Hồi xưa cùng Trác Sơn, cùng ở trọ đất khách, mưa dầm mười ngày, nằm nhìn nhau buồn rứt! Nhân thi nhau nói những chuyện sướng để cho lòng đỡ bạo bực … Đến nay đã cách hai mươi năm cũng không còn nhớ nữa … Nhân đọc chương 'Khảo hoa" ở Mái Tây thấy miệng con Hồng nói ra bao nhiêu câu sướng miệng, nghĩ lại tiếc bấy giờ sao không lục ra cùng đọc thì buồn đến đâu mà chả phải tan. Vì thế bèn cố nhớ lại, còn ghi được mấy điều phụ chép dưới đây … cũng không còn phân biệt được câu nào là của Trác Sơn, câu nào là của Thánh Thán nữa. 1. Mùa hè qua tháng bảy, mặt trời đỏ ngang trời … Gió cũng không. Mây cũng không. Sân trước, sân sau, nắng chói như lò lửa. Không một con chim nào dám bay. Bồ hôi ra khắp mình, ngang dọc thành rãnh nước. Cơm để trước mặt không sao nuốt được. Gọi chiếu muốn nằm xuống nước thì đất ướt như mỡ. Ruồi xanh lại xúm đến, leo lên cổ, đậu lên mũi, đuổi chẳng buồn đi. Đương lúc không biết làm thế nào được, bỗng mây đen kéo kín, tiếng rầm rầm rộ rộ nghe như có trăm vạn chiêng trống … Mái tranh chảy như thác. Bồ hôi trên mình biến mất! Đất ráo như lau … Ruồi bay hết. Cơm ăn thấy ngon miệng, chẳng cũng sướng sao. 2. Người bạn xa mười năm, thình lình đến vào chiều hôm. Mở cửa chào nhau xong, chẳng kịp hỏi đi thuyền hay đi bộ, cũng chẳng kịp mời ngồi ghế hay ngồi giường … Hàn huyên qua loa, liền chạy mau vào nhà trong, sẽ hỏi mẹ đĩ: Mình có được như là Đông Pha, sẵn có rượu để dành không? Mẹ đĩ tươi cười, rút cành trâm vàng đưa cho. Tính ra có thể thết khách được ba ngày … Chẳng cũng sướng sao? 3. Phòng không ngồi một mình, đương đêm nghe qua tiếng chuột bực quá. Không biết nó sồn sột gặm nát cái gì của mình? Soàn soạt xé rách sách nào của mình? Trong lòng bồi hồi, chưa nghĩ ra sao … Bỗng thấy con mãn đẹp, chú mắt, vẫy đuôi, như đã trông thấy vật gì. Nín tiếng nín hơi, đợi chờ chốc lát, thì thấy nó chồm nhanh như gió, "chí" một tiếng! Con vật đó đã chết rồi! Chẳng cũng sướng sao? 4. Trước phòng sách, nhổ những cây tử kinh, cây thuỳ ty hải đường đi, trồng thêm vài chục gốc chuối … Chẳng cũng sướng sao! 5. Đêm xuân cùng các tay hoà uống đã nửa say, thôi đã khó thôi, thêm cũng khó thêm … Bên cạnh bỗng có đứa trẻ hiểu ý, đưa vào hơn chục pháo chuột. Liền đứng dậy ra ngoài tiệc, lấy lửa đốt chơi! Mùi lưu hoàng xông từ mũi vào tận óc, khắp người khoan khoái, chẳng cũng sướng sao! 6. Qua phố thấy hai bác đồ gàn, cãi nhau về một chuyện … Cả hai đều đỏ mặt tía tai, tưởng chừng không đội trời chung. Vậy mà còn chắp tay lên, khom lưng xuống, đầy mồm "chi, hồ, dã, giả" … Câu chuyện kéo dài, có thể mấy năm không xong. Bỗng có tay tráng sỹ vung tay đi lại, ra oai quát một tiếng, thế là nín thít. Chẳng cũng sướng sao? 7. Nghe học trò đọc bài, thuộc trơn như dốc nước ở bình ra, chẳng cũng sướng sao! 8. Cơm xong vô sự, đi rong vào chợ. Thấy có món đồ vặt, nghịc lại mua chơi. Mua xong rồi, tiền đưa chẳng thiếu là bao, mà chú lái kỳ kèo, nhất định không chịu. Nhân móc trong túi, lấy một cục bạc cũng suýt soát bằng cục đưa trả trước, ném đưa cho cả … Chú lái bỗng đổi ra vẻ tươi cười, chắp tay "không dám" luôn mãi. Chẳng cũng sướng sao! 9. Cơm xong vô sự, lục lọi hòm bát, thấy các văn tự nợ mới cũ, có đến mấy trăn bức. Những người thiếu nợ đó, hoặc chết rồi, hoặc còn sống, tóm lại đều không sao trả nổi. Vắng người liền lấy lửa, trộn lộn đốt sạch. Ngẩng nhìn trời cao, vắng ngắt không mây … Chẳng cũng sướng sao! 10. Ngày hè đầu trần, tràn chân, tự cầm chiếc ô che nắng, xem bọn lực điền vừa hát ngao, vừa đạp guồng nước. Nước nhất thời cuồn cuộn tuôn lên như tuyết tan, bạc lộn … Chẳng cũng sướng sao! 11. Ngủ sớm vừa dậy, hình như nghe tiếng người nhà than thở, nói chàng nọ chết đêm qua. Vội gọi hỏi xem, thì là một tay khôn vặt nhất trong cả một thành. Chẳng cũng sướng sao! 12. Tháng hè dậy sớm, xem người ta ở dưới gốc thông, cưa ống bương để làm tùng chứa nước, chẳng cũng sướng sao! 13. Trời râm suốt tháng, thấy mình như người say, người ốm! Bỗng nghe các giống chim đua hót ra vẻ mừng nắng … Vội đưa tay vén màn, dun cửa sổ trông ra thì thấy ánh mặt trời sáng quắc, cây rừng sạch như rửa, chẳng cũng sướng sao! 14. Đêm nghe nói người nọ là người khá, sáng ngày thử sang chơi … Bước qua cổng, nhìn vào nhà, thì thấy người ấy đương tựa bàn quy tựa về phía Nam, xem một cuốn văn. Thấy khách vào, lẳng lặng chào xong, liền kéo áo mời ngồi mà rằng: Bác đã đến đây, cũng nên coi thử cuốn sách này. Cùng nhau vui cười, đến mãi khi ánh nắng hết. Chủ nhà đói bụng liền thong thả hỏi khách: Bác cũng đói rồi chứ! Chẳng cũng sướng sao! 15. Vốn không muốn làm nhà, chợt có món tiền để rồi, liền làm thử mấy gian. Bắt đầu từhôm ấy, cần gỗ, cần đá, cần ngói, cần gạch, cần vôi, cần đanh, không kể sớm chiều, những chuyện ấy lúc nào cũng nhang nhác ở bên tai. Rồi đến bắt sẻ, hun chuột, cái gì cũng tính toán vì nhà, mà nào đã được nhà ở. Đành yên chịu như là số mệnh vậy. Bỗng dưng một ngày kia, nhà đã lạc thành… Nạo tường, quét đất, dán song, treo tranh, nhất thiết thợ thuyền, ra cửa về hết. Bạn hữu đã tới, chia ghế ngồi xuống. Chẳng cũng sướng sao! 16. Đêm đông uống rượu, lại thấy lạnh thêm … Mở song thử nhìn, tuyết lớn bằng bàn tay, đã xuống dày đến ba, bốn tấc. Chẳng cũng sướng sao! 17. Ngày hè trong mâm sơn son, rút dao sắc bổ quả dưa hấu xanh vỏ, chẳng cũng sướng sao! 18. Lâu vẫn muốn đi tu, khốn nỗi không được công khai ăn thịt. Ví cho được làm sư, lại được công khai ăn thịt, thì ngày hè lấy nước nóng, dao sắc, gọt sạch tóc đầu … Chẳng cũng sướng sao! 19. Còn ba bốn mụn lở ở chỗ hiểm, thời thường gọi nước nóng, đóng cửa mà rửa, chẳng cũng sướng sao! 20. Trong tráp bất ngờ soạn được bức thư của người cũ, chẳng cũng sướng sao! 21. Học trò nghèo đi vay tiền, không dám rỉ răng, lại lần chần nói ra việc khác. Mình xét biết nỗi khổ tâm, kéo ra chỗ vắng người, hỏi cần dùng nhiều, ít? Vội vào trong nhà, như số đưa cho. Rồi đó mới hỏi: Cần về ngay để thu xếp việc ấy? Hay có thể ở lại đánh chén đã? Chẳng cũng sướng sao! 22. Ngồi thuyền nhỏ, gặp gió thuận, khổ nỗi không căng được buồm. Bỗng gặp chiếc thuyền đinh, đi nhanh như gió. Thử đưa câu liên ra quặc chơi. Không ngờ quặc liền mắc ngay, liền lấy sợi dây, ràng thuyền mình vào đuôi thuyền họ. Miệng ngâm to câu thơ của cụ Đỗ: "Non xang sườn vàng biết quýt chín"! Rồi khúc khích cười vang, chẳng cũng sướng sao! 23. Lâu vẫn muốn tìm ở chỗ khác, để cùng ở với người bạn, nhưng khổ không được đất lành. Bỗng csó người đồn rằng: Có cái nhà chỉ độ hơn mười gian, nhưng cửa quay ra sông cái, chung quanh cây tốt xanh om! Liền cùng người ấy cùng ăn cơm xong, thử chạy thăm xem sao, chưa biết nhà như thế nào, nhưng vào cửa đã thấy một khoảng đất không, rộng đến sáu, bảy mẫu. Mai ngày rau, dưa, không cần phải lo nữa … Chẳng cũng sướng sao! 24. Đi vắng lâu mới về, xa trông thấy cửa thành, đàn bà, trẻ con hai bên đường, đều nói tiếng quê nhà, chẳng cũng sướng sao! 25. Món đồ sứ đẹp đã sứt mẻ, chả còn cách gì hàn gắn, xem đi ngắm lại chỉ thêm rối ruột. Nhân giao cho nhà bếp dùng làm đồ đựng vặt không bao giờ lại qua mắt nữa, chẳng cũng sướng sao! 26. Mình không phải là thánh sao cho khỏi có lỗi. Đêm qua lén làm một việc, sớm dậy áy náy trong lòng không yên. Chợt nhớ nhà Phật có phép Bá tát: không hề giấu diếm, tức là sám hối. Nhân tự đem lỗi mình, nói phăng cho tất cả khách quen, khách lạ đều biết, chẳng cũng sướng sao. 27. Xem người viết đại tự, chẳng cũng sướng sao. 28. Mở cánh song giấy, thả cho con ong ra, chẳng cũng sướng sao. 29. Làm quan huyện hàng ngày vào lúc đánh trống tan hầu, chẳng cũng sướng sao! 30. Xem người ta thả diều đứt dây, chẳng cũng sướng sao. 31. Xem ma trơi, chẳng cũng sướng sao. 32. Trả nợ xong, chẳng cũng sướng sao. 33. Đọc truyện "Khách râu quăn", chẳng cũng sướng sao. Nhưng thực không ngờ chương "Khảo hoa" của Mái Tây, trong miệng con Hồng, lại có những câu văn sướng đến thế vậy, ta thực không ngờ lại có câu "Sẽ đem kể hết gót đầu bà nghe". Ta thực không ngờ lại dám thú chuyện "nằm chung hơn tháng …" Ta thực không ngờ lại dám giảng nghĩa "gái to đừng để trong nhà …" Ta thực không ngờ lại có đoạn tha thướt kể ơn huệ của cậu Trương … Ta thực không ngờ lại có đoạn chua xót tiếc gia thanh nhà quan tướng … "Thất" của Mai Thặng chữa được sốt rét. Hịch của Trần Lâm khỏi được nhức đầu. Văn chương thực có sức thay đổi được tính tình. Tôi rất tiếc trước đây hai mươi năm thi nhau nói những chuyện sướng như các cô con gái bày trò "chọi cỏ", lại quên không đem chương này ra mà trưng với Trác Sơn …