HỌC THUYẾT CỦA NGƯỜI SẮP CHẾT

Khi nghiệm lại cái may chung của đất nước, ông Ruông càng thấy qúi dòng họ của mình. Dòng họ Lê của ông tồn tại cho đến đời ông là quá kỳ diệu. Ở miền núi Tượng sông Tượng biết bao dòng họ nay chỉ nghe nói đến mồ mả chứ chẳng còn người nào. Nên ông có nảy ý muốn các bậc tổ phụ của mình đều trở nên vĩ đại đối với con cháu nhà họ Lê là cũng phải thôi.
Có một vị tổ phụ, nếu không có ý này nọ của ông Rường hàng xóm, ông Ruông đã xếp vào hàng các nhà xã hội tầm cỡ thế giới. Đó là vị tổ phụ thứ ba của dòng họ Lê, ông Ba, tức ông nội ông Ruông.
Trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ, ông Ruông mở đầu truyện chép về ông nội mình như sau:
Nếu như một vì vua muốn nới rộng đất nước mình đang trị vì, thì ông nội ta cũng muốn nới rộng khoảnh ruộng ông đang cày. Bỡi vì nới, tức là làm cho hơn cái đương có (rộng hơn, dài hơn, nặng hơn, … ), được coi như một thứ xu hướng khó có thể tránh được, hoặc có thể nói là không thể thiếu được trong cuộc tồn sinh của muôn loài.
Nhưng có điều chắc chắn không phải vì ham muốn giống vua mà ông Ruông xếp ông nội mình vào hàng các nhà xã hội.
Cũng đều là nới, nhưng theo ông Ruông thì nới nước đơn giản hơn nhiều so với nới ruộng. Thì cứ việc gây sự với một nước láng giềng, hoặc một nước nào đó không láng giềng cũng được (nước ông Ruông nói ở đây là khái niệm bao gòm cả đất đai và người ở) rồi xua quân đánh chiếm, thắng, tất sẽ được thêm đất thêm dân. Đại để xưa nay, nới nước là vậy. Tất nhiên là khi gây sự, người ta phải viện đến một thứ lý do nào đó thuộc hạng mục chính nghĩa, tức không thuộc phi nghĩa, tức cũng không thuộc vô nghĩa, hoặc là nhân danh một học thuyết, một lý thuyết nào đó, cũng nằm trong hạng mục không phải phi nghĩa hay vô nghĩa. Có nghĩa, dù hành động gây sự đó là phi nghĩa hay vô nghĩa thì cũng nói làm sao cho trở thành chính nghĩa. Điều này kể ra cũng dễ làm thôi, bỡi vì nói chẳng qua là cách kết hợp các hình thức ngôn ngữ theo ý muốn chủ quan của người nói. Các cuộc nới nước diễn ra trong những thế kỷ qua hầu như được tiến hành cùng một cách thức ấy, nếu có khác là khác về nơi chốn diễn ra.
Như vậy nới nước đã trở thành một kinh nghiệm lịch sử, thứ kinh nghiệm luôn hấp dẫn những kẻ thích qui hoạch lại thế giới. Trong khi đó thì chưa hề có một đúc kết nào về việc nới ruộng.
Không thể đi gây sự với ruộng bên, như gây sự với nước láng giềng, bỡi không thể gây sự với đất đai. Và cũng không thể nới ruộng bằng cách lùa bò sang cày ở ruộng bên.
Ông nội ông Ruông sống trải qua bốn triều vuaThành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Luật vua cũng như lệ làng (tức luật bất thành văn) thời ấy chưa để cho ai nới ruộng theo cách cứ việc lùa bò đến cày ruộng người khác theo kiểu xua quân sang nước khác trong việc nới nước. Nói gút lại, nới ruộng là công việc làm tùy thuộc mỗi hoàn cảnh trong cuộc sống.
Có thể nới ruộng chỉ là ước mơ của cả một đời người. Có thể nới ruộng là làm công việc mua thêm ruộng. Trường hợp nới ruộng này chỉ xảy ra khi có tiền bạc và có người muốn thu hẹp ruộng, tức có người bán ruộng. Cũng có thể nới ruộng bằng cách sinh con cho đông để nhận được nhiều ruộng công điền. Trường hợp này thì lệ thuộc vào chế độ ruộng đất của nhà nước. Việc nới ruộng của ông nội ông Ruông lại lệ thuộc vào những con bờ của khoảnh ruộng độc nhất của ông. Trong bốn khoảnh liên bờ với ruộng ông có một khoảnh là của ông nội ông Rường. Phải nói rằng ông nội ông Rường cũng là người có đầu óc làm ăn (nói theo ngày nay là có tư duy kinh tế) chẳng kém ông nội ông Ruông. Phải nới rộng diện tích ruộng để tăng sản phẩm thóc. Cả ông nội ông Ruông cả ông nội ông Rường đều đặt ra kế hoạch nới ruộng bằng cách bớt bờ. Mà trong bảy bờ ruộng của hai khoảnh đó thì chỉ có mỗi cái bờ chung của hai khoảnh đó là lớn nhất. Điều này có nghĩa là hai ông đều có kế hoạch xén bớt cái bờ chung đó. Nhưng nới ruộng theo cách đó không phải là công việc làm giữa thanh thiên bạch nhật. Có nghĩa người này làm công việc này trong lúc không có người kia. Có nghĩa là lén lút. Đến lúc nhìn thấy cái bờ ruộng chung đó còn quá mỏng thì cả hai đều cảm thấy hoảng hốt (không có bờ thì lấy cái gì để phân biệt ruộng tôi ruộng anh) nên cả hai liền tung ra thứ ngôn ngữ nhằm ngăn chận việc làm của đối phương, nói rõ ra là chửi rủa, là nguyền rủa.
Ông nội ông Ruông nói về ông nội ông Rường:
-Đấy là giống người không còn biết liêm sỉ.
(Cũng còn công nhận là con người. Chỉ có điều là con người không còn phân biệt sai đúng)
Ông nội ông Rường nói về ông nội ông Ruông:
-Đấy không phải là giống người.
(Không còn công nhận là con người)
Tất nhiên là người này nói về người kia trong lúc không có người kia. Sở dĩ những lời ấy tới tai hai người là nhờ người làng thuật lại. Cho đến hôm cái bờ chung đó đổ thì cả hai đều nhận ra rằng những lời nguyền rủa nhau kia là hoàn toàn vô ích. Bỡi những lời ấy có độc địa đến mấy, hay tàn nhẫn đến mấy, thì cũng chẳng thể thay được cái bờ ruộng chung. Như thế là phải giăng dây để thay cho bờ. Nhưng cây lúa lại mọc lan, phân bón ruộng bên này lại chảy qua bên kia. Về cây lúa mọc lan, để mùa lên dễ thu hoạch, hai ông đã gieo hai giống lúa khác nhau. Và cả hai đều không dùng phân bón nữa. Cho nên mùa lên, thóc của cả hai khoảnh đều chỉ còn một nửa. Từ đó, hai người không còn để trông thấy mặt nhau. Còn lòng thù hận thì mỗi ngày như một to lớn thêm. Cho đến khi có một người trong làng muốn giảng hòa hai ông, đã đem hai khoảnh ruộng của mình đổi lấy hai khoảnh ruộng không còn bờ chung ấy, niềm thù hận trong hai con người đó vẫn chẳng giảm chút nào. Rồi cả hai đều già yếu, không còn ra ruộng nổi nữa. Rồi ông nội ông Ruông ngã bệnh nặng.
-Hãy sang nói với ông ấy cho cha được nhìn thấy mặt trước lúc chết.
Ông nội ông Ruông nói với người con trai lớn nhất, tức nói với vị tổ phụ thứ hai, tức cha ông Ruông, tức Lê Hượt.
Ông nội ông Rường sang.
Dường niềm thù hận biết hai con người này chẳng còn sống bao lâu nữa, nên đã bỏ tìm đến những kẻ khác.
-Ở trong làng bấy lâu nay tôi cũng như người đã chết. Vì có bao giờ ông trông thấy tôi đâu.
Ông nội ông Ruông khóc, nói.
Ông nội ông Rường cũng khóc:
: -Thì tôi cũng như ông đấy thôi. Vì bấy nay ông có trông thấy tôi đâu.
-Nghĩ chuyện cũ cứ thấy tiếc cho ông và tôi
-Phải. Giá đừng xảy chuyện ấy.
Ông nội ông Ruông vì bị xúc động, nấc mấy tiếng.
-Đừng ông. Đừng chết
Ông nội ông Rường có vẻ hoảng sợ.
Nhưng ông nội ông Ruông đã chết thật. Điều đáng nói là trước khi trút hơi cuối cùng, ông đã nói được một câu, tuy chưa phải là trọn câu, cũng có thể nói là có thể để đời.
-Giá như cả thế gian không cần đến cơm gạo…
Khi nhắc chuyện cũ, ông Rường và ông Ruông đã có cuộc tranh cãi khá bề thế về nghĩa của lời trăn trối nói trên.
Ông Rường:
-An cơm gạo thì sao? Còn không ăn cơm gạo thì sao?
Ông Ruông:
-Không ăn cơm gạo là chuyện lớn, ta sẽ bàn sau. Còn ăn cơm gạo thì như tôi với ông.
-Như tôi với ông là sao?
-Là như ông với tôi.
-Ông không được nói cù xây
-Chẳng phải như tôi với ông là cũng giống như ông với tôi hay sao. Tức là tôi với ông có lúc thì thân tình nhau, đến mức như anh em một nhà, nhưng có lúc cũng giận hờn nhau, cũng cãi nhau chí chóe, và biết đâu chừng lại dẫn đến thù địch nhau như ông nội ông và ông nội tôi. Có phải như tôi với ông đại khái là thế hay không?
-Thế theo ông, khi ăn cơm gạo thì con người ta có thể thân nhau mà cũng có thể thù nhau
-Hay nói một cách hay hơn, khi con người còn cần đến cái ăn cái mặc thì cũng có thể nhường cơm xẻ áo cho nhau, mà cũng có thể chém giết nhau.
-Cứ cho là thế. Còn không ăn cơm gạo thì sao?
-Theo ông thì sao?
-Thì chết chứ sao. Như thế là trước khi chết, ông nội ông lại ước muốn mọi người trên thế gian đều chết.
-Đấy chỉ là cách cắt nghĩa của ông.
-Thế theo ông, ông nội ông nói thế là sao?
-Ông từng đi lính Tây, sang tận châu Âu châu Phi, chắc ông đã nghe nói đến những nhà xã hội Âu Mỹ, tức những người đã đưa ra những học thuyết để xây dựng xã hội loài người.
-Có phải ông muốn cho rằng ông nội ông cũng là nhà xã hội?
-Phải. Khi sắp bước qua cõi khác, ông nội tôi đã nhìn thấy được một cách tồn tại của loài người không cần đến cơm gạo. Vì tồn tại theo cách này thì con người không còn thù hận, chém giết nhau. Ông cũng chớ nên hỏi thế thì ăn gì để sống. Đây là học thuyết. Là lý thuyết. Còn thực hiện thế nào thì hậu thế chúng ta phải nghĩ ra.
-Có nghĩa ông nội ông cứ việc đưa ra những lý lẽ tốt đẹp cao siêu, rồi chết, mặc cho người ta có theo được hay không, chẳng cần biết.
Chính là ông Ruông sợ đám con cháu nhà họ Lê của mình cũng nghĩ như ông Rường, nên đã không xếp ông nội mình vào hàng những nhà xã hội tầm cỡ của thế giới.