Tiếp sau đêm anh Rác làm ông Ruông mất ngủ, hầu như đêm nào anh ấy cũng nằm mơ và kêu không sao không sao. Dường như là cùng một giấc mơ ấy đã lập đi lập lại trong giấc ngủ của anh. Bỡi đêm nào ông Ruông cũng thấy xảy ra cùng cách thức ấy: Lúc đầu là buông những lời không phải nghe là hiểu, rồi tiếp đến là kêu không sao không sao. Có đêm xảy đến hai ba bận như thế. Có bị mất ngủ thật, song, ông Ruông nhất định không can thiệp vào chuyện của con. Ông cho là ban ngày con trai ông phải lo làm lụng cật lực, chỉ có đêm, trong giấc ngủ, mới có thì giờ phác họa những công việc làm ăn mới. Cứ để cho con ta biến những giấc mơ thành hiện thực. Ông đã quyết định để anh Rác, con trai ông, tròn quyền trong công việc làm ăn kể từ ngày anh ấy đã làm được một cuộc cải tổ kinh tế gia đình nhằm tăng chất bổ dưỡng cho thằng Cỏ em, đã làm cho nó từ một đứa bé không biết đi thành đứa bé biết đi. Sau thành công vô cùng quan trọng này, anh Rác đã có những bước đột phá trong làm ăn. Nếu như thằng Cỏ em trở nên tàn tật, không đi được, mà chỉ lếch, thử hỏi anh chị ấy có đủ bình tĩnh để sống và nghĩ được những gì mới mẻ không? Nhưng khi anh quyết định bán bớt một con bò đực cày thì chị tỏ ra hốt hoảng. Là do mẹ lũ nhỏ chỉ thấy cái lợi trước mắt đó thôi. Anh nói. Thằng Cỏ anh thì không phải vì chỉ thấy cái lợi trước mắt, mà vì tình cảm của nó đối với con bò. Cứ thử hình dung. Vào các buổi sáng sớm, thằng Cỏ anh tháo cổng chuồng, con đực Nu và con đực Mạp bước ra sân ( tên lũ bò là do thằng Cỏ anh đặt từ hôm nó bắt đầu chăn thả chúng ) Sáng nay ra ruộng nghe con, thằng Cỏ anh nói, nếu sáng đó là buổi cày. Hoặc, sáng nay ra gò Tháp nghe con, nếu sáng đó không phải buổi cày. Dĩ nhiên là lũ bò nhiều tuổi hơn thằng Cỏ anh, vì lúc sinh nó thì đã có lũ bò rồi. Nhưng vì chúng là bò, nên thằng Cỏ anh đã xếp chúng vào hàng con cái của nó. Và dĩ nhiên là thằng Cỏ anh không thể đẻ được lũ bò, nhưng nó tự coi mình là còn hơn cả cha mẹ lũ chúng. Nó đang chăm lo việc đói no của một loài chỉ biết nghe mà chẳng biết nói năng. Vào cuối các buổi chăn thả, trên đường trở về nhà, thằng Cỏ anh có cỡi bò, hoặc là cỡi con đực Nu, hoặc cỡi con đực Mạp, nhưng không phải cỡi bò vì thích ngồi trên lưng kẻ khác, hoặc để cho câu ai bảo chăn trâu là khổ được rõ nghĩa. Ngồi trên lưng con bò mà thằng Cỏ anh phải dạng cả hai chân mình ra hai bên hông no cành của con bò là lúc nó thấy tự hào về vai trò chăn dắt của nó. Còn như phải khuyên răng, phải ráng ăn nghe con, là lúc con bò còn đói. Nó chỉ có cách khuyên răng lúc thấy bò còn đói, chứ chẳng thể gặm cỏ giúp cho bò, vì biết rằng mình không phải là loài gặm cỏ. Hết ngày này qua ngày khác, những chuyện như thế cứ lập đi lập lại, riết rồi làm sản sinh một thứ vô hình, nhưng vô cùng sâu nặng, trong thằng Cỏ anh, gọi là sự thân thiết với bò. Cho nên khi người lái bò đã ngã giá xong với anh Rác ( phải mất gần cả buổi sáng mới ngã giá xong) chỉ còn giao tiền và dắt con đực Nu đi, thì thằng Cỏ anh đã đến ngồi ngay trước cổng chuồng, ngồi theo kiểu những người biểu tình ngồi nhằm phản đối một chính sách nào đó của một chính phủ nào đó. Chẳng nói lời nào, nhưng tất nhiên là chị Rác đang ngầm ủng hộ việc làm của thằng Cỏ anh. Còn anh Rác thì dường đang định áp dụng một biện pháp quân sự nào đó đối với con trai mình ( có thể là dùng tay hoặc dùng roi để đét vào đít nó) vì trong quá khứ thằng Cỏ anh cũng có nhiều hành vi gọi là ngỗ nghịch. Mày có đứng lên không Cỏ? Nhưng anh Rác mới vừa nói thế, ông Ruông đã nhảy vào cuộc. Khi đã gọi vợ chồng anh và người lái bò lên đầu hè trên, cho xa chỗ thằng Cỏ ngồi, ông Ruông mới bắt đầu làm công việc trọng tài kinh tế của ông. -Người mua không thể về tay không, vì đã mất một buổi làm ăn ở đây. Người bán cũng không thể dẫm lên tình cảm con trai mình, để cho người mua lừa con đực Nu đi. Tao biết thằng Rác muốn thay con bò đực bằng con bò cái để kiêm nhiệm luôn việc cày và việc đẻ. Cho nên việc mua bán phải diễn tiến lại thế này. Anh lái bò sẽ lừa tới đây một con bò cái tơ chính hiệu, có nghĩa là chưa đẻ lần nào, để đổi con bò đực. Giá con bò đực thì đã có rồi. Chỉ còn định giá con bò cái tơ. Cũng cứ theo thị trường bò mà bàn bạc với nhau. Điều chủ yếu là không được làm công việc đổi chác trước mặt thằng Cỏ anh. Anh Rác nói: -Cha tính thế nghe cũng tiện. Nhưng khi mất con đực Nu, thằng Cỏ anh lại nằm vạ trước cổng chuồng. Ong Ruông nói: -Đoạn sau đó thì để tao lo. Buổi cày hôm đó, mắc bò vô cày xong, anh Rác liền cho thằng Cỏ anh về nhà, chứ không đợi đến mãn buổi như thường lệ. Trưa, bò về, thằng Cỏ anh không thấy con bò đực Nu đâu, mà chỉ thấy một con bò cái lạ đi cùng con bò đực Mạp, thì la ối óng: -Ba lừa lầm bò nhà ai rồi, nhất định là không phải bò làng mình. Ông Ruông chỉ chờ đến lúc ấy, ông nói: -Những chuyện khác cháu tỏ ra thành thạo. Nhưng riêng chuyện dòng họ con bò đực Nu coi như cháu mù đặc. Lập tức thằng Cỏ anh xông vô tra gạn ông Ruông: -Ông nói dòng họ con đực Nu là dòng họ nào? -Thì dòng họ của bò chứ dòng họ nào. -Cháu chưa hiểu? -Con đực Mạp là em ruột con đực Nu. Còn con bò cái đó là em ruột con đực Mạp. -Làm sao ông biết? -Thì chính tay ông mua lũ nó ở làng Hạ mà sao không biết. Hiện thời mẹ lũ nó đã già, cần có đứa con trai lớn để nương tựa. Do vậy mà chủ cũ lũ nó muốn đổi con em nó đến đây, để con đực Nu về ở với mẹ Những ngày sau đó, thằng Cỏ anh cũng hay nhắc đến con đực Nu lắm. Nhưng cô em gái của nó là đứa hiền lành, lại gặm cỏ rất chăm, nên dần dà con bò cái ấy cũng đã thay được chỗ anh nó trong tình cảm thằng cu Cỏ. Mai mốt thì chuồng bò nhà tao có thêm con bò nghé. Thằng Cỏ anh luôn nhắc chuyện này với lũ bạn như niềm tự hào của nó đối với con bò cái. Chính cái mai mốt đầy hứa hẹn này đã khiến chị Rác, thôi, không còn nghĩ đến chuyện một con bò cái thì không thể thay cho một con bò đực trong việc cày bừa (Vì ngoài việc cày mấy khoảnh ruộng nhà, đôi bò cày của anh Rác còn đi làm ăn thêm là cày thuê ruộng người khác) Con bò cái ấy sẽ đẻ ra một con nghé cái. Rồi con nghé cái con con bò cái ấy sẽ đẻ ra một con nghé cái. Rồi đến lượt con nghé cái cháu con bò cái ấy cũng sẽ đẻ ra một con nghé cái. Cứ thế. Chị Rác thôi, không còn bất đồng ý kiến với anh Rác, vì đã nhìn thấy được một tương lai tươi sáng. Cái tương lai ấy cũng sắp xảy ra rồi, vì con bò cái đã đến thời động đực. Chị Rác chờ. Anh Rác chờ. Chuồng bò nhà tao sắp có con bò nghé. Thằng Cỏ anh lại đi khoe với lũ bạn. Nhưng dường có sự trắc trở đang xảy ra. Con bò cái cứ tiếp tục động đực. Hết kỳ động đực này lại đến kỳ động đực khác. Chỉ anh Rác mới biết chuyện này. Còn chị Rác thì không. Ông Ruông kêu riêng con trai: -Không phải tại thằng cha lái bò. Không phải tại con. Cũng không phải tại con bò mẹ đã đẻ ra con bò cái ấy. -Con biết. Con bò cũng giống con người vậy thôi. Có người cả đời chẳng đẻ lần nào. Anh Rác nói với cha. Và đi bàn bạc với chị Rác: -Nói cho mẹ lũ nhỏ hay là ta phải bán con bò cái ấy thôi, vì đã mua nhằm một con bò cái nâng. Cái tương lai có vẻ tươi sáng vừa hình thành trong mắt chị Rác lúc ấy rơi lả tả. -Giờ tính sao hỡ cha lũ nhỏ? -Nuôi bò đẻ không được thì ta chuyển sang nuôi heo đẻ. Tiền bán con bò cái là dùng để cất chuồng heo với mua ba con heo giống, còn bao nhiêu là để mua cám. Nếu như là trước đây, có thể chị Rác sẽ bảo ông cha mình đi đường nào giờ mình cũng phải đi đường đó, đi đường khác là chết. Có nghĩa, chị sẽ bảo anh phải mua lại một con bò đực. Vì theo truyền thống cha ông để lại, nông tang là phải có ruộng với đôi bò cày thật vững. Nhưng lúc bấy giờ thì đầu óc chị đang trong tình trạng suy sụp, nếu không nói là rối ren, nên chị chỉ hỏi được mỗi câu ấy. Mấy người thợ đến làm chuồng heo đã thử chiết tính cho chị Rác nghe: Một con bò nếu chửa đẻ bình thường mỗi năm chỉ đẻ một lần, mỗi lần chỉ đẻ một con nghé. Trong khi một con heo nái mỗi năm đẻ tới hai lần, mỗi lần đẻ có thể lên đến vài chục con. -Bán con bò cái nâng lấy tiền nuôi heo nái là làm ăn có khoa học. Bọn họ nói. Làm ăn có khoa học thì từ lâu chị Rác cũng đã nghe nói đến nhiều. Nhưng chỉ đến lúc ấy chị mới bắt đầu thấy thấm hiểu. Cứ cho mỗi lần một con heo nái chỉ đẻ mười con. Mà heo thì chỉ sáu tháng tuổi là bắt đầu chửa đẻ. Như thế trong sáu tháng nữa chị sẽ có trong tay một bầy heo con ba mươi con. Phải nói, nếu không có bầy heo con này thì chẳng biết đến lúc nào chị Rác mới ra khỏi tình trạng suy sụp. Mỗi lần đến giờ thả bò, thằng Cỏ anh cứ lần quần trong nhà. Nó đòi phải trả lại cho nó con bò cái, em con bò đực Nu, nó mới chịu đi thả bò (anh Rác cũng đã lừa thằng Cỏ anh để bán con bò cái như hồi bán con bò đực Nu) Yêu sách ấy chỉ chấm dứt khi chị Rác phác họa cho nó thấy cảnh mấy chục con heo con vui đùa chạy nhảy ở trên sân. -Heo con có ăn cỏ không hỡ mẹ? -An cám là chính. Nhưng cũng ăn được cỏ. Thằng Cỏ anh chỉ hướng tới cái viễn cảnh nhân bản, chứ không như mẹ nó là hướng tới viễn cảnh kinh tế. Có nghĩa, từ lúc nghe chị Rác mô tả đàn heo đông vui thế, thằng Cỏ anh bắt đầu nghĩ đến ngày chính tay nó lừa con bò đực Mạp với mấy chục con heo con ra gò Tháp để tự tay nó chăm lo việc đói no của chúng. Suốt thời gian lũ heo mang thai, chị Rác không còn bị chuyện cũ ám ảnh, chuyện con bò cái bị nâng không chửa được. Nhưng lại lo lắng cho chuyện sinh đẻ của chúng. Như chị từng nếm trải, đẻ một lần một đứa mà đã thấy đau thấu trời, huống hồ ở đây là đẻ đến hằng chục đứa. Là do mẹ lũ nhỏ đem việc sinh đẻ của con người ra so với việc sinh đẻ của heo mà đâm lo đấy thôi. Phải. Đến lúc lũ heo đẻ xong, cả ba nái đều mẹ tròn con vuông, chị Rác mới nghiệm ra lời anh Rác. Trời sinh con người thì chửa đẻ thế. Còn lũ heo thì chửa đẻ thế. Cho nên, con heo con, con của nái đẻ đầu tiên vừa chào đời, chị Rác đã nghĩ đến việc cúng ông Chuồng, vị thần theo truyền thống ở làng Dầu có nhiệm vụ bảo hộ đám vật nuôi heo, bò. Hóa ra đám ăn cúng ông Chuồng ở nhà anh Rác lại biến thành cuộc hội thảo khoa học. Thì cũng mấy người cày ruộng trên đồng Đất Sét với anh Rác chứ ai khác đâu. Nhưng là do đám con của ba nái heo mới sinh đã làm nảy nguồn cảm hứng trong bọn họ. Ở làng Dầu có nhiều người nuôi heo nái đẻ. Nhưng chẳng ai dám bán một con bò để lấy tiền nuôi heo đẻ như anh Rác. Bán con bò cái lúc đã cày xong vụ ba. Sáu bảy tháng sau mới có vụ xuân, cũng là lúc anh ấy có trong tay một bầy heo con. Bán bầy heo con để mua lại con bò cày. Còn mấy con heo nái mẹ thì cứ tiếp tục chửa đẻ. -Nuôi con vật nào đẻ nhiều con hơn là làm ăn có khoa học. Sau khi phân tích đường đi nước bước trong làm ăn của anh Rác, bọn họ đã đi đến kết luận như thế. -Hay là thằng Rác hãy bán đám heo đi để nuôi gà. Vì lũ heo phải sáu tháng mới đẻ một lần, trong khi lũ gà thì tháng nào cũng đẻ từ mười đến mười lăm cái trứng. Ông Rường đến ăn cúng ông Chuồng cũng tham gia bàn bạc với đám trai trẻ trong làng. Chủ định của ông là cho vui thôi. Nhưng về sau, câu ấy cũng đã góp một phần quan trọng trong cuộc chuyển đổi làm ăn của anh Rác. Lũ heo con chỉ vui đùa chạy nhảy trong mấy ngày đầu, vì sau đó thì con nào cũng phải lo đối phó với chuyện ỉa chảy. Anh Rác thấy lo. Nhưng chị Rác nói: -Con nít đứa nào cũng sọt sẹt suốt ngày thế. Chị đã đem kinh nghiệm nuôi lũ thằng Cỏ ra áp dụng cho việc nuôi heo. Cứ nghe mấy tiếng sọt sẹt suốt ngày rặt miền sông Tượng núi Tượng cũng đủ hình dung cảnh ỉa chảy của lũ heo con. Nhưng anh chị ấy lại không hình dung được hậu quả của việc sọt sẹt suốt ngày. Khi thú y đến nhà chích thuốc ỉa chảy cho lũ heo con thì lũ chúng không còn mút vú mẹ nổi, đừng nói chi việc đi đứng. Chỉ trong vòng không đầy nửa tháng, lũ heo con đã lần lượt từ giã mẹ chúng để về nơi an nghỉ cuối cùng. Lũ thằng Cỏ khóc vì mất đám bạn nhỏ, tuy là heo nhưng cách nghịch ngợm trong vui đùa lại rất hợp ý hai đứa nó. Còn chị Rác khóc vì công cuộc làm ăn coi như bị gãy gánh giữa đường. Một nửa tiền bán bò để mua cám cho heo đến lúc đó là hết. Thị trường bò heo bấy lâu cũng ổn định. Có nghĩa lúc đó bán ba con heo nái thì có thể mua được nửa con bò. Nhưng anh Rác quyết định không mua lại bò. Đến lúc này ông Ruông mới thảo luận với anh Rác, một cuộc thảo luận có tính cách sinh tử đối với anh ấy. Không phải ông tham gia vào kế hoạch làm ăn, mà là bổ sung một kiến thức cơ bản vô cùng cần thiết cho việc làm ăn của con. Có, ông cũng có hỏi thử sắp tới anh Rác sẽ làm gì, thì anh bảo là bán hết heo để lấy tiền nuôi gà. Có nghĩa anh đang theo phương thức chăn nuôi vẫn áp dụng bấy lâu ở miền sông Tượng núi Tượng, là hết nuôi bò thì chuyển sang nuôi heo, hết heo thì chuyển sang gà, và tất nhiên hết gà thì quay trở lại heo hay bò, một vòng chăn nuôi khép kín, bất tận. -Nhưng con đã biết mình là ai chưa? Anh Rác cho là cha mình có sự lầm lẫn nào đó mới hỏi vậy. -Con là do cha mẹ sinh ra, là Lê Rác, chứ sao không biết. -Đấy là cái gốc của con. Nhưng từ ngày trưởng thành, cho đến bây giờ, chắc chắn là con chưa biết mình là ai. Ông Ruông nói. Và bắt đầu thảo luận với con trai, từ chuyện cày ruộng đến chuyện nuôi bò nuôi heo. Ngày nay, nhờ có khoa học phát minh về giống lúa, và các loại hoá chất giúp cho cây lúa chống được nhiều thứ bệnh tật, nên thóc thu được nhiều gấp bội trước. Trong chăn nuôi, ngoài việc lai tạo các giống bò, heo, khoa học cũng phát minh được cách chế tạo thức ăn và thuốc men phòng trị bệnh cho con vật nuôi, nên việc nuôi gia súc gia cầm cũng đẽ dàng hơn xưa. Anh Rác nói: -Con cũng đã áp dụng khoa học trong việc chăn nuôi. Nhưng nuôi bò cái đẻ thì bò không đẻ, nuôi heo nái đẻ thì heo con chết. Ông Ruông nói: -Đấy chưa phải áp dụng khoa học đâu. Cha phải giảng rộng ra, con hiểu được tới đâu thì hiểu. Là cách nay trên mười nghìn năm, loài người chỉ biết săn bắt thú rừng và hái lượm trái rừng để làm thức ăn mà sống. Thấy có con thú rừng, có trái cây rừng, thì săn bắt và hái lượm thế thôi, chứ chẳng biết tại làm sao lại có những thứ ấy. Người ta gọi thời ấy là thời hái lượm. Cách nay khoảng dưới mười nghìn năm thì loài người đã biết gieo hạt, chờ mùa lên để hái quả, đã biết bắt con thú rừng con về nuôi. Đấy là thuở loài người đã chuyển săn bắt hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt. Tức là đã biết cách tự làm ra thức ăn để sống. Trong gần muời nghìn năm qua, loài người đã có những tiến bộ vượt bậc trong chăn nuôi và trồng trọt như cha con ta vừa thảo luận. Tuy sống trong thời có những phát minh khoa học như thế, nhưng con thì cũng có cách thức sống chẳng mấy khác với những người thời tiền sử. Nghe nói có giống lúa mới như thế, thì con mua về gieo trồng, chứ chẳng biết tại làm sao lại có được những thứ như thế. Nghe nói nuôi bò nuôi heo sinh sản lãi suất cao, thì mua bò cái mua heo cái về nuôi, chứ không biết con bò con heo đã trải qua những giai đoạn sinh trưởng thế nào, sẽ bị mắc phải những thứ bệnh gì, và khi xảy ra bệnh thì chỉ biết đi gọi thú y, chứ chẳng biết chữa trị thế nào. Nói gọn lại, nếu người tiền sử hái luợm những thành quả của thiên nhiên, thì ngày nay con hái lượm những thành quả của khoa học. -Như vậy là phải biết hết những thứ mình chưa biết mới gọi là áp dụng khoa học trong làm ăn? -Phải. Có nghĩa là con phải học. Nhưng cha biết, tới tuổi con thì chẳng học hành gì được nữa. Tức vẫn tiếp tục làm người hái lượm. -Như vậy vợ chồng con cái của con sẽ chết. -Ai nói? Đâu phải tới bữa nay, mà từ lúc biết cầm cây cày cây cuốc, con đã làm người hái lượm. Cũng không phải chỉ mỗi mình con, mà những người cày ruộng trên đồng Đất Sét hầu hết là những người hái lượm. Còn cả hàng triệu người trên đất nước này trên thế giới này là người hái lượm. -Vậy là cứ tiếp tục làm ăn, chứ chẳng sao? -Phải. Không sao, không sao. Ông Ruông rất vui, vì đã sử dụng chính thứ ngôn ngữ con trai ông thổ lộ trong mơ để cổ vũ sự làm ăn của con ông.