rên lối đi vương vãi lá vàng khô, một thiếu nữ tiến về phía tôi. Lúc nãy tôi thấy nàng đi bên cạnh.Nàng mặc áo cánh màu xám lợt, hoàn toàn vừa vặn, đâu đội nón nỉ, chân mang giầy da hoẳng. Tên nàng là Geneviève Terhoven nhưng nàng đã hoàn toàn xa lạ đối với tôi.Sau thánh lễ, tôi đi thơ thẩn trong vườn không một chút hy vọng, và bây giờ nàng - Isabelle - đang đi về phía tôi. Tôi dừng bước. Nàng đã tới, mảnh khảnh và thanh thoát. Đột nhiên, quá khứ như siết nghẹt cổ họng tọi. Không thể nói được một lời.Dầu Wernicke không báo trước là Isabelle đã hoàn bình phục tôi cũng có thể đoán ra qua sự khác lạ ở nàng. Đầu óc tôi bỗng quay cuồng, máu như dồn cả lên tiểu não, tay chân như tê liệt. Tôi gọi nhỏ:- Isabelle!- Tôi à?Nàng hỏi với một nếp nhăn trên trán.Tôi bỡ ngỡ. Có lẽ chỉ cần nhắc lại một đôi câu, nàng sẽ nhớ ra.- Isabelle! Cô không nhận ra tôi sao? Rudopf đây.- Rudopf? Rudopf...ông nói gì, xin lỗi.Tôi hoàn toàn lạc hướng:- Chúng mình đã từng nói chuyện với nhau, đã quen nhau, cô không còn nhớ ra sao?Nàng gật đầu:- Vâng, tôi đã ở đây cũng khá láu, nhưng xin lỗi, tôi quên mất phần lớn những gì đã xảy ra. Còn ông, chắc ông cũng ở đây lâu lắm rồi, phải không?- Tôi à? Không đâu... tôi đến để đánh phong cầm...Geneviève tỏ ra lịch sự:- Phong cầm à, phải rồi! Ông đàn trong tiểu giáo đường. Tôi nhớ ra rồi. Xin lỗi, tôi hay quên quá. Ông đàn hay lắm.Tôi đứng đó như một gã ngu đần, tự hỏi sao chưa chịu bỏ đi. Dường như Geneviève cũng đang đặt một câu hỏi tương tự.Nàng bỗng lên tiếng:- Xin lỗi ông, tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi sắp rời khỏi nơi đây.- Cô sắp đi?Nàng ngạc nhiên không hiểu sao tôi hỏi thế nhưng vẫn đáp:- Vâng.- Và cô chẳng còn nhớ gì cả?... Những danh tánh rớt vào trời đêm, những bông hoa biết nói?Isabelle không hiểu gì cả. Nàng cười:- A! Một bài thơ, phải không? Tôi rất thích thơ nhưng nhiều quá làm sao nhớ hết?Tôi đành thua cuộc. Nàng đã hoàn toàn bình phục và tôi đã đi ra khỏi trí nhớ của nàng giống như một tờ báo trên tay lão nhà quê ngã gục rơi vào đống lửa.Nàng đã quên tất cả rồi, như một người bị đánh thuốc mê vừa tỉnh dậy. Geneviève Terhoven không còn nhớ tới Isabelle. Tôi biết là nàng không dối gạt. Tôi đã mất nàng rồi, không phải như điều tôi lo sợ, bởi vì nàng đã thoát vuột từ một thành phàn không giống với giới của tôi và bây giờ nàng lại quay về đó. Không, sự mất mát theo quan niệm của tôi không phải thế. Đây là một sự mất mát nghiêm trọng nhất, sâu đậm nhất, không còn cách nào tìm lại được. Đối với tôi, Isabelle đã chết.Nàng đã chết nhưng xác thân nàng còn thở, còn xinh đẹp. Nhưng thật ra Isabelle đã chết rồi. Isabelle đã tự trầm trong thân xác của Geneviève Terhoven đã trở thành hiện thân của một thiếu nữ, con nhà gia giáo, một phần tử của xã hội thượng lưu... và một ngày kia người thiếu nữ đó kết hôn và trở thành một người vợ hiền, sanh con đẻ cái...- Xin lỗi, tôi phải đi. Một lần nữa xin cám ơn về những tiếng đàn phong cầm.Wernicke hỏi tôi:- Cậu thấy thế nào?- Về chuyện gì?- Đừng giả ngu. Cậu biết là tôi muốn nói về cô Terhoven. Dù sao cậu cũng đã giúp tôi được việc. Luôn ba tuần không gặp cậu cô ấy đã hoàn toàn bình phục. Thành công trọn vẹn?- Ông cho đó là một thành công?- Chớ gọi là gì nữa? Cô ấy đã trở lại đời sống bình thường và trở về với gia đình, thời gian sống ở đây đã bị quên khuấy, như một cơn ác mộng. Cô ấy đã trở thành một con người, cậu còn muốn gì hơn? Cậu mới vừa gặp đó. Thế nào?Tôi lặp lại:- Thế nào?Một nữ tu sĩ má hồng như thôn nữ mang vào một chai rượu chát và mấy cái ly.Tôi hỏi dò:- Đêm nay có được hân hạnh tiếp đón giáo sĩ tôn kính Bodendick không? Không biết cô Terhoven có phải là tín đồ Thiên Chúa giáo chăng, nhưng cô ta ở vùng Alsace thì chắc đúng. Trong trường hợp đó, Ngài giáo sĩ chắc phải vô cùng hân hoan vì đã đem được một con chiên trở về bầy, một con chiên lạc, nếu muốn sát nghĩa hơn.Wernicke cười nửa miệng:- Ngài tu viện trưởng đã bày tỏ sự hân hoan, cả tuần nay, cô Terhoven mỗi ngày đều có dự thánh lễ.Isabelle! Isabelle dự thánh lễ! Nàng đã từng nói Chúa bị họ đóng đinh và những kẻ đã làm cho Chúa đổ máu không phải chỉ là những kẻ vô thần. Nàng từng bày tỏ sự gớm ghiếc đó với những kẻ lấy sự đau khổ đó của Chúa để làm niềm an ủi cho mình.Tôi tiếp tục tìm hiểu:- Chẳng biết cô ta có xưng tội chưa?- Tôi không rõ nhưng chắc là đã có. Đúng ra thì cô ấy phải thú nhận tất cả những gì đã làm trong thời kỳ loạn trí nhưng làm thế nào để nhớ được? Kể cũng thích thú đối với một người theo Tân giáo như tôi.Tôi nhìn ông thầy giũa óc đang uống cạn ly rượu chát:- Làm thế nào xưng tội được khi mà chỉ trong đầu hôm sớm mai cô ta đã quên bặt quá khứ?Wernicke rót rượu ra ly:- Uống đi kẻo vị giáo sĩ tôn kính của chúng ta tới bây giờ. Khói hương cũng là một mùi vị thiêng liêng nhưng chỉ sợ nó làm mất mùi vị rượu chát của mình.Ông ta uống một ngụm rồi đảo mắt:- Quên tất cả? Không phải như vậy đâu, không phải đột ngột như thế đâu. Trước đó có những dấu báo hiệu.Ông ta nói đúng. Tôi đã nhận thấy điều đó ở Isabelle một vài hôm thình lình gặp nhau, nàng không nhận ra tôi. Chợt nhớ tới đêm gặp gỡ cuối cùng, tôi chụp vội ly rượu uống cạn một hơi. Loại Château Reinhardt sao đêm nay lại lạt như nước máy.Wernicke tỏ ra khoan khoái:- Tất cả đều đúng như dự định. Cậu có thể chứng kiến việc đó ngay hôm nay. Chút nữa mẹ con cô ấy tới đây dũng điểm tâm.Tôi muốn bỏ đi ngay nhưng có một cái gì giữ chặt tại chỗ. Một khi có cơ hội làm đau khổ chính mình, con người ít chịu bỏ qua.Bodendick vào tới và nhìn tôi bằng ánh mắt bao dung. Rồi đến lượt mẹ con cô Terhoven. Một cuộc đàm thoại nhạt nhẽo bắt đầu. Bà mẹ, sắc đẹp bình thường, khoảng bốn mươi lăm tuổi, thỉnh thoảng lại nói những câu vô nghĩa không biết mệt. Lúc nào bà ta cũng sẵn sàng để trả lời mà không cần suy nghĩ.Tôi nhìn Geneviève. Đôi khi trong một thoáng, tôi chợt thấy khuôn mặt quen thuộc, khả ái, man dại và ngơ ngác của Isabelle, nhưng hình ảnh thân yêu đó tan biến rất mau vào câu chuyện đang pha loãng, đề cập mọi vấn đề nhưng chẳng có vấn đề nào ra hồn cả.Ngôn ngữ kỳ lạ và huyền bí của Isabelle đâu rồi? Một cơn thủy triều đã xóa chúng mất đi. Bây giờ cũng từ cái miệng xinh xinh đó lại nói ra những lời hoàn toàn khác biệt. Tôi đứng lên:- Vĩnh biệt cô Terhoven. Theo tôi biết, có phải cô đi trong tuần này không?Nàng gật đầu. Wernicke hỏi tôi:- Đêm nay cậu không tới à?- Có chớ.- Chúng tôi đợi cậu. Sẽ có một bữa tiệc nhỏ do tôi đãi. Có phải thế không, thưa bà?Bà mẹ Isabelle trả lời:- Rất sẵn sàng.Buổi tối còn thảm hại hơn buổi sáng. Tôi nhìn thấy Isabelle trong giờ hành lễ. Ánh nến mơ hồ chập chờn trên tóc nàng, nàng đứng đó gần như bất động. Những tiếng phong cầm đầu tiên vừa nổi lên, tất cả những người loạn trí đều quay đầu về phía tôi. Riêng Isabelle thì cầu nguyện. Không còn nghi ngờ gì nữa, nàng đã hoàn toàn bình phục.Sau đó tất cả lại càng tệ hại hơn. Tôi và Geneviève cùng đi một đoạn đường lúc ra sân. Tôi không biết phải nói gì trong khi Geneviève vừa siết chặt áo choàng vừa nói bâng quơ:- Trời lạnh quá!- Vâng, trời lạnh lắm. Cô đi trong tuần này à?- Chắc là vậy. Lâu lắm rồi, tôi chưa về nhà.- Chắc hài lòng lắm?- Cố nhiên.Hết rồi, chúng tôi chẳng còn gì để nói với nhau. Dầu vậy, tôi cũng nhận ra được chút gì của người con gái tôi quen. Dáng đi không thay đổi và khuôn mặt trong tối vô cùng quen thuộc! Một tia hy vọng lóe lên. Ngay trước khi ra khỏi lối đi, tôi gọi nhỏ:- Isabelle...Nàng ngạc nhiên:- Ủa!Tôi vội nói:- Chẳng có gì cả. Tôi chỉ gọi một tiểu danh.Nàng dừng lại:- Chắc ông lầm. Tiểu danh của tôi là Geneviève.- Đúng vậy. Tôi khùng quá. Isabelle là tên của một người khác. Tôi và cô ấy đã từng quen biết khá lâu.- Vậy à? Có thể. Người ta quen nhau, nói với nhau đủ chuyện. Và rồi lại quên đi.- Đúng lắm.- Hai người có thân nhau lắm không?- Có thể gọi là biết nhau chút ít.Nàng cười nhỏ:- Thơ mộng quá. Xin lỗi, sao tôi lại mau quên đến thế. À, nhớ ra rồi.Tôi nhìn nàng đăm đăm và nhận ra nàng chẳng nhớ gì. Để không khí bớt nặng nề, nàng gượng nói:- Mấy tuần sau này, có quá nhiều chuyện dồn dập tới. Phải từ từ mới nhớ hết ra.Và để xin lỗi, chuyện chẳng nhớ ra, nàng hỏi tôi:- Mấy lúc sau này, ông có biết chuyện gì xảy ra không?- Về vấn đề nào?- Về chuyện cô Isabelle.- À, cô ấy đã chết.Nàng dừng sững lại, hơi hốt hoảng:- Chết. Sao buồn vậy? Xin lỗi, tôi không biết...- Cũng không sao. Chúng tôi chỉ tình cờ gặp nhau.- Chết đột ngột, phải không?- Vâng. Thật đột ngột. Chết mà không biết mình sắp chết và đang chết.- Thật đáng buồn - Và nàng chìa tay ra - xin thành thật chia buồn với ông.Bàn tay nàng gầy, chắc và tươi mát. Nàng không còn sốt nữa... Và đây là bàn tay của một thiếu nữ vừa lỡ bước đã gượng lại được ngay. Nàng lẩm bẩm:- Isabelle, tên đẹp quá! Ông biết không, trước đây tôi không chịu nổi khi nghe gọi tới tên mình.- Và bây giờ?Nàng đáp với giọng thân hữu:- Bây giờ thì khác hẳn.Nàng vẫn tiếp tục tỏ ra thân hữu. Đó là lối lịch sự nhạt nhẽo của những người thành phố nhỏ giữa những người gặp nhau rồi quên ngay sau khi vừa quay lưng.Tôi bỗng thấy bộ quần áo nhà binh cũ được sửa thành thường phục, trở nên chật chội. Trong lúc đó, Geneviève vẫn mặc đúng thời trang. Nhưng sự sang trọng đó không bao giờ khiến tôi vừa lòng cả.Nàng và bà mẹ quyết định tới Bá Linh trước và nghỉ ngơi ở đó vài tuần trươc khi về nhà ở vùng Alsace.Chưa gì, mẹ nàng đã sẵn sàng cả một chương trình:- Xem hát! Nghe hòa tấu! Trở lại những đô thị lớn bao giờ cũng như được sống lại. Hết gian hàng này tới gian hàng kia. Lại còn những cửa hiệu thời trang.Bà vỗ nhẹ bàn tay Geneviève:- Phải ở đó cho tới lúc chán mới thôi, phải không?Geneviève gật đầu. Mặt Wernicke sáng rỡ. Chữa khỏi một người điên không phải là chuyện bất cứ ai cũng làm được!Tôi bỗng thấy không chịu đựng nổi nữa và đứng lên. Wernicke nhìn tôi:- Sao vậy? Sao cứ cựa quậy mãi như... như hối suất Mỹ kim vậy?Bà mẹ rướn người lên và thở dài:- Mỹ kim! Thật là tệ hại! Cũng may là chú Gaston...Chú Gaston thì ăn thua gì tới tôi. Tôi chợt thấy mình đang ở ngoài sân và nhớ là đã nói với Isabelle:- Cám ơn về tất cả.Và nàng đã sững sờ:- Ủa! Tôi có biết gì đâu.Tôi lững thững đi xuống đồi. Giã từ, trái tim non dại! Vĩnh viễn giã từ, Isabelle! Em không chết, anh biết là em không chết. Em chỉ biến mất đi thôi, và nó vẫn còn đó, khuôn mặt trước khi được sanh ra, đôi khi nó chường ra ở một khía cạnh khác với cuộc đời, nó làm cho mình lóa mắt trong một giây, và chúng ta không còn là chúng ta nữa.Tôi bỗng thấy chân bước dài hơn. Hít một hơi dài, tôi bắt đầu chạy. Lúc tới cổng sắt, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, tôi lùi lại. Trong tôi cảm giác giải thoát dâng cao, sống và sự chết chỉ là những ngôn từ, những con ngỗng trời bay qua trên đầu tôi vẫn đã bay từ khi trái đất mới thành hình, không hề có câu hỏi, không hề có những lời giải đáp.Vĩnh biệt, Isabelle! Anh yêu em, Isabelle? Vĩnh biệt cuộc đời. Vĩnh biệt, trái tim cuồng loạn của em!Mãi một lúc lâu, tôi mới biết trời đã đổ mưa. Tôi đưa mặt ra hứng lấy những giọt nước và nếm ở đầu lưỡi.Ngay lúc vượt qua cổng, tôi chợt thấy một bóng người to lớn từ trong chỗ tối đi ra, sặc sụa mùi rượu chát và khói hương, cả hai chúng tôi cùng quay ra, phía sau người gác cổng khép màn lưới sắt vào.Bodendick hỏi:- Từ nãy giờ ở đâu? Vẫn còn trên đường đi tìm Chúa?- Không, tôi đã thấy Chúa rồi.Ông ta nheo một mắt:- Ở đâu? Trong thiên nhiên hả?- Không rõ lắm. Có những nơi nào nhứt định để mình gặp Chúa không?Bodendick chỉ tay về phía ngôi tiểu giáo đường bên phải chúng tôi:- Ở bàn thờ. Đó là con đường của tôi. Còn cậu bé?- Tôi à? Tôi thì con đường nào cũng được cả. Tất cả những con đường. Tất cả, thưa giáo sư.Ông ta lùi lại. Tôi nghe có tiếng càu nhàu ở phía sau:- Chẳng lẽ uống thế mà đã say.Tôi vừa về tới nhà thì một bóng người núp sẵn ở cửa nhảy bổ vào tôi. Hắn vừa ôm siết tôi, vừa gầm gừ:- Thằng chó đẻ, mầy chết với tao!Tôi vùng mạnh khiến hắn văng ra, vẫn tưởng đây chỉ một trò đùa nghịch của thằng bạn nào đó. Hắn lấy lại thăng bằng rồi phóng đầu vào bụng khiến tôi ngã ngửa vào cái tháp đen. Tuy thế, trong khi té tôi vẫn kịp phản ứng bằng một đòn chân vào bụng hắn. Có lẽ cú đá không đủ mạnh nên cái bóng lại nhảy xổ vào tôi.Lần này tôi chợt nhận ra Watzek, gã giết ngựa trong lò sát sanh. Tôi hất tay, xô dạt hắn ra:- Làm cái gì lạ vậy? Bạn không nhận ra à?Hắn chồm tới chụp trúng vào cuống họng tôi và nghiến răng:- Mày là ai, hả? Tao biết là mày và nhứt định mày sẽ chết.Có lẽ hắn say nhưng tôi không còn thì giờ để suy nghĩ nữa. Watzek nhỏ bé hơn tôi nhưng bắp thit hắn rắn chắc như bò rừng. Tôi vận dụng toàn lực ngồi được lên và ấn mạnh đầu hắn vào cái tháp đen. Mấy ngón tay hắn đã nới lỏng ra, tôi lôi hắn tới bệ đá và đập đầu hắn vào. Tới lúc đó, hắn mới chịu buông tay. Để chắc chắn hơn, tôi đánh vào cằm hắn bằng một đòn vai khiên hắn ngã sóng sượt.Tôi vội vàng đứng lên, xô cửa và mở đèn ra.- Sao đây? Bạn muốn gì? Có gì thì nói...Watzek lồm cồm ngồi dậy, có lẽ còn choáng váng nên lắc đầu luôn mấy cái cho tỉnh táo. Rồi chẳng nói một lời, hắn lại lao đầu vào tôi. Tôi nhảy tránh ra, đồng thời chặn chân hắn lại làm hắn ngã sấp vào cái tháp.Nếu là người khác thì chỉ một cái té đó cũng đủ bất tỉnh luôn. Thế nhưng nhờ có sức khỏe như voi, hắn lại gượng đứng được. Hắn từ từ xoay người lại, một con dao nhọn và dài đang nằm trong tay hắn. Hắn đã lấy con dao cài ở giầy ống ra trong lúc té sấp. Bây giờ, hắn và con dao vũng phóng lới.Ngụy hiểm vô cùng! Với mnột kẻ chơi dao nhà nghề như hắn mà đương đầu lại thì cầm bằng như tự sát. Không một giây chậm trễ, tôi vọt bắn người ra sau. Watzek đuổi theo. Rất may là hắn không nhanh nhẹn như tôi. Tôi kêu lớn:- Điên rồi hả? Bộ muốn bị tử hình sao?Watzek thở hổn hển:- Tao sẽ cho mầy chết... mầy dám lấy vợ tao mầy... phải đổ ra...À, thì ra thề. Hắn cho là tôi đã dụ dỗ Lisa.- Watzek. bạn sẽ bị tử hình...- Tử hình mẹ mầy! Tao phải thiến mầy mới được, muốn ra sao thì ra.Chúng tôi chạy vòng tròn quanh cái tháp đen. Tôi không kịp nghĩ tới kêu cứu bởi tất cả xảy ra quá mau. Vả lại, nếu có kêu chắc cũng chưa có ai dám cứu? Vừa thở hồng hộc tôi vừa cố hét lớn:- Walzek, bạn lầm rồi! Vợ bạn thì có ra quái gì với tôi!- Vậy mà mầy ngủ với nó!Cuộc chạy đua với tử thần tiếp diễn, xoay bên phải trở bên trái. Chân mang giày ống nên Watzek không xoa xở được nhanh.Khốn nạn! Georges đâu rồi? Chỉ trong vài phút nữa là tôi sẽ giãy chết dưới cái đài tưởng niệm này, chết thay hắn trong khi hắn đang ôm ấp Lisa.- Sao bạn không hỏi lại Lisa, đồ ngu!- Tao moi ruột mầy ra, đồ đê tiện!Tôi sợ hãi nhìn quanh để xem ra có vật gì làm võ khí. Chẳng có gì cả. Trước khi có đủ thì giờ nhấc một tấm lên tôi đã bị chém đứt cổ rồi.Tôi chợt thấy một viên cẩm thạch lớn bằng nắm tay đang phản chiếu ánh đèn, nằm trên bệ cửa sổ. Tôi chụp lấy hòn đá, tiếp tục nhảy nhót để nhắm thật trúng vào hắn. Hòn đá bay vụt ra, đập mạnh vào phía bên mắt phải. Máu tuôn xối xả khiến hắn chỉ còn nhìn thấy một bên.Tôi lại rống to:- Watzek, bạn lầm rồi. Không bao giờ tôi làm chuyện, xin thề có trời!Watzek đã chậm lại nhưng còn nguy hiểm:- À, mầy phản bội một chiến hữu. Nhục nhã quá!Hắn lại phóng lới. Tôi nhảy sang một bên, cúi xuống lượm hòn đá lúc nãy, ném mau ra. Nhưng hòn đá không trúng đích bay vèo vào khóm tử đinh hương.- Vợ bạn không đáng một xu, ai thèm tới. Hiểu chưa, đồ ngốc!Gã đồ tể lặng thinh, tiếp tục đuổi bắt. Tôi cố chạy ở phía con mắt bị thương của hắn để hắn không nhìn rõ. Rồi thừa lúc hắn bất ngờ tôi phóng nhanh một đá và cũng ngay lúc đó, con dao của hắn trúng vào đế giày tôi. Tuy thế ngọn đá lần này tỏ ra hữu hiệu. Watzek dừng sững lại, tay buông thõng, máu mặt đổ ròng.Tôi chỉ tay vào mặt hắn:- Nghe đây, không được cử động. Ngưng chiến một phút. Sau đó bạn cứ việc phản công và tôi cứ việc đập bể con mắt còn lại.Tôi vừa nói vừa quắc mắt nhìn thẳng vào mặt hắn như thôi miên. Tôi đã đọc một cuốn sách nói về thuật thôi miên. Tôi nói gằn từng tiếng một cho chữ chui tọt vào óc hắn:- Tôi... không... hề... dính... líu... tới... vợ... bạn.Và tôi nói tiếp thật mau:- Vợ bạn chẳng ăn nhằm gì tới thằng này cả. Khoan! Đứng yên! Thằng này cũng có vợ mà!Watzek gầm lên:- Vậy mới càng gớm ghiếc hơn, quân dâm đãng.Hắn lại lầm lì tấn công. Vì cố rút ngắn đường để chận tôi, hắn vấp phải bệ đá và lảo đảo. Tôi thừa địp phóng mũi giày vào xương ống chân. Mặc dầu nhờ đôi ủng nhưng hắn vẫn đau đớn nên dừng lại, nhưng con dao van còn ở trong tay.Tôi lại dùng giọng của một nhà thôi miên:- Nghe đây, đồ ngu như lừa. Thằng này đang si tình một thiếu nữ. Chờ đó, thằng này sẽ cho bạn coi hình.Watzek vẫn lặng thinh múa dao. Chúng tôi lại chạy vòng tròn quanh cái tháp đen. Trong lúc chạy, tôi móc lấy tấm ảnh của Gerda tặng làm kỷ niệm. Vì quá vội nên khi rút được tấm ảnh từ trong bóp ra tôi đã làm rơi luôn mấy tỉ Đức kim vung vãi trên mắt đất.Tôi dừng lại cách khoảng đầy đủ để chìa tấm ảnh ra mà không sợ bị hắn nắm tay.- Đây, xem đi! Có phải vợ bạn đó không?Hắn ngoẹo đầu cố nhìn với con mắt không đổ máu. Tôi đặt Gerda lên bệ đá:- Đó coi đi! Coi kỹ có phải là vợ bạn không?Watzek nhóm tới, toan chụp lấy tay tôi. Tôi phóng lùi ra:- Đồ ngu! Coi đi! Có một người đẹp như vậy thì Lisa của bạn có nghĩa lý gì.Không ngờ, đòn tâm lý hạng bét đó lại có hiệu quả. Gã đồ tể quan sát thật kỹ tấm hình Gerda rồi tiu nghỉu.- Nhưng chắc chắn là phải có một thằng nào đó ngủ với nó.- Đừng nhảm! Vợ bạn đàng hoàng ít ai bằng.- Vậy nó làm gì ở đây mỗi đêm?- Ở đâu?- Ở đây.- Bạn chẳng biết gì cả. Có thể là vợ bạn qua bên này mượn điện thoại. Tại sao không? Đàn bãà họ thích nói chuyện bằng điện thoại nhứt là khi ở nhà chỉ có một mình. Muốn vợ đứng đi thì sao không sắm điện thoại riêng?- Nhưng ban đêm nó cũng ở đây.Chúng tôi đứng đối diện nhau, cách khoảng bởi cái tháp đen.- Mới đây thì có, nhưng hôm đó là vì có chuyện lão Knopf say gần chết làm cả xóm náo loạn lên. Vợ bạn chỉ có mặt mấy phút rồi về. Ngoài ra bạn cũng biết là vợ làm cho Moulin Rouge kia mà.- Nó nói vậy, nhưng...Con dao chúi mũi có vẻ không nguy hiểm mấy. Tôi khom xuống lấy tấm ảnh Gerda lên và đi vòng tới gần Watzek:- Bây giờ, bạn có thể lột da tôi như lột da ngựa, nếu bạn muốn. Nhưng tốt hơn hết là nên nói chuyện đàng hoàng giữa đàn ông với nhau. Bạn muốn gì? Muốn đâm lột kẻ vô tội thì cứ làm đi.- Không... nhưng mà...Bây giờ hơi tỉnh táo, tôi đã biết là kẻ nào đã đâm thọt với hắn. Ngoài mụ góa chồng Konersmann ra chẳng còn ai. Có điều tôi thầm hãnh diện là mụ đã coi tôi như một gã có số đào hoa.- Watzek, nếu bạn biết hiện thời đầu óc tôi còn để ở đâu, chắc bạn phải xấu hổ ghê gớm vì đã nghĩ bậy.Hắn liếc nhìn tấm ảnh với hàng chữ “Trao Louis để nhớ mối tình đẹp của chúng mình. Gerda”.Chỉ còn có một mắt, chẳng biết hắn có thấy được không?- Con bé này hơi giống với vợ bồ, cũng một tầm vóc. Có phải vợ bạn có một cái áo choàng màu rỉ sét không?- Có... nhưng mà...- Con bé của tôi cũng có một cái giống như vậy. Ở tiệm Max Klein ngoài đại lộ, áo choàng đủ cỡ. Thời trang mà. Chắc bà già Konersmann mắt quáng gà. Bạn thấy rõ rồi chớ?Thật ra mắt của mụ Konersmann còn tinh hơn loài chim cắt. Nhưng một anh chồng bị cắm sừng có thể tin bất cứ điều gì nếu anh ta muổn tin. Tôi nói tiếp:- Bà ta lẫn lộn giữa hai người. Con bé của tôi có đến đây mấy lần. Đó quyền của cô ta, phải không?Tôi làm mọi cách để giản dị hóa sự việc. Nghĩa là tôi hướng dẫn để hắn trả lời có hoặc không. Hay, nếu muốn thì hắn chỉ có thể trả lời bằng động tác của đầu.- Tốt! Vậy là bạn biết điều! Còn tôi thì suýt bị ám sát.Walzek buông mình ngồi lên bệ tháp:- Nhưng bồ có vừa gì đâu, bồ nhìn tôi xem.- Con mắt vẫn còn mà.Watzek đưa tay sờ những vệt máu bắt đầu khô lại. Tôi làm ra điều lo ngại dùm hắn:- Bồ mà còn chơi dao như thế là có ngày tù rục xương.- Thây kệ, tánh tôi là vậy.- Vậy sao không tự đâm lấy để khỏi phiền phức?- Chiến hữu, bạn không biết đâu. Tôi đã nhiều lần nghĩ tới chuyện đó rồi. Tôi yêu nó tới điên lên, còn nó thì cứ coi như tôi là không có.Tôi bỗng cảm thấy xúc động và cũng buông mình ngồi bên hắn. Hắn buồn thảm kể lể:- Đó là tại nghề nghiệp. Mùi máu tanh làm nó chịu không nổi. Phải giết ngựa suốt đêm, biết làm sao?- Bạn không có một bộ khác để thay thế khi ra khỏi lò sát sinh sao?- Không dễ đâu. Mùi hôi vẫn tiết ra.- Thì tắm rửa thật kỹ.- Tắm ở đâu? Ở phòng tắm công cộng. Tất cả đều đóng cửa vào giờ đó. Sáu giờ sáng, ai mở cửa cho?- Bộ trong chỗ bạn làm việc không có phòng tắm à?Watzek lắc đầu:- Chỉ có những ống nước để gội rửa sân nhà. Trời lạnh thế này, tắm bằng ống nước đó chịu sao nổi?Tôi đã hiểu ra. Nước máy vào giữa tháng Mười một nhất định là không tắm nổi. Họa may chỉ có Karl Brill.- Có bao giờ bạn nghĩ tới chuyện đổi nghề không?- Tôi có biết nghề nào khác nữa đâu?- Hay làm nghề lái ngựa? Tôi thấy bạn có khiếu về ngựa lắm.Gã đồ tể ngồi lặng thinh, đầu gục xuống. Chúng tôi ngồi như thế rất lâu, chẳng biết nói gì. Vả lại chuyện của hắn thì có liên quan gì tới tôi? Nhưng cuối cùng tôi thấy vẫn phải nói:- Bạn nên đổi nghề khác đi. Nghề giết ngựa kiếm ăn có được không?- Không tệ lắm.- Vậy cũng tốt. Cứ hai ngày ra tắm ở thành phố một lần rồi thay đồ mới vào. Vài cái sơ-mi, một hai cà-vạt. Bạn có thể sắm được chớ?Watzek suy nghĩ khá lâu trước khi hỏi lại:- Bạn có tin làm như vậy có hiệu quả tốt không?Tôi nghĩ lới cái đêm bị bà mẹ của Terhoven quan sát:- Mặc một bộ đồ mới bao giờ cũng cảm thấy tự tin hơn. Chính tôi đã từng có kinh nghiệm đó.- Thật hả?- Rất thật.Walzek nhìn tôi với đôi chút thích thú:- Nhưng mà...theo tôi thấy thì bồ có ăn mặc gọn ghẻ gì đâu, vậy mà vẫn có được...- Cái đó còn tùy.Watzek ngáp dài:- Bây giờ chúng mình lại là anh em với nhau. Thật là khó tin.- Chẳng phải là chuyện khó tin đâu. Tôi có đọc một cuốn sách nào đó, người ta bảo rằng đàn ông đều là anh em với nhau. Nhưng khi nhìn quanh, đôi khi không thể tự hỏi, nói như thế có quá đáng hay không?Watzek cười:- Tôi vẫn thấy là khó tin nhưng nó lại có thật vì hai đứa mình suýt cắt cổ nhau.- Giữa anh em với nhau, chuyện đó cũng rất thường xảy ra.Gã đồ tể đứng dậy:- Mai tôi sẽ ra thành phố tắm - Hắn đưa tay sờ vết thương - tôi muốn sắm một bộ quân phục. Ở Munich, người ta đã bắt đầu mặc quân phục.- Theo tôi thì nên sắm thường phục cho đẹp là hơn. Quân phục không có tương lai.- Cám ơn. Có lẽ tôi phải sắm cả hai. Đừng giận nghe chiến hữu. Mai, tôi sẽ tặng bồ một khúc dồi ngựa thật ngon.