Thái Lan chỉ được biết tới như một con rồng hay con cọp tương lai trong vài năm trước cuộc khủng hoảng tài chánh châu á khởi đầu từ tháng 7-1997 tại chính Bangkok. Thái Lan không phải là một mẫu mực thành công về kinh tế và vì thế về cơ bản không chứng minh điều gì rõ rệt. Điều đáng nói là Thái Lan đã phải thành công hơn.Quốc gia này may mắn nhất Đông Nam á, có lịch sử khá lâu đời và không bị ngoại thuộc, ngoại trừ thời gian ngắn ngủi bị Nhật chiếm đóng nhưng không gây đỗ vở. Thái Lan đã kháng cự một cách rất hình thức trong vòng vài giờ rồi đầu hàng và sau đó cũng chỉ bị Nhật chiếm đóng một cách hình thức cho đến khi Nhật đầu hàng. Thái Lan cũng may mắn có một hình thức dân chủ thật sớm, ngay từ 1932 khi một cuộc đảo chánh buộc vua Thái chấp nhận chế độ quân chủ lập hiến, nhường thực quyền cho một chính phủ xuất phát từ một quốc hội do dân bầu.Với sự chuyển hóa mau chóng và bình ổn lâu dài như vậy đáng lẽ Thái Lan phải là nước phát triển bậc nhất châu á, nhất là Thái Lan có đất rộng, vị trí khá thuận lợi và tài nguyên khá phong phú. Nhưng sự thực đã không diễn ra như vậy, vì có bề ngoài nhưng cũng còn có bề trong. Mà bề trong là gì?Đó là các tập đoàn tướng lãnh đã thay nhau cầm quyền dưới một chế độ dân chủ trong hình thức nhưng độc tài quân phiệt trong nội dung. Lịch sử cận đại của Thái Lan có thể tóm tắt như thế này: khi một nhóm tướng lãnh cảm thấy đủ sức mạnh, họ đảo chính lật đổ đám tướng lãnh đang cầm quyền và nhóm tướng lãnh bị hất cẳng quay ra làm thương mại hoặc cạo đầu đi tu chờ cơ hội trở lại cầm quyền. Nhưng cuộc đảo chánh không đổ máu kế tiếp nhau trước sự dửng dưng thụ động của quần chúng. Tình trạng này đã chỉ thật sự chấm dứt tháng 9- 1992, khi lập đoàn quân phiệt phải nhượng bộ, sau khi đã đàn áp đẫm máu mà không dẹp được, những cuộc xuống đường rầm rộ đòi dân chủ. Chế độ độc tài quân phiệt Thái Lan đã kéo dài suốt sáu mươi năm bởi vì nó dựa trên một liên minh rất vững chắc giữa quân phiệt, tài phiệt và nhà vua, nghĩa là một liên minh vừa có bạo lực, vừa có tiền lại vừa có tính chính đáng do lịch sử và truyền thống. Chưa kể là nó còn có một đồng minh gián tiếp là Phật Giáo Tiểu Thừa, một tôn giáo nhân nhục và thụ động.Nếu trường hợp Thái Lan có chứng minh điều gì thì đó là dân chủ không do phát triển kinh tế mang lại. Trong suốt thời gian sáu mươi năm, mặc dù mức độ tăng trưởng không cao nhưng sinh hoạt kinh tế xã hội cũng đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giành dân chủ đã chỉ do sinh viên chủ động, mà sinh viên thì không thuộc một thành phần kinh tế nào, còn gia đình họ thì hầu hết thuộc thành phần quân phiệt hoặc tài phiệt, nghĩa là những thành phần được ưu đãi và đáng lẽ phải gắn bó với chế độ. Người ta không ghi nhận một cuộc đấu tranh có động cơ kinh tế nào trong suốt thời gian này. Các sinh viên đã chỉ xuống đường vì những lý tưởng tự do, dân chủ, nhân duyên do ảnh hưởng của văn hóa và truyền thông. Mọi cuộc biểu tình của sinh viên đều bị đàn áp thẳng tay, mỗi lần vài chục sinh viên thiệt mạng, trong khi những cuộc đảo chánh quân sự rất ít khi có người chết hay bị thương. Mùa Xuân 1992, sau một cuộc bầu cử gian dối, lực lượng sinh viên xuống đường đã mạnh gấp bội nhưng lần trước, không phải vì cơ cấu kinh tế đã thay đổi mà vì sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và khối cộng sản đã đẩy thế giới vào kỷ nguyên dân chủ. Khí thế đấu tranh cho dân chủ đạt một cường độ chưa từng có, trong khi tập đoàn quân phiệt Thái vừa lung lay như mọi tập đoàn độc tài trên thế giới, vừa mất lý cớ cầm quyền để chống nguy cơ cộng sản. Chế độ quân phiệt Thái cáo chung. Về mặt kinh tế, Thái Lan đã chỉ phát triển chậm chạp cho tới giữa thập niên 1960, sau đó Thái Lan, nhờ vị trí hậu cần cho đoàn quân Hoa Kỳ tại Việt nam, đã nhận được một khoản viện trợ lớn và kinh tế đã có phần khởi sắc, tuy vậy Thái Lan cũng vẫn còn thua xa nước láng giềng Mã Lai. Phải chờ đợi đến sau 1992 khi chế độ quân phiệt chấm dứt, kinh tế Thái Lan mới thực sự cất cánh. Từ đó trở đi người ta mới bắt đầu nói tới Thái Lan như con rồng mới. Cuộc khủng hoảng tài chánh ập tới, đưa Thái Lan trở lại với một tham vọng khiêm nhường hơn. Mùa hè 1998, đúng một năm sau cuộc khủng hoảng, tôi có dịp trở lại thăm viếng Thái Lan và nhận xét một cách rất khác với nhiều người. Tôi thấy đó là một quốc gia dân chủ, với sinh hoạt kinh tế đang được lành mạnh hóa và một tâm lý kinh doanh rất rõ rệt. Trái với nhiều người, tôi lạc quan cho Thái Lan sau này hơn là trước mùa hè 1997.Điều cần chú ý là Thái Lan đã phát triển mạnh sau khi dân chủ hóa, và từ đó không còn những xung đột đẫm máu như trước nữa. Trường hợp Thái Lan như vậy cũng không phải là một ngoại lệ của qui luật dân chủ đi trước và kéo theo phát triển. Hơn nữa nó còn bẻ gãy một lý cớ quen thuộc của các tập đoàn độc tài là dân chủ đưa tới hỗn loạn. Chính dân chủ đã tránh cho Thái Lan một thảm kịch. Thử tưởng tượng cái gì sẽ xảy ra vào mùa hè năm 1997, khi một cách rất đột ngột kinh tế gần như sụp đổ hoàn toàn, nếu chế độ vẫn là độc tài quân phiệt? Chắc chắn sẽ có bạo loạn và đổ máu lớn.