Đến lúc có mưu toan vĩ đại với con cháu thì trí não ông Ruông hoạt động một cách khác thường. Chỉ mỗi một lời không bình thường của ai đó (thốt lên nơi trang cổ thư chẳng hạn ) cũng đủ khiến ông vươn tới những miền ý tưởng xa lạ. Với thằng cu Cỏ là một ví dụ. Ông ghi trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ: Cách nói năng của thằng Cu Cỏ khiến ta phải nghĩ đến một dòng tư duy nằm bên ngoài hết thảy các dòng tư duy cố cựu của nhân loại. Ngay sau lời này là truyện chép về ông Bảy Mươi Sáu với đầu đề có vẻ như lạc lõng: Nhập Vô Cuộc Phiêu Lưu Của Homo sapiens. Ông Bảy Mươi Sáu rời bỏ cha mình là chấp nhận một cuộc sống trần gian như những người anh em của ông ở nước Văn Lang ở phương bắc. Giờ đây, công việc đầu tiên của ông là học cách hội nhập vào thế giới loài người. Điều này có nghĩa, ông từ chốn vĩnh hằng tụt xuống làm thành viên của nền văn minh kim khí của nhân loại. Miền núi Tượng sông Tượng lúc bấy giờ chưa có người ở, nhưng muông thú và cỏ cây thì không thiếu loài nào. Ông Bảy Mươi Sáu thuần hóa một đôi bò rừng để kéo cày.Và trút bỏ móng rồng để làm lưỡi cày lưỡi cuốc, vì chưa tìm ra được đồng và sắt. -Lũ ngươi hãy gắng giúp ta làm ra cơm áo. Ông nói với lũ bò cày. Chúng chỉ hếch mũi lên, khịt, rồi thè lưỡi liếm cánh tay rám nắng của ông. Từ phút ấy, một thứ vật thể người đời gọi là cô đơn bắt đầu xâm nhập vào ông Bảy Mươi Sáu. -Hãy nói giúp ta, nó là cái gì vậy? Ông hỏi lũ bò mỗi khi cảm thấy bứt rứt, mong có ai đó để chuyện trò. Thứ cô đơn nguyên thủy, nó chỉ là vậy. Nhưng về sau, vào thời văn minh hiện đại, người ta mô tả nó bằng những lời lẽ hơi khó hiểu một chút, rồi đem chép thành sách vở tràng giang đại hải, cũng cốt để cho cuộc nhân sinh thêm phong phú đấy thôi. Sự thật thì thứ cô đơn nguyên thủy này chẳng có trở ngại nào đối với ông Bảy Mươi Sáu. Mỗi lần nó xâm nhập vô ông thì ông lại đi chuyện trò cùng lũ bò. Nhưng có một thứ luôn gây trở ngại đối với ông là khái niệm về sự vĩnh hằng. Nắng hạn, lúa héo khô dần, rồi chết. Bị ngã xuống suối, một trong hai con bò cày bỏ ăn, rồi chết, ông phải bỏ ra công sức thuần hóa một con bò rừng khác. Đến như đám gà con, con của mái gà ông mới nuôi để làm thực phẩm, chỉ qua một đêm mưa gió cũng chết hết. Tại sao lại có sự chết? Ông chưa quen được với điều này, vì chưa gạt bỏ được khái niệm vĩnh hằng ra khỏi ký ức. Một thứ vật thể khác, gọi là nỗi buồn, lại bắt đầu xâm nhập vào ông. Đến lúc này ông không hỏi lũ bò nữa, mà quyết định phải ra đi. Ông quyết định phải đi cho thật xa, đến những nơi có đủ các hình thái sống của loài người, để học cách tồn tại ở trần gian. Chính bộ tộc người ông gặp đầu tiên đã dạy ông về cách ăn nói. Mọi người trong bộ tộc đều bỏ chạy khi ông mới mở miệng hỏi: đây là nơi đâu? Cái giọng nói gây giông sấm mưa bão của Lạc Long Quân di truyền cho ông đã làm hại ông. Nhưng trí tuệ Au Cơ, trí tuệ của mẹ ông, mách bảo với ông rằng hãy im lặng để nghe người khác nói. Quả tình, theo cách ấy, ông đã chuyển được giọng nói to lớn do cha ông truyền lại sang giọng nói của người trần thế. Người ta đã nghe theo lời ông đi tìm đồng và sắt về làm dụng cụ cày cuốc, và chặn sông suối lại để lấy nước trồng lúa. Đến lúc này thì ông không còn lấy làm lạ lắm khi thấy trong bộ tộc có người chết. Một đứa trẻ lên năm đã chết vì bệnh thiên thời. Có người chết thì phải khóc hay sao? Sau đó không lâu, trong cuộc hành trình học làm người trần thế, có lần trông thấy con nai con lạc mẹ, đói sữa, sắp chết ở khu rừng nọ, ông đã khóc, là nhờ tình cảm thương xót đã thâm nhập vào ông. Ông Ruông đã để cho ông Bảy Mươi Sáu đi theo ngả mà sau này, vào thế kỷ thứ XII sau công nguyên, vua Jayavarman VII của đế quốc Ang Co đã cho đắp thành đường nối kinh đô Ang Co của ông với Vijya, kinh đô nước Chăm Pa, thuộc quốc của đế quốc Ang Co. Đi theo ngả ấy là theo hướng mặt trời lặn. Hướng đi Tây Á. Đây là cơ duyên. Vừa ra khỏi bộ tộc người ông gặp đầu tiên, ông Bảy Mươi Sáu đã gặp một người có nước da đen sáng đang đi ngược về phía ông, có vẻ rất vội. -Ông định đi về hướng đó sao? Ông lão hỏi. Ông Bảy Mươi Sáu gật đầu, đáp -Phải -Ở đó đạo đang suy vi. Ông nên đi hướng khác thì tốt hơn. Ông lão chỉ nói bấy nhiêu, rồi vội vã ra đi Đạo nào đang suy vi thì ông Bảy Mươi Sáu chẳng lưu tâm. Chỉ cần đến đó, nơi có sự suy vi, chỉ những nơi như thế mới giúp ông loại được khái niệm vĩnh hằng ra khỏi ký ức của mình. Qua khỏi một con sông lớn, con sông lớn đầu tiên ông gặp, ông Bảy Mươi Sáu lạc vào một nơi người ta đang nhảy múa ca hát -Xin cho biết đường đến nơi đạo đang suy vi Ông Bảy Mươi Sáu hỏi một cụ già, có lẽ là người đứng đầu bộ tộc đang ngồi xem bọn người kia ca hát Ông cụ nghe hỏi, ngửa cổ cười to, rồi bảo: -Ở đây chỉ có sự vinh quang. Bọn ta vừa cho bọn chúng một trận nên thân. Ông Bảy Mươi Sáu nhìn thử thì thấy có cả đàn ông, đàn bà, có cả lũ chó heo gà vịt, tất cả đều bị trói, đặt cạnh bọn người đang nhảy múa. -Chỉ cần chỉ cho hướng đi đến đó thôi. Ông Bảy Mươi Sáu nhắc lại yêu cầu của mình Ông cụ nạt: -Ta đã nói ở đây chỉ biết có mỗi sự vinh quang trong chiến thắng mà thôi. Qua khỏi con sông lớn thứ hai ông gặp trong cuộc hành trình, ông Bảy Mươi Sáu đã ở lại rất lâu với những tộc người mà sau này các nhà dân tộc học của nền văn minh hiện đại gọi là tộc người Môn. Ở đây chẳng có đạo nào suy vi. Ngược lại, đạo của đức Thế Tôn (người Môn gọi đạo ấy là đạo của đức Thế Tôn) là đang ở vào thời hưng thịnh. Ông Bảy Mươi Sáu thấy người Môn gọi người đứng đầu liên minh các bộ tộc của mình là vua. Đức vua vạn tuế. Đó là lời thần dân chúc tụng vua. Có nghĩa, ở nơi đây vẫn có mặt của khái niệm vĩnh hằng. Ông Bảy Mươi Sáu lại phải tiếp tục đi. Qua khỏi con sông lớn thứ ba ông gặp trong cuộc hành trình, ông Bảy Mươi Sáu lại cũng gặp người Môn. Gần hai trăm năm, ông vẫn lẩn quẩn sống trên phần mặt đất có ba con sông lớn, kể từ đông sang tây, theo cách đặt tên của các nhà địa lý học là Mê Kông, Salween vàIrrawaddy. Có bao nhiêu thế hệ nằm xuống. Còn ông Bảy Mươi Sáu thì vẫn y nguyên như ngày mới rời khỏi miền núi Tượng sông Tượng. Như thế là ông chưa thực sự hội nhập vào thế giới loài người. Một hôm, ông ngồi ở bờ con sông Irrawaddy nghĩ ngợi về điều mà người Môn cho là do đức Thế Tôn nói ra: Không có thực tại mà chỉ có ảo ảnh. Ông nhắm mắt nghĩ mãi vẫn không hiểu. Lúc mở mắt ra thì thấy mình đã ngồi trên một ngọn núi phủ đầy tuyết. -Thưa, đây là nơi đâu? -Đừng hỏi. Người đàn ông có khuôn mặt quá gầy ra hiệu ông Bảy Mươi Sáu đừng hỏi gì thêm, rồi tiếp tục ngồi im trong tư thế thiền định. Đành phải chờ thôi. Ông Bảy Mươi Sáu đã ngồi chờ trong suốt bảy ngày đêm. Chứ còn biết làm cách nào hơn. Núi thì cao, rậm, mà đường đi chẳng thấy. -Ta xem anh cũng là kẻ có duyên với đạo pháp Đến lúc này người đàn ông có khuôn mặt quá gầy mới mở mắt nhìn ông Bảy Mươi Sáu, nói, và bắt đầu thuyết giảng -Thời đó không có chết, vậy mà không có gì làbất tử, không phân biệt ngày và đêm, cái Nhất, cái Độc Nhất, không có hơi mà tự thở lấy được, ngoài Cái Đó ra không có cái gì khác nữa. -Nhưng đấy có phải là đạo đang suy vi? Gần hai trăm năm tìm kiếm, giờ mới gặp người nói về đạo, ông Bảy Mươi Sáu không thể ngồi chờ nghe cho hết bài thuyết giảng. -Anh bảo suy vi ư? Có hàng vạn người trên thế giới này đang tìm đến với đấng Chí Tôn Người đàn ông có khuôn mặt quá gầy vẫn ung dung điềm tĩnh giảng cho ông Bảy Mươi Sáu nghe về lẽ đạo ông đang theo đuổi. -Nhưng đấng Chí Tôn là ai? -Là cái Một, cái Nhất, cái Độc Nhất, là đấng Brahman, mà Brahman cũng là Atman. Cả đời ta chỉ mong muốn mỗi điều là được trở về với Đại Ngã. -Nhưng Đại Ngã nó là gì vậy? -Cũng tương tợ như sự vĩnh hằng vậy. Biết đây không phải là thứ đạo đang suy vi ông tìm kiếm, ông Bảy Mươi Sáu đã xin người đàn ông có khuôn mặt quá gầy chỉ cho đường xuống núi. Người ta bảo khi đế quốc Ba Tư xâm chiếm xứ này đã đổi tên sông Sindhu (chỉ có nghĩa là sông ) thành Hindu, và gọi tất cả miền bắc An Độ là Hindustan, nghĩa là xứ các con sông. Ông Bảy Mươi Sáu thấy nước sông Hindu còn nhuộm đỏ máu. Còn ở hai bên bờ thì có nhiều nấm mồ mới đắp. -Tất cả những thứ đó là do ta làm ra đó. Mà ngươi từ đâu đến? Một người tuổi trẻ mắt rất sáng đã chận ông Bảy Mươi Sáu lại, hỏi. -Thưa, kẻ này mới từ trên núi Himalaya xuống -Ta chẳng cần ngươi nói có theo đạo Vêda hay không, mà chỉ muốn biết người là dân xứ nào. Ông Bảy Mươi Sáu đã nghĩ ra được câu trả lời mà ngẫu nhiên lại trùng hợp với cách đặt tên đất của ngưới Ba Tư -Thưa, kẻ này từ nước Tượng đến. -Được, ta cũng chẳng cần biết nước Tượng là ở đâu. Mà ngươi đã biết ta là ai chưa? -Thưa chưa -Không biết cũng phải thôi, vì ngươi đang bị đạo ấy mê hoặc. Ta là vị đại đế cả xứ Hindustan này kính phục. Là Alexandre Đại Đế của nước Đại Hy Lạp, rõ chưa? Trí tuệ Au Cơ liền mách bảo ông Bảy Mươi Sáu đấy là một vì vua mạnh. -Nhưng có phải ngài đến xứ sở này là để làm công việc là làm cho thật nhiều người chết? -Chớ nói thế. Các chiến binh của ta nghe được sẽ cười ngươi là giống dân dã man. Ta đến xứ sở này là để truyền bá những điều cao cả của người Hy Lạp, truyền bá văn minh, nói rõ hơn là truyền bá lý trí Hy Lạp, rõ chưa? -Nhưng lý trí Hy Lạp là gì vậy? -Là những khả năng mà chỉ ngừơi Hy Lạp ta mới có, là những lý lẽ của óc não con người mà chỉ có người Hy Lạp mới thấy được, ngươi đã hiểu chưa? -Như vậy, máu của người Hindustan chảy trên sông Hindu là cũng do lý trí Hy Lạp tạo nên? -Để thấy được ánh sáng ấy, tất nhiên phải đổi chừng ấy máu. Ông Bảy Mươi Sáu rất vui vì đã gặp được người chỉ cho ông biết một khái niệm mới của trần gian: khái niệm lý trí. Với sự thu nhận của trí não ông lúc ấy thì khái niệm ấy có thể thu nạp hay loại bỏ những khái niệm khác, và cùng lúc có thể tạo ra vĩnh hằng và hủy diệt. Thế còn tìm chi nơi có thứ đạo đang suy vi?. Ông nghĩ ngợi, rồi lên đường, quay trở về miền sông Tượng núi Tượng của mình. Về tới bộ tộc người ông gặp đầu tiên, ông đã cưới một phụ nữ trong bộ tộc đó. Người ta kể cho ông nghe câu chuyện cổ tích rằng ngày xưa có chàng trai xưng là người miền núi Tượng sông Tượng đã đến dạy cho dân bộ tộc việc cày cấy, rồi âm thầm ra đi, chẳng biết đi đâu. -Chắc cũng lẩn quẩn trong cõi thế gian này thôi. Ông Bảy Mươi Sáu vui vẻ bảo mọi người. Ông và vợ ông cũng vui vẻ cho ra đời mấy chục đứa con. Để cho thế gian thêm phần vui vẻ, ông tặng cho con ông mỗi đứa một tên họ riêng. Đó là những bậc tổ phụ của cư dân miền núi Tượng sông Tượng. Trong đó có một người mang họ Lê, tức vị tổ phụ thứ bảy mươi lăm của dòng họ Lê Ruông. Ông Ruông cho rằng chỉ vài trăm năm mà ông Bảy Mươi Sáu đã thuộc hết tính nết loài người và hiểu được lý trí là gì, là quá vĩ đại. Thì cứ nghĩ xem. Các vị tổ phụ loài người, các vị homo sapiens, xuất hiện vào thời băng giá, thời địa chất Plêixtôxen, cách thời ông Bảy Mươi Sáu đến mấy trăm ngàn năm. Phải đến mấy trăm ngàn năm mày mò trong cuộc tiến hóa, loài người mới có được chừng ấy tính nết, và làm được những cuộc phiêu lưu như vua Alexandre của nước Hy Lạp cổ đại đã làm.