“Hải phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu. Hải phòng đây hôm nay bố bảo, phải đốt đèn dầu rực sáng(28). Sánh vai cùng một vài ngọn nến leo teo...” - Chào chị Thu, cho điếu thuốc, rét quá! Ông Túc đỗ bừa cái xích lô bên quán nước chè nhà bà Thu rồi nhẩy ngay vào ngồi chồm hỗm đưa tay vê vê chờ điếu thuốc lào. Bà Thu đã nghe giọng ca thuốc lào của ông ta mấy chục năm, chỉ liếc qua ông bạn già. Rít một hơi thật dài kêu như xé gió, rồi ông Túc thở ra thật nhẹ nhàng như luyến tiếc làn khói, ông rất biết thưởng thức. Nhấp một hớp trà nóng rồi ông rề rà gợi chuyện, mà chỉ toàn chuyện để quên ngày tháng thôi, ông vẫn bảo thế. Mùa Hạ, Hải Phòng oi ả, mặt trời lặn từ lâu mà vẫn còn hầm hập nóng, ngoài trời chẳng có mảy may một ngọn gió nào. Sao đêm lấp ló hiện ra ngày một nhiều, mọi người không chịu được ngột ngạt trong nhà, đổ ra đường như ong vỡ tổ, mà cũng chẳng thấy mát hơn trong nhà là mấy. Muỗi bay từng đàn, lăn xả vào người ta như không biết tiếc mạng sống của mình. Dân phố tụm năm túm ba tán gẫu, họ đập muỗi đen đét, rồi chỉ tay lên trời tranh luận, cãi vã. Người nói chùm sao này là Bắc Đẩu, người nói chùm kia là Gấu Trắng… Chín người mười ý, thế là râm ran cả một góc phố. Bao năm qua, mấy khi người thành phố lại nhìn thấy sao trời như hôm nay. Quán bà Thu có vị trí rất tiện lợi, sát đầu cầu Niệm, nhưng thực ra chả đông khách bao giờ, sáng nào bà cũng đốt hương khấn thổ công, rồi đốt vía kẻ nào xấu mồm xấu miệng, mà xem ra cũng chẳng khá lên được. - Chị thấy hôm nay có gì lạ không? Ông Túc lên tiếng, thường hay chờ khách ở đây, lúc vắng vẻ ông vẫn thế. - Ông nói thấy cái gì?-Bà Thu chưa hiểu nên hỏi lại. - Nhà bà còn thấy ai, nhìn bên kia một tí đi, sáng hơn nhà bà nhiều. Ông chỉ tay về phía thành phố, tối om, cúp điện. - Xích lô của ai đây-Có tiếng một người đàn ông hỏi, chắc là khách. - Em..m đây, anh đi đâu đấy, có ngay-Ông mừng quýnh, chắc là sẽ có gì bỏ vào bụng đây. - Lên Kiến-Ốc-Cục.-Người kia nói một địa chỉ khá lạ.(29)- Cái gì, đi Kiến An bằng xe này à? - Không, Kiến-Ốc-Cục, ngõ ở Hải Phòng. -Ông anh cứ nói đùa. Tôi ở đây từ bé, 20 mươi năm trong nghề nhá (nhé), còn không biết cái ngõ ấy?!. - Thôi đi bố, lên xe, tôi bảo cho, cãi với ông thì được cái đếch gì - Hắn tỏ ra kẻ cả(30). - Ở quãng nào còn tính tiền chứ. - Thì ông cứ tính tiền đến ga. -Thôi tôi đi đã chị Thu nhá, “phạt vi cảnh” chị cái kẹo lạc, đêm về(31). Thế là ông kẽo kẹt đạp, một cơ thể rệu rã với một cái dạ dầy lép kẹp, đang điều khiển một cỗ xe từ thời Pháp thuộc. Vị hành khách chắc là cũng sinh ra từ thời Tây còn chưa về nước. Hắn sốt ruột nên giục ông luôn nhưng không thể nhanh hơn được vì từ sáng đến giờ này chưa có gì vào bụng, mồ hôi ông ri rỉ rướm ra. Cuối cùng thì cũng đến Lê Lợi, hắn đòi(32) ông đi thẳng một đoạn, rồi rẽ trái vào một ngõ nhỏ, vắng tanh. Bây giờ ông mới biết đây là ngõ Kiến Ốc Cục, vừa thở vừa thán phục hắn: - Chú giỏi thật, hậu sinh khả úy(33), tôi ngu, xin 5 đồng chú, anh còn phải đi. - Bình tĩnh đi ông, đáng lẽ không trả tiền..., nhưng tôi không “chẩu”(34) đâu, chờ tý. Hắn sẵng giọng rồi đi thắng vào trong ngõ, một mua đồ không hỏi trước mà cũng chưa trả tiền, lúc sau mới dò dẫm quay ra bảo ông vào sâu bên trong chờ hắn. Hôm ấy là ngày đầu tiên Hải Phòng cúp điện, khu trung tâm cũng bị cúp luân phiên như các khu khác. Trời tối đen như mực, oi ả, mới hơn 8 giờ mà đường vắng tanh, đói, ông đang tính phải ra quán chè Bà Ngát(35) làm một cốc. Mải mơ tới cốc chè Bà Ngát, ông quên cả cái kẹo lạc trong túi. Sau hồi lâu hắn cũng trở lại, tay cầm một gói nhỏ. - Đây, 5 đồng của bố đây-Hắn gọi. - Cám ơn, cám ơn. Rắc-rắc, chỉ sau 2 động tác rất gọn bất ngờ của hắn, ông đã gục xuống mềm nhũn ra. Nhìn trước nhìn sau cẩn thận rồi hắn đẩy nhẹ ông nằm vào sát hàng rào của nhà ga, bình tĩnh thay biển số(36). Thế là, trong khoảnh khắc, chiếc xích lô đã mang biển số khác, hắn nghễu nghện đạp ra đường. Kiếp sống một con người, đăng bạ một cái xích-lô đã cùng sang trang. Cuộc họp giao ban đồn công an Lê Lợi hôm nay kết thúc khá muộn, mãi hơn 12 giờ trưa, thư ký mới đọc biên bản: BIÊN BẢN XÉT NGHIỆM TỬ THI Hải Phòng ngày 20 tháng 6 năm 1976 ... - Nạn nhân là Lại Văn Túc-thường trú tại 120 Ngõ Lê Quýnh, Ngô Quyền, Hải Phòng. - Bị chết vào khoảng 20 giờ 30 ngày 19 tháng 6 năm 1976 tại ngõ Kiến-Ốc-Cục. - Thuê xe xích lô của chủ là Đỗ Thị Kim, ở 150 E Cầu Tre. - Nạn nhân bị đánh vào gáy rất mạnh, và bị bẻ gẫy cổ, không có dấu vết hung khí, không có dấu vết bị trúng độc. Trong dạ dầy có nồng độ axit cao, không có thức ăn. - Các chuyên gia đều cho rằng hung thủ hạ sát nạn nhân là người có võ công, ra tay rất hiểm ác. Đề nghị truy bắt khẩn cấp… Đồn trưởng Đỗ Tiến Lợi không muốn xuống nhà ăn dùng cơm, anh nói bị mệt, khóa trái cửa rồi mang thuốc lào ra hút, nhấm nháp một hớp trà, nhai tạm khúc bánh mỳ để khô cong từ hồi sáng, vừa nhai vừa khóc thầm. Là đồn trưởng đã mấy năm, có thâm niên trong ngành 16 năm, đụng chạm bao nhiêu vụ, thế mà phải gồng mình kìm tiếng khóc nấc lên từ một vụ án. Anh đọc lại biên bản pháp y lần nữa rồi tự hỏi: tại sao trong dạ dầy không có thức ăn? Thằng khốn kiếp kia có thể không biết ông Túc chưa có gì ăn trong ngày hôm nay. Đất nước mình bây giờ,... Sau bao năm chiến tranh gian khổ, đến hạt muối cũng cắn đôi cho hai miền Nam-Bắc. Bây giờ hòa bình rồi, phải sung sướng, phải hạnh phúc chứ?! Phải làm gì để có ăn chứ, mà làm gì? Anh tự hỏi mà không tự trả lời được rồi lại khóc, bản thân mình còn chưa có lương, 3 kỳ liên tiếp rồi. Sau một hồi lâu, cuối cùng thì anh cũng nhận ra nguồn gốc của hai cú đánh vào gáy của nạn nhân, anh đập tay xuống bàn khảng định: - Thằng này! Không phải đã từng là bộ đội đặc công thì cũng học mót của đặc công (37)! Vụ án ông Túc nổi cộm lên như một vụ điểm xẩy ra vào ngay đêm đầu tiên có lịch cúp điện, mà hung thủ không hề để lại dấu vết, cái xích lô thì biến mất hoàn toàn, công an Thành Phố đau đầu, cấp trên hối thúc hàng ngày, hàng giờ. Sự việc cứ im lìm như thách thức phòng điều tra xét hỏi. Khoảng 2 tuần sau, một vụ khác lại xẩy ra. Ngày 02 tháng 7 năm 1976, nạn nhân là một học sinh lớp 10 trường Ngô Quyền. Vào khoảng 12 giờ trưa, em Vũ thị Loan ngụ tại 112 Lạch Tray, vào nhà vệ sinh công cộng, khóa xe đạp Peugeot nữ vào cửa sắt của nhà vệ sinh. Hung thủ dùng chính quần áo của nạn nhân để trói em vào cửa một phòng, cài chốt trong, lấy xe công, đạp tẩu thoát. Nạn nhân được phát hiện lúc 13 giờ cùng ngày trong lúc mê man bất tỉnh. Công an Hải Phòng đang nhức đầu về vụ ông Túc, bây giờ lại thêm vụ nữ sinh Loan, vụ án chồng vụ án, tồn đọng. Nhưng trong vụ Loan, hung thủ hành hung tương đối lâu và có để lại dấu vết ở hiện trường và trên cơ thể em, các chuyên gia đã và đang xử lý. Ngày 10 tháng 7 năm 1976, dấu vết để lại đã xé toạc bức màn bí ẩn về thủ phạm. - Đẻ xem mày có chui xuống đất được không, thằng chó chết. Anh Lợi căm phẫn chửi thề sau khi nhận được thông báo nội bộ. Công an Hải Phòng phát lệnh bắt khẩn cấp Triệu Khắc Dương 27 tuổi, bộ đội phục viên, thường trú tại thị trấn An Lac, Tỉnh Hải Dương. Nhưng hắn đã trốn biệt tích cùng với những gì cướp được. Công an Hải Phòng phải chuyển hồ sơ của hắn lên bộ nội vụ. Ngày 10 tháng 12 năm 1976 chỉ có 1 chuyến thuyền từ Việt Nam đến Hồng Kông, trên thuyền có 82 người lớn bé. Tất cả hầu như trong tình trạng cần cấp cứu gấp. Nhỏ tuổi nhất là bé Ngân, 10 tuổi, người Việt gốc Hoa, quê ở Hà Nội, bố mẹ đi cùng nhưng đã chết trên biển trước khi đến Hồng Kông. Người lớn tuổi nhất là ông Đỗ bá Hòe, 60 tuổi, quê Đà nẵng, nguyên là trung tá quân đội Việt Nam cộng hòa, trốn cải tạo. Một thanh niên có sức khỏe, vóc dáng to lớn, da nâu cháy, khai là phạm trọng tội đang bị truy nã ở Việt Nam, là Triệu Khắc Dương, 27 tuổi, người An lạc, Hải Dương. Còn những người khác nói chung là có thâm thù cộng sản, không thể tiếp tục sống chung với họ được nay xin tỵ nạn chính trị. Cảnh sát Hồng Kông hoàn tất hồ sơ sau 5 ngày thẩm vấn các đối tượng. Chuyển tất cả vào trại Kai Tak. Trong hồ sơ của tất cả đều ghi chú “Thuyền số 212-ngày 10/12/76-vn” ______________________Chú thích:(32) Đòi: là yêu cầu, đòi tiền. (33) Người ít tuổi mà hiểu biết nhiều. (34) “chạy” ý nói quỵt, không chịu trả tiền. (35) Bà Ngát là tên bà chủ của quán bán chè đỗ đen, quán mở ra trên một bãi đất trống cạnh ngã tư Trại Lính, trên đường Lạch tray. (36) Việc quản lý xích lô, xe đạp bằng biển số ở Việt Nam mới được xóa bỏ. Thời gian xẩy ra câu chuyện này, biển số đăng ký vẫn còn. (37) Đơn vị đặc biệt, gọi là bộ đội đặc chuyên làm trinh sát hoặc đi trước để đột nhập vào trong lòng đối phương.