Singapore cũng là một trường hợp rất hi hữu. Nó là một thành phố thương cảng hơn là một quốc gia và cũng không phải là một thành phố lớn, với một diện tích 639 km2 và một dân số chưa đầy ba triệu. Nhưng Singapore không phải là một ngoại lệ đối với qui luật tự do dân chủ tạo ra phát triển. Được thành lập từ đầu thế kỷ 19 bởi một người Anh, bắt đầu từ một làng đánh cá với khoảng một trăm người, Singapore chưa hề biết tới một tổ chức xã hội nào khác hơn là khuôn mẫu tự do dân chủ phương Tây. Singapore được hoàn toàn tự trị dưới sự giám sát của người Anh tương tự như Hồng Kông từ 1959 và trở thành một nước độc lập từ 1965. Chính quyền nằm trong tay một quốc hội xuất phát từ bầu cử tự do và quốc hội chỉ định một thủ tướng. Chắc chắn Singapore không phải là một chế độ dân chủ gương mẫu. Đảng Nhân Dân Hành Đồng, cầm quyền từ ngày độc lập, đã sử dụng những biện pháp không mấy lương thiện để tiếp tục nắm chính quyền, chẳng hạn như trợ cấp cho những khu nào bầu cho đảng cầm quyền. Nhưng các đảng đối lập không bị cấm, người đối lập không bị bỏ tù, báo chí không là độc quyền của nhà nước. Đảng cầm quyền dùng các biện pháp bất chính để thắng cử nhưng không cấm đối lập ứng cử và không gian lận kết quả các cuộc bầu cử. Singapore cũng là một nước có luật lệ khá khe khắt, nhưng với một diện tích quá nhỏ và một mật độ dân số 5.000 người trên một cây số vuông, đó có lẽ là cái giá phải trả để giữ gìn trật tự an ninh. Vả lại luật pháp tuy khe khắt nhưng lại được áp dụng một cách đứng đán cho tất cả mọi người. Và dẫu sao nhu cầu dân chủ cũng không đặt ra cho một thành phố nhỏ như Singapore một cách gay gắt như đối với một quốc gia lớn. Dân chủ chủ yếu là phương thức sinh hoạt cho một nước có tầm vóc đáng kể, phải đương đầu với những chọn lựa lớn và phải cai trị một dân số đông đảo với nhưng điều kiện sinh hoạt, những ưu tư và nguyện ước khác nhau. Singapore không có nhưng vấn nạn đó. Chức năng của nó rất ro rệt vì con người ở đây không có mục đích nào khác hơn là làm giàu; điều mà họ mong muốn là được tự do sinh sống và làm ăn, và họ đã đạt được. Nhu cầu dân chủ chỉ là thứ yếu.Trong những năm gần đây, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu, người đã có công dẫn dắt Singapore trong hơn ba mươi năm trên con đường đi tới phồn vinh, đã lên tiếng nhiều lần đề cao những giá trị châu á với một giọng điệu bài bác chung chung các giá trị của phương Tây. Vì tự do, dân chủ và nhân quyền được coi là những giá trị của phương Tây nên những phát biểu của họ Lý được hiểu là không thuận cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhà cầm quyền cộng sản Việt nam đã lập tức tôn ông Lý làm bậc thầy (trên thực tế họ đã mời ông làm cố vấn, để rồi có lúc bị ông mắng là không chịu cải tổ kịp thời).Nhưng đối với Singapore, chúng ta không nên quên hai sự kiện rất cơ bản:Một là, dù Singapore có phồn vinh đến đâu đi nữa nó cũng chỉ là một thành phố trung bình và dù ông Lý Quang Diệu có thành công đến đâu đi nữa ông cũng chỉ có kinh nghiệm của một viên thị trưởng. Ông có thể lấy kinh nghiệm của mình để làm cố vấn cho một thành phố thương cảng như Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng nhưng ông không thể dạy bảo một quốc gia với những vấn đề mà ông chưa bao giờ biết tới.Hai là, có một cái gì rất khôi hài trong những giá trị của châu á, mà Lý Quang Diệu đề cao khi đã về hưu. Hơn tất cả mọi quốc gia và hơn cả Hồng Kông, Singapore là nước châu á bị Tây phương hóa nặng nhất. Mọi người Singapore đều thạo tiếng Anh và đa số không viết thạo tiếng Tàu. Tập tính của người Singapore là tập tính buôn bán, tôn giáo của Singapore là của cải vật chất, cái Khổng Giáo mà ông Lý đề cao chỉ là một thứ Khổng Giáo đô-la. Trong suốt cuộc đời hoạt động của ông, Lý Quang Diệu đã dồn mọi có gắng để bắt chước phương Tây tối đa. Chỉ đến khi về già, ông mới bày tỏ một sự lưu luyến muộn màng với nguồn gốc Trung Hoa của ông. Đó chẳng qua là tâm lý lá rụng về cội thông thường của con người. Người ta có thể hiểu ông nhưng không thể lấy những lời nói của ông làm tiền mặt.