KHẢO CỨU ĐỊA LÝ HỌC LỊCH SỬ

Dõi theo sử sách để tìm lại chỗ đứng cho các bậc tổ phụ của mình, đấy là cách làm của ông Ruông. Và để cho con cháu nhà họ Lê thấy được cha ông mình đã sống trong một miền đất như thế nào, ông đã bỏ công làm một khảo cứu về miền sông Tượng núi Tượng qua các thời. Tức khảo cứu địa lý học lịch sử.
Trước khi đi vào phần chính của khảo cứu, tức sự thay đổi qua các thời, ông Ruông phóng một cái nhìn tổng thể từ khởi thủy đến hiện tại. Chữ khởi thủy ông dùng ở đây có tính cục bộ, có nghĩa chỉ cho thời ông Bảy Mươi Sáu xuất hiện. Từ thời ông Bảy Mươi Sáu xuất hiện cho đến hiện tại, miền đất này chưa hề bị chia tách. Chỉ xảy ra điều khi thì được sáp nhập vào khi thì bị tách ra khỏi một miền rộng lớn hơn, mỗi lần có chuyện nhập vào hay tách ra như thế thì lại được đứng vào một đất nước mới, ở dưới sự trị vì của một ông vua mới, một vị nguyên thủ quốc gia mới. Đây là nét tổng thể thứ nhất của miền sông Tượng núi Tượng, ông Ruông gọi là sự ưu đãi của lịch sử. Nét tổng thể thứ nhì là sự bình yên trong lĩnh vực địa chất. Miền sông Tượng núi Tượng nằm trong dải đất Đông Nam Á, thuộc nền lục địa cổ Lôraxia, nên rất ít xảy ra những biến cố lớn về địa chất. Chưa thấy có sử sách nào nói về động đất ở miền này. Lâu lâu cũng có xảy chuyện làm rúng động làng xóm, để lại những dư chấn đến năm mười năm sau, ví như việc ông cưới bà Ruông. Nhưng đấy là những hiện tượng xã hội chứ không phải hiện tượng địa chất. Nét tổng thể thứ ba coi như một phát hiện mới của ông Ruông. Về mặt thổ nhưỡng, miền sông Tượng núi Tượng thuộc vùng đất cát pha.
 Bên dưới tầng cát pha là tầng đất sỏi. Mưa nhiều, nước rút rất chậm. Nắng gắt, đất rất chóng khô. Những yếu tố này vô cùng bất lợi đối với trồng trọt. Qua các thời, cũng có những nổ lực cải tạo đồng ruộng, nhưng chỉ là cải tạo tầng canh tác mỏng ở trên mặt. Còn tầng đất sỏi bên dưới, là nền tảng của thiên nhiên, thì con người không nỡ. Vì muốn cải tạo tầng đầt này là phải hốt nó đi, có nghĩa sẽ biến đồng ruộng thành một cái hồ chứa mênh mông.
Thổ nhưỡng như thế, nên sản lượng bất cứ loại cây trồng nào cũng thấp. Trong khi đó sản lượng con của dân cày ruộng thì luôn tăng. Cho nên thời nào cũng nghèo đói. Và do nghèo đói, con người ở đây đã không ngừng tư duy trong cuộc mưu sinh. Từ đó mới có nền văn minh nông nghiệp vào loại sớm nhất của nhân loại. Như vậy là nghèo đói đã sinh ra văn minh. Nét tổng thể thứ tư là sự độc đáo trong cách đặt tên đất tên làng. Là gắn với một ngành nghề có vẻ hiếm hoi, hay gắn với tên một nhân vật có hành tung khác thường nào đó. Chẳng hạn làng của ông Ruông có tên làng Dầu. Rừng núi Tượng có nhiều cây dầu rái. Dân làng Dầu phần lớn là những thợ lấy mủ dầu rái. Có một thời trong vận tải đường thủy (cả sông lẫn biển ) người ta dùng thuyền nan trét bằng dầu rái. Một thời, khi chưa có đèn điện, người ta thắp sáng bằng đèn dầu rái.
Những cây đèn được chế tạo bằng cách đem mủ dầu rái trộn với mùn cưa hay gỗ vụn, gói lại bằng lá đèn thành những đòn bánh như bánh tét, khi thắp lên xóm làng cũng sáng trưng như thắp điện. Ông Ruông bảo nếu không có điện thì làng ông vẫn chẳng sợ, vì ở đây đã sẵn có một nền văn minh bản địa về thắp sáng. Như thế, khi nghe gọi làng Dầu, người ta lập tức hiểu rằng nơi đó có liên quan đến việc sản xuất dầu rái. Còn khi nghe gọi làng Gàu, làng Nong thì biết ở đó có những người đương gàu múc nước, đương nong nia, thúng mủng. Nhưng khi nghe nói đồng ông Cộ người ta liền bị kích thích phải tìm hiểu sự tích về một con người sống cùng thời với Vương Mãng bên Tàu. Vương Mãng khi được ngôi vua thì làm biến pháp kinh tế. Còn ông Cộ, theo tương truyền, là người đã chế ra cái xe cộ bánh ngang, xe giống hệt chiếc giường nằm đặt ngửa, để vận chuyển than, củi từ rừng núi Tượng về. Đồng ông Cộ là do ông ấy khai phá. Như thế là vào đầu công nguyên, ở vùng đất này đã có phát minh cơ giới.
Ta lấy làm tự hào vì đã được sinh ra ở một miền đất có một nền văn minh bản địa lâu đời như thế. Thời cổ xưa có lắm người học rộng, tài cao. Có người làm quan đến cấp triều đình. Lại có người là tướng đánh giặc rất giỏi. Có điều ta lấy làm lạ vì sao một vùng đất cái gì cũng có vẻ khác thường, cái gì cũng có vẻ độc đáo như vậy, văn minh mà sinh từ nghèo đói là không khác thường là không độc đáo hay sao, một vùng đất như vậy mà lại không có ai ra làm vua. Mà thôi, không có ai ra làm vua cũng được đi. Nhưng con người ở đây thì luôn tư duy về sự tồn tại, mà lại không sản sinh được một vị triết gia nào, nghĩ cũng lạ.
Đang phóng cái nhìn tổng thể về đất quê của mình, ông Ruông đãdừng lại để mở ngoặc đơn, ghi nguồn hứng khởi bất chợt của ông. Đoạn văn trên là ở trong ngoặc đơn
Còn sau đây là sự thay đổi qua các thời.
Trước năm 111 trước công nguyên có sự kiện trọng đại là sự xuất hiện của ông Bảy Mươi Sáu. Căn cứ vào các tài liệu khảo cổ học, ông Ruông thấy miền núi Tượng sông Tượng của ông nằm trong vùng văn hóa Sa Huỳnh. Cũng theo phát hiện khảo cổ học thì từ những ngàn năm trước công nguyên cư dân của văn hóa Sa Huỳnh đã sống đan xen với cư dân văn hoá Đông Sơn có nguồn gốc ở phương bắc. Như thế, khi ông Bảy Mươi Sáu xuất hiện ở đây thì cả một vùng rộng lớn chung quanh đã có những cư dân mang sắc thái đa văn hóa. Vì không thể tra cứu được lúc bấy giờ miền núi Tượng sông Tượng thuộc bộ tộc nào hay quốc gia nào, nên ông Ruông gọi thời này là thời chưa có chánh phủ.
Các cổ thư Việt Nam và Trung Hoa đều chép rằng vào năm 111 trước công nguyên, nhà Hán của Trung Hoa đã chiếm được nước Au Lạc, và tiến chiếm thêm một miền nữa ở phía nam Au Lạc đặt tên là quận Nhật Nam để sáp nhập vào hai quận cũ của Au Lạc là Giao Chỉ và Cửu Chân. Ông Ruông tra cứu thấy miền đất quê ông lúc ấy là cực nam của huyện Tượng Lâm, mà Tượng Lâm là huyện cực nam của quận Nhật Nam. Như thế, vào năm 111 trước công nguyên, miền núi Tượng sông Tượng thực sự được đứng vào một đất nước có tên tuổi hẳn hoi là Au Lạc, và là biên cảnh phía nam của Au Lạc. Có điều nước Âu Lạc lúc ấy không còn được vua Thục trị vì, mà do vua Hán cai trị. Nói là cai trị, thực chất thì người Hán chỉ giữ các chức thứ sử, thái thú, tức chức trưởng châu, trưởng quận, còn các địa phương thì vẫn còn giữ nguyên bộ máy hành chánh cũ. Ngồi ở kinh đô Trường An, rồi kinh đô Lạc Dương, vua Hán chỉ huy các vị thứ sử và thái thú làm công việc Hán hóa người Au Lạc. Nhưng rốt cuộc thì người Au Lạc vẫn nói tiếng Au Lạc, vẫn ăn ngủ, đi đứng, nghĩ ngợi theo cách Âu Lạc. Vào cuối thế kỷ thứ hai sau công nguyên, ở huyện Tượng Lâm có một người, sử cũ gọi là Khu Liên, đã kêu gọi đồng bào mình đứng lên phá ách cai trị của nhà Hán, rồi thành lập một nước mới là nước Chăm Pa. Từ đó thì miền núi Tượng sông Tượng của ông Ruông lại tách ra khỏi Au Lạc đề đứng vào Chăm Pa.
Từ cuối thế kỷ thứ hai đến cuối thế kỷ thứ mười lăm sau công nguyên, ông Ruông gọi là thời kỳ lịch sử có nội dung phong phú. Trong khi những người Âu Lạc ở Nhật Nam thành lập được nước mới, thì những người Âu Lạc các quận Giao Chỉ và Cửu Chân phải tiếp tục chống cuộc xâm lược của người Trung Hoa, đến thế kỷ thứ mười mới giành được chủ quyền, và sang thế kỷ mười một thì triều Lý lấy tên nước là Đại Việt. Ông Ruông bảo có thể nói đến thế kỷ thứ mười một sau công nguyên thì nước Âu Lạc cũ đã trở thành hai nước mới là Đại Việt và Chăm Pa. Bấy giờ ở phía nam Chăm Pa đã có nước Phù Nam có nền văn minh rất sớm và rất hiếu chiến. Và hậu thân của Phù Nam là Chân Lạp và Ăng Co. Trong thế kỷ mười một thì các vua Lý của Đại Việt đã đánh nhau với các vua Sinhavarman II (Sạ Đẩu) và Rudravarman III (Chế Củ) của Cham Pa. Trong thế kỷ mười hai thì vua Suryavarman II của Ang Co rủ vua Indravarman III của Cham Pa tiến đánh Đại Việt. Nhưng sau đó thì vua Suryavarman II lại quay lại chiếm Cham Pa. Rồi sau đó nữa thì lại đến lượt vua Indravarman III đánh chiếm Ang Co. Trong thế kỷ mười bốn, vua Chăm Pa Sinhavarman III (Chế Mân) cưới công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông của Đại Việt. Nhưng sau đó thì vua Chế Bồng Nga của Chăm Pa lại cướp phá kinh đô Thăng Long của Đại Việt. Ông Ruông bảo cũng chỉ vì chuyện muốn nới rộng bờ cõi mà có sự bất hòa giữa ba nước đó. Hay cũng có thể là do nước nào cũng muốn làm minh chủ vùng đất Đông Nam Á này.Vào cuối thế kỷ mười lăm, triều Lê của Đại Việt đã lấy được đất của Chăm Pa từ huyện Tượng Lâm cũ trở ra. Như thế là miền núi Tượng sông Tượng của ông Ruông lại nằm trong Đại Việt, tức trở về với đất cũ Âu Lạc. Trong thế kỷ mười bảy ở Đại Việt có xảy chuyện phân tranh giữa hai họ Trịnh, Nguyễn. Họ Trịnh làm chúa ở phía bắc nước, gọi là Đường ngoài. Họ Nguyễn làm chúa ở phía nam nước, gọi là Đường trong. Miền núi Tượng sông Tượng của ông Ruông nằm ở Đường trong. Nhưng dù là Đường trong hay Đường ngoài thì cũng vẫn là Đại Việt. Đầu thế kỷ mười chín thì triều Nguyễn đổi tên nước thành Việt Nam, rồi Đại Nam, rồi lại Việt Nam. Đến hậu bán thế kỷ hai mươi, trong cuộc chiến tranh chống việc xâm lược của người Pháp và người Mỹ, đất nước có bị phân thành hai miền nam bắc, đất quê ông Ruông nằm ở miền nam, nhưng dù là miền nam hay miền bắc thì cũng vẫn là Việt Nam, hậu thân của Đại Việt. Như thế, kể từ cuồi thế kỷ mười lăm trở về sau thì miền núi Tượng sông Tượng không còn có cảnh nhập vào hay tách ra khỏi một miền rộng lớn hơn như những thế kỷ trước đó
Ông Ruông cho là đất quê ông đã gặp may. Trải mấy nghìn năm thanh bình thì ít, chiến chinh ly loạn thì nhiều, thế nhưng miền sông Tượng núi Tượng của ông đã không bị xóa sổ, có nghĩa cái địa danh ấy vẫn còn tồn tại trên đời này. Nhưng ông nói đây cũng là nằm trong cái may chung của đất nước. Là vào cuối đại Cổ Sinh thì nền móng đất nước Việt Nam của ông đã hình thành xong. Tức đất đai cơ bản của đất nước đã nhô lên khỏi đại dương nguyên thủy. Nếu không, thì chưa chắc các chu kỳ tạo núi trong các đại Trung Sinh và Tân Sinh sau đấy đã để cho một dãi đất như thế tồn tại trên mặt đất này.