NHỮNG CON BÒ ĐẤT SÉT

Như vậy là ông Ruông còn có cả mưu toan làm sao cho đám con cháu ông cũng trở nên khác thường như các bậc tổ phụ của ông. Có điều, thiên cơ thì cứ như là ngu ngốc dại khờ ngản trở con người ta.
Cứ theo cách hiểu của ông Ruông thì thiên cơ có vẻ chẳng mang chút hơi hướng thần bí nào (Với lại ai mà biết trong đầu ông có vị thần nào ngự trị hay không)
Nhưng riêng thằng Cỏ anh thì ông cho là chẳng gì ngản trở được nó. Thằng Cỏ anh là ngôi sao sáng của dòng họ Lê nhà ông. Mỗi việc làm, hay mỗi lời nó nói ra, ông đều phải xem xét kỹ lưỡng, để coi thử có ẩn chứa một điều gì đó hay không.
Con bò là gì?
Chỉ mỗi câu hỏi ấy mà thằng Cỏ anh đã quần ông suốt mấy đêm liền.
Cho đến một hôm thì chính nó đã cho ông mục kích một kho tàng nghệ thuật có hơi hướng nghệ thuật hang động thời tiền sử.
Nhưng phải nói về sông Tượng núi Tượng trước khi nói về kho tàng ấy.
Như đã biết, nền móng của đất nước Việt Nam hình thành tự đại Cổ Sinh. Nên cả núi Tượng lẫn sông Tượng đều già. Sông Tượng già đến nỗi chỉ khi có mưa lũ mới có dòng chảy. Hầu như quanh năm chỉ thấy ở đây một thứ đường trũng của địa hình với đáy toàn sỏi đá, và đôi bờ thoai thoải xen lẫn dốc đứng. Bờ nam sông đầy hang hốc là chân của một sơn hệ trùng điệp kéo dài về phương nam, sơn hệ núi Tượng. Còn bờ bắc là thuộc một hệ đất khác, một cao trình khác. Từ lòng sông bước lên bờ bắc là bước lên một cao trình đất liền, cao trình đất Ông Rường và đồng Đất Sét ( lúc ông Rường đi Tây về thì rừng núi Tượng còn lan ra tận phía nam đồng Đất Sét). Địa chất bùn sét của phía bờ này bị mưa lũ bào xói lâu ngày biến thành một bức trường thành có thứ màu sắc âm u và những họa tiết kỳ dị. Khoa học ngày nay cho biết bùn sét là nơi có thể hình thành sự sống ( cũng như trong nước của đại dương, hay trong khỏang không gian của vũ trụ) Nên bức trường thành bùn sét bờ bắc sông trông thấy ngày nay là thứ thời không gian đầy bí ẩn. Từ ngày có duyên với sách vở, ông Ruông đã lật tung bao cổ thư để kiếm tìm dấu tích tổ tiên loài người ở chốn núi rừng này. Rồi để củng cố dòng họ mình, ông bảo có một người con trong những người con của Lạc Long Quân và Au Cơ đã đến đây để trở thành thủy tổ dòng họ nhà ông. Trí tưởng tượng của ông cũng chỉ vươn đến khi con người đã biết phân biệt giữa thời gian và sự vĩnh hằng. Còn trước đó, đối với ông vẫn là những gì còn mờ mịt. Nhưng lòng kiêu hãnh, thứ thuộc tính quỉ quái của loài người, đã không để ông yên. Cứ canh cánh trong lòng một ngày nào ông sẽ nhìn thấy tại chốn núi rừng này mảnh xương người nguyên thủy, để chứng tỏ rằng nơi ông chôn nhau cắt rốn cũng là cái nôi của lòai người. Có những hôm ông thơ thẩn dọc lòng sông sỏi đá, hoặc ngồi hằng giờ để ngắm nhìn những hang hốc lở lói ở bờ nam sông Tượng. Bầy người nguyên thủy có trú lại đêm nào ở những hang hốc ấy không? Trả lời câu hỏi này là những cuộc tháo lột ký ức mệt đến lả người. Tất nhiên là ông phải bắt đầu từ những năm tháng cơm mo cau lủng lẳng ngang hông, lùa bò vào rừng núi Tượng xong là chui vào một trong những hang hốc ấy. Với đám trẻ chăn bò bọn ông ngày ấy thì mọi thứ đều có thề xảy ra ở những hang hốc ấy. Từ việc moi trộm khoai lang khoai mì đem vào hang nướng ăn, đến việc lăn ra hang ngủ suốt ngày, hoặc nổi ưng lên là đánh nhau, vật nhau. Nguyên nhân thì nhiều, mà hậu quả thường là vật nhau. Đánh sấp ngửa thua, đánh bồ thua, là vật nhau. Cãi nhau về một chuyện vớ vẩn nào đó cũng đi đến chỗ vật nhau. Trừ những hôm thả bò ở gò Tháp, bò ăn buổi, còn ăn ngày ở núi Tượng, thì những hang hốc ấy là nhà của đám trẻ bọn ông. Thả bò ăn ngày ở núi Tượng vào mùa mưa dầm thì có vẻ thú hơn mùa nắng, vì có chuyện đốt lửa trong hang để hơ quần áo. Cả một lũ đều trần truồng, phơi cả chim lẫn bướm ra, vừa hơ quần áo, vừa ôm nhau la hét. Không ngờ là thời thơ trẻ của ông lại gần gũi nguyên sơ đến thế. Cứ thế, làm như ký ức sắp đưa ông đến gặp bầy người nguyên thủy. Và ông đã thức dậy vào lúc nửa đêm khi chợt nhớ đến một thứ vật thể quen thân đang được lưu giữ ở trong nhà mình. Nửa đêm thức dậy, cầm hòn đá cuội trong tay, ông cứ để cho trí não mình ngược về phía của quá khứ. Theo lời cha của ông, hòn đá cuội ấy là do ông cố ông nhặt được chỗ hang hốc bờ nam sông Tượng. Đã bốn đời truyền tay nhau để đập ngô khô. Dấu vết các tổ phụ ông để lại trên đá tuy không còn nhìn thấy được, nhưng đấy là sự thật. Có những người đã đập ngô khô bằng đá cuội. Những người như đã quên bẵng chuyện chén cơm một phần gạo bốn phần ngô, đời trước cứ việc truyền cho đời sau cách đập ngô khô bằng đá cuội. Nhưng ai là kẻ đầu tiên làm nên hình dáng của đá như nay trông thấy, và đem đặt ở nơi hang hốc ấy? Khi đã loại được những yếu tố ngẫu nhiên, trí não ông như sắp nhìn thấy được bàn tay tạo tác của con người, thì tất cả lại nhòa đi trong màu bí ẩn của quá khứ. Cho đến hôm thằng Cỏ, cháu ông, bảo sẽ cho ông xem những con bò bằng đất ở nơi hang hốc ấy, thì giấc mộng tìm ra được cái nôi loài người ở chốn núi rừng ấy lại trổi dậy trong ông.
-Cháu bảo những con bò bằng đất hiện đang ở chỗ nào?
Ông thấy háo hức như sắp được bước vào bến bờ cổ xưa. Nếu như cháu ông tìm thấy những tượng bò bằng đất ở những hang hốc ấy thì quả là ông đã bắt gặp được chỗ bắt đầu cho cuộc tìm kiếm của mình. Phải, thằng Cỏ anh đã đưa ông đến một trong những hang hốc ở bờ nam sông Tượng. Và ông cứ muốn hét to lên cho cả loài người biết là ông đã nhìn thấy một kho tàng nghệ thuật của người tiền sử ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Chẳng khác những tượng đất nung được khai quật trong các cuộc khảo cổ, những tượng bò bằng đất đen lán nằm ngổn ngang trong cái hốc núi ông nhớ là mình đã qua lại đó bao nhiêu lần mà chẳng phát hiện được.
-Cháu đã tìm thấy những tượng ấy ngay nơi đây, hay là mang từ nơi khác đến?
Ông sốt ruột hỏi
-Là cháu làm ra lũ bò đấy.
Thằng Cỏ đáp.
Nhưng ông cứ cho là cháu ông đùa nghịch.
-Làm sao cháu lại làm được những tượng đất nung như thế?
Thằng Cỏ anh chỉ từng con vật một:
-Đây là con đực Nu. Đây là con bò cái, em của con bò Mạp. Còn đây là lũ bò nghé, con của con bò cái.
-Cháu hãy nói nghiêm túc với ông coi nào?
-Thì cháu có bao giờ nói dối với ông đâu. Chỉ ông mới là nói dối. Cả con đực Nu cả con bò cái, là cha cháu đã đem bán cho người khác. Cho nên cháu phải làm ra những con bò khác.
Thì ra, trong lúc con trai ông bán bò đực để mua bò cái đẻ, rồi nuôi bò đẻ không đẻ lại bán bò, nuôi heo, đám bò nhà cứ khuyết dần đi, thì thằng cháu nội ông, trong những ngày chăn thả con bò còn lại, đã nghĩ ra cách là nặn ra những con bò bằng đất. Đến lúc ấy ông mới rõ vì sao thằng Cỏ anh quần ông mãi câu hỏi con bò là gì, ông hết cắt nghĩa theo cách nôm na lại ví von trừu tượng, nó vẫn không chịu. Đám bò của nó là làm bằng đất sét. Đất để nặn bò thì lấy ở bờ bắc sông Tượng, nặn cả triệu con vẫn đủ đất để nặn. Có điều ông chưa rõ là tại sao cháu ông lại đem đặt những con bò bằng đất ấy ở hang hốc ấy.
-Mà sao cháu không đem đám bò của cháu về nhà?
-Đem về nhà để phải mất công đem trở vô đây hay sao? Cháu thấy lo, vì ông lại lẫn lộn các thứ.
-Nhưng sao cháu bảo lại phải đem trở vô đây?
-Thì không phải đám bò làng mình không thả ăn ở gò Tháp thì phải thả vào đây hay sao? Cứ để lũ nó ăn cỏ ở đây, khi lớn bằng con bò Mạp, cháu mới đem về cho cha cháu.
Thằng Cỏ nói, và đi sắp đặt lại lũ bò. Những con bị ngã thì nâng đứng dậy. Những con nhỏ hơn thì đem tựa vào những con lớn hơn. Hết thảy đều trong tư thế đứng nhìn ra sông Tượng. Một quần thể bò vừa đông vui, vừa sung mãng. Cứ nhìn cung cách chăm sóc đám bò đất sét của thằng Cỏ anh, ông Ruông biết cháu ông đang rất mãn nguyện với công trình tạo tác của mình.
Con người ta sống với những ý tưởng về tồn tại thì chắc chắn là hạnh phúc hơn đi vào tồn tại.