hi tôi viết lại câu chuyện này, thì những người bạn thời niên thiếu của tôi đã trở thành người cao tuổi. Các bạn của tôi làm nhiều nghề khác nhau. Kẻ trước, người sau, lần lượt nghỉ hưu. Thực lòng, chúng tôi không muốn thế. Bởi vì rằng trên đời này, không có gì đáng sợ hơn là khi thấy mình không còn đóng góp được gì nữa cho đời sống, xã hội. Vì thế, nên khi một nhà khoa học lão thành, nhân buổi bạn bè gặp nhau đã nêu lên một việc thế này:- Bọn mình thử làm một cái máy điện tử đặc biệt để tặng tuổi thơ của chúng mình đi!Nghe thế, ai nấy đều vui vẻ bằng lòng. Một nhà báo gật gù:- Nhưng đó là thứ máy gì và để làm gì chứ?Nhà khoa học tủm tỉm:- Máy-tìm-hộ. Đại khái đấy là cái máy giúp các cô bé, chú bé nào đó tìm lại những thứ mà mình đã bỏ quên hoặc đã đánh rơi mất ấy!Hay lắm! Ý nghĩa lắm!Gọi là máy cho... oai, chứ thực ra nhà khoa học của chúng tôi chỉ sắp đặt lại một vài chi tiết quan trọng của chiếc “ca-sét” đời mới rồi bỏ nó vào trong cái “hộp đen” có mắc loa ra ngoài. Thế thôi. Song, các bạn đừng vội nghi ngờ. Cái máy này có thể tự thu, tự phát cả tiếng lẫn hình và biết trả lời nhờ một chiếc máy khác tối tân hơn được đặt trong gian “vi-tính” hiện đại nhất. Công trình ấy được làm xong thì trong số chúng tôi đã về cõi mất mấy người. Tôi là người trẻ nhất, được phân công ghi chép lại những câu chuyện về chiếc máy đó. Quả là một công việc quá sức của tôi.Chiếc máy gần như phải làm việc suốt ngày. Vì khi nghe tin ở chỗ chúng tôi có chiếc máy hay hay như thế, nên có rất nhiều người đến dùng nhờ. Nhờ tìm hộ một thứ gì đấy, một điều gì đấy.Một cô bé đánh rơi mất con búp bê nhồi bông rất đẹp đã tới và mếu máo:- Máy tìm hộ cháu con búp bê ấy đi!Máy trả lời:- Em hãy về nhà tìm ở trong chiếc chăn hoa.Cô bé về nhà và rũ chiếc chăn hoa sau khi nằm chưa gấp ở cuối giường, thì thấy con búp bê thật. Máy giỏi quá!Một chú bé đến nhờ tìm hộ hòn bi “ve”. Máy trả lời:- Hòn bi nằm ở độ sâu một mét rưỡi so với mặt đường ở phố Hàng Địa, ngách cống 34 thuộc hệ thống cống số 5 theo ký hiệu của Công ty thoát nước.Nhiều bạn nhỏ, nhiều người lớn, nhờ “Máy tìm hộ” của chúng tôi mà đã tìm thấy vô số đồ vật quý giá, có người còn tìm thấy đứa con bị lạc.Tiếng đồn về chiếc máy kỳ lạ đã bay đi khắp nơi. Tại một tỉnh kia, có một người vốn quê ở Hà Nội, khi ra đi, người ấy đang học dở lớp 8. Lúc này, đã... sắp già... như tôi. Người ấy tới hỏi nhờ máy:- Tôi chỉ xin hỏi một câu thôi. Hết bao nhiêu tiền tôi xin trả.Chúng tôi mời ông cứ tự nhiên, tha hồ hỏi, không phải trả tiền. Người ấy vào phòng máy một lúc rồi trở ra, mặt buồn rười rượi. Vẻ thất vọng hiện rõ trên đôi mắt ông. Chúng tôi nhìn nhau. Máy hỏng rồi chăng? Chưa một ai khi vào đây, lúc trở ra lại như thế. Tôi vội hỏi:- Sao thế bác? Máy hỏng à?- Không. Máy rất tốt.- Vậy thì sao nom bác buồn thế?- Câu hỏi của tôi, máy không trả lời được.- Bác hỏi về điều gì ạ.- Tôi nhờ máy tìm hộ tuổi thơ của tôi. Vì lúc bé, tôi chẳng để ý gì đến hồi ấy hết cả.- Máy đã trả lời bác thế nào?- Máy nói rằng: Ai đã đánh mất tuổi thơ thì người ấy phải chịu, không thể nào tìm lại được.Nghe người ấy nói - người sẽ là bạn già của chúng tôi, ai nấy đều khẽ thở dài. Là vì rằng, chúng tôi, kẻ ít, người nhiều ai cũng có một điều gì đó, lẽ ra không nên có, không nên như thế. Đó chính là điều mất mát trong thời niên thiếu, một phần tuổi thơ của mình, nay không thể nào tìm lại để làm lại được nữa...