáp:
- Chú Tư sao thiệt thà quá đỗi! Mấy ổng qua bên này đánh giặc, buồn buồn nên cặp mấy cổ chơi qua đường vậy chớ có gì đâu mà tai với tiếng!
Tư Cầu có vẻ mắc cở:
- Thôi mà bác, bác ngạo tui hoài.
- Giỡn khỉ gì, qua nói thiệt đa! Đâu chú em nhìn thẳng lại qua coi! À... à mắt lớn mà ướt ướt, lông mi chớp lia, tóc mướt rượt... môi dầy dầy nhưng ở mép có ngấn... chua cay... người đa tình đa cảm, nhưng nhút nhát không quyết định và chắc phải bị đàn bà... đá đít đến năm bảy chục cái...
Tư Cầu cười rộ:
- Bác nói trật lất! Đàn bà nào đâu mà bác nói hàm hồ như vậy.
Bác Tám như không chú ý đến lời của Tư Cầu, nắm lấy bàn tay trái của anh ta lật ra chăm chú xem chỉ tay:
- Đúng rồi. Bàn tay chú em cũng rõ mồn một đây nè: số đào hoa... nhưng lằng nhằng quá đỗi. Đào hoa kiểu này thành ra... đào tẩu hết, nghĩa là rút cục rồi chú em chỉ còn có cái mình trơ...
Tư Cầu tuy bắt đầu chú ý đến những lời của bác Tám nhưng còn làm bộ hỏi lơi:
- Bác học xem tay xem tướng hồi nào mà dám nói dựng đứng như vậy chớ?
- Thì học ở trong này chớ học hồi nào. Thôi mà chú Tư nó có muốn coi tới thì nói để qua xem kỹ chớ đừng làm bộ mại hơi hoài...
Tư Cầu chỉ biết cười trừ.
Vừa lúc đó có tiếng đàn bà léo nhéo ở trên nhà làm Tư Cầu đứng sững lắng tai nghe, rồi có tiếng mở cửa sổ trên lầu. Anh ta ngẩng đầu nhìn lên và chỉ thấy thoáng qua một cái lưng đàn bà còn để trần với chiếc áo nịt con màu đen.
Tư Cầu há hốc miệng rồi lẩm bẩm nói:
- Ủa... sao tui coi quen quá...
Bác Tám cũng quay đầu nhìn lại, nhưng rồi bác vội níu áo Tư Cầu giựt giựt:
- Thôi cha nội ơi! Cho qua can đi, chú em mà làng chàng ngó bậy ngó bạ thứ này, thằng quan hai nó thấy bất tử thì... mệt cầm canh đa chú em.
Tư Cầu mắt vẫn lấm lét nhìn lên lầu và lấp bấp trả lời:
- Đâu có bác...
Bác Tám kéo anh ta đi chỗ khác:
- Hổng có thì tốt! Chú em đừng tưởng mới đây nghe qua nói có số đào hoa rồi nhè vợ của nó mà “đá bóng” thì... tận số nghen chú em!
Tư Cầu chống chế:
- Bậy nà, tui đâu có dại đến mức đó bác! Nhưng tôi trông người đàn bà đó quen quá. Hồi nãy nghe tiếng nói không thôi, tui cũng bắt giựt mình...
Bác Tám lắc đầu quầy quậy:
- Thôi, thôi đi cha nội! Đừng có nhìn quàng nhìn xiên mà mang khổ đa!
Tư Cầu nói giọng quả quyết:
- Thiệt mà bác! Tui nghe tiếng nói và thấy phía sau lưng của... bà quan hai sao giống một người đàn bà mà tui quen quá! (rồi nó thở dài nói tiếp) Nhưng người tui quen đó ở xa tít mù chớ đâu có mặt trên này được. Có lẽ người giống người...
- Có lẽ khỉ gì, chắc mẻm như vậy rồi!
Tư Cầu nín thinh một hồi rồi quay qua hỏi bác Tám:
- Nè bác, vậy chớ bác có gặp tận mặt bà hai lần nào chưa? Bả là người ở đâu bác có biết... nghĩa là bác có nghe ai nói lợi hông.
Bác Tám nheo nheo mắt nhìn anh ta rồi chậm rãi hỏi lại:
- Ê chú Tư, sao chú hỏi tới hoài vậy chú? Chú muốn gặp mặt bả hả? Chú mần ở đây thế nào cũng có ngày giáp mặt mà! Còn cái việc... gốc gác của bả là người ở đâu thì qua cũng chưa rõ. Ối, mấy bà chơi bời đó trôi nổi bình bồng thì biết xứ sở làm khỉ gì.
Tư Cầu đưa đẩy cho xuôi theo:
- Ờ, bác nói nghe cũng có lý... (nhưng rồi anh ta lại tò mò hỏi thêm) Mà bác thấy bà hai có con cái gì không?
Bác Tám cười đáp:
- Ta đã nói gái chơi bời mà con cái gì! Bộ chú Tư hổng rành cái chuyện đó sao?
- Vậy hả, tui nào có biết...
Bác Tám sốt sắng nói thêm:
- Tui nói là nói vậy chớ bà hai đây cũng điệu lắm chớ hổng phải giống như thứ hư thân mất nết khác đâu. Qua coi bộ bả cũng biết tội nghiệp cho những kẻ tù tội như tụi mình. Chú em hổng biết chớ thiếu gì người đàn bà lấy Tây rồi đụng ai cũng “sạt-cà-rây-cu-xoon” tưới hột sen còn quá mẹ mấy ông Tây chánh hiệu “con nai nằm” nữa!
Tự nhiên Tư Cầu cảm thấy hớn hở:
- Nói vậy bả cũng khá hén bác!
- Ừ, anh em lên mần ở đây thường được bà cho thuốc hút hay bánh mì nhà binh ăn hoài. Bả được nhứt ở chỗ đó!
Bác Tám nói xong như khoái chí điều gì nên cười xòa.
Đoạn hai người lững thững bước đi ra ngoài sân chỗ mấy bồn bông để tiếp tục làm công việc bỏ dở ban nãy. Khi hai người ló mặt ra ở gốc sân, thì Tư Cầu đã chỉ kịp thấy vợ viên quan hai quần áo đàng hoàng leo lên ngồi phía trước chiếc xe díp bên cạnh tên tài xế nhà binh da đen, và chiếc xe rồ máy chạy vọt thẳng ra phía cổng ngoài.
Tư Cầu đứng ngẩn người nhìn trân trối theo chiếc xe hơi đã khuất trong nháy mắt...
Bác Tám nắm vai anh ta lắc mạnh mấy cái:
- Ê chú Tư... bớ ba hồn bảy vía chú Tư dìa ăn cơm ăn cá!
Tư Cầu giựt mình quay lại và khi nghe câu “gọi hồn” bỡn cợt của bác Tám anh ta bắt tức cười theo bác:
- Bác cứ ngạo tui hoài.
Bác Tám làm ra vẻ nhăn nhó kêu than:
- Cha, qua coi bộ chú em mầy “lậm” quá rồi! Mới có ở tù chưa nóng chỗ nằm mà qua coi bộ chú em mầy... thấy đàn bà là chịu hết nổi! Cái điệu này rủi kẹt chừng một vài năm nữa, “nó” lên tới óc thì chú em mầy nguy!
Tư Cầu xô nhẹ bác ra:
- Bác cứ nói giỡn hoài!