Chương 2

Phi cảng vào đêm, câu lạc bộ rực rỡ ánh đèn màu. Từng bộ đồ bay diù các cô gái theo tiếng nhạc, lời ca rên rỉ não nùng cùng khói thuốc mịt mù thâu đêm suốt sáng. Khung cảnh này quá xa lạ với Ngàn Phương.
Những người con gái đồng hành với cô đã kéo hết vào câu lạc bộ ngồi chờ chuyến bay. Họ ăn uống, nói cười thoải mái. Họ lớn hơn cô cả tuổi tác và sự từng trải. Ngàn Phương vô cùng e ngại, thu mình trong chiếc áo len đã cũ. Ngàn Phương đơn độc giữa sân nhà chờ, một mình, một bóng.
Người đàn ông ấy, điếu thuốc lập lòe trên môi, đứng bên căn nhà dành cho các chuyên viên kỹ thuật, nhìn sang chỗ Phương đã khá lâu. Ông thấy cô gái ngồi bất động, vạt áo trắng đôi lúc lóe lên theo ánh đèn. Ông đi đến, cô gái nhìn lên, ánh mắt lo sợ nhưng cô vẫn cố gắng che dấu. Ông trấn an cô bằng giọng nói trầm ấm:
- Cô bé đừng sợ! Chú chỉ muốn hỏi, cô bé đi đâu mà có mặt ở đây giờ này?
Ngàn Phương e dè nhìn người lạ. Gương mặt rắn rỏi, thuần hậu với nếp nhăn ở trán, mái tóc đã hoa râm, làm cô gái đóan nguoì ấy khá lớn tuổi, cô có cảm giác yên tâm:
- Cháu về Sài Gòn học.
- Có phải cháu đi với các cô kia không? - Ông chỉ tay vào câu lạc bộ.
- Dạ.
Người đàn ông nhíu mày:
- Nghĩa là cháu được đưa đi học y tá quân đội phải không?
- Dạ.
- Cháu đi có một mình?
- Dạ.
- Cháu bao nhiêu tuổi, mà cha mẹ để đi xa vậy?
- Cháu vừa qua khỏi tuổi 16 dược mấy ngày.
Người đàn ông nghĩ thầm - Vì lý do gì cô gái nhỏ này bước chân vào con đường ấy? Tại sao những người thân yêu của cô không can ngăn? Chiếc áo này chứng tỏ cô còn là người của học đường. Tự nhiên người đàn ông tò mò, ông muốn tìm hiểu:
- Này, cô bé! Chuyến bay có lẽ đến nửa đêm mới thực hiện được vì trục trặc kỹ thuật. Những người bạn của chú đang sửa soạn ngoaì kia. Cô bé ngồi ngoaì này lạnh lắm, vào trong kia đi. Chú sẽ mời cô bé ăn chút gì cho ấm bụng trong lúc chờ đợi.
- Cảm ơn chú, cháu không muốn làm phiền.
Người đàn ông khẽ mỉm cười vì câu nói nghiêm trang, già dặn:
- Kìa cô bé, chú không có ý gì, chỉ thực lòng mời, nếu cô bé không thích ăn ở câu lạc bộ thì qua nhà chú ở, chú sẽ đãi cháu bằng đồ hộp vậy.
- Dạ không. Cháu không đói.
- Sao cô bé cái gì cũng từ chối vậy? Chú có nói gì đáng sợ?
- Dạ không! Cháu chẳng dám nhận. Cháu đã hứa với mẹ và bản thân, từ nay cháu không dám nhận bất cứ cái gì của người ta cho nữa.
- Vì lẽ gì? Đây chỉ là sự quen biết bình thường, chú là người lớn tuổi, coi cháu như con.
- Cháu biết, nhưng không làm khác đâu. Những gì cháu nhận từ trước đến nay cũng của người lớn tuổi, người tốt, nhưng cháu thấy mình không thể...
Người đàn ông châm thuốc, vất cây diêm ra xa:
- Thôi được, chú hiểu! Vậy chú có thể ngồi nói chuyện với cháu một lát được không?
Cô lưỡng lự, rồi gật đầu. Tay giữ chặt túi xách, ôm gọn trong người.
Người đàn ông quay về phía câu lạc bộ, khi ra xách một chiếc ghế nhỏ.
- Chú ngồi đây nói chuyện thoải mái hơn phải không?
Người đàn ông lớn tuổi thật tế nhị, cô thầm cảm ơn:
- Dạ, không dám.
- Chú nghĩ, nhà thật cũng lạ, dạy con phải cẩn thận trong cuộc đời, phải giữ mình... nhưng lại thả con buớc vào đời một thân một mình.
- Đây là quyết định của cháu. Ba mẹ cháu không bằng lòng cho cháu ra đời sớm, cháu muốn mình tự lập, nuôi thân.
- Cháu đi vậy, không thương nhớ ba mẹ sao?
- Tình thương ấy đâu tự trong tim, cháu chưa tìm thấy. Khi bước chân ra đi, cháu mới hiểu rằng mẹ cháu rất thương cháu. Cháu cũng rất yêu mẹ, nhưng đã muộn...
- Tại sao là muộn? Bây giờ cháu có thể quay về ra khỏi nơi này, về gia đình của cháu.
- Không! Chính thương mẹ, cháu mới quyết định ra đi! Cháu phải trở thành người lớn.
- Nè cháu! Chú không hiểu gì về những câu nói tối nghĩa của cháu. Có thể nói cho chú nghe vì sao cháu bỏ học, bước chân vào đời sớm vậy?
- Sao chú biết cháu bỏ học?
- Cái áo học trò trên người cháu dấu được ai? Còn một mùa thi nữa mà cháu lại có mặt ở đây, cái bảng tên trường chưa được cắt bỏ.
- Nhưng kể với chú làm gì? Một chút nữa thôi, cháu sẽ không gặp chú nữa.
- Cháu bi quan quá vậy?
- Cháu sẽ không về thành phố này nữa. Cháu muốn đi thật xa.
Người đàn ông chăm chú nhìn vào mặt cô bé:
- Điều gì làm cháu phải từ bỏ nơi cháu sinh ra và lớn lên? Tuổi 16 là tuổi mộng mơ trong trắng, đánh mất đi cháu sẽ không bao giờ tìm lại được. Chú có người con gái cùng tuổi với cháu, nó chưa hề biết gì ngoài bè bạn, trường lớp.
Người con gái lạnh lùng, không e dè, giọng đanh lại:
- Vì con gái của chú có tất cả những gì mà cháu không có.
Người đàn ông giật mình vì câu nói của cô gái. Gương mặt rắn hơn tuổi đời dù còn phảng phất nét thơ ngây, ánh mắt thì u buồn trống vắng. Ông chưa kịp nói gì thì cô phục vụ đã đến, mang theo khay thức ăn.
- Thưa ông! Còn cần gì nữa không ạ? - Vừa nói, cô vừa nhìn Ngàn Phương.
- Không! Cám ơn cô.
Ngàn Phương nhăn mặt tỏ ý không bằng lòng, khi nhìn khay thức ăn sang trong.
- Đừng nhăn mặt vậy cháu. Còn chờ lâu, trời lại lạnh, ăn đi để chống lại cơn đói chứ.
- Cháu không đói, cám ơn chú.
- Cô bé ơi! Cứ ăn đi, chú không bỏ thuốc độc, thuốc mê gì đâu. Đừng có mà khùng vậy! - Ông vừa nói vừa cười hiền từ nhìn Ngàn Phương.
- Cháu tưởng rời mái trường, tiếng "khùng" ấy sẽ mất đi, ai ngờ chưa bước chân vào đời lại nhận thêm một tiếng "khùng" nữa rồi. - Cô vừa nói, vừa cười buồn buồn.
- Chú xin lỗi, chú không hề có ý gì. - Ông nói có vẻ ân hận.
- Không có gì đâu chú, cháu đã quen rồi. Ngày xưa, anh cháu thường nói " Thế gian ai cũng tỉnh, mình khùng cho khác thiên hạ."
- Vô tình nhắc đến Ngàn, cô gái không kềm được, buông tiếng thở dài, nước mắt lưng tròng.
Người đàn ông nghe tiếng thở dài của cô gái, ông nghĩ: "Chắc cô bé này có nhiều tâm sự đau buồn, ước gì mình có thể biết." Nhìn dáng lẻ loi, cô độc của cô bé, ông lại thấy thương cảm hơn.
- Cháu tên gì?
- Đỗ Nguyễn Hoài Phương.
- Cái tên nghe nhiều bất hạnh, xa xôi quá! Này cháu! Hãy nói cho chú biết tại sao cháu ra đời sớm vậy? Chú muốn cháu nói thật.
- Cháu đã nói rồi, cháu muốn làm người lớn, cháu muốn tự lo cho mình, không làm phiền đến mọi người, kể cả cha mẹ.
- Thế gian này, ai ai cũng muốn ở mãi cái tuổi hồn nhiên, vô tư, không ai lại muốn đánh đổi nó, chỉ có những người gặp bất hạnh trong đời mới từ bỏ thiên đường tuổi thơ, bước chân vào đời đầy chông gai. Chú từng đi từ cái chết trở về sự sống, chú muốn cùng cháu chia sẻ kinh nghiệm đắng cay khi trở thành người lớn.
Ngàn Phương nhìn ông, cô cảm nhận nơi ông lòng chân thành của bậc cha chú.
Đêm nay, ngồi chờ chuyến bay sẽ đưa cô bước sang cuộc đời mới, vui sướng hay khổ đau, chưa tự mình biết được, nhưng tâm trạng cô đơn cứ theo cô suốt cuộc đời.
Trời đất bao la, người người dày đặc, nhưng còn đâu người che chở, thương yêu?
Cô muốn làm người lớn, nhưng cô chưa phải là người lớn, nên cô vẫn thấy lẻ loi, hiu quạnh giữa đêm nàỵ Giọt nước mắt ứa ra tự lúc nào lăn dài trên má, cô lặng lẽ quay đi.
- Cháu cứ khóc đi, khóc cho vơi bớt tủi hờn. Ngày xưa của chú, chú không khóc được vì mình là con trai. Có người thông cảm, chia sẻ, lúc bước chân đi xa cũng nhẹ nhõm đôi phần.
Cô đưa tay quệt nước mắt, bây giờ còn ai để mà đưa khăn lau nước mắt cho cô Hoàng! Giờ này anh đã ngủ hay thức chờ sáng để đưa cô đi? Có ngờ đâu chỉ còn lá thư chờ anh. Cô quay về với thực tại:
- Xin lỗi, chú cho con biết tên chú đi?
- Gọi chú là Kiên - Nguyễn Trung Kiên, chuyên viên bảo trì kỹ thuật máy bay vận tải, là cha của một đứa con gái tuổi 16 như con, cái tuổi đầy hạnh phúc.
- Vì chú là một người cha đúng nghĩa!
- Vậy cháu không có một người cha đúng nghĩa hay sao?
- Cháu là con riêng của... - Dạ không biết nói sao với chú bây giờ? Cháu có ba mẹ hẳn hoi nhưng có phải tại ba cháu, tại mọi người? Đôi lúc cháu nghĩ tại mình khác với mọi người, khác cái ô trượt của đời thường, lúc nào cháu cũng thấy mình thiếu một cái gì đó. Cháu chẳng biết mình đúng, sai nhưng cháu vẫn làm theo ý mình. Chỉ có điều, chưa bao giờ trong lòng cháu oán hận người nào ngoaì ba cháu.
Cô gái đã chịu tâm sự với người đàn ông mà cô tin là tốt.
Cô kể cho ông nghe chuyện gia đình, chuyện bạn bè, trường lớp, chuyện về người đã chết và chuyện một người đang chờ đợi.