Nhìn theo chiều dọc của lịch sử Trung Quốc, cứ mỗi lần thay đổi triều đại, thay chủ nắm giang sơn, thì chính là lúc nhân tài xuất hiện đông đảo, anh hùng đâu đâu cũng thấy. Câu cố huấn "thời thế tạo anh hùng" đúng là một câu nói rất chí lý. Trong các nhân vật lịch sử đủ loại hình thì những mưu sĩ, những bề tôi tài năng có thể "ngồi trong triều đình để tính toán mưu lược, quyết định sự thắng lợi ngoài xa nghìn dặm" là những người được người ta chú ý nhất. Vì họ cũng giống như những nhà đạo diễn của lịch sử. Biết bao nhiêu sự kiện lịch sử là do sự sách hoạch tinh tế của họ mới trở thành phong phú, đa dạng, hấp dẫn mọi người. Những nhân vật lịch sử như Khương Tử Nha, Trương Lương, Gia Cát Lượng, Triệu Tấn, Lưu Bá Ôn v.v... đều là những nhân vật mà ai ai cũng biết đến. Trong thời kỳ chuyển đổi giữa nhà Minh và nhà Thanh cũng không ngoài cái lệ đó. Trong giai đoạn này đã xuất hiện một nhà mưu lược tài năng phi thường, có tên gọi là Phạm Văn Trình. 1. Sống Kiếp Nô Lệ Phạm Văn Trình, tự Hiến Đấu, sinh vào năm thứ hai mươi lăm niên hiệu Vạn Lịch triều nhà Minh (1597). Thế hệ trước trong gia đình của ông vào đời nhà Minh đã từ Giang Tây bị biếm đi Thẩm Dương và "ở tại Phủ Thuần Sở". Ông sơ của ông là Phạm Thông, từng giữ chức Binh bộ Thượng thư trong những năm Gia Tỉnh đời nhà Minh, ông nội là Phạm Thẩm, từng giữ chức Độ Đồng Tri Vệ chỉ huy tại Thẩm Dương đời nhà Minh. Phạm Văn Trình từ nhỏ đã hiếu học, thông minh hơn người. Năm thứ bốn mươi ba niên hiệu Vạn Lịch đời nhà Minh (1615), ông thi đỗ sinh viên (tú tài) tại huyện Thẩm Dương. Lúc đó ông mới mười tám tuổi. Trong khi Phạm Văn Trình đang phấn khởi, quyết tâm làm cho được một cái gì đó trên con đường sĩ tiến, thì tai họa đã ập xuống đầu. Năm thứ bốn mươi sáu niên hiệu Vạn Lịch (1618), thủ lĩnh của chính quyền Hậu Kim là Nổ Nhĩ Cáp Xích xua quân tiến xuống phía Nam, đánh chiếm Phủ Thuận và một số địa phương khác, thẳng tay bắt người cướp của, và mang ba chục vạn cả người lẫn gia súc do họ bắt được, đem phân phối cho các quan binh có công. Phạm Văn Trình năm đó hai mươi mốt tuổi, cũng là một trong những người bị bắt sống, nên đã bị đưa đi làm nô lệ. Hậu Kim là chính quyền do một dân tộc thiểu số ở vùng Đông Bắc Trung Quốc là tộc Nữ Chân (tiền thân của Mãn tộc) xây dựng lên. Người Nữ Chân là một dân tộc thiểu số rất lâu đời ở trong nội địa nước Trung Quốc. Tổ tiên của họ là người Túc Thận thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đến đời hậu Hán, Tam Quốc, họ được gọi là “Ấp Lâu”. Đời Bắc Ngụy được gọi là “Vật Cát”. Đời Tùy, Đường gọi là "Mô Hơ". Đến niên hiệu Thiên Phục năm thứ ba đời Đường Chiêu Tông (903) trở về sau, mới chính thức được gọi là "Nữ Chân". Trong lịch sử Trung Quốc, nước "Bột Hải” trong đời Đường, cũng như nước "Kim" từng chong mặt với triều Bắc Tống, đều là chính quyền do dân tộc thiểu số Nữ Chân đã lần lượt thành lập. Đến triều nhà Minh trở đi, tộc Nữ Chân đã sống ở vùng phía Bắc Trường Bạch Sơn, chạy dài đến biển ở phía Đông, và khắp vùng lưu vực sông Hắc Long Giang. Trên một vùng đất rộng rãi như thế, tộc Nữ Chân chia ra làm ba bộ phận lớn là Hải Tây, Kiến Châu và Dã Nhân. Đi đôi với sự hủ hóa trong việc thống trị của triều nhà Minh, các quan phủ đối với người Nữ Chân áp bức ngày càng nặng nề. Do vậy, mối mâu thuẫn giữa tộc Nữ Chân và triều nhà Minh ngày một gay gắt. Thời kỳ giữa và cuối đời nhà Minh, tập đoàn thống trị nhu nhược bất tài của triều đình, không làm sao vực dậy được triều đại của họ. Cho nên đối với tộc Nữ Chân ngày càng tăng cường sự phản kháng, họ phải áp dụng chính sách lôi kéo bộ phận này, đánh bộ phận khác, nhằm "chia để trị". Lúc bấy giờ nhà Minh có một vị võ tướng “trấn liêu” tên gọi Lý Thành Lương, đã nghĩ đủ mưu kế để tạo ra mối mâu thuẫn giữa hai tộc Nữ Chân là Hải Tây và Kiến Châu. Ông ta trước tiên lợi dụng Vương Đài là tù trưởng của Cáp Đạt Bộ thuộc tộc Nữ Chân Hải Tây, giết chết Vương Cảo nguyên là Hữu Vệ Đô Đốc của Kiến Châu. Để trảm thảo trừ căn, Lý Thành Lương vào năm thứ 10 niên hiệu Vạn Lịch, lại tiến lên một bước, phái binh giúp đỡ chúa thành Đồ Luân là Nê Kham Ngoại Lan, tấn công con trai của Vương Cảo là A Đài. Vợ của A Đài là em bà con họ nội với Nổ Nhĩ Cáp Xích, nên ông nội là Khiếu Trường và cha là Tháp Thất của Nổ Nhĩ Cáp Xích vội vàng đến ngoài thành Cổ Liệt nơi A Đài trú đóng, yêu cầu Nê Kham Ngoại Lan đình chỉ cuộc tấn công, để hai người đi khuyên A Đài đầu hàng. Do việc khuyên đầu hàng chưa thành, nên quân Minh và quân Nê Kham Ngoại Lan liên hợp nhau tấn công hạ thành, rồi thẳng tay chém giết, và đã giết luôn Tháp Thất và Khiếu Trường trước đây vào thành để khuyên A Đài đầu hàng nhằm cứu người thân của mình. Sự kiện này tạo ra mối hận thù thâm xương khắc cốt giữa triều nhà Minh và Nổ Nhĩ Cáp Xích. Năm thứ niên hiệu Vạn Lịch (1583), Nổ Nhĩ Cáp Xích với tuổi hai mươi lăm, đã hưng binh trên cơ sở mười ba bộ giáp trụ của cha mình để lại. Trước tiên ông ta đánh chiếm được thành Đồ Luân. Chúa thành là Nề Kham Ngoại Lan hốt hoảng bỏ chạy. Nổ Nhĩ Cáp Xích xua quân truy đuổi không buông tha. Trên đường truy đuổi, ông ta lần lượt hạ từng bộ lạc cửa tộc Nữ Chân, và cuối cùng đã giết được kẻ thù, thống nhất các bộ lạc Nữ Chân lại làm một. Đến năm thứ bốn mươi ba niên hiệu Vạn Lịch (1615), Nổ Nhĩ Cáp Xích đang phấn khởi qua mấy cuộc chiến thắng, thực lực của ông ta lại không ngớt hùng mạnh thêm, nên đã tuyên bố thành lập chính quyền “Đại Kim” (sử gọi là "Hậu Kim"), đặt niên hiệu là Thiên Mệnh. Nổ Nhĩ Cáp Xích lên ngôi Khả Hãn với tuổi đời năm mươi tám. Chính quyền Hậu Kim được thành lập chẳng bao lâu thì Nổ Nhĩ Cáp Xích bèn lấy cớ triều nhà Minh vô cớ sinh sự, "giết cha và ông nội của ông ta” và một số vấn đề khác gọi chung là “bảy mối thù lớn" để hưng binh, mở màn cho cuộc chiến tranh trả thù đối với triều nhà Minh. Năm thứ ba niên hiệu Thiên Mệnh (1618), Nổ Nhĩ Cáp Xích dẫn binh tướng tinh nhuệ hơn hai vạn người, kéo thẳng phía Tây, rồi dùng thế tiến công nhanh như sấm sét, chiếm được hai thành Đông Châu và Mã Căn Đơn. Tiếp đó, ông lại phái một "thương đội" năm mươi người đi trước, và đại binh lén bám sát theo sau, thừa dịp mưa đêm vừa mới tạnh, bất thần đến sát chân thành Phủ Thuận, và hạ được thành này trong nháy mắt. Do vậy, mới có câu chuyện hơn ba vạn người và gia súc của triều nhà Minh, trong đó có Phạm Văn Trình bị bắt sống đưa đi. Qua năm sau, trong trận Tát Nhĩ Hử, Nổ Nhĩ Cáp Xích lại đánh tổn thương nặng nề quân đội “biên phòng" của triều nhà Minh. Từ đó, cán cân thực lực giữa đôi bên đã thay đổi hẳn. Chỉ trong vòng mấy năm ngắn ngủi, Nổ Nhĩ Cáp Xích đã chiếm toàn bộ vùng đất ở phía đông Liêu Hà, rồi lại quay mũi giáo về vùng đất Liêu Tây. Nhờ có quan Kế Liêu Kinh Lược là Tôn Thừa Tông và quan Ninh Tiền Binh Bị Đạo là Viên Sùng Hoán và một số người trung thành với triều đình khác, đã tìm đủ cách xoay sở, mới bảo vệ được sự bình yên khoảng chừng bốn năm cho vùng Quan Ngoại. Nhưng, tên gian thần của triều nhà Minh là Ngụy Trung Hiền, đã lộng quyền, tìm cách cách chức Tôn Thừa Tông, rồi phá bỏ một số cứ điểm phòng ngự cũng như đồn binh quan trọng, khiến việc phòng ngự ở ngoài biên cảnh của triều nhà Minh yếu hẳn đi. Đầu năm thứ mười niên hiệu Thiên Mệnh (1626), Nổ Nhĩ Cáp Xích đích thân chỉ huy mười ba vạn đại quân thừa sự sơ hở của triều nhà Minh, đã đánh thốc vào nội địa của triều đình này, phía Nam chạy dài tới tận bờ biển, phía Bắc tới Quảng Ninh, đại lộ được mở rộng, đoàn quân của Nổ Nhĩ Cáp Xích đầu đuôi không thấy nhau, cờ xí gươm giáo rợp trời, hùng hổ kéo đến sát Chân thành Ninh Viễn. Lúc bấy giờ Viên Sùng Hoán chỉ có trong tay hai vạn binh mã, lại cô lập không có viện binh, hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng qua sự kêu gọi của ông ta, toàn dân Ninh Viễn đều đứng lên chiến đấu, dàn trận sẵn sàng chờ quân địch tới. Ngày hai mươi hai tháng hai, Nổ Nhĩ Cáp Xích chỉ huy quân Bát Kỳ tinh nhuệ, có cả xe được che chắn bằng những tấm chắn và thang móc, cũng như mọi thứ vũ khí để tấn công thành. Viên Sùng Hoán ra lệnh cho bắn loại đại pháo Hồng Di, nhưng quân Hậu Kim được những cỗ xe có che chắn bằng những tấm sắt yểm hộ, tiến lên sát chân thành, rồi ra sức đào hang để chui vào thành. Quân Minh một mặt ném những bó đuốc có tẩm dầu đang cháy xuống để tấn công quân địch, mặt khác phái đội cảm tử ra ngoài thành để chiến đấu. Họ đã đẩy lui được nhiều đợt tấn công của địch. Ngày hai mươi mốt, quân Hậu Kim thừa đêm tối lại mở cuộc tập kích, nhưng vẫn không thắng được. Đến ngày hai mươi sáu, họ bất đắc dĩ phải tháo vòng vây rút lui. Nổ Nhĩ Cáp Xích kể từ ngày hưng binh lúc ông ta hai mươi lăm tuổi, đã kéo dài cuộc chiến đấu đến bốn mươi ba năm, tự cho rằng mình là một tướng "hễ đánh là phải thắng, hể tấn công là phải hạ thành", nhưng không ngờ lại bị thất bại trước Viên Sùng Hoán, nên buồn rầu kém vui. Trên lưng ông ta bỗng mọc một mụn nhọt độc và không đầy một năm sau thì chết. Sau khi Nổ Nhĩ Cáp Xích chết, người con trai thứ tám của ông ta là Hoàng Thái Cực lên nối ngôi Đại Hãn vào năm thứ 11 niên hiệu Thiên Mệnh (1626), đổi niên hiệu là Thiên Thông. Sau khi Hoàng Thái Cực tiến hành thay đổi to tát đối với một số chính sách trước, số mệnh của Phạm Văn Trình cũng nhờ đó mà thay đổi theo.