La Quán Trung mở đầu truyện Tam Quốc bằng câu: Phàm việc lớn trong thiên hạ cứ hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp. Hợp tan là một triết lý trong tư tưởng á Đông. Có người nói nó là một lẽ tự nhiên của tạo hóa, bởi vì có âm thì có dương, có cùng thì có thông, có tan thì có hoàn như Kinh Dịch đã nói. Nhưng tại sao cứ hợp rồi lại tan? Hợp thì dễ hiểu vì hợp quan gây sức mạnh, con người tìm sức mạnh và sự thành công trong hợp quàn Nhưng tại sao hợp rồi lại tan? Có phải thực sự là lẽ trời không? Hay ta quen đỗ cho ông Trời những gì ta không giải thích được. Ông Trời có sức mạnh vô biên mà cũng có xương sống đủ vững chắc để nhận tất cả những gì mà ta chất lên lưng ông.Xin thưa là không, chẳng có lý do màu nhiệm nào cả. Sự nhiệm mầu có chăng là ở chỗ sau quá nhiều hợp tan người á Đông, và nhất là người Việt nam, vẫn chưa ý thức được sự cần thiết của phương pháp và tổ chức. Khoa học xã hội khẳng định mỗi kết hợp là một sinh vật riêng, một sinh vật phức tạp, khác với những cá nhân cấu tạo ra nó. Sức khỏe của sinh vật phức tạp đó là đồng thuận giữa các thành viên. Đồng thuận mạnh, tập thể mạnh. Đông thuận yếu, tập thể yếu. Đồng thuận mất, tập thể tan. Không có gì là huyền bí cả.Cứ lấy thí dụ một kết hợp lỏng lẻo nhất trong mọi kết hợp: những người đi cùng một chuyến xe lửa. Họ cũng phải có đồng thuận. Họ phải đồng ý với nhau trên khá nhiều mặt: cùng một mục đích là đi từ điểm này tới điểm nọ trên một lộ trình, đồng ý rằng xe lửa là phương tiện tốt nhất, đồng ý rằng ai lên trước thì được chỗ ngồi, ai tới sau không được xô người khác để chiếm chỗ, đồng ý rằng đi xe phải mua vé, v. v... Khi xe lửa tới nơi, đồng thuận không còn nữa và tập thể tan.Lẽ hợp tan ngày xưa có thể giải thích như thế này: gặp thời loạn lạc ước nguyện của mọi người là có hòa bình để được sinh sống yên ổn. Tái lập hòa bình và kỷ cương là đồng thuận. Đồng thuận này đủ mạnh để động viên mọi người quanh một con người may man được nhìn như là hy vọng. Hòa bình thiết lập được rồi, một thời kỳ thịnh trị mở ra vì đồng thuận kế tiếp của mọi người là cố gắng để mưu tìm sự sung túc. Sau một thời gian, khi sự sung túc đã tạm thời đạt được, đồng thuận yếu dần đi, những xung khắc quyền lợi ngày càng gia tăng rồi loạn lạc và tan rã. Các anh quân, minh chúa có thể làm cho đồng thuận mạnh thêm và kéo dài các triều đại, nhưng nếu không có những thay đổi cơ bản trong chiều sâu của xã hội thì lẽ hợp tan là điều dĩ nhiên.Một tập thể là một sinh vật rất phức tạp cần được quản lý một cách rất có phương pháp. Tập thể càng lớn, đồng thuận càng khó quản lý Chín người mười ý. Nếu không cẫn thận, tập thể có thể tan vì chính sự lớn mạnh của mình.Tôi sang Paris năm 1961, lúc đó có một Tổng Hội Sinh Viên Việt nam tại Pháp do một số sinh viên thân miền Nam lãnh đạo. Nói chung họ là những người tốt, ủng hộ chế độ Ngô Đình Diệm do lý trí hơn là do tình cảm. Chế độ Ngô Đình Diệm không được lòng người nên tổng hội này yếu. Khi chính phủ Ngô Đình Diệm đổ, có một cố gắng lớn để thành lập một tổng hội sinh viên khác. Lúc đó sinh viên Việt nam đã đông hơn và các hoạt động thành lập tổng hội sinh viên diễn ra rất sôi nổi. Có rất nhiều nhóm ra đời giành nhau vai trò lãnh đạo tổng hội, nhóm nào cũng có nhiều người giỏi với tô chức có qui củ. Nhưng rồi họ dần dần lủng cũng và yếu đi trước khi tổng hội sinh viên được thành lập.Tôi chỉ theo dõi một cách bàng quan những hoạt dộng đó. Lúc đó chúng tôi có một nhóm bạn bè nhỏ, đa số nhưng sinh viên học để thi vào các trường lớn (grandes écoles). Nước Pháp có hai hệ thống giáo dục đại học song song, một hệ thống đại học bình thường đào tạo cử nhân, tiến sĩ và một hệ thống riêng của các trường lớn. Chúng tôi chẳng có tổ chức gì cả, chỉ chơi với nhau trên tinh thần bạn bè. ít ai có ý thức chính trị, nhưng bù lại chúng tôi đều có thiện chí và đều biết điều, và vì tất cả đều khá sáng dạ nên cái gì chưa biết cũng có thể học hỏi nhanh chóng và sau đó biết lý luận để phân biệt phải trái.Các nhóm tranh nhau tổng hội cuối cùng đều suy yếu và tan rã đi, chính tổng hội cũng sắp tan rã, cuối cùng chúng tôi không giành mà được đẩy ra nắm ban chấp hành tổng hội. Từ đó chúng tôi đặt ra một nếp sinh hoạt lành mạnh cho tổng hội, khiến tổng hội sống vững mãi cho đến nay. Tổng Hội Sinh Viên Việt nam tại Paris tới nay đã gần bốn mươi tuổi, và là tổ chức không cộng sản lâu đời nhất tại hải ngoại. Sự thành công trong việc làm sống lại một tổng hội sinh viên sắp chết và cho nó một nội lực để có thể kéo dài khiến chúng tôi được rất nhiều người khen là xuất sắc. Nhưng lý do không phải như thề. Chúng tôi đã thành công và đứng vững chỉ vì chúng tôi không phức tạp, chúng tôi không đặt ra những cơ chế rườm rà như những nhóm khác nên đã tránh được những mâu thuẫn nội bộ. Khi nắm được ban chấp hành, chúng tôi đã chẳng câu nệ chủ tịch, tổng thư ký, ủy viên; chúng tôi còn không phân biệt cả người trong ban chấp hành và người ngoài ban chấp hành. Cứ cùng một nhóm bạn bè, cùng đồng ý ủng hộ Việt nam Cộng Hòa, còn việc thì cứ ai làm được là làm. Lối làm việc giản dị đó mà thành công hơn hẳn vì chúng tôi có những đồng thuận rõ ràng và gắn bó với nhau. Không phải là chúng tôi đã không gặp những vấn đề nan giải. Chẳng hạn như khi các tướng tá tỏ ra tham nhũng và vô tư cách, chúng tôi nhận xét là không thể duy trì đồng thuận ủng hộ chính quyền Sài Gòn nữa. Chúng tôi bèn họp nhau lại thảo luận trong nhiều đêm không ngủ và cùng đi tới kết luận ủng hộ chính thể cộng hòa chứ không ủng hộ chính phủ Sài Gòn. Tổng hội lại đứng được. Bí quyết thành công của chúng tôi có lẽ là vô tình chúng tôi đã làm việc có phương pháp: không ai bịa đặt ra vấn đề, phân tích rõ các vấn đề đặt ra, giản dị hóa tối đa, rồi tìm giải pháp dễ thực hiện nhất. Các tổ chức khác đã tan vì họ quá phức tạp. Họ đặt ra những cơ chế và những chức vụ không cần thiết, họ đặt ra những vấn đề mà họ không giải quyết được. Họ nghĩ là họ có tổ chức hơn chúng tôi và ngạc nhiên tại sao họ tan rã trong khi chúng tôi vẫn sống mạnh.Gần đây, năm 1993, một tổ chức thanh niên sinh viên Việt nam tại Pháp có tổ chức rất thành công một ngày gặp gỡ và thảo luận. Các trao đổi đã diễn ra ở một trình độ rất cao, mọi người đều thỏa mãn, uy tín của tổ chức đó lên rất cao. Tuy nhiên thực tế hơi khác.Việc chuẩn bị và tổ chức ngày hội thảo đó đã rất phức tạp và đã gây ra những xích mích đáng tiếc trầm trọng trong nội bộ. Sau đó ban chấp hành tan rã. Họ đã làm một công việc quá sức họ. Quá sức có nghĩa là họ đã làm một công việc khó khăn hơn mức độ mà sự đồng thuận của họ cho phép. Đây là một trường hợp điển hình. Tôi có thói quen hễ nghe tin một tổ chức nào vừa làm xong một công tác lớn được mọi người ca tụng là lại lo thầm rằng tổ chức đó sắp có vấn đềSau khi tan rã, người ta giận ghét nhau, gán cho nhau vô số tính xấu: lưu manh, gian dối, vô trách nhiệm, vô tư cách, v.v... Người ta giải thích bằng những lý do đạo đức một sự kiện chỉ giản dị là hậu quả của sự thiếu hiểu biết phương pháp làm việc tập thể. Người Việt nam chúng ta không làm việc chung được với nhau bởi vì chúng ta không ý thức được rằng đồng thuận là sức khỏe của mọi kết hợp và một tổ chức muốn sống phải giữ được đồng thuận. Giữ đồng thuận đòi hỏi mọi người hy sinh ý kiến riêng của mình. Chúng ta không quan tâm giữ gìn đồng thuận mà chỉ đòi thực hiện cho bằng được ý kiến của riêng mình. Chúng ta thiếu giác quan đồng thuận.Trong Binh Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi kể tội quân Minh bằng một câu rất lạ: chấp nhất kỷ chi kiến, giá họa ư tha nhân (chỉ biết có ý kiến của riêng mình, luôn luôn cáo buộc người khác). Tôi có cảm tưởng Nguyễn Trãi kể tội đồng bào của chính ông. Câu trên Trần Trọng Kim dịch là cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người. Câu dịch thật là sai ý của tác giả. Quân Minh sang nước ta để cướp bóc, có chính nghĩa nào đâu để có thể cậy mình là phải? Bản dịch đã không lột được một ý chắc đã dằn vặt tác giả hiểu lầm trong cuộc vận động kết hợp để giải phóng đất nước, và làm ông nhức nhối đến nỗi ông viết một câu lạc lõng vào một bài lên án quân xâm lược.