ạn đã từng nhá bỏng ngô bao giờ chưa? Ngon lắm! Hạt ngô bé thế mà lúc rang nó nở ra, tròn như những quả táo trắng và xốp. Thứ quà này dễ mua vì không cần phải có nhiều tiền. Chỉ cần nói xin tiền để mua bỏng ngô thôi, thế nào bố mẹ cũng cho. Bỏng ngô không thể ăn no, nhưng ăn mãi vẫn không thấy chán. Hẳn một túi bỏng, chỉ đánh vèo đã hết. Hết rồi, còn thèm, còn thơm mãi trong miệng. Nhiều khi chỉ ăn dè, dè mà cũng cứ veo veo. Hôm nào trời mưa, không đi đâu được, có nắm bỏng ngô, vừa nhai vừa kể chuyện cổ tích, thật tuyệt. Ấy là cái thú của bỏng ngô. Còn câu chuyện về những hạt bỏng ngô của tôi, không biết có giống với bạn nào không? Tôi xin kể:Nhà tôi ở giữa phố. Cái phố mang tên một nhà thơ, nếu cụ còn sống, thì cũng đến hơn sáu trăm tuổi. Thơ của cụ chỉ người lớn mới hiểu được. Chắc ngày ấy chưa có nhà thơ viết cho trẻ con đọc. Bây giờ, thơ cụ in mãi tận sách giáo khoa lớp 10, lớp 11 kia. Còn lâu tôi và các bạn mới học đến. Thơ rất hay, toàn nói về điều thương người.Phố nhà tôi từ mấy năm rồi, hàng quán đông quá lắm, chật cả vỉa hè. Toàn người lớn là người lớn ra mua, vì trẻ con không uống bia, không hút thuốc lá, không ăn cơm “bình dân”, không “trà lá”, thì ngồi vào đấy làm gì. Một ngày kia, ngày nào thì tôi không xem lịch, bên cổng một nhà số chẵn, có bà cụ ra ngồi cùng một chiếc thúng to tướng, bên trong đặt bọc ni-lông trong suốt, nhìn rõ những hạt gì to to, tròn tròn căng mọng lên ở trong đó. Thấy hay hay, tôi bước tới ngó xem thì... trời ơi! “Bỏng! Bỏng ngô!”. Cùng lúc có đứa đứng ở đàng sau tôi reo lên như đang xem đá bóng: “Bỏng ngô! Chúng mày ơi!” Thấy vậy, bà cụ cười:- Mua đi! Mua mở hàng cho bà đi nào!Chẳng đứa nào có tiền hết cả. Có đứa cười trừ. Có đứa nghệt mặt ra. Tôi cũng lúng túng, thú thật:- Cháu không có tiền ạ!Tưởng bà cụ sẽ hất tay: “Thế thì đi chỗ khác!” như mọi người lớn vẫn hay nói với chúng tôi thế, thì bà cụ lại cười cười:- Vậy thì bà đãi các cô các cậu mỗi cháu vài hạt. Lúc nào có tiền thì ra đây bà bán cho!Tôi là đứa nhận nắm hạt bỏng sau cùng. Bà vừa đưa cho tôi, vừa khen:- Anh này lớn, biết nhường các em nhỉ!Tôi vừa sung sướng vừa nóng cả mặt. Bà cụ yêu con trẻ quá. Đứa nào là cháu của bà ở nhà, chắc tha hồ mà ăn bỏng, tha hồ mà sướng. Tôi cảm ơn, nói lời xin bà cụ và tự nhiên thấy lòng rưng rưng buồn. Tôi không có bà. Vì bà tôi mất đã lâu.Là người cùng phố, nhưng mãi hôm ấy tôi mới được biết. Biết bà với cái tên chúng tôi gọi y như thấy bà khi ấy: “Bà bỏng ngô”.Bà bán rất rẻ, lần nào, sau khi đong đầy cái bát bằng gỗ dùng để đong bỏng, đổ vào túi hay mũ cho chúng tôi, bà cũng nhón thêm cho vài hạt. Ấy thế mà có người lớn, lúc mua, bà đã thêm cho rồi, mà vẫn còn cố thọc tay vào bọc đòi thêm vài hạt nữa. Tham quá!Bà cụ bán bỏng mà bọn trẻ chúng tôi rất thích như tôi đã kể, còn có một sự thân thiết nữa chỉ chúng tôi mới cảm thấy. Bà hiền lành và luôn luôn khuyên chúng tôi những điều giá như ở nhà thì đã bị mắng. Ví dụ như lúc bọn trẻ nói tục, cãi nhau, có đứa đánh nhau, thì bà lại can:- Đừng thế các cháu ơi! Bà xin. Bà cho mấy hạt mà nhai này!...Có đứa trèo cây, bẻ cành, bà cũng gọi xuống nhắc nhở và dúm cho vài hạt. Nhiều hôm đi học về, không có việc gì, không biết chơi gì, tôi lại tha thẩn ra cái cổng có bà ngồi mà nhìn phố xá. Bà đã quen, nên thỉnh thoảng bà lại gọi cho tôi một nắm. Tôi đã đủ trí khôn để nói:- Thế này thì bà hết vốn mất!Bà cười:- Hết làm sao được. Hết bà lại mua...Ngừng một thoáng, bà tiếp:- Có thứ không thể mua được cháu ạ...Bà nói với bà hay nói cho tôi, lúc đó tôi chưa hiểu. Nhưng rồi bỗng một ngày...Bà bỏng ngô không ra cổng ngồi...Hôm sau, hôm sau nữa, vẫn vắng bà...Tôi dè dặt hỏi thăm mới biết là bà cụ đã về trong quê ở với con cháu. Căn hộ đã để lại cho gia đình khác. Tôi ngẩn ngơ cả người, thờ thẫn mãi.Từ buổi ấy, phố nhà tôi vẫn đông, lại có thêm hàng quán mới, nhưng sao tôi chẳng thấy vui hơn. Sung sướng quá cho cậu nào đang được ở với bà, có bà...Ấy là tình thương. Tình thương là thứ không thể mua được.