Một thảm kịch vẫn còn chia rẽ trầm trọng trong người Việt nam với nhau là việc cấm đạo. Con số nạn nhân thực sự là bao nhiêu không ai biết. Một số nhà nghiên cứu đưa ra ước lượng trên một trăm ngàn.Họ đã bị giết không phải vì đã phạm vào một tội ác nào mà chỉ vì đã theo một tín ngưỡng không được triều đình chấp nhận, dù tín ngưỡng ấy không xúi giục họ làm điều gì bạo ngược mà chỉ dạy họ công bình, bác ái. Có khi sự sống và sự chết được quyết định một cách giản dị: ai chịu bước qua thánh giá để chứng tỏ mình đã phủ nhận tín ngưỡng Công Giáo thì được sống, ai không chịu thì bị dẫn thẳng ra pháp trường. Và khoảng một trăm ngàn người Công Giáo đã chịu chết để giữ tín ngưỡng của mình. Họ đã chết một cách hiền lành không chống trả, chết trong lời cầu nguyện. Việc bách hại người Công Giáo đã là một vết nhơ khó tẩy xóa trong lịch sử Việt nam. Đó là sự kiện chính nhà nước Việt nam, chứ không phải một đoàn quân xâm lược nào, đã tàn sát một số lớn những người Việt nam hoàn toàn vô tội. Thảm kịch còn lớn hơn nữa vì nhà nước đó biết họ vô tội nhưng vẫn giết họ. Điều đáng ngạc nhiên là cho tới nay chưa có một chính quyền Việt nam nào, nhân danh sự liên tục của quốc gia, tổ chức một ngày để xin lỗi những người Công Giáo về sự sai lầm kinh khủng đó. Phải chăng là vì các chính quyền không ý thức được cuộc sống liên tục của một quốc gia và do đó không cảm thấy có trách nhiệm về những gì những người cầm quyền trước mình đã làm? Hay vì một hành động long trọng như vậy sẽ không khỏi đặt ra những vấn đề lớn cho một chính quyền tự mình cũng cảm thấy tay có nhúng chàm? Chính quyền cộng sản hiện nay cũng đưa ra vô số biện pháp chèn ép các tôn giáo. Tài liệu Quan điểm và cuộc sống của Nguyễn Hộ, được phổ biến năm 1994, còn tố giác chính đảng cộng sản Việt nam đã tập trung những người theo đạo Cao Đài tại Củ Chi, tàn sát họ và chôn tập thể. Ông Nguyễn Hộ là tư lệnh phó quân đội cộng sản khu vực Sài Gòn bao gồm Củ Chi hồi năm 1946 lúc xảy ra vụ tàn sát này nên những điều ông nói ra chỉ có thể đúng sự thực. Một điều cũng rất đáng ngạc nhiên là cho tới nay tập thể người Công Giáo chưa bao giờ chính thức đòi các chính quyền Việt nam phải giải oan, phục hồi danh dự và nhận lỗi với những nạn nhân. Họ tự thấy quá cô đơn, hay họ thấy không còn ràng buộc lắm với đất nước này nên không thấy cần phải đòi hỏi như vậy? Nhưng đó là một việc phải làm và sẽ phải làm một cách rất long trọng. Mọi người đều hiểu như vậy, và vì không muốn làm hay không thể làm, nhiều người đã thoái thác bằng một thái độ cực kỳ tệ hại là tiếp tục bào chữa cho việc cấm đạo, tiếp tục bào chữa cho việc tàn sát người Công Giáo, tiếp tục bôi nhọ ký ức của những người đã chết oan và tiếp tục gây chia rẽ trầm trọng trong dân tộc. Thái độ thiếu lương thiện này lại gây ra một số nạn nhân khác: có những người nhẹ dạ đã thực sự bị lường gạt vì những luận diệu dối trá ấy và thực sự ghét người Công Giáo. Tôi đã từng được nghe nhắc lại không biết bao nhiêu lần là đạo Công Giáo do thực dân Pháp đem đến, trong khi sự thực là đạo Công Giáo đã được các giáo sĩ Tây Ban Nha và Hòa Lan truyền sang nước ta từ sau thế kỷ 16 trong khi người Pháp chỉ đến vào giữa thế kỷ 19, nghĩa là ba thế kỷ sau. Hơn nữa, tỷ lệ người Việt nam theo đạo Công Giáo vào cuối thế kỷ 17 trước khi có việc cấm đạo được ước lượng là xấp xỉ 10%. Sự xâm lăng và thống trị của người Pháp làm cho tỷ lệ người Việt nam theo đạo Công Giáo giảm đi chứ không tăng lên.Năm 1989, khi vụ Phong Thánh cho 117 thánh tử đạo tại Việt nam đang sôi nổi, tòa báo Thông Luận chúng tôi nhận được một thư độc giả. Lá thư, bằng một giọng điệu hằn học và miệt thị, kể lại việc quân Pháp đánh thành phố Hải Dương, trong đó chỉ có 15 người lính Pháp và cả trăm người Công Giáo đi theo gánh gạo, vác đạn, v.v... Không một lời về việc bách hại hàng trăm ngàn người Công Giáo vô tộiNăm 1993, Câu Lạc Bộ Thân Hữu Thông Luận mời cụ Nguyễn Huy Bảo phát biểu trong một cuộc họp về đề tài Dân Việt nam có thể có dân chủ được không?. Đề tài đó không phải là tất cả buổi họp. Mỗi sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Thân Hữu Thông Luận gồm ba phần. Phần đầu về kiểm điểm nội dung những số báo Thông Luận từ kỳ họp trước đến nay; phần thứ hai hoặc thảo luận về một đề tài hoặc thảo luận về một vấn đề chính trị có tính thời sự, phần thứ ba là sinh hoạt thân hữu, trong đó các thân hữu tự do trình bày những gì mình đã làm, những gì một thân hữu khác đã làm, những gì mình có ý định làm và tìm người hợp tác. Các thân hữu có xuất bản sách thường đem sách của mình tới giới thiệu và bán trong phần này. Bài thuyết trình của cụ Nguyễn Huy Bảo nằm trong phần thứ hai.Cụ Bảo có đề cập tới chính sách thủ cựu của các vua quan nhà Nguyễn, trong đó có việc cấm đạo, như là những sai lầm đã khiến Việt nam lỡ mất một cơ hội canh tân với hậu quả tai hại. Chằng có gì là quá khích và lố lăng trong bài thuyết trình. Nhưng như thế cũng đã đủ để ngay khi cụ vừa dứt lời, một thanh niên vẫn thường hay lui tới câu lạc bộ đùng đùng nỗi giận đứng lên bất chấp cả chủ tọa to tiếng mạt sát cụ Bảo bằng những lời lẽ nặng nề, bất chấp cả tinh thần trang trọng của buổi họp, bất chấp cả sự kính trọng tối thiểu mà lễ giáo Việt nam vẫn dành cho người lớn tuổi (cụ Bảo lúc đó đã 85 tuổi). Những công thức chế tạo sẵn đua nhau tuôn chảy: Ông là một sản phẩm của thực dân Pháp, Bài thuyết trình của ông là của một con người đã chối bỏ tổ tiên..., Ông lập lại những luận điệu phản quốc, những lập luận của bọn giáo sĩ cướp nước, v.v... Tôi làm chủ tọa buổi họp hôm đó và tôi đã phải quả quyết cắt lời anh ta. Anh ta biết tôi và vẫn dành cho tôi một sự kính trọng nào đó không biết sự kính trọng đó bây giờ còn hay không vì sau đó không thấy anh ấy lui tới câu lạc bộ nữa. Tôi ôn tồn nói với anh ta là không có ý kiến nào cấm nêu ra và không có đề tài nào cấm bàn đến, anh ta đừng sợ sẽ không được phát biểu hết ý kiến của mình, nhưng phải tôn trọng chủ tọa và cũng phải tôn trọng tinh thần thảo luận của câu lạc bộ là mọi trao đỏi phải có sự tương kính. Rồi tôi lại trao lời cho anh nói tiếp. Có lẽ tự thấy mình đã quá lời, anh ta xin lỗi vì đã dùng lời lẽ quá nặng nhưng giải thích: Xin quí vị thông cảm cho, vì dân tộc tôi đã đau khổ quá nhiều vì bọn giáo sĩ tới làm do thám cho thực dân cướp nước, vì những tên Việt gian bỏ đất nước đi theo bọn giáo sĩ. Tôi phải tố cáo bọn giáo sĩ, tố cáo mưu đồ cướp nước của Vatican.... Lời xin lỗi đồng thời cũng là một lời thóa mạ. Sau buổi họp, ra ngoài gặp tôi, anh ta vẫn còn hậm hực: Tôi phải vạch mặt lên này (cụ Bảo), hắn là một tên giáo sĩ. Giáo sĩ đối với anh ta là một từ ngữ rất nặng, tự nó đã có tính mạt sát rồi. Tôi không giận anh ta, vì cái tập quán thù ghét thậm tệ người khác dựa trên những sự kiện mà chỉ cần bình tĩnh một chút cũng đủ thấy là rất sai là một đặc tính của người Việt nam. Tôi vẫn có cảm tình với anh ta. Xuất thân là một người lao động vượt biên sang Pháp, ngoài việc làm ăn anh ta còn dành rất nhiều thì giờ để học hỏi. Anh ta đọc rất nhiều sách và tỏ ra có quan tâm với tương lai đất nước. Càng có cảm tình với anh bao nhiêu tôi càng giận những người trí thức thiếu lương thiện đã đầu độc những tâm hồn nhẹ dạ. Anh ta có kể cho tôi nghe một số sách mà tôi có đọc qua.Đó là những cuốn sách viết úp úp mở mở, gom lọc tài liệu với dụng ý rõ rệt là tạo cho độc giả một ngờ vực rằng việc truyền bá đạo Công Giáo ở Việt nam nằm trong âm mưu thôn tính Việt nam của Pháp. Tôi không thể nhìn thấy một sự xứng đáng nào trong những cố gắng đó. Chúng chỉ tố giác sự thấp kém của các tác giả. Họ hận thù vì thành kiến, rồi chính hận thù làm cho tâm hồn họ bị vẩn đục và trí tuệ họ bị mê muội. Với thời giờ bỏ ra nghiên cứu như vậy, nếu đừng để cho hận thù làm mù quáng đi, họ đã thấy là không làm gì có một âm mưu thôn tính Việt nam, chưa nói tới một âm mưu với sự đồng lõa giữa Vatican và chính quyền Pháp. Mà tại sao Vatican lại đồng loã với Pháp mà không đồng lõa với ý, Bò Đào Nha hay Tây Ban Nha? Những ai nghiên cứu phong trào thực dân trong ba thế kỷ 17, 18 và 19 đều biết rằng phong trào này chủ yếu là do các công ty tư nhân đi tìm lợi nhuận. Không làm gì có một ý chí chính trị của các nước châu Âu nói chung và Pháp nói riêng để chiếm đóng các nước châu á cả (trong một bài sau chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này). Chính quyền Pháp đã bị đẩy tới chỗ phải can thiệp vào Việt nam dưới áp lực của dân chúng sau khi những đợt bách hại người Công Giáo gây ra xúc động quá lớn.Tôi càng không hiểu tại sao, trong lúc này và tại hải ngoại, vẫn có những người cố gắng bôi nhọ người Công Giáo bằng những tài liệu xuyên tạc hạ cấp kiểu Tây Dương Gia Tô Bí Lục. Đề làm gì? Đáng buồn nhất là một số người lại còn gần liền sự phát triển của Phật Giáo với sự bài xích Thiên Chúa Giáo. Phật Giáo Việt nam không mạnh thêm, mà còn có thể bị hoen ố đi vì những Phật tử như thế.Lý do chính khiến cho vết thương cấm đạo vẫn còn rưóm máu cho tới nay là vì chúng ta vẫn chưa tìm được cách đọc lịch sử. Điều đau nhức nhất trong thảm kịch cấm đạo là có những người Việt nam thực sự yêu nước, thực sự dũng cảm đã tham gia tích cực vào việc tàn sát và nhục mạ những người Công Giáo vô tội. Tôi muốn nói tới những phong trào Văn Thân và Cần Vương. Chắc chắn là trong động cơ thúc đẫy họ có lòng yêu nước, nhưng sự cuồng tín tôn thờ Nho Giáo của họ còn mạnh hơn. Họ đã giết người Công Giáo bởi vì họ thực sự tin rằng người Công Giáo đã bỏ đạo lý của ông cha, đi tôn thờ một tà đạo của người phương Tây mà lúc đó họ gọi là bọn quỷ trắng. Một người Việt nam đã theo đạo Công Giáo thì không còn là đồng bào của họ nữa, mà chỉ còn là một tâm hồn đã bị quỷ ám cần phải tiêu diệt. Các phong trào Cần Vương và Văn Thân có lẽ đã chỉ giết vài người lính Pháp, nhưng họ đã giết hại hàng chục ngàn tinh mục và giáo dân Việt nam. Họ mù quáng, thiển cận, có tội lớn mà không có công nào. Họ chỉ cố gắng bảo vệ một cái quá khứ hủ lậu cần phải vất bỏ đi: Nhưng họ là những người có chí khí, có can đảm. Họ nằm trong truyền thống của đất nước và của ông cha, nên chúng ta chỉ có thể buồn vì sự mù quáng của họ, chứ không thể ghét họ được. Do đó chúng ta bối rối, rồi để có thể tôn vinh họ, chúng ta biện hộ cho việc họ làm, đỗ tội cho những người Công Giáo vô tội đã nằm xuống.Đó cũng là vì ta không biết đọc lịch sử. Đó cũng là vì ta không tìm ra được cách nào để yêu quí tổ tiên của ta. Đinh Tiên Hoàng, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, Nguyễn Huệ, Nguyễn ánh, Văn Thân và Cần Vương, và cả những người Công Giáo đã nằm xuống; những anh hùng lập quốc cùng những người đã có tội, những người can đảm cũng như những người hèn nhát, tất cả đều là tổ tiên của ta. Chúng ta không chối bỏ được gia phả. Những người đã có tấm lòng như Văn Thân và Cằn Vương, chúng ta vẫn có thể quí mến họ, nhưng khi họ nhảm nhí thì phải nói là họ nhảm nhí, chứ sao lại đổi trắng thay đen? Đâu phải vì chúng ta quí trọng những người Cần Vương, Văn Thân mà nhất định chúng ta phải quí trọng ngay cả những sai quấy của họ và thù ghét những người Công Giáo mà họ đã thù ghét? Nhất là họ thù ghét một cách xằng bậy và hành động một cách càn dỡ?Nguyễn Khắc Viện, một trí thức cộng sản đã đóng góp nhiều nghiên cứu có giá trị, đã viết về vụ phong Thánh như sau: Dầu sao thì chúng tôi cũng không thể chối bỏ các vị tiền bối Văn Thân của chúng tôi. Ông ta cũng đặt nghi vấn là có sự liên kết của người Công Giáo với quân Pháp. Hai chữ dầu sao nói lên bối rối của ông ta. Nhưng ông Nguyễn Khắc Viện làm tôi thất vọng về sự tầm thường của một trí thức như ông. Ai bắt ông phải chối bỏ các vị Cần Vương và Văn Thân? Tại sao lại phải chối bỏ? Có phải vì họ đã mù quáng giết người Công Giáo mà chúng ta phải chối bỏ họ không? Có phải khi ông cha ta làm điều gì sai thì không còn là ông cha ta nữa không? Nếu lý luận như vậy thì phải coi chừng chúng ta mất gia phả.Một lần cho tất cả, phải khẳng định sự vô tội của người Công Giáo. Không làm gì có âm mưu nào trong việc truyền giáo tại Việt nam. Những giáo sĩ tới Việt nam chỉ để truyền đức tin Ki-tô mà thôi và các giáo dân đã theo đạo cũng chỉ vì đức tin Ki-tô. Các chúa Trịnh, chúa Nguyễn, rồi các vua nhà Nguyễn, thủ phạm của cuộc cấm đạo đẫm máu, ít ra cũng lương thiện hơn những học giả biện bạch cho họ. Các dụ cấm đạo chỉ buộc tội người Công Giáo theo một là đạo mà thôi, không bao giờ buộc thêm cho người Công Giáo một tội nào khác cả. Việc cấm đạo đã bắt đầu ở ngoài Bắc dưới chúa Trịnh Tráng để rồi đạt tới cao diễm dưới thời Trịnh Doanh; ở miền Nam ngay dưới thời Nguyễn Hoàng, rồi tiếp tục qua mọi đời chúa dù không gay gắt bằng. Đến khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, việc cấm đạo cũng chỉ ngừng lại ở thời Gia Long. Minh Mạng lên ngôi là lập tức cấm đạo, tiếp tục qua Thiệu Trị và đạt cao điểm dưới thời Tự Đức. Sau cùng chính vua Tự Đức cũng nhận ra sự sai lầm của mình và ra một dụ bỏ việc cấm đạo, kêu gọi Văn Thân thôi bách hại người Công Giáo với lời lẽ trầm thống, chứng tỏ một sự hối hận rất chân thành.Có người viện dẫn một số tài liệu của Bộ Hải Quân Pháp để chứng minh có sự toa rập giữa các giáo sĩ và chính quyền Pháp. Nhưng các giáo sĩ đã truyền giáo trong điều kiện khó khăn tất nhiên phải có sự giao dịch với các thế lực có ảnh hưởng tới Việt nam lúc đó. Những người bị bách hại tất nhiên phải tìm chỗ dựa. Điều này cũng tự nhiên như ngày nay chúng ta vận động các chính phủ dân chủ và các tổ chức nhân đạo bênh vực cho những người dân chủ gặp khó khăn tại Việt nam. Mặt khác, đừng quên là các giáo sĩ cũng đã làm nhiều khuyến cáo và đề nghị với chính các vua nhà Nguyễn để hy vọng giúp Việt nam canh tân và mạnh lên, chỉ tiếc là họ đã không được nghe vì vua quan nhà Nguyễn quá thủ cựu. Nhiều người Công Giáo Việt nam, giáo sĩ cũng như giáo dân, mặc dầu bị ruồng rẫy, tù tội, hạ nhục vẫn cố hết sức tìm cách giúp các vua nhà Nguyễn cải tổ để đưa đất nước đi lên dù chỉ gặp sự dửng dưng của vua quan nhà Nguyễn. Nếu những bài điều trần của Nguyễn Trường Tộ lọt được tai vua quan nhà Nguyễn thì đất nước chúng ta đây không như ngày nay.Điều đáng ngạc nhiên chính là sự nhẫn nại của người Công Giáo. Mặc dầu bị bách hại đẫm máu họ đã không vùng lên chống lại chính quyền, trong khi đó là một phản ứng tự vệ rất bình thường. Nhà Nguyễn phá kỷ lục về giặc giã: các tay anh chị nổi lên khắp nơi tại miền Bắc, có khi để chống sưu cao thuế nặng, có khi để đòi lập lại nhà Lê, có khi chỉ vì lý do giản dị là quan quân quá yếu. Người Công Giáo ở miền Bắc lúc đó rất đông đảo chiếm hơn 10% dân số, lại rất tập trung và rất gắn bó. Nếu họ nổi loạn, nhờ người Pháp huấn luỵện và giúp khí giới, họ đủ khả năng đánh bại được quân nhà Nguyễn lúc đó rất suy yếu về cả vật chất lẫn tinh thần. Một viên thiếu úy với bảy tên lính Pháp đã có thể nghênh ngang vào tính Ninh Bình, bắt tất cả tuần phủ, án sát trói lại, tịch thu mấy chục khẩu đại bác, bắt quân Việt nam hạ khí giới quì hai bên đường. Người Công Giáo, nếu muốn, thừa sức đánh bại thứ quân đội vô dụng đó. Nhưng họ vẫn chịu đựng thà chết vì đức tin chứ không nổi loạn. ở vào thời buổi đó, đâu đâu cũng có nỗi loạn, nhưng những người Công Giáo, có lý do nhất và có khả năng nhất để nỗi loạn, lại không nỗi loạn. Cái gì đã khiến người Việt nam theo đạo Công Giáo đông đảo như vậy? Đó chính là thông điệp Ki-tô. Vào thời buổi nhiễu nhương, con người chà đạp và chém giết lẫn nhau, còn gì an ủi hơn là được nghe một thông điệp hòa bình, bác ái, là được nghe những lời nhắn nhủ ai thương xót người ấy là phúc thật, ai chịu khốn khổ vì lẽ phải ấy là phúc thật? Đạo Công Giáo đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ của những người cùng khổ. Cũng như Phật Giáo, và khác với Nho Giáo, đạo Công Giáo đã đến với dân tộc Việt nam không phải qua giai cấp thống trị, mà qua giai cấp bị chà đạp. Dụ cấm đạo của vua Minh Mạng nhận định các giáo sĩ đã lôi kéo bọn bần dân mạt hạng.Người Công Giáo nhẫn nại và chịu đựng nhưng thừa sự dũng cảm. Họ sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đức tin của họ. Sự dũng cảm của họ nổi bật vào một lúc mà sự nhút nhát là tâm lý chế ngự. Quan quân cứ nghe vài tiếng súng là vất gươm súng mà chạy. Chính những người Công Giáo tử đạo đã cho tôi niềm tin vững chắc vào dân tộc Việt nam: nếu có một lý tưởng trong sáng, người Việt nam có thể rất dũng cảm và chấp nhận những hy sinh rất to lớn. Sau này, một chính quyền sáng suốt của đất nước Việt nam dân chủ sẽ phải để ra một ngày lễ phục hồi danh dự cho những người Công Giáo đã tử đạo. Đó là điều chúng ta cần làm để hòa giải cộng đồng Công Giáo với cộng đồng dân tộc, để hàn gắn một vết thương rất đau nhức, một trang sử bi đát của dân tộc ta. Chúng ta cũng sẽ phải có những ngày tưởng niệm cho những người đã chết oan trong những cuộc chiến vừa qua, những nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất những người đã chết trong chiến dịch Phượng Hoàng, hay đã bị bắt cóc ám sát, những người đã bỏ mình trên biển cả trong khi chạy trốn chế độ cộng sản. Chúng ta cần khép lại những vết thương đau, những trang sử bi đát của dân tộc, để có thể nhìn lại nhau là anh em ruột thịt và cùng bắt tay nhau xây một tương lai Việt nam chung.