ỗng có tiếng chim hoành hoạch kêu ré lên. Tư Cầu rút tay ra ngồi nhổm dậy. Phấn hai tay giữ lấy chéo áo, hỏi nhỏ anh ta: - Gì vậy anh? Tư Cầu cũng thầm thì đáp lại: - Hoành hoạch kêu như vậy... chắc có người hay con gì đi động, để anh... Tư Cầu chưa kịp nói hết lời thì một ánh đèn pin lóe lên rọi chĩa thẳng vô mặt anh ta và liền theo là một tiếng hô to: - Bắt lấy hai tên Việt gian này cho tôi, anh em! Đúng là tiếng của tên chính trị viên. Tư Cầu không nghĩ ngợi gì nữa, nhào lăn xuống ruộng lúa rồi kéo Phấn tuột theo xuống... - Coi chừng hai đứa nó chạy trốn! Thấy ai chạy bắn nát óc cho tôi! Tiếng tên chính trị viên quát tháo lên nữa. Ánh đèn pin lại quét theo hướng của Tư Cầu lăn xuống ruộng... Núp trong đám lúa, anh ta lẩm bẩm chửi thề mấy tiếng rồi thò tay vô trong bụng rút phăng khẩu súng ra, lấy ngón cái kéo chốt an toàn xuống. Anh ta nâng mũi súng lên nhắm ngay vào giữa cái quầng ánh sáng do ngọn dèn pin tỏa ra... và bóp cò... Một tiếng nổ chát chúa vang lên. Có tiếng bể rổn rảng của mặt kiếng đèn và liền theo là tiếng thất thanh của tên chính trị viên: - Trời ôi, chết tôi... Tư Cầu day qua nói nhỏ với Phấn: - Chắc chuyến này nó chết! Anh biết nó hổng biết cách cầm đèn pin rọi mà! Phấn lập cập hỏi lại: - Bây giờ làm sao đây anh? Tư Cầu chưa kịp trả lời thì hai phát súng nổ chĩa về phía anh ta và Phấn đang núp. Đạn xẹt xuống nước ruộng nghe lõm bõm. Tư Cầu vẫn chưa rõ số người định theo bắt anh ta nhiều hay ít, nhưng khi nghe tiếng bàn tán xì xào vọng lại từ trên chỗ anh ta cùng con Phấn ngồi khi nãy, anh ta biết chắc là bọn họ chỉ có hai người, không kể tên tên chính trị viên đã bị thương... Tiếng bàn tán lại vang lên, Tư Cầu nghe rõ mồn một: - Trời ơi, tui coi bộ ảnh bị nặng đa anh... Chắc chảy máu dữ lắm, tay tui dính ướt nhẹp và nóng hổi đây nè! - Vậy mầy lo cõng vô trỏng đi và báo cáo với mấy ảnh luôn! Còn tao, tao rượt theo tụi nó... - Ừa, phải, tui cõng ảnh vô trỏng nghen!... Mà anh có dắt theo trái lựu đạn nào đó không, nếu có tung mẹ nó xuống ruộng, may ra... - Tao có đem theo đây nè nhưng cái thứ lô-can này mà liệng xuống bùn xuống nước thì kể như lép đi chớ ăn thua gì! Mầy chạy vô trỏng cho mau để cho người ta liệu mà băng bó cho ảnh và nhớ xin thêm anh em ra tiếp tao ngoài này để ví bắt tụi nó lại nghen! Tư Cầu vội lôi Phấn núp qua phía bên kia bờ mẫu. Anh ta nghển cổ lên trông thấy tên còn lại đang khom lưng tò mò đi tới... Tư Cầu nói nhỏ với Phấn: - Thằng này nó muốn nạp mạng nữa mà! Phấn níu tay anh ta giật giật: - Thôi anh ơi, mình hổng lo chạy vô nhà đi. - Tính cái đó bậy đa! Bây giờ chỉ có nước đi luôn chớ quay vô trỏng thì chẳng khác gì muốn chui vô lọp. Vừa lúc ấy, tên đi trên bờ mẫu đứng lại nghe ngóng. Tư Cầu bèn la lớn lên: - Ê Tư Cầu đây nè! Tự nhiên tên kia ngồi thụt xuống. Thấy vậy Tư Cầu bắt mỉm cười: - Đứng dậy đi cha nội! Phải tui muốn hại anh thì rồi đời! Trời sáng trăng anh đi ngờ ngờ ở trên còn tui núp kín dưới này, thì tui hỏi anh tránh đi đâu chớ? Tên kia vẫn lặng thinh. Tư Cầu lấy giọng tha thiết nói tiếp: - Nghĩ cho cạn thì tui với anh không thù oán gì ráo, vậy tốt hơn hết anh quay trở dìa đi để cho tụi nó muốn làm gì tui thì giỏi ra đây... Chớ anh mà theo nà tui quá thì... hết còn anh em gì nữa đó nghe! Tên kia lên tiếng than thở: - Kẹt tui quá anh Tư! Hay anh chịu khó trở vô trỏng với tui, tui làm phận sự mà... Tư Cầu nói như quát: - Cha nội này nói dễ nghe quá ta! Ừ, nếu anh muốn làm phận sự thì nhào vô! Tui chắc anh không dám liều mạng bằng tui đâu, đó là tui không nói chuyện tui hạ anh rất dễ, còn anh... anh làm sao bắn trúng tui được cà! Thấy tên kia làm thinh, Tư Cầu dịu giọng nói tiếp: - Thôi anh quay dìa đi, tui cũng mang ơn anh lắm... Tụi mình gặp gỡ nhau sau này mà! Còn như anh muốn làm phận sự thì tui đây chỉ cách cho: anh cứ bắn khơi khơi vài phát rồi lội xuống ruộng cho ướt loi ngoi một chút... như vậy đi dìa là đủ trình với mấy anh lớn rồi! Thôi tôi đi nghen anh! Tuy nói thế, Tư Cầu vẫn núp yên một chỗ chờ xem phản ứng của tên kia ra sao. Độ một lát sau Tư Cầu thấy hắn đứng dậy rồi từ tay hắn bắn hai phát súng nổ lóe lửa... Tư Cầu mỉm cười khi nghe đạn xẹt lủm chủm nổ bên kia bờ mẫu. Anh ta cũng đứng lên và hướng về tên ấy nói lớn: - Cám ơn anh bạn! Sau này gặp gỡ tui không dám quên ơn anh đâu! Tên kia vẫn nín thinh rồi lầm lũi quay trở vô, cùng trong lúc đó tiếng mõ báo động nổi vang rân trong xóm... Tư Cầu vói tay khều Phấn: - Mình cũng liệu mà dong đi chớ không thôi tụi nó kéo ra bao vây thắt họng đa! Phấn lo ngại hỏi: - Đi đâu bây giờ? Quần áo em ướt loi ngoi như vầy, còn đồ đạc thì bỏ trong nhà hết... Tư Cầu chắc lưỡi: - Trời, cái đó để... tính sau, chớ bây giờ dầu cho mình phải chạy tuột quần mình cũng ráng chạy chớ quay lộn đầu vô trỏng để chết hả? - Như vậy... mình đi luôn à? Tư Cầu gắt gỏng: - Chớ sao! Anh dìa trỏng chết đã đành, còn em vô thì cũng bị tụi nó mần thịt... Phấn thở dài: - Thì đành như vậy! Tư Cầu lôi cô ta đi tới: - Mau mau đi bà nội! Phấn còn ráng hỏi: - Mà đi đâu bây giờ anh? - Đi đâu cũng được miễn thoát khỏi chỗ này thôi... Phấn vội vã lội theo anh ta và miệng thì lẩm bẩm: - Em biết trước mà! Người ta đã nói là xui xẻo... Tư Cầu chận ngang: - Em làm ơn câm cái miệng lại giùm một chút! Ai biểu khi không còn bò dìa dưới này làm chi cho sanh rắc rối như vầy nè! Phấn toan nói lại nữa nhưng thấy Tư Cầu đi quá mau nên vội ráng rảo bước để theo cho kịp. Tư Cầu bỗng quay lại hỏi: - Chắc tiền bạc em... để ở trong nhà hết hả? Phấn vội đưa tay nắn lấy túi áo và kêu lên: - Chết hông! Tiền bạc giấy tờ gì em để trong túi ướt nhẹp hết rồi! - Đâu đưa coi... Phấn móc tuột chiếc bóp nhỏ trong túi ra trao cho Tư Cầu. Tư Cầu sờ soạng cầm lấy rồi vui vẻ nói: - Hổng sao đâu! Có ướt thì cũng sơ sơ thôi chớ chưa thấm hết đâu! Mình mới nhào dưới nước ruộng có chút xíu mà! Phấn bỗng chỉ về phía trong và hốt hoảng kêu lên: - Kìa anh Tư! Họ đốt đuốc giăng hàng ở trỏng kìa! Tư Cầu ngoái cổ nhìn vô cười khan: - Ối tụi nó có đi theo rã giò cũng không kịp nổi hai đứa mình. Bây giờ em có đem theo tiền như vầy là vững lắm rồi... Phấn sợ hối anh ta đi: - Anh đừng có ỷ y quá hổng được đâu. Anh liệu cách nào dông cho gấp chớ chuyến này họ tóm cổ hai đứa mình lại được thì nguy đa anh! Tư Cầu mỉm cười hỏi lại: - Bây giờ cũng biết như vậy hả? Dông thì dông... ... Tư Cầu dắt Phấn đi thẳng đến một con kinh chảy từ ngoài sông cái vô trong ruộng sâu. Thấy đi đụng tới mé nước Phấn lo ngại hỏi: - Bộ... cùng đường rồi sao anh? Tư Cầu đứng sát ngoài bờ ngó mong hai đầu con kinh: - Cùng sao nổi mà cùng! Ở dưới này có chỗ nào mà anh không lội qua... Mình có ra đây mới có thể trốn đi cho mau được. Chỗ này, xuồng câu qua lại nhiều lắm, thế nào anh cũng kiếm được một chiếc để nhờ họ chở mình đi ra sông cái rồi dông tuốt một mạch lên phía Trà Ôn. Phấn có vẻ đắn đo: - Anh nói sao nghe dễ ợt... Rủi họ không chịu hay chở mình đem nạp cho mấy ảnh, hoặc đi báo cáo rồi mới tính sao đây! Tư Cầu đáp bằng một giọng đầy tin tưởng: - Em khỏi lo mấy chuyện đó! Ai ra sao anh biết hết mà! Với lại ai nỡ hại mình làm chi mà dầu họ có muốn rục rịch cái gì đi nữa thì... anh sẽ có cách làm cho họ phải tởn hết dám hó hé gì nữa và phải riu ríu nghe theo lời mình. Phấn thở dài: - Đành rằng mình phải liều, nhưng thời buổi này thiệt hổng dám tin ai hết anh ơi... Vừa lúc ấy có ánh đèn lấp ló qua khúc quanh của con kinh, rồi một chiếc xuồng câu từ từ bơi trờ tới. Tư Cầu nhón gót nhìn kỹ người ngồi bơi sau lái rồi hấp tấp lên tiếng hỏi: - Bác Tám đó hả bác? Người ngồi dưới xuồng vội đưa dầm chận rà bớt trớn đi của chiếc xuồng và ngóng cổ lên hỏi lại: - Ai kêu qua vậy? Tư Cầu hạ thấp giọng xuống một chút: - Cháu đây mà bác... Tư Cầu đây mà! Bác Tám giựt mình buông thõng cây dầm kéo rê trên mặt nước. - Ý trời, mầy đó hả Tư? Tao mới vừa ở trỏng thả ra đây... họ kiếm mầy nát nước hết, sao mầy còn làng chàng ở đây? Còn cái con gì đó, tao nghe nói nó đi chung với mầy mà! - Ờ con Phấn hả?... Nó đi với cháu đây nè... Mà bác cập xuồng vô để cháu nhờ một việc này... Bác Tám dợm cất dầm bơi đi: - Ý thôi hổng được đâu mầy ơi! Ai có phận nấy... tao già rồi cũng nên để tao ráng sống kiếm ăn đôi ba năm nữa... Tư Cầu lấp bấp réo gọi: - Khoan khoan bác Tám ơi, bác đành đoạn để cho hai đứa này chết ở đây hả? Bác ghé vô đi, cháu nhờ bác có một chút xíu mà! Ở đây vắng vẻ có ai dòm ngó rình mò gì đâu mà bác sợ hổng biết! Bác Tám gác cây dầm lên ngang be xuồng: - Tao hỏi mầy phải nói thiệt: mầy với cậu đó làm cái gì mà mấy chả ở trỏng la hét chỏi trời, tìm kiếm tở mở như vậy hả? - Trời ơi, bác còn hỏi câu đó nữa! Cháu có làm cái khỉ mốc gì là bậy bạ đâu! Từ đầu mùa tới bây giờ tụi này chỉ biết cắm đầu cắm cổ đi đánh giặc, vậy mà mấy chả còn bơi móc kiếm chuyện sanh sự hoài... Mà mấy chả làm quá, cháu đâu có nhịn hoài được bác! - Còn cái con gì đó... sao lại leo vô nữa? - Dễ hiểu quá mà bác! Cái thằng chính trị viên ôn hoàng dịch lệ đó nó kiếm chác với con này nhưng coi bộ... hổng xong nên đâm ra thù oán và nó tính buộc luôn con Phấn vô để tụi này chết chùm với nhau chơi mà bác! - Bây giờ tụi bây tính sao đây? Thấy bác Tám còn lóng ngóng ở đó chớ chưa nhứt quyết bơi đi thẳng, Tư Cầu bèn lên tiếng van nài: - Thì bác nghĩ coi tính cái gì nữa bây giờ. Thôi việc dĩ lỡ như vậy, hai đứa cháu chỉ có nước là dông đi lánh mặt cho rồi. Thời may gặp xuồng bác đây thì... cháu xin nhờ bác cho tụi này có giang ra ngoài sông cái, rồi coi chỗ nào vắng vắng, bác cho tụi này tấp lên bờ... Bác Tám có vẻ phân vân: - Nói nào ngay, tao thấy tình cảnh của hai đứa bây tao cũng thương, nhưng thương tụi bây được rồi nữa có rủi ro bề gì thì ai thương cho thằng già này đây. - Cháu nói hổng sao mà bác! Thôi cập xuồng vô đi bác! Thiệt cháu gặp xuồng bác cháu mừng húm, bác với cháu thế nào cũng dễ nói chuyện nhau hơn, chớ phải gặp ai khác thì chắc khó xử đa! - Sao vậy mầy? - Thì... nếu gặp xuồng ai khác thế nào họ cũng giục giặc và chừng đó cháu bắt buộc... phải ra tay nổ súng cũng nên, nhưng với bác thì... tránh được chuyện đó. Thôi cặp xuồng vô đi bác! Bác Tám làm thinh bỏ dầm xuống bơi rút vô phía bờ. Đến nơi bác cắm dầm cho chặt để chiếc xuồng khỏi trôi rồi nhảy phóc lên bờ. Tư Cầu ngạc nhiên hỏi: - Ủa, bác đi đâu đó? - Thì tao giao cái xuồng lại cho mầy, mầy muốn đi đâu thì đi, tao bất biết... Tư Cầu níu áo bác lại: - Coi, bác phải đưa hai đứa này đi chớ! Cháu mà bơi đi ngờ ngờ tụi nó chốp lại sao bác! Bác Tám cằn nhằn: - Chớ còn tao đưa hai đứa bây rồi mấy chả tha cho tao chắc? Tư Cầu dịu giọng giảng giải: - Cháu đã nói bác đừng có lo khỉ mẹ gì hết! Dưới xuồng sẵn có hai tấm cà rèm chút nữa cháu dựng lên rồi tụi này chun vô đó... bác cứ ung dng bơi đi hổng ai hồ nghi gì hết đâu mà! (rồi anh ta níu lấy tay bác Tám dắt xuống xuồng) Bác thương thì thương cho trót, rồi nữa thế nào Trời Phật cũng phù hộ cho bác... Bác Tám bước xuống xuồng lại: - Thôi thôi... mầy vái Trời vái Phật phù hộ cho mầy, tao coi bộ... cần hơn, tao già rồi dầu có chết cũng... vừa phải. Thôi hai bây xuống mau đi... ... Trăng sáng vằng vặc ngoài sông cái. Gió thổi thốc vào trong mui xuồng làm cho Tư Cầu thấy thấm lạnh và Phấn cũng co ro người lại. Tiếng của chiếc dầm cạ vào be xuồng đều đều cùng với tiếng nước rẽ ào ào trước mũi xuồng nghe buồn một cách lạ lùng... Tư Cầu thò đầu ra ngoài nhìn ngoái về phía hàng cây trong bờ, nơi thôn xóm mà anh ta âm thầm từ biệt... Anh ta bất giác thở dài. Phấn ngóc đầu lên hỏi: - Gì vậy anh Tư? - Không... Vừa lúc ấy, bác Tám cũng cất tiếng hỏi: - Bây giờ tụi bây muốn đi đâu đây hả? Tư Cầu đáp mau: - Bác cứ bơi thẳng lên chợ đi, rồi gần đến khoảng nhà ruộng ông Cả, bác tấp vô cho tụi này lên bờ cũng được! Bác Tám cười mỉa: - Gần quá há! - Ráng chịu khó cho cho cháu một chút mà bác! Nước còn lớn bác thả xuôi mấy hồi... Phấn ngồi rột dậy: - Nè anh Tư, anh tính tụi mình đi đâu đây? - Thì... đi trốn chớ đi đâu! Phấn nhích lại nắm lấy tay anh ta: - Trốn chung rồi tụi mình kiếm chỗ nào sống luôn với nhau hén! Tư Cầu chậm rãi lắc đầu: - Cái đó... hổng được đâu. Phấn buông thõng tay xuống: - Sao kỳ vậy? Tư Cầu chắc lưỡi: - Anh hỏi em: giặc giã lung tung beng như vầy mà còn có chỗ nào yên để hai đứa mình tấp vô đó chớ! Em còn chồng con, còn công việc mần ăn đăng đăng đê đê ở trển, anh thì long chong và hễ lọt vô bên nào bên nấy cũng cho lãnh đủ hết... như vậy em dám tính cái gì đời đời kiếp kiếp được hông? Phấn có vẻ giận dỗi: - Nói như anh vậy thì... hổng có khi nào em với anh nghĩ đến chuyện ăn ở lâu dài với nhau được hết sao? Tư Cầu ngập ngừng đáp: - Chắc... hổng có khi nào nữa em à! Phấn thở dài sườn sượt: - Em biết trước vậy mà! Tư Cầu ấp úng nói tiếp: - Em biết trước thì... em nên hiểu dùm bụng anh. Thời buổi này đâu phải ai cũng rảnh rang để nghĩ, để lo một cái chuyện... yêu thương, ăn ở với nhau đâu! Đó, em mới dìa dưới này ngồi chưa nóng chỗ mà em thấy coi... hết việc này đến việc nọ... nó chèo kéo nhau làm mình thiếu điều phát điên phát khùng... Thấy Phấn ngồi làm thinh, Tư Cầu bèn ân cần dặn dò thêm: - Chút nữa khi tới nhà ruộng của ông Cả thì... mạnh ai nấy theo con đường nấy, em chịu khó lội lên chợ để đón tàu hay xe gì đó dìa trển luôn đi, còn anh, anh băng qua giồng đi quẹo trở xuống La-Ghì thăm tía má, anh Hai của anh trước khi anh dông tuốt lên miệt Châu Đốc nương náu một thời gian... Bây giờ hai đứa mình chỉ có... hai con đường đó! Phấn lên giọng chua chát: - Con đường nào của anh thì cũng đi bét ra hết! Tư Cầu nắm lấy tay cô ta, ngậm ngùi bảo: - Thôi, chuyến này em hết mong trở dìa dưới nhà, mà anh cũng hết dịp để. gặp em nữa! May mà mình còn được núp chung nhau dưới chiếc mui xuồng này thêm một khoảng sông nữa! Tự nhiên Phấn quơ tay ôm ghịt lấy Tư Cầu... và anh ta thì nghẹn ngào nói tiếp: - Em dìa trển, em còn có chú Ba, có thằng Kỳ, có công chuyện mần ăn, có chuyện nhà chuyện cửa... chớ còn anh, rồi đây anh cũng chẳng có cái gì hết! Phải, anh chẳng có cái gì để lo nghĩ cho... rành rẽ, hẳn hoi, mặc dầu anh lo nghĩ cả trăm cả ngàn thứ chuyện.... Phấn buông tay ôm lấy đầu anh ta ghì chặt xuống ngực như ôm ấp vỗ về một đứa trẻ: - Thôi, em biết rồi, em hiểu rồi... anh đừng nói gì nữa hết... ... Và trong phút chốc Tư Cầu có cảm giác mình trở nên bé bỏng, vụng dại một cách thật kỳ thú! Anh ta nhoi đầu nhìn ngoái ra mặt nước dưới ánh trăng khuya lạnh lẽo... Một luồng gió thổi ào vào trong mui xuồng làm cho Tư Cầu rùng mình và vội rúc đầu vào bên ngực ấm của người yêu. Anh ta khe khẽ kêu lên như có ý tiếc rẻ một cái gì: - Cha, phải chi trong đêm nay con sông này... đi hoài hổng tới bến thì sướng biết mấy! Từ đằng sau lái, có tiếng cười lạt của bác Tám đáp lại liền: - Hừ, tao bơi cúp bình thiếc chớ mầy có bơi ở đâu nên mầy van vái cho con sông này dài hoài hoài! Mà xuồng của tao là xuồng mần nghề đó nghen! Tụi bây làm ơn nhớ giùm tao một chút! Nghe câu đó, Phấn đưa tay véo nhẹ vào lưng Tư Cầu rồi ngoái cổ ra phía sau nói lớn: - Anh Tư ảnh nói... chơi mà bác! Tụi này biết giữ gìn lắm mà! Tuy nói thế, Phấn cũng đưa hai vòng tay ôm lấy cổ Tư Cầu dìu nằm xuống và nói thỏ thẻ một bên tai: - Thôi... hai đứa mình còn gần được nhau lúc nào hay lúc nấy phải hông anh cưng? Chiếc xuồng hơi chòng chành một chút và... làm cho bác Tám bực mình giơ dầm móc mạnh xuống nước, khiến cho mũi xuồng suýt chút nữa đâm quẹo... ngang. Tư Cầu nhổm đầu lên hỏi: - Cái gì vậy bác Tám? Bác Tám trả lời ráo hoảnh: - Tránh đám chà mầy! Tư Cầu mỉm cười nằm xuống gối đầu lên trên cánh tay mềm dịu của Phấn... Đang mơ mơ màng màng, Tư Cầu bỗng giật mình vì một tiếng động mạnh ở mũi xuồng. Anh ta quơ quào chụp lấy khẩu súng rồi lấp bấp hỏi vọng ra phía sau lái: - Gì vậy bác Tám? Bác Tám vừa đứng xốc cặm cây dầm xuống nước vừa đáp: - Tới rồi đó mầy! Tư Cầu gỡ tay Phấn bò ra trước mũi xuồng và dụi mắt lia lịa: - Ở đâu đây bác? Bác Tám đáp sẵng giọng: - Coi, mầy biểu tao đưa lên đây, bây giờ mầy còn hỏi cái điệu đó nữa... bộ mầy tính bắt tao thả lên thả xuống giữa sông theo con nước lớn ròng để hai đứa bây ôm xà nẹo với nhau hoài chắc! Phấn cũng bước theo ra trước mũi xuồng. Cô vung vai rồi hỏi Tư Cầu: - Mình lên chỗ này hả anh? - Ừ. Đoạn anh ta nhảy phốc lên bờ rồi đưa tay vịn cho Phấn leo lên. Bác Tám vội vã nhổ chiếc dầm lên: - Thôi phần công việc của tao xong hết rồi phải không? Tư Cầu đi lại gần chỗ lái xuồng: - Thiệt tụi này làm phiền bác nhiều quá... Thôi bác dìa đi, nước cũng bắt đầu nhửn ròng rồi... Bác Tám có vẻ bùi ngùi: - Nói là nói vậy chớ tao thấy tình cảnh của hai đứa bây tao cũng tội nghiệp lắm! Mấy cháu đi mạnh giỏi bình an, bác dìa đây nghen! Phấn vội bước lại gọi bác: - Khoan đi bác Tám ơi! Đây cháu gửi bác chút đỉnh tiền để hút thuốc (cô hấp tấp móc ra một tờ giấy một trăm đồng và nhét vô tay Tư Cầu) Nè anh Tư anh đưa cho bác. Thấy vậy, bác Tám vội nại cho lui xuồng ra nhưng Tư Cầu đã nhanh tay chụp níu giữ lấy mũi lại rồi nhét tờ giấy bạc vô trong một chiếc nẹp tre trên tấm cà rèm. Bác Tám cự nự om sòm: - Ê, tụi bây lấy lại thì tao mới chịu đi! Bộ tụi bây trả tiền công cho tao hả? Tư Cầu chắc lưỡi: - Ai mà dám làm như vậy hổng biết! Tội nghiệp mà bác! - Bộ tụi bây nói tao ham tiền lắm hả? Thử thời gặp ai khác mà có mướn tao cả bạc triệu coi tao có chở lên đây không! Hay là kề súng kề dao vô bảng họng bắt tao đi coi tao có chịu nhúc nhích hay không! Tư Cầu vừa cười mỉm vừa xô mạnh mũi thuyền ra: - Cháu dư biết bụng bác mà! Bác Tám lắc đầu rồi ái ngại hỏi lại Tư Cầu: - Chắc chuyến này mầy... đi luôn hả Tư? Tư Cầu nhún vai: - Thì bác nghĩ coi... cháu làm sao dám ló mặt dìa dưới nữa! Bác Tám cất dầm lên bơi: - Cháu ráng giữ mình nghen cháu Tư! Bác lui nghen... Tư Cầu cảm động nhìn theo và nói vói: - Bác dìa dưới... nếu tụi nó có nghi cái gì thì bác liệu sắp đặt câu trả lời cho xuôi nghen bác! Bác Tám khẽ gật đầu rồi bơi bung chiếc xuồng ra ngoài xa... - Bác đó coi vậy mà tốt quá! Câu nói của Phấn làm cho Tư Cầu như sực tỉnh. Anh ta quàng tay ra sau lưng Phấn dìu đi lên phía trại ruộng ông Cả nằm kề bên con lộ vườn. Mấy gian nhà trống trơn, lạnh lẽo (vì từ hồi bắt đầu có giặc giã, ông đại điền chủ này đã bỏ phế hết ruộng nương để dông tuốt lên Cần Thơ ở) khiến cho Phấn rùng mình đi ép sát vô mình Tư Cầu... ... Ra đến con lộ, Tư Cầu nắm lấy hai bàn tay của Phấn và nhìn thẳng vào mặt... vội cúi đầu đưa chân chà chà trên một đám cỏ cú mướt rượt sương khuya. - Em... như hai đứa mình bàn tính hồi nãy, bây giờ em đi thẳng lên chợ còn anh, anh lội băng qua đồng để bọc xuống dưới La Ghì... Phấn ngước mặt nhìn lên, và qua ánh trăng xuyên, Tư Cầu thoáng thấy hai ngấn nước mắt lấp lánh... - Bộ không có cách gì khác sao anh? Hay là... hay là em theo luôn với anh đi xuống dưới La-Ghì, rồi hai đứa mình nương náu ở đó để kiếm cách buôn bán làm ăn... Hay là anh muốn đi đâu xa nữa cũng được, anh tạm ở dưới này đôi ba ngày hay một tuần lễ để em dông lên Sàigòn quơ thêm chút đỉnh vốn liếng rồi em sẽ trở xuống kiếm anh... Tư Cầu vừa xiết chặt thêm đôi bàn tay của Phấn vừa lắc đầu: - Hổng được đâu em. Anh đã nghĩ nát nước hết rồi. Thiệt anh không biết cắt nghĩa làm sao cho em hiểu... Khổ ở chỗ là bây giờ tuy không có bên nào dung tha anh ráo nhưng anh lại cũng... không trốn bỏ đi đâu được! Anh đã cố thử làm... tai điếc mắt ngơ một thời gian rồi mà cũng hổng được em! Hễ anh nghe có tiếng súng nổ là trong mình làm như thấp thỏm nhớ ông bà ông vải gì kỳ vậy... Phấn lắc nhẹ tay anh ta: - Tại anh muốn hành thân hành xác anh vậy chớ gì! Bộ thiên hạ hết người đứng ra lo rồi sao! Tư Cầu gãi đầu: - Không phải tại thiên hạ hết người mà tại... mình ở không yên... Phấn nói chen vô liền: - Thì đó, em nói có sai đâu! - Bởi vậy nên anh đâu có dám tính tới chuyện ở lâu dài với em được! Vì thế nào cũng có ngày anh bỏ mẹ nó lại hết ráo để dông đi nữa... Phấn cúi đầu làm thinh. Tư Cầu buồn rầu nói tiếp: - Thôi em à, bây giờ hai đứa mình cũng... lớn tuổi hết rồi chớ đâu còn ở vào cái thời mười sáu, mười bảy tuổi nữa đâu... Đứa nào đứa nấy cũng dính cứng vô chuyện riêng của mình hết, và dầu cho anh với em có đánh liều làm lại ráo trọi cuộc đời đi nữa thì em có chắc là nó sẽ tốt đẹp, sẽ êm thắm hơn bây giờ hông? Phấn nói gạt ngang: - Nhưng nó hợp ý với mình hơn! Tư Cầu bắt mỉm cười: - Em có chắc không? Hay là sau này lại đổ thừa kia nọ lung tung lên... mình đã thử một lần rồi... - Xí, bộ tại em hả? Mà anh không muốn thì thôi! Tư Cầu kéo Phấn lại gần mình: - Dầu thế nào đi nữa, không phải mối tình của mình chấm dứt trên con lộ này... Đó em hổng thấy sao: mỗi lần mình có dịp gặp nhau lại là anh coi bộ còn... mặn nồng gắt hơn trước nữa... Phấn gục đầu trên vai anh ta thở dài... - Thiệt chỉ với em, anh mới dám mấy lần làm cái chuyện... tổn âm đức! Anh đâu quên em là gái có chồng có con đàng hoàng... Nội chút xíu đó em cũng rõ bụng anh... Mấy tiếng gà gáy rộ lên trong xóm kế cận... Tư Cầu nhẹ buông Phấn ra: - Coi bộ... gần sáng rồi em à... Phấn quay mặt nhìn về con lộ xa hun hút, rồi nhìn Tư Cầu: - Chuyến này... em biết sẽ gặp anh lại ở đâu? Tư Cầu nhún vai giơ tay chỉ bá vơ vào khoảng trống không... Phấn ngậm ngùi gật đầu như thấu hiểu câu trả lời... bi thảm ấy. - Em cũng nên lên chợ mau mau để... cho kịp chuyến xe “tài nhứt”. Phấn móc bóp ra trao cho anh ta mấy tờ giấy bạc rồi gượng cười nói đùa: - Thôi nghen, lần này là lần chót đó! Tư Cầu chưa kịp trả lời hay nói thêm một tiếng gì thì cô ta quay lại hấp tấp bỏ chạy đi. Tư Cầu hớt hải kêu gọi: - Em, em! Chỉ có mấy tiếng khóc ấm ức của Phấn vọng lại, rồi cái bóng của chiếc áo túi trắng cũng mất hút sau một đám chuối mọc lấn ra khúc quẹo của con lộ... Tư Cầu đứng nhìn trân trối về phía ấy... Trên trời, một con le le lạc đàn bay ngang qua và tiếng kêu gọi bạn rả rích của nó như vướng mắc vào ánh trăng tà trước khi lắng tan hẳn. Tư Cầu bỗng nhớ trực đến mấy tờ giấy bạc của Phấn mà anh ta vẫn còn nắm chặt trong tay... Anh ta bùi ngùi nhét vào túi rồi thờ thẫn bước rẽ xuống bờ mẫu ruộng để băng qua phía bên giồng. Anh ta vừa đi vừa xốc lại cây lục dắt trước bụng: khẩu Herstal, tuy thuộc cỡ bẩy ly mấy mà sao hôm nay có vẻ nặng trĩu khác thường... ... Mới đây mà Tư Cầu nấn ná ở nhà anh Hai của anh ta gần được trót tháng. Ngày này qua ngày kia, cái tình cảnh ăn no ở không ngồi rồi làm cho anh ta chán ngán vô cùng. Sáng hôm nay, Tư Cầu ngồi bó gối ngoài hàng ba nhà để lắng nghe những tiếng súng lớn nổ vọng lại từ một miền nào khá xa... Hai Cang ở trên đồn về thấy vậy vội bước lại gần em và vồn vã hỏi: - Sao mầy hổng thả ra chợ chơi, chớ làm gì ngồi bí xị như muốn... trù cha hại mẹ vậy mậy? Tư Cầu trề môi, nhún vai rồi làm thinh luôn. Hai Cang móc ra một gói thuốc “Gô-loa” đưa mời em hút rồi ân cần hỏi thêm: - Sao mậy? Cái chuyện tao đem bàn với mầy hôm trước đó, mầy đã tính thế nào chưa? Tư Cầu hấp tấp phà hết hơi khói ra để trả lời: - Tui đã nói hổng được mà! Bây giờ anh biểu tui theo anh đi lính như vầy thì cũng ngặt cho tui quá! Hai Cang có vẻ bực mình: - Coi, bây giờ mầy phải tính xem nên theo bên nào thì theo dứt dạt một bên chớ cứ long chong ở cửa giữa hoài sao? Mầy cũng đã ở phía bển ngập đầu lút cổ chịu hổng thấu nữa nên mầy mới bò vô đây... Tư Cầu nói chận ngang: - Tui dìa đây là để thăm tía má, thăm hai vợ chồng anh và thằng Năm... chớ bộ tui vác mặt dìa đây để đăng lính cho Tây ở trên đồn hả? Hai Cang dậm mạnh chân xuống đất: - Mầy nói điệu trên trời dưới đất hoài hè! Mầy đã ở trỏng hết nổi, bây giờ mầy ra đây mà lại không chịu theo bên này... vậy mầy muốn theo ai nữa chớ? Theo Ngọc Hoàng Thượng Đế chắc? Tư Cầu ngập ngừng đáp: - Tui... hổng theo bên nào hết... Hai Cang nhăn mặt: - Mầy nói sao? Tư Cầu ngó lảng ra ngoài sân rồi chậm rãi trả lời: - Tui không theo bên anh vì bên anh... bậy, mà tui cũng không theo bên anh Ba vì bên anh Ba... không hợp... Hai Cang ngó em lắc đầu liền liền: - Tao chạy mầy luôn. Mầy không theo phe nào hết thì cũng được đi... Vậy thì mầy cứ ở luôn đây rồi coi cái gì đó mua bán mần ăn, hay là mầy nhảy ra mần vài công rẫy đi, tao bỏ vốn cho! Tư Cầu mỉm cười lắc đầu: - Anh cứ để thây kệ tui mà! Anh nghĩ coi thời buổi này mà anh bắt tui phải... trụ hình mần ăn... lương thiện thì ngặt cho tui quá... Hai Cang nhìn sững em: - Vậy mầy muốn làm vương làm tướng gì nữa? - Tui tính mơi hay mốt gì đây tui đi lên miệt Châu Đốc... Hai Cang chận lời: - Mầy lên kiếm cái động nào trong Bảy Núi tu chắc? Tư Cầu cười xòa: - Bậy nà! Tui lên đó kiếm một người quen, người này tui biết hồi mới trôi nổi lên Nam Vang... Hai Cang chau mày: - Dầu mầy có lên Châu Đốc hay ở dưới này tao chẳng thấy chỗ nào khác đâu? Tư Cầu hơi lúng túng: - Cũng... có chớ sao không. Ở miệt trên tui nghe nói yên yên hơn ở dưới mình, và lên ở trên cũng như ở một chỗ xứ lạ quê người không quen ai không biết ai... như vậy may ra tui mới lo tu tỉnh mần ăn được. Ngừng một giây, Tư Cầu lại nói tiếp: - Chớ còn ở dưới này, quanh đi quẩn lại, cái gì cũng nhắc mình nhớ đến chuyện cũ hết. Anh nghĩ coi, như vậy làm sao mình rảnh tâm rảnh trí để lo mần ăn được! Hai Cang thở dài: - Thì thôi, mầy muốn đi tao cũng không cản... Nhưng mầy đã có nói cho tía má hay chưa? Tư Cầu gật đầu: - Rồi. - Bộ ổng bả... hổng có nói gì hết sao? Tư Cầu gượng cười: - Ý trời ơi tía má cự nự um sùm, nhứt là má! Má nói bộ tui khùng điên gì sao! Nhưng rốt cuộc rồi cũng êm hết... Hai Cang cười theo: - Thì ai còn lạ gì tánh nết... kỳ đời của mầy nữa! (rồi anh ta nghiêm giọng nói tiếp) Nè Tư, mầy một ngày một lớn thêm, chuyến này mầy có đi thì cũng ráng lo tu tỉnh làm ăn và nếu gặp chỗ nào phải nơi xứng lứa thì mầy cũng nên lo... kiếm một con vợ để cho nó cột chưn buộc cẳng mầy lại. Mầy mà lông bông như vầy hoài làm sao mà nên vóc nên người với thiên hạ được! Tư Cầu trả lời xụi lơ: - Thì để tui... ráng coi! Hai Cang nhìn em, ngao ngán: - Mầy... tao coi bộ cũng khá mà sao cứ lình xình hoài hổng biết! Tía má lo buồn vì mầy nhiều lắm đó nghen! Tư Cầu buông thõng mấy tiếng “Tui biết mà!” rồi trầm ngâm ngồi nhịp chân, ngó mông lên một đám mây trắng đang uể oải trên nền trời xanh biếc, bao la...