Khi nghĩ đến điều làm sao lại nghĩ được những điều cao siêu như thế, ông Ruông lại nghĩ đến bộ não và bộ xương tổ tiên con người đã truyền lại. Ta nói cho con cháu nhà họ Lê biết rằng, ông Hai Hượt, cha ta, là thành tựu của mấy chục ngàn năm (hay mấy chục triệu năm) tồn tại của loài người trên mặt đất này cả về phương diện thể chất cả về phương diện tinh thần. Trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ ông Ruông đã dành những trang cảm động về cha mình như một dẫn chứng đầy đủ nhất về di sản của loài người. Theo ông Ruông thì cha của ông lúc lọt lòng mẹ cũng chỉ nhỏ bằng một con mèo con khi lọt lòng mẹ. Nhưng đấy chỉ là phần nhỏ thừa hưởng thể chất của mẹ cha. Nói rõ ra là khi mẹ ông Hai Hượt mang thai ông Hai Hượt thì làng Dầu gặp cảnh đói lớn nhất trong lịch sử đói ở đây, mẹ ông bữa cháo bữa rau mà phải làm lụng cật lực, nên cái bào thai ông Hai Hượt cứ giữ một mức như vậy cho đến khi chào đời. Còn đại thể thì ông vẫn có đủ những yếu tố cơ bản của một sinh vật người. Có nghĩa, nếu dõi theo từ lúc mới sinh ra, người ta thấy là ông đã trải qua đủ những chặng đường phát triển của một sinh vật người, không bỏ sót chặng nào. Có nghĩa, mới đầu là nằm ngửa, chỉ nằm ngửa, và ngo ngoe chân tay. Tiếp đến là vừa nằm ngửa, vừa nằm sấp, tức biết lật. Tiếp đến là biết trườn, bò. Tiếp đến nữa là biết ngồi. Rồi đứng lên, và bước đi bằng hai chân. Cho đến khi ông Hai Hượt biết đi biết chạy, mẹ ông vẫn còn lo. Bà sợ con trai bà với thân hình nhỏ bé thế sẽ không làm nổi bát cơm ăn. Nhưng đấy là do bà chưa hiểu hết thứ di sản hoàn hảo tổ tiên loài người đã truyền lại cho con của bà. Bà đã chết trước khi nhìn thấy con trai mình trở thành một hậu duệ cừ khôi của loài người. Cứ thử bắt đầu với đôi bàn tay của ông Hai Hượt. Nếu như đôi bàn tay của người tiền sử sáng tạo ra công cụ ( và đã tạo nên hai nền văn minh Đá Cũ và Đá Mới), thì đôi bàn tay của ông Hai Hượt làm công việc sử dụng công cụ. Chẳng biết nên nói thế nào cho phải, là cây cuốc cây cày và cây rựa là ba thứ công cụ theo suốt cuộc đời ông, hay cả đời ông là theo suốt ba thứ đó? Cầm cây cuốc mà cầm không nên, coi như người bỏ đi đó con. Bài học nhập môn ông Hai Hượt đã nghe thốt ra từ miệng cha của ông trong ngày đầu tiên ông theo cha ra ruộng để bắt đầu sự nghiệp cày cuốc. Bài nhập môn giống như một quyết định luận. Cầm cây cày cây cuốc không được thì không phải là con người của nền văn minh nông nghiệp. Thời gian biểu làm việc của đời ông là thế này: Xong công việc ngoài đồng ruộng, gác cây cày vào hiên hè, là ông cầm cây rựa vào rừng núi Tượng để làm công việc ở trong rừng. Ở miền sông Tượng núi Tượng khái niệm văn minh nông nghiệp có rộng hơn những nơi khác. Văn minh nông nghiệp là bao gòm những thành tựu đạt được cả ở nơi đồng ruộng và cả ở nơi rừng núi. Mùa vụ ngoài ruộng đồng cũng như công việc ở trong rừng là nương theo nắng mưa của trời đất. Và cả cuộc đời ông Hai Hượt thì cứ thế, hết ở ngoài ruộng đồng, lại vào rừng núi Tượng. Hay cũng có thể nói thế này: Vào những lúc không có ánh mặt trời, tức là đêm, ông phải ngủ nghỉ, còn lúc có ánh mặt trời, tức là vào ban ngày, trừ những khi ốm đau, nếu ông không cầm cây cày thì cầm cây cuốc, nếu không cầm cây cuốc thì cũng cầm cây rựa. Ông Hai Hượt cầm cây rựa vào rừng núi Tượng thì người ta sẽ có các thứ súc gỗ làm nhà, các thứ bắp cày, mỏ cày, ách cày (Ông là thợ đẽo gỗ làm nhà và đẽo các dụng cụ để làm cây cày cày ruộng có tiếng trong vùng) Cuộc đời ông Hai Hượt trải qua các triều vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại, là các triều vua thuộc thời kỳ lịch sử bị người Pháp đô hộ. Ngân khố của nhà nước thời ấy chủ yếu dựa vào thuế người và thuế ruộng đất. Ông Hai Hượt cầm cây cày cày ruộng thì còn có nghĩa là làm công việc trả lương cho viên chức của nhà nước ấy. Cho nên xét kỹ ra, chỗ đứng của ông trên đồng Đất Sét có vẻ vững hơn chỗ đứng của vua nhiều. Vì vua thời ấy mà không làm theo ý của người Pháp thực dân thì trước sau gì cũng bị phế bỏ. Các vị vua nói trên đã kế tiếp thay nhau trị nước. Trong khi đó thì cha ta, vẫn với đôi bàn tay ấy, đã nắm vững cây cày trên đồng Đất Sét. Cho nên có thể nói sau khi loài người tạo dựng được nền văn minh cày cuốc, thì đôi bàn tay của cha ta đã góp phần vào việc giữ vững không cho cái bánh xe văn minh ấy chạy trở lui. Trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ, ông Ruông có những lời lẽ rất tự hào về đôi bàn tay của cha mình. Còn về đôi vai của ông Hai Hượt, ông Ruông bảo là thuộc tài sản quí hiếm của nhân loại. Không có đôi vai con người thì không có văn minh nông nghiệp. Chẳng biết ông nói thế là có quá hay không. Nhưng trong lịch sử loài người, lúc chưa có máy móc cơ giới, đôi vai con người hầu như làm mọi công việc vận chuyển trong đời sống nông nghiệp. Phải có con người để vác cây cày gỗ ra ruộng, chứ cây cày gỗ thì không thể tự lăn ra ruộng như cái cày máy. Khi ông Hai Hượt cứ đứng trù trừ trước cây cày gỗ, thì cha của ông hét: Chín tuổi đầu vác cày không nổi, lớn lên có nước cạp đất mà ăn. Lại một thứ quyết định luận nữa. Muốn có sự nghiệp cày cuốc là phải bắt đầu từ thuở lên chín lên mười. Và không phải vì sợ phải cạp đất mà ông Hai Hượt vác được cây cày. Mà chính là do đôi vai ông vào năm lên chín đó đã chuyên chở nổi cây cày. Cái vật thể ấy, lúc ấy, vừa dài vừa nặng hơn ông rất nhiều. Nhưng về sau, tính cho đến lúc già, chết, thì ông Hai Hượt không còn coi việc vác cày là việc chuyên chở của đôi vai. Có vác cày hay không vác cày, ông thấy cũng như nhau, làm như lúc sinh ra là đã có cây cày ở trên vai ông. Sự thật, vác cày cũng chỉ là một phần của chức năng vác. Mà vác thì cũng chỉ là một phần chức năng của đôi vai. Vì ngoài vác còn có gánh (ở đây không kể đến chức năng khiêng, vì khiêng thì đôi vai con người không thể tự thực hiện, mà phải có sự hợp tác của đôi vai người khác) Ông Hai Hượt giả từ sự nghiệp cày cuốc vào năm sáu mươi chín. Như thế là đôi vai ông có sáu chục năm để gánh vác nền văn minh cày cuốc của cha ông mình truyền lại. Từ làng Dầu ra đồng Đất Sét hơn vài cây số, có nghĩa không xa lắm. Suốt sáu chục năm, ông Hai Hượt cứ đi đi lại lại trên cái khoảng cách đó, khi thì vừa lừa bò vừa vác cày ra ruộng, khi thì gánh phân hay gánh thóc giống ra ruộng, khi thì gánh thóc gặt về nhà, có khi chỉ vác mỗi cây cuốc gọi là đi thăm đồng. Còn từ làng Dầu vào đến rừng núi Tượng khoảng chín mười cây số, có nghĩa là hơi xa. Ngoài những ngày làm ruộng, và những ngày có mưa gió, ông Hai Hượt lại vào rừng kiếm thêm thứ của rừng để bù vào thứ của ruộng vốn không đủ đắp đổi cuộc sống. Suốt sáu chục năm ông vẫn đi lại trên quảng đường đó, khi thì gánh gánh than củi, khi thì vác khúc gỗ rừng đã được ông đẽo thành một bộ phận nào đó của cây cày gỗ. Nội dung của văn minh nông nghiệp ở miền sông Tượng núi Tượng cũng đơn giản thế thôi. Nhưng thử gộp hết thảy những gì ông Hai Hượt đã gánh vác bằng đôi vai của mình trong sáu chục năm thì không chừng cũng nặng bằng một mảng núi Tượng. Và cái khoảng đường đất ông đã vượt qua trong khi làm công việc gánh vác suốt sáu mươi năm ấy không chừng cũng bằng vòng quanh thế giới. Khi hơ chân tay ông Hai Hượt để mặc quần áo chết cho ông, người ta thấy da đôi bàn tay và da đôi bàn chân ông đã thành chai đá. Nhưng đấy chỉ là phần phụ bên ngoài. Còn phần chính bên trong, phần xương cốt, thì không có đốt xương nào hay khớp xương nào bị hư hao. Không phải chỉ có xương bàn tay với xương bàn chân thôi, mà khi đưa thi thể ông vào quan tài người ta biết một cách chắc chắn rằng toàn bộ xương cốt trong thân thể ông chẳng có chỗ nào bị hư hao sứt mẻ. Ông Ruông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ: Trong cuộc tiến hóa của sinh vật người, đến lúc đó thì mọi thứ đều dừng lại, không thêm nữa, cũng không bớt nữa, chân tay với mắt tai mũi miệng có bao nhiêu cái giữ y bấy nhiêu, xương cốt dài tới chừng ấy là giữ y chừng ấy, ruột gan tim phổi lớn cỡ ấy là giữ y cỡ ấy, có nghĩa đến lúc đó thì không còn có sự biến đổi. Chuyện này khoa học đã nói rồi, chẳng còn phải nghi ngờ gì nữa. Có nghĩa cha ta được sinh ra trong lúc lịch sử tiến hóa của loài người đã hoàn toàn ổn định. Ông cứ việc ung dung mà thừa hưởng di sản của tiền nhân để lại là cái cơ thể người hoàn chỉnh, trong đó có bộ xương và bộ não có một cơ cấu kỳ diệu hết thảy các loài giống khác không có. Có người đến lúc chết thì cái di sản kia không còn nguyên vẹn. Hoặc là bị gãy mất một cánh tay, một cẳng chân, hoặc là bị vẹo mấy cái xương sườn hay xương sống. Cũng có người khi về già thì bộ não lại bị đảo lộn, tức bị lẫn, bị điên. Riêng cha ta, có một lần đương gánh gánh than củi thì bị trượt ngã trong rừng núi Tượng, người ông nằm vắt ngang con dốc đá, còn gánh than thì đè lên người ông. Thường, bị ngã ở giữa dốc núi thế, không chết cũng gãy xương. Nhưng theo lời cha ta kể lại cho mọi người nghe, thì ông có chết thử trong mấy giây đồng hồ cho biết chết là sao, thế thôi. Cả một đời cha ta lam lụ thế, làm lụng cực nhọc thế, có thể nói là cũng dễ tan da nát thịt trong khi lăn xả vào việc kiếm miếng cơm manh áo, vậy mà đến lúc chết xương cốt ông vẫn không sờn mẻ chỗ nào, thì phải nói cái cơ cấu cơ thể tổ tiên loài người truyền lại là vô cùng bền vững. Còn về bộ não của cha ta thì vẫn tàng ẩn thứ tri thức chung của loài giống hình thành từ những năm tháng xa xôi nào đó trong cuộc tiến hóa đầy bất trắc, tri thức về sự bảo tồn loài giống con người. Cho nên mới mười bốn tuổi cha ta đã đòi cưới vợ. Mười bốn tuổi cha ta đã sinh được con đầu lòng là anh Hai Bò của ta đó.