ành móng ngựa ở Tòa án Nhân dân Thành phố sẽ phải ghi nhớ ngày 17/9/1994 ấy - ngày mà đúng trước nó là một thẩm phán, một hội thẩm nhân dân và một chấp hành viên của tòa án - những người xưa nay vốn chỉ làm công viêc phán xét, kết tội người khác, nay lại mặc chiếc áo tù.Tòa đang mời một bị cáo đứng lên. Theo đúng thủ tục hiện hành, vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo rằng bị cáo đã nghe đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng, vậy những tội trạng của bị cáo được nêu trong cáo trạng có đúng không? Bị cáo, đầu ngẩng cao, dõng dạc: “Tôi xin được phép không trả lời câu hỏi này!”. Chưa bao giờ tôi nghe bị cáo nào trả lời như thế. Kể từ phút ấy, diễn biến của phiên tòa như cuốn hút lấy mọi suy nghĩ của tôi.Lịch xét xử của tòa án chỉ ghi chung chung: Trần Minh Chí, Lê văn Luận, Trần văn Thuận... can tội môi giới hối lộ, làm sao biết được người đang đứng trước vành móng ngựa kia đã từng là thẩm phán Tòa án Nhân dân quận 3, người trong nhiều năm trời chỉ chuyên nhìn xuống vành móng ngựa với ánh mắt oai nghiêm?Tháng 4/1993, tin “Một số cán bộ TAND quận 3 bị bắt tạm giam vì đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ” đã làm rúng động mọi người. Có thể sẽ có người cho rằng một cán bộ cấp quận bị bắt giam thì đâu có gì nghiêm trọng, nhưng sự kiện trên được dư luận đặc biệt chú ý, vì đây chẳng phải cán bộ thường mà là thẩm phán. Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông V.T.Q. đã ký giấy bán nhà trên khuôn viên đất rộng tới gần 4.000 mét vuông ở An Phú, Thủ Đức cho ông H với giá 250 lượng vàng. Đã nhận truớc một số tiền nhưng sau đó ông Q đổi ý, không chịu thực hiện tiếp hợp đồng, với lý do là hợp đồng mua bán có nhiều điểm sai sót, còn dư luận thì cho rằng vì trong thời điểm đó, giá nhà đất lên cao vùn vụt, nên ông Q cảm thấy mình bị hớ nặng, thà đền bù gấp đôi số tiền đã nhận còn hơn. Bên mua kiện, TAND Thủ Đức xác nhận tính pháp lý của hợp đồng mua bán, và buộc ông Q thực hiện tiếp hợp đồng. Cho rằng mình bị xử ép, Ông Q kháng cáo. Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, ông Q đã được giới thiệu làm quen với một người “làm ở TAND quận 3”, đó là Lê văn Luận, hội thẩm nhân dân. Luận khai tại cơ quan điều tra rằng đã được Q hứa đền ơn 20 lượng vàng (và đã đưa trước 111 chỉ) để lo cho Q thắng kiện trong phiên tòa phúc thẩm bằng cách hủy hợp đồng mua bán nhà, nếu không thì cũng xử cho Q chỉ phải bán nửa căn nhà mà thôi. Luận móc nối với Trần Minh Chí, thẩm phán TAND quận 3, đưa cho Chí 60 chỉ vàng, nhờ Chí quan hệ với TAND TP - nơi sẽ xử phúc thẩm vụ kiện của Q - để giúp việc Q nhờ. Sau đó, Chí có bàn cách thực hiện yêu cầu của Q với Trần văn Thuận, chấp hành viên TAND quận 3, và đưa cho Thuận 25 chỉ vàng. Việc không thành, ngày 28/10/1992, TAND TP xử y án sơ thẩm, ông Q. đòi lại vàng, Luận, Chí, Thuận đã trả đủ số vàng 111 chỉ. Do có thư tố cáo, ngày 13/4/1993, Trần Minh Chí, Lê văn Luận và cả V.T.Q. - là người đưa hối lộ - đã bị bắt giam.Vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa 17/9 đã nhận định: Tuy trước tòa, hầu hết các bị cáo - trừ bị cáo Luận - đều phủ nhận hành vi hoàn toàn hoặc một phần, nhưng qua những lời khai của các bị cáo, từ lời khai tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa, kết hợp với lời khai bị cáo Luận, thấy có nhiều mâu thuẫn. Đối chiếu các tình tiết, tài liệu, các nhân chứng khác... trong hồ sơ vụ án... đã có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo Q, V (vợ Q) có hành vi đưa hối lộ và Chí, Luận, Thuận can tội môi giới hối lộ. Riêng bị cáo Chí, đại diện Viện Kiểm sát nói mặc dầu trong lời khai không nhận hết hành vi phạm tội, nhưng Chí đã có gặp Thuận, trao đổi với Thuận về việc căn nhà của Q và dù Chí và Q không hề quen biết nhau nhưng Chí đã nhiệt tình gặp ông D - người sẽ giải quyết vụ án phúc thẩm tại TAND TP - để nhờ xét xử, nên đủ căn cứ để xét tội môi giới hối lộ.TAND TP đã tuyên án Chí 30 tháng tù, Luận 3 năm tù, Thuận 2 năm tù cho hưởng án treo. Tôi chỉ là người “ngoại đạo” không nắm hết trình tự của một cuộc xử án, ấy vậy mà tôi vẫn cảm nhận được bi kịch của ông Trần Minh Chí. Đã từng là thẩm phán, tất phải đủ bản lĩnh, phải biết rõ cách thẩm vấn một bị cáo như thế nào để bộc lộ ra được chứng cớ buộc tội hoặc minh oan, cũng như hiểu cách phải làm thế nào để phân minh ra được giữa những người thật tình không phạm tội với những kẻ cố ý dối quanh. Trước phiên tòa 17/9, nguyên thẩm phán Trần Minh Chí, đã lâm vào tình huống trả lời thẩm vấn, tuy có đĩnh đạc, khôn ngoan, nhưng quanh quẩn một hồi, rốt cuộc vẫn bộc lộ cho thấy hành vi môi giới.Cuộc đời ai cũng có khi này khi khác, ai cũng có thể có lúc phạm phải lỗi lầm và phải nên được tha thứ. Chỉ phiền một nỗi có một quy ước trong xã hội rằng, có những người ở trong một cương vị nào đó không được phép phạm phải một thứ lỗi lầm nào đó, dù bất cứ lý do nào. Tôi nhớ mãi lời tự bào chữa của Trần Minh Chí [1] trước tòa khi nghe vị đại diện Viện Kiểm sát dẫn những điều khoản trong bộ Luật hình sự, trường hợp đưa và môi giới hối lộ, nhận hối lộ: “... bị phạt tù từ 3 - 15 năm trong các trường hợp: có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, tài sản hối lộ có giá trị lớn, vụ việc hối lộ gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều lần, làm mất lòng tin vào luật pháp...” Kính thưa vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa hôm nay... Qua các vụ việc đã nêu, tôi nhận thấy có những điều sau: Thứ nhất, nếu cho tôi có hành vi phạm tội có tổ chức, xin được xem xét thế nào là có tổ chức, tôi chỉ gặp anh D trong lớp học và hỏi thăm ảnh thôi... (trích). Thứ hai, nếu tôi gặp thường xuyên và bàn bạc với anh Q thì tại sao anh Q đưa trực tiếp tiền cho Luận mà lại đưa lắt nhắt từng chỉ một?... (trích). Căn cứ điều 8 bộ Luật hình sự, điều 100... tôi không nhớ rõ lắm, vụ của tôi mức độ hạn chế: mình không tham gia, không đưa đẩy, đưa tôi ra xét xử là quá nghiêm khắc. Hoàn cảnh tôi một vợ bốn con, có cần thiết phải giam tôi không? Hãy tạo điều kiện cho tôi sửa đổi, trở thành một công dân tốt?...Cứ cho là việc đưa ông ra xét xử là quá nghiêm khắc đi, nhưng biết làm sao được bây giờ, bởi ông đã được đặt vào một cương vị không được phép phạm phải bất cứ lỗi lầm nào, huống chi đó lại là hối lộ.Chú thích:[1] Trước tòa, bị cáo có thể nhờ luật sư biện hộ hoặc tự mình bào chữa lấy. Trong trường hợp trên, bị cáo Trần Minh Chí tự bào chữa.