Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 23
CÁI VISA

“… Nhưng ở đó cũng có phần mộ của cha mẹ mình, có An và thằng Dũng, có anh Đức, chị Mùi; còn có lũy tre, bụi chuối và cánh đồng lúa vàng, có cả con trâu đang gọi con “ngh éọ” và cánh diều no gió vi vu”
 
Mười hai năm trước, cũng vào những ngày cuối năm ấy, Kiên đã chạy trốn nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Khi bình minh vừa ló, nhìn phía sau thấy biển trời mênh mông, mọi người ai nấy đều òa lên sung sướng: Thoát rồi!
 
Bây giờ người ta lại mở cửa để đón chào, Việt Kiều yêu nước, một phần của dân tộc?
 
Nghĩ cũng phải, “đảng và chính phủ sáng suốt, lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến tài tình” như thế, nhưng lại để con dân của mình vượt biên đi tìm cuộc sống mới. Thế chẳng phải là đất nước Việt nam khi đó không tươi đẹp à, không no ấm à? Nhưng dù nghèo đói thì cũng phải theo phương châm là “tốt khoe, xấu che”, chứ đi vượt biên như thế khác gì tố cáo với thế giới là chính phủ đang để nhân dân chết đói.
Khi xưa ngăn cấm, nên thoát được thì mừng. Bây giờ hạn chế hồi hương nên xin được thị thực thì cũng mừng. Như thế là chuyện vui hay buồn tùy vào việc trong lòng anh đang khao khát cái gì. Chẳng phải Chúa đã dậy: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách mặc, đó sao? Những kẻ cơ hội, áp dụng “sáng tạo” lời răn của Chúa, tạo ra “đói, khát, rách” rồi sau đó ban cho họ “cơm, nước, áo quần”, sẽ thành công trong chính trị.
Ở Việt nam bây giờ có chính quyền của Hà nội, ấn tượng những ngày bị giam giữ chẳng dễ nguôi ngoai. Nhưng bù lại, ở đó cũng có phần mộ của cha mẹ mình, có An và thằng Dũng, có anh Đức, chị Mùi. Còn có lũy tre, bụi chuối và cánh đồng lúa vàng, có con trâu đang gọi con “nghé ọ” và cánh diều no gió vi vu. Chẳng trách chuyện kể về những chiến binh đánh thuê chuyên nghiệp, trước khi chết vẫn cố sức thốt lên một câu bằng tiếng mẹ đẻ của mình: “ Ôi! Con đau quá ba mẹ ơi”.
Nhiều người đã làm tới sỹ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, mà vẫn được cấp thực thực nhập cảnh về Việt Nam. Như thế còn ai thù ai nữa đâu, đời bây giờ sao giầu tính nhân văn đến vậy! Thời gian đã làm nhòa đi tất cả mọi ranh giới, hằn thù, Thượng Đế thật diệu kỳ! Ngài đã tạo ra hận thù và chiến tranh, rồi ngài lại mang lại hòa bình và sự hàn gắn.
Kiên hy vọng không gặp khó khăn gì, cả đời lính anh chẳng giết ai. Hai lần phỏng vấn trước có thể anh trả lời chưa đúng. Hy vọng lần chót này sẽ qua, nhiều người như thế rồi.
Người ta hỏi:
- Ông khai là về thăm Việt Nam và tìm tông tích phần mộ cha mẹ mình, đúng không?
- Vâng, thưa đúng như thế. - Kiên chân thật, có sao nói vậy. Liệt sỹ Trần Trung Hải và Đỗ Kim Anh là hai anh hùng lực lượng vũ trang, hy sinh ở chiến khu rừng Sác năm 1969, ông có bằng chứng nào cho thấy ông là con của họ không?
- Tôi biết họ là Việt cộng, nhưng không biết họ là anh hùng.
- Ông Kiên, họ là cán bộ cách mạng chứ?
- Xin lỗi. Tôi khẳng định đó là cha mẹ tôi, và tôi là một người yêu nước, nhưng bằng chứng thì...
- Vậy thì phải xin lỗi ông, chúng tôi rất tiếc, hẹn ông dịp khác.
Bước ra khỏi tòa đại sứ mà ruột đau như cắt. Suốt 2 giờ sau đó ngồi trên tầu điện nội thành Circle Line qua tất cả các ga quan trọng như Padding ton, King Cross, Liverpool Street, Water Loo, rồi lại về Victoria và cứ thế mấy vòng, mãi mới nhận ra được ga Euston rồi chuyển tầu về Glasgow. Sau lần ấy, Kiên như sống trong âm thầm, nhất là những ngày Xuân Lan đi vắng. Triệu chứng bệnh suy tim của anh càng ngày càng rõ ràng hơn. Định cư ở Hoa kỳ sớm, Xuân Lan có dịp nghiên cứu sâu, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về lịch sử Đông Dương thế kỷ thứ XIX. Bà thường xuyên có các bài giảng ở một số trường đại học ở Hoa kỳ, là trí thức yêu nước, được cấp thị thực về thăm quê hương. Còn Kiên, là con nhà cộng sản nòi đại sứ quán Việt Nam đã nói vậy rồi trở thành sỹ quan chế độ cũ, trốn trại cải tạo, vượt biên, có thể còn bị quy kết là mạo nhận thân nhân cán bộ, làm xấu thanh danh của các anh hùng, chiến sỹ cách mạng. Khi chia tay An, đêm ấy đã tự mình thốt ra điều đó, chẳng phải giờ đây ứng nghiệm là gì?
Hai dòng họ có truyền thống kháng chiến lâu đời, mà bây giờ lại phải đón một Trần Trung Kiên vô danh sao? Đúng hơn là người ta còn muốn xóa chữ “V” trong chữ “vô danh” này(66). Thôi thì sống yên ở đây cho khỏi bôi nhọ thanh danh của các cụ.
 
Bố mẹ mình đã hy sinh cho hạnh phúc của mọi người nhưng lại loại trừ hạnh phúc của con trai mình. Đến bây giờ đến lượt con trai họ phải hy sinh hạnh phúc cá nhân mình bởi sự hy sinh trước đó của cha mẹ anh ta. Cuối cùng sau một trận cười tràn trề nước mắt, Kiên xót xa sống trong niềm hy vọng mới, hy vọng sớm tìm được cách trấn an mình.
 
Mà kể cũng đáng kiếp, những ngày mới tốt nghiệp đại học, y chỉ thăm mộ cha mẹ được duy nhất một lần. Hai vợ chồng y lén lút chẳng khác gì đi ăn trộm. Xuân Lan hồi ấy cũng trẻ trung, sắc sảo như Nguyệt, nhưng nàng hăng hái hơn. Không biết sông Xoài Rạp bây giờ còn thơ mộng như hồi đó không? Có nhiều khúc trông mênh mông như biển vắng, có nhiều đoạn quanh co như suối ngàn chen giữa những hàng cây. Đi thăm mộ của cha mẹ mình mới thấy, Việt cộng chọn rừng Sác làm căn cứ quả là khôn ngoan, nhưng cực kỳ nguy hiểm, ngay cả cho chính họ. Muốn biết cá sấu hoang dã, muỗi độc, rắn độc… đến rừng Sác.
 
Những người đồng chí của ông bà ấy kể ra cũng tình nghĩa thật, họ đã mất rất nhiều công sức trong việc tìm kiếm thi thể của ông bà, rồi chôn cất cẩn thận. Giá mà sau này tìm được ai trong số họ để cám ơn thì thật tốt.
 
Mỗi khi nghĩ đến cha mẹ, gia đình, Kiên lại mông lung vì không lý giải được nhiều điều. Một đứa con bất hiếu như mình mà cũng lên đến chức trung tá tâm lý chiến. Một đứa con của hai vợ chồng Việt cộng nằm vùng mà lại tận tụy phục vụ chính quyền phe đối lập.
 
Một người có cha mẹ là những cán bộ nòng cốt của ông Hồ, nhưng anh ta lại trở thành một sỹ quan xuất sắc của quân đội phe đối lập, chống lại hậu duệ của ông Hồ. Rồi một ngày kia anh ta đã vin vào chính tên tuổi ông Hồ, chẳng những để thuận lợi cho công tác trong quân ngũ hồi trước mà còn để thoát khỏi trại tỵ nạn Hồng Kông một cách rất ngọan mục sau này.
 
Một sỹ quan tâm lý chiến xuất sắc, nhờ uốn ba tấc lưỡi mà qua được vô số cửa ải khó khăn, giúp được nhiều người. Nhưng bản thân anh ta lại không giúp được chính mình. Muốn về thăm quê Việt Nam nhưng lại không biết mở lời ca ngợi công đức của đảng và chính phủ Việt Nam.
 
Anh ta hiểu rộng nhưng lại không biết một điều rất đơn giản về con người, đó là tính ưa nịnh. Đã là con người thì ai cũng ưa nịnh, là người chiến thắng còn ưa nịnh hơn. Có nhiều người thậm chí còn tự làm thơ ca ngợi công đức của chính mình, mua huy chương đeo lên ngực mình. Không biết thực tế đó thì không thể tránh khỏi thiệt thòi. Đã bao năm qua rồi mà Xuân Lan vẫn còn châm biếm chồng về những nghịch lý này.
 
 
Nhớ mong chẳng được mấy tuần, một lần nữa An lại ôm gối nức nở thương tâm. Niềm hy vọng vừa nhen lên đã tắt lịm. Khóc mãi rồi cô thiếp đi, trong tay vẫn còn nắm chặt một cái nhẫn vàng cũ kỹ và bức thư mới nhận.
 
Chỉ có những người đàn bà đang yêu mới cảm thông được, tình yêu đích thực đôi khi phải trả bằng những đắng cay khôn cùng mà người đời(67) không thể sẻ chia.
 
Đêm ấy An lại chong đèn đến khuya, sáng hôm sau cô cẩn thận lên tận thị xã Thái Bình gửi thư cho Kiên. Từ nay hai cha con thư từ cho nhau thế nào là tùy, còn cô phải lo bươn trải nuôi mẹ già, con nhỏ.
 
An cũng không quên nhắc Kiên là cô còn phải lo chăm sóc một ngôi chùa ở gần nhà, vì sư bà ở đấy rất ốm yếu. Việc trao đổi thư từ giữa hai người là không cần thiết nữa. Biết chắc chắn Xuân Lan sẽ đọc thư nên An không quên chúc Kiên Lan vui vẻ và hạnh phúc trong tuổi già.
 
Xét ra Thượng đế mới là một nhà tâm lý, một nhà chính trị thiên tài. Để cho người ta thật khao khát, thật cần một cái gì đó, rồi tìm cơ hội ban phát cho họ một chút để họ mang ơn. Khi chưa ban phát được thì phải không ngừng nuôi dưỡng niềm hy vọng, niềm tin trong họ. Bình luận về Thượng đế, chưa ai qua nổi Nguyễn Du:
 
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh tao mới được phần thanh tao(68).
 
______________________
Chú thích:
 
66. Khi chữ Vô bỏ đi chữ V thì còn lại ô, tức ô nhục.
67. Người đời: ý nói người ngoài cuộc.
68. Truyện Kiều - Nguyễn Du.