ây thức dậy sau một giấc ngủ nặng nề. Cô không còn khái niệm thời gian, ngoài kia trời u ám. Mây nhìn lại căn phòng mình, bé tí như hộp diêm. Chiếc giường hẹp chừng tám tấc kê sát tường, một bàn học, một chiếc ghế, một bồn rửa mặt. Cô uể oải nhìn ra cửa sổ, mưa lất phất đang rơi xuống đồi cỏ xanh, những cành cây còn sót vài chiếc lá úa gầy khẳng khiu, mấy băng ghế sơn nâu im lìm buồn. Cô soạn hành lý ra, cái nồi cơm điện mini làm cô thấy tủi. Đi Tây học đâu phải thiên đàng, thế mà suốt bao nhiêu năm cô đã ra sức phấn đấu vì mục tiêu này. Bên ngoài có tiếng gõ cửa, Mây e ngại hé đầu ra. Người bảo vệ tối hôm qua đón cô đến rồi khệ nệ bê hai chiếc valise lớn lên phòng. “Cô khỏe chưa? - Anh ta ân cần hỏi - Lúc đến thấy cô mệt gần ngất xỉu vì đã trải qua một chuyến bay dài. Cô có cần gì không?”. Mây lí nhí cảm ơn. Người bảo vệ có vóc dáng to lớn, mũi cao, mặt thanh như người châu Âu nhưng nước da không sáng, mày rậm và mắt dài như dân Á châu. Anh ta trạc tứ tuần, phong cách trầm lặng và ánh nhìn man mác. Mây có cảm tưởng mình đã bắt gặp người đàn ông này trong những câu chuyện Ngàn lẻ một đêm. “Tôi làm việc ca tối, gần hết giờ trực của tôi rồi - Người bảo vệ lại lên tiếng - Tôi nghĩ có lẽ tốt cho cô nếu trước khi về, tôi dẫn cô đi một vòng giới thiệu ký túc xá. À, sinh viên ở đây gọi tôi là Sinmad”.Ký túc xá giờ đã trở nên quen thuộc với Mây. Mỗi chiều thứ sáu sau khi từ trường về cô ghé siêu thị, nạp thực phẩm cho cả tuần. Chiếc ba lô trĩu nặng trên vai nào sữa, nào nước cam, rồi đồ hộp. Tay phải cô còn xách thêm chiếc cặp đựng máy vi tính, tay trái giơ cao chiếc dù. Từ bến xe bus về đến phòng, Mây phải đi bộ một đoạn khá xa băng qua đồi cỏ ẩm ướt và những cơn gió cắt da. Bếp nấu ăn tập thể đang giờ cao điểm, các sinh viên chạy ra chạy vô hấp tấp, tay bê xoong nồi dao thớt lỉnh kỉnh. Bình thường Mây chỉ cần khui hộp thịt, cho vào lò vi ba hâm nóng trong hai phút là xong bữa tối. Hôm nay cuối tuần cô quyết định phải nấu canh cho có chất rau. Mây múc một tô canh chua nấu với cá viên đông lạnh rồi đi thang máy xuống phòng bảo vệ. Sinmad đang bận rộn tính toán tiền giặt đồ và thuê tủ lạnh cho một tốp sinh viên. Mây nhẹ nhàng đặt tô canh lên chiếc bàn con trong góc rồi trở lên phòng. Cô còn kịp thấy anh nháy mắt ra dấu cảm ơn. Thật ra Mây mới là người chịu ơn Sinmad. Thấy tóc cô ướt bết vì dầm mưa run lập cập, anh đem ngay thuốc lên tận phòng. Nghe cô than thèm món ăn quê nhà nhưng thiếu dụng cụ làm bếp, anh chở đến một thùng carton lớn đầy nồi niêu xoong chảo. Biết cô nhớ gia đình, anh đem máy chụp hình kỹ thuật số chụp cô đủ kiểu trong ký túc xá rồi gửi về Việt Nam qua đường E-mail. Mỗi lần Mây nói cảm ơn, anh cười buồn “Tôi đã trải qua những cảm xúc giống em trong suốt mấy năm đầu định cư nơi đây, cũng cô đơn, nhớ nhà và cần tìm người chia sẻ...”.Sinmad chỉ trực vào ca đêm, giờ này lương cao hơn và người ta cũng chỉ cho người nước ngoài công việc dân bản địa không thèm làm này. Anh gốc Afghani-stan, định cư chính trị ở Pháp đã được chín năm nay vì chiến tranh nơi quê nhà. Sinmad là nhà báo, sang bên đây không còn cơ hội hành nghề nữa. Những tối học nhóm nhà bạn bè về khuya, Mây bắt gặp anh mải miết ghi chép trong căn buồng hẹp dành cho người gác đêm. Những con chữ Ả Rập ngoằn ngoèo lạ lẫm làm cô bật cười. “Anh viết gì thế?”. Sinmad đẩy quyển sổ ra trước mặt Mây “Đọc thử đi!”. Cô nhìn anh chịu thua. “Nhật ký kẻ lưu vong ấy mà! - Sinmad cúi mặt - Chúc em ngủ ngon!”.Mỗi sáng Mây nhìn ra cửa sổ thấy thời tiết dần thay đổi. Những chiếc lá vàng rơi như trút sau từng đợt gió rít qua khe, mưa tuôn xuống rào rào, bầu trời lúc nào cũng âm u, ảm đạm. Mây hy vọng mình quen dần với cái lạnh của mùa thu, nhưng mùa đông đã ập đến, dẫu không quá đột ngột cũng làm cô cảm nhận rõ rệt nhiệt độ ngày càng xuống thấp. Quãng đường từ trạm xe bus băng qua đồi cỏ về phòng như vô tận. Mỗi sáng bước chân ra khỏi ký túc xá cùng dòng sinh viên, đứng đợi xe bus trong vài phút ngắn ngủi, Mây nhớ da diết ánh nắng vàng tươi tắn trải dài trên những con đường TP. Hồ Chí Minh. Rồi Mây quen dần với màu xám của mùa đông, màu xám thật hợp với những căn nhà xây bằng đá ardoise cổ truyền vùng Bretagne. Cô không còn thấy cái lạnh quá khắc nghiệt nữa, hình như trời ngày càng ấm hơn hay cơ thể cô đã thích nghi được với môi trường. Một sáng thức dậy Mây ngỡ ngàng nhận ra, những chiếc lá non biêng biếc đang rộ nhú trên những cành cây khẳng khiu, đồi cỏ non thay áo xanh rì. Ở bến xe bus lũ sinh viên kháo nhau “cuối đông rồi!”. Anh chàng Christophe phòng đối diện cười với Mây rạng rỡ và nhường cô lên xe trước, lịch sự như một thanh niên quý tộc chính hiệu. Con trai bên đây rất mê mái tóc dài đen nhánh và đôi mắt lá răm của cô. Họ thích gạ Mây đi quán bar, dạo mát ngoài bến cảng hay ít ra cũng chơi billard trong phòng khách ký túc xá. Những chàng trai trẻ tuổi không hiểu vì sao cô nàng Việt Nam cứ hay rút vào vỏ ốc, rụt rè giữ kẽ và chỉ tươi cười sống động khi nói chuyện cùng người gác đêm trung niên. Giữa họ dường như có một sự hòa đồng về văn hóa, tuy có điểm giống nhưng cũng có nhiều điều khác, đủ khiến hai người hiếu kỳ về nhau. Như đa số người Trung Á, Sinmad tin vào thánh Allah. Mây hồi hộp:- Anh có mấy vợ?- Bốn, vừa đúng luật - Anh chắc lưỡi tiếc - tôi thích sáu lận!- Sao anh không để râu?- Mấy cô vợ tôi chịu nhột dở lắm!- Làm cách nào để duy trì trật tự giữa các cô vợ?- Đó là nghệ thuật phân chia sức lực cho hợp lý.Lần đầu tiên Sinmad mời Mây về nhà là vào một sáng chủ nhật, sau ca trực đêm của anh. Lý do trịnh trọng được anh từ tốn nêu: nhân dịp xuân về. Ký túc xá mấy hôm nay cũng đã có hình ảnh mùa xuân. Những cây hồng ven đồi cỏ xanh bung những đôi cánh nhung mượt, đỏ rực rỡ. Hoa cúc từ những bậu cửa sổ mọc lơ lửng thả từng vệt màu trắng, bám trên tường làm lóa mắt bọn sinh viên. Và còn bao nhiêu là hoa dại li ti đủ màu sắc nằm lẫn trong đồi cỏ non thật ngọt ngào. Nhưng độc đáo nhất vẫn là những bông hoa tú cầu (hortensia) kết thành từng chùm lớn, trông thật nhộn nhịp. Hai người quyết định đi bộ đến nhà Sinmad trong một buổi sáng chủ nhật yên lành. Mây bé nhỏ sánh bước bên anh, mái tóc dài lất phất vương trên ngực áo bạn đồng hành.Anh nấu đãi khách món ngon của cố hương, có cơm trắng, thịt bò ướp nị và nước xốt ngòn ngọt vị nho khô. Bàn ăn chỉ hai người. Sinmad sống cô độc trong căn hộ nhỏ có cửa sổ nhìn ra một công viên đầy hoa tú cầu. Anh cho Mây xem những bức tranh ký họa vẽ toàn tú cầu vào mùa xuân. Quê Sinmad không có hoa này, ở Việt Nam cũng hiếm thấy. Anh lại khoe mình còn sáng tác nhiều bản nhạc ca ngợi tú cầu vùng Bretagne. Hồi còn ở Afghanistan, nhà anh có dương cầm, sang đây anh chỉ đủ khả năng tậu một chiếc organ cũ. Mây nhìn anh lướt những ngón tay thon thả trên phím đàn, điệu nhạc pha lẫn giữa âm réo rắt miền Trung Á và sự dìu dặt vùng Tây Âu cho cô cảm xúc thật lạ...Mùa xuân rồi cũng đi qua, những bộn bề thi cử chực chờ lao đến. Ký túc xá giờ cao điểm không còn cảnh sinh viên bê xoong nồi ra vào tấp nập bếp ăn tập thể, cảnh bọn con trai quấn khăn ngang bụng hát vống lên bước vào nhà tắm công cộng, cảnh lũ con gái thay phiên nhau ngồi bẹp ở đầu hành lang rì rầm nói điện thoại. Ai cũng khép cửa phòng, mũi cắm vào đống sách, tay gõ liên tục trên bàn phím vi tính xách tay. Hành lang vắng lặng, thỉnh thoảng tiếng điện thoại đổ chuông làm mọi người giật mình nhưng chẳng ai còn tâm trí mở cửa phòng chạy ra bắt máy. Phòng Mây ở đầu hành lang, nơi điện thoại dành cho cả tầng treo trên tường. Cô vốn không có mấy ai tìm gọi, thời gian này lại mong tin một người. Sinmad nghỉ làm bảo vệ đêm, anh đã tìm được việc ở một tòa soạn báo. Mây mừng cho anh cuối cùng đã trở lại nghề ký giả.Tháng lương đầu tiên Sinmad dẫn Mây đi nhà hàng Việt Nam. Cô thích những món quê anh hơn. Nhìn anh tự tay nấu nướng trong căn phòng nhỏ nhìn ra những bông hoa tú cầu, Mây cảm nhận rõ rệt không khí ấm cũng của một gia đình. Cô thấy không thoải mái trong nhà hàng sang trọng với những người phục vụ tận tình. Hai người ra về rất sớm. Thấy Mây không hài lòng, Sinmad đề nghị sáng chủ nhật tuần sau sẽ ra biển tìm ốc gạo, hứa hẹn một buổi tối với món lạ do anh tự sáng chế.Biển mùa hè vào mùa này nước rút cạn, để lộ bãi đá rong rêu màu xanh xám. Sinmad mua cho Mây đôi ủng nhựa bé tẹo thật ngộ nghĩnh. Mỗi người cầm xô nhỏ bì bõm lội lom khom. Những chú ốc tí ti núp mình trong lòng cát. Sinmad dạy cô cách lật đá và rong lên để truy tìm nguyên liệu cho bữa ăn. Gió biển thổi rát mặt làm môi Mây khô nứt. Mới thoáng cô đã thấy đau lưng không chịu nổi.- Em không lượm ốc nữa đâu! Chỗ này cũng đủ cho một bữa no rồi!- Chưa ai trong số bốn cô vợ của tôi lại lười biếng như em - Sinmad nhăn mặt - Thôi, đến ngồi trên tảng đá lớn đằng kia đợi tôi vậy!Mây dựa mình lên đá, tháo đôi ủng nhựa ra và nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Khi cô tỉnh dậy, Sinmad vẫn đang lom khom với những xô đầy ốc. Anh đem ra chỗ nước súc rửa cho vơi cát rồi bê chiến lợi phẩm chất lên cốp xe.- Anh định ăn ốc trong một tháng à? - Mây châm chọc, giấu sự xúc động khi nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán Sinmad.- Cô gái nhỏ của tôi ơi! Có ai thương cô như tôi chưa? Trong lúc cô say ngủ hồn nhiên thì tôi phải làm việc để phục vụ cô một bữa ngon kia đó!Mây cười giòn. Ừ, thì làm “cô gái nhỏ của anh”. Chưa bao giờ Mây dám nghĩ được là gì hơn thế. Sinmad cũng cười, mặt anh bừng sáng. Mây chợt nhận ra ánh mắt man mác buồn của anh lần đầu gặp đã không còn nữa. Anh ngồi xuống bên cô, tay cầm hòn cuội vẽ ngoằn ngoèo trên cát.- Gì vậy?- Tên em đó! - Sinmad nháy mắt - “Mây” Mây viết bằng tiếng Ả Rập. Tôi viết theo nghĩa là mây trên trời chứ không theo cách ghi âm đâu. Tên em hay thật.- Sau này khi em về Việt Nam anh vẫn nhớ Mây chứ?- Ừ, chỉ cần nhìn mây trên trời, cô gái nhỏ của tôi ạ!Sinmad nói câu này mà không nhìn lên trời, anh nhìn vào mắt cô. Hòn cuội trong tay rơi xuống cát. Mái tóc dài của Mây quấn êm êm vào cổ...- Chúng ta về thôi, muộn rồi! - Sinmad đứng dậy, và lần này anh nhìn lên trời - Em không có ý định làm cô vợ thứ năm của tôi đó chứ?Mây đã có điểm trình luận án. Ký túc xá dạo này vắng lặng, bọn sinh viên khép cửa phòng về với gia đình. Hè rồi. Đồi cỏ xanh vẫn mượt mà, những chùm hoa tú cầu càng sum sê hơn trong nắng dịu vùng Bretagne. Một tuần nay Mây không gặp Sinmad, anh phải đi công tác về miền Nam. Anh dặn cô thỉnh thoảng đến nhà tưới những chậu hoa trên bậu cửa sổ. Có đêm Mây ngủ lại, ký túc xá lúc này hiu quạnh quá. Trong căn hộ độc thân của Sinmad dường như có gì đó khác lạ. Phòng ngủ được sắp xếp lại để kê giường rộng rãi hơn. Nhà bếp chất đầy chén đĩa và trong phòng tắm có thêm nhiều khăn lông màu tươi tắn dành cho phụ nữ.Sinmad đến ký túc xá chở cô gái nhỏ của anh ra sân bay. Đồi cỏ xanh thân quen chỉ còn là một chấm nhỏ Mây mới thôi không lưu luyến quay đầu lại. Cô nhìn những bông hoa tú cầu mọc khắp nơi trong thành phố, lòng bồi hồi. Rồi vài ngày nữa Sinmad sẽ quay lại trên chính con đường này, đến sân bay đón một người thân yêu của anh. Gần mười năm nay hai người chịu cảnh lưu lạc. Chị phải rời Afghanistan đến tá túc nhà người chú ở Iran. Ừ, vợ anh đó, người vợ duy nhất của anh mà thôi.Sinmad giúp Mây chất đồ lên xe đẩy, cô tròn mắt nhìn thêm một hộp hình trụ được anh đặt lên. “Quà cho cô gái nhỏ của tôi”. Anh siết Mây vào lòng rồi hôn lên vầng trán nóng bỏng của cô tạm biệt. Lúc Mây vào phòng cách ly nhìn ngoái lại, còn kịp thấy anh vẽ ngoằn ngoèo tên cô lên tấm kính. Máy bay cất cánh rồi, Mây mở quà của người gác đêm ra. Một bức tranh vẽ công viên nhìn từ cửa sổ phòng anh. Mây mỉm cười để rơi một giọt nước mắt, tạm biệt những đóa hoa tú cầu vùng Bretagne...