I. CÓ HỎA NGỤC LÀ MỘT ĐIỀU CHẮC CHẮN Giáo hội không bày ra hỏa ngục để đe dọa những tâm hồn ngây thơ làm cho họ sợ mà ăn ở tử tế. Hỏa ngục là một thực tại mà Chúa Kitô và các tông đồ nhiều lần nhắc nhở đến để chứng tỏ rằng sau khi chết người lành sẽ được thưởng và kẻ dữ sẽ bị phạt. a. Chúa Kitô thường quả quyết rằng những kẻ cố tình xa Chúa sẽ chịu một hình phạt vĩnh viễn. Ngài tuyên bố: “Nếu tay ngươi nên dịp tội, hãy chặt nó đi, thà rằng cụt tay mà vào chốn trường sinh, còn hơn có hai tay mà sa hỏa ngục chịu lửa chẳng hề tắt”. (Mc 9, 43-49). “Hãy đi cho khỏi mặt Ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa, và xuống chịu lửa đời đời đã dọn sẵn cho ma quỉ” (Mt 25, 41). b. Thánh Phaolô cũng nói về hỏa ngục: “Chúa Kitô sẽ từ trời đến để xử những kẻ không biết Chúa và không vâng phục Phúc Âm, những kẻ ấy sẽ chịu hình phạt đời đời xa Chúa” (II Thesse 1, 1-9). II. NHỮNG KẺ BỊ ĐÀY HỎA NGỤC, ĐỜI ĐỜI SẼ PHẢI CHỊU HAI HÌNH PHẠT Hình phạt những kẻ bị đày hỏa ngục thì đời đời. Các văn bản trích trên đây nói rõ, Chúa Kitô nói đến “lửa đời đời”, “lửa không tắt”. Những người bị đày hỏa ngục đau khổ thế nào? Theo các văn bản trên, những người bị đày hỏa ngục phải chịu hai thứ thống khổ: a. Xa Thiên Chúa: Thật là một sự đau khổ kinh khủng đối với những kẻ bị lưu đày hỏa ngục khi họ biết đời đời xa Chúa, (trên trần gian chúng ta không thể hiểu được) và lương tâm họ bị tội lỗi cắt rứt. b. Chịu hình phạt lửa: Chúng ta hiện giờ không thể nói rõ bản chất của lửa như thế nào. Chúng ta chỉ dựa vào bằng chứng nêu trên đây mà quả quyết rằng: Linh hồn và xác, trong hỏa ngục, chịu một sự đau khổ khác sự đau khổ vì xa Chúa mà hiệu quả giống như lửa. III. HỎA NGỤC KHÔNG TRÁI NGHỊCH VỚI SỰ CÔNG BẰNG VÀ SỰ NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA Hình phạt hỏa ngục có tính cách vĩnh viễn, sự đó làm nhiều người vấp phạm vì cho là trái sự công bằng và lòng nhân từ của Chúa. Chúa ra hình phạt đời đời cho những tội ngắn ngủi. Chúng ta xin trả lời: 1) Điều đó sẽ là bất công nếu người ta bị đầy hỏa ngục vì những tội không quan trọng, phạm vì nhẹ dạ và không biết. Nhưng không phải vậy, chỉ những kẻ phạm tội trọng, nghĩa là họ biết rõ ràng, và họ tự do lỗi luật Chúa trong điều nặng, họ cố tình từ chối Chúa cho đến cùng, mới bị đày hỏa ngục. 2) Điều đó sẽ bất công nếu người bị đày hỏa ngục không được cảnh cáo trước. Nhưng không phải vậy, Thiên Chúa đã phái Con Một Người, là Chúa Kitô để chỉ cho con người biết đường sự sống. Chúa Kitô đã lập Giáo hội để phổ biến lời Ngài kêu gọi khắp nơi và ban cho những phương tiện để đạt tới (Lc 16, 27). Còn những kẻ lúc sống trên trần gian không biết đến Chúa, cũng không biết đến Giáo hội, họ sẽ được phán xét theo lòng ngay của họ… 3) Điều đó sẽ bất công, nếu Thiên Chúa không ban cho như mọi người những phương tiện đủ để được rỗi linh hồn. Nhưng không phải vậy, “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi” (1 Tim 2, 4). Người ban cho mọi người những ơn cần thiết cho họ được cứu rỗi. Nhất là chúng ta phải hiểu rằng sự chết đem chúng ta vào sự sống đời đời, đặt chúng ta đời đời vào tình trạng lúc chúng ta chết. Ngay sau khi chúng ta chết, chúng ta được đặt vào một hiện tại vĩnh viễn: Chúng ta đời đời hạnh phúc, nếu khi chết chúng ta còn ở trong ơn nghĩa Chúa; đời đời khốn nạn, nếu chúng ta chết lúc mắc tội trọng. Thực ra, không phải chính Thiên Chúa đày xuống hỏa ngục: chính tội nhân cứng lòng, tự đày mình, chúng ta thật là chủ định mệnh chúng ta; chúng ta tự do. “Ta vui thích trông thấy kẻ dữ chết sao? Chúa phán: Chẳng phải là Ta muốn nó bỏ đường tội lỗi và nó được sống sao?” (23. 18, 23). “Chúa nhẫn nại chờ đợi, Người không muốn một ai chết nhưng Người muốn mọi người ăn năn trở lại” (2 Pet 3, 9).