Chương 19

Bàn tay dịu dàng khóat nước lên chân. Mặt  nàng cúi thấp  ngắm mây chiều bay lang thang lồng vào miệng ao nước trong veo. Nàng chợt nghe hình ảnh kỷ niệm bừng sống dậy trong lòng. Nàng những tưởng ra đi... rồi sẽ quên..., nhưng sao vẫn thấy nhớ thương thêm trĩu nặng tâm hồn ;
Nàng hỏi thầm với bóng mình trong đáy nước:
- Giờ này, Thái ở đâu, Thái đang làm gì, Thái có nhớ mình hay không? Chắc là không bao giờ Thái nhớ mình vì người vợ mà Thái sắp cưới đẹp lắm, giàu sang lắm...
Và nàng tự trách mình:
- Sao mình ngu dại quá vậy? Người ta có thương nhớ gì mình đâu, mà sao mình thương nhớ người ta làm chi. Người con trai đó bội bạc lắm!
Nàng thở dài cố xua đuổi kỷ niệm ra khỏi tâm não, nhưng kỷ niệm cứ kéo đến bám víu lấy chung quanh nàng. Tức mình quá, nàng liền dang tay tát nước tung lên trắng xóa.
Trong cơ hội dằn dỗi này, nàng chợt thấy một bóng người in rõ trên mặt nước bên kia bờ ao. Nàng giật mình ngẫng đầu lên thì bắt gặp một chàng thanh niên mặc bi da ma sọc xanh chậm chạp đếm bước quanh bờ ao.
Bốn tia mắt chạm nhau, nàng e thẹn cúi đầu khoát nước rửa chân. Liếc mắt theo dõi cái bóng chàng dưới nước, nàng thấy chàng dừng lại và dường như đang ngắm nàng ;
Nàng vội vàng đứng lên lấy thùng múc nước xách đem lên dể trên đầu cầu, rồi tiếp tục múc đến thùng thứ hai.
Chàng thanh niên tiến dần về phía nàng. Trong lúc nàng xách thùng nước thứ hai lên bờ ao thì chàng ngồi xuống giơ thẳng chân ra vói kéo một gương sen đầy hạt. Nhhưng chàng vói không tới, chàng phải bám chặt vào gốc cây so đũa,  rồi vói ra một lần nữa. Ngón chân của chàng cũng chưa đụng đến cọng sen. Nương còn đứng lại xem chàng có hái được cái gương sen hay không. Chàng nhọc công cách mấy ccũng vô ích. Chàng nhìn lên Nương và khẽ cúi đầu chào, vừa có ý muốn cầu xin bàn tay giúp đỡ của nàng con gái đối diện.
Không biết Nương có hiểu hay không, nàng cúi nhặt cây đòn gánh chạy lại:
- Anh vói sao tới. Anh để tôi lấy đòn gánh móc vô cho.
Thanh niên mỉm  cười:
- Dạ, cám ơn cô.
Nương ngồi xuống mé ao và thò đầu đòn gánh ra:
- Anh muốn hái cái gương sen này phải hôn?
Chàng khẽ gật, vừa ngồi xuống bên cạnh nàng:
- Dạ, cái đó à cô.
Nương dùng đầu đòn gánh móc cọng sen nhè nhẹ... từ từ... kéo vào bờ, nhưng độ chưa vừa tâm tay thì cộng sen lại bật trở ra. Nàng móc kéo lại một lần nữa, vừa bão:
- Nè...nè anh, anh vói kéo vô đi.
Thanh niên nhanh nhẹn, một tay vói  nắm một bụi cỏ bên bờ, một tay vói ra ngoài:
- Chút xíu nữa, cô.
Nương  nín thở:
- Cái mấu đòn gánh không sâu, cộng sen muốn bật ra nữa anh à. Anh ráng vói chút nữa mới tới...
Thanh niên cố ngã người tới, căng thẳng hai cánh tay:
- Tới....tới chút nữa... nhè nhẹ...
- Chụp lẹ nghe anh.
Vừa bảo, Nương vừa giật mạnh cây đòn gánh. Thình lình, bụi cỏ của chàng nắm để chịu cả sức nặng thân thể bị bứng nguyên một chùm rể. Mất thăng bằng ; chàng nhào ùm xuống ao mà không kịp bám víu vào đâu được cả.
Nương vứt đòn gánh hốt hoảng:
- Ý! Anh... anh...Sao vậy?
Chàng lúynh quýnh và thẹn thùa, hai tay cào cấu vào bờ đất như kiếm chỗ bám để leo ; vừa cười gượng:
- Bụi cỏ bị tróc gốc cô à.
- Anh có sao hôn?
- Ướt hết...
Thanh niên leo lên chưa đến đâu thì lại trượt châ, xuống nước. Chân chàng dẫm, quậy bùn sình lên đục ngầu một góc ao, mà cũng chưa leo lên được, vì đất bờ ao vừa bị lở, vừa trơn.
Nương nhìn chàng lấy làm bối rối:
- Anh... anh lên không được sao?
Câu hỏi quá thừa của Nương làm chàng càng thẹn đỏ mặt. Miệng chàng lắp bắp:
- Dạ... dạ trơn quá cô  ạ?
  Nương còn để cho chàng thanh niên leo lên, tuột xuống, nàng đứng nhìn chưa biết phải làm sao. Nàng muốn bật tiếng cưới, nhưng vì đứng trước người lạ, nàng không dám cười.  Bỗng phía trong nhà có tiếng ông sáu Long nói lớn:
- Con kéo cậu hai lên, con.
Nương giật mình ngoảnh nhìn vào nhà:
- Dạ, chi nội?
Ông sáu Long đứng trước cửa ra dấu:
- Kéo cậu hai lên.
Vì tiếng gà tây bên chuồng cất cổ kêu cà cót... cà cót inh ỏi, nên Nương chẳng nghe gì hết, nàng nói:
-Người ta té...
Ông sáu Long bước ra vài bước:
- Ừ, con kéo cậu hai lên, Sao lại đứng ngó?
Nương lại phải luống cuống không biết làm sao kéo anh chàng mà ông sáu Long gọi bằng cậu hai kia lên, nàng chạy lần quàn trên bờ. Phải chi có quen biết nhau thì nàng còn dám đưa tay cho chàng nắm kéo chàng lên.
Như hiểu ý Nương, ông cả giọng bảo:
- Con lấy cây đòn gánh đó.
Mới nhớ lại mình còn cây đòn gánh, nàng liền cầm một đầu, đưa xuống cho chàng một đầu:
- Anh nắm lấy đi.
Thanh niên có vẻ e ngại:
- Cô kéo nổi hôn?
Nương khẽ cau mày:
- Thì cứ nắm chặt đi mà.
- Tôi nặng lắm à cô.
Nghe anh chàng nói vậy, Nương khó nén được tiếng cười khúc khích:
- Không thì anh cứ lội lại đằng cầu rồi leo lên.
Chàng thanh niên lần mở nút áo, cởi áo ném lên bờ, vừa nói:
-Dạ thôi, tôi sợ cô kéo tôi không nổi rồi cô...cô phải té nhào xuống đây nữa,  để tôi  lội lại cầu ao...
  Nương không nói thêm lời nào nào với chàng thanh niên nữa, nàng liền quay lưng gánh đôi thùng nước đi về nhà, bỏ mặc chàng bì bõm dưới ao sen.
Đợi Nương vô đến sân, ông sáu Long liền hỏi:
- Sao con không kéo người ta lên, Đất bờ ao là đất hòm, leo đến đâu nó lở xụp xuống đến đó.
Nương đặt đôi thùng nước xuống, đưa mắt về phía ao sen, vừa đáp:
- Để cho ổng lội lại cầu leo lên. Ai mà kéo ổng" cho nổi.
Ông sáu Long cười hệch mồm:
- Mà nó làm gì ngoài đó cho té nhào vậy?
- Ổng hái sen.
Nói đến đây, Nương cười nôn, vừa nói:
- Con lấy đòn gánh móc cái gương sen vô bờ dùm cho ổng, rồi ổng vói... vói..., mới nhào đầu đó...
Ông sáu Long cau mày:
- Con kêu bằng cậu, hay bằng anh, chớ cái gì mà... ông... ông...
Ngòai cầu ao, chàng thanh nìên vừa lóp ngóp bò lên bờ với bộ đồ ướt dán da. Chàng đứng cởi áo vắt nước và nhìn về phía ông cháu của Nương.
Nương quay lại ông sáu Long hỏi nhỏ:
- Ai vậy nội há?
Ông sáu Long ngạc nhiên:
-Con không biết cậu đó hả?
Nương lắc đầu.
- Dạ, không. Người ở ngòai xóm hay ở trong trại vậy, hả nội?
Ông sáu đáp:
  - Ở trong nầy chớ. Sống rúc với gà gần cả năm mà con chưa biết cậu đó là con ai hay sao?
Nương để mắt theo dõi bóng chàng thanh niên đi men theo bờ ao, rồi về dãy trại bên kia, nàng hỏi nhanh:
- Con ai đó nội?
Ông sáu Long nghiêm nghị:
- Con trai lớn của năm Điển đó à con.
Nương thảng thốt:
- Ủa! Anh đó là con bác Năm quản lý đó sao, nội? Vậy mà sao từ hồi nào tới giờ con đâu có gặp ảnh, nên đâu có biết ảnh là ai. Làm con tưởng ai lạ...
Ông sáu Long giảng giải:
- Tại con rúc trong bếp tối ngày nên con không biết ai trong này hết. Thằng đó là thằng Hậu đó. Nó làm thầy giáo dạy ở trên Gò Đen, lâu lâu mới về thăm năm Điển một lần. Ngày mai lễ nên nó về đó.
Nương phì cười:
- Làm thầy giáo! Hèn chi!
Nàng phân trần:
- Thằng chả yếu xịu hà nội! Vói vói một chút vậy mà té đùng dưới ao, leo lên tuột xuống hoài... thấy tức cười muốn lộn ruột mà con hổng dám cười, sợ thằng chả chửi.
Ông sáu Long gạt ngang:
- Con đừng nói vậy. Thằng Hậu nó đàng hoàng, khuôn phép lắm à con. Nó là dân thầy bà, làm việc bằng trí óc, nó phải yếu đuối vậy chớ sao con.
Nương gật đầu:
- Phải rồi, ảnh thấy con cái ảnh cúi đầu chào con trước nội ơi, ảnh làm con phải ngơ ngáo... Con đâu có ngờ ảnh là con bác quản lý .
Ông sáu Long nhìn ngang Nương mà trong tia mắt hàm nhiều bí ẩn:
- Nó ăn nói giống năm Điển, phải hôn con?
Nương cười chúm chím:
- Ảnh đâu có nói với con gì đâu mà con biết.
- Để tối nay, năm Điển qua nhậu với nội, nội biểu Năm Điển kêu nó qua chơi.
Nương quay mặt hướng khác, gạt phăng:
- Thôi nội ơi.
Ông sáu Long nhìn sững đứa cháu:
- Sao vậy?
Nương lẩm bẩm:
- Tánh nội hay mời hay mọc người này người nọ tới nhà, con... bực quá. Một mình bác năm quản lý nhậu với nội được rồi.
Ông sáu Long phân bua:
- Con hổng hiểu. Mình mới về đây, mình phải làm thân với người này, người nọ, khi hữu sự, người ta mới giúp đỡ mình được chớ. Nói như con vậy rồi, ai thèm tới nhà mình.
Nương nhăn mặt:
- Nhưng mà nội đừng mời ông thầy giáo qua làm chi.
Ông sáu Long gạn:
- Tại làm sao mà con không cho nội mời thầy giáo Hậu qua chơi.
Nương cất đôi thùng nước lên vai:
!
&&&
Nhà vừa lên đèn xong thì năm Điển xách một con gà mái giống Hubbard mập tròn, đem vào ném bên chân Nương và  ngọt ngào  bảo:
- Bắt nước, cắt cổ đi, con.
Nương nhìn con gà bị trói chân nằm giãy đành đạch, rồi nhìn ông quản lý trại:
- Có mình bác với nội con mà bác cho bắt chi con gà lớn vầy, ăn sao hết?
Năm Điển đáp gọn:
- Ba bốn người lận mà con ;
Nương nheo mắt:
- Ai đâu mà tới ba bốn người?
Năm Điển đếm từng ngón tay với giọng giễu cợt:
- Nội con nè... một, bác nè... hai, con nè... là ba, với...với...
Đến đó rồi ông quản lý đâm ra lúng túng không biết kể thêm ai nữa. Nương sanh nghi rằng người thứ tư trong bữa tiệc là ông văn phòng trưởng.
Nàng hỏi dồn:
- Ai nữa bác? Ông Định nữa, phải hôn bác?
Ông quản lý lắc đầu và rắn giọng:
- Không. Thằng cha Định làm gì được ăn con gà này.
Nương cau mày:
- Vậy chớ ai?
Ông quản lý chống nạnh cười:
- Đố con đó. Nếu con đoán trúng thì bác thưởng cho con cả cái bụng trứng của con gà  này.
- Thôi đi, bác làm như con ham ăn trứng gà lắm vậy.
Năm Điển cười ý nhị và lời nói sâu xa hơn:
- Con hổng chịu thì bác thưởng cho con... một đôi bông, một đôi vàng, một cặp áo dài
Nương chận ngang câu nói của ông quản lý:
- Bác nói cái gì ký cục vậy, bác năm?
- Con chưa biết gì hết, hả con?
Giọng Nương duyên dáng, ngây thơ:
- Con đâu có biết...
Năm Điển bỏ giọng vói ra nhà trước, phân bua với ông sáu Long:
- Bác sáu à! Bác sáu! Con nhỏ nó nói nó chưa biết gì hết đây, bác. Bác nên nói rõ cho con nhỏ nghe chuyện đó đi chớ.
Ông sáu Long chậm rãi nói:
- Khoan! Để cho hai đứa biết nhau cái đã.
Nương chẳng hiểu tí gì  những lời úp mỡ có vẻ nghiêm trọng của ông sáu Long và ông quản lý, nàng cau mày:
- Chuyện gì vậy, bác năm?
Năm Điển cười chúm chím:
- Con muốn biết, phải hôn?
- Bác nói cho con nghe đi.
Năm Điển làm nghiêm nét mặt lại ngay:
- Với một điều kiện...
Nương cười nụ:
- Còn điều kiện gì nữa?
Năm Điển chỉ ngực nói nhanh:
- Kêu bác bằng ba.
Nương lại nhăn mặt:
- Gì kỳ vậy, bác?
Giọng năm Điển rắn rỏi thành quyết định:
- Ừ, Con phải kêu bác bằng ba rồi bác mới nói cho nghe... chuyện kia sau.
Nàng lắc đầu lia:
- Thôi, con có ba rồi, con đâu có kêu như vậy được, Bác là bác, ba là ba, đâu có lộn xộn được.
Bác quản lý lại quay mặt ra phía trước phân bua với ông sáu:
- Coi con nhỏ hỏng chịu kêu tôi bằng ba kìa bác sáu;
Ông sáu Long phì cười và nói buông xuôi:
- Thì chú dạy nó sao đó thì dạy.
Năm Điển trở lại Nương:
- Ba này là...là ba  khác mà con.
Nương cúi xuống hốt củi chất vào bếp, vừa hỏi:
- Ba khác là ba gì? Bác nói chuyện nghe tức cười.
Môi năm Điển lắp bắp:
- Là ba...là ba.... chồng!
Nương giật mình vì tiếng nói chót của Năm Điển, nàng nghoảnh lại há hốc mồm một lúc, đoạn hỏi nhanh:
- Dạ... Bác nói gì?
Năm Điển vỗ ngực:
- Ba chồng...con phải kêu bằng ba.
Nương gạt ngang:
- Thôi bác ơi. Bộ bác say rồi hay sao chớ.
Năm Điển bước lại gần Nương hơn:
- Ba như vầy mà con nói ba say hả. Con dâu gì mà ăn nói với cha chồng như vậy hôn;
Nương thẹn đỏ mặt, nàng dậm chân đành đạch làm dáng núng nẩy dể thương:
- Hỏng, con hỏng chịu bác nói như vậy đâu. Bác kỳ cục quá, bác ơi. Nội! Nội nghe bác năm nói với con... đó hôn, nội .
Nhưng nàng chẳng nghe ông sáu Long nói năng sao hết. Năm Điển đi ra nhà trước, vừa nói một câu nữa đùa, nữa thật với ông sáu Long:
- Bác sáu coi đó, con dâu của tôi bất hiếu với tôi quá mà. Con dâu tôi dám nói tôi kỳ cục đó, bác sáu.
Nương giãy nảy dưới bếp:
- Bác năm! Nội coi bác năm nói ... đó nội.
Ông sáu Long chỉ phì cười:
- Thôi, lo bắc nước làm con gà đi con.
Thấy không được ông sáu Long binh vực, Nương định đi ra làm núng với bác quản lý nữa, nhưng mới được mấy bước thì nàng phải khựng lại ngay vì vừa nghe ông sáu Long thì thầm với bác quản lý:
- Sao thằng nhỏ chưa qua?
Năm Điển đáp:
- Nó qua bây giờ à bác.
- Sợ nó mắc cở, nó không dám qua chớ.
Giọng năm điển quả quyết:
- Ý! Nó lì lắm bác ơi! Mà tôi có dặn dò nó đàng hoàng, thế nào nó cũng qua. Nếu nó cút luôn thì tôi về lôi nó qua đây.
- Thằng nhỏ biết vụ này hay chưa?
- Tôi có nói sơ sơ rồi. Mà hình như nó chưa thấy mặt con Nương.
Ông sáu Long nói nhanh:
- Rồi, rồi, hai đứa biết mặt nhau rồi, nhưng chưa có đứa nào biết ai là ai hết.
Năm Điển thảng thốt:
- Thằng Hậu có lại đây?
- Không, hồi chiều này, con Nương đi gánh nước gặp thằng Hậu, không biết làm sao mà nó té nhào ngoài ao, quần áo lấm lem hết hà.
- Hèn chi nó về mà quần áo loi ngoi.
- Bác liệu xong chưa.
Ông sáu long quả quyết:
- Xong mà, con Nương nó nghe lời tôi lắm, biểu sao nó nghe vậy hà. Chỉ e thằng nhỏ nó không hạp nhãn.
- Con nhõ như vậy thôi, nó còn kén chọn sao nữa, bác.
- Để chút nữa dò tính ý hai đứa thì biết.
Năm Điển nói nhanh:
- Nếu hai đứa ưng  bụng nhau, thì mình miễn mai à, nghe bác.
Ông sáu Long phì cười:
- Ối! Mai mối khỉ gì cho thêm phiền phức.
Câu chuyện đến đây, năm Điển trở xuống bếp hỏi Nương:
- Nước gần sôi chưa, con?
Nương luýnh quýnh chạy lại bếp lấy lá mồi lửa, vừa đáp:
- Gần sôi à bác.
Năm Điển đi thẳng lại bếp nhìn cái chảo mới vừa được Nương bắc lên mà chưa có được một nhỏ nước nào trong đó hết, bác ngạc nhiên:
- Ủa! Con chưa đổ nưóc hay sao?
Nương ấp úng:
- Dạ... chưa... Lửa mới cháy.
Năm Điển chống nạnh một tay, nhìn Nương mà cười:
- Sao con nói là gần sôi?
Nương phân bày:
- Thì... để con múc nước đổ vô, chụm lửa bừng lên một chút là sôi, đâu có lâu.
Năm điển dặn dò:
- Con nhớ đừng chờ nước sôi lâu, hể vừa sôi tim thì con nhúng con gà, nhổ lông cho nó khỏi vuột da.
- Dạ, con biết.
Năm Điển chép miệng:
- Trong chảo chưa có nước, vậy mà con nói nước gần sôi. Con dám nói láo với ba, hả con?
Nương ngoay ngoảy:
- Thôi, bác đi lên nhà trên đi bác ơi.
Năm Điển lại quay lên nhà trên ngồi nói chuyện với ông sáu Long. Nương múc nước đổ vào chảo, đoạn rón rén đến á^tai bên vách buồng lắng nghe được một câu của ông sáu Long:
- Hể nó ưng thì tôi gã, tôi không đòi năm lễ, bảy lộc gi đâu, chú năm.
Năm Điển cười:
- Dà...dà...
Đến đây, năm Điển liền cả tiếng nói vọng ra phía sau:
- Nhổ lông rồi kêu bác, bác chỉ cho làm món nhậu, nghe Nương.
Nàng giật mình chạy lại bếp và nhanh miệng đáp lớn:
- Dạ, con đang cắt cổ...
- Lấy huyết đặc, nghe hôn.
- Dạ.
Nương lật đật lấy dao cắt cổ gà, Vừa buông con gà ra thì nàng chạy ra cửa buồng nghe lén câu chuyện nữa? Nàng nghe nữa câu của bác quản lý.
- Rồi mai đây hai đứa phải chưng hửng.
Ngọn lửa bếp lịm xuống, nàng tất tả đi lấy củi chụm thêm, Từ lúc nhúng con gà vào nước sôi, cho đến khi nhổ sạch lông, nàng chạy ra cửa buồng, chạy vào bếp, không biết mấy mươi lần. Câu chuyện giữa ông sáu Long và năm Điển vẫn loanh quanh vụ cưới gả. Nàng vừa đặt lưỡi dao mổ con gà thì ông sáu Long gọi:
- Nương à!
- Dạ, chi nội?
- Thầy giáo qua chơi đây con.
Nương biết ngay thầy giáo đó là ai rồi. Và nàng biết ông sáu Long gọi nàng ra để là chào hỏi Hậu, tạo cơ hội cho Hậu với nàng biết nhau trước khi bước đến ngưỡng cửa hôn nhân.
Nàng dùng dằng:
- Con đang mổ bụng gà nè nội.
Ông sáu Long bảo:
- Bỏ đó một chút được mà con.
- Chút xíu nữa con ra à nội.
Giọng ông sáu Long hàm chút bực dọc:
- Nội biểu bỏ đó mà. Đem nước thầy giáo uống đây nè, con.
Nương làm lì:
- Con  đã châm nước đầy bình rồi mà, nội.
Ông sáu Long như sốt ruột, không thể ngồi đợi Nương được nữa, ông bước vào đứng ngay cửa buồng, gắt nhỏ:
- Nội biểu con ra chào hỏi thầy giáo rót nước cho thầy giáo uống mà sao con cứ rúc ở dưới này, không chịu lên. Thầy giáo là con của bác năm quản lý, chớ đâu phải ai xa lạ.
Nương ngoảnh lại nhìn ông sáu Long:
- Nước sẵn trong bình, nội rót mời dùm con.
Ông sáu Long bước đến sau lưng Nương:
- Bây giờ, con muốn sai lại nội hay sao?
- Con bận tay...
Ông sáu Long có vẻ tức giận:
- Nội biểu con tạm bỏ đó lên một chút, nội kêu mấy lần rồi? con muốn cho người ta cười nội không biết dạy con hay sao?
Thấy bề thoái thoát không được, Nương đành buộc lòng buông con gà đứng dậy đi rữa tay trong lúc ông sáu Long trở ra nhà trước. Rửa mặt, rửa tay xong, nàng con phải chạy kiếm gương, lược chải vội lại mái tóc.
Đằng trước, ông sáu Long quá sốt ruột:
- Biến đâu mất dạng rồi?
Giọng nàng nhỏng nhẻo:
- Dạ ..., Con ra bây giờ  à nội.
- Bộ con sắm tuồng hay sao mà lâu quá vậy. Mau ra coi trà nước gì đây chớ.
- Dạ... con rửa tay... con lau tay sạch đã, nội.
Nàng ngắm đi, ngắm lại đôi ba lần, thấy mặt mày, tóc tai dể coi rồi, nàng mới chịu ngập ngừng tiến ra cửa buồng. Bốn mắt tao phùng trong e ấp thẹn thùa.
Chàng đứng lên cúi đầu. Nàng khựng lại mấp máy đôi môi. Thế là đôi bên chào hỏi nhau xong rồi đó, chẳng nghe ai nói năng được lời nào cả. Chàng từ từ ngồi xuống, nàng rụt rè quay lưng.
Năm Điển ngồi lặng yên theo dỏi từng cử chỉ nhỏ nhặt của Hậu và Nương, vừa chúm chím cưởi như đắc chí, như thầm hài lòng cho một cặp xứng trai, xứng gái.
Ông sáu Long liền gọi giật Nương trở lại:
- Nương! Coi, trở ra rót nước mời thầy giáo uống đi con.
Nương cắn môi, cúi mặt giấu sắc thẹn thùa ửng hồng lên đôi má, đi thẳng lại bàn vói tay run run giở nắp bình trà. Nàng tưởng tượng rằng Hậu đang xoáy tia mắt nhìn mình  nên nàng  luống cuống đến nổi đánh rớt cái nắp vỏ bình đập lên tách nước của năm điển, lật đổ nước xuống quần áo Năm Điển.
Năm Điển vụt đứng phắt dậy phì cười:
- Bác đây chớ không phải con gà mái Hubbard đâu nghen.
Nương luýnh quýnh vuốt ngực áo năm Điển:
- Có sao hôn, bác năm? Chắc tách nước của bác đã nguội rồi mà, hở bác?
Hậu quay mặt ra sân chúm chím cười mà có lẽ chàng phải cắn lưỡi nén lắm mới khỏi bật ra tiếng cười lớn.
Năm Điển thấy vẻ Nương bối rối cũng phải tội ngiệp dùm cho nàng, bác tìm lời trấn an nàng, mặc dù bác nghe da thịt mình rát rạt:
  - Nguội... Nguội ngắt tồi con à,
Ông sáu Long cau mày gắt cháu:
- Làm ăn sao không coi chừng vậy, con?
Nương phân bua:
- Tại... tại sút tay...
Ông sáu Long nhìn giòng nước trên mặt bàn chảy dọc về phía Hậu, vừa bảo Nương:
- Sao con đứng chết trên đó? chạy xuống nhà dưới lấy giẻ lau mau đi, kẻo nó chảy xuống ướt quần áo thầy giáo nữa.
Nương lật đật đi kiếm giẻ, trở lên tới thì nước trà đã chảy qua trước mặt Hậu. Nàng đứng xa xa vói tay chụp cái nùi giẻ chận vũng nước chớ không dám bước đến gần cạnh
Hậu. Nhân cơ hội đó, Hậu để mắt ngắm đôi cánh tay trần trắng phau của Nương. Hậu cho rằng như vậy là mình đã đi coi vợ một cách quá đầy đủ lắm rồi.
Lau khô vũng nưóc, Nương đem cất giẻ, nàng định là sẽ rúc ở dưới bếp luôn, nhưng ông sáu Long lại gọi nữa:
- Lên nội biểu đây, nghe Nương.
Qua một lúc dùng dằng, rồi nàng cũng phải trở ra đứng sau lưng ông sáu Long:
- Chi nội?
- Con rót nước ra đủ ba tách, rồi xách bình đem châm thêm.
Còn gì khổ cho bằng, còn gì thẹn thùa nào hơn chạy ra, chạy vào, khi bưng trà, khi rót nước, để cho người ta có cơ hội ngắm mặt mày, xem tay, xem chân, nhưng Nương không thể cãi lời ông sáu Long được.