Đã 2 năm ngưng tiếng súng, núi rừng như chìm vào sự yên tĩnh của hoang sơ. Dọc theo quốc lộ vẫn thấy đâu đó lác đác dấu tích của chiến tranh, của đạn bom ngày ấy. Những chiếc xe tăng cháy dở nham nhở, những doanh trại đổ nát đang chìm dần trong đám cỏ lau. Chiếc GMC của bộ đội Quân Khu 7 sau một ngày nhọc nhằn đã đến nơi, bãi tập kết của những người đi xây dựng kinh tế mới. Một ngày tháng 8 năm 1977 đã qua đi, cả Sơn và Huệ đều rệu rã, chưa bao giờ họ ngồi xe tải quân đội trên một chặng tới 300 cây số thế này, thật là một cực hình, “Cám ơn chính quyền cách mạng!”. Tùy theo xe lớn hay nhỏ, mỗi xe chở trung bình 15-20 người kèm theo hành lý của họ, chính quyền quân quản giãn dân bằng cách đưa họ đi lập vùng kinh tế mới. Ở nơi đến, họ vạch ra một sơ đồ phân đất sẵn. Khu dành cho dân Quận I và Bình Thạnh là vạt Tây của đồi Thượng II. Hộ nào nhiều người thì miếng đất to hơn, hộ nào ít như Sơn Huệ thì mảnh đất chỉ xấp xỉ 1000 mét vuông. Đây là một xã thuộc huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, cách Đà Lạt vài chục cây số. Phải mất đến 4 tuần vợ chồng họ mới tạm ổn. Những ngày đầu chưa quen Sơn Huệ cũng thấy nản, nhưng miếng cơm, manh áo buộc họ phải bắt tay làm, hết đào giếng, dựng nhà, họ suốt ngày lấm lem với đất đỏ bazan. Hai vợ chồng đều có sức khỏe tốt, lại có kiến thức nên không mấy khó khăn. Giếng nước nhà họ bao giờ cũng đầy nước trong veo, mấy hộ hàng xóm không có nước cùng đến dùng chung, ai cũng khen. Sơn-Huệ không thuộc diện nghèo nhưng còn trẻ nên ham vui, lại tò mò. Sau thời kỳ làm nghề buôn bán đồ gia dụng cũng tích lũy được một ít của cải, bây giờ nghề ấy thu nhập kém đi,lại không muốn tiêu vào vốn nên quyết định đi làm kinh tế mới xem sao. Sau mỗi ngày cực nhọc khai phá mảnh đất hoang vu này họ thả mình lên đám cỏ, cùng nhìn lên trời thưởng thức, màn đêm bao trùm sâu thẳm, Huệ bảo Sơn: muốn xem sao chưa? Sao kìa, rồi âu yếm hôn nhẹ lên ngực Sơn. Căn nhà của họ mặc dù tự dựng lên bằng vật liệu của rừng núi mang về nhưng khá tốt, chắc chắn và ấm cúng, nằm lưng chừng vạt đất đồi 1000 mét vuông được cấp. Khoai mỳ đã bắt đầu trổ lên những đoạn dài, lá buông ra xanh ngắt, mơn mởn. Cơ ngơi này do bàn tay của họ làm ra, đáng tự hào lắm. “Là ơn cách mạng cả đấy” Huệ vẫn đùa vui như thế. Một đêm sau những phút mặn nồng, Huệ lằng lặng ra bàn thờ thắp nhang, nhìn ảnh ông Hai mà khóc,Ba con có nỗi với Ba, tha thứ cho con Ba nhé Huệ cố kìm tiếng nấc,Sơn chợt tỉnh bắt gặp cảm xúc ủy mị của vợ, anh thầm nghĩ “nó vẫn là em mình”. Ông Hai qua đời tính đến nay đã hơn một năm nhưng mỗi khi rảnh rỗi là Huệ nhớ lại chuyện xưa, ân hận rồi bi lụy như thế. Sáng cao nguyên mát lạnh, làn sương sớm chưa tan còn quện lấy cỏ cây lên tới tận lưng đồi. Sơn chở Huệ đi “dạo phố”, mua sắm. Nếu không được đi chợ thì em đâu còn là đàn bà nữa, Huệ vẫn nhắc như vậy. Phần anh, cũng muốn ngắm nhìn, muốn tìm cảm giác mới vùng sơn cước. Cách nhà họ chừng 5 cây số có một khu đông dân, có quán xá nên người ta vẫn gọi là phố chợ. Ngoài cổng chợ có một người bán hoa duy nhất, chị cũng là người ở Sài Gòn lên, nhưng từ mấy đợt đầu. Ở đây hiều hoa rất đẹp mà ở Sài Gòn không thấy, chắc là hoa địa phương. Chị chủ yếu bán cho dân Sài Gòn mới lên, người bản địa xứ này thưởng thức hoa dại ngoài rừng quen rồi. Giữa chợ là một cái nhà hai mái to, rộng, ngồi được cả trăm người, chia ra làm nhiều ô. Đó là quán cà phê của chị Hằng, khách hàng vẫn quen gọi là Cà phê Hằng. Chị cũng là người Sài Gòn lên, gốc Bà Chiểu, tuổi ngoài 40 nhưng trông còn khá duyên dáng, mặn mà. Sơn dừng để Huệ xuống ngoài cổng chợ, anh tìm chỗ gửi61 xe rồi vào kiếm chỗ ngồi và gọi một ly cà phê đen thật đậm, nhấm nháp cái vị đắng quen thuộc mà từ khi lên xứ này, hôm nay anh mới tìm lại được. Đã hơn 30 năm anh thuộc về phố phường, thuộc về Sài Gòn thuộc về thành phố mà người ta còn gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông. Thói quen đã dẫn anh đến một cái bàn còn trống, khuất sau cột gỗ, tựa lưng vào cột hướng mắt nhìn ra cổng chợ. Anh thả mình vào khói thuốc quện với hương cà phê cao nguyên thơm lừng. Mái tóc đen, dầy, tết đuôi sam xõa xuống một bên, cái áo sơ mi mầu tím sẫm, khoác ngoài một cái Jacket Jean xanh đậm, nước da rám mịn ửng hồng, hôm nay Huệ thật rực rỡ với vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm, viên mãn của một người đàn bà. Đã lâu ngày không được đi mua sắm, Huệ như chim sổ lồng, cô tung tăng đi hết quán này sang quán khác. Gặp thứ gì hay cũng ngắm nghía rồi mua, chẳng mấy chốc đã thấy nặng tay, nhưng rồi vẫn không quên ghé vào hàng hoa, những hông hoa rực rỡ đủ mầu, vẻ đẹp hoang dã của hoa rừng khiến tâm hồn Huệ như dịu lại, cái thú chơi hoa như đã ngấm vào hồn cô. Từ xa đã có 2 thanh niên cỡ tuổi Huệ đang quan sát nàng, chúng đang cất xe. Tên đi trước mặc bộ đồ sáng mầu có vẻ con nhà giầu, tên kia mặc đồ mầu tối, nhưng cũng thuộc loại đắt tiền, chắc là mới ở Sài gòn lên, chúng đang tranh luận chuyện gì đó, nhưng không rời mắt khỏi Huệ... - Phước này, mày nghĩ ở xứ này mà có bông hoa đẹp thế kia thì có đáng không, trông được đấy nhỉ? Tên mặc đồ sậm mầu nói. - Tao thấy từ bấy giờ rồi. Ấy, mà đừng nói với tao là nàng làm ở quán này nhé! Mà… để tao, hắn lấp lửng với giọng khả ố. - Chắc không? Nếu không tự tin thì để tao. - Mày đã thấy thằng Phước này nói không bao giờ chưa? Chúng đang đi từ ngoài cổng chợ vào, tiến tới gần Huệ. Sơn phát hiện ra là chúng có ý đồ, nhưng xem lại dáng(62) đi, anh cười thầm rồi lại tiếp tục với ly cà phê và điếu SAMIT(63) đậm đà. Huệ mua xong hoa, bó hoa được kết lại rất đẹp, hoang dại nhưng đặc sắc với những bông hoa rừng sặc sỡ. Tay trái nặng trĩu một túi đồ lỉnh kỉnh và cái ví tiền, tay phải đang nâng niu bó hoa. Nàng vừa đứng lên thì Phước tiến tới trước bắt chuyện: - Chào người đẹp, em lên cao nguyên lâu chưa? Cho anh đỡ một tay nào!-Nói rồi Phước nhìn chằm chằm vào Huệ, thèm khát ra mặt. Huệ đứng lại nhìn vào hắn từ đầu đến chân. Phước không hiểu được cái nhìn của nàng nên nghĩ mình đang được ngưỡng mộ. Cuối cùng hắn không kìm chế được, đưa hai tay đỡ bó hoa trên tay Huệ, một bàn tay thám hiểm trên cánh tay nàng. Bất ngờ Huệ tung bó hoa trên tay phải sang tay trái, Phước chỉ kịp kêu “Ối” một tiếng rồi hắn nhẩy dựng lên, xoay loạn xạ, ngã ngập đầu xuống, chống tay xuống nền đất đỏ, nét đâu đớn hiện rõ nên bộ mặt đểu giả. Ngực hắn được đệm vào gối của Huệ. Nàng kéo tai hắn đe: - Ở Sài Gòn mới lên cao nguyên tính làm bậy hả, đừng dại thế em. Trước sự thán phục của tất cả khách uống cà phê ở quán, Huệ thản nhiên đi thẳng đến chỗ Sơn. - Lâu lắm không đi chợ anh nhỉ, cũng có nhiều thứ để mua anh ạ, phải cái hơi mắc. Sơn chỉ nhìn Huệ mỉm cười, nàng vừa mới “biểu diễn” xong mà coi như không. - À, giá mà anh ra xách đỡ cho em thì có phải…? Nàng đang muốn nói thêm một điều gì đó, nhưng lại thôi. Vừa lúc Phước và bạn hắn đi tới, quần áo vẫn còn lấm lem mầu đất đỏ, lí nhí xin lỗi. Sơn chỉ hất hàm liếc về phía Huệ: - Cô giáo tao đấy. Huệ chỉ im lặng cho qua chuyện. Với Huệ, Sơn có yêu, có thương nhưng sự quan tâm anh dành cho nàng thì hầu như chỉ là tình cảm anh em. Sơn đã dành trọn trái tim mình cho một người đàn bà mà Huệ không biết, chuyện kể về chị ấy cũng chỉ mơ hồ như gió thoảng. Anh biết Huệ khỏe mạnh, biết võ, nên không cần phải giúp đỡ. Ước gì cái bụng mình to lên, nàng thầm trách. Từ khi ăn ở với nhau, Huệ hay để ý những người đàn bà khác xem họ có bầu thế nào, biểu hiện của họ khi có bầu ra sao. Dạo này nàng thấy cơ thể mình khang khác, ngực cương cứng, lại mệt mỏi. Hình như một mầm sống mới đang hình thành. Không dám nói cho Sơn, sợ nói trước rồi bước không qua. Nếu có thì phải cảm ơn sự bình yên, mát mẻ của núi rừng cao nguyên. Nàng đang rất hạnh phúc trong hồi hộp đợi chờ. Cha mẹ nàng mất từ khi nàng còn chưa biết quê hương, dòng họ của mình ở đâu. Đã bao năm qua được ông Hai quan tâm lo lắng, nay nàng lại được chính con trai của ông yêu thương. Chẳng phải là sự hào phóng của thượng đế với nàng đó sao?! Tình yêu của Sơn với nàng dù sao cũng có hạn chế, nó hoàn toàn không giống với tình yêu trai gái. Chẳng trách chàng được vì hai người sống với nhau như hai anh em từ nhỏ. Đôi khi Huệ cũng nghĩ về Hoàng, nhưng những hình dung chắp vá về anh cũng qua rất nhanh, Huệ tự nhủ có lẽ Hoàng đã hy sinh thật rồi. Sơn nói đúng, biết nhà mình rồi, sau giải phóng phải tự đến. Nàng đã dành cho Hoàng những giây phút đáng trân trọng nhất, mặc dù đó chỉ là một lần chạm tay, một nụ hôn ước lệ, nhưng với nàng nó là tất cả. Đó là sự rung động đầu đời, đó là tiếng sét ái tình của đời con gái, và đó cũng là nguồn thơ, là lời thề. Nó gắn liền với những dự kiến về tương lai rất thực tế của Huệ. Vậy nên sự đổ vỡ sẽ gắn liền với một nỗi buồn tủi vô bờ! Càng kỳ vọng bao nhiêu thì khi đổ vỡ, sự thất vọng càng lớn bấy nhiêu. Cũng như khách uống cà phê, chị Hằng đã chứng kiến màn biểu diễn bất đắc dĩ nhưng rất đẹp và đấy ấn tượng của Huệ. Biết đây là khách mới, lại khâm phục sự dũng cảm của người phụ nữ này nên chị đến chào. Sau khi giới thiệu về bản thân, về quán, về quy mô làm ăn, chị không quên mời Huệ hợp tác. Sơn không quen kinh doanh bài bản này nên né tránh. Huệ vốn có máu kinh doanh nên bèn theo chị đi thăm các khu vực của quán, mặt trước mặt sau, nhà kho, nhà bếp. Cô thấy có hứng thú với nơi này. Huệ không chỉ là một cô giáo, mà còn là một người có mắt quan sát rất tinh tế, có tư duy kinh doanh. Chị Hằng đã phát hiện ra điều đó ở Huệ ngay sau khi dẫn nàng đi thăm khu vực phía sau của tiệm, chị thương lượng ngay với Huệ việc giao vị trí trông coi cửa hàng cho nàng. Mặt sau của quán là 4 phòng trà kín đáo có một lối đi riêng, cửa quay ra một khoảng đất trống, cỏ mọc xanh rờn, xa xa là một cánh rừng cao su bạt ngàn. Chị Hằng dành lại 3 phòng, một phòng riêng cho mình và 2 phòng kia để tiếp khách làm ăn. Huệ trông coi toàn bộ phần dịch vụ giải khát, cà phê phía trước, có vài ba cô gái phục vụ bàn, họ đều là người từ Sài gòn lên. Khách riêng của chị Hằng chủ yếu là bọn bán mủ 64cao su, cà phê hạt tuồn từ các nông trường ra, lái thương từ Sài gòn lên lấy hàng, và một vài cán bộ chính quyền. Họ chỉ uống trà rồi bàn công việc, Huệ không xâm phạm đến lãnh địa ấy của Hằng. Thỉnh thoảng lên thăm chị Hằng là Yến, năm nay chừng 20, rất đẹp, lộng lẫy và quyến rũ. Đôi khi Yến cũng tham gia phụ Huệ trong quán, cô ta hay trò chuyện với Huệ về bạn trai của mình. Anh ta là cán bộ huyện cử xuống xã xây dựng công tác đoàn thanh niên, tên là Hoàng. Nguyên là cán bộ phong trào sinh viên Sài Gòn, hơi lớn tuổi nhưng yêu Yến lắm. Nghe tới tên Hoàng, Huệ không khỏi giật mình: - Anh ta thế nào, khoảng bằng tuổi anh Sơn chồng chị không? Huệ hỏi liên hồi. - Sao chị biết anh ấy? - Không, vì thấy hai người yêu nhau quá, chị hỏi cho biết, quan tâm em thôi. Làm sao chị quen cán bộ được? Như đã nhận ra điều gì đó về Hoàng trong mớ bòng bong hỗn độn các thông tin mà Yến mang đến trong các câu chuyện hàng ngày. Huệ cảm thấy bối rối khó xử, nửa muốn nghe nữa, nửa lại muốn thôi. - Em nghe anh ấy kể đã từng hoạt động rất lâu ở Sài Gòn, tụi em phục lắm. Ảnh cũng chiến đấu ở Sài Gòn hồi trước giải phóng, có bị một vết thương ở chân trái nặng lắm, chuyện ở rừng Sác(65) cơ. Ảnh hát cũng hay nữa chị à. - Này, lo trông quán, chị nhức đầu quá. Mặt Huệ tái đi, bước vội vào trong. Yến vô tình hay nàng còn quá trẻ để nhận thấy sự thay đổi đột ngột trên khuôn mặt Huệ. Mỗi khi có ai hỏi chuyện về Hoàng, Yến không khỏi tự hào, nàng nói chuyện như đang khoe khoang về người thân của mình. Nghe chuyện của Yến, Huệ như đứt từng khúc ruột. Số phận run rủi thế nào để rồi gặp lại anh trong hoàn cảnh này. Ông trời thật không có mắt, tại sao không để cho mọi chuyện trôi đi êm ả?! Trước mắt mình là một đứa con gái trẻ đẹp, được chàng yêu thương chiều chuộng, trong khi mình đã là vợ của người khác. Trớ trêu quá! Là đàn bà, tránh sao khỏi ghen, nàng không kìm chế được mình. Trong sự hụt hẫng, rối bời, trong nỗi đau vật vã, nàng trách thượng đế vô tình. Sáng sáng Sơn chở Huệ đến quán, sau đó anh la cà hết ngọn đồi này sang ngọn đồi khác. Khi nói chuyện với mấy người buôn cà phê, lúc chào hỏi mấy chị cạo mủ cao su, Sơn đang nghĩ tới việc mở một lò võ(66). Một hôm anh lang thang rồi bỗng thấy một thị trấn nhỏ, phố phường tấp nập. Thế là như cá gặp nước, anh sà vào quán rượu, Sơn không bao giờ say bí tỉ như con ma rượu mà chỉ uống 1 hay 2 xị, vừa đủ để thăng hoa. Trước khi ra về, anh bắt gặp một dáng đi, một khuôn mặt rất quen, mặc đồ bộ đội mà không đeo quân hàm, được đám thanh niên mời gọi nên hắn cũng tắp vào nhưng chỉ làm một ngụm rồi đi. Sơn không kịp nhận ra ai, anh phải tìm đường về, còn phải đón vợ, muộn rồi. Huệ đã nhận ra người đàn ông của Yến là ai. Nhưng vẫn chưa hiểu nguyên nhân nào dẫn anh ta đến quyết định quan trọng như thế đó. Anh ta đã bỏ rơi Huệ, quên đi tất cả những gì cao quý mà nàng nâng niu trân trọng. Phải chăng con đàn bà trẻ đẹp này đã kéo anh ra khỏi vòng tay của Huệ. Trước 30-4 Yến còn là một đứa trẻ, hồi ấy có thể Yến cũng ở trong đội tuyên truyền cách mạng thiếu nhi giống như Huệ? Biết bao nhiêu câu hỏi dồn dập quay cuồng trong đầu cô, cảm giác bị dồn nén, mệt mỏi giống như khi cô bị tra vấn năm 15 tuổi trong phòng thẩm tra của cảnh sát Sài Gòn. Nhưng xét lại, không phải chỉ có Huệ, các bạn bè, đồng chí cùng hoạt động phong trào với nàng cũng bị quên đi như thế. Huệ rắp tâm kiểm chứng “bệnh đãng trí” của Hoàng. Mặc dù mỗi khi gặp Yến, đặc biệt là nghe cô ta kể chuyện về Hoàng, Huệ rất đau khổ. Nhưng nàng quyết tâm trấn áp, kìm nén cảm xúc của mình, ngày nào nàng cũng dành ít phút nghe Yến kể chuyện, khi thì chuyện công tác đoàn thanh niên, khi thì chuyện riêng tư của hai người bọn họ. Một hôm Huệ thất sắc nghe Yến thú nhận hai người họ đã chung chăn gối, hạnh phúc tràn trề, có thể có thai. Yến còn bộc bạch, lúc gần nhau thì khó giữ gìn lắm chị nhỉ?. Chuyện gì phải đến đã đến, Yến mang bầu hơn một tháng nay. Cô ta tìm mọi cơ hội để cho Hoàng biết nhưng chưa được, anh ấy quá bận rộn. Yến lúng túng, không nghĩ ra cách, trong khi cái thai ngày một to. Đành phải nhờ đến chị Hằng, chị là cô ruột của Yến, cũng là người nuôi Yến từ nhỏ sau khi cha mẹ Yến qua đời. Huệ kìm nén được những cơn ghen dữ dội trong lòng nhờ biết được Yến cũng là con côi cút như mình, nàng vẫn ôm tình địch vào lòng, siết chặt như đang ôm đứa em mình. Chị Hằng khi nghe chuyện Yến cũng hoảng hốt mất mấy ngày, nhưng sau đó chị cũng đành liều. Hoàng là người bao che cho chồng chị và một đồng đội của anh ta trốn trình diện. Cả hai người đó đều lẫn khuất quanh đây, an toàn, đó cũng là lý do chị phải lên làm ăn ở vùng khỉ ho cò gáy này. Nhưng còn kỳ vọng nữa là, may ra mà Hoàng và Yến thành đôi thì chị cũng được thơm lây, có con cháu lấy được cán bộ cách mạng thì còn gì bằng, và chị sẽ lại được về Sài gòn, kể cũng được đấy. Từ khi giao cho Huệ trông coi quán cà phê, chị Hằng coi Huệ như người thân, những chuyện đàn bà nhỏ to đều mang kể cho Huệ nghe, chị không hề biết rằng những chuyện về Hoàng-Yến đang xé nát từng khúc ruột của Huệ. Một hôm chị Hằng gọi Hoàng đến nói chuyện ở phòng riêng của mình. Huệ bảo Sơn đón trễ vì hôm nay phải làm sổ. Yến rất hồi hộp, xốn xang khó tả. Nàng luôn hình dung được anh ấy sướng phát cuồng lên khi nghe tin mình sắp có con. Đã có công danh, nay lại có vợ trẻ đẹp, sắp có con nữa, anh ấy phải là người đàn ông hạnh phúc nhất trong ngày hôm nay. Huệ và Yến cùng bí mật ngồi lại trong phòng cà phê, sát vách với phòng khách của chị Hằng: - Chú Hoàng ạ, tôi hiểu rằng cháu nó gặp được chú là phúc lớn cho cả dòng họ nhà tôi.Chị Hằng bắt đầu thăm dò. - Chị khách sáo làm gì, tôi hiểu chị gọi tôi ra đây là để nói chuyện riêng. Tôi đang nghe chị đây. - Con Yến là con anh ruột tôi đấy, bố mẹ nó mất sớm, ở với tôi từ khi còn 5 tuổi. Nó ngoan ngoãn, tôi thương nó như con đẻ vậy. - Vâng, tôi có nghe chị nói một lần về việc này. - Cám ơn chú đã quan tâm. Tôi giới thiệu cháu cho chú để chú dìu dắt trong công tác, để cháu được ngẩng mặt lên với anh với chị chứ đâu phải để chú qua đêm. - Tôi hiểu chị Hằng ạ. Nhưng đó là chuyện riêng của chúng tôi, Yến đã đủ lớn, đủ hiểu biết, chị nặng lời làm gì? Hoàng hắng giọng rồi chờ phản ứng của chị Hằng. - Chú nhầm rồi. Nó là cháu tôi, là con tôi, không thể nói đó là chuyện riêng được. Nó có bầu hơn tháng nay rồi đó. Chị Hằng như đã tự cho mình cái quyền làm cô, làm mẹ vợ, lên giọng vẻ bực bội. Ở sau tấm vách mỏng bằng tre nứa kia là hai người đàn bà của Hoàng, họ cùng hồi hộp chờ đợi phản ứng của anh ta. Yến đang ôm lấy Huệ nín thở, chắc là anh ấy sẽ cuồng lên vì sung sướng và đòi cưới mình ngay trong tuần này, tháng này. Sau mấy phút lặng im, chị Hằng sốt ruột chờ phản ứng của Hoàng, còn Hoàng thì đang tính toán hay lưỡng lự gì đó. Cuối cùng hắn lên tiếng: - Chị Hằng này, anh Tư chồng chị vẫn mạnh đó chứ? Hoàng lạnh lùng chuyển đề tài sang công việc. - Cám ơn chú, ảnh vẫn mạnh đều. - Thế còn anh Sáu, bạn chị cũng mạnh đều chứ? Chị Hằng như chết đứng trước những câu chất vấn lạnh lùng của Hoàng. - Chú...chú cứ nói thế mang tiếng cho tôi. Bạn nào đâu, chú ấy là em út của ông Tư nhà tôi. - Cả hai đều là sỹ quan, ác ôn cả đấy, không chịu trình diện. - Tôi xin chú, về chuyện ấy tôi mang ơn chú suốt đời. Yến ngây thơ, không hiểu hết chuyện nhưng thất vọng quá, gục khóc trên lòng Huệ. Riêng Huệ thì khác, giông tố đang nổi trong lòng, nàng cố gắng hết sức để kìm chế sự căm phẫn của mình. - Nhân tiện cũng nói cho chị hay luôn, chuyện này quả là không đơn giản, tổ chức không cho phép tôi cưới Yến, cũng phải chịu thôi. Mà Yến đi đâu nhỉ, cô ta bỏ tất cả công việc, chị nhắn là tôi tìm nhé. Như vậy chắc chị rõ, là không thể bịa ra chuyện có bầu hay có thai gì để ép tôi được. - Vâng thưa cán bộ. Tôi hiểu. Chị Hằng cúi đầu chào với theo khi Hoàng lẳng lặng bỏ đi. Huệ như ngây dại, hai tay bám chặt vào thành ghế, mồ hôi chảy ra thành dòng trên má. Bất chợt nàng ôm bụng quằn quại, mãi một lúc lâu mới tỉnh lại. Cái thai mới vài tuần mà đã khó chịu đến vậy. Hết cơn đau bụng là cơn giận dữ lại trỗi dậy. Thất vọng! Một người đàn ông trong mộng của nàng, một chiến sỹ cách mạng luôn kiên cường trong kháng chiến đã xuất hiện trở lại ngay trước mắt nàng với một tư thế hoàn toàn khác. Tư thế của một kẻ đốn mạt, một thằng sở khanh thối tha. Một tên trưởng thành trong phong trào sinh viên với Huệ, nay chắc là mới được kết nạp vào đảng nên phải hết sức giữ gìn, có lẽ vì con đường công danh phía trước đang rộng mở với hắn. Hắn đã sử dụng cả quyền lực lẫn tri thức để đối phó những người dân thường chỉ biết buôn may bán đắt. Chị Hằng gục xuống chấp nhận là một kẻ thất bại trong cuộc ngã giá vừa qua. Yến thì nức nở, kiên quyết giữ cái thai chờ ngày sinh. Huệ rất phẫn nộ trước thái độ đốn mạt của Hoàng, từ khi mang thai, nàng không thể kiềm chế được như trước. Quán đã hết khách từ lâu, Sơn đậu xe ngay ngoài cửa chờ Huệ, bỗng anh thấy một người rất quen, mặc bộ quân phục cũ không đeo quân hàm, chạy xe 67 từ phía sau quán ra, rồi đi thẳng. Tối sập xuống rất nhanh, ở rừng là vậy, Sơn bật sáng đèn pha chạy nhanh về nhà. Không giống mọi ngày, Huệ suy tư nhiều, Sơn hỏi thì nàng chỉ trả lời là bận lo công việc. Anh lại tìm đến với điếu thuốc và chai rượu trong khi chờ vợ nấu nướng, và trong hình dung của anh, người đàn ông quen quen ấy chính là Hoàng, và không khỏi kèm theo câu hỏi lớn cho sự thay đổi của Huệ hôm nay. Cả bữa cơm Huệ im lặng, không còn gắp thức ăn cho Sơn như mọi hôm nữa, hình như cô đang suy nghĩ một điều gì đó. - Huệ, em mệt à? Ba Sơn hỏi đến lần thứ ba vẫn thấy Huệ không trả lời, đôi mắt như vô hồn. - Huệ, Em sao vậy! Huệ giật mình, ngước lên lảng tránh không dám nhìn thẳng vào mắt Sơn. - Em không sao, chỉ vì hôm nay phải làm sổ sách, nên hơi mệt thôi, mình đi ngủ sớm đi anh. Cả đêm Huệ trằn trọc không ngủ. Vậy là hết, cái thần tượng mà cô đã tự tô vẽ, hy vọng, rồi phải chôn chặt vào lòng. Những tưởng nó mãi là một kỷ niệm đẹp, một sự ngưỡng mộ trong cô, giờ đây vỡ vụn. Thực tại làm cô đau đớn, giá mà không biết hoặc không hề gặp lại. Vai Huê run nhẹ, nàng cố kìm tiếng nấc, cô đâu biết Sơn cũng chưa ngủ, thấy bờ vai vợ rung nhẹ, sự nghi ngờ trong anh càng tăng lên. Sáng hôm sau Huệ dậy thật sớm, đôi mắt thâm quầng như mất ngủ, cô cố tô phấn cho thật đậm hòng che đi những u uất đang ngày một lộ ra trên khuôn mặt mât ngủ đêm qua. Vừa vào đến quán, Huệ đã bị chị Hằng chạy ra nắm lấy tay lôi tuột vào trong. - Huệ giúp chị với, con Yến đòi tự tử, chị không ngăn được nó. Em biết đấy, nhà chị có mỗi mình nó, nhỡ có mệnh hệ nào thì chị biết ăn nói làm sao với tổ tiên đây. Nó hay tâm sự với em, tin tưởng em, chị hết cách rồi, em giúp chị khuyên bảo nó được không? Trong phòng Yến đang nằm quay mặt vào tường, Yến trẻ trung xinh đẹp là vậy mà sau một đêm trông thật tiều tuỵ. Huệ xoa đầu Yến hỏi han. Như chỉ chờ có vậy, Yến ôm chặt lấy Huệ khóc nấc lên từng hồi. - Chị ơi em chỉ muốn chết thôi, cuộc sống của em chẳng còn gì nữa, thiếu anh ấy em không sống nổi, em sợ mất anh ấy lắm, còn con em nữa nè. Yến nức nở trong vòng tay Huệ, nàng chợt nghĩ đến cuộc đời trước kia của mình mà thương cảm cho Yến. Mình sẽ phải làm một điều gì đó cho cuộc đời này, nó cũng là con côi như mình, nàng tự nhủ. Trong tay chính quyền mới mà có con vô thừa nhận thế này thì nó khó sống đây. - Yến này, em có thể hẹn Hoàng được không, chị thử thuyết phục anh ta một lần xem thế nào, may ra... - Ừ phải đấy-Chị Hằng lên tiếng thêm vào -Em vốn khéo léo, lại có học thức, lý lẽ, em giúp chi lần này đi, còn chị, như em thấy, không thể đối phó với anh ta. - Yến à, chờ anh lâu chưa, mà sao tối thế này? Hoàng bước vào ung dung như nhà mình. -Anh Hoàng, đã lâu không gặp. - Ủa, ai…Hoàng lùi lại. - Đồng chí vẫn khỏe chứ? Hoàng giật mình, hắn với tay bật sáng đèn. Trước mặt hắn là Huệ, Hoàng bối rối nhưng rồi cũng bình tĩnh lại được: - Huệ! Sao em lại ở đây? Ba và anh Sơn khỏe không? - Anh khôn ngoan thật! Sau giải phóng, anh đã bán rẻ chúng tôi, những người đã cùng anh lăn lộn nhiều năm trong lòng Sài gòn. - Huệ, sự thật không phải như thế. Em yêu, hãy tin anh, làm sao em biết chỗ này, sao em ở đây? - Thế ư? “Rụp”. Huệ chỉ muốn nói chuyện, nhưng trước miệng lưỡi dẻo quẹo của Hoàng, trong tình thế lửa tình trỗi dậy, nàng đã ra đòn. Sau lời mỉa mai là một động tác rất nhanh, hắn bất động trên nền nhà, có nói được thì cũng chỉ còn thều thào, đủ nghe trong vòng vài mét. Huệ dằn mặt hắn: - Hoàng, anh hãy nghe đây. Con Yến nó vẫn yêu anh, tôi nói nó bỏ cái thai, không nên đẻ ra một thằng hèn nữa. Nhưng nó đã không nghe tôi. Tôi báo để anh biết thế thôi. Sau một giờ nữa, anh sẽ tỉnh. Anh phải hiểu rằng loại như anh không đủ bản lĩnh trả thù tôi. Mà thù gì đâu?! Yêu chứ?! Huệ cười khẩy. - Ừ, tôi sẽ nhận đứa con, ừ tôi sẽ nhận… Hoàng run rẩy Hoàng cứ lẩm bẩm như thế rồi lịm đi. Từ khi ông Hai truyền dạy cho Huệ cách điểm huyệt này, đây là lần đầu tiên được đem ra để áp dụng. Huệ như không hiểu chính mình, nàng đã định nói gì, làm gì. Thế mà khi gặp Hoàng, nàng lại ra đòn như thế. Nhưng dù sao thì sự đã rồi, cũng có thể có tác dụng tốt. Sau khi đã nói những gì cần nói, làm việc gì cần làm, Huệ ra về thanh thản, định bụng sẽ nấu một bữa thật ngon, rồi hai vợ chồng cô cùng lăn ra ngủ đến trưa mai mới dậy, quên hắn được rồi. Huệ về tới quán thì trời đã sắp vào khuya, không có Sơn đứng chờ, thế là không thể nấu cơm ăn sớm... Chị Hằng đang ngồi rũ ra một mình, thẫn thờ. Thấy Huệ về, chị hốt hoảng chạy tới níu tay Huệ. - Em, có sao không? Sơn đâu rồi? Không gặp à? May... Chị hỏi liên hồi. - Chị nói sao? Sơn thế nào? Huệ nghe vậy cũng hoảng hốt không kém, rồi nàng ngầm hiểu chuyện gì đã xẩy ra. Nàng lao đi như con thiêu thân, những cánh rừng cao su dù bạt ngàn cũng không thể ngăn được bước chân trần của Huệ. Đầu tóc rũ rượi, ánh mắt thất thần, những cành cây quất mạnh vào tay chân, mặt mũi làm Huệ rớm máu. Nhưng lúc này Huệ không còn cảm giác đau đớn gì nữa, sự mất mát như đang lớn dần lên. Hằng chạy với theo Huệ nhưng không thể, được một lúc hơi thở chị gấp gáp, đầu gối khuỵ xuống, bất lực. Một ngày đen tối! Có thể sẽ kết thúc một giai đoạn trong cuộc đời này. Yến vẫn nằm như cái xác trong phòng riêng. Ông chồng trốn trình diện của Hằng đã 6 tháng nay không về, biết là hắn đã có người khác mà không biết đích xác ở đâu. Sơn mạnh tay thật, hắn đã tỏ ra rất hung hãn, nhưng khi chạm vào mình, hắn cũng có cảm giác lạ đấy, thấy hắn mềm đi. Kể ra nếu hắn giữ mình lâu hơn thì không biết ra sao, cứ uy hiếp như thế biết đâu lại hay, có thể hắn còn ôm mình mạnh hơn ấy chứ, sợ quá mà khai ra làm hại cả Huệ, bây giờ lại tiếc. Còn lại một mình nơi quán vắng, hết sợ đến buồn vu vơ, lại lo cho Huệ, rồi Hằng lại nghĩ về đàn ông, lại cười cợt tính đàn bà của mình. - Anh Sơn, anh ở đâu, hãy trả lời em đi, trả lời em đi. Huệ gào lên, ánh mắt nàng tuyệt vọng, nước mắt thẫm đẫm bờ vai. Cánh cửa mở toang, xe của Sơn kia rồi. Huệ mừng khôn tả chạy thẳng vào nhà. Ba Sơn đang ngồi đó, ánh mắt hằn đỏ, bàn tay nắm chặt, những đường gân nổi chằng chịt. - Anh Ba! Huệ hoảng hốt gọi tên chồng như anh mình khi xưa. Không chờ Huệ dứt câu, Sơn dộng mạnh nắm đấm vào cái giường tre, khiến nó tét ra từng đường dài, tay rỉ máu. Huệ luống cuống, cô lao đến, nắm lấy tay Sơn, nhưng Y hất mạnh khiến Huệ ngã ngửa về phía sau. - Cút đi, đồ con đĩ lăng loàn, đồ vô ơn, cuối cùng cô vẫn là đứa con hoang thôi, đừng động vào tôi. Dám phản tao à? - Hãy nghe em giải thích. Huệ lên tiếng, tính dàn xếp cho ổn. - Còn gì để nói, cút đi với thằng đàn ông mà cô tôn thờ, ngưỡng mộ, thế là hết, tình cảm vợ chồng đến đây chấm dứt. Sơn dùng hết sức hất cái giường tung lên, rồi lại đạp mạnh xuống. Cái giường bây giờ thành những mảnh tre gỗ gẫy vụn,lổn nhổn. Huệ bàng hoàng, chưa bao giờ cô nghĩ Sơn có thể thốt ra những lời phũ phàng đến thế. Hoàng đã phản bội cô, Sơn vì hiểu lầm mà hạ nhục cô. Người đàn ông mà cô tôn thờ không còn nữa, hai người đàn ông mà cô yêu thương đã cùng một ngày, cùng một lúc bóp nát trái tim cô. Vậy còn sống làm gì, ánh mắt Huệ phẫn uất, nỗi đau đã đè nặng lên cõi lòng vốn không yên tĩnh của cô. Cầm lấy con dao trong bếp, Huệ đưa về phía Sơn và nói. - Anh nghĩ tôi tầm thường vậy sao? Bao nhiêu năm chung sống mà anh cũng không tin tưởng một chút nào à? Tôi thất vọng, tôi thực sự thất vọng, anh hãy giết chết tôi đi. Sơn đá mạnh vào con dao khiến nó đâm vào bàn thờ ông Hai, nghe phập một tiếng. Sơn nghiến răng, trợn mắt, hay tay gồng lên trông rất hung dữ, cuối cùng anh bỏ đi. Nhìn ban thờ ông Hai, Huệ thẫn thờ. Vậy là hết, cô đã mất tất cả, niềm tin, hy vọng, và tình yêu thương. Vậy còn lưu luyền gì cõi đời này nữa, hết rồi… hết rồi. Huệ lầm lũi bước đi. Trời càng ngày càng tối đen, Sơn đang chở Hoàng trong một cái bao tải để trước xe máy, chưa biết sẽ chở hắn đi đâu, làm gì. Chợt Sơn nhận ra phía trước là một cái vực sâu, trên đó là một bãi đá lởm chởm, cỏ mọc lớt phớt như tóc trên một cái đầu trốc, xấu xí. Anh đưa cái bao xuống, gỡ đầu bao và treo hắn tạm lên một cây thông già ngay cạnh bờ vực. Tiếng côn trùng trong rừng đã rỉ rả, giờ này thuộc về muông thú, một luồng gió lạnh từ trong rừng thổi ra làm Sơn bớt giận. Anh vào lùm cây tìm chỗ đi giải, lẩm bẩm trong miệng: - Không cần lấy mạng chó của mày, nhưng mày sẽ tè ra quần. Sợ mất mật mà chết. Sau khi buộc hắn lên cành cây, Sơn không quên tặng hắn một cú đá chân phải vào bộ hạ cho bõ tức. Hắn chính là Hòang, Sơn đã bắt gặp hắn đang ngất lịm vì “hạnh phúc” trên sàn nhà, bây giờ lại ngất đi, rũ xuống. Vừa ra khỏi lùm cây, Sơn bất ngờ phát hiện ra Huệ, nàng đang đi về phía bờ vực. Khi cơn giận đã vơi đi một phần, Sơn gần như trở về với vai trò người anh, người chồng. Anh đang chưa hết ngạc nhiên vì sao Huệ lại đi lang thang ra tận bờ vực này, thì lại thất sắc khi thấy Nàng đi thẳng ra chỗ Hoàng. Sơn cảnh giác đứng lại theo dõi, cùng lúc có tiếng động trong rừng như một con thú hoang đang tìm mồi. Sự thận trọng đã nén được cơn ghen trong Sơn. Huệ như không hề thấy có Hoàng đang bị treo trên cành cây gần đó. Nàng đi thẳng ra bờ vực, ngồi cạnh một hòn đá to chỉ cách bờ vực trong gang tấc, gác tay lên hòn đá, gục đầu vào tay mà khóc, tiếng nấc ngày một rõ hơn. - Huệ! Huệ giật mình khi nghe tiếng Sơn gọi, nhưng ngay sau đó nàng lại tiếp tục nấc lên. - Sao biết anh ra đây mà tìm, anh xin lỗi nhé. Sơn ăn năn vì sự nóng giận của mình. Nhưng Huệ đã bình tĩnh, nàng lên tiếng: - Tránh xa tôi ra, tôi không còn là của anh nữa rồi. Nghe tới đó Sơn lại giận sôi lên, không còn kiềm chế được. - Mày nói sao? Thế mày thuộc về thằng nào? Huệ đã bình tĩnh, nên rất thản nhiên trước phản ứng lỗ mãng của Sơn. - Anh ba, anh vẫn chỉ là anh ba của tôi thôi. - Thì ra mày ra đây vì muốn cứu nó à? - Nếu đúng thì sao? Anh để hắn đâu rồi? Câu trả lời bất cần của Huệ làm Sơn chợt nhận ra là Huệ vẫn không biết Hoàng bị treo ngay cạnh nàng, còn Hoàng vẫn chưa tỉnh hẳn. Đáng kiếp, dám chàng màng vợ tao, đêm nay thú hoang sẽ viếng thăm chốn này. - Trước mặt là vực đấy, đi vào. Sơn mắng Huệ như mắng em mình. Huệ chợt nhận ra điều đó, nàng cười khẩy. - Tôi chọn nơi này, làm gì còn chỗ nào khác vừa hoang sơ, lại vừa tiện lợi cho mọi mục đích như chỗ này. -Là thế nào? -Là tôi sẽ bay xuống kia. - Mày dám à? Sơn không hề cảm thấy sự kiên quyết toát ra từ giọng nói của Huệ. - Huệ, hãy bình tĩnh đã nào. Anh ba sẽ không giết anh đâu. Hoàng lên tiếng, hắn nửa tỉnh nửa mê nhưng cũng nhận ra tình huống này. Nàng đã rất kiên quyết, chuẩn bị lao xuống vực tự vẫn. - Thì ra anh ở đó à? Không hẹn mà gặp, có sự chứng kiến của cả hai, đẹp mặt thật nhỉ? - Huệ, anh sẽ thả nó xuống ngay đây, vào đi. Sơn cũng đã nhận ra tình huống, chuẩn bị gỡ dây. - Anh ba, em đã mất anh rồi. Sự ghen tuông đã làm cho anh mù quáng. Anh xử hắn thế nào là tùy, đừng nghĩ rằng em muốn tha cho hắn. Nói rồi, nàng quay sang Hoàng đang lơ lửng trên cây. - Anh Hoàng này, một kẻ bạc tình như anh, nói đúng hơn là một kẻ hèn nhát, mà cũng đòi khuyên tôi sao? Sau 30-4, tìm anh đến đỏ cả mắt, khắp Sài gòn Chợ Lớn, tôi nghĩ gì? Anh thử đoán xem? Coi như anh đã hy sinh, thật dũng cảm, thật phi thường. Tôi tự hào lắm, mà đáng tự hào chứ?! Cho đến khi anh lộ nguyên hình ở đây. Hoàng cảm thấy nhục thực sự, hắn không cãi lại, có thể hắn nghĩ là sự im lặng sẽ tốt hơn. - Anh xin em, Huệ, anh xin. Thấy Huệ lạnh lùng và kiên quyết, Sơn hiểu nàng đã thay đổi theo chiều rất cực đoan, anh quỳ xuống van xin. - Anh ba này, anh đứng lên. Anh hiểu rằng tôi không dễ thay đổi như thế. Mình là anh em, nhưng không phải ruột thịt, thế là khi có cơ hội thì anh bế tôi lên giường với anh, thế thôi. Anh vẫn là anh ba của tôi, yêu gì đâu, anh đứng lên đi. Ba Sơn ngồi bệt xuống như người mất hồn, từ chỗ anh ngồi tới chỗ Huệ khoảng 5 mét, nàng lùi dần về phía bờ vực, không thể nhẩy ra ôm nàng rồi lại nhảy vào được. Huệ là người học võ, nàng đã quyết tự vẫn thì không ai cứu được. - Hoàng này! Sau giải phóng, anh sợ phải lấy tôi, một trí thức do xã hội cũ đào tạo, lý lịch một đảng viên sẽ bị một vết đen. Kể cũng được, hy sinh tôi cho con đường tương lai của anh. Còn chưa đủ, anh hy sinh thêm cả con Yến và đứa con anh đang còn trong bụng nó, ghê gớm thật! Tôi không ngờ! Một người làm cách mạng như anh, lúc khó khăn, gian khổ nhất, cận kề với cái chết thì lại dũng cảm như thế, nhưng khi hòa bình lập lại, chỉ vì chút danh vọng, tư lợi cá nhân mà anh đánh mất mình. Lý tưởng cộng sản, phẩm giá của một đảng viên anh đánh mất đâu rồi?! Huệ vẫn rất bình tĩnh, và tỉnh táo hơn bao giờ hết, từ khi bỏ nghề giáo, lâu lắm rồi nàng mới lại phân tích, giảng giải thế này. Nàng lại tiếp: - Đứng trước kẻ thù anh rất hiên ngang, mỗi lần nghĩ về anh tôi không khỏi liên tưởng đến “Dáng đứng Việt Nam “. Tôi đã từng tự hào biết bao. Nhưng đến khi lý lịch đảng viên cộng sản của anh có nguy cơ bị bôi nhọ vì tôi thì anh co lại, run sợ và lẩn tránh cả tôi. Huệ rất phẫn uất, dường như không phải chỉ cho riêng mình: - Đồng chí Hoàng, ai đã dùng chúng tôi trong việc rải truyền đơn tuyên truyền cách mạng? Ai đã nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc nơi những người bần cùng của xã hội như chúng tôi? Mặc dù được ba tôi cưu mang, nhưng tôi cũng xuất thân từ đó. Hóa ra, chúng tôi, xã hội nào cũng dùng được. Cứ nhồi nhét tư tưởng vào là xong phải không? Dùng xong việc rồi thôi phải không? Các đồng chí chủ trương thế à? Trách ai, trách làm gì?! Một khi góp phần vào khối sức mạnh của toàn đảng toàn dân. Đừng nghĩ rằng tôi trách các đồng chí. Tôi sắp từ bỏ thế giới của anh nên nói cho hả. Riêng Sơn đây là lần đầu tiên anh được nghe nàng giãi bầy. Bản thân thất học, trưởng thành trên đường phố và đường đời, được nghe độc thoại như một bài thuyết giáo mà anh chưa từng nghe, Sơn nhìn Huệ như nhìn một người khác hẳn. Nàng là cô giáo, vẫn là cô em gái chăm ngoan, là cử nhân văn chương, một người biết hùng biện. Những giây phút sắp phải từ giã cõi đời mà nàng vẫn rất bình tĩnh, ý tưởng rõ ràng, phát ngôn mạch lạc. Còn mình trong những phút ghen tuông đã xúc phạm nàng, sẩy miệng rồi biết đá đưa thế nào, muộn mất rồi. - Tình yêu của anh đối với tôi vĩ đại đến thế sao?! Hóa ra là cái tình yêu mà anh cho là vĩ đại ngày ấy chỉ dùng được khi anh nằm trong thước ngắm của cảnh sát Sài gòn. Sau đó thì nó bằng cái gì? Tôi không dám nghĩ tới nữa, thật ghê tởm. - Huệ, hãy nghe anh nói. Đang bị treo lơ lửng, Hoàng vẫn cố gắng. - Đừng cản tôi-Huệ gay gắt dần lên-Anh không còn gì để nói cả. Chỉ có tôi, phải nói hết trước khi tôi nằm dưới kia. Huệ như đang trăng trối, Sơn bủn rủn chân tay, mới mất cha ngày nào, nay lại lâm vào cảnh này. Hoàng đang bị treo cũng cảm thấy như bị rơi trong không trung. Nàng lại tiếp: - Lợi dụng hoàn cảnh, đưa người ta đi kinh tế mới để ép con gái người ta. Anh đi làm cách mạng để rồi hôm nay đánh mất mình, hưởng thụ hả? - Anh xin em, anh cũng chỉ là con người thôi. Hoàng sám hối muộn màng. - Là người thôi à? Cần một xã hội thuần nhất cộng sản nên kiên quyết loại bỏ kẻ bất thuần. Nhưng lại hưởng thụ thú vui thể xác một cách bừa bãi. Làm sao thành công được? Anh chỉ là con người thôi à? Anh định đổ lỗi cho Adong và Eva à(67)? Làm nhưng không dám chịu trách nhiệm về việc mình làm, đáng mặt đàn ông nhỉ? Trong lịch sử Việt Nam có đủ các nhân vật để anh có thể trút trách nhiệm lên họ. Người đã chết thường rất rộng lượng. Trần Hưng Đạo, Lê Lợi chịu trách nhiệm về bộ máy cai trị. Nguyễn Trãi về văn hóa. Nguyễn Huệ về quân sự, quốc phòng. Còn canh nông thì ai? Huệ vẫn độc diễn trước 2 người đàn ông nhu nhược và bất lực. - Sau 6 tháng nữa vụ khoai mì mới được thu hoạch. Anh thừa biết những người lên vùng kinh tế mới này đều là dân thành phố, cấy cày chẳng biết. Bây giờ đàn bà thì bán trôn nuôi miệng, còn đàn ông thì sống bằng bằng gì? Anh lợi dụng chút hư danh của mình, để kiếm trác, tư lợi nên không hiểu à? Hoàng chỉ biết im lặng ngay cả khi bình tĩnh, cũng không đủ khả năng để tranh luận với Huệ, càng không thể nói gì trong lúc này. Quay sang phía Sơn, Huệ lại tiếp: - Anh ba này, Ba đã qua đời. Em không còn mang nợ ai cả. Với anh, em vừa là em, vừa là vợ nhưng không phải người yêu. Có thể anh không hiểu, đừng bao giờ quên rằng khi yêu người ta phải tin người mình yêu, cái đó trong anh không có. Em đã mang thai 3 tuần, không muốn báo cho anh, vì trong hoàn cảnh này chắc chắn anh sẽ nghĩ rằng đó là tác phẩm của người đàn ông hèn nhát kia. Em không muốn con em bị vô thừa nhận như thế, dù là một ngày. Nó chỉ là của em thôi. Còn nữa, anh nên tha cho người đàn ông kia vì con hắn sắp ra đời. Dù hèn nhát nhưng trước mặt đứa con, hắn cũng là một người cha. Mà thực ra, hắn không đáng được chết cùng ngày cùng tháng với em ở đây. - Ba, con xin lỗi Ba đã không báo hiếu với Ba, sức chịu đựng của con đã cạn kiệt rồi, không thể chờ đến khi đứa cháu của Ba ra đời, để có người nối dõi. Huệ đau đớn ngẩng mặt lên trời gọi tên cha mình. Rồi nàng nhìn xuống cái bụng lùm lùm của mình mà than: - Mẹ xin lỗi con, vì không thể chờ con chào đời. Hình ảnh ông Hai như đang trìu mến nhìn cô, ông đang ở đâu đây. - Ba ơi, chờ con. Vừa dứt lời, Huệ gieo mình xuống vực, với chiếc khăn trắng tinh, nàng vẽ ra một đường cong mỏng đi thẳng vào vực sâu. Tiếng thét của Sơn vang động núi rừng, truyền đi một nỗi đau từ trong sâu thẳm trái tim. Trong lúc nóng giận nhất thời, anh đã giết chết vợ con mình. Sơn đổ ập xuống, Hoàng ngất lịm, mềm nhũn trong những vòng dây thừng lỏng lẻo quấn quanh người, hắn gục xuống như một xác chết. Sau tiếng thét xé màn đêm, Sơn lặng lẽ quỳ, hướng về phía vực sâu, xót xa. Rồi anh ngẩng mặt lên trời, chợt nhận ra rằng mình cũng là một con chiên của Chúa, từ khi rửa tội đến nay, đã mấy chục năm qua không đi nhà thờ. Anh đau đớn thốt lên: Lạy Chúa, tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi.(68). ______________________Chú thích:(61) Ở những nơi công cộng, người ta làm ra những chỗ đậu xe công, có người ngồi trông coi và thu tiền. (62) Dáng đi của người tập võ khác với người bình thường. (63) SAMIT là một nhãn hiệu thuốc lá của Thái Lan, thịnh hành hồi đó. (64) Nhựa cây cao su. (65) Rừng Sác nay là huyện Cần giờ, TP Hồ Chí Minh, từng là căn cứ địa quan trọng của quân Việt Cộng trước 1975 ở miền Nam Việt Nam. (66) LÒ VÕ là nơi huấn luyện võ thuật nhỏ, thường tự lập ra như một câu lạc bộ địa phương. (67) Theo kinh thánh, Adong và Eva là hai người đàn ông và đàn bà đầu tiên của loài người. (68) Một câu trong kinh thánh.