Đối với đại đa số người Việt, thời đại Lý Trần là thời đại vinh quang nhất của nước ta. Tôi đã được nghe nhiều người nói và đọc nhiều bài viết bày tỏ mong ước đưa đất nước trở lại thời đại thịnh trị đó. Nguyễn Hữu Thanh, người sáng lập ra Đảng Duy Dân và tư tưởng Duy Dân, lấy tên là Lý Đông A. Đông A có nghĩa là Trần, Lý Đông A có nghĩa là Lý Trần. Sự tôn kính thời đại Lý Trần có lý do của nó. Nhà Lý có công biến nước ta thành một quốc gia thực sự có kỷ cương, có tổ chức, có văn hóa. Nhà Trần có công đánh bại quân Nguyên - một đạo quân bách chiến bách thắng đã từng đánh bại cả thế giới, trừ nhật bản. Chiến thắng quân nguyên là một trang sử oai hùng mà người Việt nam có quyền hãnh diện. Tuy nhiên sự tôn thờ thời đại Lý Trần mang ba ngộ nhận lớn.Thứ nhất là coi thời đại Lý Trần là một thời an bình. Điều này chỉ đúng một phần. Nhà Lý trị vì nước ta được hai trăm mười sáu năm, nhưng nếu cộng tất cả các năm mà lịch sử không chép có giặc giã, chiến tranh thì chỉ được khoảng một năm năm mươi năm mà thôi. Còn lại là gần bảy mươi năm chinh chiến. Trong lịch sử nước ta, tỷ lệ những năm hòa bình như vậy là rất cao, tuy nhiên so với tiêu chuẩn của các nước khác, tỷ lệ đó phải được coi là rất khiêm nhường. Nhà Trần làm vua được một trăm bảy mươi lăm năm thì chỉ có được khoảng chín mươi năm hòa bình mà thôi. Gần như một nửa thời gian là chiến tranh, loạn lạc. Và chiến tranh rất khốc liệt. Trãi với một nhận định phổ thông, cuộc chiến tranh chống quân Nguyên không phải thảm khốc nhất. Ba cuộc chiến tranh với quân Nguyên chỉ kéo dài tổng cộng năm năm. Phần còn lại là nội chiến hoặc chiến tranh với Chiêm Thành. Những cuộc chiến tranh này thảm khốc không kém cuộc chiến tranh kháng Nguyên và kéo dài hơn. Kinh đô không biết bao nhiêu lần bị tàn phá. Dân chứng có lẽ còn cơ cực hơn cả trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên vì quân Chiêm Thành, khác với quân Nguyên, không chủ trương tiêu diệt quân nhà Trần mà chỉ sang cướp bóc và đốt phá.Ngộ nhận thứ hai là dưới thời Lý Trần nước ta đã lớn mạnh và văn minh lên. Điều này không đúng. Nhìn kỹ thì nước ta không tiến bộ nhanh hơn so với thời Bắc thuộc. Trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba (604-909), nước ta đã tiến bộ rất nhiều. Từ một xã hội bán khai, Việt nam đã trở thành một xã hội có văn hóa. Nhiều người Việt đã đậu những khoa thi lớn của Trung Quốc. Xã hội Việt nam đã trưởng thành, ý chí độc lập đã mạnh tới độ hệ thống cai trị của Trung Hoa tự nó tan rã. Trong khoảng thời gian năm trăm năm độc lập, trong đó bốn trăm năm là thời đại Lý Trần, nước ta đã tụt hậu rất nhiều, rồi mất độc lập. Sau khi Lê Lợi đuổi được quân Minh và tái lập được chủ quyền, Nguyễn Trãi đã kể tội quân Minh trong bài Bình Ngô Đại Cáo như sau: Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biền mò châu [...]. Nay xây nhà mai đắp đập, chân tay nào phục dịch cho vừa... Lời kể tội này cho thấy trong khoảng thời gian đó Trung Hoa đã vượt xa Việt nam rất nhiều. Họ đã biết khai thác mỏ và luyện kim, đã biết đặt vấn đề xây dựng công cộng.Ngộ nhận thứ ba, cũng là ngộ nhận lớn nhất và vẫn còn được nhắc đi nhắc lại cho tới ngày nay, là thời Lý Trần đã lấy Phật Giáo làm quốc giáo. Sự thực thì chỉ có các vua đầu của nhà Lý là đã tôn thờ đạo Phật mà thôi, nhưng dù có tôn thờ Phật Giáo đi nữa, Phật Giáo cũng không được lấy làm căn bản cho chính trị. Khổng Giáo mới là căn bản. Có thể nói chính nhà Lý đã biến Khổng Giáo thành quốc giáo và mở đầu sự suy thoái của Phật Giáo. Dưới thời Bắc thuộc, Khổng Giáo là đạo lý của kẻ thống trị phương Bắc, Phật Giáo là tôn giáo của quần chúng Việt nam. Từ nhà Lý trở đi, Khổng Giáo trở thành đạo lý dân tộc và dần dần đẩy lui ảnh hưởng của Phật Giáo. Ngay cả các vị vua đầu nhà Lý, dù có tôn kính Phật Giáo, vẫn ra sức xây dựng Nho Giáo trước hết. Họ lập đền thờ Khổng Tử và Chu Công, xây dựng nền học vấn Nho Giáo, xây dựng xã hội và đất nước theo khuôn mẫu Nho Giáo. Các kỳ thi tuyển chọn nhân tài trị nước chỉ đòi hỏi những kiến thức của Nho Giáo mà thôi chứ hoàn toàn không đòi hoi một kiến thức Phật Giáo nào. Phật Giáo chỉ được coi như một tín ngưỡng cá nhân. Các nhà vua trị nước theo khuôn mẫu Khổng Giáo, vị nào sùng đạo Phật lắm thì cũng chỉ giữ cho mình. Một số cao tăng Phật Giáo được dùng làm quốc sư, nhưng chính họ cũng chi khuyên vua nên làm thế nào để trị nước cho hay trong khuôn mẫu Khổng Giáo mà thôi. Chính dưới thời Lý nước ta đã xác nhận khuôn mẫu xã hội Khổng Giáo cho suốt dòng lịch sử sau này.Đến đời nhà Trần thì phật Giáo không những bị loại hẳn khỏi chính trị mà còn bị chèn ép. Cuối đời nhà Trần có việc ép buộc một số lớn tăng sĩ Phật Giáo bỏ tu hành. Khinh bỉ Phật Giáo dưới thời Trần lớn đến độ các danh sĩ lớn được mọi người kính trọng mạt sát Phật Giáo một cách công khai. Trương Hán Siêu, một đại thần được coi là tài giỏi, thanh liêm, đức độ, còn cho dựng bia khích bác Phật Giáo ngay tại cửa chùa, một điều mà ngày nay ngay cả chế độ cộng sản dù coi tôn giáo là thù địch cung không làm. Vậy mà vào thời Trần, việc làm của Trương Hán Siêu được coi là chính đáng, hay ít ra bình thường.Nhà Trần lại nổi bật ở đặc điểm loạn luân và tàn ác. Anh em, cô cháu cứ lấy nhau một cách bừa bãi. Không những thế, nhà Trần còn ép buộc dân chúng phải lấy nhau trong cùng một họ. Phong hóa nước ta chưa bao giờ đồi trụy đến thế.Nhận định như vậy không phải là để phủ nhận thời đại Lý Trần. Thời đại này đã đem lại cho chúng ta nhiều tiến bộ. Hội nghị Diên Hồng đã là bước tiến đáng kể theo hướng dân chủ, tiếc thay không được nối tiếp. Thời đại Lý Trần cũng đem lại cho chúng ta một thời gian hòa bình khá lâu, và biến nước ta thành một quốc gia chính thức theo nghĩa đúng của nó. Thời đại Lý Trần có nhiều điểm khả quan nhưng chỉ là khả quan tương đối so với lịch sử đau khổ của chúng ta mà thôi. Không có lý do gì để nói rằng đố là một thời đại hoàng kim của nước ta.Càng không có lý do để muốn đem đất nước trở về thời đại Lý Trần. Sự kiện lập trường này thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện từ cửa miệng và ngòi bút của một số trí thức mà không gặp sự bác bỏ gay gắt đáng lẽ phải có đủ tố cáo sự non nớt về trí tuệ của chúng ta. Trong thời đại chuyển biến dồn dập ngày nay, nhất là khi thế giới đã bắt đầu rời kỷ nguyên kỹ nghệ để tiến vào kỷ nguyên trí tuệ, ngay cả những khuôn mẫu tuyệt hảo cách đây vài chục năm cũng phải bỏ đi để tìm đường lối mới, huống chi một khuôn mẫu, tự nó chẳng có gì sáng tạo và cũng chỉ thành công một cách vừa phải cách đây tám thể kỷ. ảo ảnh Lý Trần chứng tỏ chúng ta hủ lậu, bảo thủ và mê muội một cách thực đau lòng.