Phải. Ông Ruông hát mà câu hát cứ gợi ông nhớ đến một khúc sử cùng vị tổ phụ của mình, ông Hai Mươi Ba. Theo ông, mười tám lá xoài không phải mười tám chiếc lá xoài, mười hai lá mít không phải mười hai chiếc lá mít, mà thân con gái tuổi mười tám tuổi mười hai như lá mít lá xoài trong gió. Thằng Cỏ em ngủ đã mùi. Nằm trên võng với cháu, ru cháu ngủ rồi thì đọc sách. Đó là cách ông kết hợp việc đọc với việc chăm sóc cháu. Lẽ ra ông đã thôi hát để đọc sách. Nhưng lại thấy thích ngâm nga câu hát mà ông cho là thuộc về khúc sử ấy: Gió đưa mười tám….lá xoài Mười hai lá mít … Ông Ruông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ: Thời ấy, những cuộc hôn nhân có màu sắc chính trị như thế xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Nói đâu xa, trước đấy, vào năm 1228, vua nhàTrần cũng đã gả công chúa Ngoạn Thiềm cho Nguyễn Nộn, người đã chiếm cứ cả vùng Đông Ngàn, Bắc Giang để chống lại nhà Trần, và vào năm 1285 thì gả công chúa An Tư cho thái tử Thoát Hoan, con vua Nguyên, Trung Hoa, lúc quân Nguyên xăm lấn Đại Việt. Ở bên châu Au, những cuộc hôn nhân xảy ra giữa các công quốc thường là để thêm vây cánh hay thêm đất đai. Chẳng hạn, Henry II của nước Anh (1133-1189) khi còn là công tước xứ Normandy đã cưới Eleanor (1122-1204), con gái công tước Wiliam xứ Aquitaine và là hoàng hậu của vua Pháp Louis VII (1137-1180) vừa mới li dị chồng, nên khi làm vua nước Anh ông đã được cai quản một vùng châu Au rộng lớn là vương quốc Angevin. Nhưng đối với đám dân miền sông Tượng núi Tượng thì việc vua Champa Sinhavarman III ( Chế Mân) cưới công chúa Huyền Trân của nhà Trần nước Đại Việt là chuyện lạ. (Sử ghi: Mùa xuân tháng ba năm 1301 vua Trần Nhân Tông đi chơi các địa phương, sang Chiêm Thành, … mùa đông tháng mười một từ Chiêm Thành trở về. Năm 1306 vua Chiêm Thành Chế Mân cho mang sính lễ sang nước Đại Việt để rước công chúa Huyền Trân, theo lời hứa của vua cha Trần Nhân Tông) Thời bấy giờ con trai con gái khác châu khác quận mà cưới nhau đã là chuyện khó xảy ra. Đằng này lại là con trai nước Champa cưới con gái nước Đại Việt. Miền sông Tượng núi Tượng cách kinh đô Vijaya vài ba mươi dặm. Khi nghe chuyện ai cũng bảo là huyễn hoặc. Đến chừng có lệnh hết thảy phụ nữ các châu quận quanh kinh thành Vijaya phải về kinh đề lo việc bánh trái cho đám cưới của vua thì mọi người mới tin là thật. Vua lệnh là lệnh đám phụ nữ về kinh để làm bánh ít lá gai cho cô dâu Đại Việt ban tặng thần dân Champa trong ngày cưới. Nhưng bọn con trai miền sông Tượng núi Tượng là bọn hiếu kỳ, đã dẹp việc cày bừa sang một bên, hùa theo đám phụ nữ về kinh đô để xem cho biết con gái Đại Việt đẹp đến mực nào mà vua Champa đã bỏ ra hai châu quận làm sính lễ. Phải, ngoài vàng bạc châu báu, vua còn trích bớt hai tỉnh ở biên giới phía bắc Champa là châu Ô châu Ri làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Quan lo việc lễ tân có vẻ cảm động lắm khi thấy tiến đến chỗ ông đám người phụ nữ có thanh niên có, gánh theo lĩnh khĩnh những đường, nếp, lá gai, lá chuối, tức những vật liệu để làm bánh ít lá gai. Ông nói: -Vua chỉ triệu lũ ngươi đến làm bánh, chứ đâu có bảo mang về kinh những thứ đó. Nhưng thôi, đây là tấm lòng của thần dân, ta sẽ tâu lên vua để ban khen. Thực ra đây là mưu mô của đám con trai miền sông Tượng núi Tượng. Bọn họ về kinh cốt để xem mặt Huyền Trân, nhưng bề ngoài thì nói là để dâng các sản vật đó lên vua. Chắc các nhà chép sử đã quên, hay cho là không đáng chép, nên đã không thấy chép: Một là, một văn hóa về ăn uống đã nảy sinh từ đám cuới của vua Sinhavarman và công chúa Huyền Trân, về sau đã được miêu tả trong văn chương dân dã (Muốn ăn bánh ít lá gai. Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. Bình Định là châu Vijaya xưa) Và hai là, một bệnh dịch đã xảy ra trong đám cưới ấy. Có điều là bệnh dịch ấy nhanh chóng phát sinh và cũng nhanh chóng dập tắt. Hoá ra đám con trai ở các miền châu quận khác quanh kinh đô Vijaya cũng đổ về kinh để xem cô dâu Đại Việt. Bọn họ gíup đám phụ nữ giã bột, giã lá gai, gói bánh, nấu bánh. Khói đun bánh và hương thơm của nếp tỏa khắp châu thành. Phải nói vùng ngoại vi châu thành Vijaya trong những ngày ấy đã toát lên một vẻ đẹp thảng thốt. Bỡi trước đó thì nơi đây chỉ là những gò đất màu ba dan buồn bã, giờ bỗng mọc lên những ngôi nhà dài lợp lá cau lá dừa, tuy là tạm, nhưng vẫn toát lên nét kiến trúc Champa ở từng cột chống, ở từng nuột cột, ở từng mái lá, mà bên dưới nó lúc ban đầu chỉ là nơi để làm bánh ít lá gai, nhưng thật ra là một thế gian thu nhỏ. Những nghi thức xảy ra lúc công chúa Huyền Trân vào đến hoàng cung vua Sinhavarman chắc cũng giống với nghi thức cưới của các vua chúa các nước khác thuộc thời trung cổ, xin miễn bàn. Ở đây chỉ thuật lại những gì đã xảy ra kể từ lúc Huyền Trân ban tặng bánh ít lá gai cho mọi người. Thay vì cúi rạp tung hô, đám thần dân ở đây lại chen nhau lên phía trước, hoặc rướn cổ lên, để được nhìn tận mặt cô dâu Đại Việt, lúc vua Champa và công chúa nhà Trần bước vào lều trại. Đám tì nữ của công chúa bưng những mâm bánh đầy tiến đến bên vua và công chúa. -Thật xứng công vượt đường dài nghìn dặm đến quê chồng để được ăn miếng bánh này. Huyền Trân nói, nhoẻn cười. Rồi dịu dàng cắn một miếng bánh ít lá gai. Rồi im lặng ( chắc là để chiêm nghiệm vị ngon của bánh). Sau đó, nàng bốc một chiếc bánh khác, nhẹ nhàng lột hết lớp lá bên ngoài, và đút vào miệng vua. Vua Sinhavarman cũng cắn một miếng bánh ít, chậm rãi nhai, rồi nói: -Nếu đặt ngai vàng sang một bên thì ta cũng là một thần dân Champa. Giờ thì hoàng hậu yêu quí của ta hãy ban tặng cho những thần dân khác. Huyền Trân cùng đám tì nữ của mình bước vào giữa đám người đang chen lấn nhau. Lúc đầu, chính tay công chúa ban tặng bánh cho mọi người. Nhưng sau đó, vì mệt, đám nô tì phải thay nàng làm công việc ấy. Lập tức đám con gái Đại Việt ấy bị xô đẩy vào giữa đám con trai các châu quận. -Hãy để bọn chúng vui chơi thõa thích. Huyền Trân nói, ngã đầu lên vai Sinhavarman lúc vua đến để đưa nàng về lại hoàng cung. Cả đám nô tì của Huyền Trân cả đám con trai các châu quận cùng hô to: Đức vua vạn tuế, hoàng hậu vạn tuế. Dường ngọn sóng tình từ đôi uyên ương vương giả đã lan sang bọn họ. Bấy giờ không còn chuyện tặng bánh, nhận bánh. Đám phụ nữ Champa gảy đàn pró. Còn đám nô tì của công chúa Đại Việt và đám trai làng các châu quận thì nắm lấy tay nhau nhảy múa Có thể một kẻ thức giả nào đó cám cảnh gái trai, hoặc một anh trai làng lém lỉnh nào đó đã nghĩ ra cách lấy từ những áng thi ca dân dã (đã có sẵn) những từ những đoạn, để lắp ráp thành câu hát cho hợp tình hợp cảnh. Đám nô tì của công chúa Đại Việt thì hát: Gió đưa mười tám lá xoài mười hai lá mít lạc loài tới đây. Đám trai làng các châu quận thì hát: Tới đây thì ở lại đây, chừng nào bén rễ xanh cây mới về. Tiếng đàn hát ngân nga suốt ngày đêm hôm ấy. Đêm, từng đôi gái trai dắt tay nhau đi dưới bầu trời kinh đô yên ả. Cứ một anh trai làng thì dắt theo một nữ tì Đại Việt. Chẳng biết có cưới nhau được không, và bao giờ mới cưới được, nhưng bọn họ cứ việc trù tính chuyện cưới nhau. Chẳng ai ngờ cuộc hôn nhân có màu sắc chính trị như thế lại sản sinh ra một biến động trần gian thơ mộng như thế. Một thứ dịch ái tình đã bùng phát trong đêm động phòng hoa chúc của vua Champa và công chúa nhà Trần. Những lời ái ân đầy chất viễn xứ được nói ra trong đêm hôm ấy thì không bút mực nào tả hết. Chỉ thử chép lại đây cuộc tình tự giữa một anh trai làng miền sông Tượng núi Tượng và một nữ tì của công chúa Huyền Trân. -Núi Tượng sông Tượng là có gần kinh đô không? -Cũng gần. Đi hơn buổi đường. -Nhưng em thì chưa biết tên anh. -Cứ gọi là anh Hăm Ba -Hăm Ba là sao? -Tức là Hai Mươi Ba. Còn tên của em? - Dạ tên là Nô Tì -Tên nghe hay như tiếng đàn pró. -Chỉ làm những việc lặt vặt như bưng cơm bưng nước cho công chúa mà hay gì. -Té ra là vậy. Mà nhà em có nuôi bò không? -Dạ em không có nhà. Em đương ở là nhà của công chúa. -Thế muốn làm đám cưới thì làm ở đâu? -Em cũng chẳng biết nữa. Có điều… -Sao? -Sính lễ cưới em chắc là cao. -Cha mẹ anh có mấy sào ruộng trên đồng Đất Sét. -Nhưng anh cũng biết, sính lễ cưới công chúa là hai châu. Thì sính lễ cưới em có ít mấy cũng nửa châu hay một huyện. Xin mở ngoặc ở đây một chút. Là người ngoài nhìn vào sẽ nói vua Sinhavarman của Champa phóng khoáng hơn vua Henry của nước Anh. Sinhavarman bỏ ra đất của hai châu Ô, Ri để được người vợ nước ngoài. Nhưng Henry cưới bà hoàng vừa li dị chồng ở nước ngoài là để được đất Aquitain ( người ta còn nói về sau, khi có chuyện lủng củng trong nhà, Henry còn bắt giam Eleanor vào tu viện Fontevrault) Nhưng anh chàng Hai Mươi Ba miền sông Tượng núi Tượng thì còn phóng khoáng hơn cả Sinhavarman (nếu không muốn nói là phóng khoáng hơn tất cả những ông vua phóng khoáng) Bỡi cuối cuộc tình tự đêm hôm ấy, anh đã đi đến quyết định như sau: -Nhất định anh sẽ đem cả bò trâu, cày bừa, nắng mưa của trời đất làm sính lễ để cưới em.