Biên tập Ngô Phan Châu
Chương 1 (3)
NGỌC LAN

Cùng sinh ra ở miền Trung của nắng và gió, lớn lên trong gian truân và tang tóc của chiến tranh, nhưng Ngọc Lan 17 vẫn như hoa tươi mới nở đang khoe sắc xuân thì. Còn Út Thường của miền Trung nay mới 23 mà đã dạn dầy trong lao động, trông anh như một người trưởng thành không có tuổi.
 
Là con của một võ sư, sống trong lòng Miền Nam với ông Thiệu mà lại yêu cộng sản, nhưng Út Thường vẫn là một người trung dung, không theo một trường phái chính trị nào, chỉ biết lao động để nuôi cha mẹ. Tuy nhiên, cuộc sống không màu sắc chẳng thể kéo dài mãi, và rồi vẫn phải đi lính để phục vụ cho một chế độ chính trị.
Sau khi hàn huyên với cha mẹ, Thường đi thăm gia đình Ngọc Lan ở huyện Hòa Vang, đó là một trong những cứ điểm quan trọng của Việt cộng, đã từng có những trận giao tranh vô cùng ác liệt giữa hai phía.
Cha nàng là Việt cộng lâu năm, ông không bị lộ tông tích cũng một phần nhờ sự giúp đỡ, bảo bọc của cha mẹ Thường. Hai gia đình gắn kết với nhau từ khi Ngọc Lan còn để chỏm. Mỗi khi trong quê có hiện tượng căng thẳng, ông lại ra Đà nẵng trú ngụ nhà Thường. Ở thành phố lớn nhiều khi rất an toàn, ngược lại với những gì mà nhiều người vẫn suy tưởng.
 
Ngọc Lan được thừa hưởng nhan sắc trời cho của mẹ, đôi lông mày nàng cong đều dài đến tận đuôi mắt, mái tóc đen nhánh thướt tha ôm lấy khuôn mặt trái xoan thanh tú. Lần đầu gặp là hôm Thường đưa ba của Ngọc Lan từ Đà Nẵng trở về sau gần 2 tuần trú ngụ ngoài ấy. Cô bé mới 13 mà đã như một bông hoa dại khoe sắc, Thường mê mẩn không muốn về, cứ hễ có cơ hội là xoắn xuýt bên nàng. Năm ngày sau, mẹ Thường phải vào tận nơi tìm. Khi đó Thường mới 18, mẹ ngọc Lan chỉ nghĩ là chuyện của trẻ con nên cứ đùa cho vui:
- Chị để thằng Út ở lại, làm rẫy cho nhà tôi 3 năm nuôi em ăn học, rồi… em cũng lớn là vừa.
 
Mới nghe, Ngọc Lan xấu hổ(23) chạy sang hàng xóm đến đêm mới về, còn Thường thì tưởng thật mừng quá, nằng nặc đòi ở lại.
 
Năm nay nàng đã 17 rồi, đang thì khoe sắc, được đi với nàng về quê, Thường tự hào lắm. Còn nàng, suốt dọc đường chỉ ôm ấp nâng niu cánh tay hộ pháp của chàng, nó mập như cái bắp vế người ta. Còn Thường, ông Hộ Pháp(24) nâu sậm, to lớn như một vận động viên đấm bốc, luôn luôn đưa một bàn tay ra để che chắn không cho ánh nắng chiếu vào khuôn mặt trắng hồng của nàng.
 
Về đến nhà, bà con xóm làng kéo nhau tới đông như hội, hai thằng em Ngọc Lan cũng cứ bám lấy Thường, hết xoa lại nắn, cuối cùng chúng đấm thử mấy cái rồi kêu đau tay quá, khóc bù lu bù loa.
 
Ở làng hầu hết họ đều biết Thường và hai gia đình từ lâu, họ cũng thừa biết Thường chỉ muốn đi học nước ngoài chứ không bao giờ đi lính thật. Người cuối cùng đến chào Thường là ông Cữ, cậu ruột Ngọc Lan, ông sờ nắn đôi vai vạm vỡ rồi khen Thường khỏe mạnh, người thế này làm gì chẳng được, bây giờ sắp hết chiến tranh rồi, đi học tập ở nước ngoài cho biết rồi về lo lắng cho cha mẹ chứ đánh nhau với ai nữa.
 
Câu nói cuối cùng của ông đã in sâu vào tâm trí của Thường, châm ngòi cho một sự sang trang quan trọng trong cuộc đời anh.
 
Sau khi chia tay Ngọc Lan, Thường viết mấy dòng cho ba mẹ rồi đi thẳng xuống Nha Trang. Ở đó anh được một chủ tầu cá nhận vào làm với mức lương tương đối cao. Anh đi ra khơi xa, thỉnh thoảng mới về đất liền, thậm chí chỉ ghé thăm ba mẹ trong vài phút. Gia đình Ngọc Lan rất mừng và cũng an tâm nữa, nếu tiếp tục đi lính thì không biết ra sao vì đâu đó vẫn còn tiếng súng.
 
Hồi tháng 3 năm 1975, ở Đà nẵng người Mỹ đã rút quân, thay vào đó là chính quyền quân quản của Việt cộng. Thường chớp lấy cơ hội tính vòi vĩnh, để xem bây giờ “ông già ngang bướng” còn cản nữa không. Con mình thì không quan tâm, chỉ suốt ngày nghĩ về Việt cộng, về chiến tranh, anh vẫn hậm hực như thế từ lâu.
 
Thường về hẳn nhà, đòi ba mẹ chuẩn bị đám cưới. Bây giờ giải phóng rồi, chính quyền là của cách mạng rồi, ba mẹ còn chờ gì nữa? Chúng con cứ lấy nhau. Thường bền bỉ đòi hỏi như vậy suốt mấy ngày đêm.
 
Cả đời chỉ mong cộng sản về, nay không có lý do gì bắt ông phải vội vàng. Hàng ngày ông vẫn mở đài Hà nội để theo dõi tình hình chiến sự.
 
Giao tranh đang rất khốc liệt ở cửa ngõ Sài gòn. Nhìn vẻ phấn chấn ấy người ta tưởng như không ai yêu cộng sản bằng ông.
 
Sau 30-4 cả miền Nam nằm trong tay Việt cộng, không còn giao tranh nữa, nhưng vật giá leo thang chóng mặt, của cải nhà Thường dần dần ra đi hết, ngày 2 bữa cơm cũng phải tính toán so đo. Thế là đám cưới Út Thường -Ngọc Lan vẫn không tổ chức, chàng lại ra khơi. Những ngâm khúc chinh phụ không còn nhưng một bến vắng đợi thuyền vẫn vắng suốt những đêm thâu.
______________________
Chú thích:
(23) “shy”, có nhiều nơi gọi là mắc cỡ.
(24) Hai bức tượng lớn trước cửa chùa, một đại diện cho Ác, một đại diên cho Thiện.