i quen Phong thật tình cờ, tình cờ đến mức lại như được sắp đặt bởi... ông trời. Hôm đó là Chủ nhật đầu tiên Vi ra khỏi nhà từ khi đến thành phố Rennes lạnh lùng không chỉ thời tiết mà cả con người. Từ chỗ cư xá cô ở muốn ra trung tâm thành phố phải đi bộ khá xa. Vi ăn mặc chỉnh tề, xách dù cẩn thận rồi thong thả bước. Ðường phố vắng ngắt, im lặng như tờ làm cô vừa thích vừa sợ. Các cửa hiệu đóng kín, thỉnh thoảng mới gặp vài cụ già chống gập đi trên vỉa hè. Một tiệm bánh mì phả mùi nóng giòn thơm nức mũi mở cửa lẻ loi. Vi bước vào, đứng nhìn mấy chiếc bánh baguette dài ngoằng duyên dáng nằm trên kệ nhưng rồi quyết định không mua. Ai lại xách theo ổ bánh mì đi vào trung tâm dạo phố chứ!Đến trước bưu điện, Vi thất vọng thấy cửa đóng kím mít. Ðúng là dân bên đây nhất định không chịu làm việc vào ngày cuối tuần. Mấy lá thư viết miệt mài đêm qua ngọ nguậy trong túi áo khoác buồn bực. Xem lại đồng hồ, Vi tự khâm phục mình đã đi bộ khá xa: bốn mươi lăm phút tập thể dục. Một kỷ lục chưa bao giờ đạt được hồi ở Việt Nam. Vi nóng phừng phừng, nhiệt độ trong người lên cao làm má cô đỏ ửng. Vi nhanh tay cởi hết ba bốn lớp áo, chỉ còn mặc cái áo tay dài sát người. Biết làm gì đây, cô dự định vào phố bỏ thư rồi đi dạo mấy cửa hàng quần áo nhưng bây giờ họ nghỉ làm, cửa nẻo im ỉm thế này thì còn gì là ngày Chủ nhật bỏ công ra khỏi nhà. Nghĩ đến đoạn đường bốn mươi lăm phút phải lê bước về cô rùng mình, thôi thì ra quảng trường trước tòa thị chính ngồi ngắm hoa vậy. Vi muốn bóc mấy cái thư hôm qua ra viết tiếp, kể lể nỗi thất vọng vì bưu điện không làm việc ngày Chủ nhật, các cửa hiệu cũng không buôn bán, đường xá không một bóng người, hoang vắng như thành phố ma.Một cơn gió đột ngột thổi đến trùm lên Vi đang phong phanh chỉ có một manh áo duy nhất trên người. Khi phát hiện mình đã nhiễm lạnh, Vi hốt hoảng mặc tất cả các áo vào người rồi đứng dậy đi tới đi lui cho người nóng lên. Ở đây mà bệnh là đại họa. Vi tưởng tượng ra cảnh người lao công tình cờ phát hiện cô sinh viên Việt Nam phòng 331 đã chết cứng trên giường từ bao lâu nay. Trời lạnh, cửa sổ mở toang nên xác không bị phân hủy, hèn gì mà lâu lắm không thấy cái dáng nhỏ nhoi với nụ cười rụt rè của cô mỗi khi chui vào thang máy chung với toàn dân da đen lao động tay chân to lớn kềnh càng. Nghĩ đến cảnh mình phải chết trong âm thầm ghê sợ như vậy Vi đang lạnh lại càng tím tái mặt mày hơn. Thôi thì ráng mò về cư xá. Giá mà có xe bus thì cô sẵn sàng bỏ ra 6 francs mua vé rồi leo lên chứ không kẹo kéo như mọi lần, nhưng hôm nay Chủ nhật, không có xe.Vi đi chưa được dăm bước thì mưa rào rào tuôn xuống như cái vòi sen bị hỏng phần nước nóng của phòng hôm Vi mới đến, nước lạnh buốt làm rợn cả sóng lưng. Cô trở tay không kịp, lúc dù được giương lên thì đầu tóc cô đã ướt bết rũ rượi. Vi vừa lầm bầm nguyền rủa vừa rảo bước cho nhanh. Gió vùng Bretagne trứ danh mạnh bạo mấy lần giật thốc chiếc dù lật ngược lên trời. Vi căng thẳng dùng hết sức bình sinh kéo dù xuống nhưng đã có vài cái gọng bị gãy từ những lần đi mưa trước. Nước cứ thế tong tong nhỏ xuống làm cô càng điên tiết hơn. Cô muốn tìm chỗ trú mưa nhưng nếu đứng lại thì lạnh không chịu nổi vì gió cứ thổi rù rù. Giá mà có một quán bar nào mở cửa cô chui vào uống một ly chocolat nóng thì còn gì bằng. Vi đi ngang qua nhà hàng của Tàu sơn màu đỏ chói. Ghé mắt nhìn vào cô mừng rỡ thấy có khách đang ngồi bên trong làn cửa kính ấm cúng. “Sự sống vẫn còn ở nơi đây!” - Vi tự nhủ - “Thôi vô kêu đại một món gì đó chờ tạnh mưa thì về. Tuần sau ăn mì gói trừ vào khoảng thâm hụt hôm nay”. Tuy nghĩ như vậy nhưng cô vẫn còn do dự, đến khi thêm một cơn gió nữa làm dù bung ra khỏi tay lăn lông lốc trên đường cô mới quyết định “Chơi sang một bữa còn hơn chết cứng không ai hay!”Chắc trong Vi kinh dị quá với lớp áo quần lùng bùng, mái tóc rũ rượi và cây dù long cán gãy gọng nên khi Vi vừa đẩy cửa bước vào mọi người đều quay đầu nhìn ngộ nghĩnh. Anh chệt bồi bàn chạy lại giúp Vi cởi bớt áo và treo dù lên móc. Anh ta hỏi cô bằng tiếng Pháp: “Cô chỉ có một mình?” rồi dẫn cô đến một bàn khuất trong góc phòng. Nhà hàng bên đây nhỏ xíu như mấy cái tiệm ăn bên Việt Nam, phục vụ thì chỉ có một người, vậy mà mắc dễ sợ. Vi không nhìn vào các món ăn mà nhìn bên cột giá tiền, dứt khoác chỉ vào món có giá thấp nhất. Thì ra đó là cơm chiên Dương Châu. Anh bồi lại hỏi “Một món thôi sao?”, Vi cúi đầu gục gặc: “Tôi không đói lắm”. Thấy quê quê.Và thế là, cô nàng Vi kiêu hãnh từng hay ngước mặt nhìn lên khi tiếp xúc với con trai đã có cuộc gặp gỡ tiền định như vậy với chàng kỹ sư tin học mới ra trường.- Em bên Việt Nam mới sang phải không?Khi bưng dĩa cơm đến cho Vi, đột nhiên anh chệt bồi bàn cất tiếng hỏi làm cô giật bắn người.- Anh... anh cũng Việt Nam sao? - Giọng Vi run run - Anh không phải Tàu sao?- Bộ nhìn anh giống lắm hả? - Anh chệt, à không, anh Việt Nam cười - Ừ thì mắt anh không được to lắm!Nói đến đây anh chàng phải chạy đi phục vụ cho bàn khác. Vi không dám ăn nhanh, sợ ăn hết thì phải ra về mà trời thì vẫn còn mưa, gió đang làm cây lá xào xạc bên ngoài. Anh bồi trở lại vui vẻ hỏi:- Ăn được không mà sao thấy “nhơi” quá vậy?- Ngon lắm - Vi thành thật - Gần một tháng nay em ăn toàn mì gói, bánh mì với thịt chà bông đem bên nhà sang.- Sợ ăn hết phải về sớm phải không? - Anh bồi chẳng cần rào trước đón sau - Yên tâm, ở đây mở cửa đến hai giờ trưa, cứ ngồi lại cho đến lúc đó.Khách lại vào, anh bồi còn kịp nói thêm:- Em uống nước trà nóng nghen - Anh nheo mắt cười nghịch ngợm - Hổng có tính tiền đâu!Đến hai giờ trưa, lúc nhà hàng đóng cửa, Vi đứng dậy ra về và anh bồi cởi tạp dề, kết thúc buổi làm việc của mình thì hai người đã trở thành bạn bè, có vẻ quyến luyến không muốn chia tay. Mưa đã dịu bớt, gió cũng thôi không quá lộng hành. Vi bung cây dù “thương binh” của mình lên, gật đầu hẹn hò “Thứ Tư nhe!” rồi hùng dũng đạp lên những chiếc lá vàng đẫm nước quay về cư xá.Sau này cả hai đều đồng ý đó là một cuộc gặp gỡ đầy duyên số. Này nhé, Vi vốn không ra đường ngày Chủ nhật. Từ lúc đến Rennes học cao học, cô chỉ cần vận dụng ngày nghỉ để “ngâm cứu” mấy cuốn sách dày cộp. Và nếu không có cơn mưa tai quái làm cô phải tìm chỗ trú thì đời nào một người “bủn xỉn” có thói quen sống bên Pháp mà nhân ra tiền Việt Nam như cô chịu bấm bụng bước ra nhà hàng. Còn Phong, đường đường chính chính đã là kỹ sư tin học tốt nghiệp Grand Ecole INSA, lương bổng hậu hĩnh, vậy mà hôm đó nể tình bà chủ người Tàu ngày xưa từng chịu nhận Phong làm lậu mấy ngày cuối tuần nên đã đến phụ bà vì anh bồi đương kim của bổn tiệm có việc gia đình phải nghỉ đột xuất.Cho đến lần gặp thứ hai Vi vẫn chưa biết Phong thuộc vào hàng các công ty trải thảm đỏ mới về làm ở cái xứ dân bản địa còn rên thất nghiệp hà rầm. Vi hãy còn nghĩ Phong làm anh bồi trong nhà hàng Trung Hoa.- Vậy mà em vẫn vui vẻ với anh, lại còn thành thật khai báo mình không dám chi tiêu - Phong hay cảm động nhớ đến điều này - Em hào phóng mời “anh bồi” về cư xá ăn món bún bó Huế tự tay nấu và không có vẻ gì là kiêu ngạo của một sinh viên xuất sắc được học bổng toàn phần của Chính phủ Pháp.Hôm đó Vi giữ kẽ, không dám cho Phong vào căn phòng năm mét vuông của mình. Cô để anh ngồi trong nhà bếp tập thể. Mấy anh chàng da đen nấu món gà nướng mọi theo kiểu truyền thống châu Phi làm khói bay mù mịt át hết mùi bún bò. Phong bực bội nhưng Vi lại thấy hay vì như thế anh không đánh giá được trình độ nấu ăn quá kém cỏi của mình. Cô tự cho là buổi tiếp Phong thành công ngoài mong đợi. Hôm sau Vi nhận được email của anh cảm ơn về buổi tối và món bún bò, nhưng câu cuối làm cô khá bất ngờ: “Dọc đường về mấy con chó cứ chạy theo xe đạp anh sủa nhặng xị lên vì người anh có mùi thơm hấp dẫn của thịt gà nướng. Lần sau hy vọng em tìm được một chỗ lịch sự hơn để tiếp anh!”Trước khi sang Pháp du học, người yêu Vi có ý nghi ngờ khả năng chung thủy của cô. Tấn vốn chỉ tốt nghiệp cao đẳng rồi đi làm, dù lương khá cao nhưng lúc nào cũng có ý mặc cảm với Vi vì cô có học vị cao hơn. Mặc cho Vi luôn phân bua bằng cấp không đóng vai trò quan trọng trong tình yêu nhưng Tấn vẫn hay tự ti mình thua sút. Khi Vi mừng rỡ báo tin mình đã thành công trong việc đạt được học bổng đi Pháp học cao học, Tấn nói thẳng: “Rồi anh sẽ mất em!”. Vi không muốn thề non hẹn biển gì với Tấn nhưng cô đã nói chắc như đinh đóng cột lúc chia tay ở sân bay: “Năm sau em sẽ về với anh, nguyên vẹn!”. Khi Phong mời Vi đi xem phim cuối tuần sau sự kiện “gà nướng mọi”, cô vui vẻ nhận lời dù nghĩ Tấn mà biết được chắc điên tiết. Nhưng Phong là người Việt duy nhất cô quen ở đây. Hai đứa hẹn nhau trước rạo chiếu ở Place de Columbia. Bộ phim “Một mùa thu ở New York” không có gì hấp dẫn nhưng nói về tình yêu và có nhiều cảnh khiến Vi đỏ mặt. Lúc về Phong dắt xe đạp cùng đi bộ chung với cô.- Sao? - Phong hỏi bâng qươ - Phim được không?- Cô nàng đó vừa trẻ vừa đẹp mà lại đi yêu mê mệt người già hơn mình gấp đôi tuổi - Vi nhún vai - Xạo!- Tình yêu mà, đâu có luật lệ!- Làm như anh nhiều kinh nghiệm lắm!- Còn em, đã đứng ở trong vòng tay của ai chưa?Phong hỏi tỉnh bơ. Vi không biết phải trả lời sao vì thật ra lúc đó cô cũng không nhớ mình đã từng yêu ai chưa (!?)- Anh sống bên đây năm năm nên ảnh hưởng cách nói chuyện thằng của tụi Tây - Vi nhăn nhó cười - Dù gì đây cũng là một vấn đề tế nhị theo cách suy nghĩ của người Việt mình mà!Tối đó Vi khó ngủ. Cô biết gì về Phong? Theo như lời Phong tâm sự thì anh chỉ lớn hơn Vi một tuổi nhưng vì có bề dày lăn lộn với cuộc sống nên trông Phong khá già. Phong phải phấn đấu thật nhiều để được sang Pháp du học, phải cạnh tranh gắt gao để thi đậu vào trướng đại học đào tạo kỹ sư rất có uy tín và phải vừa học vừa mưu sinh vất vả để tồn tại. Cả quá trình này chỉ tóm gọn trong một câu nhưng Vi hiểu anh đã vất vả đến nhường nào. Vi sang đây có học bổng, được tuyển thẳng vào trường vậy mà cũng thấy “chua” lắm cuộc sống nơi xứ người.Lâu lắm rồi Vi không gặp Phong. Cô bận học bù đầu còn anh bận làm bù cổ. Hai đứa chỉ trao đổi qua email những câu ngắn ngủi như: “Anh khỏe không? Chừng nào mình đi xiné tiếp?” hay: “Em thi tốt chứ? Tuần sau anh lại đi công tác ở Paris”. Vi cũng viết email thường xuyên cho Tấn nhưng Tấn hay giận hờn, trách cô viết quá ít và nghi ngờ cô có mối bận tâm khác rồi. Quá bận rộn Vi cũng chẳng buồn đính chính. Bản thân cô còn không rõ mình như thế nào thì làm sao giải thích. Một buổi tối bà thư ký ở trường mời Vi đến nhà hàng Trung Hoa chỗ gặp “anh chệt” lần đầu. Ăn chưa xong bà thư ký có người phone vào điện thoại di động gọi đi gấp. Vi ngồi lại nói chuyện với bà chủ nhà hàng. Bà ta nói Tiếng Việt khá sôi, khoe Phong trong bốn năm làm ở đây đã dạy bà và bà cũng truyền lại tiếng Hoa cho Phong: “Nó sáng dạ lắm, lại nhanh nhẹn và cầu tiến nên moi thương!”. Bà kể lúc đầu anh đến năn nỉ xin làm thêm, bà chỉ cho làm lậu. Có nghĩa là bà chỉ trả lương cho anh nhưng không khai báo, không trả phần bảo hiểm xã hội và thuế cho Chính phủ. “Nếu người ta bắt được là phạt moi nặng lắm! Mấy lần có người vào kiểm tra moi phải mở cửa sau cho thằng Phong trốn ra ngoài, hồi đó nó còn làm trong nhà bếp, cuốn chả giò và phụ nấu ăn”. Sau đó thấy Phong thật thà và chịu khó, bà giao anh làm kế toán sổ sách và chính thức thuê anh làm có khai báo. Mấy lần về Hồng Kông và Việt Nam nghỉ hè, bà tin tưởng để Phong giữ tiệm. Anh miệt mài làm suốt ba tháng hè thì đủ tiền sống trong cả năm. “Vậy mà vào năm học nó còn đến làm vào hai ngày cuối tuần, nó gửi tiền về Việt Nam cho gia đình. Moi đến nhà nó chơi rồi, ở Tiền Giang, ba nó làm ruộng nhưng gốc là thầy giáo, mẹ nó dạy tiểu học. Nghèo!”Vi gọi điện thoại cho Phong làm anh bất ngờ: “Sao hôm nay xài sang? Có gì viết email cũng được rồi!”. Vi cười, tự thấy mình khá cởi mở: “Thì lâu lâu nhớ giọng anh, mà em cũng quen với cách sống bên đây rồi, không còn thói quen nhân ra tiền Việt Nam rồi xuýt xoa than mắc nữa đâu. Cuối tuần này đến chỗ em ăn bún thịt nướng không?”. Cô nghe giọng anh nén cười: “Em tiếp anh trong nhà bếp tập thể hả? Lần này coi chừng chó cắn anh thật vì người anh đầy mùi thịt nướng đó”. Rốt cuộc, Phong rủ Vi đến căn hộ của anh, như vậy vừa tiện vì ở đó rộng rãi lại vừa cho cô biết nhà.Nhà Phong đơn giản và ngăn nắp. Vi ngồi nhún nhún trên chiếc ghế bành êm ái nhìn Phong trổ tài nấu ăn. Lúc Phong gắp vào chén cô chiếc bánh bao nướng xinh xắn và cái cánh gà chiên bơ, chưa ăn, đột nhiên Vi hỏi:- Anh đã từng ôm ai trong vòng tay chưa?- Một câu hỏi chẳng tế nhị - Phong cười nhận xét, nhưng không mấy bất ngờ - vì em chưa trả lời anh nên anh cũng không trả lời em. Nhưng anh có em biết một thông tin: anh chưa bao giờ nấu ăn đãi ai như vầy.- Thật hân hạnh!- Nếu vậy thì phải ăn cho nhiều vào, ăn không hết không cho về!- Nếy vậy em không thèm ăn...Hai đứa nhìn nhau. Vì biết mình lỡ lời nhưng không thấy hối hận. Tuy nhiên cũng nên đính chính:- Ý em nói ở đây thật dễ chịu, dễ chịu hơn cái nhà bếp tập thể chỗ em!Nhưng dù Vi không ăn hết chỗ thức ăn Phong nấu đãi cô, cuối cùng cô cũng phải về, Phong đưa cô trở lại cư xá. Hai người đi bộ dưới trời mùa thu đầy lá và gió. May thay hôm nay không mưa nên anh và cô tha hồ dạo bước, chẳng thấy lạnh tí nào. Nhưng khi đến nơi, Vi sắp vào nhà và Phong phải quay về thi đột ngột những hạt mưa mùa thu lại bất ngờ ào xuống.- Không phải lỗi tại em nha! - Vi cười lôi trong giỏ lấy cây dù của mình ra - Cho anh mượn đó!Phong giương dù lên, gió tức khắc làm cho nó lật ngược lên trời, những cái gọng gãy lặc lòi chĩa tứ phía. Bằng một động tác nhẹ nhàng và khéo léo, anh dễ dàng điều khiển chiếc dù trở lại vị trí cần thiết.- Cô nương xài dù ngộ ghê! Lần sau trả lại anh sửa cho - Phong nháy mắt nghịch ngợm - hổng có tính tiền?Vi nhìn anh bước đi thư thái, chiếc dù gãy gọng ngoan ngoãn trên tay. Gió vẫn rít trên cao, cây cối nghiêng mình, những chiếc lá vàng tuôn rơi lả tả. Trước khi quẹo khuất, Phong còn kịp quay lại cười với cô dịu dàng.