THIÊN CƠ

Việc thằng Rác, con trai ta, học hành chẳng đến đâu là ngoài mong muốn của ta. Hay đấy là ý trời để nó làm người hái lượm? Có một điều không cần phải bàn cãi gì nữa là việc con trai ta có mặt ở thế gian này là hệ quả tất nhiên của cuộc nhận ra nhau giữa một người con gái lỡ thì và ta. Em sợ con ta sẽ rất khó nuôi. Nàng lo lắng vì sinh thằng Rác thiếu tháng. Nhưng đấy là tính từ đêm chung chăn gối đầu tiên, đêm sau lễ cưới. Tính từ đêm hôm ấy thì thấy thiếu tháng thật. Còn ta thì ta tính từ hôm ta và nàng ôm nhau hôn trên đồng Đất Sét. Tính từ hôm ấy thì đúng chín tháng mười ngày, ứng với thời gian nằm trong bụng mẹ của một thai nhi.
Điều này có nghĩa nàng đã mang thai thằng Rác ngay từ phút ta và nàng hôn nhau trên đồng Đất Sét. Khí vị ruộng đồng buổi sáng tháng giêng hôm ấy đã làm nên cốt cách con trai ta. Cốt cách của con trai ta là cốt cách của đất. Ta biết, và chẳng dám hé môi với nàng, vì đấy là việc thiên cơ. Thậm chí khi vận dụng thành quả của cuộc cách mạng thi ca để đặt tên cho nó, ta cũng cứ để nàng hiểu theo cách của nàng: Rác là thứ bỏ đi. Và hiểu thế thì nàng mới yên tâm nuôi con trong một gia đình có cái huôn khó nuôi con (xin nhắc lại là mẹ ta đẻ ba đứa, nhưng chỉ mỗi ta sống được tới tuổi trưởng thành) Rồi nàng cũng trút được nỗi lo lắng.
Cũng giống như đất đồng Đất Sét, thằng Rác cũng chịu được thứ nắng mưa khắc nghiệt của miền sông Tượng núi Tượng. Chưa đầy năm, con trai ta đã biết đi, biết nói. Cha ta bảo vậy là ông yên tâm theo ông bà, vì đã nhìn thấy đứa cháu trai nối dõi đã nên hình nên dáng.
Cứ tưởng đấy là cách nói của người già, không ngờ, chỉ mấy hôm sau đó cha ta ra đi thật. Bấy giờ ta vừa lo cày bừa vừa lao vào việc soạn thơ, chuyện dạy dỗ con ta giao hết cho nàng. Vừa biết đi biết nói là thằng Rác đã bắt đầu tiếp nhận một giáo trình cơ bản về văn minh lúa nước. Nàng dạy cho con biết đấy là con bò, đấy là hột lúa. Mới đầu là gọi tên thôi. Nhưng tiếp đến là phải biết con bò để cày ruộng, còn hột lúa là để làm gạo nấu cơm. Hai tuổi, thằng Rác thuộc tên hầu hết các nông cụ. Chỉ nói qua một lần là nó nhớ ngay.
 Từ cây cày, cây cuốc, cho đến cây đòn gánh gánh lúa, cái cào cào rơm. Con ta lớn lên chắc làm nên cơ nghiệp. Nàng vui mừng nói với ta. Cơ nghiệp nói ở đây là cơ nghiệp nông tang.
Ta chỉ tỏ ra là mình cũng vui, chứ chẳng có lời bàn nào, vì cho rằng tất cả những gì nhìn thấy ở thằng Rác lúc bấy giờ đều là dấu hiệu của thiên cơ. Những ngày những tháng trôi qua. Nàng vui lắm, vì thằng Rác mỗi ngày mỗi chắc khỏe ra, có nghĩa chẳng có dầu hiệu gì là khó nuôi cả. Tuy vậy, để chắc ăn (theo quan điểm của nàng), nàng đã quyết định phải đợi con đủ mười tám tuổi mới gọi tên. Nhưng rốt cuộc thì nàng chưa một lần được gọi tên con. Năm thằng Rác bảy tuổi nàng đã để mỗi ta ở lại thế gian nuôi con. Ta cũng buồn đứt ruột. Nhưng người con gái lỡ thì đã cùng ta góp cho giống loài mình một cá thể như thế là đủ để đánh đổ một quan niệm cổ xưa từng làm thống khổ con người. Khi nghĩ thế ta lại thấy yên tâm về việc ra đi của nàng. Nàng không còn nữa trên thế gian, nhưng ảnh hưởng của nàng đối với con trai là quá lớn. Thằng Rác có đủ cả những phẩm hạnh do mẹ truyền lại. Những phẩm hạnh thuộc văn hóa nông nghiệp sông Tượng núi Tượng đặt nền tảng trên gian khó và chắt chiu. Con trai ta quí từng hạt gạo đổ, quí từng bếp lửa đun (nó biết đun bếp nấu cơm tự hồi mẹ còn sống) Phải mất cả triệu năm sống bằng săn bắt hái lượm, loài người tiền sử mới nghĩ được cách trồng ngũ cốc, nên ngày nay thằng Rác quí từng hạt gạo là phải. Còn lửa, cũng là phát kiến lớn của nhân loại, nên thằng Rác quí từng bếp lửa đun là cũng phải. Ta cũng muốn để cho con trai ta lo mỗi việc học chữ.
Song, nhà chỉ còn hai cha con, nên thằng Rác một buổi đến trường, một buổi phải chăn bò. Học chưa hết các lớp ở trường làng, thằng Rác đã đòi ta dạy cho nó học cày. Vừa học chữ vừa học cày, cũng tốt thôi. Ta nghĩ vậy. Và cho thằng Rác theo ta ra ruộng để coi ta cày. Coi ta cày đến buổi thứ ba thì nó bảo hãy đưa cây cày cho nó. Ta nói giờ con còn nhỏ, chỉ coi cho biết, mai kia lớn lên mới cầm cày. Nó nói là nó đi học cày, chứ không phải đi coi cha mình cày. Thấy thằng con trai mình cũng ngộ, ta bèn đưa cây cày cho nó. Buổi sáng đó, tất cả những người đang cày ruộng trên đồng Đất Sét đều đổ xô đến xem thằng Rác cầm cày. Người ta khen nó là đứa có thiên tư cày bừa. Ta chưa lấy làm điều vui, vì đó cũng chỉ là dấu hiệu của thiên cơ. Thực ra trường học chỉ cách nhà vài cây số, mà trưa nào đi học về thằng Rác cũng kêu chắc cặp giò của con bị bịnh mất. Ta nói ngày trước đi dạy học ta cũng đi bộ như thế mà có việc gì đâu. Thằng Rác bảo là nó còn nhỏ, không thể đem cặp giò của một đứa nhỏ ra so với cặp giò của một người lớn. Lúc đầu ta nghĩ chắc con trai mình muốn đi học bằng xe đạp, thôi thì cứ rán mua cho nó một chiếc (bằng cách bán bớt lúa ăn) Nhưng có xe đạp rồi, thằng Rác kêu đạp xe đạp cũng mỏi chân. Đến lúc ấy ta mới biết thằng con trai ta không muốn học chữ nữa. Ở trong làng, chỉ có ta với vài người nữa là còn cho con học tiếp bậc tiểu học. Không gạo nấu, chết, chứ không chữ, không chết. Ai cũng nghĩ vậy, nên cho con học biết đọc biết là bắt ở nhà chăn bò, làm ruộng. Nhưng ta từng là anh giáo làng, lại bao nhiêu năm đọc sách cả làng đều nể, nên có ý đồ sẽ cho con học hành đến nơi đến chốn. Tới bữa ăn nào ta cũng đem sách vở thánh hiền ra khuyên con phải gắng học. Nó chỉ làm thinh để nghe. Bấy giờ đất nước vẫn còn chiến tranh, rất ác liệt nữa là khác, nhưng là xảy ở những nơi khác, còn ở làng Dầu thì chỉ có chuyện năm mười bữa lại có bố ráp bắt lính, lại có xe đưa xác lính chết trận về làng. Một hôm thằng Rác đi học về, cất sách vở xong thì bảo ta rằng có đi học cũng uổng công, vì ít năm nữa tới tuổi, nó cũng bị bắt vô lính. Ta nói chiến tranh không phải hoài hoài, có lúc cũng hết. Nó nói biết chừng nào mới hết. Chi bằng giờ nghỉ học, ở nhà cày ruộng, nuôi cha, được ngày nào hay ngày nấy. Thằng Rác nói vậy là nó xác định trước sau gì nó cũng bị vô lính, chết trận, trước khi chết nó muốn cày ruộng, phụng dưỡng cha già. Ai cũng biết cảnh của ta là cảnh cha già con muộn. Với tuổi ta, lẽ ra thằng Rác là ở hàng cháu, chứ không phải hàng con. Lẽ ra, ta phải đẻ cha thằng Rác, rồi cha thằng Rác mới đẻ ra nó. Đằng này, ta đã rút gọn lại, không đẻ cha thằng Rác, mà đẻ thẳng thằng Rác. Với tuổi ta, làm cho có hột lúa hột gạo nuôi con ăn học tới nơi tới chốn quả cũng rất khó. Vậy là cái tư tưởng yếm thế của thằng con trai ta đã làm ta xao lòng. Qua hôm sau, tới giờ đi học, thì thằng Rác đi thả bò. Ta hỏi con nghỉ học thiệt sao. Nó nói nghỉ thiệt. Phải nói thằng con trai ta là hậu duệ xuất sắc của các bậc tổ tiên đã làm nên cuộc Cách Mạng Đá Mới mừơi nghìn năm trước. Tuổi còn nhỏ thế, nhưng ra ngoài đồng ruộng, việc cày bừa của nó chẳng ai chê được. Về nhà, từ việc trồng trọt trong vườn, đến việc chăm con heo con gà, ta chẳng phải nhắc nhở điều gì. Có nghĩa, từ ngày thằng Rác thay ta cày ruộng, thì ta dùng hầu hết thì giờ cho cuộc mưu toan vĩ đại của ta. Thực ra thì cuộc mưu toan làm cho các bậc tổ phụ ta trở nên vĩ đại với con cháu nhà họ Lê là chẳng có gì trái với tiến trình văn minh nhân loại. Ta cũng chẳng biết là việc làm tốt đẹp của ta có góp được chút nào trong việc làm động lòng trời hay không mà cuộc chiến tranh tàn khốc của đất nước đã chấm dứt. Ta nói với thằng Rác, giờ con phải đi học lại, vì chẳng còn chuyện đi học uổng công như trước nữa. Nó nói cứ cho là nó học tới bác sĩ kỷ sư, nhưng lúc đó không còn cha thì học để chi? Biết con trai mình nuốt chữ không vô nữa mới nói thế, nhưng đấy là câu của đứa con có hiếu, nên ta không cầm được xúc động. Như vậy là ta lại để cho con trai ta tiếp tục nghiệp cày cuốc. Năm thằng Rác mười sáu tuổi rưỡi ta hỏi là con đã muốn cưới vợ chưa. Ta chỉ hỏi thử thôi, nhưng thằng Rác đáp là muốn. Ta vui lắm, vì con trai ta đã có đủ khả năng làm chức phận con người: Lấy vợ, để sinh con truyền nòi giống. Và nó đã làm được. Bằng chứng là sự ra đời của anh em thằng Cỏ. Còn như làm người hái lượm trong thời văn minh hiện đại thì con trai ta đã có một đồng đội đông đảo đang sống khắp nơi trên mặt đất này. Những người hái lượm thời tiền sử đã làm nên một cuộc cách mạng vô cùng to lớn, cuộc cách mạng về thức ăn, làm nền tảng cho cuộc sống nhân loại suốt mười nghìn năm qua. Cho nên ta mới dám nghĩ con trai ta, cũng đang là người hái lượm, rồi ra cũng sẽ làm được một điều gì đó thật lớn lao.
Chép vào Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ suy nghĩ này là ta có ý mong thằng Rác trở nên kẻ khác thường. Còn như nó vẫn làm người hái lượm cho đến chết, thì đó là việc của thiên cơ.