IỮA LÚC ÔNG TULLIVER LO NGHĨ VỀ NHỮNG gian truân có thể xảy ra cho con gái mai sau, thì Maggie đang phải nếm mùi cay đắng trong hiện tại. Vận xui tới với cô bé ngay từ sáng. Niềm vui được có Lucy bên cạnh và viễn ảnh vui tươi của một cuộc thăm viếng vào xế trưa đã bị tiêu hủy bởi sự xuất hiện của ông thợ uốn tóc từ St. Ogg’s tới lúc mười một giờ. Ông thợ nghiêm khắc chỉ trích, xem xét mái tóc bờm xờm của Maggie. Ông ta cằn nhằn «Coi nè! Quá lắm rồi!» với một giọng vừa ghê tởm vừa thương hại khiến Maggie kết luận rằng ông thợ cũng thù ghét cô như mấy người kia. Ông thợ uốn tóc Rappit, với mái tóc quăn bóng mượt trông giống hình đám lửa chạm trên bình đựng tro hài cốt, là hình ảnh đáng ghét nhứt đối với Maggie giữa lúc này. Chuẩn bị một cuộc thăm viếng luôn luôn là một việc nghiêm trọng đối với gia đình Dodson. Chị người làm Martha phải dọn phòng bà Tulliver sớm hơn thường lệ nửa giờ, để bày ra tất cả những trang phục thích hợp nhứt hầu có thể xử dụng vào giờ chót nếu người trong gia đình đổi ý. Tới mười hai giờ, bà Tulliver đã sửa soạn xong, bà mặc bộ sa tanh dành riêng cho các cuộc viếng thăm và một áo choàng bằng nỉ màu nâu, Maggie thì cứ nhăn nhó và vặn vẹo hai vai như muốn hất chiếc khăn choàng ra khỏi cổ, Tom thì trông rực rỡ hẳn ra với bộ quần áo màu xanh da trời, mà nó chỉ chịu mặc vào sau khi cằn nhằn đôi chút. Riêng Lucy thì vẫn xinh xắn gọn gàng như hôm qua, cô bé không bao giờ thấy khó chịu khi mặc quần áo đẹp, bởi thể cô nhìn dáng điệu khổ sở của Maggie với đôi mắt vừa ngạc nhiên vừa thương hại. Có lẽ Maggie đã liệng chiếc khăn đi nếu cô bé không kịp nhớ lại sự xấu hổ do hành động tự cắt tóc của mình gây ra. Hậu quả là Maggie đâm ra cáu kỉnh và nóng nãy khi các anh em được phép chơi và cất nhà bằng các lá bài trong khi chờ ăn trưa. Đây là một vài trò giải trí rất thích hợp với trẻ con khi mặc quần áo đẹp. Tom đã cất được nhiều ngôi nhà rất xinh, nhưng mấy ngôi nhà của Maggie thì không bao giờ đủ sức chịu đựng chiếc mái. Thế là Tom kết luận rằng không một cô bé nào có thể xây dựng được một thứ gì cả. Tuy nhiên, Lucy lại tỏ ra rất khéo tay một cách bất ngờ. Cô bé sắp các lá bài nhẹ nhàng và khéo léo đến nổi Tom bắt buộc phải công nhận là nhà của Lucy xây cũng đẹp không kém nhà mình. Đáng lẽ Maggie cũng sẽ thán phục những ngôi nhà của Lucy, và sẽ thôi không xếp nữa để ngắm công trình của cô em họ, nếu chiếc khăn choàng đừng làm cho cô khó chịu, và nếu Tom đừng cười chế nhạo khi thấy nhà của cô cứ ọp ẹp mãi rồi gọi cô ta là «đồ ngốc». Maggie giận dữ rít lớn: - Tom, không được chế nhạo em! Em không ngốc đâu, em còn biết nhiều thứ mà anh không biết nữa kìa! - Ờ, tao cũng chắc vậy, đồ quạo quọ! Mày thấy tao có bao giờ nhăn nhó như vậy đâu! Cả Lucy nữa. Tao thích Lucy hơn là mày, ước gì nó là em ruột của tao. Maggie đứng phắt dậy: - Lời ước của anh thật độc ác, xấu xa. Cử động của cô làm ngôi đền đẹp nhứt của Tom sụp xuống. Maggie không cố tình phá sụp ngôi đền đó, nhưng diễn tiến câu chuyện cho thấy là cô đã cố tình làm ra vậy. Tom tái mặt, nhưng nó không nói gì cả, đáng lẽ nó đánh Maggie, nhưng nó nghĩ đánh một đứa con gái là hèn nhát, mà Tom Tulliver thì đã nhứt quyết là không bao giờ hèn nhát. Maggie bàng hoàng, hoảng cuồng trong khi Tom đứng lên, bỏ đi khỏi ngôi đền sụp đổ, còn Lucy thì vẫn ngồi yên, ngạc nhiên nhìn lên như một con mèo con đang liếm lông bỗng bị quấy rầy. Cuối cùng, Maggie chạy theo Tom: - Tom ơi! Em không cố ý làm sập đâu! Thật đó, em không cố ý mà. Tom chẳng một chút lưu tâm gì tới, nó móc trong túi ra vài hạt đậu búng vẩn vơ vào thành cửa sổ và vào một cái chai cũ màu xanh ngoài nắng. Thế là buổi sáng của Maggie trôi qua với bao nhiêu là phiền muộn. Xế chiều, chúng bắt đầu đi bộ tới Garum Firs, nhưng thái độ khư khư lạnh nhạt của Tom làm cô bé không còn thiết gì tới trời êm, nắng ấm. Tom gọi Lucy chỉ cho coi một tổ chim đang xây nửa chừng mà không chịu gọi Maggie. Tom lại còn đẽo hai ngọn roi liễu cho nó và Lucy mà không cho Maggie một cây nào. Lucy hỏi: «Maggie, chị muốn có một cái không?» nhưng Tom thì cứ giả điếc làm ngơ. Cuối cùng, cảnh tượng một con công đứng xòe đuôi trên vách tường sân rơm của biệt thự Garum đã làm cho đám trẻ tạm quên đi những ưu tư. Và đây chỉ mới là cảnh đẹp đầu tiên của Garum Firs. Quang cảnh sân gia súc thật tuyệt dịu - nào là gà tre lông sặc sỡ, gà Fiersland bông xước, gà sao lốm đốm, nào là bồ câu, chim ác là, ngoài ra còn có cả một con dê và một con chó xám, nửa giống chó heo, nửa giống chó giữ nhà to gần bằng con sư tử. Cổng và rào đều được sơn trắng, chỗ nào cũng thấy có đặt cánh quạt dò thăm hướng gió, đủ các kiểu, các lối đi trong vườn đều được trải sỏi đẹp - ở Garum Firs cái gì trông cũng khác thường, kể cả mấy con cóc. Về khu vực gia cư cũng đặc biệt không kém khu trung ương, cất theo hình bán nguyệt, hai cánh phụ cất theo kiểu pháo tháp của các lâu đài, tất cả đều được tô hồ trắng. Dượng Pullet đã nhìn thấy toán bà Tulliver qua cửa sổ, ông vội vàng chạy xuống mở then gài và khóa xích cửa cái. Dì Pullet cũng xuất hiện nơi ngưỡng cửa, ngay khi nhận ra bà Tulliver đã ở trong tằm có thể nghe được, bà kêu lên: - Chúa ơi! Cho mấy đứa nhỏ đứng lại, Bessy! Đừng cho nó lên thêm, Sally, mang giẻ cũ ra chùi giày cho mấy đứa nhỏ. Những tấm thảm chùi chân bày sẵn ra trước cửa nhà chỉ dành để trang trí, muốn làm sạch chân đã có mấy tấm giẻ cũ chờ làm phận sự. Tom không mấy hài lòng khi để cho người khác lau chân mình, bởi vì nó cứ để vậy tự ái nó sẽ bị tổn thương. Bà Pullet nói với giọng cảm động trong khi bà Tulliver đang sửa lại nón: - Bessy, bà Gray vừa gởi cho tôi một cái nón mới. Bà Tulliver sốt sắng: - Gởi rồi hả? Đẹp không chị? Tôi đã cất chúng với quần áo, bây giờ phải soạn ra mới lấy được. Bà vừa nói vừa lôi một chùm chìa khóa trong túi ra và ngắm nghía với dáng điệu nghiêm trọng: - Nhưng đằng nào cũng phải đưa cho dì coi. Sợ rồi mình chẳng còn dịp nào khác nữa. Bà Pullet lắc đầu buồn bã và lựa riêng ra một chiếc chìa khóa. Bà Tulliver khó nghĩ: - Thật tình, tôi không dám làm phiền chị, chỉ muốn biết xem bà Gray đã làm cho chị một cái nón đẹp tới mức nào. Bà Pullet u sầu đứng dậy, mở một cánh cửa của chiếc tủ áo lộng lẫy... người hấp tấp chắc phải nghĩ rằng bà Pullet đang tìm chiếc nón trong đó, thế nhưng, một dự đoán như thế chỉ có thể có được nơi những người chưa thấu đáo thói quen của gia đình Dodson. Mục đích của bà là tìm trong đó một vật khá nhỏ giấu ở giữa các lớp quần áo – đó là chiếc chìa khóa cửa. Bà quay sang bà Tulliver: - Dì phải đi với tôi mới được. Thấy Maggie và Lucy cũng đang có vẻ hăm hở đợi chờ, bà Tulliver hỏi: - Cho mấy đứa nhỏ đi theo được không, chị? Bà Pullet ngẫm nghĩ: - Được, cứ cho chúng đi theo, để đây sợ chúng phá phách lôi thôi. Rồi bà đưa mọi người vào một hành lang tuyệt đẹp nhưng rất âm u và trơn trợt. Một lúc sau bà ngừng lại và mở cửa một gian phòng, trông còn u ám hơn cả dãy hành lang. Lucy chợt nắm áo Maggie, trong khi tim Maggie thì đập loạn. Cánh cửa tủ áo được mở ra, mùi hoa hồng từ bên trong tỏa khắp phòng làm Maggie thấy dễ chịu hơn, mặc dầu đã hơi thất vọng khi thấy bà dì chỉ lấy ra trong một chiếc nón, trong khi cô bé chờ đợi được thấy một cái gì khác lạ hơn. Bà Pullet hỏi: - Dì có muốn xem tôi đội chiếc nón này không? - Thưa nếu không làm phiền chị. Bà Pullet giơ chiếc nón đang đội ngắm nghía chiếc nón lụa nâu vừa lấy ra rồi đội lên và chầm chậm xoay người đi cho bà Tulliver quan sát. Vừa vặn đủ một vòng, bà hỏi: - Tôi thấy có lẽ vành trái nhiều nơ quá, dì có nghĩ như vậy không? Bà Tulliver chăm chú nhìn nơi bà Pullet chỉ, rồi nhìn qua phía bên kia. - Theo tôi thì như vậy là được rồi, chị đừng sửa đổi làm gì. - Dì có lý. - Chị mua hết bao nhiêu? Bà Tulliver đang nghĩ tới chuyện may một chiếc nón theo kiểu đó với một mảnh lụa có sẵn ở nhà. Bà Pullet lắc đầu: - Chính ông Pullet mua cho, ông nói tôi là người có nón đẹp nhứt ở giáo khu Garum này. Bà chậm chạp sửa lại những dây nơ, và sửa soạn cất lại vào tủ áo, rồi bỗng nhiên buồn bã lắc đầu: - Chắc là tôi sẽ không còn có dịp đội lại chiếc nón này nữa, dì Bessy! - Ồ, đừng nói vậy, tôi mong chị được mạnh khỏe suốt mùa hè này. - Nhưng có lẽ trong họ mình sắp có người nào đó qua đời. Ông anh họ Abbot của mình đã yếu lắm rồi, chúng ta phải chịu tang ít nhứt là nửa năm. Bà Tulliver hưởng ứng: - Phải, xui thật. Đội một chiếc nón cũ đã hai năm thì chẳng có gì thú vị nhứt là nón lụa đổi kiểu luôn luôn – không bao giờ có hai mùa hè giống nhau. - Cái thói của đời này là vậy đó. Bà Pullet vừa nói vừa cất nón vào tủ. Bà cụ im lìm lắc đầu mãi cho tới khi về phòng riêng. Tới lúc đó, bà bật khóc: - Bessy, sau này khi tôi chết đi, nếu có dịp nhìn lại chiếc nón, dì sẽ nhớ tới ngày hôm nay. Bà Tulliver thấy cần phải bày tỏ đôi chút thiện cảm với chị, nhưng bà lại là người ít nước mắt, đẩy đà và khỏe mạnh - không thể mỗi lúc một khóc ồ ạt như người chị. Quá cố gắng, mặt bà nhăn nhúm lại một cách lạ kỳ, Maggie chăm chú quan sát hai người, cảm thấy chắc có chuyện buồn rầu gì đó về chiếc nón của bà Pullet, vì còn nhỏ quá nên không hiểu nổi. Lúc xuống nhà dưới, mọi người được ông Pullet đón tiếp với ánh mắt thông cảm, ông biết vợ mình vừa khoe nón, bởi chỉ có việc đó mới khiến họ ở trên lầu khá lâu. Đối với Tom, khoảng thời gian đó còn kéo dài hơn nữa, vì nó phải ngồi buồn tẻ, gượng gạo trên mép chiếc ghế dài đối diện với người dượng, ông nhìn nó với đôi mắt sáng màu xám tro, và thỉnh thoảng gọi nó là «cậu». «Này, cậu, cậu học những môn gì ở trường?» đó là câu dượng Pullet hay hỏi nhứt. Còn Tom thì luôn luôn rụt rè, lúng túng, nó vuốt mặt và đáp «Dạ, cháu không biết». Tom vô cùng bối rối khi ngồi riêng với dượng, bối rối đến nỗi nó không thể nhìn được những bức tranh trên tường, những lòng chim hay những chậu hoa quí giá, nó không nhìn được gì ngoài dáng điệu của dượng Pullet. Không phải thằng bé khiếp sợ trước oai nghi ông dượng, thật vậy, nó đã tự hứa là sẽ không bao giờ làm đại điền chủ, vì nó không muốn trở thành một người chân tay lỏng khỏng và ngây ngô như ông Pullet – một mẫu người nhu nhược – Sự bối rối của một thằng bé không phải là dấu hiệu bị chế ngự và nếu nghĩ rằng nó đã bối rối vì tuổi tác và trí khôn thì quả là một sai lầm lớn và nếu nó biết có người đã hiểu lầm như vậy, chắc chắn nó sẽ cho là quái dị. Một điều tưởng cũng cần nên biết là một cậu bé người Hy Lạp nào cũng có thể suy luận được như Aristotle. Chỉ khi nào ta khuất phục được một con ngựa chứng, một người phu xe, hay một khẩu súng trong tay, thì lúc đó các cậu bé rụt rè mới thật sự coi ta là một người đáng phục. Ít nhứt, ta cũng có thể đoán chắc được rằng Tom Tulliver thuộc vào loại cậu bé vừa nói tới. Niềm an ủi duy nhứt của Tom lúc ngồi nói chuyện riêng với dượng Pullet là thỉnh thoảng được dượng cho một viên kẹo hoặc uống vài giọt bạc hà. Sự xuất hiện của hai cô bé Maggie và Lucy làm dượng Pullet nhớ tới một số bánh ngọt nho nhỏ mà ông đã cất riêng để ăn vào những ngày mưa, nhưng khi mấy đứa trẻ vừa cầm lấy bánh thì dì Pullet vội cản, bảo rằng khi nào được dọn lên mâm rồi hãy ăn, vì sợ chúng đánh rơi vụn bánh đầy thảm lót. Lucy thì kiên nhẫn đợi, một phần vì cô bé thấy chiếc bánh quá đẹp nên tiếc và chưa muốn ăn ngay, còn Tom thi thừa lúc người lớn mãi mê trò chuyện, lén cắn hai miếng và ngốn luôn một hơi hết sạch. Riêng Maggie thì say mê ngắm bức tranh Ulysses và Nausicaa đến nổi đánh rơi chiếc bánh và vô tình dẫm chân lên. Cái lỡ tay đó khiến dì Pullet phiền hà vô cùng; cô bé cảm thấy mình đã tạo một ấn tượng xấu nơi mọi người nên bắt đầu lo dượng Pullet sẽ không cho mình nghe hộp nhạc của ông. Sau một lúc suy nghĩ, Maggie bảo nhỏ với Lucy, và Lucy - vốn ai biểu gì cũng nghe - chạy ùa tới ôm chân dượng, mặt đỏ bừng, ấp úng: - Thưa dượng, dượng cho chúng con nghe hộp nhạc được không? Để coi đó là câu mà ông thường trả lời trong những trường hợp tương tự, nhưng chỉ vài phút sau là ông cũng làm theo lời yêu cầu. Có lẽ những phiền muộn trong Maggie đã tan biến ngay khi những âm điệu tuyệt diệu đầu tiên trỗi dậy, có lẽ Maggie đã quên mất là Tom hãy còn giận mình khi vừa được phủ lên một luồng sáng hạnh phúc huyền dịu, cô ngồi yên, hai tay khoanh trước ngực, nhìn con gái trong dáng điệu đó, bà Tulliver không khỏi cảm thấy an ủi phần nào, trông nó cũng xinh xắn như ai, chỉ phải tội cái màu da hơi đen mà thôi. Nhưng khi những âm thanh tuyệt vời kia vừa ngừng lại, Maggie nhảy phất lên, chạy tới bá cổ Tom: - Nhạc hay ghê hả, anh Tom? Chẳng may cho Maggie là Tom đang cầm một ly rượu ngọc trâm trên tay, cử chỉ của cô bé làm ly rượu đổ ra ngoài một nửa. Thằng bé giận dữ quắt mắt: - Mày có thấy gì đây không? Bà Tulliver không nhịn được: - Maggie, mày ngồi yên không được sao? Dì Pullet châm thêm: - Con gái mà bộp chộp như vậy thì không được tới đây, nghe chưa? Dượng Pullet cũng phụ họa: - Sao nóng nảy quá vậy, cô nhỏ? Cô bé đáng thương lại ngồi xuống, bao cảm hứng về âm nhạc đều bị xóa tan, tâm hồn cô lại nặng trĩu như trước đây vài phút. Bà Tulliver nghĩ là không nên để bọn trẻ trong nhà lâu hơn nữa, nhân cơ hội đó liền đề nghị cho chúng chơi ở ngoài vườn. Dì Pullet đồng ý nhưng còn căn dặn chúng chỉ được dạo trên lối đi mà thôi, và không được ra khỏi vườn và nếu có muốn xem sân gà vịt thì phải đứng ngoài rào chớ không được lai gần, lý do của sự chế này là vì đã có lần người nhà bắt gặp quả tang Tom đang rượt đuổi con công, với ảo vọng là sự sợ hãi sẽ làm cho nó rụng đi vài chiếc lông sặc sỡ. Lũ trẻ đã đi rồi, nổi băn khoăn của ngày qua trở lại ám ảnh bà Tulliver, bà khơi mào: - Từ hôm chị Glegg trở về tới nay, sao tôi thấy lo ngại quá. Thật tình tôi đâu có muốn làm cho chỉ buồn. Bà Pullet thở dài: - Ôi! Ai mà biết được chị Jane sẽ làm gì. Nhưng tôi không hiểu tại sao chị lại sống kham khổ quá. Tôi vẫn thường nói với ông Pullet về chuyện này luôn. Ông Pullet xác nhận: - Thì bà đã nói với tôi như vậy khi mình vừa dùng trà ở nhà anh chị ấy về. Ông vừa nói vừa xoa đầu gối và trải khăn tay lên đó - một thói quen mỗi khi ông bắt đầu chú ý tới câu chuyện đang bàn luận. Bà Pullet gật đầu: - Đúng vây, ông vẫn luôn luôn ghi nhớ những gì tôi nói. Rồi quay sang nhìn bà Tulliver: - Ông Pullet nhớ dai lắm, nếu không có ổng, chẳng biết tôi sẽ ra sao, ổng luôn luôn nhớ rõ giờ uống thuốc của tôi mà hiện giờ tôi đang uống tới ba loại khác nhau - Thuốc viên mỗi tối trước khi ngủ, thuốc giọt lúc mười một giờ và bốn giờ và thuốc nước «khi nào thấy cần». Bà Tulliver góp ý: - Phải chi thỉnh thoảng chị Glegg chịu đi khám bịnh một lần, thay vì cứ ở nhà nhai vỏ cây đại hoàng luôn thì có lẽ đã khá hơn. Bà Pullet đưa hai tay lên, rồi lại buông thỏng xuống: - Thật là khủng khiếp khi con người đùa cợt với sinh mạng của mình. Chẳng khác nào chúng ta lăng mạ Tạo Hóa. Ngài tạo ra các vị bác sĩ làm gì, nếu không phải để săn sóc sức khỏe cho chúng ta. Tôi đã nói với chị Jane như vậy hơn một lần rồi, thật là khổ! Ông Pullet xen vào: - Chúng ta chẳng có gì phải hổ thẹn vì bác sĩ Turnbull, sau khi bà Sutton mất, đâu còn thân chủ nào hơn chúng ta được nữa. Bà Pullet làm ra điều quan trọng: - Dì biết không, Bessy - ông Pullet để dành lại hết các chai thuốc cũ của tôi. Ông không chịu bán một cái nào. Chúng đã chất đầy hai kệ dài trong nhà kho - nhưng... Và bà bắt đầu thút thít: -...Biết đâu tôi lại qua đời trước khi ông Pullet chất đầy kệ thứ ba. Còn các hộp thuốc viên đựng trong tủ ở phòng riêng - dì sẽ nhớ tới những chỗ đó, Bessy à - nhưng chẳng có gì để lưu niệm mấy hoàn thước lớn, ngoại trừ những bien lai tính tiền. Bà Tulliver nói: - Xin chị đừng nói tới chuyện đau buồn đó. Chị mà mất đi là chẳng còn ai làm trung gian giữa tôi với chị Glegg nữa, và cũng chẳng có người nào nói cho chị ấy tha thứ cho ông Tulliver, dì Deane thì chẳng bao giờ về phe tôi cả. Bà Pullet rầu rĩ: - Dì Bessy, chồng của dì rất khó ưa. Không bao giờ ông chịu cư xử tử tế với họ hàng bên mình, còn mấy đứa nhỏ thì lại giống ông như tạc – thằng con trai thì tinh nghịch, cứ lánh mặt các dì dượng luôn, còn đứa con gái thì vụng về đen đúa. Thật không may cho dì, tôi tiếc cho dì quá bởi dì là người tôi mến nhứt trong các chị em mình. Bà Tulliver vừa nói vừa chùi một giọt nước mắt nhỏ nơi khóe: - Tôi biết ông Tulliver hấp tấp và hay nói những điều không phải. Bà Pullet cảm động: - Tôi không muốn làm gì buồn, Bessy, vì tôi biết dì cũng còn nhiều chuyện phải lo nghĩ, chồng của dì phải lo giúp đỡ cho cô em nghèo và bầy con của cô ấy – ông lại thích tranh tụng nữa, ai cũng nói vậy. Tôi sợ rằng sau khi ông Tulliver mất thì mẹ con dì sẽ lâm cảnh túng cùng. Trước viễn ảnh đen tối đó, bà Tulliver chỉ biết ngậm ngùi: - Tôi đoán chắc với chị là không một người đàn bà nào chăm lo cho con cái, gia đình bằng tôi. Trong buổi tẩy uế ngày lễ Ngự Cáo vừa qua, tôi làm việc một mình bằng hai cô gái, và tự tay tôi làm rượu hương mộc nữa - ngon lắm! Tôi vẫn thường pha vào đó chút sherry, dầu chị Glegg vẫn trách tôi là hoang phí. Chính một tay tôi coi sóc việc giữ gìn quần áo và nhà cửa. Không một người nào trong xóm có thể dị nghị được vì tôi không bao giờ làm tổn hại ai. Hễ có dịp là người nào cũng ghé mua thịt heo bâm của tôi, vì thịt bâm tôi làm ngon nhứt ở đó, cả hàng vải do tôi dệt cũng vậy. Dầu mai này có chết, tôi cũng không thấy hổ thẹn chút nào. Tôi đã làm hết sức một người đàn bà rồi. Bà Pullet nghiêng đầu qua một bên, ánh mắt buồn bã vẫn không rời người em. Nhưng dì cũng thừa biết mọi cố gắng của dì đều vô ích, nếu người chồng cứ phung phí tiền bạc như lúc này. Nhưng nếu dì phải bán hết đồ đạc để trả nợ thì nói cho đúng, dì đã giữ gìn đồ đạc thật cẩn thận. Và những tấm hàng vải với dấu hiệu riêng thời con gái của dì sẽ phải tản mát ra khắp xứ, thật là một chuyện đáng buồn cho gia đình ta. Bà Pullet lại lắc đầu. Giọng bà Tulliver nghe bi thảm: - Nhưng tôi có biết phải làm sao đâu? Ông Tulliver không phải là người dễ sai khiến. Và tôi cũng chẳng am hiểu gì về chuyện làm ăn của đàn ông cả. Bà Pullet đáp: - Dì cũng giống tôi về phương diện này, Bessy. Chúng ta có rất nhiều điểm giống nhau, nhưng giữa tôi và chị Jane thì lại khác. - Phải đó, Sophy, tôi nhớ là chúng ta có hai xấp hàng xanh đốm trắng giống nhau -- tôi vừa cắt một miếng để may vải lót giường. Nhưng chị nghĩ xem có thể qua nói giúp với chị Glegg cho tôi được không và năn nỉ chị ấy bỏ qua cho ông nhà tôi -- tôi biết chỉ có chị là luôn luôn tử tế với tôi. - Tốt nhứt là ông Tulliver nên đích thân qua đó để xin lỗi chị Glegg. Đã là con nợ của người ta thì đáng lý ông phải biết thân biết phận chớ. Bà Tulliver nói gần như gắt: - Không được đâu. Dầu bây giờ tôi có quì gối xuống van xin, ông cũng không bao giờ chịu làm như vậy. - Vậy thì dì đừng mong tôi năn nỉ chị Jane đi xin lỗi chồng dì. Chị ấy cũng cố chấp và nóng tánh lắm, dầu rằng trong gia đình chúng ta không có người nào phải vào nhà thương điên. Bà Tulliver nói: - Tôi không dám mong tới chuyện năn nỉ chị Glegg xin lỗi nhà tôi. Nhưng nếu chị ấy chịu bỏ qua và đừng đòi tiền lại lúc này... tôi chỉ ước ao có bao nhiêu đó thôi. Thời gian sẽ hàn gắn tất cả, dần dần ông Tulliver sẽ quên đi, và hai người sẽ thân thiện với nhau trở lại. Thì ra bà Tulliver không hề hay biết việc chồng mình đã nhứt quyết trả lại năm trăm bảng cho bà Glegg, hay ít ra, một quyết định như vậy cũng vượt ngoài khả năng tin tưởng của bà. Bà Pullet buồn rầu: - Được rồi, Bessy, tôi cũng không muốn làm cho dì phải bị phá sản. Tôi sẽ cố gắng giúp, tôi không muốn người ta xầm xì rằng trong gia đình mình có chuyện bất hòa nhau. Tôi sẽ nói với chị Jane như vậy. Nếu ông Pullet thấy không có gì trở ngại, thì ngày mai tôi qua đó. Ông nghĩ sao, ông Pullet? - Không có gi trở ngại cả. Ông Pullet vẫn chờ dịp để chứng tỏ cho ông Tulliver thấy sự hiệu nghiệm trong đường lối làm ra tiền của ông. Ông thắc mắc không hiểu người ta sẽ làm cách nào để bảo đảm cho tiền bạc của mình, nếu không đầu tư vào đất đai. Sau khi bàn luận thêm một chút nữa để xem có nên cho bà Tulliver tháp tùng trong chuyến viếng thăm bà Glegg hay không, bà Pullet thông báo đã tới giờ trà, bà tới mở một ngăn kéo lấy ra một tấm lụa damask thật đẹp dùng làm khăn ăn. Cửa mở, nhưng thay vì đem trà bánh vào, Sally lại đưa vào phòng một vật làm mọi người hoảng hốt đến nổi cả hai bà Pullet và Tulliver đều rú lên, trong khi ông Pullet nuốt chững viên kẹo thuốc – đó là lần kinh hoàng thứ năm trong đời ông, như sau này ông kể lại.