Đình Hồ không chút đắn đo gật đầu ngay rồi nói: - Nếu em được toàn quyền như anh nói thì OK thôi. Em cũng muốn thử khả năng mình, chứ đứng sau lưng bà Thúy hoài, chẳng biết bao giờ ngóc đầu nổi. Văn mừng rỡ, việc khó nhất đã xong, anh biết bạn trẻ rất mê nghành quảng cáo tiếp thị và thực sự có khả năng. Còn Châu, luôn là ông chủ rộng rãi, tốt bụng. - Vậy Hồ tìm giúp cho anh một trưởng phòng hành chánh luôn nhé. Đến trưa mai anh sẽ bàn giao hết cho em. Sau đó bay đi miền Trung. Mong rằng lúc về ổn cả. Đình Hồ tủm tỉm cười: - Anh có mở cả chục công ty, cũng sẽ ổn thôi. Bao nhiêu người tài giỏi, chờ anh lên tiếng mà. Tại anh thích bay nhảy đó chứ. Văn cười phá ra, vỗ vai Đình Hồ: - Biết nhau quá mà. Vậy nghe, anh giao hết hồ sơ bên tiếp thị cho em, có gì sáng mai trao đổi với anh và Châu ngay tại công ty. Địa chỉ đây, hẹn gặp lại. Cả hai chia tay nhau đi về hai phía. Nhà Văn ở ngoại ô. Một căn nhà nhỏ với mảnh vườn nằm sát triền sông Sài Gòn. Anh vào nhà, vứt mọi thứ, đi tắm ngay. Xong, trở ra bấm bếp ga xào thức ăn, nấu cơm bằng nồi cơm điện. Sau nửa giờ, anh ăn xong, liền giở tập hồ sơ công ty ra đọc. Ơn trời, dù sao hồ sơ cũng đâu ra đấy, không phải là mớ bòng bong như mình tưởng tượng. Văn liền gọi cho Châu, anh nói vắn tắt: - Mày khỏi xuống tao. Mai gặp nhau chỗ mày, họp toàn công ty, nhớ thông báo trước. Bye. Trong một giời Văn đã vạch xong những điều cần làm với Châu và Đình Hồ. Anh khoan khoái ngã người ra sau, xoay tròn chiếc ghế mấy vòng rồi bật dậy lững thững ra vườn. Gió từ bờ sông thổi lên mát rượi, khiến mũi Văn tiếp nhận nhiều mùi hương từ hoa cùng một lúc, nồng nàn, nhất là loài dạ lý, kế đến là nhài Ngọc Anh, thoang thoảng nhẹ nhàng là hoa hồng, cả những loài hoa khác cũng đưa nhau đưa theo hướng gió. Văn đi chậm giữa những luống hoa, cây cảnh, lúc này đây anh không còn là Hồ Hữu Văn sắc bén năng động, hoạt bát hào nhập vào mọi giới trong xã hội bát nháo, anh trở nên trầm mặc, thanh thản, hưởng thú thương nguyệt ngắm hoa bằng vẻ mãn nguyện âm thầm. Giá ta luôn có những phút giây sống cho mình như thế này.... Văn chợt nghĩ rồi chợt buồn. Khó lắm, ta đã chọn chữ "hành " làm phương châm sống thì không thể khác, đời người ngắn ngủi, thú thanh nhàn đành gác lại thêm... mấy mươi năm. Văn trở vào nhà, pha ly trà lipton, xách theo cây đàn, gói thuốc ra ngồi ở bộ bàn mây đặt bên giàn dạ lý. Anh lặng lẽ so dây đàn, châm điếu thuốc. Điếu thuốc hờ hững trên môi, thỉng thoảng lóe lên đốm lửa đỏ, soi gương mặt anh khi bên cây đàn như gã nhạc sĩ lang thang đầy lãng mạn lẫn phong sương. Một nét đẹp trải qua nhiều sóng gió vẫn không chai cứng. Văn khảy một khúc tình ca của Ngô Thụy Miên, rồi suối âm thanh trở nên liên tục, anh say sưa đàn bỏ quên ly trà lipton nguội lạnh, hòa cả tâm hồn vào tiếng đàn, vào lá, gió, trăng. Tiếng điện thoại reo đến lần thứ ba Văn mới choàng tỉnh, anh đâm bổ vào nhà, điện thoại này, chẳng mấy ai được anh cho số, nếu nó reo nghĩa là co chuyện khẩn cấp ở nhà. Ba có chuyện gì rồi. Văn hồi hộp cầm máy. - Alô, Hữu Văn nghe. - Anh hai, cha nhập viện rồi. Bác sĩ nói nặng lắm, em vừa làm thủ tục xong. Anh về nghe. - Cha có hôn mê không? Nằm bên anh Hùng hả? - Dạ có. Anh Hùng biểu nhắn anh về lẹ. - Bà ta đâu? - Dì ở trong nớ. Còn chị Hường không thấy. - Sáng mai anh về chuyến sớm nhất. Không cần đón anh. Cứ ở trong đó lo cho ba. Vậy nhé. Anh buông ống nghe, ôm đầu ngồi phịch xuống, đau đớn nghĩ thầm: "Lần này cha khó qua khỏi, không biết ta có kịp gặp ba lần cuối không?" Mắt Văn cay xé, nhưng ráo hoảnh, anh mở Mobilphone gọi ra hãng hàng không đặt vé ngày mai. Xong gọi liền cho Châu và Đình Hồ. Rồi thay áo quần ra bàn ngồi chờ. Lúc này Văn đốt thuốc liên tục, trán hằn nếp nhăn. Ba mươi ba năm làm người. Văn chưa từng trốn tránh điều gì. Lúc cuộc đời đưa đẩy nhập cuộc, mỗi chuyện gia đình, Văn luôn là kẻ trốn chạy, tha phương. Cha ơi! Con không muốn đâu, nhưng không thể quên nỗi đau ngày mẹ chết, không thể quên họ đã giết mẹ như thế nào cha ạ. Đình Hồ đến, vẫn bảnh bao, tề chỉnh, Châu đến sau, mặt nhăn nhó: - Trời hại mày Văn. Mày chơi tao kiểu này thật hơn cả nhát dao chí mạng. Này nhé, em thơm và kiêu kỳ vô hạn, mái tóc... trời ơi dài mướt, tao mất cả hai giờ đồng hồ mới thấy em mở miệng. Vậy mà... - Nếu mày không ngậm miệng và ngoáy lỗ tai nghe tao nói, thì tao sẽ đá mày ra cửa, OK? Châu nín tịt. Hắn biết rõ thằng bạn nối khố không đùa đâu, qua dáng vẻ hiện giờ, và nói như vậy, chỉ có một nguyên nhân... - Mày nghe đây, sáng mai tao bay đi, chưa biết lúc nào về. Đình Hồ trước mắt mày, là người tao chọn, làm quản đốc Marketing kiêm trợ lý kế hoạch cho mày. Bắt đầu từ bảy giờ sáng mai, mọi việc ở công ty quảng cáo, mày phải bàn và có sự đồng ý của nó mới làm OK? - OK - Châu nói nhanh, gọn ơ, tỉnh queo. - Đình Hồ, đây là Châu. Giám đốc công ty quản cáo Đăng Quang nhưng nó có đăng quang hay không đều nhờ vào em. Cứ mạnh dạn làm với Châu, có gì gọi cho anh. - Đồng ý - Văn đưa tiếp đống hồ sơ và bản dự thảo kế hoạch mới cho Châu - Mai, cả hai nghiên cứu cái này. Coi làm sao cho tốt. Mày nhớ đây là công ty cuối cùng của mày đó nghe "Châu Ngông". Đừng có ngông nữa, mà hại ta, hại bạn. - Được rồi, khổ lắm nói mãi. Giờ nói tao nghe có chuyện gì? Bà Hường hay bà mẹ bả? - Không - Văn không muốn nói, anh biết thằng bạn ngông của mình dám bỏ cả công ty chạy theo anh về Đà Nẵng. Khoản đó, hắn tốt thiệt tình. - Tao đi phóng sự dài ngày, khẩn cấp. Thôi, hai người về đi. Châu nghi ngờ, nhưng viễn ảnh chạy về lại bar rượu Thiên Nga gặp em tóc dài khiến hắn hớn hở. Thảy hết chồng hồ sơ vào tay Đình Hồ, Châu tỉnh bơ nói: - Kể từ bây giờ là 21 giờ 55, cậu chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc, kiêm trợ lý cho tôi. Vậy mang đống này về nghiên cứu, sáng mai gặp tôi. Bye. Châu vù đi liền. Văn đứng lên vẻ tiễn khách. Hồ nhìn anh, nói nhỏ: - Bác hả anh Văn? Văn lắc đầu, anh vỗ vai Hồ thay lời chào, Hồ đi rồi, Văn dắt xe ra theo. Anh chạy về Sài Gòn. Tòa soạn nằm ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Văn đến chào người bảo vệ xong đi thẳng vào phòng làm việc riêng của mình. Mở máy đánh lá đơn nghỉ phép, đem qua đặt ở bàn cô thư ký biên tập. Sáng mai, cô ấy sẽ chuyển cho Tổng biên tập. Văn chạy xe lang thang quanh thành phố, rồi tấp vào một bar rượu trên đường chạy xe ngang. Anh đến ngồi ngay quầy rượu, trên chiết ghế xoay cao, chỉ vào chai Napoléon Brandy. Chai rượu được đặt vào chiếc làn mây hình cánh hoa mai, đem ra. Anh rót đầy chiếc cốc chân cao, nốc một lần cạn sạch. Và anh lì lì, uống mãi, càng uống càng sáng, đầu càng tỉnh, để nghe ray rức về hình bóng người cha đang như ngọn đèn trước gió ở quê xa. Cha ơi. - Phong Linh! Đừng uống nữa. Gã đứng quầy bar nói, và giật chai rượu từ tay cô gái ngồi kế bên Văn. Cô ta chồm lên, muốn giật lại nhưng rồi gật gật đầu, cười khẽ, giọng nhừa nhựa: - Ừ thì không uống, nhưng mai ta đi rồi, chuông gió thôi reo trên miền đất hoa lệ.... hà hà.... Văn không thể không nhìn cô ta. Và anh khó chịu khi thấy cô gái tên Phong Linh (chuông gió ) chính là Hoán Vân ở chỗ Wong-Quân. Thế là sao? Con gái, con đứa, vừa thiếu văn hóa, còn uống rượu như hũ chìm, sâu nghiện, đúng là thời buổi loạn hung, càng ngày càng tha hóa, hư hỏng. Văn dằn cốc rượu xuống bàn, rời ghế cô gái nghe tiếng dằn cốc, ngoảnh mặt lại, vênh mặt: - Gì mà mạnh tay vậy anh bạn. Có phải muốn dằn vào mặt Phong Linh này không? Cũng khá thông minh đấy, Văn ôm nửa chai rượu còn lại, tà tà ra xe, làm lơ trước vẻ gây chiến của cô gái. Xe anh vừa rời bãi đậu, đã thấy Phong Linh đứng ôm gốc cây. Vậy là sao? Xỉn quá "cho chó ăn chè" à? Thầm nghĩ nhưng Văn vẫn cho xe chạy, được một đoạn anh quay lại, thấy cô còn gục đầu bên gốc cây. Chẳng hiểu sao, Văn vòng xe lại bước xuống: - Này cô, khuya rồi, tôi gọi taxi đưa cô về nhé. Cô gái ngước lên, Văn nghe luồng khí lạnh chạy xuyên người khi gặp ánh mắt cô ta. Không phải ánh mắt lờ đờ kẻ đang say, mà là một ánh mắt trống rỗng mọi cảm giác, chỉ tồn tại một nỗi đau tuyệt vọng đến khôn cùng. Yàng ơi! Cô ta không say rượu, chỉ là muốn quên đi điều gì đó. - Này cô! - Tôi không điếc. Yêu cầu đừng lớn tiếng và cũng đừng nhiều chuyện. Xéo đi giùm. Văn bực tức, rồ máy phóng nhanh, lòng thầm rủa "Con nhỏ đanh đá, vái trời cho nhỏ trúng gió luôn".