Chương Mặt Thật Của Ai? mà quí vị vừa đọc phần lớn lấy từ một bài báo cùng để tựa mà tôi đã gởi đăng báo Ngày Nay (Houston, Hoa Kỳ). Bài báo này đã gây cho tôi khá nhiều vấn đề. Trước hết là ngay trong nội bộ nhóm Thông Luận. Mới đầu tôi định đăng báo Thông Luận, tôi không ngờ gặp phải những phản ứng rất mạnh của những người bạn mà tôi đưa đọc trước. Họ sợ một bài báo như thế sẽ đem lại cho nhóm Thông Luận nhưng thù ghét mới. Thấy rằng nếu đăng báo Thông Luận có thể sẽ gây sứt mẻ đáng tiếc, tôi gởi đăng báo Ngày nay, rồi lại gặp một vấn đề khác. Một anh bạn đọc xong, nỗi giận nói rằng một bài đặc sắc như vậy sao không đăng báo mình mà lại đem đăng báo khác. Bài đăng trên báo Ngày Nay cũng làm tôi vất vả.Một loạt bài phản bác dữ dội được tung ra ngay sau đó. Một vị ở Houston, mà sau này tôi được biết là có kiến thức khoa học, cho rằng bài đó là một xúc phạm lớn đối với tổ tiên; Nguyễn Gia Kiểng là tác giả bài đó thì là chính phạm, nhưng báo Ngày Nay đã đăng bài đó thì cũng là tòng phạm. (chính phạm và đồng phạm là những tiếng được dùng trong bài). Nếu có quyền, chắc chắn các vị này đã lôi cổ tôi ra tòa và tặng cho vài cuốn lịch rồi. Cả tác giả bài đả kích này lẫn tờ báo đăng nó đều đang nỗ lực tranh đấu lên án cộng sản chuyên chính giáo điều, chà đạp tự do ngôn luận và báo chí.Một nhân sĩ nhân đọc bài báo của tôi trên Ngày Nay, cảm hứng viết một bài góp ý, với tựa để là Nghe Quì, đóng góp thêm một số ý kiến cá nhân đồng thời phê phán một số nhân vật. Thế là tôi lại lãnh một bài đánh khác, mà lần này đánh oan vì những ý kiến làm tác giả bài đánh này nỗi giận không phải là của tôi mà là của vị nhân sĩ kia. Quá giận, tác giả lôi cả thân thế tôi ra phê phán và kết luận tôi là hạng người vô liêm sỉ. Cũng may lúc đó tôi có chút thời giờ rảnh rỗi nên đã gởi nguyên văn bài của mình cho tác giả. Ông này tỏ ra rất đứng đắn vì sau đó, khi đã biết có sự hiểu lầm, ông viết cho tôi một lá thư ngắn với lời lẽ thân thiện và cho đăng một bài cải chính trên ngay tờ báo đã đăng bài đánh tôi. Đó là lần duy nhất tôi thấy một người đánh oan một người khác đã giải oan cho người đó. Bình thường thôi đánh cũng là phúc lắm rồi.Một lần chúng tôi gặp một sự cố trong một buổi họp Câu Lạc Bộ Thân Hữu Thông Luận. Bình thường thì những buổi họp của Câu Lạc bộ là sự gặp gỡ thân thiện của những người có cảm tình với nhau dù cùng hay không cùng chính kiến. Khi thành lập, chính tôi đề nghị đặt tên là Câu Lạc Bộ Độc Giả Thông Luận nhưng đề nghị của tôi bị phản bác, một vị đã đề nghị thay Độc Giả bằng Thân Hữu với lập luận rằng ai muốn là độc giả chẳng được, nhưng muốn gặp nhau thảo luận thì phải có tinh thần thân hữu, thân hữu không có nghĩa là đồng ý mà chỉ là thái độ thân thiện, tương kính. Tôi vẫn thấy hai chữ Thân Hữu có vẻ giới hạn quá. Biểu quyết, và tôi thua. Kết quả là Câu Lạc Bộ Thân Hữu Thông Luận ra đời với mục đích là lâu lâu gặp nhau một lần để thảo luận trong tinh thần không có ý kiến nào cấm nêu ra, không có đề tài nào cấm bàn đến.Trớ trêu thay hôm xảy ra vụ lộn xộn đó, thuyết trình viên lại chính là người đề nghị thay độc giả bằng thân hữu. Việc ông được chọn để dẫn nhập buổi gặp gỡ đó đã được quyết định từ mấy tháng trước, nhưng trong khoảng thời gian đó ông trở thành tổng thư ký của một tổ chức mới, tuy vừa thành lập nhưng có sức mạnh vì chỉ là mặt ngoài của một tổ chức đã có từ lâu và có rất nhiều phương tiện. Chức vụ mới đó đã khiến ông không còn thân hữu với chúng tôi nữa và ông đem đến cả một lực lượng hùng hậu. Buổi họp biến thành một tòa án nhân dân xử nhóm Thông Luận. Lực lượng này nhao nhao lên, bất chấp chủ tọa, muốn nói là nói, nói gì cũng được vì họ sẵn sàng ẩu đả và hình như chỉ đợi cơ hội để ẩu đả. Chúng tôi cố nhịn nhục cho qua. Rồi buổi họp cũng xong, nhưng một thanh niên xấn lại phía tôi, chỉ tay vào mặt tôi mà nói: Anh là đồ ngây thơ ấu trĩ, anh không hiểu gì về cộng sản cả.Tôi biết lúc đó không phải là lúc để thảo luận với anh ta. Tôi cũng không giận anh ta, từ đầu buổi họp tôi nhận xét anh ta là một trong những người ôn hòa nhất của lực lượng này. Dáng dấp anh ta cũng khá trí thức, đôi mắt thông minh và hiền lành. Vả lại anh ta cũng khá khoan dung đối với chúng tôi: chúng tôi chỉ ngây thơ ấu trĩ và không biết gì về cộng sản chứ không phải là những tên phản bội, những tay sai cộng sản như các bạn anh ta nói sang sảng trong suốt buổi họp. Anh ta trạc độ ba mươi tuổi.à, nếu tôi có thể ngây thơ ấu trĩ được thì diễm phúc biết bao nhiêu? Tiếc quá, lúc đó tôi đã gần năm mươi tuổi rồi mà chưa làm được gì ra hồn, cuộc đời cũng chẳng có gì vui, đã nhiều thất vọng và mất mát. Muốn ngây thơ cũng không được nữa.Không biết gì về cộng sản? Tôi biết không nhiều nhưng cũng biết chút đỉnh. Lớn lên ở vùng quê do cộng sản kiềm soát, cha bỏ trốn, chú bác bị giết, mẹ dắt ra hầu tòa án nhân dân từ thời năm tuổi. Lớn lên chống cộng từ thời sinh viên, chống cộng trong hàng ngũ Việt nam Cộng Hòa, đi tù cộng sản, làm viên chức cộng sản, làm dân cộng sản, sống ngoài vòng pháp luật dưới chế độ cộng sản, rồi ra hải ngoại chống cộng sản. Có thể nói tôi là một trong những người có cơ hội quan sát cộng sản dưới mọi gốc nhìn và cọ sát với cộng sản trên nhiều cương vị. Anh thanh niên kia chắc có thân nhân bị đi tù cải tạo, gia đình có thể đã bị tịch thu tài sản và đã gian lao tìm cách vượt biên, như thế là đủ để anh ấy nghĩ mình biết rõ cộng sản đủ tư cách để coi những người không coi cộng sản như quỉ ma, thể dữ là không biết gì về cộng sản.Thái độ của anh ta không làm tôi ngạc nhiên chút nào, bởi đó là thái độ tự nhiên của con người trong văn hóa Khổng Mạnh, một văn hóa được lưu truyền qua cuộc sống, từ đời này qua đời khác trải mấy nghìn năm, mà người ta tiếp thu một cách tự nhiên và vô tình. Văn hóa Khổng Mạnh là thứ văn hóa xác quyết, bất cần chứng minh. Ông Khổng Khâu, ông Mạnh Kha và tất cả các danh nho qua các thời đại chỉ khẳng định một cách chắc nịch thôi chứ có bao giờ cần chứng minh cái gì đâu. Ông Khổng Khâu nói người có hiếu thì cha chết ba năm không được thay đổi nếp sống gia đình do cha để lại, người ngay thẳng thì cha có đi ăn trộm cũng phải bao che, nhưng ông không hề bận tâm giải thích tại sao. Các ông thánh hiền kế tiếp nói rằng đã là đàn bà đức hạnh thì phải phục tòng cả cha, lẫn chồng, lẫn con cũng có cần biện luận gì đâu. Văn hóa của chúng ta là cái. Văn hóa trong đó mình cứ ném bừa chân lý của mình vào mặt người khác mà không cần suy nghĩ xem đó có phải là những chân lý thực không.Văn hóa Khổng Mạnh là văn hóa phủ nhận kiến thức. Người ta không cần nghiên cứu, tìm hiểu, miễn là cứ thấy phải đạo là có thể tự tin và tự hào được rồi. Tất cả các cuốn Tứ Thư, Ngũ Kinh nếu gộp chung lại tất cả và in thành một cuốn sách thì cũng chỉ vài trăm trang thôi, nghĩa là chỉ bằng một nửa cuốn sách mà các vị đang cầm trong tay thôi. Một người bình thường có thể học một tuần lễ là xong, thế mà các sĩ tử cứ nhai đi nhai lại trong mấy ngàn năm thì hỏi kiến thức có cái gì đáng kể? Ông Phần Khôi là một nhà nho xuất chúng, ông đi học chữ quốc ngữ tới trình độ tiểu học và quả quyết là đã học hỏi được nhiều hơn hẳn so với thời kỳ học chữ nho. Với thời gian, cả một xã hội học thói quen nói và làm mà không cần một kiến thức nào cả. Thái độ này tạo ra một niềm tin thầm kín rằng mọi người như nhau, chẳng ai biết gì hơn ai. Người ta có thể nói với bất cứ ai anh không biết gì cả, bởi vì thực ra trong tiềm thức người ta đang nói về chính mình.Không những không trọng kiến thức, mà người ta còn bài bác việc mở mang kiến thức, bởi vì văn hóa Khổng Mạnh chống lại điều mới, nghĩa là chống lại sự tìm hiểu. Khổng Tử nói: Bỏ công ra học điều lạ chỉ có hại (Công hồ dị đoan, tư hại đã dĩ). Những lời vàng ngọc đó trải đời này qua đời khác tạo ra tâm lý coi điều khác lạ là xấu là dở, là sai. Trong ngôn ngữ Trung Quốc mà ta du nhập, chữ dị, nghĩa là khác, đồng nghĩa với xằng bậy. Dị đoan theo nghĩa chiết tự của nó chỉ có nghĩa là điều lạ thôi, nhưng tập quán và thời gian đã biến nó thành nhảm nhí. Lập dị, quái dị, dị nghị, dị hợm đều mang nghĩa xấu cả. Về điểm này đôi khi tôi thấy vui lòng là người Việt nam còn giữ được chữ khác với nghĩa khách quan. Không những bài bác điều mới, văn hóa Khổng Mạnh còn hung bạo với điều mới. Khổng Tử lên làm tướng quốc nước Lỗ thì lập tức giết thiếu chính Mão. Chẳng thấy ông Mão có tội cụ thể nào ngoài tội có tài biện luận và lung lạc người khác. Những ai lên án đảng cộng sản đàn áp những người phát biểu ý kiến ngược lại với đảng nên suy nghĩ lại chuyện này. Nho sĩ theo gương bậc vạn thế sư biểư này đã để xướng lên cả một bổn phận đạo đức: vệ đạo. Vệ đạo là chủ trương bảo vệ toàn bộ các giá trị Khổng Giáo bằng cách đánh phá gay gắt và tiêu diệt bằng bạo lực những kẻ dám đi ra ngoài khuôn mẫu có sẵn. Khổng Khâu và các môn đệ, hậu bối của ông, cũng khuyến khích sự tìm tòi, khảo cứu nhưng với điều kiện là đó chỉ là những tìm tòi phải đạo, với mục đích minh họa những ý đã có sẵn, tương tự như đảng cộng sản kêu gọi sáng tạo với điều kiện là sáng tạo trong đường lối do đảng vạch ra, trong khuôn khổ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cái chủ trương vệ đạo đó đã làm thui chột cả trí tuệ á Đông và đã dẫn ra pháp trường vô số những người có trí tuệ, đáng lẽ đã có thể cống hiến những đóng góp quí báu. Tôi không thù ghét những người đã đả kích tôi một cách gay gắt, đòi lên án, đòi phải có thái độ, đòi hành hung (kể cả đả thương thực sự) bởi vì đó chỉ là di sản văn hóa của cái tâm lý vệ đạo đã mọc rễ vào tâm hồn chúng ta ngay cả khi chúng ta không ý thức được. Viết một cuốn sách hay về dân chủ không khó bằng không nổi giận khi có người phát biểu ngược ý minh vì một đằng là kiến thức, một đằng là tâm lý. Kiến thức dễ tiếp thu và cũng dễ thay đổi; tâm lý, trái lại, là cái mà chúng ta không ý thức được và do đó không cảnh giác.Những phản ứng giận dữ đối với một số bài viết về văn hóa và lịch sử của tôi còn xuất phát từ một di sản khác của Khổng Giáo, đó là tâm lý tôn sùng người xưa. Quí trọng tổ tiên là một tình cảm tự nhiên và cũng là một phần của trí thông minh của loài người. Nó cho phép loài người nối dài cuộc sống trí tuệ của mình tới một thời xa xưa, hiểu được cuộc hành trình đã dẫn tới ngày hôm nay, và cũng ý thức được những điều nên làm cho tương lai. Lòng quí trọng người xưa biến cuộc sống thành liên tục và vĩnh cửu, sinh và tử chỉ là nhưng chốc lát trong cuộc sống liên tục và không ngừng biến đồi của loài người. Quan sát việc làm của người xưa ta rút ra được những kinh nghiệm để xây dựng ngày mai, ta học được những cái đúng của họ, va ta rút nhiều kinh nghiệm quí báu hơn ở những sai lầm của họ. Nhưng sự tôn sùng người xưa của Khổng Giáo không phải như vậy. Nó là một sự tôn sùng bệnh hoạn, coi người xưa là hơn ngày nay, coi người xưa là hoàn toàn đúng, chúng ta chỉ cằn lập lại là đủ. Khổng Tử chủ trương cứ học người xưa là biết việc ngày nay (ôn cố tri tân). Nhan Uyên hỏi ông về việc trị nước, Khổng Tử trả lời: Cứ theo lịch nhà Hạ, đội mũ nhà Chu, dùng nhạc của vua Thuấn, Các nho sĩ sau này còn đề cao hơn nữa cái tinh thần sùng bái và bắt chước tổ tiên đó, và người được đề cao làm mẫu mực hơn cả lại chính là Khổng Tử. Ngay cả những câu nói rất tầm thường, và tầm bậy, của ông như cha con phải giấu tội cho nhau, nước loạn thì chớ ở lại cũng được đưa lên hàng đạo lý. Chính Khổng Tử khi nói những câu này cũng không thể ngờ rằng có ngày chúng sẽ được coi là nhưng khuôn vàng thước ngọc. Ông thủ cựu và kêu gọi thủ cựu, nhưng đó chỉ là những ý kiến thôi, chính các triều đại về sau mới biến nhưng ý kiến của ông thành chân lý bất di bất dịch. Cá nhân Khổng Tử nhiều lần dạy đệ tử không nên phò những vua chúa bất nghĩa, nhưng chính ông cũng hai lần định làm gia nhân cho những kẻ phản bội. Như vậy Khổng Tử tuy thủ cựu nhưng không cứng chác như người ta tưởng. Như đã nói, khi phê phán Khổng Giáo, ta không nên qui trách hết cho Khổng Tử.Mặc Tử, nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Trung Quốc, đã nhiều lần lên án tâm lý rập khuôn theo người trước. Nếu Mặc Tử, thay vì Khổng Tử, được lấy làm mẫu mực thì Trung Quốc đã không thua kém như ngày nay. Mặc Tử có lý: nếu tất cả mọi thế hệ đều lấy những thế hệ trước làm mẫu mực thì xã hội vẫn còn như thời Phục Hy, Thần Nông, nghĩa là vẫn còn ăn lông ở lỗ.Tinh thần tôn sùng và rập khuôn theo người xưa hình như vẫn còn nặng làm trong tâm lý trí thức Việt nam. Một người bạn của tôi có hai bằng cấp khoa học rất cao tại Mỹ và Pháp, có lần giảng cho tôi về sự cao siêu huyền bí và tính khoa học của khoa tử vi. Tôi hỏi anh ta tại sao anh không thấy cái nhảm nhí của tử vi, chỉ có năm yếu tố thôi: giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh, nam, nữ mà suy ra tới 108 sao, nghĩa là chỉ có năm phương trình bậc nhất mà có tới 108 ẩn số thì hoặc là hệ thống phương trình đó không có giải đáp chính xác, hoặc là thực ra chỉ có năm ẩn số mà thôi, 103 ẩn số còn lại tự động suy ra từ năm ẩn số chính, nghĩa là vất đi cũng được. Vậy thì khoa tử vi sai ngay từ đầu, nó chỉ là một bài toán ngây ngô do sự kiện trí tuệ chưa được mở mang mà có. Anh ta cự lại: Tử vi không phải là toán?. Tôi còn biết nói gì đây? Toán có là gì đâu, ngoại trừ là một cách lý luận đúng? Nếu bảo có những cái không cần đúng thì còn gì để bàn? Tức quá, tôi bảo anh ta thử lấy số tử vi của tôi xem sao. Anh ta bèn bấm đốt ngón tay và quả nhiên tôi thấy chỉ có năm sao, tôi không nhớ sao nào, là phải căn cứ vào năm dữ kiện ban đầu mà thôi, những sao khác cứ tự nhiên theo năm sao này mà định vị trí, nhưng anh ta vẫn không chịu thua, anh ta kết luận là tôi không hiểu được cái kiến thức cao siêu của người xưa. Trình độ toán học của anh ta cao hơn tôi nhiều, nhưng anh ta không thấy được cái sai lầm rành rành ra đó vì anh ta đã sẵn có định kiến là người xưa có lý rồi.Một anh bạn khác cũng tốt nghiệp kỹ sư tại Mỹ và trước đó nổi tiếng là học sinh tú tài xuất sắc nhất của trường Chu Văn An, lận đận tìm cách vượt biên sau năm 1975. Chúng tôi gặp nhau sau khi đi tù cải tạo về và cùng có ý định là trốn khỏi Việt nam. Mỗi lần tính chuyện vượt biên anh đều xem bói dịch. Anh ta giải thích với tôi là bói dịch rất đúng bởi vì nó do Chu Văn Vương chế ra. Tôi nói Chu Văn Vương là tổ nhà Chu, sống vào thế kỷ 12 trước Tây lịch, lúc loài người còn rất man rợ, có gì là thông thái, chẳng qua đó là niềm tin ngây thơ vào quỉ thần của mọi dân tộc bán khai. Anh ta tiếc cho tôi không hiểu được cái huyền bí của Kinh Dịch, bởi vì thời đó con người còn trong sáng và còn giao cảm được với thần linh. Điều nghịch lý là đã mấy lần anh ấy ra đi sau khi trúng một quẻ tốt và lần nào cũng bỏ của chạy lấy người hoặc bị công an bắt trói phải chuộc mạng nhưng anh ấy vẫn tiếp tục tin Kinh Dịch.Cả hai anh bạn tôi trên đây lúc bình thường đều là những người rất sáng suốt và chính xác, nhưng mỗi khi gặp quyết định khó khăn với một xác suất rủi ro lớn họ lại quay về với những tín ngưỡng cỗ lậu bởi vì sự tôn sùng cổ nhân được truyền từ đời này qua đời khác vẫn còn mai phục trong trí óc họ. Đó là chuyện xa, nhưng còn chuyện gần hơn? Tôi được đọc không biết bao nhiêu tuyên cáo buộc tội lẫn nhau giữa các phe phái trong các đảng Đại Việt và Việt nam Quốc Dân Đảng. Phe nọ lên án phe kia là phản bội đường lối của các cố đảng trưởng, phe nào cũng tự hào là tuyệt đối trung thành với đường lối của các ngài. Sự theo đúng đường lối do người đi trước vạch ra hình như được coi là một tiêu chuẩn để quyết định ai đúng ai sai, ai chính ai tà. Cái tiêu chuẩn kỳ cục này có lẽ chỉ có ở Trung Quốc và Việt nam. Hai dân tộc này coi sự kiện không làm đúng như người xưa là xúc phạm đến người xưa. Trong các nước cộng sản, Trung Quốc và Việt nam cũng là hai nước chống xét lại một cách gay gắt nhất. Đó là di sản của tinh thần bất tác, vô cải mà Khổng Giáo đề cao. Nên nhớ rằng Khổng Tử coi như bổn phận của người con có hiếu là không sửa đổi gì hết nền nếp của cha trong vòng ít nhất ba năm sau khi cha đã mất, nghĩa là nếu mãi mãi không sửa đổi gì thì còn hiếu hơn.Trong thế giới thay đổi dồn dập này, mà sức mạnh, chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc được quyết định bởi ý kiến và sáng kiến, bởi vận tốc của đổi mới, nếu có một tâm lý mà chúng ta phải khẩn cấp từ bỏ thì đó chính là tâm lý thủ cựu.