Phần 1 Đất nước và và Con người
Máu chảy ruột mềm

Người Việt nam không thông minh hơn ai, có sáng dạ thực nhưng là sáng dạ để bắt chước chứ không phải để phát minh. Người Việt có tâm lý tồi kém, không làm việc tập thể được. Người Việt hiếu học nhưng hiếu học để lấy bằng cấp chứ không phải để lấy kiến thức. Người Việt thiếu tự hào dân tộc và lại đố ky, ghen ghét nhau. Người Việt tôn thờ bạo lực và ác độc đối với nhau. Người Việt không có óc phương pháp. Người Việt không biết truyền thông, không biết đọc, không biết viết, v.v...
Độc giả đọc tới đây có thể bực bội và phẫn nộ như đang phải đọc một cáo trạng đối với dân tộc mình, có thể tự hỏi phải chăng mình đang đọc một cuốn sách đáng lẽ phải có tựa đề là Người Việt tòi dở?. Nhưng kể tội và bêu xấu người Việt để làm gì, và để bêu xấu ai, khi chính tác giả là người Việt và nhận mình mãi mãi là người Việt? Đó cũng là việc làm dễ dàng quá vì nếu muốn tìm những cái xấu của người Việt thì có khó gì đâu, tác giả chỉ cần nhận xét chính mình. Đó là việc tôi đã làm, những nhược điểm của người Việt một phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, tôi có thể tìm thấy ở chính mình.
Hơn nữa, những tật xấu và nhược điểm đó không phải là của riêng dân tộc Việt nam, mà dân tộc nào cũng có. Điều đáng tiếc là ở người Việt chúng mạnh mẽ, rõ rệt và áp đảo quá đáng. Chúng đè nặng lên chúng ta, có thể nói là đè bẹp chúng ta, và giam giữ chúng ta trong cảnh tang tóc, bần cùng, lạc hậu. Xét lại mình chính là để tiến lên. Phải nhìn vào chân dung của mình ngay cả nếu nó không được đẹp. Nếu cuốn sách nhỏ này đã dành nhiều trang để phân tích người Việt, thì cũng vì con người là vốn liếng quí báu nhất của chúng ta. Nếu nó đã được viết ra thì cũng vì tác giả còn hy vọng. Hy vọng ấy chính là con người Việt nam. Con người Việt nam, dù mang nhiều khuyết tật nhưng nói chung vẫn là con người có trí thông minh và có tâm hồn.
Vào khoảng năm 1980, tôi tới thăm một người bạn trong một hẻm đường Cách Mạng Tháng 8, đang ngồi hàn huyên trước hiên nhà, tôi thình lình được biết một câu chuyện. Một câu chuyện tương tự như rất nhiều câu chuyện khác mà tôi đã được biết, nhưng nó đã ghi vào ký ức tôi vì sự nhỏ bé và tầm thường của nó. Chính vì thế mà nó có tính tiêu biểu cao.
Tiếng khóc nỉ non không biết từ bao giờ, nhưng tôi chợt nghe được và chú ý khi bà cụ rống lên nức nở: Mày đụ cho nó đã cái lồn mày, rồi mày đẻ con mày để cho tao nuôi, gạo đâu tao nuôi. Bà cụ gầy ốm, lem luốc, da mặt nhăn nheo, mỗi vết nhăn như đánh dấu một sự đau khổ. Bên cạnh bà cụ là hai đứa cháu gái khoảng bốn tuổi và mười tuổi rách rưới, xanh xao. Đứa nhỏ xíu sụt sùi khóc, đứa lớn im lặng ngơ ngác. Câu chuyện giữa chúng tôi bỗng nhiên trở thành vô nghĩa hoàn toàn dù chúng tôi đang nói về quê hương đất nước. Vợ bạn tôi nhận ra sự im lặng khổ tâm của chúng tôi và chị lại gần rồi kể cho chúng tôi nghe sự tình. Bà cụ này hiền lành, chất phác, từ trước vẫn nghèo lắm, tối ngày đi xin cơm thừa bán lại cho người ta nuôi heo. Lúc khá nhất bà nuôi được một con heo. Con gái bà lấy chồng làm lính Việt nam Cộng Hòa đạp xích-lô từ sau 30-4-1975, hiện đang bệnh về nằm nhà mẹ. Người con gái theo bạn hàng gồng gánh, khuân vác và giúp người ta bán gạo lậu. Hồi đó buôn bán gạo là buôn lậu vì nhà nước cấm. Lâu lâu chị mới về một lần. Nghe nói gạo vừa mới bị bắt nên lâu nay không có tiền đem về cho mẹ nuôi con. Dạo này cơm thừa không còn nữa, bà cụ có một thùng thuốc lá đem bán đầu con hẻm nhỏ đò ra hẻm lớn, nơi chúng tôi đang ngồi. Ngoài thuốc lá bán lẻ từng điếu, bà cụ còn bán vài cái kẹo, một ít vé số. Trên tủ thuốc lá là một ngọn đèn dầu nhỏ để khách châm thuốc hút. Dạo này phải ăn vào vốn, và bây giờ thì gia tài hết sạch. Tôi nhìn vào tủ thuốc và có thể kiểm chứng điều đó. Thùng thuốc vốn đã nhỏ lại rỗng tuếch, chỉ còn vài gói thuốc lá nội hóa Đà Lạt nhợt nhạt vì phơi nắng khá lâu rồi. Tôi thấy lạ là trước một cảnh thương tâm như vậy chị vợ bạn tôi có vẻ rất bình tĩnh. Chị bình tĩnh vì một lý do khác mà tôi hiểu ngay sau đó. Một người đàn bà ăn mặc xuềnh xoàng tiến lại gần, ngồi xuống bên cạnh cái ghế thấp bên cạnh bà cụ, không biết nói gì với bà cụ và đưa cho bà cụ một bao bằng giấy. Tôi có thể hiểu dễ dàng đó là một bao gạo, đủ để ba bà cháu ăn vài bữa. Người đàn bà này cũng móc trong túi đưa cho bà cụ một vài tờ giấy bạc. Thì ra chị bạn tôi yên trí là thế nào cùng có người tới giúp bà cụ, chị hiểu rằng hàng xóm sẽ không bỏ rơi ba bà cháu. Một lát nữa chị bạn tôi cũng vào nhà trong rời trở ra tới chỗ bà cụ. Chị quay lưng lại phía chúng tôi nhưng tôi cũng hiểu là chị đưa tiền cho bà cụ. Nhìn cử chỉ từ chối ngượng ngùng của bà cụ, tôi hiểu là chị đã giúp cho bà cụ số tiền đủ để tiếp tục bán thuốc lá. Tiếng khóc nỉ non và lời than của bà cụ là một thông điệp gởi đến hàng xóm: tôi đang gặp hoạn nạn. Thông điệp ấy đã đến nơi và đã được hồi âm. Máu chảy ruột mềm.
Câu chuyện cũng có một happy end. Sau đó tôi được biết người con gái cũng về đem cho bà cụ ít tiền. Cuộc sống nghèo nàn của ba bà cháu lại tiếp tục. Kề lại câu chuyện trên đây, có lúc tôi đã định viết tắt một chữ trong lời nói của bà cụ. Nhưng rồi tôi thôi, tôi nghĩ câu nói ân tình đó nên được nhắc lại một cách trung thực như thế.
Những cảnh đùm bọc như thế, tôi đã được thấy nhiều lần. Đủ nhiều khiến tôi tin rằng người Việt nam ta dù thiếu nhiều đức tính nhưng không thiếu lòng hảo tâm, íl nhất với những người quen biết. Nhưng lòng hảo tâm của người Việt nam cũng còn có thể mở rộng cho cả những người mình không quen biết.
Tôi đã thấy tận mắt từ thời thơ ấu. Nạn đói năm 1945 xảy ra vào lúc tôi chưa đầy ba tuổi, nhưng những hình ảnh cực mạnh đã in vào đầu tôi và còn theo tôi suốt đời. Nhà tôi tuy không giàu có theo tiêu chuẩn bình thường nhưng vào thời đó và ở vùng đó là một gia đình khá giả. Mẹ tôi tuy cũng phải chân lấm tay bùn quanh năm nhưng gia đình tôi có ruộng, có vườn, có ao và dư gạo ăn. Quân đội Nhật lúc bấy giờ dữ lắm, nhà nào có gạo là bị tịch thu, cho người đói ăn là một hành dộng có thể có hậu quả hiềm nghèo. Mẹ tôi phải giấu gạo, nhưng đêm nào cũng nấu cháo và dưới ánh đuốc bập bùng hàng đoàn người nối đuôi nhau trước cổng để được húp mỗi người một gáo cháo. Có những người đói đến nỗi kiệt sức mà chết. Ngay cổng vào nhà tôi có một căn nhà mà người trong nhà gọi là nhà xác. Hình như đêm nào cũng có người chết vì ngày nào cũng thấy bó chiếu chôn người. Tôi có nhiều anh và chị nuôi, một số là con cái của những người đã chết đói. Không ai bắt mẹ tôi phải làm cái việc tốn kém và nguy hiểm đó, ngoại trừ tình người và tình đồng bào. Và mẹ tôi cũng không phải là người duy nhất trong vùng làm việc đó. Sau năm 1975, và sau khi đi cải tạo về, tôi còn được biết một câu chuyện về tình người đặc biệt trong sáng khác. Và lần này câu chuyện cũng liên hệ trực tiếp tới gia đình tôi.
Mẹ tôi có một người em gái. Dì tôi góa chồng năm 1946 khi chú tôi, một đảng viên Việt nam Quốc Dân Đảng, bị Việt Minh thủ tiêu để lại hai con trai sáu tuổi và hai tuổi. Lúc đó dì tôi còn rất trẻ, mới 25 tuổi. Trước hiệp định Genève, dì tôi có một quan hệ tình ái. Một bé gái ra chào đời đúng lúc cha nó vào Nam, gia đình tôi lúc đó ở Hà Nội, rồi từ Hà Nội di cư vào Nam, nên hoàn toàn không biết chuyện này. Vào Nam, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với dì tôi. Cho đến năm 1979.
Trong vụ cải cách điền địa tại Bắc Việt năm 1955, ông Bùi Tín nói con số nạn nhân chỉ vào khoảng 20.000 người. Một số đảng viên cộng sản khác mà tôi quen biết sau này, và cũng thành thực không kém Bùi Tín, lại nói rằng số nạn nhân có thể trên 100.000 người. Có thể là 50.000 người chăng? Nhưng ai biết được con số chính xác? Có một thống kê nào đâu? Nhưng tôi biết rõ ràng là có ít nhất ba nạn nhân không được kể là nạn nhân.
Dì tôi bị đem đấu tố là địa chủ gian ác vì có mười mẫu ruộng (tức ba héc-ta rưỡi). Bà bị trói, bị đánh đập, bị xỉ vả là con đĩ, là gian ác rồi bị đuổi khỏi nhà, bà làm một cái lều bên đường và đi xin ăn, nhưng ít ai dám cho. Đứa con trai nhỏ chết đói xong thì bà cũng chết. Đứa con trai lớn, Nhuệ, em họ tôi, là một thiếu niên ngô nghịch và táo bạo. Nó ăn trộm, ăn cướp nuôi em gái nhỏ, lang bạt tới Hải Phòng thì bị bắt rồi chết trong tù. Đứa em gái nhỏ, lúc đó mới bốn tuổi, bò lang thang sắp chết đói thì gặp bà Năm.
Bà Năm quê ở Bến Tre. Vào đầu thập niên 1940 bà là một thiếu nữ trung lưu có nhan sắc. Khi tôi gặp bà vào năm 1980, bà đã 60 tuổi nhưng những nét đan thanh trên mặt bà cũng chứng tỏ rằng hồi thanh xuân bà đẹp vô cùng. Nhan sắc của bà lọt mắt một ông đốc phủ sứ, sau này nổi tiếng là một nhân sĩ có đạo đức lớn tại miền Nam, và ông ta nhất định bắt bà làm vợ bé. Phẫn uất quá, bà Năm trốn đi theo đảng cộng sản. Bà được kết nạp vào đảng cộng sản, lấy chồng đảng viên cộng sản rồi ra Bắc tập kết năm 1954. Cả hai vợ chồng làm việc tại cảng Hải Phòng. Đầu năm 1957, một tai nạn khủng khiếp xảy ra, ông chồng bị chết ngay tức khác còn bà Năm bị dây cáp cắt đứt một chân. Lúc đó họ đã có hai con trai. Bà Năm ở bệnh viện ra thì gặp em bé lang thang, bà bèn nhận nó làm con nuôi. Như thế đã là tuyệt vời, nhưng điều tuyệt vời hơn nữa là sau đó. Em tôi lúc đó còn quá bé để có thể nói cha mẹ nó là ai, quê hương nó ở đâu, nhưng bà Năm nhờ dò hỏi biết nó có một thằng anh chết trong tù, và bà chống nạng đi khắp các cơ quan điều tra. Bà tìm về được tới làng của dì tôi, hỏi được tên bố mẹ và cả ngày sinh gần đúng. Tuy bà có thể làm khai sinh cho nó là con bà nhưng bà đã làm lại khai sinh chính xác cho nó. Nhờ là liệt sĩ có công với cách mạng, bà đã che chở được cho đứa con địa chủ gian ác này. Bà bảo vệ nó như cọp cái giữ con, không ai có thể đụng tới con gái bà.
Năm 1979, bà vào Nam và tìm được gia đình tôi. Bà thành người bạn của gia đình tôi. Bà dẫn đứa con gái nay đã có chồng vào nhận họ hàng của nó. Bà hay đến dùng cơm, kể lại quá khứ của mình. Bà Năm rất tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản như một chủ nghĩa quảng đại và trong sáng.
Bà chống đối gay gắt chính quyền cộng sản nhưng vì một lý do khác hẳn với lý do của những người chống cộng. Bà nói: Chúng nó phản bội lý tưởng cộng sản. Mẹ tôi, dù ghét cay ghét đắng cả đảng cộng sản lẫn chủ nghĩa cộng sản, vẫn rất quí trọng bà, hai bà có thể nói chuyện cả ngày mà không biết chán. Bà Năm đặc biệt thích tôi, bà hay bắt tôi ngoi nghe bà kể chuyện và bà còn đọc cho tôi nghe một truyện dài bằng thơ lục bát mà bà làm để kể đời mình và tâm sự mình.
Bà hay nói: Bây giờ bác nuôi con Hà như vậy là đã làm tròn bổn phận, bác đem trả lại cho gia đình cháu đấy?. Có lần tôi gắt lên với bà: Bác đừng nói như thế, nó chẳng là con của ai khác cả, nó chỉ là con của bác, của một mình bác thôi!
Đôi mắt bà Năm ứa lệ. Từ lâu nay tôi không còn được tin bà Năm nữa. Những dòng trên đây xin được tặng bà Năm để bày tỏ lòng kính mến và biết ơn sâu xa đối với một người phụ nữ đã cho phép tôi, trong bao nhiêu thất vọng, vẫn còn tự hào được làm người Việt
____________________________________________

Truyện Tổ quốc ăn năn Lời đầu Cảm tạ Ghi chú về tài liệu tham khảo và bố cục Sơn hà gấm vóc Rất đượm hương và rộn tiếng chim Sơn xuyên chi cương vực ký thù Nước non nghìn dặm Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình Nước non nghìn dặm (II) Mưu sự tại nhân... Một dân tộc tinh anh? Một dân tộc hiếu học? Một dân tộc sáng dạ? Chuồng lợn và cái cày Hai bằng tiến sĩ Người Việt, người Nhật Một dân tộc bất khuất và tự hào? Yêu nước Ils ne s aiment pas Đôi bạn Phương pháp và gắn bó Phá vỡ định luật 8 Hợp tan Anh hùng nước Nam Thằng nào đây? Tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi Máu chảy ruột mềm Mấy ngàn năm lịch sử con cháu tiên rồng Mở mắt và nhỏ lệ ảo ảnh Lý Trần Hồ Quí Ly và Mạc Đăng Dung Người trong một nước? Đem tâm tình viết lịch sử? Trở lại trường hợp Nguyễn Huệ Rước voi về dày mả tổ Cõng rắn cắn gà nhà Cho những người đã nằm xuống Chấp nhất kỷ chi kiến Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau Cướp đất của ai? Dừng chân nghĩ lại Tám mươi năm Pháp thuộc Một bài học lịch sử Soi lại chân dung, ba nét đậm của đất nước Một chuyển tiếp tự nhiên Bốn ngàn năm văn hiến Một phép mầu, một may mắn và một bài học Kinh nghiệm Cao Ly Đoạn Trường Tân Thanh Thua kém và nguyên nhân Khổng Giáo và Khổng Tử Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Tử Di sản Xuân Thu Chiến Quốc Đạo lý thánh hiền Việt Nho Mặt thật của ai? Giết hại công thần Anh không biết gì về cộng sản Ưu đạo bất ưu bần? Tổ quốc của kẻ sĩ Một chân dung tráng lệ của kẻ sĩ Chuyện cổ tích Mười triệu năm đánh đu Mười triệu năm đánh đu Cái tuổi dại khờ và ánh sáng bừng lên Hòa Lan: cái gì đã xảy ra? Anh: một dân tộc bán tiệm Hoa Kỳ: Nhật Bản: tự do trá hình và dân chủ giấu mặt Những xã hội phồn vinh khác Cùng một hiện tượng Những thí dụ phản bác? Singapore: một thị trưởng xuất sắc Mã Lai: dân chủ ngay từ khi thành lập Đại Hàn Dân Quốc: Thái Lan: mãi đến 1992 Philíppin: sự bịp bợm của Marcos Inđonesia: sự ra đời vội vã của một nước lớn Đài Loan: từ một chiến khu tới một quốc gia Châu Mỹ La Tinh: một thế kỷ rưỡi trong bóng đêm Những lập luận phản bác? Những định luật cho một xã hội phát triển? Kinh bang tế thế Huyền thoại kế hoạch Laissez-faire? Quốc gia, dân tộc Quốc gia Nhà nước Nhà nước- quốc gia Dân tộc Chủ quyền Quốc gia, nhà nước và dân chủ Đất nước ta Vài vấn đề về dân chủ Đi xa hơn dân chủ Các giá trị châu á? Thập nhị sứ quân Phản xạ tổng thống chuyện của các luật sư Một thoáng suy tư về châu Phi Tổ quốc ăn năn Gởi vào giấc mộng, nhắn ra cuộc đời Một số nhận định về Tỏ QUốC ĂN NĂN và tác giả Bình luận