BỐ CỤC TRẦN GIAN

Ông Ruông cho rằng ông Hai Hượt, cha của ông, là người thành đạt cả trong cuộc sống cả trong sự chết. Thành đạt trong cuộc sống như đã mô tả. Còn thành đạt trong sự chết tức là cho đến lúc chết cha của ông vẫn giữ được nguyên vẹn bộ xương người, một trong những thứ quan trọng nhất trong di sản tổ tiên loài người truyền lại.
Nhưng với bà Ruông thì ông nghĩ theo cách khác, tức không theo tiêu chí thành đạt hay không thành đạt.
Lửa nguyên sơ mới là chỗ khởi đầu, còn sau đó là cả một cuộc ngẫu nhiên.
Trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ thỉnh thoảng đọc được câu này. Cũng như thỉnh thoảng đọc được câu: Ta phải có một luận văn về tình yêu.
Có nghĩa là thỉnh thoảng ông lại nghĩ về bà Ruông.
Chẳng có luận văn nào về tình yêu.
Chỉ thấy ông chép tràng giang đại hải về bà Ruông, ở phương diện nào đó cũng có thể nói là luận về tình yêu (dẫu chưa phải là luận văn)
Giả dụ chính phủ đó không đổ, ta vẫn tiếp tục đi dạy học, thì ta với mẹ thằng Rác có thành chồng vợ không? Ta vẫn tiếp tục dạy học có nghĩa ngày ngày vẫn ngang qua làng Gàu, làng của nàng, để đến ngôi trường dành cho đám trẻ ở miền sông Tượng núi Tượng đó. Không phải đợi đến lúc đi dạy học ta mới ngang qua làng Gàu. Bỡi làng Gàu chỉ cách làng Dầu của ta mỗi cánh đồng Đất Sét, người làng này thì thuộc mặt hết người làng kia. Nhưng cho đến lúc đó, lúc ta đi dạy học đó, thì giữa ta với nàng chưa mảy mảy xảy ra điều gì, chẳng hạn như có cử chỉ sao đó hay có lời nói chi đó, để khiến cho người ta có thể nghi ngờ rằng giữa ta với nàng là có gì đó đã vượt quá sự quen thân làng xóm. Bấy giờ giữa ta với nàng, về đường đất, coi như quá gần nhau, nhưng về đường đời thì quả là mạnh ai nấy đi. Lỡ thì là tai ương của đời người con gái. Nàng lúc ấy là gái lỡ thì. Nhưng ta nào để ý đến điều đó. Còn cha ta thì thứ tri thức về bảo tồn loài giống ở trong ông là quá mạnh mẽ, đến mức hễ trông thấy mặt ta là ông lại hối ta phải cưới vợ để sinh con nối dõi.
Nghe cha ta nhắc đi nhắc lại hoài việc này, ta cũng thấy tầm quan trọng của nó. Nhưng quả tình là chưa có người phụ nữ nào làm cho ta thấy bức xúc rằng phải có người ấy ở cùng ta thì ta mới sống được. Cũng có thể là địa vị xã hội của ta lúc bấy giờ phủ lên cuộc đời ta thứ màu sắc tươi sáng, làm cho ta không còn muốn nghĩ ngợi đến chuyện gì khác ngoài công việc ta đang làm. Giữa đám người cày cuốc ở miền sông Tượng núi Tượng thì ta tựa như một người hiền, nếu không muốn nói như một kẻ thức giả đương làm công việc dẫn dắt con người ta thoát khỏi sự u tối. Nên nhớ là ta đã làm thầy dạy học tự buổi đất nước còn trong vòng nô lệ ngoại bang.
Học trò học với ta là gòm cả đám trẻ lên năm lên bảy, lẫn những người vào bậc cha chú của ta, là gòm cả những người chỉ là chòm xóm lân bang, lẫn những người là họ hàng ruột thịt. Học trò của ta người gọi ta bằng anh, người gọi bằng chú, người gọi bằng thằng. Nhưng khi đã vào lớp học rồi, thì hết thảy, không trừ ai, một phải thưa thầy, hai phải thưa thầy. Ta gõ cây thước gỗ lên bàn, chẳng hạn đọc, nước Việt Nam ta hình cong như chữ S, thì tất cả đều phải đọc theo ta, không được sót chữ nào. Một bậc quân vương khi bắt thần dân của mình hô vạn tuế, tất có người hô người không. Nhưng ta thì không phải thế. Khi ta hô một cộng với một là hai, chẳng hạn, thì đám học trò của ta răm rắp hô theo. Như vậy là ta thì chìm ngập trong vinh quang quyền lực. Còn nàng, tức mẹ thằng Rác sau này, thì chìm ngập trong tai ương khổ não.
Giả dụ chính phủ đó đổ rồi, ta vẫn đi dạy học. Nói chính phủ đó đổ không phải tự nhiên đổ, mà do có người lật đổ, nên mới đổ. Tức là có sự thay đổi đột ngột. Những người làm công việc đột ngột đó bảo với mọi người rằng họ đã làm một cuộc cách mạng xóa bỏ một chế độ chính trị hư hỏng. Cho nên, chính phủ tiếp theo sau chính phủ bị đổ là chính phủ cách mạng.
Cho nên về phương diên lịch sử, thì cả làng Dầu, cả cánh đồng Đất Sét, cả sông Tượng núi Tượng, nói chung là từ con người đến súc vật đến trời đất cỏ cây lúc bấy giờ đều được phủ lên một luồng không khí mới, luồng không khí cách mạng. Ở ngôi trường ta đã dạy học trong bao nhiêu năm đó, tuy cũng là đám học trò cũ đó, cũng những người thầy dạy đó, nhưng về mặt lý lẽ thì cả thầy lẫn trò nơi đó là đang được sống trong bầu không khí cách mạng. Phải, đấy là nói theo lý lẽ sách vở. Còn với đám dân cày cuốc miền sông Tượng núi Tượng, nếu không có chuyện các vị đương kiêm trưởng thôn trưởng xã bị ra rìa, thì cũng khó mà nhìn thấy được bầu không khí cách mạng đó. Lên thay các vị trưởng thôn trưởng xã đó cũng là những người quen biết trong thôn trong xã, nhưng do được gọi là những trưởng thôn trưởng xã cách mạng nên mới sinh ra được một bầu không khí mới là bầu không khí cách mạng. Rồi bầu không khí này trở nên quen thuộc với mọi người là do hằng ngày gặp nhau trong xóm làng là lại bàn tán nhau về chuyện lật đổ, chuyện thay chính phủ. Quả tình là mọi người đều lấy làm khoái chí khi nghe nói đến mấy tiếng thối nát. Bỡi vì, chỉ từ mấy tiếng này lại có thể dẫn đến một kết luận gần như thâu tóm hết mọi chuyện thế gian: Như vậy là bất cứ thứ gì trên đời này hễ thối nát là phải bỏ đi, cho dù đó là chính phủ. Các vị chức trách mới của làng xã cũng chỉ cần biết một cách đại khái rằng do thối nát nên mới đổ, hay nói đúng hơn là cũng chỉ biết được tới chừng ấy, để có thể trả lời cách mạng là gì mỗi khi có ai hỏi, thế thôi. Thành thử biến cố lịch sử ấy lại trở nên rất đơn giản đối với mọi người ở làng ta. Lúc xảy biến cố ấy ta cũng thấy hoang mang thật, bỡi việc lớn thế mà lại xảy ra quá nhanh chóng, cùng lúc vừa nghe chính phủ đổ vừa nghe người đứng đầu chính phủ bị giết. Cha ta liền đem kinh nghiệm cuộc đời ông ra để giảng cho ta nghe. Do chẳng có chữ nghĩa, nên cách diễn đạt của cha ta là vô cùng luộm thuộm. Song, cũng có thể tóm lược như sau: Một là, triều đại mà không đổi, vua chúa mà không thay, mới là chuyện lạ, còn thay đổi là chuyện thường. Và hai là, anh dân cầm cày nếu không có chuyện thuế má, nếu không có chuyện đi lính đi phu, nếu không có chuyện ở trên đầu có quá nhiều mệnh lệnh hay sự sai khiến, nếu không có chuyện thiên tai mất mùa xảy ra, nếu không có chuyện nghèo khó đeo đẳng, thì thời nào, vua nào, sống cũng được hết, đã thiệt anh cầm cày rồi, thì một ngày thay một ông vua cũng chẳng sao hết. Bấy giờ ta theo lời khuyên của cha ta, thôi dạy học, ở nhà, đi cày ruộng, và đã gặp mẹ thằng Rác. Nhưng giả dụ ta vẫn tiếp tục dạy học, có nghĩa tiếp tục ăn lương của chính phủ mới đó, thì ta với mẹ thằng Rác có thành vợ chồng hay không chỉ trời mới biết.
Giả dụ chính phủ đó đổ rồi, ta ở nhà đi cày ruộng, nhưng lại không gặp được mẹ thằng Rác. Nếu thế thì phải có những giả dụ về mẹ thằng Rác sao cho ăn khớp với tình hình này. Giả dụ bấy giờ nàng buồn tủi chuyện lỡ thì, quanh năm suốt tháng chỉ lẩn quẩn trong nhà. Nếu là cuộc tình đặt nền tảng trên duyên phận (hay duyên số) chẳng hạn, thì có thể là thần tình ái sẽ đưa lối chỉ đường cho ta đến với cuộc đời nàng, nói cụ thể là sẽ lôi chân ta đến nhà nàng. Nhưng đằng này, việc gặp gỡ giữa ta và nàng là một cuộc nhận ra nhau, có nghĩa đến lúc ấy, đến giây phút ấy thì gặp nhau và nhận ra nhau, chẳng cần có yếu tố tác hợp nào. Cho nên, giả dụ quanh năm nàng chỉ lẩn quẩn trong nhà ở làng Gàu, còn ta hoặc là ở nhà, hoặc đi cày ở ngoài đồng Đất Sét, thì cũng khó mà có được giây phút kỳ diệu kia. Cũng có thể giả dụ rằng nàng đã đi lấy chồng trước khi ta nghỉ dạy học, ở nhà cày ruộng. Tất nhiên, chồng nàng cũng là một người đàn ông như ta. Và nàng sẽ sinh cho người ấy những đứa con trai con gái. Như thế là trong cuộc đời này là không thể có thằng Rác, cũng như không thể có thằng Cỏ anh và thằng Cỏ em. Nhưng từ giả dụ này lại có thể sinh ra một giả dụ khác. Là chồng của nàng, đến một lúc nào đó, giả dụ là người ấy bắt đầu thấy ngán ngẫm chỗ nhan sắc đã về chiều của một cô gái lỡ thì, và cuộc gặp gỡ của hai người đã đi tới chỗ tan vỡ. Như vậy thì cái khái niệm siêu hình quỉ quái kia vẫn còn tiếp tục hành hạ bao nhiêu người con gái. Và sau đó thì nàng và ta có thành chồng vợ hay không thì cũng chỉ trời mới biết. Còn giả dụ rằng nàng đã chết trước khi ta thôi dạy học, ở nhà cày ruộng, lại là một thứ giả dụ dễ dẫn dắt con người ta bước vào trường định mệnh, hoặc cũng có thể khiến cho con người ta thấy ngán ngẫm cuộc nhân sinh, mà rơi vào thứ tư tưởng hư vô. Phải, ta cũng có nghĩ thử đến trường hợp nàng đã chết trước khi ta thôi dạy học, ở nhà cày ruộng, thì lập tức cảm thấy như có cái gì đó tựa cõi trống rổng tràn vào xâm chiếm trí não mình, và ta đã không dám nghĩ tiếp. Vì như thế là vĩnh viễn ta không được nhìn thấy lửa nguyên sơ phụt cháy trong ta, là vĩnh viễn không có giây phút chỉ xảy mỗi một lần trong đời ta, như đã từng xảy ra. Tất nhiên cha ta sẽ bắt ta lấy vợ để sinh con nối dõi. Tất nhiên ta sẽ gặp một người phụ nữ nào đó. Nhưng đó chỉ là cuộc gặp bình thường như bao cuộc gặp khác. Lạnh lẽo u buồn sẽ phủ lên cuộc đời ta. Bỡi lửa nguyên sơ nàng đã mang đi khỏi trần gian.
Ta có giả dụ lung tung thế cũng chỉ để thấy rằng những gì đã xảy ra giữa ta và mẹ thằng Rác đều là ngẫu nhiên. Chuyện giữa ta và mẹ thằng Rác có thể là thế này, mà cũng có thể là thế kia. Cho tới tận cái buổi sáng trọng đại đó, buổi sáng xảy ra cuộc nhận ra nhau đó, thì trong lòng ta chưa hề có chút mảy may nào gọi là có nghĩ đến nàng. Đến lúc ấy, lúc có chim sơn ca hót vang, thì tự dưng ta và nàng lại cùng chòm qua bờ ruộng, và lửa nguyên sơ cùng phụt cháy lên cả trong ta và nàng, thế thôi. Có nghĩa, trước lúc ấy là ta và nàng hoàn toàn chẳng hay biết gì về chuyện ấy. Cũng như cả ta lẫn nàng chẳng hay biết gì về chuyện thằng Rác xuất hiện trên đời. Tới lúc đó thì mới biết là nàng đã mang thai thằng Rác. Nhưng cũng chưa hề biết đó là thằng Rác. Có nghĩa, mãi đến khi ta làm được cuộc cách mạng trong thi ca, thì thằng Rác mới có tên là Rác. Nhà ta có huôn khó nuôi con, nên anh giáo hãy để em đẻ nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Nàng nói với ta ngay khi mới về sống cùng ta. Khi mang thai thằng Rác nàng rất vui. Nhưng nỗi lo sợ nuôi con không được nhiều khi lại lấn áp mất niềm vui của nàng. Con của mình được chín mười tháng tuổi thì em chửa tiếp đứa nữa là vừa. Nàng nói với ta lúc cúng đầy tháng cho thằng Rác (ngay khi cúng đầy tháng thì thằng Rác vẫn chưa có tên) Việc mang nặng đẻ đau, chắc chắn là nàng thấu hiểu khi sinh thằng Rác, là chẳng có trở lực nào đối với dự định lớn lao của nàng. Là phải có một đàn con, đông chừng nào hay chừng nấy. Vì có thế nàng mới yên lòng sống trong ngôi nhà mà người phụ nữ tiền nhiệm của nàng, tức mẹ của ta, đã nuôi con không được. Nhưng chương trình sinh đẻ ấy đã bị phá sản ngay sau khi sinh được đứa con đầu lòng là thằng Rác. Lúc đầu ta cứ ngỡ nàng không đẻ nữa là tại ta. Để có dư dả thời giờ cho việc đọc sách, quả tình ta có thề trong lòng là chỉ sinh một đứa con mà thôi. Nhưng khi thấy nàng buồn bã, ta có phá bỏ lời thề, không còn hạn chế việc ăn nằm với vợ. Mãi đến khi thằng Rác đã lớn mà chẳng thấy nàng chửa đẻ gì nữa, ta mới biết không phải là hoàn toàn tại ta. Có thể là do bộ máy sinh đẻ của nàng bị trục trặc chỗ nào đó. Mà cũng có thể đến lúc đó thì bộ máy sinh đẻ của ta không còn tốt như trước. Chớ nghĩ chuyện chửa đẻ mà sinh mệt trí, em Hai à. Ta an ủi nàng vậy là còn có niềm hy vọng nàng còn đẻ nữa. Nhưng mọi tia hy vọng đều đã lịm tắt khi nàng đang đi đứng ăn ngủ có vẻ bình thường và đang có cao vọng trong chuyện sinh con như vậy thì bỗng dưng lìa khỏi trần gian. Điều này có nghĩa là cả ta lẫn nàng chẳng hề hay biết gì về cái chết của nàng. Đến lúc ấy thì nàng chết, vậy thôi. Có, trước đấy ta cũng có nghĩ đến cái chết, nhưng là cái chết nói chung của loài người. Đêm, lúc nàng đã ngủ ngon, ta cứ sờ lên da thịt nàng để coi thử có quả là do cát bụi mà ra hay không. Ta cứ ôm mớ cát bụi ấy vào lòng ta, và nghĩ đến ngày ta không còn ôm được nữa, tức nghĩ đến ngày nàng trở về với cát bụi, nhưng thứ cát bụi ta nghĩ là theo nghĩa mới nhất, tức phần nhỏ nhất của thế giới vật chất. Ta có nghĩ đến cuộc chuyển hóa từ cát bụi thành con người, rồi từ con người thành cát bụi, rồi từ cát bụi lại thành con người, và thấy rất vui. Vì nếu quả như đã xảy ra như thế, thì không phải chỉ có con người, không phải chỉ có nàng, mà từ rong rêu cóc ếch nhái cho đến con voi con cọp, nói chung là mọi sinh vật trên mặt đất này, đều phải ở trong cuộc chuyển hóa bất tận ấy. Khi nghĩ đến cuộc toàn cầu hóa ấy, ta chẳng còn thấy lo sợ về cái chết của nàng. Vì chết hóa ra chỉ là một cách khác của tồn tại. Chết với sống là một. Ta với nàng là một. Khi ta nghĩ đến chỗ này thì nàng thức giấc. Và lập tức nàng đã nhắc nhở ta về chương trình sinh đẻ của nàng. Cái huôn khó nuôi con, tức cái huôn con chết nhỏ, đã thành thứ tất định luận đen tối luôn đe dọa nàng. Nhưng với ta thì đấy chỉ là sự đùa cợt của tự nhiên: Cát bụi vừa chuyển thành con người, thì đã liền trở lại cát bụi. Về chỗ nhìn này thì nàng đứng ở một thế giới khác biệt với thế giới của ta, cũng sâu xa và gay gắt không kém những khác biệt đã xảy ra trong lịch sử nhân lọai, những khác biệt đã dẫn dắt con người đến chỗ thù hận, giết chóc nhau.
Nhưng nếu như mọi thứ đều giống nhau, nếu mọi thứ đều toàn cầu hóa như cuộc chuyển hóa vật chất kia, thì mặt đất này sẽ buồn tẻ như lúc chưa có loài người.